Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (6)

-

-

“Ước mong những suy tư giản dị, trong sáng như cuộc đời của Đức Cố Hồng Y, trong tập bài giảng này, cũng giúp tất cả chúng ta hiểu biết Chúa nhiều hơn, yêu mến Chúa nhiều hơn, và yêu mến Giáo Hội của Chúa nhiều hơn.” [Đức Ông Phan Văn Hiền HT63]. Phần 6.
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (6)
 
 
Bài 54: Mù thiêng liêng 
Thứ năm 30-05-1991 - Tuần 8 Thường Niên

Mc 10, 46-52; Hc 42, 15-25
 
Thân xác con người của chúng ta thật yếu đuối. Chỉ cần một phần thân thể bị đau nhức, bệnh hoạn, bất toàn, cả thân xác cũng bị ảnh hưởng. Bài Phúc Âm hôm này nói đến việc Chúa chữa lành một người mù. Mù là một tật bệnh gây đau khổ cho người nào mắc phải. Người mù không thể trông thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên, không thấy sinh hoạt và hình ảnh của người khác, và cũng không đọc được tin tức về xã hội, văn hóa cũng như về Giáo Hội để củng cố đức tin. Nếu một người bình thường “mù chữ”, không đọc ược sách báo đã cảm thấy khó chịu, đau khổ, một người mắc bệnh mù lại càng cảm thấy đau khổ và bực bội hơn. Thử bịt mắt lại trong vòng chỉ 15 phút thôi, chúng ta sẽ có kinh nghiệm sống trong tăm tối khốn khổ như thế nào.

Mù tự nhiên thể xác đã nặng nề như vậy, huống hồ là bị mù thiêng liêng. Đây là bệnh mù của  những người không có đức tin hoặc thiếu đức tin. Người ngoại giáo không thể hiểu được việc Chúa Giêsu ngự trong Nhà Tạm, cũng không thể hiểu người giáo dân vào nhà thờ cầu nguyện như thế nào. Chỉ những người có đức tin mới hiểu được tại sao phải cầu nguyện và việc Chúa Giêsu ngự trong phép Thánh Thể.

Ngày kỷ niệm và kính Phép Thánh Thể càng tới gần, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta có đức tin mạnh mẽ vào phép Thánh Thể, một mầu nhiệm khó hiểu, nhưng là mầu nhiệm tình yêu, tình yêu bao la Chúa dành cho con người. Hằng ngày chúng ta tham dự thánh lễ, được rước chính Mình Thánh Chúa làm của ăn thiêng liêng để tăng triển đời sống đức tin của mình. Thánh Thể thật gần gũi trong đời sống, nhưng Thánh Thể vẫn luôn là một “mầu nhiệm đức tin” như câu tuyên xưng của linh mục sau khi đọc phần truyền phép, hóa bánh và rượu trở thành Mình và Máu của Chúa Kitô. Và đứng trước mầu nhiệm cao cả này, tất cả chúng ta chỉ còn biết bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào việc Chúa đã chết, sống lại và sẽ ngự đến: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến”.

Đây là một lời tuyên xưng thật ý nghĩa nói lên tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Ngài đã chết vì yêu thương con người, cứu con người khỏi quyền lực của ma quỷ. Ngài sống lại để ban cho con người cuộc sống mới. Ngài sẽ trở lại để đem con người vào hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài. Và giữa thời gian hiện tại với ngày Chúa trở lại, Mình Thánh Chúa là sự hiện diện liên tục của Ngài ở trần gian và đồng thời là lương thực thiêng liêng giúp chúng ta sống đức tin một cách sung mãn. Vì thế, sống đức tin không chỉ giới hạn trong thánh lễ, nhưng phải được thực hiện trong cả ngày sống, trong cả cuộc đời. Nói rõ hơn, sống đức tin là sống mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô trong cuộc đời của mình. Chứ không phải chỉ là lời tung hô ngoài môi miệng.

Cách đây khoảng 60 năm, ở tại Viterbo, gần Roma, có một linh mục dâng lễ hằng ngày ở đó nhưng lại hay nghi ngờ không biết Chúa Giêsu có thực sự ngự trong hình bánh khi truyền phép không. Một hôm, Chúa thương vị linh mục đó và đã tỏ cho thấy một cách tường tận chính Ngài ngự trong hình bánh. Đến phần rước lễ, vị linh mục bẻ Mình Thánh ra. Lập tức, Máu Thánh Chúa từ tấm bánh được bẻ cứ chảy ra liên tục, tràn xuống ướt cả khăn thánh và khăn bàn thờ. Ngài vội sai người đến Tòa Giám Mục ngay để mời Đức Cha đến chứng kiến. Khi Đức Giám Mục đến nới, vị linh mục thú nhận trước đây ngài dâng lễ một cách hồ nghi, không biết Chúa có thật sự hiện diện trong hình bánh không, và bây giờ phép lạ này đã xảy ra. Sau khi hiểu rõ đầu đuôi, Đức Cha mời gọi tất cả mọi người làm việc đền tạ, xin Chúa tha lỗi cho vị linh mục và cho tất những ai hồ nghi về phép Mình Thánh. Ngài tổ chức rước kiệu Mình Thánh cách trọng thể. Thế rồi Máu Thánh không chảy ra nữa… Cha đã đến đây hành hương. Nhà thờ này luôn luôn đông người đến để đền tạ và dự lễ. Khăn bàn thờ và khăn thánh có Máu Thánh hiện vẫn còn giữ tại Viterbo.

Lại có chuyện vào năm 1263, tại thành Bolsena gần Roma, có một linh mục làm lễ ở nhà thờ kính Bà Thánh Cristina. Ngài hồ nghi về phép Thánh Thể. Một lần kia, sau khi vừa truyền phép, rượu trong chén đỏ ra như máu sôi trào ra rơi xuống bàn thờ. Linh mục sai người mời Đức Giáo Hoàng Urbano IV đến và chứng kiến tận mắt. Chính vì vậy, Ngài đã quyết định lập lễ kính Mình Thánh Chúa năm 1264 và còn lưu truyền cho đến ngày nay.

Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta xin Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng hằng yêu thương, mở mắt đức tin của chúng ta, để chúng ta nhận biết chắc chắn Ngài đang ngự thật trong phép Thánh Thể trên bàn thờ. Cũng xin Ngài giúp cho mỗi người chúng ta biết sống mầu nhiệm đức tin không chỉ ở trong thánh lễ nhưng trong suốt cả cuộc sống, để Chúa không chỉ ngự trong Nhà Tạm nhưng luôn ở trong chúng ta, đồng hành với chúng ta, và giúp chúng ta can đảm làm chứng cho mọi người biết rằng Chúa đã chết và sống lại vì yêu thương chúng ta, yêu thương mọi người. Amen.


 
Bài 55: Tặng Chúa Giêsu cho người khác    
Thứ sáu 31-05-1991 - Lễ Đức Mẹ Đi Viếng Bà Isave

Lc 1, 39-56; Xp 3, 14-18
 
Trong tất cả những lễ kính Đức Mẹ, Lễ Đức Mẹ Đi Viếng Bà Isave là một lễ được thiết lập từ lâu đời, vì được đặt trên nền tảng Phúc Âm qua bài tường thuật của Thánh Luca về sự kiện Mẹ Maria sau khi được thiên thần truyền tin, đã đến thăm viếng Bà Isave, để chúc mừng người chị họ được mang thai khi tuổi đã lớn.

Trong lịch sử phụng vụ của Giáo Hội, các lễ Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, ở Fatima, cũng chỉ mới được thiết lập ở thế kỷ XIX, XX này. Và ngay cả Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời cũng mới được thiết lập sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố tín điều này vào năm 1950 và từ đó mới được cử hành trọng thể. Còn Lễ Đức Mẹ Đi Viếng Bà Thánh Isave có trước cả Lễ Phục Sinh. Riêng Địa Phận Hà Nội, lễ này còn mang một ý nghĩa đặc biệt hơn, vì khi Cha Đắc Lộ cùng các bạn đặt chân tới Hà nội, Ngài đã đặt lễ này làm quan thày riêng của Địa Phận, phó thác địa phận trong tay Đức Mẹ Đi Thăm Viếng. Điểm thứ ba được lấy ra từ tư tưởng thần học của bài Phúc Âm hôm nay. Ở đây, Cha muốn nhắc lại là trong một bài giảng, chúng con cần đào sâu tư tưởng thần học để làm cho bài giảng được phong phú vì có nền tảng Kinh Thánh vững chắc. Và nền tảng thần học của bài Phúc Âm hôm này là: Đức Mẹ là người của Giáo Ước Mới –Tân Ước, và Bà Isave, người chị họ của Mẹ Maria là người của Giao Ước Cũ -Cựu Ước. Thật vậy, Đức Mẹ vì cưu mang Chúa Giêsu là Đấng Toàn Năng và là Đấng Cứu Thế trong mình, nên Đức Mẹ ngay từ đầu đã được Thiên Chúa gìn giữ cho khỏi mắc Tội Tổ Tông. Trái lại Bà Isave, mặc dù đóng một vai trò quan trọng trong chương trình nhập thế và cứu chuộc của Chúa, Bà vẫn vướng mắc Tội Nguyên Tổ. Tuy nhiên, hài nhi trong lòng Bà Isave là Gioan Tiền Hô, khi được nghe lời chào hỏi của Mẹ khi đến viếng thăm, liền được khỏi Tội Tổ Tông. Sự kiện này được chứng minh qua việc “hài nhi nhảy mừng trong lòng Bà Isave”.

Sau khi đã suy ngắm ngày Lễ Đức Mẹ Đi Viếng Bà Isave qua quan điểm lịch sử của Giáo Hội và địa phận, cũng như tư tưởng thần học, chúng ta rút ra được một vài bài học sau đây:

Khi Đức Mẹ đem Chúa đến với người chị họ của mình, chính Chúa đã tác động làm cho hài nhi trong lòng Bà Isave khỏi Tội Tổ Tông. Nói cách khác, Gioan Tiền Hô được sạch Tội Tổ Tông là nhờ chính Chúa Giêsu trong cung lòng của Mẹ Maria. Đức Mẹ không thể tha Tội Tổ Tông cho Gioan Tiền Hô. Và giả sử Đức Mẹ có đến thăm Bà Isave bằng trực thăng, mang nhiều vàng bạc làm quà tặng, chào Bà Isave bằng những lời lẽ thâm sâu hơn, nhưng nếu không có Chúa trong lòng, Gioan Tiền Hô vẫn không được sạch tội. Điều này nhắc nhở chúng ta về món quà cao quý nhất để ban tặng cho người khác là chính Chúa Giêsu. Chính Ngài là món quà làm cho người khác “phải nhảy mừng” như Gioan Tiền Hô. Nhưng không ai lại có thể cho người khác “cái” mình không có. Nên điều quan trọng nhất là sống noi gương Mẹ để chúng ta thật sự có Chúa Giêsu trước đã.

Một chi tiết khác ở phần cuối của bài Phúc Âm hôm nay cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ: “Đức Mẹ ở đó ba tháng, rồi trở về nhà mình”. Điều này có nghĩa, Đức Mẹ không chỉ đến thăm Bà Isave một vài ngày, vài tuần, nhưng ở lại giúp người chị họ này cho đến khi sinh hạ Gioan Tiền Hô, vì khi đến truyền tin, Thiên Thần đã báo cho Đức Mẹ biết, Bà Isave đã mang thai được sáu tháng rồi. Chắc chắn công việc phụ giúp người chị họ sinh nở không phải là chuyện nhẹ nhàng, thong thả, nhưng trong Phúc Âm không thấy nói gì tới những công việc này của Đức Mẹ. Như thế có nghĩa là Đức Mẹ đã phục vụ một cách âm thầm, khiêm tốn. Chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta biết sống như Mẹ, luôn biết giúp đỡ người khác trong thinh lặng, không kể công như một người tôi tớ: “Chúng tôi chỉ là tôi tớ vô dụng. Làm những chuyện phải làm đó thôi”. Amen.

 
Bài 56: Khôn ngoan phục vụ lợi ích chung 
Thứ bảy 01-06-1991 - Tuần 8 Thường Niên

Mc 11, 27-33; Hc 51, 12-20
 
Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu là một người chân thành nhưng không ngây thơ. Đối đầu với những người đến chất vấn, muốn thử thách để dồn Ngài vào chỗ bí, Chúa Giêsu đã trả lời một cách thẳng thắn, khôn ngoan làm cho họ cứng miệng. Họ đặt bẫy Ngài: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?” Và Ngài đã không trả lời trực tiếp, nhưng trả lời bằng một câu hỏi khác: “Phép rửa của Gioan là do Trời hay do người ta? Nếu các ông trả lời câu hỏi này thì tôi sẽ trả lời cho các ông…” Các nhà chú giải Kinh Thánh gọi đây là cách trả lời kiểu tiên tri, vì các Tiên Tri ngày trước luôn khôn ngoan khi phải đương đầu với kẻ thù. Chính Thánh Gioan Tông Đồ sau này, khi viết cho các cộng đoàn dân Chúa, cũng dùng những ẩn ngữ, những hình ảnh mà chỉ Ngài và những người Kitô hữu mới có thể hiểu được. Vì dụ hình ảnh “rồng đen, rồng đỏ” được Ngài ám chỉ đến Vua Roma hay một vị quan lớn nào đó. Đó cũng là kiểu khôn ngoan tiên tri.

Trở lại bài Phúc Âm hôm nay. Câu hỏi khôn ngoan của Chúa làm họ bối rối không biết nên trả lời như thế nào. Nếu phép rửa của Gioan bởi Trời. Vậy tại sao không tin. Còn nếu trả lời bởi người ta. Thiên hạ sẽ ném đá chết ngay, vì mọi người đều cho răng Gioan là một Ngôn Sứ của Chúa. Cuối cùng họ đành phải trả lời: “Chúng tôi không biết”. Và vì thế, Chúa cũng không phải trả lời câu hỏi họ đặt ra. Câu trả lời khôn ngoan của Chúa dạy chúng ta cũng phải suy nghĩ chín chắn khi đứng trước mọi biến cố, sự việc xảy ra trong cuộc đời. Khôn ngoan của người theo Chúa không phải để làm ích cho riêng mình, hay làm hại kẻ khác, nhưng chỉ vì lợi cho Giáo Hội và công việc chung.

Chuyện kể lại rằng, lúc Đức Thánh Cha Gioan XXIII còn làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Pháp, một hôm Ngài đang nói chuyện với một Đức Cha người Pháp thì được báo có ông Đại Sứ Liên Xô đến gặp. Đức Cha kia định đứng lên cáo từ, nhưng Đức Gioan XXIII mời cứ ngồi lại. Cuộc nói chuyện tay ba diễn ra sôi nổi, vui vẻ. Khi ông Đại Sứ đã về, Ngài hỏi Đức Cha người Pháp: Cha thấy cuộc nói chuyện thế nào? Đức Cha đó trả lời: thấy bầu khí vui vẻ lắm. Ngài hỏi tiếp: mà Đức Cha có nhớ là mình nói chuyện gì không? Đức Cha người Pháp đáp: con cũng chẳng nhớ nói chuyện gì nữa, chỉ biết là vui cười thoải mái thôi. Lúc đó vị Sứ Thần mới bộc lộ: đấy là nghề của tôi. Làm sao khi người ta đến nói chuyện với mình phải cởi mở và vui vẻ, nhưng không để người ta bắt lỗi mình. Phải làm thế nào để cho người ta đến và ra đi trong vui vẻ.

Vào năm 1950, khi thế giới còn ở trong tình trạng chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản và cộng sản, Ngài được Tổng Thống Charles De Gaule mời đọc diễn văn khai mạc cuộc họp mặt ngoại giao đoàn. Lúc đó, Ngài mới đến Pháp được hai ngày. Ngài lo nghĩ không biết làm sao để soạn bài diễn văn cho phù hợp với tình hình của nước Pháp. Được biết vị Đại Sứ Liên Xô tại Pháp đã soạn xong bài diễn văn, nhưng Tổng Thống Pháp không muốn ông Đại Sứ của nước cộng sản này đọc, vì sợ có điều gì không hay trong đó, Ngài liền đến gặp ông Đại Sứ này, chân thành trình bày lý do và xin mượn bài diễn văn soạn sẵn của ông để đọc cho Tổng Thống Pháp. Ngài cũng cho biết sẽ giữ lại tất cả nguyên văn ngoại trừ thêm vào phần cuối câu “Xin Thiên Chúa ban sức mạnh cho Tổng Thống” như bài diễn văn của các Sứ Thần Tòa Thánh vẫn dùng. Ông Đại Sứ mừng rỡ nói: thế thì tốt quá, vinh dự cho tôi quá còn gì! Và hai bên thỏa thuận với nhau. Ngài cầm bài diễn văn của ông Đại Sứ Liên Xô về nhà cách vui vẻ.

Khi bài diễn văn được đọc xong, Tổng Thống Pháp vừa vỗ tay vừa nói: Có thế chứ. Sứ Thần Tòa Thánh có khác. Bài diễn văn thật đầy đủ. Nếu để cho ông Đại Sứ Liên Xô thì không biết bài diễn văn có ra gì không? Sau đó, khi biết rõ đầu đuôi chuyện bài diễn văn của Sứ Thần Tòa Thánh, ai nấy đều cười xòa vui vẻ.

Cũng vậy, chúng con phải biết sử dụng sự khôn ngoan Chúa ban để phục vụ lợi ích chung. Amen.

 
Bài 57: Yêu mến Thánh Thể
Chúa nhật 02-06-1991 - Lễ Mình và Máu Chúa Kitô

Mc 14, 12-16, 22-26; Xh 24, 3-8; Dt 9, 11-13
 
Lễ Mình Máu Chúa Kitô được người giáo dân Việt Nam kính trọng một cách rất đặc biệt. Họ bảo là lễ rất trọng vì là lễ Xăng-ti, do tiếng La-tinh Santissimo Corpus Domini, lại có rước kiệu Mình Thánh Chúa cách trọng thể. Quan niệm của người tín hữu bình dân thật đơn sơ. Đối với họ, lễ nào có kiệu rước là trọng thể. Thật ra, nhiều khi kiệu rước còn sinh ra lắm tội, vì thiên hạ trang giành, cãi cọ nhau. Còn với chúng con, lễ Xăng-ti báo hiệu hè đã gần đến và ai nấy háo hức chuẩn bị về lại gia đình, giáo xứ. Ngày trước khi ở giáo xứ Cây Vông, Nha Trang, Cha chỉ cần xem các món ăn là đoán được bao giờ sẽ về hè. Khi nào thấy dưa, giá, cà, măng được dọn trên bàn ăn, mùa hè đến nơi rồi đó!

Trở lại vấn đề, lễ Xăng-ti trọng ở chỗ nào? Thưa, lễ này rất quan trọng vì Thánh Thể là trung tâm điểm của đời sống và là đỉnh cao cho các Bí Tích khác. Trong khi các Bí Tích khác ban ơn Chúa xuống, Bí Tích Thánh Thể ban chính Chúa Giêsu là nguồn mạch mọi ơn. Tất nhiên, khi suy nghĩ về Phép Thánh Thể, chúng ta tìm gặp được rất nhiều đề tài để suy ngắm. Chẳng hạn như về tình thương, về quyền năng của Chúa… Nhưng ở đây, Cha không có thời gian để nói tất cả. Cha chỉ đề cập tới những gì liên hệ gần gũi với chúng con. Vậy, Phép Thánh Thể tác động gì trong cuộc đời mỗi người chúng ta?

Phép Thánh Thể luôn gắn liền với đời sống chúng ta, vì đây là lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng đời sống đức tin của chúng ta. Hằng ngày chúng ta vẫn rước Mình Thánh Chúa vào trong lòng chúng ta. Nhưng việc này có thật sự làm chúng ta sốt sắng lên hay đã trở thành một thói quen nhàm chán? Một cách tự nhiên, con người dễ cảm thấy nhàm chán khi phải lập đi lập lại một công việc nào đó thật nhiều lần. Người ta nói có hai hạng người bái quỳ Mình Thánh cách tồi tệ hơn cả là ông từ và linh mục, vì những người này mỗi ngày bái gối trước Mình Thánh Chúa nhiều lần quá nên mất cả ý thức và trở thành thói quen. Điều này không phải đúng hoàn toàn. Tuy nhiên, thái độ bên ngoài một cách nào đó cũng nói lên được cái tâm bên trong. Chỉ cần để ý xem cách cư xử của một linh mục với Phép Mình Thánh, kính trọng hay lơ là, chúng ta có thể đoán được linh mục đó là người như thế nào. Nếu thấy áo lễ, khăn bàn thờ... luôn sạch sẽ, thấy linh mục đó đi ngang qua Mình Thánh còn bái quỳ cẩn thận và dâng lễ cách sốt sắng, chúng ta biết chắc linh mục đó còn yêu mến Thánh Thể.

Nhưng làm sao để có thể yêu mến Thánh Thể? Một cách rất đơ sơ là hãy tưởng nghĩ và kết hợp với Chúa Giêsu. Bài Phúc Âm hôm nay tường thuật cách Ngài lập Phép Thánh Thể: “Người cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phán…” Vì thế, mỗi khi làm những cử chỉ đó, chúng ta kết hợp với Chúa bằng cách ý thức chính Chúa đã lập Phép Thánh Thể và bây giờ Ngài còn dùng bàn tay chúng ta để dâng lên Chúa Cha hiến tế cứu chuộc toàn thể nhân loại. Chỉ cần suy nghĩ như thế thôi cũng đủ để chúng ta sống thân mật với Chúa, và ngày càng yêu mến Chúa nhiều hơn. Và như thế, Cha chắc chắn chúng con sẽ không bao giờ nhàm chán khi tiếp xúc với Thánh Thể hằng ngày, vì đối với những người thật sự yêu thương, họ không bao giờ cảm thấy nhàm chán nhau, nhưng luôn thích thú vì sự mới mẻ bất tận.

Trong Bài Đọc I hôm nay, chúng ta nghe chuyện thầy tư tế ngày xưa bôi máu chiên lên mình rồi rảy trên toàn dân để thanh tẩy. Đây là nghi thức để thiết lập giao ước, nhưng giao ước này chỉ có tính cách tạm thời. Còn Máu của Chúa Giêsu đổ ra mới làm nên giao ước mới, giao ước vĩnh cửu, giao ước cứu độ muôn đời. Và mỗi khi cử hành thánh lễ, giao ước này được hiện tại hóa qua Mình và Máu của Chúa Giêsu trên bàn thờ. Vì thế, người nào không kính trọng và yêu mến Thánh Thể, người đó tự tách mình ra khỏi giao ước cứu độ của Chúa.

Chúng ta đang sống trong tháng kính Trái Tim Chúa, tháng đặc biệt giúp chúng ta nhớ đến tình thương vô bờ bến Ngài dành cho chúng ta, nhất là tình thương được biểu hiện qua Phép Thánh Thể. Chúng ta cầu xin Chúa qua lời cầu bầu của Mẹ Maria, giúp chúng ta biết yêu mến Thánh Thể một cách sâu đậm và thực hành những lời Chúa chỉ dạy để sống hoàn toàn cho Chúa và Hội Thánh của Ngài. Amen.

  
Bài 58: Sử dụng ơn Chúa
Thứ hai 03-06-1991 - Tuần 9 Thường Niên

Mc 12, 1-12; Tb 1, 1-2; 2, 1-9
   
Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta nghe tường thuật dụ ngôn về người tá điền và vườn nho. Thánh Marcô cho biết những tá điền là những người đứng đầu coi sóc vườn nho cho ông chủ. Bài dụ ngôn muốn ám chỉ những người tá điền là các đầu mục trong Đạo Do Thái. Họ đã ngoan cố không tin và còn chống lại chương trình yêu thương của Chúa. Những người này đã đánh đập và giết chết một số các đầy tớ được chủ sai đến, và ngay cả người con yêu dấu của ông chủ, họ cũng giết luôn.

Ở đây, theo nghĩa Kinh Thánh, đầy tớ chính là các Tiên Tri trong Cựu Ước và vườn nho theo Tiên Tri Êlia chính là dân của Chúa. Còn danh từ “con yêu dấu” ám chỉ chính Chúa Giêsu. Danh từ này đã được dùng đến trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giordan và trên núi Tabôrê khi Ngài biến hình sáng láng. Cả hai lần đều có tiếng phán: đây là Con Ta Yêu Dấu. Nhưng điểm quan trọng có tính cách thần học của bài dụ ngôn này là việc các đầu mục đã chối bỏ tình thương của Chúa. Sự chối bỏ này không phải chỉ xuất hiện trong tư tưởng, nhưng đã được bộc lộ ra bằng hành động chống đối cụ thể. Một hành động được xuất phát từ ý muốn của con tim. Và việc chống đối này nói lên thái độ cứng lòng của các đầu mục đối với lời rao giảng của Chúa Giêsu. Kết quả phải đến là: “Chủ vườn nho sẽ tiêu diệt các tá điền ấy và cho các người khác làm vườn nho cho mình”.

Áp dụng vào thực tế, bài Phúc Âm muốn nhắc nhở chúng ta về những ơn Chúa thương ban cho mỗi người. Nếu chúng ta không biết nuôi dưỡng và phát triển những ơn riêng Chúa ban, hoặc chối bỏ tình thương của Chúa, Ngài sẽ cất đi những ơn đó để trao lại cho người khác biết sinh lợi. Trường hợp của Giuđa là một ví dụ cụ thể. Giuđa đã chối từ ơn làm Tông Đồ bằng việc bán Chúa và treo cổ tự tử. Vì thế, khi Giáo Hội mới được thành lập, Phêrô đã kiếm người bổ túc vào chỗ của Giuđa. Phêrô tuyên bố: “Chúng ta hãy tìm một người khác trong chúng ta có ơn Chúa để thay thế cho con người hư hỏng này”. Và cuối cùng Giuse đã được điền vào chỗ của Giuđa.

Cũng vậy, chúng con là những người được Chúa thương cách đặc biệt, được Chúa kêu gọi để làm linh mục của Chúa, coi sóc giáo dân và làm việc tông đồ để phát triển Hội Thánh. Một cách cụ thể, chúng con đang được ở trong nhà cao cửa rộng, ăn uống đàng hoàng, và có đủ điều kiện để học hành và tu đức. Nhưng nếu chúng con không cố tâm học tập, không trau dồi tu đức, sống xa rời lý tưởng linh mục, chắc Chúa sẽ chọn người khác thế vào chỗ của chúng con. Bài Phúc Âm hôm nay là một nhắc nhở quan trọng Chúa muốn gởi đến mỗi người chúng con, để chúng con có dịp nhìn lại cuộc sống, kiểm điểm những gì còn sai trái, thiếu sót, và quyết tâm sống trọn vẹn cho Chúa, hết mình phục vụ tha nhân một cách vô vụ lợi chỉ vì vinh danh Chúa. Amen.

  
Bài 59: Tất cả vì Chúa 
Thứ ba 04-06-1991 - Tuần 9 Thường Niên

Mc 12, 13-17; Tb 2, 10-23
 
Trong Phúc Âm, chúng ta thấy có hai hạng người thường đến chất vấn Chúa Giêsu. Đó là người của Phái Pharisiêu và Hêrôđê. Thật ra, hai hạng người này không ưa gì nhau vì có lập trường khác nhau. Phái Pharisiêu chủ trương chống lại sự đô hộ của Đế Quốc La Mã. Có thể nói họ là những người mang tinh thần yêu nước cực đoan. Còn Phái Hêrôđê lại chủ trương hòa giải, nên đứng ra cộng tác làm việc với những người cai trị. Tuy nhiên, vì muốn có thêm sức mạnh đương đầu với Chúa Giêsu, họ tạm thời hợp tác với nhau. Cả hai nhóm cùng đến gặp Chúa và đặt cho Ngài một vấn đề thật hóc búa để bắt bí Ngài: có nộp thuế cho vua Cêsarê không? Nếu Chúa trả lời không nộp, phái Hêrôđê sẽ tố giác Chúa âm mưu nổi loạn, chống lại Roma. Còn nếu Ngài trả lời phải nộp thuế, phái Pharisiêu sẽ viện lý do Chúa cấu kết với ngoại ban, phản bội dân tộc và quê hương. Nói một cách vắn gọn, cả hai cách trả lời đó đều dẫn Chúa đến chỗ chết. Thật là một câu hỏi thâm độc.

Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời một cách quá khôn ngoan, vượt hẳn mọi suy tính của họ. Ngài trả lời: của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, của Chúa hãy trả cho Chúa. Ở Việt Nam chúng ta, câu trả lời này dần dần được mọi người dùng để diễn tả việc sống sao cho tốt đạo đẹp đời. Nhưng thật ra, đâu là ý nghĩa chính của câu trả lời này? Ý nghĩa chính được tìm thấy trong bài Phúc Âm này là sự tuyệt đối của Thiên Chúa. Thiên Chúa là tất cả và không có gì có thể so sánh với Thiên Chúa được. Vì thế, không thể lấy Cêsarê để so sánh với Thiên Chúa. Ngài phải là cùng đích của tất cả mọi người. Điều này được nhắc nhở mỗi lần chúng ta đọc Kinh Tin Kính hay Kinh Vinh Danh, để chúng ta ý thức dấn thân trọn vẹn cho Thiên Chúa, bởi vì “chỉ có Chúa là Đấng Thánh, chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Đấng Tối cao”.

Mấy ngày hôm nay, chúng ta theo dõi những hoạt động của Đức Thánh Cha trong chuyến về thăm quê hương Ba Lan dấu yêu của Ngài. Đức Thánh Cha là một người rất yêu quý quê hương, nhưng không bao giờ đặt quê hương trên Thiên Chúa. Trái lại, Ngài luôn quan tâm, lo lắng cho dân Ngài biết sống đúng với lề luật của Chúa. Chúa là tất cả, trên hết mọi sự. Ngài luôn ý thức mình được Chúa thương yêu một cách đặc biệt trong cả cuộc sống, nhất là qua tấm gương của Đức Hồng Y Stefan Wyszynski. Năm 1973 trong một cuộc họp, Ngài lúc đó còn là Hồng Y, đã nói với Cha: “Chúng tôi tự hào vì có Đức Hồng Y Wyszinski là người Cha tiên phong của cả Giáo Hội và là mẫu gương cho mọi người dân Balan chúng tôi”. Và điều này được chứng minh ngay trong lần đầu tiên Ngài trở về thăm quê hương sau khi được chọn làm Giáo Hoàng. Khi đứng ở trên khán đài, nghe dân chúng không ngớt tung hô: hoan hô Đức Gioan Phaolô II, hoan hô Đức Giáo Hoàng... Ngài ra hiệu cho họ im lặng và nói: Các con có nghe lời Cha không? Tất cả cùng thưa: Có. Ngài tiếp: vậy Cha bảo làm gì thì phải làm nghe chưa? Họ đáp: vâng. Ngài quay sang nói với Đức Hồng Y Wyszinski (khi ấy còn sống), đang đứng bên cạnh: Đức Hồng Y cứ đứng yên lặng để cho Cha con chúng tôi nói chuyện. Và Ngài hô lớn: hoan hô Đức Hồng Y Wyszinski. Tức thì mọi người đều lớn tiếng hoan hô Đức Hồng Y. Đức Hồng Y Wyszinski là một tấm gương lớn đối với Đức Thánh Cha bởi vì Đức Hồng Y luôn sống khẩu hiệu “Soli Deo”, “Chỉ một mình Thiên Chúa”, nên Đức Hồng Y đã vượt qua tất cả những khó khăn, thử thách ngay cả khi bị bắt bớ, tù đày.

Lời Chúa hôm nay cùng với gương của Đức Hồng Y Wyszinski dạy chúng ta phải sống hoàn toàn, trọn vẹn cho Thiên Chúa như lời tung hô mà chúng ta vẫn thường tuyên xưng: chỉ có Chúa là Đấng Thánh, chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Đấng Tối Cao. Amen.

 
Bài 60: Tinh thần yên lặng
Thứ tư đầu tháng kính Thánh Giuse  
Ngày 05-06-1991 - Tuần 9 Thường Niên

Mc 12, 18-27; Tb 2, 10-23
 
Hôm nay, ngày thứ tư đầu tháng, Cha dâng lễ kính Thánh Giuse. Ngày nay, người ta thường để ý và đề cập nhiều đến các Thánh tân thời, nên lơ là với Thánh Giuse. Có lẽ họ nghĩ Ngài là vị Thánh quá xưa rồi. Nhưng thật ra, Hội Thánh không ngừng xưng tụng, tôn kính Thánh Giuse. Vị Thánh nào dù nổi tiếng đến đâu cũng chỉ được kính trong một xứ họ, một địa phận hay một quốc gia. Còn Thánh Giuse, được đặt làm Quan Thầy cả Hội Thánh. Điều này chứng tỏ Hội Thánh luôn xem trọng Thánh Giuse. Ở trong Hội Thánh, sau Đức Mẹ, Thánh Giuse phải kể là Vị Thánh đáng tôn kính nhất.

Có ba lý do khiến chúng ta tôn kính Thánh Giuse cách đặc biệt. Đó là: vì Ngài đầy quyền phép, vì Ngài đáng yêu mến, và vì Ngài được các Thánh rất mực tôn kính.

Trước hết, Thánh Giuse là Đấng đầy quyền phép. Ngài đã được Chúa Cha trao trách nhiệm gìn giữ Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Ngài chăm sóc Hai Đấng về phần xác, và an ủi cùng yêu thương về mặt tinh thần. Và Ngài đã chu toàn nhiệm vụ này một cách hoàn hảo. Thứ hai, Thánh Giuse đáng yêu mến. Ngài đã dành trọn cuộc đời mình làm bạn thanh sạch của Đức Mẹ và là Cha Nuôi của Chúa Giêsu. Tất cả thời giờ, sức lực của Ngài đều dành cho Chúa và Mẹ Maria với một tình thương yêu chân thành, sâu đậm. Vì thế, Mẹ và Chúa cũng rất yêu mến Thánh Giuse và muốn tất cả chúng ta có lòng yêu mến Thánh Giuse. Lý do cuối cùng: vì Thánh Giuse được các Thánh khác rất mực tôn kính. Thật vậy, Thánh Giuse được các Thánh khác kính trọng và yêu mến cách riêng, vì thông thường khi yêu mến Chúa Giêsu và Đức Mẹ, các Thánh đồng thời cũng yêu mến Thánh Giuse. Thánh Têrêsa Avila, Bề Trên tu chỉnh lại dòng Carmêlô đã xác nhận: tôi nhớ rằng, chưa bao giờ tôi xin điều gì cùng Thánh Giuse mà lại không được ban cho.

Nhìn vào cuộc đời của Thánh Giuse, chúng ta nhận thấy Ngài là người yên lặng. Yên lặng của Thánh Giuse không phải chỉ vì Ngài ít nói, nhưng trên hết vì Ngài luôn sống mật thiết với Chúa. Ngài luôn sống Lời Chúa trong thinh lặng và chăm chỉ làm việc. Một vị Thánh đã giải thích về sự thinh lặng của Thánh Giuse bằng những lời đơn sơ như sau: Chúa Giêsu yêu Đức Mẹ và Thánh Giuse hơn cả. Nên trong khi được sống với Mẹ Maria và Thánh Giuse, Chúa Giêsu đã dùng kiểu nói đơn sơ nhất để giúp Hai Đấng hiểu rõ về tình yêu của Thiên Chúa. Nói cách khác, Thánh Giuse yên lặng là vì Ngài sống gần gũi với Chúa Giêsu -Ngôi Lời của Thiên Chúa. Ngài nghe lời Chúa nói và cũng suy niệm trong lòng như Mẹ Maria.

Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta xin Thánh Giuse cầu bầu cùng Chúa cho tất cả chúng ta biết đào sâu và sống Lời Chúa trong thinh lặng để nhận ra tình yêu thương cao cả của Chúa dành cho mỗi người và đáp lại tình yêu đó một cách cụ thể trong khiêm tốn. Và chúng ta cũng xin Thánh Giuse gìn giữ mỗi người chúng ta như Ngài đã dưỡng nuôi, gìn giữ, và che chở Chúa Giêsu ngày xưa. Amen.

 
Bài 61: Khoa học Thánh Giá
Thứ năm 06-06-1991 - Lễ Suy Tôn Thánh Giá

Ga 3, 13-17
 
Đối với người Công Giáo, Thánh Giá là một dấu hiệu thường ngày. Nhà thờ, trường học, gia đình... đâu đâu cũng thấy hình Thánh Giá. Và mỗi ngày, không biết bao nhiêu lần họ làm dấu Thánh Giá: trước mỗi bữa ăn, đọc kinh, hội họp... Và vì thế, rất nhiều người không còn ý thức mỗi khi làm dấu Thánh Giá.

Hôm nay, ngày thứ năm đầu tháng, chúng ta dâng lễ Suy Tôn Thánh Giá, một dịp để chúng ta ý thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của Thánh Giá. Một cách cụ thể, khoa thần học dựa vào hình dạng bên ngoài để giải thích hai chiều kích của Thánh Giá: dọc và ngang.

Chiều kích bề dọc được diễn tả trong Kinh Tin Kính: “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”. Nghĩa là từ trời cao thẳm, Ngài đã xuống trần để mặc lấy thân xác loài người yếu hèn, rồi còn “Chịu khổ hình và mai táng thời Phongxiô Philatô”. Điều này muốn nói, từ chỗ cao nhất, Ngài tự hạ đến chỗ thấp hèn nhất để đưa tất cả mọi hạng người về Trời cao, nơi Ngài “Ngự bên hữu Đức Chúa Cha“, “và Ngài sẽ trở lại trong vinh quang” để một lần chung cuộc sau hết, đem tất cả những ai thành tâm theo Ngài về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bất diệt. Ngài thực hiện tất cả những điều này cũng chỉ vì tình yêu thương. Một tình yêu bao la, cao sâu, không gì có thể so sánh được. Một tình yêu làm dịp cầu nối Trời với đất mà Thánh Giá là biểu tượng ý nghĩa nhất. Thánh Phaolô đã nhận ra được tình yêu vĩ đại của Chúa dành cho con người và Thánh Nhân mong muốn mọi người cũng nhận ra và đáp trả lại tình yêu đó của Chúa: tôi quì gối trước nhan thánh Chúa để cầu xin cho anh em biết sống đáp trả tình yêu vô biên của Ngài.

Còn chiều kích bề ngang là cuộc khổ nạn của Chúa. Cũng nói lên tình yêu thương của Ngài. Thật vậy, trên Thánh Giá, hai tay Chúa giang rộng ra như thể để ôm ấp tất cả mọi người vào con tim của mình, giống như hình ảnh gà mẹ ấp ủ đàn con. Chúa giang tay để tha thứ, không còn là bảy lần nhưng là 70 lần 7. Chúa giang tay để quy tụ mọi người về một đàn chiên và một Chúa Chiên. Chúa giang tay để sẵn sàng tha thứ cho kẻ tội lỗi và sẵn sàng ban Nước Trời cho họ: thật hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta. Và cho đến bây giờ, Chúa vẫn còn giang tay để sẵn sàng tha thứ và ôm lấy chúng ta như người Cha nhân từ chờ đợi đứa con hoang trở về.

Cách đây khoảng một tháng, Cha đã nói cho chúng con về tình yêu của Chúa Giêsu với cuộc khổ nạn. Cuộc đời Ngài luôn hướng về Thánh Giá, chấp nhận và chết trên cây Thánh Giá. Đó chính là mẫu gương cho tất cả những ai muốn theo Ngài. Tất nhiên, đây là điều mà với bản tính con người, chúng ta khó có thể chấp nhận, như trường hợp của Phêrô khi nghe Chúa bào tin sẽ chịu đau khổ và bị giết chết: Thầy không phải như vậy đâu. Và Chúa đã quở mắng Phêrô: hỡi Satan, xéo ngay, vì tư tưởng của con là tư tưởng loài người. Nói cách khác, Phêrô còn mang tinh thần thế tục nên đã không hiểu được mầu nhiệm Thánh Giá, mầu nhiệm tình yêu của Chúa.

Hai chiều kích của Thánh Giá phải gắn liền nhau. Điều này đã có một thời được tranh cãi trong Giáo Hội, làm nên hai trường phái khác nhau. Một trường phái chỉ chú trong đến chiều kích bề dọc của Thánh Giá. Nghĩa là chỉ sống cho Chúa và không đếm xỉa gì đến người anh em đồng loại. Còn trường phái kia lại chuyên lo dấn thân vào xã hội, giúp đỡ người nghèo khổ, nhưng lại đặt nhẹ đời sống kết hiệp với Chúa. Thật ra, cả hai chiều kích bổ túc cho nhau và đã được nhấn mạnh trong Mười Điều Răn của Chúa, làm nền tảng cho Đạo Do Thái của Cựu Ước và Đạo Công Giáo của Tân Ước. Đó là luật: “Mến Chúa-Yêu người”. Và “yêu người“ trong Tân Ước không còn giới hạn ở phạm vi chủng tộc, màu da, ngôn ngữ... nhưng cho tất cả mọi người. Tình yêu thương mở rộng này được Chúa Giêsu thể hiện trong cuộc sống và lời rao giảng của Ngài: hãy đi rao giảng cho mọi ngườimáu này đổ ra để mọi người được tha tội...

Như vậy, Chúa muốn tất cả những ai theo Ngài phải biết sống cả hai chiều kích dọc và ngang của Thánh Giá. Xét về ngôn ngữ học, thanh ngang trong chữ Nho có nghĩa là một; trong chữ Ả Rập, thanh dọc cũng có nghĩa là một. Nhưng nếu hai chữ đó ráp lại với nhau sẽ thành chữ Thập, thành con số 10, số hoàn hảo. Nếu chỉ biết giúp đỡ người khác, chiều kich bề ngang, chúng con sẽ giống như một tổ chức xã hội, như Hội Hồng Thập Tự, hoặc ở quê nhà thuộc Hội Liên Hiệp Phụ Nữ, Thanh Niên Xung Phong... Những hội này chỉ làm công việc xã hội với mục đích trần thế, chứ không có tinh thần yêu thương của Chúa Kitô.

Khi ở Tây, Cha có dịp vào thăm một nhà dòng Thánh Bênêdictô. Phòng ngủ nào của họ cũng có treo Thánh Giá nhưng lại không có tượng Chúa trên đó. Cha thắc mắc: tại sao ở đây tôi không thấy có tượng Chúa trên Thánh Giá? Họ trả lời là nhà dòng có ý để Thánh Giá trống như vậy để nhắc nhở đến phần vụ của chúng tôi. Hằng ngày, khi nhìn lên chỗ trống đó, mỗi người chúng tôi phải ý thức rằng mình cần phải đóng đinh chính mình vào Thập Giá để được trở nên giống như Chúa Kitô.
Suy ngắm và hiểu rõ tầm quan trọng của Thánh giá trong đời sống, chúng ta ý thức và quyết tâm sống tinh thần của Thánh Giá mỗi khi chúng ta làm dấu Thánh Giá trên mình. Nghĩa là thật sự yêu mến Chúa hết lòng và yêu thương anh em mình cách chân thành, cụ thể. Mong rằng trong kỳ nghỉ hè sắp đến, khi về lại gia đình, giáo xứ, mỗi khi có dịp nhìn thấy Thánh Giá trong nhà hay trên tháp nhà thờ, chúng con lại quyết tâm sống mầu nhiệm Thánh Giá trong cuộc đời chúng con một cách ý nghĩa hơn. Amen.

 
Bài 62: Tập yêu như Mẹ Maria
Thứ bảy 08-06-1991 - Lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ

Ga 2, 1-11
 
Một cách tự nhiên, khi đã thật tình yêu mến nhau, người ta thường nhớ đến những kỷ niệm của nhau. Nếu người đó là một vị anh hùng dân tộc, hoặc có công với đất nước, tất cả những vật dụng của người đó, dù chỉ là một cái áo, môt chiếc mũ, hay chiếc xe đạp cũ kỹ... cũng trở thành những bảo vật quí giá được người sau lưu giữ một cách kính cẩn. Những bảo tàng viện ở Việt Nam cũng như trên thế giới được xây lên trước hết cũng vì mục đích này.

Trong Hội Thánh cũng vậy. Rất nhiều nơi trên thế giới còn lưu giữ những báu vật riêng của từng Vị Thánh. Như ở Napôli nước Ý, người ta tôn kính máu của Thánh Tử Đạo Gê-na-riô. Đến ngày lễ của Ngài, dân chúng tập trung lại để xem phép lạ “Máu Ngài trở thành loãng“ như máu bình thường. Hay có nơi kính tay của Thánh Phanxicô Savie, vì khi khám tử thi Ngài để phong thánh, cả cánh tay Ngài vẫn còn nguyên vẹn, không rữa nát. Đó là cánh tay đã rửa tội cho hàng trăm nghìn người. Hay có nơi kính lưỡi Thánh Antôn, vì lưỡi của Ngài vẫn còn nguyên vẹn khi xác được đào lên để chuẩn bị phong thánh. Cũng vậy, ở Pháp, trong một nhà dòng nữ, người ta kính quả tim của Thánh Phanxico Salesio, vì toàn bộ quả tim của Ngài không bị hư nát. Và tại Assisi, quê hương của Thánh Phanxicô, trong Chính Vương Cung Thánh Đường mang tên Ngài, người ta còn lưu giữ những vật dụng Ngài đã dùng khi còn sống một cách kính cẩn.

Việc tôn kính các Thánh trong Giáo Hội càng giúp chúng ta hiểu rõ việc tôn sùng đặc biệt dành cho Thánh Tâm Chúa và Trái Tim Đức Mẹ. Trái tim Chúa nói lên tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với con người nhất là trong công cuộc cứu độ. Còn Trái Tim Đức Mẹ nói lên sự đau khổ vì yêu thương mà Mẹ đã phải chịu đựng để đồng công cứu chuộc nhân loại. Việc tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ đã bắt đầu từ thế kỷ 17, và càng phát triển mạnh sau khi Mẹ hiện ra tại Fatima năm 1917, kêu gọi mọi người tôn sùng Mẫu Tâm để thế giới được bình yên. Cũng theo lời Mẹ yêu cầu, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã dâng cả loài người cho Đức Mẹ. Và mới đây, Đức Gioan Phaolô II cùng với tất cả Giám Mục trên thế giới, đã dâng loài người và nước Nga cho Trái Tim Mẹ trong cùng một ngày. Việc này đã được thực hiện vào ngày 24.03.1984.

Suy ngắm về tình yêu của Đức Mẹ đối với chúng ta, bài Phúc Âm hôm nay cho thấy tình yêu của Đức Mẹ bao gồm cả hai trật tự siêu nhiên và tự nhiên.

Thứ nhất, trật tự tự nhiên: Đức Mẹ đã yêu mến Chúa bằng tình thương của một người Mẹ. Bị lạc mất con, Mẹ đã bồn chồn lo lắng quyết trở về Giêrusalem để tìm con. Đây là tình yêu tự nhiên của một người Mẹ, một người bình thường.

Thứ hai, trật tự siêu nhiên: Mẹ đã chịu đựng như vậy, để chuẩn bị cho một cuộc đau khổ lớn lao sau này. Qua các biến cố của cuộc sống, Chúa đã huấn luyện Mẹ, tạo cho Mẹ có được một quả tim giống như Chúa. Theo Chúa, Mẹ không còn sống cho chính mình, nhưng sống theo thánh ý Chúa Cha như Chúa Giêsu đã sống. Và như Chúa Giêsu đã chịu đau khổ dày vò, khi cảm thấy như bị Chúa Cha ruồng bỏ trong giờ phút tử nạn, Trái Tim của Mẹ cũng đã nát tan khi chấp nhận và đồng hành với Con của mình trên chặng đường khổ giá. Chính lúc này, lời tiên báo của Simêon được thực hiện: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua lòng Bà“. Tình yêu của Mẹ trở thành siêu nhiên, gắn liền với tình yêu của Thiên Chúa.

Vì thế, Mẹ chính là mẫu gương để chúng ta noi theo khi gặp những nghịch cảnh chông gai trong cuộc đời. Như Mẹ, chúng ta quyết tâm từ bỏ ý mình để thực hành ý của Chúa. Và với sự trợ giúp của Mẹ, chúng ta chắc chắn sẽ theo Chúa đến cùng. Amen.

 
Bài 63: Sống bác ái
Giảng Phòng buổi sáng
  
Mấy hôm nay, chúng con đã được nghe các cha giảng phòng trên nhà thờ sốt sắng lắm rồi. Bây giờ, ngồi trong phòng họp này, Cha chỉ nói với chúng con một vài điều cụ thể trước khi chuẩn bị về hè, vì ai nấy chắc cũng đang lo nghĩ mua sắm quà cáp cho gia đình, Bố Mẹ, người thân, khó tập trung nghe chuyện nghiêm chỉnh.

Trước hết là chuyện cấm phòng. Buổi cấm phòng của chúng con trước khi về hè, làm Cha nhớ đến tuần cấm phòng chung của các cha trong địa phận. Gọi là tuần cấm phòng, nhưng tính lại cũng không được mấy ngày cả. Ngày đầu tiên, các cha hỏi thăm nhau về tình hình xứ đạo của mỗi người. Và thông thường là những chuyện cười tếu. Ngày thứ hai, lo xét mình và đi xưng tội. Ngày thứ ba, bàn tán với nhau xem thử anh em nào sẽ bị Đức Cha gặp riêng vì có vấn đề hoặc phải đổi xứ. Ngày thứ tư, lo đi mua đồ lễ, giày dép, áo mặc... Ngồi nghe giảng cấm phòng mà mắt tai thì để ở ngoài vì hẹn chờ khách đến gặp. Và ngày cuối cùng, lo soạn đồ đạc để về lại xứ. Dù sao, cấm phòng như vậy cũng là dịp để anh em linh mục gặp nhau và nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Nhiều khi các ngài vui vẻ quá sức, chọc giỡn nhau như thời còn làm các chú trong tiểu chủng viện. Vì thế, sau này làm linh mục, chúng con hãy liệu cấm phòng riêng. Có người giảng thì tốt, còn không nữa thì chúng con dùng thời gian thinh lặng để đọc sách thiêng liêng và tâm sự với Chúa.

Bây giờ cha nói về nghỉ hè. Chắc các vấn đề nghỉ hè các cha giáo đã nói cả rồi. Ở đây, Cha chỉ nhắc một vài điểm cụ thể. Trước hết, người mình thường gặp nhất trong kỳ hè là cha xứ và bà bếp của ngài. Vì thế, chúng con phải ý tứ trong việc tiếp xúc với ngài và cả bà bếp nữa.

Đối với cha xứ, mình phải có thái độ nào?

Tùy theo trong sách thủ bản chủng sinh, chúng con chỉ nên làm những gì được phép làm để giúp cha xứ, còn những chuyện khác, chúng con phải kiên nhẫn đợi thời gian. Nhiều người hăng hái ôm đồm cả chuyện ngoài khả năng của mình. Thật nguy hiểm quá! Thiên Chúa đã chẳng dựng nên vũ trụ trong 7 ngày là gì. Nếu khả năng mình mới thuộc ngày thứ nhất thì cứ từ từ, thong thả. Tiếp đến, khi đến nơi nào cũng vậy, cần phải có một thời gian nghe ngóng, suy nghĩ rồi mới làm. Có linh mục khi đến xứ mới, liền tìm cách thay đổi tất cả. Cha trước làm thế này, mình phải đổi ra cách khác, không cần suy tính. Ví dụ về lời nguyện giáo dân trong thánh lễ, bình thường sau mỗi lời nguyện, giáo dân thưa: xin Chúa nhậm lời.... nay cha mới đổi lại thành: là Đấng tạo thành trời đất. Thật chẳng giống ai mà còn sai nguyên tắc phụng vụ nữa.

Kinh nghiệm cho thấy, nhiều chủng sinh về hè bị cha xứ ghét bỏ chỉ vì ngay thẳng góp ý. Cha xứ sẽ nghĩ: nó mới vào chủng viện mà muốn dạy cả tôi, nếu sau này làm Cụ rồi thì còn xem ai ra gì nữa. Mình phải ý tứ, tôn trọng cha xứ trong mọi việc. Nếu cha xứ có hỏi gì, mình chỉ góp ý về những gì mình biết hoặc đã học qua, nhưng luôn khiêm nhường tôn trọng việc làm của cha xứ vì có thể hoàn cảnh thực tế mỗi nơi mỗi khác. Trong khi tiếp xúc với cha xứ, nghe thì tốt hơn là nói, và tuyệt đối không nên cãi lại ngài. Mình sẽ học được nhiều điều hữu ích, nếu biết lắng nghe. Và cho dù phải nghe nhiều lần cũng không sao... Đừng bao giờ tự cao xem mình hiểu biết hơn cha xứ hoặc tỏ ra biết hết mọi chuyện. Vì như vậy, cha xứ và người khác chẳng muốn nói gì với mình nữa. Nên nhớ rằng, có những chuyện bây giờ không phù hợp với mình, nhưng lại trở thành bài học rất quý cho đời linh mục của mình sau này.

Sách mục vụ thường dạy rằng, trước khi định đến làm phúc ở đâu, người linh mục cần phải đến tận nơi đó trước để xem xét tình hình, nắm vững sinh hoạt, nhu cầu ở đó. Vì thế, khi về đến giáo xứ, chúng con cần phải đến chào thăm cha xứ ngay, để qua buổi nói chuyện này, chúng biết được tình hình trong giáo xứ, và như thế, khỏi bị người khác cho tin sai lạc. Cũng nên chào thăm cả bà bếp của cha xứ nữa. Tại sao vậy? Vì có nhiều bà bếp đầy “ơn Chúa Thánh Thần” và ảnh hưởng nhiều trên cha xứ. Nếu chúng con làm cho bà bếp vui vẻ, chắc chắn cha xứ cũng sẽ vui vẻ với chúng con. Nhiều bà bếp của cha xứ ở Việt Nam cũng như ở Tây còn “chỉ huy” cả cha xứ nữa. Người Pháp thuật một chuyện tếu rằng: vào một ngày thứ bảy, có người bấm chuông cổng nhà xứ. Bà bếp nói vọng xuống: ai bấm chuông đó? Người kia đáp: tôi muốn xưng tội. Bà bếp bảo: hôm nay “chúng tôi” không giải tội. Quyền bà bếp to thế đấy! Cha kể chuyện vui này để chúng con biết mà cẩn thận và tế nhị với bà bếp của cha xứ.

Điều thứ hai cha muốn nói là hãy giữ miệng cho kín. Sống bằng miệng mà chết cũng bằng miệng. Hãy nói tốt cho mọi người và với mọi người. Đừng bao giờ đem chuyện người khác ra bàn tán với nhau, nhất là chuyện không hay. Và trên hết, luôn luôn sống tinh thần bác ái.

Cách ngôn của các Thánh sau đây rất quan trọng và chí lý:

 
In necesserius Unitas: trong những việc quan trọng, phải hợp nhất
In dubius Libertas: trong những việc còn hoài nghi, được tự do
In ommibus Caritas: trong mọi sự, phải có bác ái.

Giáo Hội dạy sao làm vậy. Những việc không buộc, chúng con đừng làm hơn. Khi chúng ta có bác ái đối với nhau thì mọi việc sẽ xuôi chảy hết và ngược lại. Bác ái là điều quan trọng nhất trong đời sống. Vì bác ái làm chứng mình thật sự là người môn đệ của Chúa. Bác ái được khởi sự trong tư tưởng, lời nói, rồi mới tỏ ra qua việc làm. Hãy giữ đúng điều đó, nếu không sẽ hỏng hết. Cha kể cho chúng con chuyện sau đây để chúng con xác tín tầm quan trọng của bác ái.

Chuyện kể rằng: Có một cha phó đến than phiền với cha linh hướng về cha chính xứ của mình. Cha phó than thở: con sẽ xin chuyển xứ vì cha chính khó tính quá. Con làm việc gì cũng bị ngài phê bình, chỉ trich, còn giúp đỡ thì không. Thật căng thẳng. Cha linh hướng bảo: nhưng con có thấy cha chính xứ của con có điểm gì hay không? Cha phó trả lời: chẳng có gì hay cả, lại còn lạc hậu lỗi thời. Cha linh hướng lại hỏi tiếp: con thấy ngài giảng được không? - Giảng thì được, có vẻ hấp dẫn, nền tảng. Vậy ngài có sẵn sàng giải tội không? - Có, chịu khó ngồi giải tội nhiều hơn con. Ngài có sẵn sàng đi kẻ liệt không? – Sẵn sàng đi ngay. Cha linh hướng kết luận: như vậy, ít ra cha chính xứ của con cũng có ba cái được. Vậy con hãy về, cố gắng nhìn vào ba cái được này của cha chính để biết thông cảm với ngài. Trên hết, con phải nói tốt về ngài một cách thực tình, và cầu nguyện cho ngài nữa. Sau một thời gian, con hãy trở lại đây cùng cha xem thế nào? Cha phó ra về với lời xác quyết: nhưng trước sau con cũng xin đổi xứ.

Một tuần trôi qua, hai tuần… ba tuần, vẫn không thấy cha phó trở lại. Đến tuần thứ tư, cha phó hớn hỡ đến. Cha linh hướng hỏi: sao? Có chuyện gì không? Đơn xin đổi xứ con đã làm chưa? -Dạ chưa. Vậy tình hình ra sao rồi? – Dạ có biến chuyển. Con làm theo lời cha chỉ dạy. Khi cha xứ con dâng lễ, con giúp ngài cho rước lễ. Con thành thật nói đến những ưu điểm của cha xứ. Gặp ông Từ con chia sẻ: sáng nay cha xứ giảng hay thật. Rồi trong một bữa cơm, con nói với bà bếp: tôi rất hạnh phúc được ở với cha xứ. Ngài giải tội không biết đau lưng. Và một lần khác con nói với cha thư ký: cha xứ quý thật; trong địa phận không dễ mấy người được như ngài. Kẻ liệt gọi, ngài đi ngay bất kể ngày đêm…
 
Một bữa kia, ông Từ thuật lại điều cha chính xứ nhận xét về con: đấy, ông thấy chưa, ông cha phó trẻ nhưng có óc phán đoán rất đúng. Và chính bà bếp cũng thuật lại lời của cha chính xứ: bà phải chịu khó bồi dưỡng cho cha phó. Tôi sẽ giữ ngài ở với tôi, không cho đi xứ khác vì cha phó này rất tốt… Rồi hôm con tổ chức cho các em đi cấm trại, mọi lần cha xứ ngăn cản, chẳng giúp đỡ gì. Lần này đi, con cũng không xin tiền. Thế nhưng lúc xe chuẩn bị dời bánh, cha xứ cho người gọi con đến gặp ngài và đưa cho con một món tiền khá lớn… Cuộc sống bây giờ so với bốn tuần trước thật khác xa! Cha linh hướng hỏi lại cha phó: bây giờ con có làm đơn xin đổi nữa không? – Thôi, thôi, con không muốn đổi nữa...

Chính Chúa đã nói: khi chúng con có đức tin, đức tin của lòng bác ái, chúng con sẽ di chuyển núi được. Núi đá còn tương đối dễ chuyển dời, nhưng núi lòng người thì lại rất khó. Vậy mà vẫn có thể chuyển được đối với kẻ tin và sống bác ái.

Vì thế, khi về lại xứ, chúng con hãy ý tứ trong mọi công việc, phải có tình bác ái. Những phê phán, chỉ trich, chúng con đừng dại dột bàn tán, a dua theo.

Để cụ thể giúp chúng con sống tốt và hữu ích trong dịp hè này, Cha trình bày một số nguyên tắc sống được Cha gom lại thành Thập Đại Bại và Thập Đại Thắng sau đây. 
 
Thập Đại Bại:

1. Kiêu căng, xem người như máy móc, độc đoán, không chịu nghe ai và bảo thủ ý kiến.

2. Băn khoăn, bi quan khiến cho người khác cũng đâm hoang mang.

3.Không biết dùng người, chọn người; không biết huấn luyện người khác; không hòa mình, không khoan dung, sống cách biệt, giữ óc bè phái địa phương.

4. Đa nghi đối với người khác, mang bệnh do dự mãn tính, sợ mất lòng, thay đổi ý kiến như chong chóng.

5. Tự ôm đồm bao quát tất cả, lạc lõng trong những chuyện vụn vặt, phiền toái, không phân biệt đâu là chính yếu đâu là phụ thuộc.

6. Miệng nói rất khéo nhưng làm thì khác, cuối cùng chẳng ai tin. Tuyên bố rùm beng, nhưng sống và hành động không ra gì, gặp khó khăn thì buông xuôi ngã lòng, thành công thì huênh hoang tự đắc và cướp công. Vô ơn đối với kẻ thành tâm giúp đỡ mình.

7. Dấn thân nửa vời, thịnh thì xông pha cứu trợ người thắng trận trước hết. Suy thì rút lui nhẹ nhàng không chịu trách nhiệm và đổ lỗi cho kẻ khác.

8. Không có chương trình và kế hoạch, thăng tiến theo cảm hứng, thích tấn công, khó chịu khi nghe sự thật mất lòng.

9. Ích kỷ, chỉ tìm danh lợi cho bản thân mình, sợ người khác hơn mình, dấu kỹ những kinh nghiệm của mình.

10. Không cầu nguyện, chỉ tin vào tài năng và mưu mô, thủ đọan trần tục, trông cậy vào quyền thế.
 
Thập Đại Thắng:

1. Khiêm tốn, trọng nhân phẩm của mỗi cá nhân, uyển chuyển, linh động, lắng nghe sáng kiến mọi người, rồi suy nghĩ, lượng giá.

2. Ý thức, tin tưởng sứ mệnh của mình nhờ ơn Chúa, bình tĩnh trước mọi biến cố.

3. Có thuật dùng người, chấp nhận đối thoại tìm hiểu từng người, tâm hồn quảng đại, biết quên bỏ những lầm lỗi của người khác, lắng nghe bạn bè khuyên bảo, nhất là biết nghe kẻ thù chỉ trích.

4.Tín nhiệm cộng sự viên của mình: xem, xét, làm, quyết định sáng suốt, thực hiện cho kỳ được.

5. Chia sẻ trách nhiệm với các cố vấn, chuyên viên, cộng sự viên, luôn học hỏi, trau dồi thêm kiến thức.

6. Nói ít làm nhiều, luôn luôn trong kỷ luật, đi tiền phong, nêu gương sống trong mọi lãnh vực, nhìn thẳng thực tế, khách quan. Khiêm tốn lúc thành công, chia sẻ niềm vui với cộng sự viên, kiên trì và nhẫn nại, không bao giờ thất vọng.

7. Sẵn sàng hy sinh tất cả vì sứ mạng, can đảm nhận trách nhiệm, cùng thành công cùng thất bại. Không bao giờ làm tổn thương tình huynh đệ. Tình nguyện nhận điều khó cho mình, để cái dễ cho cộng sự viên.

8. Trước mỗi việc đều có chương trình, kế hoạch; sau mỗi việc đều kiểm điểm chân thành, phê bình và tự phê. Sợ tâng bốc, thích nghe nói thẳng nói thật.

9. Chỉ tìm phục vụ, quên mình đi vì đại cuộc, xác tín rằng mình chỉ là khí cụ trong tay Chúa, nên chỉ tìm thánh ý Chúa. Giữ vững lập trường, thấy ai hơn mình thì vui mừng, chuẩn bị cho tương lai, dọn đường và trao hết kinh nghiệm cho người kế vị mình.

10. Trước mọi công việc, trong mọi khó khăn, biết cầu nguyện, tìm ánh sáng và sức mạnh nơi Chúa. Bàn hỏi với Chúa trước hết, phó thác cho Chúa trọn vẹn. Hy vọng trong thất bại, cứ vui vẻ tiến lên, ngày mai đã có Chúa lo.

(Ghi chú: điều 8 của Đại Bại: lúc sốt sắng làm thánh đến nơi, còn lúc tức lên thì Thiên Chúa cũng không sợ. Điều 1 của Đại Thắng: nhiều cái mình học nơi người khác)

Nếu chúng con biết đào sâu và nắm vững 10 nguyên tắc Thập Đại Thắng này, công việc của chúng con chắc sẽ tốt đẹp, và Chúa cũng sẽ chúc lành cho công việc của chúng con. Trong kỳ hè này, chúng con hãy áp dụng 10 nguyên tắc này. Chắc chắn sẽ thành công.

 
Bài 64: Sống gương mẫu
Giảng Phòng buổi chiều
 
Sáng nay chúng ta đã bàn đến những thái độ sống cần phải có trong dip về nghỉ hè với gia đình, nhất là đối với cha xứ và bà bếp. Trong tất cả mọi sự việc, chúng con đều phải biết khôn ngoan, khéo léo và trên hết phải có tinh thần bác ái. Mình biết sống bác ái thì làm gì cũng được. Thật ra, khéo léo chỉ tốt trong một thời gian ngắn. Quan trọng là mình phải có thực chất, phải sống bác ái thật sự. Chẳng hạn chúng ta thấy các tượng ông thánh, bà thánh đắp bằng đất, ở ngoài sơn son rất đẹp, nhưng nếu để ra ngoài mưa, tượng sẽ nhũn ra. Còn tượng làm bằng đồng, tuy xấu, nhưng lại có thực chất, dù để dưới trời mưa bão cũng không sao. Những nguyên tắc này Cha nói để chúng con biết và sống, không phải chỉ bây giờ thôi nhưng cho cả đời linh mục chúng con sau này nữa.

Điều Cha muốn căn dặn kỹ là: “Ai không lỗi trong lời nói, người ấy là người trọn lành“. Ngày xưa, Thánh Giacôbê đã nhắc nhở điều đó với các tín hữu đầu tiên, vì lời nói nếu không dùng đúng sẽ gây vấp phạm, làm tổn thương người khác. Ngược lại, lời nói tốt sẽ giúp xây dựng cộng đoàn hòa thuận, yêu thương. Vì thế, chúng con cố gắng giữ miệng lưỡi. Nói ít thì tốt hơn và luôn sống vui vẻ với mọi người. 

Tháng hè chính là thời gian mình về ở với gia đình. Chúng con nên nhớ chẳng có ai thương mến, xót xa mình cho bằng cha mẹ, chị em ruột của mình; cũng chẳng ai đau khổ, lo lắng cho mình bằng cha mẹ. Vì thế, chúng con nên lợi dụng dịp hè để báo hiếu cha mẹ, vì sau này khi làm linh mục với công việc bổn phận, chúng con khó còn được nhiều dịp để báo hiếu. Báo hiếu gồm vật chất và tinh thần. Về vật chất, chắc chắn cha mẹ không đòi hỏi vì biết chúng con tu hành, không có nhiều tiền bạc. Nhưng chúng con có thể báo hiếu bằng cách sống đơn giản, bình dân và cố gắng giúp đỡ cha mẹ trong những công việc thường ngày. Cha mẹ không đòi hỏi chúng con phải làm việc gì lớn lao cho các ngài đâu.

Cha nhớ lần về thăm Ông Bà Cố tại Úc vừa rồi. Ông Cố của Cha hơi khó tính, chỉ chịu ăn những gì Bà Cố nấu thôi. Ai nấu, Ông Cố cũng chê, không ăn. Cha không nấu ăn được thì phụ bếp, lặt rau, thu dọn nhà cửa ngăn nắp cũng làm cho Ông Bà Cố vui rồi. Các chuyện lặt vặt này thì ai cũng làm được. Và cha mẹ nào thấy con cái làm như vậy cũng đều cảm thấy vui. Mỗi gia đình có mỗi hoàn cảnh riêng. Chúng con đừng so sánh, đòi hỏi, trách móc, làm cha mẹ buồn lòng, tủi thân. Trong gia đình, anh chị em sống như thế nào, chúng con cố gắng sống như vậy. Đừng bắt mọi người phải cung phụng, ưu tiên cho mình. Đối với bà con lối xóm, chúng con nên có thái độ và cách cư xử bình dân, vui vẻ, lịch sự với mọi người không phân biệt sang hèn. Nói tóm lại, chúng con cần phải giữ hai nguyên tắc sau đây: 

Nguyên tắc 1: sống thế nào để người khác thích sống như mình.

Nguyên tắc 2: sống thế nào để người bên cạnh cảm thấy thoải mái, hạnh phúc.

Hai điểm này có thể giúp chúng ta xét mình tối sớm. Có người trong tay cầm tràng hạt luôn, thế nhưng ai gặp cũng đều tránh xa. Người ta thường nói: cộng đòan nào có một thánh tu hành thì thông thường cộng đoàn có nhiều thánh tử đạo. Tại sao lại tử đạo? Vì những người chung quanh không chịu nổi cái “đạo đức” của thánh tu hành kia. Và như thế, chúng con làm sao có thể giới thiệu được ơn kêu gọi với những người chung quanh. Nếu chúng con sống tốt, gương mẫu, Chúa sẽ ban thêm nhiều ơn gọi khác, nhất là trong gia đình, con cháu của mình, vì họ có dịp gẫn gũi với mình hơn và học thấy được những tính tốt nơi một người tận hiến cho Chúa.

Thứ đến là bạn bè của chúng con. Họ cũng để ý xem mình sống ra sao và sẽ đánh giá qua cách sống của chúng con. Phải sống làm sao để bạn bè không thể nói được: kiêu quá hay là chẳng hơn trước. Tất nhiên, họ không muốn thấy chúng con xa lạ, kênh kiệu, tỏ ra hơn họ, nhưng họ lại càng không muốn chúng con lôi thôi như họ. Đừng nghĩ rằng bạn bè chờ đợi mình phải chịu chơi như họ. Thật ra, họ muốn mình vui vẻ, hòa đồng nhưng đồng thời phải sống xứng với bậc tu hành của mình. Như thế, họ mới dễ dàng bộc lộ tâm sự và tin tưởng tìm hướng dẫn nơi chúng con. Chúng con cũng phải thận trọng, đừng uống rượu say sưa quá chén. Hãy sống vui vẻ và có mức độ. Ăn nói cũng thế, nên cẩn thận trong lời nói. Những gì nói được thì nên nói, và tuyệt đối không nói những điều gì không xứng hợp với bậc mình.

Kinh nghiệm trong trại học tập ở Vĩnh Phú càng làm cho Cha xác tín điều này. Sau một thời gian, anh em cùng trại nhận xét: Ông Cố Đạo thực chất thật, còn mấy người kia ăn nói sổ sàng quá, nghe không hợp chút nào. Vì vậy, khi cần bàn hỏi những việc đứng đắn, họ đến với Cha. Cha khác họ là ở chỗ ấy. Trong đó, họ bầu Cha làm quản gia vì họ tin Cha không ăn cắp hay bớt xén và cũng không thiên vị người nào. Vì thế, chúng con hết sức cố gắng: “Sống thế nào để người ta có thể tin mình được. Đó là một danh dự”. Một trong những điều cần nữa là sổ sách. Nếu mượn của ai cái gì, phải trả đúng hạn. Nhiều người có tật xấu mượn là lấy mất. Người Pháp có một câu cách ngôn: “Bons comptes, bons amis”. “Sổ sách tốt, thì tình bạn tốt”. Có một lần, Cha nghe một vị linh mục nói như sau: “Tôi cho ai mượn gì thì tôi nhớ, còn tôi mượn ai cái gì thì tôi quên”. Như vậy thì giáo dn làm sao có thể tin được nữa.

Một điều nữa chúng con nên để ý là tôn trọng thời giờ của người khác. Nếu có dịp đến thăm ai, hoặc trò chuyện với người nào, chúng con liệu khéo léo rút lui. Đừng la cà quá lâu làm mất thời giờ của người khác vì họ cũng còn có việc phải làm. Nếu mình ý thức được như vậy, người ta sẽ hoan nghênh đón tiếp mình.

Chúng con cần phải thận trọng khi thăm viếng cha xứ. Luôn luôn tôn trọng ý kiến và thời gian của ngài. Khi đến thăm, gặp cha xứ đang có khách, chúng con phải xin phép vào, rồi trình bày vấn đề xong là ra ngay. Với tất cả mọi người, chúng con nên nhớ rằng cám ơn luôn là điều cần thiết, vì qua đó người ta sẽ đánh giá chúng con có giáo dục hay không. Phải biết cám ơn không phải chỉ đối với người lớn, nhưng ngay cả với trẻ nhỏ. Đắc nhân tâm là ở chỗ đó. Ngay cả việc mua sắm cũng thế. Luôn tử tế, lễ độ, lịch sự. Trong xã hội ngày nay, người ta càng quí những người có giáo dục... Cha nhắc những điều này để chúng con rút kinh nghiệm và thực tập trong mua hè này. Hy vọng cuộc sống của chúng con mỗi ngày càng tốt hơn.

  
Bài 65 : Chiến thắng ma quỷ
Chúa Nhật X Thường Niên B - Ngày 09-06-91

Mc 3, 20-35; St 3, 9-15; 2 Co 4, 13 – 5, 1
 
Bài Phúc Âm hôm nay phân biệt hai khía cạnh của người theo Chúa. Đó là tâm trí và chính đời sống thực tế. Phải theo Chúa trọn vẹn và tích cực.

Về tâm trí: Những ai theo Chúa cần phải biết rõ và ý thức đây không phải là một chọn lựa để tìm sự dễ dãi, thoải mái. Trái lại, theo Chúa là một chọn lựa quyết liệt vì phải luôn cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù là xác thịt, thế gian và ma quỷ. Bài đọc hôm nay cho thấy giữa ma quỷ và con người luôn có một tranh chấp lớn lao. Và ma quỷ luôn tìm mọi cách để kéo chúng ta ra khỏi tình yêu thương của Chúa. Nhưng trong cuộc chiến này, chúng ta chắc chắn rằng mình sẽ toàn thắng, nếu mình hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa và Mẹ Maria, Đấng đã đạp nát đầu con rắn ngày xưa tức là ma quỷ. Tất nhiên, ma quỷ rất xảo quyệt, tự sức mình, chúng ta không thể thắng nó được. Chỉ khi nào thật sự bám vào Chúa, chúng ta mới thắng được ma quỷ, vì Chúa đã thắng ma quỷ một cách khải hoàn.

Về chính cuộc sống: Trong cuộc sống thường ngày, Satan luôn rình mò tìm cách hãm hại chúng ta. Có thể đó là những ham muốn vật chất trong con người chúng ta. Có thể đó là những cám dỗ bên ngoài, những quyến rũ của bạn bè… Nói cách vắn tắt, tất cả những gì làm chúng ta xa Chúa đều có bàn tay của Satan chủ động bên trong. Những lúc đó, chúng ta cần phải tỉnh thức, phó thác tin tưởng vào Chúa để chống lại ma quỷ. Và với sự trợ giúp của Chúa, chiến thắng sau cùng sẽ thuộc về chúng ta.

Chúng ta có gương của Thánh Gioan Maria Vianey để rút kinh ngiệm và noi theo trong cuộc chiến này. Ngài chỉ là một linh mục bình thường, ở một xứ đạo vùng sâu vùng xa, nhưng đời sống Ngài lại rất mực đạo đức. Ngài giải tội từ 12 giờ đến 8 giờ tối. Biết bao nhiêu người đã đến xin Ngài giải tội, ngay cả những người ở xa đó hàng ngàn cây số. Qua tòa giải tội, Ngài đã cứu được rất nhiều linh hồn. Vì thế, ma quỉ rất ghét Ngài và nhiều lần tìm cách hãm hại Ngài. Thiên Chúa để yên vậy để làm vinh danh Ngài.

Cha đã đến hành hương xứ đạo Ars nhỏ bé của Ngài. Vào thăm phòng ngủ, Cha thấy giường của Ngài đã bị cháy đen thành than vì ma quỷ đốt cháy giường để Ngài bị mất ngủ và kiệt sức không thể giải tôi được. Có một đêm, ma quỷ đẩy xô Ngài vào vách tường, đánh Ngài chảy máu khắp mình. Bức tường đó còn in vết máu bờ vai và bàn tay chống đỡ của Ngài. Cuối cùng, ma quỷ tức tối hỏi Thánh Nhân: sao mày cứ phải phục tùng cái Ông Áo Tím ở địa phận, và thờ Ba ấy làm gì? Ma qủy muốn ám chỉ đến Đức Giám Mục và Mẹ Maria. Điều này dạy chúng ta phải luôn biết tuân phục Bề Trên và yêu mến Đức Mẹ, vì ma quỷ sẽ không thể làm gì được, nếu chúng ta tuân giữ lề luật và yêu mến Mẹ Maria. Nói tóm lại, Thánh Gioan Maria Vianey luôn cậy trông vào Chúa và sự trợ giúp của Mẹ Maria trong trận chiến chống lại ma quỷ và cứu rỗi các linh hồn, nên ma quỷ đành chịu thua và phải thốt lên: trên thế gian này, nếu có hai người như ông thì chúng tôi thất bại.

Tất nhiên, chúng ta không phải là Thánh Gioan Maria Vianey thứ hai. Nhưng cuộc sống của Ngài là một mẫu gương để chúng ta bắt chước noi theo, xứng đáng là con cháu, là hậu nhuệ của Ngài trong trận chiến chống lại ma quỷ. Chắc chắn chúng con sẽ trở thành mục tiêu cho ma quỉ căm ghét, và tìm cách hãm hại, nhưng chúng con hãy tin tưởng rằng: Thiên Chúa đã thắng ma quỷ, và phương dược duy nhất để chiến thắng ma quỷ chính là quyền lực của Thiên Chúa. Hiệp nhất với Chúa, chúng con cũng sẽ chiến thắng. Đừng sợ !

Chúng con sắp về nghỉ hè. Ma quỷ cũng lợi dụng dịp này để hãm hại chúng con. Phải cảnh giác luôn! Và nếu chúng con biết áp dụng phương pháp của Thánh Gioan Maria Vianey, phương pháp tuân giữ luật lệ và yêu mến Mẹ Maria, chắc chắn ma quỷ sẽ tiếp tục bị thua thê thảm như thời của Thánh Nhân.

Cha phó dâng chúng con cho Mẹ, để Mẹ gìn giữ chúng con. Xin Mẹ đồng hành với chúng con trong kỳ hè, để chúng con hăng hái ra đi và trở về với những thắng lợi mới. Cũng xin Thánh Giuse, Quan Thầy của chủng viện gìn giữ chúng con cách riêng. Cha sẽ nhớ và cầu nguyện cho chúng con. Amen.

 
Bài 66: Sống ngày hè hữu ích 
Thứ hai 10-06-91- Tuần 10 Thường Niên

Mt 5, 1-12; 2 Co 1, 1-7
 
Hôm nay chúng con về nghỉ hè. Như vậy là đúng tinh thần của Hội Thánh. Hội thánh không muốn chúng con trở thành như những cây trồng trong tủ kính, với những điều kiện tăng trưởng lý tưởng, nhưng là những cây có thể chịu đựng và vươn lên dù gặp phải thời tiết, đất đai không thuận lợi. Thời gian chủng viện chỉ là thời gian ươn cây. Chúng con không sống trong chủng viện suốt đời. Cho nên, chúng con cần phải hấp thụ cho mình đầy đủ sức dinh dưỡng để sau này khi vào đời, dù có gặp đau khổ và thử thách, chúng con cũng sẽ dễ dàng vượt qua. Trong chương trinh chủng viện, thời gian nghỉ hè là để chúng con đụng chạm với cuộc sống thực tế, môi trường mà chúng con sẽ phải chạm trán sau này. Đây cũng là dịp để chúng con học hỏi và tập luyện sức chịu đựng của mình. Càng có sức chịu đựng, kiên nhẫn, chúng con càng có thể phục vụ tốt hơn. Và để được như vậy, chúng con trước hết cần phải suy ngắm, đào sâu lời Chúa để áp dụng vào cuộc sống.

Bài Phúc Âm Chúa dạy ta hôm nay là một thách đố cho tất cả những ai muốn theo Ngài. Lời Chúa dạy xem ra có vẻ ngược đời vì trái với bản tính và thị hiếu của con người. Chúa dạy chúng ta yêu mến những điều mà thế gian thường khó chấp nhận như: sống nghèo khó, yêu mọi người, sống hiền lành, khiêm nhường ; sống trong sạch, ước ao điều công chính... Tất cả những điều này, thế gian khó lòng chấp nhận, nhưng đó lại là sự thật đem lại hạnh phúc, vì Thiên Chúa là Chân Lý. Thật vậy, nếu mọi người biết yêu kẻ khác, biết hy sinh cho kẻ khác, biết chê ghét và đặt của cải dưới ý chí của mình… chắc chắn xã hội và thế giới sẽ trở thành tốt đẹp hơn. 

Để đạt đến trình độ này, chúng con cần phải biết trông cậy vào Chúa. Tin tưởng hoàn toàn vào sức của Ngài, vào ơn thánh Ngài ban. Không có ơn Chúa, không ai có thể chấp nhận và sống những chuyện nghịch thường này. Nhưng đối với những ai được Chúa soi dẫn chấp nhận Lời của Ngài, họ cảm thấy đây là những điều ngọt ngào, cao quý như nhiều bậc vĩ nhân đã ca tụng: “Thật không thể tìm được những lời lẽ nào tốt hơn nữa”.

Xin Đức Mẹ gìn giữ chúng con trong tháng hè, giúp chúng con biết sống làm chứng nhân cho Chúa, để những ai chúng con có dịp tiếp xúc, đều cảm thấy yêu thích đời sống của chúng con. Amen.

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây