Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Duyên Hội Ngộ. Phần 1: Đà Lạt.

-

-

Nhớ lại cái Hội Ngộ lần 1, đêm chia tay lớp tổ chức trao bằng khen và huy chương của Tòa Thánh cho các cặp đôi hoàn hảo. MC Hòa dõng dạc lên mi cà rô ầm ầm làm cả phường đủ cả quân và dân tập trung về cổng nhà tui cùng chia vui ké.
Duyên Hội Ngộ. Phần 1: Đà Lạt.
 
Trong cái lớp HT67 nầy, ngoài dân gốc hoặc sống đã lâu ở Huế như Trần và Huỳnh Văn Dũng, Hảo, Hòa, Thần, Long, chứ Cương và Úy hai thằng tui là dân biển, dân phá nhập cư sau ni, hai chục năm đổ lại thôi. Vì rứa nên phải chọn giáo xứ ngon ngon, thằng Phú Cam đứa Dòng mà ngụ. Úy “usd” lọt ổ Dòng. Tưởng bở, giờ vỡ mộng vì bao quanh hàng xóm là cán bộ nên chi đến đây là phải suy niệm trong lòng chứ không phải như chỗ tui, mỗi lần hắn lên là cái miệng oang oang.
 
 
Nhớ lại cái Hội Ngộ lần 1, đêm chia tay lớp tổ chức trao bằng khen và huy chương của Tòa Thánh cho các cặp đôi hoàn hảo. MC Hòa dõng dạc lên mi cà rô ầm ầm làm cả phường đủ cả quân và dân tập trung về cổng nhà tui cùng chia vui ké.
 
Một đêm hoành tráng nhớ đời. Vì sao được như rứa? Chẳng lạ chi cả, vì vị trí đắc địa, mang danh Phú Cam “thành trì Xitô” nhưng bao quanh Đông Tây Nam Bắc đều có Chùa, tả hữu Từ Đàm Capital và Linh Quang Orginal nổi danh, ở Chùa mà nghe nói Chúa thì ai mà nằm yên?

 
 
Mỗi sớm tiếng gõ mõ, rồi chuông vang trên Thập Tự, hai dòng kinh hòa trong tôi, hồn thêm lai láng. Một hôm nghe bài thuyết pháp qua mấy cặp loa cả ngàn oát về “nhân duyên”. Nhờ rứa chừ mới rõ cái “nhân duyên” là thế nào, học triết Đông lâu rồi và khi nớ còn non chưa thấu hiểu.
 
Nhân là một nguyên nhân, là một hạt giống, là một yếu tố trực tiếp để tạo ra một cái gì đó. Thí dụ một hột mít nó sẽ mọc thành cây mít. Khi nói đến duyên là chúng ta nói đến cái gì ảnh hưởng không trực tiếp. Lấy thí dụ với một cây được mọc lên, chúng ta nói hạt giống là nhân. Phân, đất, nước, thời tiết để chăm sóc cây, tất cả là duyên. Duyên thì có rất nhiều thứ. Duyên lành đối với chánh pháp, tương duyên đối với người khác chung quanh mình…”
 
Nôm na như vậy, tháng 7 nầy mình có “tương duyên” là gặp gỡ nhau. Hội ngộ là Nhân, Duyên là sự đến, có người đi cả nhà, nhưng có nhiều người không thể vì tuổi tác, sức khỏe, công việc… vắng mặt mà ai ai cũng mong góp phần, mong đến gặp nhau sau bao năm xa cách. Tạm gọi là có “duyên ước”?  Kiểu lý luận nầy các Sư mà nghe được chắc cho xuống tóc ngay. Nói theo chánh pháp là ai đến được là có “duyên hội ngộ”. Vì rứa nên mới viết về cái duyên nầy cho anh em cùng đọc bớt buồn vì lỡ theo tỉ số uân cúp tan tành.
 
Duyên gì chứ cái duyên hội ngộ nơi tui “bị” kha khá. Kể chuyện nầy thì hơi xấu hổ một chút nhưng thôi che tai lại mà viết. Chuyện là mới đây thôi, chúng tôi vô Sài Gòn mà không ở lại, chuyện hi hữu lần đầu tiên, vì trong bụng muốn trốn gặp anh em, thiệt là vô duyên hội ngộ?
 
Công bình mà nói thì xa Đà lạt đã hơn mười lăm năm rồi, chừ nao nức thăm lại và cũng là dịp tránh luôn cái nóng hè. Suốt năm ngày ở đó, cắn răng tĩnh tâm không một cốc bia giọt riệu, tưởng đâu thanh thản nhẹ nhàng... Nhưng không! Chốn đông đúc toàn người xa lạ, nhìn vợ hoài mà ngán ngẩm. Dù có mấy cái số phôn của học trò và đồng nghiệp ngày xưa ở đây, nhưng thôi khỏi kêu. Chợt nhớ về CCS, gọi Lê Văn Hùng HT69, chú nầy ban truyền thông cho nên chắc thông nhiều điều. Bên kia đầu dây bảo ở Đà Lạt có Bùi Văn Bính lớp em, dễ thương lắm, rồi cho số điện thoại để liên lạc. Mừng vì có người để uống vài li…
 
Hẹn nhau bên bờ Xuân Hương tuyệt đẹp, e hơn bốn chục năm mới gặp lại, sau mấy giây tôi nhận ra chú Bính ngay, vẫn khuôn mặt ngày ấy, giờ chỉ bớt tóc trán cao thêm, phoọc to điển trai. Vẫn giọng nói Quảng Trị thân thương có pha ti tí miền Nam, phải tinh tai mới phát hiện.
 
Lại một cuộc hội ngộ tình cờ. Cái lạnh buổi sớm Đà lạt pha với cái ấm tình thân, một cảm giác lâng lâng khó tả. Sau mấy câu thăm hỏi gia đình, lược sơ chặng đường lưu lạc, học hành công việc... Nghe chú nói mà cứ ngỡ là đang kể về mình…Xa nhau mỗi người mỗi ngả, nhưng cùng vào sư phạm, cùng làm truyền thông, cùng chuyển lại nghề chính…. Rồi cả hai bà vợ cùng nghề y, xinh gái thiệt.

 

Vợ chồng Bùi Văn Bính HT69 (trái) và vợ chồng Pham Thanh Cương (phải)
 
Quen bệnh nghề nghiệp, tôi “phỏng vấn” thím An cho biết cảm tưởng khi sống với dân tộc taru. Gương mặt long lanh chị bật ra một tiếng “tuyệt”, chứ không phải như vợ của Nguyễn Văn Ái nhà ta hồi cái đêm Lavang kêu “sướng”, nghe còn vương vấn mùi trần. Chị còn kể tiếp là không chỉ riêng em mà hai cháu cũng rất rất ngưỡng mộ anh nữa đó. Đúng thế, qua cuộc tiếp xúc ân tình nầy chúng tôi cùng chung suy nghĩ. Còn chú Bính lúng túng trước nhận xét về mình chỉ biết cười trừ chống chế…
 
Hơn một tiếng bên nhau thôi, mà cứ ngỡ chưa từng xa nhau. Điện thoại réo, các em sinh viên đang ngóng thầy, phải về trường thôi. Tiếc thật, chúng tôi cũng phải chuẩn bị rời Đà Lạt mộng mơ. Chia tay nhau  hẹn gặp lại. Sau những tâm sự đời tu, chú Bính  rất muốn về Hội Ngộ gặp anh em toàn trường, còn thím An thì rất mong về bên Mẹ La Vang. Mà phải về thôi chú thím ơi! Nếu không thì phải chờ thêm ba năm nữa lận!
 
Đà Lạt, hè 2014
(Còn tiếp)

Tác giả: Phạm Thanh Cương HT67

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây