Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Những mẩu chuyện rất ngắn, rất hay

-

-

Thuở nhỏ, nhà tôi nghèo lắm. Mỗi chiều, anh em tôi thường tụ lại bên nồi cơm độn khoai sắn, ríu rít như đàn chim về tổ. Thiếu thốn nhưng chúng tôi nhường nhau phần thức ăn ngon nhất, mẹ tôi rất vui lòng.
Những mẩu chuyện rất ngắn, rất hay

Quà sinh nhật

Trong năm đứa con của má, chị nghèo nhất. Chồng mất sớm, con đang tuổi ăn học. Gần tới lễ mừng thọ 70 tuổi của má, cả nhà họp bàn xem nên chọn nhà hàng nào, bao nhiêu bàn, mời bao nhiêu người. Chị lặng lẽ đến bên má: "Má ơi, má thèm gì, để con nấu má ăn?" Chưa tan tiệc, Má xin phép về sớm vì mệt. Ai cũng chặc lưỡi: "Sao má chẳng ăn gì?" Về nhà, mọi người tìm má. Dưới bếp, má đang ăn cơm với tô canh chua lá me và dĩa cá bống kho tiêu chị mang đến...
 

Sầu Riêng

- Mẹ, sầu riêng rộ. Mẹ mua cho Nội một trái đi Mẹ. Nội nói cả chục năm rồi Nội chưa ăn múi nào hết.

- Bên đây sầu riêng mắc như vàng, của đâu mà cho Nội mày ăn cho đủ. Tao hầu Ba mày mệt rồi, thêm Nội mày nữa có nước đem chôn tao sớm.

Thằng Tí như bị hụt hẫng trước câu trả lời của Mẹ nó. ... Mùa sầu riêng năm sau, Nội nó mất. Hôm giỗ đầu, Mẹ nó mua một trái sầu riêng thật to để trên bàn thờ.

Mẹ nó nói với mọi người:

- Má chồng tôi hảo sầu riêng lắm. Mắc cách mấy tôi cũng ráng mua để cúng Má tôi.

Mọi người khen Mẹ nó là dâu thảo. Chỉ có thằng Tí biết.

Nó lặng lẽ đến cạnh bàn thờ thì thầm: - Xin Nội tha lỗi cho Mẹ con
 
 
Bông điên điển.
Nguyễn San

Xưa, em sống ở quê. Mùa lũ, em ngâm mình mò củ ấu, hái bông điên điển. Tuổi mười lăm ngai ngái mùi bùn.

Em tìm về thành phố. Học đi, học nhảy, học liếc mắt cười tình. Tuổi thiếu nữ đôi mươi vành vạnh, thơm phức và kiêu hãnh.

Một bữa, em chạy ra từ trong khách sạn. Chiếc giày cao gót lật quai lăn tõm xuống cống đen ngòm để lộ đôi chân phèn tứa máu. Em khóc tức tưởi. Nước mắt ân hận làm trôi những thứ bôi trét giả tạo. Khuôn mặt lộ dần những nét quê xưa.

Em chợt nhớ những cánh hoa điên điển sắp tàn còn kịp ửng vàng trước lúc hoàng hôn.   


Em tôi

Bám đất Sài Gòn sau 3 năm ra trường, tôi vẫn không xin được việc. Đôi cua dạy kèm, khi chẳng đủ trang trãi lại phải nhờ nguồn “trợ cấp”ở quê. Vừa rồi, đau ruột thừa, nằm viện. Mẹ vượt ngàn cây số vào thăm. Ngày về, dúi vào tay tôi chỉ vàng, bảo: “Của cái Lan, nó dặn con dùng để hồi sức, viện phí và tiền gởi vào cho con trước đây cũng một tay nó cả. Tội nghiệp! Dạy thêm tít mù, còn nuôi thêm cả lợn”.

…Nhớ ngày Lan trượt đại học, thư về tôi mắng chẳng tiếc lời…

Cầm món quà của em, tôi chỉ còn biết nuốt nước mắt vào trong.


Ngày xưa  
Huỳnh Văn Dân

Thuở nhỏ, nhà tôi nghèo lắm. Mỗi chiều, anh em tôi thường tụ lại bên nồi cơm độn khoai sắn, ríu rít như đàn chim về tổ. Thiếu thốn nhưng chúng tôi nhường nhau phần thức ăn ngon nhất, mẹ tôi rất vui lòng.

Khi chúng tôi khôn lớn, có gia đình riêng, ai cũng khá giả. Hôm giỗ ba, có mặt đông đủ, anh Hai tôi phàn nàn với mẹ cây xoài của anh Ba mọc chồm qua sân nhà anh. Chị Ba trách anh Tư đào ao lấn qua phần đất của chị hai tấc. Mẹ tôi trầm ngâm: "Mẹ ước gì được trở lại thời nghèo khó ngày xưa."


Ca dao thương mẹ    
Trung Dung
 
Ba bị tai nạn mất khi mẹ chưa bước vào tuổi bốn mươi. Mẹ ở vậy nuôi con.

Con lêu lổng chơi bời, mẹ khóc.

Con ngoan, học giỏi... Mẹ cũng khóc khi đốt nhang cho ba.

Hồi đó, con đâu hiểu sao ít thấy mẹ cười.

Lớn lên, nghe câu hát "... Mẹ đi lấy chồng con ở với ai..." Con lại khóc vì thương mẹ.
 

Tính Cách
Nguyễn Thị Hoài Thanh

Mẹ tôi buôn bán, chai lỳ trước cái cân cơm áo nhưng mẫn cảm trong nghệ thuật. Những nước mắt tình buồn phim ảnh, những sụt sùi số phận cải lương, bà đều hồn nhiên "ăn theo" một cách ngon lành. Có lần, cha tôi giỡn:

- Coi chừng trôi ti vi....

- Còn sách ông chưa viết ra đã hóa đá - Mẹ tôi trả miếng - Thế cũng mang danh nhà này, nhà nọ.

Một hôm, đang bữa ăn, bỗng nhiên mẹ tôi chạy vụt ra đường chận đường con bé bán trứng vịt lộn.

- Mày biến đâu tài thế. Hì! có chui xuống đất rồi cũng gặp tao - Bà vừa nói vừa giằng mủng trứng, đếm lấy trừ nợ.

- Dì ơi, cho con khất, mẹ con còn ốm!

- Nhà này cũng đang ốm đây - Mẹ tôi cười bù - Khỏi bẻm mép.

Con bé chưng hửng, lã chã nước mắt nhìn cải mủng không, rồi bưng lên, xiêu vẹo bước đi.... Cha tôi cám cảnh, quay mặt, rút mùi soa chấm mắt.

Lâu sau, ti vi phát vở kịch "Cô bé nghèo bán trứng bị xiết nợ". Lúc ấy, mẹ tôi lại khóc, còn cha tôi thì cười. 
 
 
Ngày xưa ta bé.
 
Ngày đó, cùng chung xóm nhỏ, em hay rủ chơi "bịt mắt bắt dê".

Sợ bị ăn gian, em tự tay gấp khăn thật kỹ.

Vậy mà, chưa hết một vòng sân, anh đã bắt được em. Em giãy nãy bắt đền, anh phải chịu thua.

Lớn, phiêu bạt kiếm sống, nhìn lũ trẻ chơi trò năm cũ, anh nhớ xóm nhỏ, nhớ em .... da diết ngậm ngùi.

Ngày xưa, chưa giáp một vòng sân.....

Bây giờ, có ai bịt mắt đâu, sao anh tìm em, tìm hoài không thấy !
 
 
Vết sẹo  

Ngày bé, anh và em hay chơi trò cút bắt. Lần nọ té ngã, máu đầu gối chảy nhiều.

Anh xuýt xoa theo từng giọt nước mắt của em, luôn miệng hứa che chở suốt đời, không bao giờ để đau nữa.

Lớn, anh du học, không thấy về.

Ngày mẹ anh mất, anh dẫn một cô da trắng, tóc vàng về chịu tang.

Em đứng nép sau bậu cửa, nhìn sang.

Bất chợt vết sẹo ở chân nhức buốt....
 
 
Đánh đổi

Chị yêu anh, vẻ lãng mạn, coi thường vật chất. Chị xa anh cũng lẽ đó.

Nhân chứng cuộc tình là chiếc xe đạp, chở đầy kỷ niệm một thời yêu nhau.

Mười năm xa cách, anh lao vào mưu sinh, công thành, gia sản ít ai bằng.

Tình cờ chị gặp anh, chiếc xe đạp ngày xưa trang trọng trong phòng khách biệt thự, chị hỏi:

- Anh còn giữ nó?

Anh nghẹn ngào:

- Anh làm ra những thứ này mong đổi được những gì đã có trên chiếc xe đạp này ngày xưa.
 
 
Quà tặng của Thượng Đế

Cô đã hơn một lần thủ thỉ với mẹ:

- Anh ấy là món quà quý giá nhất mà Thượng đế đã ban tặng cho con.

Lần nào nghe xong mẹ cũng mỉm cười.

Cô đã yêu, yêu bằng tất cả những gì mà cô có được.

Cô hồn nhiên và hạnh phúc bên anh mặc kệ bao thăng trầm của cuộc sống.

Với cô, anh là phần đời quan trọng nhất.

Rồi ngày kia. Thượng đế lại đến, nhưng trớ trêu, lấy nhằm món quà của cô đem tặng kẻ khác.

Ðêm nào cô cũng ôm gối mỏi mòn tự hỏi vì sao.....

Mẹ nằm bên khẽ nén tiếng thở dài.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây