Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Linh đạo của TTC Đức HY Thuận với bản thân và các nhân đức nổi bật.

-

-

BBT xin giới thiệu bài chia sẻ của linh mục Đỗ Văn Viên HT63 tại Lễ Giỗ 10 Năm TTC Đức HY Nguyễn Văn Thuận và Đại Nhạc hội “Vui Mừng và Hy Vọng”, do Gia đình Cựu Chủng sinh Huế tại Hải ngoại tổ chức tại Denver, Colorado ngày 15-9-2012.
LINH ĐẠO CỦA TTC ĐHY THUẬN ĐỐI VỚI BẢN THÂN
VÀ CÁC NHÂN ĐỨC NỔI BẬT

 
Linh đạo là gì? Linh đạo là con đường sống đạo hay là con đường sống đời sống  tu đức (thiêng  liêng), con đường sống ơn gọi của người Ki tô hữu để được nên thánh như Cha trên trời là Đấng thánh, do sự thánh hiến của Bí tích Rửa tội.
 
Linh đạo, đối với Linh mục, là con đường sống đời sống tu đức (thiêng  liêng), con đường sống ơn gọi của Linh mục với 2 lần mời gọi nên thánh như Chúa Giêsu, do sự thánh hiến của Bí tích Rửa tội và Bí tích Truyền Chức thánh. Do đó,

A/ LINH ĐẠO CỦA TTC ĐHY THUẬN ĐỐI VỚI BẢN THÂN:

Linh đạo của ĐHY đối với bản thân có thể được nói đến với những điểm sau đây:
 
1/ Sống đời sống cầu nguyện để giữ vững đức tin;
 
2/ Sống đời sống cầu nguyện để "Vui mừng và Hy vọng" (Gaudium et Spes) theo Khẩu hiệu Giám mục của ĐHY:
 
a/ Khi ở Nha Trang ...
b/ Khi ở  trong tù ...
c/ Cầu nguyện để sống giây phút hiện tại;
d/ Cầu nguyện để sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Tử nạn và Phục sinh trong Bí tích Thánh Thể và với Giáo hội (Chúa Giêsu toàn thể);
 
3/ Cầu nguyện để sống mến Chúa và yêu thương mọi người;
 
4/ Ngoài lòng sùng kính mến yêu Chúa Giêsu Thánh Thể, còn có lòng sùng kính mến yêu Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse cách đặc biệt.

1/ Sống đời sống cầu nguyện để giữ vững đức tin:
 
Ngay từ khi làm Bề trên ở Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện, Ngài thường vào Nhà Nguyện để cầu nguyện vì tôi là vần V may mắn được ngồi chỗ cuối các lớp học gần cửa ra vào ngoài hành lang nên tôi thấy; và khi nào ĐHY đi đâu xa về cũng vào Nhà Nguyện gặp Chúa  trước đã, khi đó mới gặp các Cha giáo và các Chú sau. Do đó, Ngài là con người của sự cầu nguyện. Và ĐHY đã khẳng định một cách mạnh mẽ về tầm quan trọng của đời sống cầu nguyện, trích theo lời Thánh Têrêxa Avila, "Ai không cầu nguyện, không cần ma quỉ lôi kéo, sẽ tự mình sa xuống hoả ngục."
 
Thánh Padre Pio nói: "Bởi vì thế giới muốn để cho Satan cai trị mình nên người ta tìm cách loại trừ Chúa ra khỏi đời sống xã hội! …Ai siêng năng cầu nguyện, thì được rỗi, còn ai lười biếng cầu nguyện, thì sẽ gặp nguy hiểm. Còn những người không hề cầu nguyện, sẽ mất linh hồn.” Thật vậy, cầu nguyện là hơi thở của linh hồn. Thân xác mình mà không thở, thì mình sẽ chết. Nếu mình mà không cầu nguyện, thì đức tin của mình cũng sẽ chết và linh hồn mình cũng sẽ chết theo vì mình sẽ dễ dàng đi theo con đường tội lỗi và sống xa cách Chúa.
 
Trong tác phẩm "Cầu Nguyện" -- "Prayers of Hope", Ngài đã khuyên dạy, "Con nắm một bí quyết: Cầu nguyện. Không ai mạnh bằng cầu nguyện, vì Chúa đã hứa ban tất cả. Hoạt động mà không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa. Máy móc tự động có thể làm hơn con. Vì thế, thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới hoạt động."
 
Do đó, trong bóng tối của ngục tù, trong đau khổ tủi nhục đắng cay của kiếp đoạ đày, đời sống cầu nguyện đã làm cho niềm tin của ĐHY thêm vững mạnh, thêm sống động và nhất là giúp ĐHY biến đau thương thành sức mạnh để thấy được một chút ánh sáng ở dưới cuối đường hầm, để tiếp tục bước đi, để tiếp tục hy vọng.
 
2/ Sống đời sống cầu nguyện để "Vui mừng và Hy vọng" (Gaudium et Spes) theo Khẩu hiệu Giám mục của ĐHY

Trong Lời mở đầu của cuốn sách "Five Loaves and Two Fish" - "Năm chiếc bánh và hai con cá" của Ngài (p.3), Ngài viết: "Khi lớn lên, là một thanh niên rồi làm Linh mục, rồi làm Giám mục, Ngài đã đi qua một chặng đường, khi thì gặp vui mừng, khi thì gặp khổ đau, khi thì bị tù đày, nhưng Ngài luôn luôn mang trong lòng một niềm hy vọng tràn đầy."
 
Khẩu hiệu Giám mục của ĐHY ai cũng biết là "Vui mừng và Hy vọng" (Gaudium et Spes), tựa đề của Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay theo Công Đồng Vatican II (1965) - "Pastoral Constitution on the Church in the Modern World", đã trở nên phương thức sống ơn gọi với trách nhiệm của Vị Mục Tử - Giám mục Giáo phận Nha Trang.

a/ Trong 8 năm ở Nha Trang, là con người cầu nguyện, Ngài luôn sống trong vui mừng và tràn đầy hy vọng nơi Thiên Chúa nhờ vậy mà Ngài đã làm được rất nhiều điều tốt lành cho Giáo phận Nha trang như Ngài đã nâng con số ĐCS từ 44 lên đến 147 Thầy và con số TCS từ 200 lên đến 500 Chú. Rồi Ngài cũng đã tổ chức những khoá hội học như Hội đồng Giáo xứ, Phong trào Cursillo, Phong trào Giới trẻ, xây các Cư xá cho Sinh Viên, các trường học... và tổ chức các công cuộc truyền giáo... (1)

b/ Trong 13 năm tù với 9 năm biệt giam, ĐHY đã sống đời sống cầu nguyện theo Lời Chúa để tìm cho mình được sự bình an trong tâm hồn, nhất là niềm vui và niềm hy vọng ở nơi Chúa. Sau khi bị bắt ở Sài gòn ngày 15 tháng 8 năm 1975 và bị đưa ra quản thúc tại làng Cây Vông, cách xa Nhà thờ Chính toà Nha Trang không xa, mỗi lần nghe chuông đổ hồi thì Ngài cảm thấy tim mình tan nát như Ngài đã cầu nguyện và đã viết, "Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Chúa của con và là tất cả đời con... Con đành mất hết, cô đơn, bị bỏ rơi..." tim con tan nát vì phải xa cách giáo dân của con, họ như đàn chiên không có chủ chăn",... "đau khổ tủi nhục, vì họ đã liệt con vào những người gian ác... (2) Nhưng hãy vui lên vì tên con đã được ghi ở trên trời" (Lk 22:37).

Sau đây là những lời cầu nguyện ngắn gọn, nhưng lại rất súc tích, được trích dẫn từ Lời Chúa và đã được viết ra không biết bao nhiêu là cuốn sách mà ĐHY ưa thích cầu nguyện khi ở trong tù: "Kinh Lạy Cha -- Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm Lk 23:34) -- Lạy Cha, xin cho chúng nên một (Jn 17:21) -- Nầy tôi là tôi tớ Chúa  -- Họ hết rượu rồi (Jn 2:3) -- Nầy là con Mẹ, Nầy là Mẹ con! --Xin nhớ đến tôi khi Ngài về trong Nước Trời (Lk 23:42-43)! -- Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì? -- Thưa Thầy, Thầy biết hết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy -- Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi (Lk 18:13) -- Lạy Chúa con, lạy Chúa con, sao Chúa bỏ con! Con xin phú dâng linh hồn con trong tay Cha (Lk 23:46).
 
Và những lời cầu nguyện ngắn gọn nầy, được nối kết lại với nhau làm thành một đời sống cầu nguyện." (3) Nhờ đời sống cầu nguyện mà ĐHY đã nuôi dưỡng được niềm hy vọng để sống. Bởi vậy, trong đêm tối của đức tin, ánh sáng của niềm hy vọng đã làm nên cái cao cả của ĐHY, đã làm nên một nền thần học về niềm hy vọng, đức cậy trông của ĐHY. 

c/ Cầu nguyện để sống giây phút hiện tại: Như biết bao nhiêu người tù khác mòn mỏi trông ngày về, trông ngày mình được trả tự do như con trông chờ mẹ, như người vợ trông chờ chồng từ chiến trận cam go trở về, ĐHY đã quyết định sống giây phút hiện tại: "Tôi không chờ đợi. Tôi sống giây phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương. Tôi nghĩ rằng tôi phải sống mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút như là giờ cuối cùng của đời tôi. Dẹp bỏ những gì là phụ thuộc, tập trung tất cả tâm hồn vào những gì là chính yếu... Tôi sợ đánh mất dù một giây phút trong đời mình vì đã sống không có ý nghĩa".
 
Ngài đã cầu nguyện, đã sống và đã viết ra bằng đời sống chứng nhân đức tin của Ngài: "Lạy Chúa, con không đợi chờ, con quyết sống giây phút hiện tại, và làm cho nó đầy tình thương, vì chấm nầy nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đời sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh. Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng. Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng. Như Chúa Giêsu, trọn đời đã làm những gì đẹp lòng Chúa Cha. Mỗi phút giây con muốn làm lại với Chúa, một Giao ước mới, một Giao ước vĩnh cữu. Con muốn cùng Hội Thánh hát vang: Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần." (4)

Dù sao, Ngài là người ưa hoạt động, mà phải bị ở tù nên luôn luôn bị dằn vặt phải chọn một trong hai, "nên chọn Chúa hay là công việc của Chúa." Ở trại Phú Khánh, Ngài viết: "Tôi bị giam trong một phòng không có cửa sổ, phải đi qua 3 lớp cửa trong một hành lang mới đến khí trời. Vào đó nóng cực kỳ, tôi ngột ngạt và cảm thấy trí óc mất sáng suốt dần dần, cuối cùng là mê man. Có lúc người ta để đèn sáng như ban ngày, lúc khác lại nằm trong bóng tối. Buồng vừa nóng vừa ẩm, đến nỗi tôi phải xuống nằm dưới nền, còn nấm thì mọc lên trắng cả chiếc chiếu của tôi. Lúc nằm trong tối tăm, tôi thấy có một lỗ dưới vách, ánh sáng lọt vào, tôi lết đến, kê mũi vào đó để thở. Lúc nào trời mưa, nước ở ngoài ngập, những con trùng ở ngoài bò vào, có cả giun và có lần có cả con rết dài. Dù thấy vậy, nhưng tôi yếu mệt quá không làm gì được, tôi cứ để cho nó bò quanh, ngày nào nước xuống, thì chúng lại bò ra. Sau nầy, hai linh mục bị giam cách tôi 2 lớp cửa, đã thuật lại cho tôi biết: "Một hôm cô Thanh, cấp dưỡng, đã mở cửa cho chúng con ra đứng nhìn Đức Cha nằm dưới đất và bảo: 'Cho hai anh nhìn thấy ông Thuận, ông sắp chết!" Nhưng trong cơn cơ cực nầy, Chúa đã cứu tôi! Tôi phải chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa. Chính Chúa muốn cho tôi ở đây, chứ không phải nơi khác." (5)

d/ Sống đời sống cầu nguyện để kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Tử nạn và Phục sinh trong Bí tích Thánh Thể và với Giáo hội (Chúa Giêsu toàn thể):

Lời cầu nguyện mạnh mẽ và đẹp đẽ nhất của Giáo Hội là Thánh Lễ vì Phép Thánh Thể là cao điểm của cả cuộc đời Chúa Giêsu trên dương thế, vì Phép Thánh Thể là nguồn mạch của tình yêu và là nguồn sức mạnh cho mọi người Kitô hữu. Phép Thánh Thể là Mầu nhiệm đức tin và cũng là Mầu nhiệm tình yêu. Bởi vậy, niềm vui lớn lao nhất của ĐHY khi bị ở tù là "dâng Thánh Lễ" và nguồn sức mạnh duy nhất của Ngài là Phép Thánh Thể. Ngài viết: "Tôi không bao giờ có thể diễn tả hết được niềm vui vô cùng lớn lao của tôi là: Mỗi ngày với 3 giọt rượu nho và 1 giọt nước trong lòng bàn tay, tôi dâng Thánh Lễ..."  (6)
 
Lòng bàn tay của Ngài là chén thánh, là Nhà thờ Chính toà của Ngài và cũng là Giáo hội mà Ngài luôn yêu mến. Và Ngài cũng đã gom góp mọi đau khổ đắng cay trong đời mình làm thành "của lễ dâng hiến Chúa". Có 3 trường hợp đáng ghi nhớ mà Ngài đã kể lại:
 
Trường hợp thứ nhất là trên chuyến tàu trực chỉ ra Bắc: gồm có 1,500 tù nhân với những khuôn mặt buồn rầu và tuyệt vọng, Ngài đã chia sẻ và khuyên bảo họ. Là người, ĐHY cũng không thoát khỏi sự lo âu vì không biết điều gì sẽ xảy ra cho mình nữa. Nhưng trong đêm tối đó, Ngài đã dâng Lễ và đã lấy lại nguồn sức mạnh duy nhất ở nơi Chúa Giêsu Thánh Thể; rồi Ngài cũng trao Mình Thánh Chúa cho những người Công giáo chung quanh và họ đã lấy lại sức mạnh tinh thần (7).

Trường hợp thứ hai là trong Trai Tập Trung Cải Tạo Vĩnh Quang ở Núi Vĩnh Phú gồm có 250 tù nhân: Số tù nhân được chia ra nhiều đội, mỗi đội chừng 50 người: ở trong một căn nhà, ngủ trên một cái gường chung: mỗi người chỉ được chừng 5 tấc tây. Họ tự sắp xếp lấy để cho 5 người Công giáo nằm gần ĐHY. Khi đêm về, vào lúc 9:30 tối sau khi mọi đèn đuốc đều phải tắt hết và ai ai cũng phải đi ngủ, thì ĐHY lồm cồm dậy nằm chùm hum trên giường để làm Lễ thầm thầm. Khi rước Mình Thánh Chúa, tức là rước Bánh Hằng Sống, thì ĐHY muốn chính mình cũng trở nên bánh nuôi người khác. Rồi Ngài vén mùng muỗi lên để trao Mình Thánh Chúa cho họ. Rồi Ngài cũng lấy giấy của những cái bao thuốc lá mà người ta đã hút hết rồi, làm thành những cái hộp nhỏ để lưu trữ MTC. Ngài mang MTC trong mình và Ngài cầu nguyện: "Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa ở trong con và con ở trong Chúa, còn gì vui sướng hơn."
 
Hằng tuần tất cả các đội phải lên Hội trường chung để họp, thì trong giờ giải lao ĐHY trao một cái hộp nhỏ có đựng MTC cho những người Công giáo mỗi đội để đêm đêm họ cắt phiên nhau chầu MTC và họ biết rằng có Chúa đang ở giữa họ. Nhờ vậy, nhiều người Công giáo đã lấy lại lòng tin nhiệt tình hăng say trong những ngày này, rồi những người Phật giáo và những người lương dân cũng trở lại (8).

Còn trong thời gian biệt giam: Ngày nào Ngài cũng dâng Thánh Lễ, lúc 3:00 giờ chiều, giờ Chúa Giêsu hấp hối trên Thánh giá. Mỗi lần giang tay ra cầu nguyện là mỗi lần Ngài muốn cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu và cùng uống cạn chén đắng với Chúa Giêsu.
 
Khi nào Ngài dâng Lễ, không phải Ngài chỉ có kết hợp với Chúa Giêsu Tử nạn và Phục sinh mà thôi, Ngài còn kết hiệp với Giáo Hội hoàn cầu nữa. Nói cách khác, khi rước Mình Máu Thánh Chúa Ngài kết hợp với Chúa Giêsu là Đầu trong Bí tích Thánh Thể và còn kết hợp với Giáo Hội tức là Thân Mình Mầu nhiệm của Chúa Kitô nữa (Chúa Kitô toàn thể).... Đó là những Thánh Lễ sốt sắng và đẹp đẽ nhất trong đời Ngài (9).

3/ Cầu nguyện để sống mến Chúa và yêu thương mọi người:

Lòng yêu mến Chúa, nhất là Chúa Giêsu Thánh Thể một cách thân tình thắm thiết, là nguồn mạch của tình yêu nên Ngài đã yêu thương mọi người, kể cả những kẻ đày đoạ mình. Trong 13 năm tù, ĐHY thường cầu nguyện: "Con muốn sống làm chứng nhân cho tình yêu của Chúa Giêsu."
 
Ngài muốn như cậu bé trong Phúc âm dâng cho Chúa Giêsu 5 chiếc bánh và 2 con cá. Đó là tất cả những gì cậu có, cậu cho đi để làm dụng cụ bày tỏ tình yêu của Chúa đối với đám đông dân chúng (9).

Ngay từ khi mới bị bắt ở Sài gòn và bị đưa ra quản thúc ở làng Cây Vông, Nha Trang, Ngài đã viết về cách sống và cách cư xử của Ngài đối với mọi người: "Cha lại đi thêm một quãng đường -- Chông gai mịt mù và vô định. Trên đường Cha gặp lắm lữ khách -- Cha đã xem tất cả là bạn -- Xem mọi biến cố là kinh nghiệm quý báu -- Vì tất cả là hồng ân."

Ngài đã viết trong "Đường Hy Vọng" số 984: "Các con chỉ cần mang một thứ đồng phục và chỉ cần nói một thứ ngôn ngữ: đó là thứ ngôn ngữ của tình yêu thương," (10) vì ở đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời.

Và khi ở trong tù, nơi tưởng rằng chỉ có tuyệt vọng với tiếng khóc than và lời nguyền rủa oán hận, thì trái lại, Ngài luôn luôn yêu thương mọi người. Ngài yêu thương ngay cả những người bách hại Ngài, từ các quan cao cấp nhất đến những người lính canh tù. Ai ai cũng tỏ ra lạnh lùng đối với Ngài vì họ phân biệt rất rõ ràng: "Bạn là bạn, thù là thù không thể nào đội trời chung". Nhưng ĐHY đã cầu nguyện: "Lạy Chúa, con đây với hai bàn tay trắng. Con không có quà cáp gì để biếu người ta để xoá bỏ hố sâu ngăn cách. Con không biết làm cách nào bây giờ? Hôm đó Chúa bảo ĐHY qua một ý nghĩ trong đầu Ngài: "Con có cả một kho tàng quí báu. Đó là tình thương của Chúa Giêsu trong trái tim con. Hãy yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu thương con..." (11). Và Ngài đã dùng tình thương để hoán cải những người lính canh tù rất lạnh lùng nầy trở thành những người bạn và sau 6 năm biệt giam, ĐHY đã nhận được thư của người cai tù như sau:

"Anh Thuận thân mến,

Tôi đã hứa với anh là sẽ cầu nguyện cho anh. Mỗi Chủ nhật, nếu Trời không mưa lúc nghe chuông Lavang, tôi lấy xe đạp vào trước đền thờ Đức Mẹ vì chiến tranh bom đạn đã đánh sập Nhà thờ rồi. Tôi cầu nguyện như thế nầy: Thưa Đức Mẹ, tôi không có đạo, tôi không thuộc kinh nào cả.  Nhưng tôi đã hứa cầu nguyện cho anh Thuận nên tôi đến đây xin Đức Mẹ biết anh Thuận cần gì thì cho anh ấy" (12).
 
Do đó, chỉ có tình yêu Kitô giáo mới thay đổi được lòng người, chứ không phải bom đạn, hay là đe doạ bức hiếp, hay giới truyền thông (13).

Rồi sau 13 năm tù và trong 4 cuốn sách chính Ngài đã viết, đó là: Road of Hope, Prayers of Hope, Five Loaves and Two Fish, Testimony of Hope và đã dịch ra nhiều thứ tiếng, nhưng Ngài đã không hề có một lời nguyền rủa những người đã đày đoạ Ngài; và cũng không hề có một lời oán hận những người đã cấu kết với bạo quyền như Lý Chánh Trung, Thanh Lãng, Nguyễn Huy Lịch, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Nguyễn Thiện Toàn, Hoàng Kim, Trương Bá Cần, Huỳnh Công Minh, Vương Đình Bích, Phan Khắc Từ... để trục xuất Ngài ra khỏi chức vụ Tổng Giám Mục Phó Sàigòn với quyền kế vị. Chỉ mãi đến sau nầy, một trong những Linh mục đó là Linh Mục Thanh Lãng - Chủ tịch văn bút, giáo sư Đại học Văn khoa Sàigòn - trước khi chết đã để lại một tập Bút ký 39 trang ghi lại đầy đủ mọi sự việc đã xảy ra như thế nào, trách nhiệm thuộc về ai, v.v... và một chúc thư dài 13 trang mà nội dung chính là Thanh Lãng cúi đầu sám hối và xin ĐHY Thuận rộng lòng tha thứ.
 
Tài liệu hiếm có nầy do Linh mục Thanh Lãng trao cho Nguyễn Văn Trung trước khi Linh mục Thanh Lãng qua đời. Tài liệu nầy cũng rất đáng tin cậy vì theo như người đời hay nói: "Con chim sắp chết, tiếng kêu bi ai -- Con người sắp chết, tiếng nói thành thật."

Phải chăng sự giữ im lặng đó của ĐHY đã làm nên sự thánh thiện cao cả của ĐHY để rồi đến lúc Ngài lìa đời, ĐGM Giampaolo Crepaldi, Tổng thư ký Hội Đồng Toà thánh Công Lý và Hòa Bình đã tuyên bố với báo chí: "Một Vị Thánh vừa mới ra đi!"

4/ Lòng sùng kính Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse cách đặc biệt.

Ngoài lòng sùng kính Chúa Giêsu Thánh Thể, mỗi ngày Ngài dành một giờ để chầu Chúa (Holy Hour), ĐHY còn có lòng sùng kính Đức Mẹ. Bởi vì sau khi Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, Ngài đã không để lại cho chúng ta cái gì lớn lao hơn Mẹ Ngài. Theo ĐHY, cả cuộc đời Đức Mẹ chỉ có tóm lược lại trong 3 chữ: "Ecce, Fiat và Magnificat!" "Nầy tôi là tôi tớ Chúa, Xin vâng, và Linh hồn tôi ngợi khen Chúa !"
 
Ngay cả khi Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá Chúa, Mẹ luôn vững tin và hy vọng Chúa Giêsu Con Mẹ sẽ sống lại như Ngài đã hứa. Do đó, sống theo gương Đức Mẹ, dù trong tuyệt vọng, ĐHY cũng vẫn một lòng cậy trông.

Sau khi bị bắt ngày 15 tháng 8 năm 1975 và bị đưa ra quản thúc tại làng Cây Vông, Nha Trang, Ngài ra đi với 2 bàn tay trắng, chỉ có trong túi áo một tràng chuỗi là niềm an ủi lớn lao nhất cho Ngài. Trên đoạn đường từ Sàigòn ra Nha Trang, Ngài luôn đọc “Kinh Hãy Nhớ" -- "Lạy Thánh nữ đồng trinh Maria là Mẹ rất nhơn từ xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin Người bàu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời, nhưng vì sự ấy con
lấy lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình xuống dưới chơn Đức Mẹ, là Nữ đồng trinh trên hết các kẻ đồng trinh. Xin Đức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương mà nhậm lời con cùng. Amen
."
 
Kinh nầy cũng đã giúp ĐHY nuôi dưỡng niềm hy vọng, đức cậy trông của Ngài trong những năm ở tù. Có nhiều ngày Ngài đọc cả hằng trăm kinh “Kính mừng” để cầu nguyện cho nhiều người đang cần ơn Chúa trong Giáo Hội. Tất cả đều nhờ Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ. Còn Ngài thì luôn cầu nguyện cho mình: “Lạy Mẹ, Mẹ muốn Con làm gì cho Mẹ? Con sẵn sàng thi hành mệnh lệnh của Mẹ. Ngày nào Mẹ thấy Con không còn ích lợi gì cho Giáo Hội nữa, thì xin Mẹ cho Con được ơn chết trong tù. Nếu Mẹ thấy Con còn có thể làm được gì cho Giáo Hội thì xin Mẹ cho Con được ra khỏi tù vào một trong những ngày lễ kính Mẹ.”

Vào ngày 21/11 Lễ Đức Mẹ dâng mình vào Đền Thánh, sau khi ăn cơm trưa xong, một anh lính canh tù buổi chiều hôm đó chở ĐHY bằng xe Jeep đến gặp Ông Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ và Ông Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ hỏi ĐHY: “Ông có nguyện vọng gì không? ĐHY trả lời: - “Thưa Ông Bộ Trưởng, nguyện vọng của tôi là muốn được tự do" -  “Khi nào?" - "Ngày hôm nay" - "Tôi đã ở tù quá lâu rồi qua 3 triều đại Giáo Hoàng: GH Phaolô VI, Gioan Phaolô I và Gioan Phaolô II, rồi qua 4 đời Tổng Bí thư Nga là Brezhnev, Andropov, Chernenko và Gorbachov!” Ông Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ gật đầu và cười đắc chí rồi cuối cùng phải trả tự do cho ĐHY (14). Do đó, Đức Mẹ đã nhậm lời ĐHY cầu xin và đã cho ĐHY một dấu chỉ ...

Một khi Tôi tớ Chúa ĐHY Thuận yêu mến Đức Mẹ, thì Ngài cũng không quên Ông Thánh Cả Giuse. Nếu chúng ta hỏi Ông Thánh Giuse, "Phải làm gì để được ơn cứu độ", chắc Ngài sẽ bảo chúng ta hãy yêu mến Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Bởi vì Ông Thánh Giuse đã yêu mến Đức Mẹ nhiều nhất, vì Ngài đã cảm nghiệm được sự tốt lành của Đức Mẹ và Ngài muốn hết mọi người chúng ta hãy yêu mến Đức Mẹ như Ngài. Trái lại, nếu chúng ta hỏi Đức Mẹ chắc Đức Mẹ cũng sẽ bảo chúng ta yêu mến Ông Thánh Giuse, vì không ai yêu mến Thánh Giuse mà lại không yêu mến Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Là con cái của các Ngài, chúng ta phải yêu mến cả Đức Mẹ và Thánh Giuse để nhờ đó gặp được Thiên Chúa.

B/ CÁC NHÂN ĐỨC NỔI BẬT: (OUTSTANDING VIRTUES)

Các nhân đức nổi bật của Tôi tớ Chúa ĐHY Thuận là Tin, Cậy và Mến. Ngài đã cố gắng diễn đạt đức tin trong niềm hy vọng và trong đức ái qua cuộc sống chứng nhân của Ngài. Nhờ đời sống cầu nguyện, Ngài đã chứng minh được sự hiệp nhất của 3 nhân đức đối thần (thần học) nầy trong cuộc sống của người Kitô hữu. Nhưng trong suốt 13 năm tù đày của Ngài dưới chế độ Cọng Sản Việt Nam, một điểm nổi bật nhất, đó là "Linh đạo của Niềm Hy Vọng" hay là "Nền thần học về Niềm Hy Vọng, Đức Cậy Trông." Ngài đã xử dụng từ ngữ "Hy Vọng" trong tất cả các tác phẩm của Ngài. Ngài thật sự là con người của Hy vọng, chính Ngài đã sống niềm hy vọng đó và đã đối diện với những nghịch cảnh của cuộc sống cũng bằng niềm hy vọng. Với sức mạnh của Hy vọng, Ngài đã vượt thắng những bất hạnh xảy ra trong suốt cuộc sống của Ngài, mà theo bản tính loài người, một con người bình thường trước những nghịch cảnh lớn lao như vậy đã bị đè bẹp.

Các Thánh nói rằng: “Ai sống chung với mọi người mà được tất cả quý mến thì đáng được phong thánh”. Làm một vài phép lạ để được phong thánh còn dễ hơn là sống hòa thuận với anh em mình.

Tòa Giám Mục Lugano nước Thụy Sĩ, được gọi là Tòa Giám Mục Thánh Tâm, vì ở cổng có viết hàng chữ rất đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa như sau: “Đi vào cổng này để yêu mến Chúa và ra lại cổng này để yêu mến anh em”. Đọc thoáng qua, người ta có thể xem câu này thật bình thường. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ, họ phải công nhận những lời đó thật sâu sắc. Người giáo dân có thể rất chăm chỉ đọc kinh, dự lễ. Nhưng ra khỏi nhà thờ, lại chửi vợ đánh con, chén bay, dĩa bay ... kiện tụng, nói hành nói xấu nhau... Cuộc sống của họ có hai mặt: một mặt cho Chúa và mặt kia cho anh em, không liên hệ gì với nhau. Họ không nhìn thấy Chúa nơi những người chung quanh mà họ gặp gỡ thường ngày, nhất là vợ chồng, con cái, bạn bè, láng giềng của họ...
 
Thật vậy, sự thánh thiện Kitô Giáo là mến Chúa và yêu thương mọi người, ngay cả những người gây đau khổ cho mình, thù ghét mình. Và không ai có thể sống nhân đức nầy mà không có sự cầu nguyện.

Nói tóm lại, Linh đạo của TTC ĐHY Thuận rất là thông thường, nhưng Ngài đã sống một cách phi thường đáng nêu gương để cho chúng ta học hỏi.

Footnotes:
 
1) Five Loaves and Two Fish p. 17
2) Five Loaves and Two Fish p. 13
3) Five Loaves and Two Fish p.37
4) Five Loaves and Two Fish p. 15
5) Five loaves and Two Fish p.20
6) Five Loaves and Two Fish p.42
7) Five Loaves and Two Fish p. 21
8) Five Loaves and two Fish p.21 & 43
9) Five Loaves and Two Fish p. 45
10) Five Loaves and Two Fish p.57 
11) Five Loaves and Two Fish p.54
12) Five Loaves and Two Fish p.34
13) Five Loaves and Two Fish p. 60
14) Five Loaves and Two Fish p. 73


LỄ GIỖ 10 NĂM TÔI TỚ CHÚA ĐHY PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN THUẬN

Linh Mục Simon Đỗ Văn Viên chia sẻ Ngày 15/9/2012 tại Denver, Colorado

Tác giả: Lm Simon Đỗ Văn Viên HT63

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây