Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (9)

-

-

“Ước mong những suy tư giản dị, trong sáng như cuộc đời của Đức Cố Hồng Y, trong tập bài giảng này, cũng giúp tất cả chúng ta hiểu biết Chúa nhiều hơn, yêu mến Chúa nhiều hơn, và yêu mến Giáo Hội của Chúa nhiều hơn.” [Tài liệu Đức Ông Phan Văn Hiền HT63, gửi riêng cho trang CCSHue]. Phần 9.
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (9)


Bài 76: Gặp Gỡ Chúa Giêsu
Thứ năm ngày 26-09-1991 - Tuần 25 Thường Niên
 
Lc 9, 7-9; Kg 1, 1-8
 
Bài Phúc Âm hôm nay tường thuật việc dân chúng đi nghe Chúa giảng dạy. Chúa cũng có sứ mệnh giảng dạy dân chúng về ơn cứu độ và về tình yêu bao la của Chúa Cha. Hôm kia, chúng ta đã suy ngắm về hai yếu tố của người theo Chúa là lắng nghe và thực hành. Nhưng muốn lắng nghe và thực hành Lời Chúa, phải biết Chúa là ai. Vì nhờ hiểu biết Chúa là ai, chúng ta mới có thể sẵn sàng nghe và thực hành Lời của Ngài. Trong Phúc Âm có lần Chúa đã hỏi các môn đệ và dân chúng nghĩ Ngài là ai? Khi đặt câu hỏi Chúa Giêsu là ai cho mỗi người chúng ta, có lẽ chúng ta cho đó là chuyện vớ vẩn vì người Công Giáo nào cũng biết Chúa Giêsu là ai, ngay cả trẻ con cũng biết phương chi là tôi: tu sĩ, linh mục... Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Nhập Thể, là con Đức Mẹ Maria...
 
Thật ra, nếu tất cả chúng ta đều nhận và tuyên xưng cách chắc chắn như vậy, cuộc đời của chúng ta sẽ đổi khác. Chúa Giêsu là Đấng ban ơn cứu độ duy nhất, là tình yêu duy nhất, là Chúa duy nhất mà mỗi người chúng ta phải cậy trông, tin tưởng để được ơn cứu độ. Cuộc sống đạo của chúng ta còn xoàng xĩnh, khô khan, tẻ nhạt chỉ vì chúng ta khước từ Chúa Giêsu. Đối với chúng ta, Chúa Giêsu vẫn chưa thật sự có ý nghĩa gì cả nên Ngài chẳng ảnh hưởng tác động gì tới chúng ta, và vì vậy đời sống đạo của chúng ta không chuyển biến. Điều này được chúng ta nhận thấy nơi cách sống đạo của một số giáo dân. Ngày thứ sáu Tuần Thánh họ đọc kinh khóc lóc sướt mướt, thảm thiết, nhưng ra ngoài nhà thờ lại chửi nhau mạnh mẽ. Ở Nauy có một cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tương đối lớn. Giám mục ở đó cử một linh mục Việt Nam đến làm việc mục vụ để giúp họ sống đạo. Người giáo dân rất đạo đức. Thánh lễ nào, sinh hoạt nào họ cũng có mặt đông đủ. Và Đức Giám Mục kể lại rằng chỉ tiếc một điều là họ đọc kinh rất nhiều, nhưng chửi nhau càng nhiều hơn. Kiểu sống đạo như vậy chỉ có hình thức bên ngoài. Họ đi đến nhà thờ thật đông đủ nhưng lại mang tính chất hội đoàn, hội ái quốc hay đoàn thanh niên cộng sản. Như vậy, họ không thật sự có Chúa Giêsu trong tâm hồn mình.
 
Như vậy, chúng ta phải làm gì để gặp được Chúa Giêsu và hiểu được Chúa Giêsu? Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã viết lời lưu niệm tại Hà Nội như sau: “Hãy để mọi sự cho Chúa Giêsu hoạt động nhờ Mẹ Maria”. Và trong một bài phỏng vấn cho cuốn sách “Một cuộc đời” Mẹ đã nói: “Tôi là cây viết chì của Thiên Chúa”. Nghĩa là trí óc, tư tưởng và hành động của Mẹ Têrêsa là của Chúa. Chính Chúa suy nghĩ và viết ra ý của Ngài qua cuộc đời của Mẹ.
 
Thật vậy, Mẹ Têrêsa đã sống mật thiết với Chúa Giêsu và đã nghe thấy tiếng Chúa nói với mình. Năm 1948 Mẹ xin ra khỏi dòng và Đức Pio XII chấp thuận. Năm 1950 Mẹ lập dòng mới với con số hiện nay là 150.000 thành viên. Và Việt Nam là nước thứ 97 đựơc dòng của Mẹ đến phục vụ. Còn chúng ta, vì chúng ta chưa sống mật thiết với Chúa nên chưa nghe được tiếng Chúa mời gọi nên thánh. Và đó cũng chính là lý do tại sao cuộc sống của chúng ta vẫn còn xoàng xĩnh, nhàm chán.
 
Mật thiết với Chúa là kết hợp với Ngài để biến mọi sự của chúng ta là của Ngài. Và như thế, cuộc đời chúng ta hoàn toàn gắn bó với Ngài, gần gũi với Ngài và Ngài trở thành tất cả của cuộc đời chúng ta. Khi bước lên chịu lễ, chúng con hãy tự hỏi: Lạy Chúa, Chúa là ai và con là gì? Con hiểu, con nghĩ về Chúa thế nào? Chúa là gì trong đời con? Con sẽ sống thế nào khi con nhận ra Chúa là Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai cứu đời?
 
Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con. Amen.
 
Suy niệm theo...
 
Chúa là ai? Đó là câu hỏi Phúc Âm đã đề cập.
 
Một bà nọ được báo cho biết trước là mai Chúa sẽ đến. Bà rất vui mừng, tối hôm ấy bà lo chuẩn bị mọi thứ cần thiết để đón Chúa. Sáng hôm sau, bà ta chuẩn bị đâu vào đấy, ngồi đợi hồi hộp từng giây. Bỗng có tiếng gõ cửa, bà vội vàng mở cửa nhưng đáng tiếc đó chỉ là người ăn xin. Bà nói: “Hôm nay tôi bận đón Chúa, tôi không thể giúp gì được, để lần khác”. Nói xong bà đóng cửa lại. Được một lúc lại có tiếng gõ cửa, đoán chắc là Chúa, bà lao ra mở cửa, nhưng lạ thay chỉ là một ông già ăn xin. Cũng như lần trước bà nói xong bà đóng vội cửa lại và về chỗ ngồi một cách buồn bã. Đợi mãi, đợi mãi, tưởng chừng thất vọng, cuối cùng có tiếng gõ cửa khẽ khẽ. Đoán chắc là Chúa như xưa tiên tri Elia thấy Chúa qua làn gió hiu hiu, bà vui mừng mở cửa. Thất vọng vì đó là một người ăn xin sắp chết đói. Bực bội bà nói: “Hôm nay tôi còn bận đón Chúa, tôi chưa thể tiếp các người được”. Nói chưa dứt lời bà đóng sầm cửa lại. Giận giữ bà đi về ghế ngồi và cả ngày hôm ấy không còn thấy ai gõ cửa nữa. Buổi tối khi đi ngủ bà vẫn còn bực bội. Và rồi trong giấc mơ bà thấy Chúa hiện ra với mình và trách: “Hôm nay Ta đến nhà con ba lần mà con không đón tiếp Ta”.
 
Câu chuyện trên đây phần nào cho chúng ta thấy Chúa là ai? Chúa không phải là một người giàu sang, địa vị; Chúa không phải là ông hoàng, ông tướng. Suốt 30 năm, ngay từ khi sinh ra Chúa đã là một con người tầm thường, và cứ tầm thường mãi, đến cả khi chết Ngài cũng đã chết như mọi người.
 
Hêrôđê mong muốn gặp Chúa. Nhưng khi gặp rồi, ông chỉ thốt ra được câu: “Người này dại.” Ông hoàn toàn thất vọng vì Chúa mà ông gặp không phải là Chúa mà ông vẫn tưởng tượng và chờ đợi. Ngài đã không làm phép lạ như ông chờ mong.
 
Cũng vậy, chúng ta sẽ chẳng bao giờ gặp thấy ở trần gian này một Thiên Chúa như trong trí tưởng tượng của chúng ta. Một Thiên Chúa sáng láng, đầy quyền uy, cao đẹp lộng lẫy... Chúa đã đồng hóa mình với người bất hạnh, với người cô đơn nghèo hèn. Chỉ với con mắt đức tin, chúng ta mới có thể gặp Chúa, một Thiên Chúa ở gần chúng ta, ngay bên cạnh chúng ta, đang cần sự quan tâm, giúp đỡ của chúng ta. Hãy mở mắt linh hồn ra để nhận thấy Chúa. Chúa đang hiện thân trong những người bất hạnh, trong những người cô thân cô thế.
 
Lạy Chúa, xin mở mắt linh hồn chúng con.
 
 
Bài 77: Chúa Giêsu là tất cả
Thứ sáu 27-09-1991 - Tuần 25 Thường Niên
 
Lc 9, 18-22; Kg 1, 15-2, 9
 
Hôm qua chúng ta đã cùng nhau suy ngắm bài Phúc Âm này và đã tự đặt câu hỏi cho chính mình: Ngài là ai? Ngài là gì đối với cuộc đời của tôi? Chúng ta cũng đã nghe lại câu nói của Mẹ Têrêsa Calcutta: “Chỉ có Chúa Giêsu là tất cả của đời tôi nhờ Mẹ Maria” và chúng ta tự hỏi: “Còn ta, Chúa Giêsu có phải là tất cả không?”
 
Hôm nay, bài Phúc Âm tiếp tục cho chúng ta biết thêm về chính con người của Ngài. Trong khi Ngài rao giảng, những người Do Thái đã nhiều lần bàn tán về gốc gác của Chúa. Có người nghĩ Chúa Giêsu là Đức Kitô Con Thiên Chúa. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Có người cho rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế vinh quang và khải hoàn. Cũng đúng nhưng cũng chưa hoàn hảo. Chính vì thế, khi đề cập về dư luận xung quanh con người của Ngài, Chúa Giêsu muốn bộc lộ cho các môn đệ yếu dấu biết một cách đích xác về Ngài và số phận của Ngài: Ngài sẽ chịu nhiều đau khổ, bị vu khống, kỳ thị, loại bỏ, lên án và giết chết.
 
Suốt hai ngàn năm, số phận của Chúa Giêsu cũng là số phận của Giáo Hội do Ngài thành lập. Thật vậy, Giáo Hội-bạn trăm năm của Chúa Giêsu, không ngớt bị nghi ngờ, vu oan, bách hại và chống đối dưới nhiều hình thức. Cũng thế, tất cả chúng ta, những người theo Chúa Giêsu cũng không tránh khỏi được những hiểu lầm, thiệt thòi, nghi ngờ, kỳ thị cách bất công trong cuộc sống.
 
Như thế, câu hỏi “Ngài là gì đối với đời tôi và Ngài là ai” vẫn luôn là vấn nạn được đặt ra trong đời sống mỗi người Kitô Hữu hôm nay. Đức Kitô dạy cho chúng ta bài học về niềm tin vào ơn gọi của mình. Ơn gọi gắn liền với số phận của chính Ngài. Thật vậy, Ngài xuống trần gian không phải chỉ để mạc khải về Chúa Cha, nhưng còn chịu đau khổ và chết để mang lại ơn cứu độ cho mọi người. Nhưng cuối cùng Ngài đã khải hoàn vinh thắng khi chiến thắng sự chết và tội lỗi bằng chính sự phục sinh của Ngài.
 
Xin Chúa cho chúng ta luôn trung thành với sứ mạng làm con Chúa và luôn tự hỏi Chúa là ai, để chúng ta có thể theo Chúa một cách trong sáng và đúng đường. Cứ thành tâm hỏi Chúa rồi Ngài sẽ nói cho mỗi người chúng ta biết Ngài thật sự là ai và muốn chúng ta làm gì. Amen.
 
 
Bài 78: Đau khổ của Chúa Giêsu
Thứ bảy 28-09-1991 - Tuần 25 Thường Niên
 
Lc 9, 43-45; Dcr 2, 5-9. 14-15
 
Mấy ngày vừa qua, các bài Phúc Âm giúp chúng ta tìm hiểu về Thiên Chúa, và tầm quan trọng của Ngài trong cuộc đời của mỗi người. Hôm đầu, chúng ta đã suy ngắm về Thiên Chúa là ai? Và Thiên Chúa là gì trong cuộc đời tôi? Hôm qua, chúng ta thấy Chúa hỏi các môn đệ về chính Ngài và Chúa cho các ông biết Ngài phải chịu đau khổ. Và hôm nay, Chúa lại nhấn mạnh một lần nữa về sứ mệnh của Ngài.
 
Sách chú giải Phúc Âm ghi rõ ba sứ mệnh của Chúa Giêsu khi đến trần gian. Thứ nhất, Ngài sẽ giải thoát và phân xử cả thế giới. Biến cố này thường được gọi là ngày cánh chung. Thứ hai, Ngài sẽ vinh quang và cho những kẻ Ngài đã chọn được ở với Ngài. Thứ ba, Ngài phải chịu nhiều đau khổ để hoàn tất những việc đó. Người Do Thái chấp nhận hai sứ mệnh trên. Còn điều thứ ba họ hoàn toàn khước từ, vì đối với họ thất bại là điều không thể chấp nhận được. Làm sao một Thiên Chúa quyền uy vô song lại có thể bị đau khổ và bị giết chết. Vì thế, đến bây giờ những người theo đạo Do Thái vẫn không nhìn nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai họ mong đợi. Tuy nhiên, đau khổ và chịu chết lại là điểm cốt yếu trong cuộc đời của Ngài và Ngài muốn các Tông Đồ chấp nhận sự thật xem ra phi lý này.
 
Trong lịch sử, Giáo Hội của Chúa cũng đã kinh nghiệm thấy rằng không phải lúc nào Giáo Hội cũng được tôn vinh. Rất nhiều giai đoạn, Giáo Hội cũng đã trải qua nhiều thử thách, bắt bớ và chịu nhiều phải đau khổ. Nhưng cũng nhờ những đau khổ, thử thách này mà Giáo Hội càng thanh tẩy được mình, giũ bỏ được con người cũ để trở nên thánh thiện hơn. Nói cách khác, Giáo Hội phải đau khổ trong việc chọn lựa và qua mỗi lần chọn lựa như thế, Giáo Hội càng giống Đức Kitô hơn.
 
Thánh Phaolo trong thơ gởi cho Philemon đã khuyên ông ta nhận lấy người nô lệ bỏ trốn là người anh em của mình. Cả ba người này đã phải chọn lựa, một sự chọn lựa mất mát. Phaolo đã chọn lựa hoặc được Philemon hoặc vừa mất Philemon vừa bị tù tội vì chứa chấp nô lệ bỏ trốn, phạm vào luật pháp quốc gia. Philemon cũng đã chọn lựa hoặc làm người Kitô Hữu chân chính, chết đi để được sống lại, hoặc giữ nguyên lối sống cũ với của cải và nô lệ. Cuối cùng, người nô lệ, bỏ trốn cũng lựa chọn khi nghe lời Phaolo quay trở về với chủ mình.
 
Đau khổ trong chọn lựa đã giúp cho Giáo Hội đứng vững và thăng tiến mối tương giao huynh đệ giữa con người với nhau trong xã hội. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Liên Hiệp Quốc mới được thành lập và công bố bản tuyên ngôn nhân quyền được mọi người đồng thanh chấp nhận. Nhưng thật ra, những nguyên tắc này đã được Thánh Phaolo đề xướng và bảo vệ khi Ngài khởi xướng việc xóa bỏ nô lệ và kêu gọi chấp nhận mọi người là anh em.
 
Nói tóm lại, theo Chúa Giêsu là chấp nhận cùng chịu đau khổ như Ngài và với Ngài. Đây là điều không thể loại trừ cho những ai muốn thật tâm trở thành môn đệ đích thật của Ngài. Tất nhiên, điều này không dễ dàng vì bản tính con người chỉ muốn được vinh quang, khen ngợi. Cần phải có ơn Chúa trợ giúp con người mới có thể vượt qua được bản tính tự nhiên này và sẵn sàng chấp nhận đau khổ.
 
Lạy Chúa, con chưa sống thánh thiện được vì con chưa chấp nhận một Thiên Chúa đau khổ và nhất là chưa sẵn sàng chập nhận đau khổ. Xin giúp con ý thức con đường đau khổ sẽ đưa con về gần Chúa hơn và giống Chúa hơn. Amen.
 
Suy niệm thêm  
 
Có một chàng thanh niên nọ xin vào tập tu trong một đan viện. Đan Viện Phụ bảo anh ta đi theo một Thầy để học tập nhân đức. Đi theo thầy, anh thanh niên ra vườn và làm theo tất cả những gì Thầy đó làm: nhổ cỏ, tưới nước và ngồi chờ… Hôm đầu tiên sau khi làm việc lao động, bàn tay của anh ta phồng dộp. Ngày thứ hai, thứ ba cũng chừng đó công việc. Anh ta buồn bã đi gặp Đan Viện Phụ và nói: “Viện Phụ bảo con đi học nhân đức mà cả ngày con chẳng thấy Thầy đó dạy con một lời”. Đan Viện Phụ đáp: “Ta đã biết việc con làm. Con hãy trở về và tiếp tục làm theo lời Thầy đó dạy. Đồng thời con hãy suy nghĩ lại những việc mình đã làm trong ba ngày qua”. Anh ta buồn sầu trở về. Thế rồi trong những lúc ngồi chờ, anh chợt hiểu ra rằng linh hồn cần phải được thanh lọc, quét dọn và tưới bón; linh hồn cũng cần yên lặng để chờ đón ơn Chúa xuống...
 
Chúa Kitô phải qua đau khổ để đến vinh quang. Các Tông Đồ chưa thật sự hiểu được điều Chúa nói. Chỉ khi nào Chúa Phục sinh và hiện ra với các ông, và nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, các Tông Đồ mới hiểu được ý nghĩa Lời Chúa hôm nay.
 
Con người cần được thanh luyện, gạn lọc trong đau khổ. Chàng thanh niên trong câu chuyện trên khi vào đan viện cũng cần được nhổ hết mọi tính mê nết xấu trong con người mình, và được tưới gội bằng ân sủng của Chúa để trở nên thánh thiện, nhân đức.
 
Sau khi đã hiểu sự cần thiết của đau khổ, các Tông Đồ đã sống anh hùng và coi đau khổ là dụng cụ, là cánh cửa để đến với Chúa Phục sinh. Phần chúng ta, chúng ta thường muốn xa tránh đau khổ hoặc chịu đựng đau khổ một cách bất đắc dĩ. Chúng ta quên rằng để sống lại vinh quang, Chúa Kitô đã chết nhục nhã. Cũng vậy, khi chập nhận đau khổ một cách vui vẻ, chúng ta chắc chắn cũng sẽ được vinh quang như Ngài.
 
 
Bài 79: Óc bè phái
Chúa nhật 29-09-1991. Chúa Nhật XXVI Quanh Năm B
 
Mc 9, 38-43. 45. 47-48; Ds 11, 25-29; Gc 5, 1-6
 
Bài Phúc Âm hôm nay gồm hai phần. Trong phần đầu, chúng ta thấy ý hướng cần chống lại tính ghen tương tự nhiên nơi con người: ghen tương nghề nghiệp, ghen tương địa vị, ghen tương tài giỏi. Trong nghề nghiệp, người lái xe ghen với người thu thuế, bộ đội ghen nghề công an... Đó là những cái ghen bình thường xảy ra hằng ngày trong xã hội, trong cuộc sống. Có thứ ghen tương khác nguy hiểm hơn, đó là ghen tương tôn giáo giữa những người Kitô Hữu với nhau, như Công Giáo-Tin Lành-Chính Thống, và cả ghen tương ngay trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo. Thực tế cho thấy, trong Giáo Hội vẫn còn tồn tại sự ghen tương và cạnh tranh giữa Dòng này với Dòng khác, giữa Giáo Hội thuộc quốc gia này với quốc gia khác, giữa địa phận này với địa phận nọ và ngay giáo xứ này với giáo xứ kia. Ngay trong Tòa Thánh, các cơ quan cũng cũng phải được phân chia rõ ràng: Dòng Tên lo về truyền thanh, Dòng Đa minh lo về thần học giúp Giáo Hoàng, Dòng Augustino lo về lễ nghi… Nói cách khác, mỗi dòng giữ một phần việc, một ưu thế riêng ở Tòa Thánh và không thể để cho dòng khác xâm phạm. Tính cách địa phương, linh tông, cha truyền con nối... cũng ảnh hưởng và gây trở ngại cho Giáo Hội. Đại học Dòng Tên chỉ học sách gì của Dòng Tên, không bao giờ dùng sách của dòng Đa Minh sợ rối đạo. Địa phận dòng chỉ đọc kinh của địa phận dòng, không đọc kinh của địa phận không dòng vì sợ sai. Hay là những gì linh mục trước để lại, người giáo dân phải bảo vệ đến cùng không nhân nhượng.
 
Óc ghen tương phân bì trong con người tự nhiên đã ảnh hưởng rất nhiều đến Giáo Hội. Kinh nghiệm này được tìm thấy trong thời ông Mô-sê. Ông Giô-suê đã xin ông Mô-sê cấm những người không được chọn nói tiên tri. 70 người được chọn nói tiên tri, nhưng cũng có mấy người không thuộc diện được chọn cũng nói tiên tri ở trại. Nhưng ông Mô-sê đã không cấm lại còn “Ước gì toàn dân Israel biết nói tiên tri” (Ds 11, 28). Với lời lẽ này, ông xứng đáng được gọi là người của Thiên Chúa vì ông mong cho toàn dân mở cửa lòng đón nhận ơn Thiên Chúa.
 
Biết Thiên Chúa sẽ giúp con người hiểu biết, thông cảm và liên đới với nhau hơn. Người của Chúa là người không chỉ giữ cho mình, nhưng biết chia sẻ và mong mỏi mọi người được như mình. Nếu không, người của Chúa sẽ làm gương mù, gương xấu cho người khác. Và gương xấu ấy, như Chúa nói, dù chỉ làm trẻ nhỏ vấp phạm thôi cũng đáng bị cột vào khối đá và quăng xuống biển. Không chỉ có ném xuống biển thôi vì biết đâu kẻ ấy lặn một hồi rồi lại ngoi lên. Nhưng buộc vào cối đá và ném xuống, để tính xấu ấy, gương mù ấy chết hẳn, không ngoi lên được.
 
Cũng có lần với lời lẽ thật nghiêm khắc, Chúa dạy phải móc mắt, chặt tay... nếu những phần này gây gương xấu. Điều này nghe có vẻ phi lý nhưng sự thực là thế. Nếu thân xác chúng ta bị bệnh và để được sống, nhiều khi chúng ta buộc phải giải phẩu cắt bớt phân bị bệnh như phổi, chân tay, mắt, thận... Cũng thế, trong đời sống thiêng liêng, việc móc mắt, chặt tay thiêng liêng càng cần thiết áp dụng để được sống dồi dào. Trong Phúc Âm, Thánh Marco chỉ nói đến chặt tay, nhưng Thánh Mattheu còn nói rõ hơn khi nói: nếu tay phải... chân phải...mắt phải... Chỉ dẫn này của Thánh Matthêu rất quan trọng vì thông thường người ta thuận bên phải và nếu bỏ bên phải đi thì coi như mất cả. Nhưng để được sống, những phần quan trọng này cũng phải từ bỏ.
 
Như thế, chúng ta cần phải xóa bỏ óc ghen tương, bè phái, chia rẽ trong mỗi người chúng ta. Chúng con, những linh mục sau này, nếu chỉ biết giảng Lời Chúa mà không thật sự làm gương sáng cho giáo dân qua việc sống Phúc Âm, thì dù giảng hay, nói khéo, giáo dân cũng chỉ nghe cho vui tai. Nếu linh mục giảng 10 mà sống chỉ có 3 hoặc 4 phần, giáo dân cũng không thể tốt được. Giáo dân sẽ đánh giá: Cha xứ như thế còn lên thiên đàng phương chi bổn đạo. Cần phải có việc làm và gương sáng đi đôi với lời giảng dạy, chúng ta mới có thể củng cố và tăng trưởng đức tin nơi người tín hữu.

Có một anh thanh niên con nhà giàu có bổng nhiên bỏ học. Bố anh ta buồn phiền gọi anh đến và than thở: “Cha rất buồn. Cha hy vọng con học hành tốt để sau này có thể làm chủ toàn bộ gia tài cha để lại. Vậy mà bây giờ con bỏ học.” Anh thưa với cha: “Con đang thất vọng. Con không thể học và đã bỏ học vì con ghét cha, khinh thường cha”. Người cha ngạc nhiên hỏi: “Bấy lâu nay cha hằng lo cho con bất cứ điều gì con muốn. Sao bây giờ con lại ghét, lại khinh dể cha?” Anh thưa lại: “Vâng, cha đã lo lắng và nuôi dưỡng con chu đáo. Cha thật sự không tiếc con sự gì, nhưng con không tin cha. Của cải cha cho con, còn niềm tin cha không cho con. Con đã suy nghĩ và chán cảnh sống không niềm tin này, và con quyết định bỏ học, không theo sự nghiệp của cha.”
 
Niềm tin là một điều rất quan trọng. Một khi sống thiếu niềm tin, chẳng có ai dám theo mình nữa. Chúng con hãy cầu xin Chúa cho chúng ta bỏ tính ghen tương, đố kỵ... để cùng xây dựng tình yêu thương bác ái huynh đệ chân thành, không còn phân biệt địa phận này địa phận nọ, dòng này dòng kia... Xin Mẹ Maria và Thánh Giuse cầu bầu cho chúng ta. Amen.
 
 
Bài 80: Thánh Hirônimô và Lời Chúa
Thứ hai 30-09-1991 - Tuần 26 Thường Niên
 
Lc 9, 46-50; Dcr 8, 1-8
 
Hôm nay lễ Thánh Hirônimô, Cha gợi lại một vài ý tưởng để chúng con biết và kính phục Ngài.

Thánh Hirônimô, sinh ở vùng gần Hy Lạp. Từ nhỏ, Ngài đã là người ngoại giáo. Và khi trưởng thành Ngài được gởi sang Roma theo học. Ở Roma, Ngài đã nhận được đức tin và xin chịu Phép Rửa. Với khả năng am hiểu văn chương La-tinh, Ngài say mê sách vở của các văn hào nổi tiếng thời đó và cuối cùng để tâm vào việc nghiên cứu Kinh Thánh. Và để đào sâu Kinh Thánh, Hirônimô đã sang tận Đất Thánh để trực tiếp nghiên cứu và suy ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và Thánh kinh.
 
Trong thời gian say mê văn chương La-tinh, một lần kia, Ngài nghe có tiếng hỏi: “Hirônimô, ngươi là môn đệ ai?” Ngài trả lời: “Thưa Ngài, tôi là môn đệ của Đức Giêsu Kitô”. Bỗng có bàn tay tát mạnh vào mặt Ngài và có tiếng nói: “Ngươi là môn đệ của các nhà văn hào La-tinh, chứ không phải là môn đệ của Đức Giêsu Kitô”.
 
Từ bấy giờ Ngài đã thức tỉnh, chuyên lo tìm hiểu Kinh Thánh. Danh tiếng Ngài đồn xa. Đức Giáo Hoàng Damaso đã cho triệu Ngài về Roma, và nhận Ngài làm thư ký riêng. Được ơn Chúa thúc đẩy, Đức Giáo Hoàng nhờ Hierônimô dịch toàn bộ bản văn Thánh Kinh ra tiếng La-tinh, vì mấy trăm năm nay, Giáo Hội chỉ dùng các bản văn cổ Do Thái. Với tài ba và lòng hâm mộ Thánh Kinh, Thánh Hirônimô đã cần cù dịch đủ toàn bộ các bản văn trong Thánh Kinh, và người ta công nhận rằng từ trước tới giờ chưa từng có và sẽ chẳng bao giờ có bản văn Kinh Thánh La Ngữ nào hay hơn bản dịch của Hirônimô. Thật vậy, ngay từ thời đó đến giờ, bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng La-tinh của Ngài đã và đang được dùng chính thức trong Giáo Hội. Cuối đời, Ngài về sống tại hang đá Belem và chết tại đó, hưởng thọ 80 tuổi (340-432). Ngài đã để lại một câu nói mà ta nên ghi nhớ: “Ai không hiểu Thánh Kinh là không hiểu Chúa Kitô”. Hôm nay kính nhớ Ngài, chúng ta hãy rút ra những bài học về Ngài.
 
Trước hết, chúng ta hãy tự hỏi xem: Mình là môn đệ của ai? Người nào thường nói về cái gì thì người ấy là môn đệ của thứ ấy.
 
Thứ hai, ai không hiểu Thánh Kinh thì không hiểu Chúa Kitô. Thế nên, chúng con hãy năng đọc Thánh Kinh để Lời Chúa trở thành nguồn sống và là hương thơm của lòng mình.
 
Sau cùng, lời Công Đồng Vatican II dạy: phải tôn kính Lời Chúa như chính mình Chúa. Điều này cho thấy tầm quan trọng của Kinh Thánh như thế nào.
 
Xin Thánh Hirônimô cầu bầu và hướng dẫn chúng ta trong mỗi lúc suy ngắm Phúc Âm. Amen.

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây