Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Hành hương về Roma. Phần 6

-

-

6g sáng ngày 06/7/2013, sau khi ăn sáng tại khách sạn, chúng tôi đi bộ đến Quảng trường Thánh Phêrô. Theo chương trình, buổi triều yết Đức Thánh Cha sẽ diễn ra lúc 11g40 tại Điện Giáo Hoàng (Apostolic Palace, Papal Palace).
Hành hương về Roma. Phần 6.
 
Có một điều tôi vẫn băn khoăn trong suốt những ngày hành hương về Rôma. Ngay khi nhóm chúng tôi gặp nhau tại khách sạn Casa Bonus Pastor, anh em ôm nhau mừng rỡ. Chưa kịp sắp xếp đồ đạc, chúng tôi kéo nhau ra ngoài sân để dễ dàng trò chuyện.
 
Tôi bắt đầu câu chuyện với lời khen Đức Ông Nguyễn Quang đã viết và đọc Lời Giao Tâm cho CD Vui Mừng Và Hy Vọng thật hay. Nội dung đã hay, mà cái giọng Bắc trầm ấm như xoáy vào lòng người nghe. Đức Ông Quang nghe xong liền trở nên đăm chiêu:
 
- Mình thấy các bậc cha mẹ có bao giờ cầu xin cho con cái mình nên thánh! Ai cũng cầu cho con cái mình mạnh khỏe, khôn ngoan, thành đạt, sung sướng, giàu có… trong khi cái cùng đích của cuộc đời Kitô hữu là…nên thánh!

 

Anh em gặp nhau. Từ trái sang phải: Vũ Quang Hà, Đức Ông Nguyễn Quang, Lê Văn Hùng, Nguyễn Cả.
 
Nghe những lời đó tôi cũng hơi nhột trong bụng, vì tôi cũng có con cái, và suy đi nghĩ lại không biết trong mấy chục năm qua đã có lần nào tôi mở miệng cầu xin Chúa cho con tôi nên thánh? Ngay cả bản thân, hình như chưa bao giờ tôi đặt cho mình mục tiêu rõ ràng phải nên thánh!
 
Trong tâm trí tôi, Tôi tớ Chúa Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận là một vị thánh. Tất cả những gì diễn ra trong mấy ngày hôm nay, những cuộc gặp gỡ, cho tôi thêm xác tín về điều đó.
 
Khi tôi nói chuyện với bà xã về ý định đến Roma tham dự Lễ Kết thúc Án phong Chân phước cho Đức HY PX, bà xã tôi hỏi lại: - Đi ra nước ngoài khó lắm, anh có chắc sẽ đi được không? Tôi trả lời: “Nếu Đức HY muốn thì mọi việc sẽ dễ dàng, còn nếu Đức HY không muốn anh hiện diện thì anh cũng sẽ không buồn gì đâu!”
 
Và Đức HY PX đã muốn tôi hiện diện trong sự kiện quan trọng này, có lẽ để soi sáng và tiếp sức cho tôi trong quãng đường còn lại của cuộc đời. Vì thế, lời của Đức Ông Nguyễn Quang cứ làm tôi day dứt  mãi trong suốt những ngày hành hương tại Rôma và cả khi quay trở về nhà.

 

Bên kia hàng cột là Quảng trường Thánh Phêrô.


Bên trong Quảng trường Thánh Phêrô.
 
Ngày 06/7/2013: Buổi triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô.
 
Rời khỏi thính đường Antonianum, lúc đó khoảng gần 19g ngày 05/7, chúng tôi bắt taxi về Quảng trường Thánh Phêrô. Bầu trời vẫn còn đầy ánh sáng. Bây giờ là mùa hè, mặt trời chỉ bắt đầu lặn khoảng sau 9g30 tối.
 
Bên trái Quảng trường Thánh Phêrô, đi bộ chừng 10 phút, có một nhà hàng của người Tàu, phục vụ các món ăn phù hợp với khẩu vị của người Việt. Đây là nơi chúng tôi thường đến ăn tối trong những ngày lưu lại tại Rôma. Một phần cũng vì nhà hàng khá gần khách sạn, từ đây có thể đi bộ về khách sạn để nghỉ tối.
 
Bữa ăn tối là lúc chúng tôi ăn “chắc bụng” sau một ngày lặn lội mệt nhọc. Thường thì bao giờ cũng có món cơm và các món thuần túy Việt Nam: canh cá, rau cải xào, cá chiên, thịt vịt… Đây cũng là lúc chúng tôi trò chuyện để nhìn lại một ngày qua, chia sẻ những cảm nhận và bàn bạc chương trình cho ngày mai. Vì thế bữa ăn tối của chúng tôi kéo dài đến tận 11g đêm mới về lại khách sạn.

 





Ăn tối với các món ăn phù hợp với người Việt tại một nhà hàng Tàu.
 
6g sáng ngày 06/7/2013, sau khi ăn sáng tại khách sạn, chúng tôi đi bộ đến Quảng trường Thánh Phêrô. Theo chương trình, buổi triều yết Đức Thánh Cha sẽ diễn ra lúc 11g40 tại Điện Giáo Hoàng (Apostolic Palace, Papal Palace). Do buổi triều yết được tổ chức bên trong Điện Giáo Hoàng, nơi Đức Thánh Cha thường tiếp đón các phái đoàn ngoại giao, nên chỉ những ai có ticket mới tham dự được. Vì lý do an ninh, chúng tôi và các khách mời khác chỉ mới được nhận ticket vào chiều hôm qua sau buổi hòa nhạc tại Thính đường Antonianum.
 
Vì muốn tham quan St. Martha's House (tiếng la tinh là Domus Sanctae Marthae), nơi Đức Thánh Cha đang cư ngụ, chúng tôi được Đức Ông FX Cao Minh Dung đưa vào qua hướng cổng dành riêng cho các viên chức làm việc tại Vatican. Khác với bên ngoài Quảng trường, khu vực này vắng ngắt không một bóng người, đó đây là những trạm gác của vệ binh, họ đứng nghiêm tay đưa lên trán chào mỗi khi chúng tôi đi qua. Đây là ngôi nhà được xây dựng dưới triều Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II. Việc xây dựng được hoàn tất năm 1996 và được sử dụng như một Nhà Khách và nơi ở cho các viên chức cấp Bộ làm việc tại Vatican. Trong thời gian bầu Giáo Hoàng vừa qua, ngôi nhà này dùng làm nơi lưu trú cho các Hồng Y quy tụ về Roma. Sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn một phòng của ngôi nhà này làm nơi ở của ngài. Ngay lối cửa vào chính có treo cờ Tòa Thánh. Bên trong ngôi nhà được bài trí khá đơn giản và không gian rộng rãi, thoáng đãng. Thật sung sướng khi chúng tôi được phép vào thăm viếng bên trong ngôi nhà của Đức Thánh Cha. Ở đây không được phép chụp hình nên chúng tôi chỉ ghi lại vài hình ảnh từ bên ngoài.

 


 
Từ St. Martha's House, chúng tôi đến tiền sảnh Đại Thính đường Phaolô VI, nơi tập trung để được hướng dẫn vào Điện Giáo Hoàng. Đây là một thính đường lớn, nằm bên trái Đền Thánh Phêrô, theo hướng nhìn từ ngoài vào. Thật ra, Đại Thính đường này thuộc sở hữu của Vatican lại nằm phần lớn trên phần đất của Italia, chỉ một phần nằm trong lãnh địa Vatican. Đại Thính đường Phaolô VI được xây dựng và thiết kế rất hiện đại, với 6.300 chỗ ngồi, là tác phẩm của kiến ​​trúc sư người Ý Pier Luigi Nervi và được hoàn thành vào năm 1971. Mái của tòa nhà được bao phủ bởi 2.400 tấm quang điện, tạo ra đủ điện để cung cấp cho mọi nhu cầu sinh hoạt của tòa nhà quanh năm.

 



Từ St Martha's House đến Đại Thính đường Phaolô VI.


Anh Nguyễn Cả bên trong Đại Thính đường Phaolô VI rất lớn và hiện đại.


Nguyễn Trí Nghị, con trai anh Nguyễn Cả.


Vẻ lộng lẫy, sáng sủa bên trong Đại Thính đường Phaolô VI
 
Nếu đi từ cánh trái Đền Thánh Phêrô, khách mời phải qua cổng ngăn có vệ binh Thụy Sĩ canh gác, và phải trình ticket mới vào được. Khi chúng tôi đến nơi, chỉ mới lác đác vài người, nhưng chỉ trong chốc lát, dòng người đến càng lúc càng đông, ai cũng háo hức được gặp Đức Thánh Cha bằng xương bằng thịt, mặt đối mặt. Tiếng cười nói râm ran, những câu chuyện hàn huyên, trao đổi giữa những người Việt với nhau, tay bắt mặt mừng. Tôi có cảm tưởng như đang ngày Tết ở Việt Nam. Ai cũng muốn chụp hình chung với nhau để lưu niệm.

 

Tại tiền sảnh Đại Thính đường Phaolô VI


Tại tiền sảnh Đại Thính đường Phaolô VI nhìn qua Đại Vương Cung Thánh đường Thánh Phêrô.


Anh em chụp hình lưu niệm với Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, em gái Đức Cố HY PX Nguyễn Văn Thuận.
 
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng giới thiệu anh em Cựu Chủng sinh Huế chúng tôi với Cáo Thỉnh viên Án phong Chân phước cho Đức HY PX, Tiến sĩ Waldery Hilgerman, người Hà Lan. Ông chuyện trò thân mật và vui vẻ chụp hình lưu niệm với chúng tôi. Khi anh Nguyễn Cả giới thiệu tôi là người đến từ Việt Nam, ông vội vàng chủ động bắt tay thân mật.

 



Cáo Thỉnh viên, Tiến sĩ Waldery Hilgerman, bắt tay thân mật Đức Ông Nguyễn Quang và Lê Văn Hùng


Và chụp hình lưu niệm với anh em Cựu Chủng sinh Huế.


Có cha Huỳnh Công Minh (Sàigòn), cha Trần Đình Trọng (Australia)...
 
Sau đó chúng tôi được hướng dẫn đến Điện Giáo Hoàng. Một chút ngỡ ngàng khi lần đầu tiên chúng tôi bước chân vào một cung điện nguy nga lộng lẫy như trong các câu chuyện thần thoại. Bên ngoài, tại hành lang và tại vị trí các cầu thang đều có 2 vệ binh Thụy Sĩ canh gác. Toàn bộ tường và trần nhà là những tác phẩm điêu khắc và hội họa đã tồn tại qua nhiều thế kỷ. Tôi không nhớ phải lên đến tầng thứ mấy, và đứng chờ bên ngoài hành lang chừng 20 phút. Cuối cùng những người tham dự được mời vào một hội trường, có tên gọi là Clementine Hall, với sức chứa khoảng hơn 200 chỗ ngồi.

 

Công trình nghệ thuật tại Điện Giáo Hoàng đang được bảo tồn rất kỹ càng. Hình bên ngoài hành lang.


Rất lộng lẫy. Nguồn hình: Vĩnh Tiến.


Trên trần hành lang.


Trần nhà bên trong Clementine Hall, nơi diễn ra buổi triều yết Đức Thánh Cha.
 
Đúng 11g40 phút, Đức Thánh Cha xuất hiện. Như thông lệ, người ta đặt chiếc ghế gỗ bọc nệm màu trắng cho Đức Thánh Cha, hai bên có hai chiếc ghế nhỏ cho 2 Đức Ông phụ trách nghi lễ. Từ khi tiếp nhận ngôi vị Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô không sử dụng chiếc ghế sang trọng cầu kỳ như các vị tiền nhiệm, thay vào đó là chiếc ghế đơn giản, hầu như không có gì nổi bật.

 

Bên trên là chiếc ghế đơn giản của Đức Thánh Cha trong buổi triều yết.


Bên dưới là những người tham dự với nụ cười thân thiện...
 
Sau khi Đức HY Peter Turkson, chủ tịch Hội đồng Công lý & Hòa bình nói mấy lời chào mừng, Đức Thánh Cha đã có bài huấn từ, trong đó ngài dùng nhiều từ ngữ để ca tụng Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận: “Tiếng tăm thánh thiện”, “nụ cười hiền hòa”, “tâm hồn cao cả”, “thừa tác viên lòng từ bi và tình thương của Chúa”. Đức Thánh Cha đã dùng từ ngữ “đơn sơ và sâu xa” để nói về các tác phẩm của Đức Cố HY. Cuối cùng, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người “cảm tạ Thiên Chúa vì người Anh đáng kính này, người con của Phương Đông, đã kết thúc hành trình trần thế của người trong việc phục vụ người kế vị Thánh Phêrô”.


Đức Thánh Cha Phanxicô lắng nghe lời chào mừng của Đức HY Peter Turkson




Đức Thánh Cha đọc bài Huấn từ.


Đức Thánh Cha ban phép lành.


Một bức tượng Đức Mẹ được tiến dâng lên Đức Thánh Cha.
 
Có khoảng 40 người được vinh dự hôn nhẫn Đức Thánh Cha, trong đó Gia đình CCS Huế có 2 đại diện: Đức Ông Nguyễn Quang và anh Nguyễn Cả.
 
Buổi triều yết diễn ra trong thời gian khoảng 30 phút. Tôi cố gắng tiến lên phía trên để được gần ngài hơn. Cuối cùng Đức Thánh Cha tiến tới gần chúng tôi, ngài đi một vòng, bắt tay và vẫy chào mọi người trước khi ra khỏi phòng bằng cửa bên phải.

 
 
Trên khuôn mặt mọi người tôi thấy được niềm sung sướng và mãn nguyện. Trong khi mọi người chuyện trò, anh em chúng tôi cùng nhau ghi lại một số hình ảnh lưu niệm bên chiếc ghế ngài vừa ngồi như để nhắc nhở rằng: Chúng con luôn ở bên Đức Thánh Cha.

 

 



Chúng con luôn ở bên Đức Thánh Cha.
 
Trở lại những tâm tình đối với Tôi tớ Chúa Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận. Khi đọc bài huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong đó có đoạn đánh giá những tác phẩm của Đức Cố HY PX là “đơn sơ và sâu xa”, tôi nhớ lại một câu chuyện tại quê nhà.
 
Tôi có một người quen từng thổ lộ với tôi một sự việc. Anh này vốn là người có đạo, nhưng mấy chục năm xa rời đời sống tôn giáo để theo đảng. Người mẹ già của anh vừa mất cách đây vài năm, trong những ngày cuối đời, yêu cầu các con thay phiên nhau đọc cho bà nghe cuốn “Đường Hy Vọng”, “Năm Chiếc Bánh Và Hai Con Cá” của Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận. Anh đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần 2 cuốn sách đó. Sau khi người mẹ mất, anh đã tìm đến linh mục quản xứ để xin xưng tội. Thời gian gần đây tôi thấy anh vẫn thường đi lễ ngày Chúa Nhật. Tâm sự với tôi, anh nói rằng anh bị cảm hóa và hối cải bởi những lời lẽ của Đức Cố HY, những lời ngắn gọn, cô đọng, chính xác, và đặc biệt rất gần gũi với cuộc sống.

 
 
Khi chúng ta đọc những tác phẩm của Đức Cố HY PX, nếu chúng ta không bị đánh động, không có một phản ứng, suy nghĩ gì, thì có lẽ vì chúng ta đã quá bằng lòng với lối giữ đạo máy móc, thụ động, đồng nghĩa với sợ gian khổ, sợ hy sinh… Khi gặp gỡ những người gặp nhiều buồn đau trong cuộc sống, tôi thường nói với họ: Kitô giáo là đạo của thập giá. Chúng ta không thể chạy trốn thập giá! Và đây là đoạn tin nhắn Đức Thánh Cha Phanxicô đưa lên Twitter ngày 11 tháng 10 vừa qua, hướng dẫn chúng ta khi đối mặt với đau khổ: “Khi chúng ta gặp phải Thập giá, hãy hướng về Mẹ Maria: Lạy Mẹ Maria Mẹ chúng con, xin cho chúng con sức mạnh để đón nhận và ôm lấy Thập giá!“ (When we encounter the Cross, we turn to Mary: Give us the strength, Mary our Mother, to accept and embrace the Cross!). Đức Cố HY PX cũng mô tả con đường nên thánh là con đường không thể vắng bóng gian khổ: “Tránh gian khổ con đừng trông làm thánh” (ĐHV 702); tuy nhiên ngài chỉ cho chúng ta những cách để vượt qua: Sống đức ái, sống giây phút hiện tại, và cầu nguyện. Ngài mô tả con đường nên thánh đó là con đường “Vui Mừng Và Hy Vọng”.
 
(Còn tiếp)

Tác giả: Lê Văn Hùng HT69

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây