Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (5)

-

-

“Ước mong những suy tư giản dị, trong sáng như cuộc đời của Đức Cố Hồng Y, trong tập bài giảng này, cũng giúp tất cả chúng ta hiểu biết Chúa nhiều hơn, yêu mến Chúa nhiều hơn, và yêu mến Giáo Hội của Chúa nhiều hơn.” [Đức Ông Phan Văn Hiền HT63]. Phần 5.
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (5)
 
 
 
Bài 43: Chúa Thánh Thần 
Chúa nhật 19-05-91

Ga 15, 26-27 16, 12-15; Cv 2,1-11; Gal 5, 16-25;
 
Bài hát Lễ Chúa Thánh Thần hôm nay làm Cha nhớ lại một kỷ niệm không quên ở trong thời gian biệt giam. Trong số những anh công an canh gác Cha, có người được giao học tiếng La-tinh. Vì thế, họ thường nhờ Cha giúp trong các bài học ở lớp. Cha sẵn sàng giúp. Được một thời gian, một anh đang học La-tinh hỏi Cha: ông có bài hát La-tinh nào cho tôi một bài. Cha trả lời: bài hát thì nhiều lắm, tôi hát một lượt rồi tùy anh chọn. Thế là Cha hát những bài quen thuộc của mình. Nào là Gesus dulcis, Ave maris stella, Veni Creator... Anh ta suy nghĩ và mấy ngày sau xin Cha bài Veni Creator. Ít lâu sau, vào một buổi sáng, khi Cha đang ở dưới nhà, anh ta ở tầng trên chạy xuống dưới nhà để rửa mặt và tập thể dục. Anh vừa chạy vừa hát: Veni Creator Spiritus, mentes tuorum... Anh hát đi hát lại nhiều lần. Từ đó, sáng nào cũng vậy, hễ nghe thấy tiếng chân của anh ta chạy xuống cầu thang, Cha lại được nghe hát bài Veni Creator... Cha lấy làm lạ, một anh cán bộ công an mà lại thích hát bài Veni Creator... Sao anh không chọn những bài khác? Có lẽ Chúa Thánh Thần rồi cũng phải thương giúp anh ta vì anh đã gián tiếp ca khen Chúa Thánh Thần và cũng giúp Cha cầu nguyện nữa...

Trở lại bài Phúc Âm hôm nay, khi Chúa Giêsu sắp lên trời, tất cả các Tông Đồ đều lo sợ bối rối không biết rồi đây khi không còn Chúa nữa, sẽ phải sinh sống như thế nào... Chúa biết điều đó, nhưng chẳng hứa gì cho họ ngoại trừ điều này: “Thầy sẽ sai Chúa Thánh Thần đến”. Cũng vầy, sau đó ít lâu, các ông lại lo lắng hỏi Chúa: Thầy bảo Thầy sẽ ra đi và chúng con sẽ không thấy Thầy nữa, rồi sau đó lại thấy Thầy, chúng con chẳng hiểu sao cả? Và Chúa cũng lại an ủi các ông bằng lời hứa về Chúa Thánh Thần: Thầy sẽ ban Chúa Thánh Thần cho chúng con, lúc ấy chúng con sẽ vui mừng,  còn bây giờ thì hãy yên tâm đi.

Chúa Thánh Thần chính là bảo đảm để Giáo Hội có thể tồn tại và phát triển. Ngài luôn giữ một vai trò quan trọng trong sinh hoạt của Giáo Hội. Không một cuộc họp nào hay khởi đầu một công việc gì mà Giáo Hội lại không xin Chúa Thánh Thần ban ơn soi sáng, hướng dẫn. Thật vậy, Chúa Thánh Thần đã xuống và còn tiếp tục xuống trên khắp các tín hữu. Công đồng Vatican II gọi cuộc hội họp công đồng là một Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống mới; và đúng như vậy, vì Giáo Hội đang hành động dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.

Đối với chúng ta và nhất là với giáo dân, vai trò Chúa Thánh Thần thường bị giới hạn trong một phạm vi rất nhỏ. Họ thường xin các cha xứ: xin cha cầu nguyện để con được giữ vững đức tin. Rồi họ đi khấn: nào là Thánh Antôn, Mẹ Hằng Cứu Giúp, Bà Thánh Têrêsa... Ít thấy người nào khấn xin cùng Chúa Thánh Thần. Đó là một khuyết điểm lớn mà hầu hết giáo dân đang mắc phải. Chúa Thánh Thần cũng như Chúa Cha và Chúa Con đều là Thiên Chúa. Nhưng người giáo dân thường hay quên vai trò của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Họ chỉ biết và chú trọng đến một mình Chúa Giêsu. Họ có thể thương khóc Chúa Giêsu suốt cả Mùa Chay. Còn Chúa Thánh Thần đối với họ trong thực tế xem ra thua cả Đức Mẹ, Thánh Antôn, Thánh Mar-ti-nô... Hội Thánh luôn đề cao Chúa Thánh Thần và chính giáo dân trước khi đọc kinh bao giờ cũng xin Ngài soi sáng: “Chúng tôi lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng.... xưa xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông đồ thì rày cũng xin xuống...” Thế nhưng trong thực tế, chúng ta ít để ý đến việc này. Nếu chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần đến thì Ngài sẽ đến, nhưng Ngài sẽ vắng mặt nếu chúng ta chẳng để ý gì đến Ngài cả.

Lời kinh kế tiếp: “Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng tôi” là lời nguyện chính mà Giáo Hội cầu xin cùng Chúa Thánh Thần. Chính Ngài canh tân Giáo Hội, để Giáo Hội chu toàn nhiệm vụ mình ở trần gian, nói tiếng nói của trần thế, phù hợp với trần thế hầu thánh hóa nhân loại. Và để được Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn mọi công việc, Mẹ Têrêsa đã thuật lại kinh nghiệm nội tâm này: “Tôi luôn ý thức tôi không thể làm gì. Vì thế, tôi để mặc cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong tôi và Người muốn làm gì tùy ý. Đó là thành công của tôi”. Nhờ đó, một mình Mẹ đã lập 5 loại dòng tu khác nhau trên thế giới ngay cả ở Liên xô, Rumani, Cuba, Albani... để làm việc truyền giáo.
Ngày lễ hôm nay, xin Chúa Thánh Thần ban cho tất cả chúng con được ơn biến đổi để trở nên con người mới phù hợp với thời đại. Xin Chúa Thánh Thần đến an ủi kẻ âu lo, bệnh tật, tù đày, đau khổ... và đến giúp đỡ cho các thanh niên thiếu nữ và trẻ em biết sống cuộc sống của Chúa Kitô phục sinh. Amen.


 
Bài 44: Cầu nguyện và ăn chay
Thứ hai 20-05-1991 - Tuần 7 Thường Niên

Mc 9, 14-29; Hc 1,1-10
 
Bài Phúc Âm hôm nay tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu trừ quỷ và chữa bệnh cho một em bé mà các Tông Đồ đã bó tay không trừ được. Đọc sách Hạnh Các Thánh, chúng ta thấy có nhiều vị Thánh được tài trừ quỷ. Như thế, có phải các Tông Đồ không quyền năng bằng Thánh nọ, Thánh kia không? Thật ra, không vị Thánh nào tự mình có thể trừ quỷ được, nhưng chính Chúa Giêsu đã trừ quỷ qua vị Thánh đó. Tất cả các ngài đã nhân danh Chúa Giêsu để trừ quỷ. Thật vậy, chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể trừ quỷ, vì Ngài quyền năng, phép tắc vô cùng. Còn chúng ta với sức riêng của mình, chúng ta không thể thắng được ma quỷ, vì chúng là những thiên thần phản loạn ngày trước, có quyền phép hơn chúng ta.

Hôm nay, Chúa Giêsu cũng chỉ dạy các Tông Đồ phương pháp để thắng ma quỷ. Đó là phương pháp “Cầu nguyện và ăn chay”. Cầu nguyện để kết hợp với Chúa và để Chúa tự do họat động trong chúng ta theo ý của Ngài. Và ăn chay là để hãm dẹp các đam mê và nết xấu của mình, không cho nó chỗi dậy, lôi kéo chúng ta xa Chúa. Nhưng có phải cứ cầu nguyện và ăn chay là trừ quỷ được không? Không phải, vì nếu chỉ nhờ cầu nguyện thì ai trong chúng ta cũng có thể cầu nguyện lần hạt, đọc kinh, hoặc chỉ nhờ ăn chay thì ai cũng có thể sẵn sàng ăn chay. Cái chính ở đây là hãy để cho Chúa Thánh Thần họat động trong chúng ta. Và chính Ngài sẽ dùng chúng ta để trừ quỷ.

Hôm qua, Cha đã kể cho chúng con về những lời chia sẻ của Mẹ Têrêsa: “Bí quyết thành công giúp tôi làm được nhiều việc lớn lao là tôi đã để cho Chúa Thánh Thần tự do hoạt động trong tôi”. Bây giờ, Cha nhắc lại cho chúng con một tấm gương nữa là Thánh Gioan Vianey, cha sở của xứ Ars nhỏ bé. Mặc dù học hành kém cỏi, Ngài đã thành công lớn trong việc giảng dạy làm cho nhiều người tội lỗi trở lại, khiến cho nhiều linh mục ở những xứ bên cạnh phải đến hỏi dò Ngài: Cha đã làm thế nào mà nhiều kẻ tội lỗi trở lại với Chúa vậy? Con đã giảng dạy rất hùng hồn mà chẳng thấy ai trở lại cả? Tại sao thế? Và Cha Thánh hỏi lại: Thế thì cha đã ăn chay chưa? “Dạ chưa”. Cha đã cầu nguyện chưa? “Dạ chưa”. “Đúng rồi! Cha cần phải ăn chay và cầu nguyện đã”.

Ăn chay và cầu nguyện có một tác dụng lớn lao. Cha Gioan Vianey và Mẹ Têrêsa đã làm được nhiều công việc ngoài sức con người chính là nhờ ăn chay và cầu nguyện. Các ngài đã nghe theo lời Chúa Giêsu khuyên bảo các Tông Đồ trong bài Phúc Âm hôm nay: “Loại quỷ này chỉ có thể trừ được bằng cầu nguyện và ăn chay”.

Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết sống một cách siêu nhiên, biết ăn chay và cầu nguyện luôn, để Chúa Thánh Thần có thể tự do thánh hóa và hoạt động trong mỗi người chúng ta. Amen.

 
Bài 45: Tôi tớ phục vụ 
Thứ ba 21-05-1991 - Tuần 7 Thường Niên

Mc 9, 30- 37; Hc 2, 1-11
 
Nếu ai muốn ở bậc nhất thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người”.

Đọc bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy lời Chúa Giêsu nói có vẻ ngược đời, đối nghịch nhau. Không có một tổ chức xã hội nào mà lại không có thủ lĩnh hay người lãnh đạo, với đủ quyền hành trong tay. Còn Giáo Hội mà Chúa Giêsu nói ở đây xem ra có vẻ lộn xộn. Kẻ trên lại xuống dưới, dưới lại lên trên. Như vậy, Giáo Hội do Chúa thành lập không có tôn ti trật tự hay sao? Và một Giáo Hội như vậy làm sao có thể tồn tại được?

Khi suy ngắm đoạn Phúc Âm này, các nhà chú giải nhận ra một nét thần học sâu sắc của khoa Giáo Hội Học mà chúng con cần phải chú ý tìm hiểu. Họ gọi những lời Chúa nói ở đây là: trật tự tình yêu. Đây là điểm nổi bật của Phúc Âm. Trong trật tự tình yêu này, ai muốn làm lớn hay người làm lớn phải là người biết yêu mến nhiều. Nhưng yêu là gì? Chúa đã có lần định nghĩa: yêu là phục vụ. Càng yêu Chúa nhiều thì càng phục vụ anh em nhiều. Đó là điều tối quan trọng của Đạo Công Giáo chúng ta.

Giáo Hội ngày nay vẫn là một tổ chức có hệ thống, trật tự. Đức Giáo Hoàng, vị thủ lãnh không phải được đặt lên để làm vua, làm tướng, nhưng chính là để phục vụ theo gương Chúa Giêsu đã yêu thương và phục vụ như một người tôi tớ. Ngài đã yêu thương và phục vụ đến độ hy sinh thân xác mình trên Thập Giá. Đây là điều mà chúng con cần phải ý thức ngay từ bây giờ. Sau này, chúng con sẽ làm linh mục hay có thể làm Giám Mục, đứng đầu một giáo xứ hay cả giáo phận. Chúng con đừng bao giờ nghĩ mình là người trên hết, là tất cả; mọi người phải nghe theo lời mình, không được chống cãi lại. Nếu hành động như thế, chúng con đi nhầm mục đích và đi sai đạo lý của Chúa Kitô. Là thủ lãnh, Chúa đã trở nên rốt hết để làm gương cho những ai muốn theo Ngài. Chúa đã yêu thương và phục vụ hết mình, ngay cả những kẻ nhỏ bé nhất trong xã hội. Vì thế, muốn nên giống Chúa Giêsu, chúng ta phải là những người biết yêu thương phục vụ hơn những người khác. Nói cách khác, người đứng đầu trong Nước Chúa phải là người biết yêu thương và phục vụ tốt nhất như Chúa đã chỉ dạy: ai phục vụ cho một trong những kẻ bé mọn này vì danh Ta là phục vụ cho chính Ta.

Chúng con hãy sống tinh thần “Trật tự tình yêu” để thực hành việc yêu Chúa và phục vụ tha nhân. Yêu thương không phải bằng lời nói hay khẩu hiệu bên ngoài, nhưng bằng chính hành động và cuộc sống của mình. Điều này không phải dễ. Chúng ta xin Chúa ban thêm sức thiêng để chúng ta có thể nhận ra chính Chúa nơi mỗi người anh em và yêu thương họ một cách chân thành. Amen.

 
Bài 46: Đoàn Kết 
Thứ tư 22-05-1991 - Tuần 7 Thường Niên

Mc 9, 37-39; Hc 4, 11-19
    
Là con người, tất cả chúng ta đều có những nét giống nhau, nhưng cũng có nhiều nét khác biệt. Những nét khác biệt này có thể làm cho con người thêm phong phú, nhưng cũng có thể làm cho con người thêm chia rẽ.

Thật vậy, con người dù giống nhau thế nào đi nữa, bao giờ cũng vẫn có nét khác nhau. Người ta chỉ cần lấy dấu tay để nhận ra mỗi người là một nhân vị đặc biệt, không ai giống ai. Và như đã nói ở trên, sự khác biệt nơi mỗi người có thể dẫn đến chia rẽ, hoặc tệ hơn dẫn đến thù địch, chống đối và tiêu diệt lẫn nhau.

Bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy chính các môn đệ của Chúa cũng tỏ ra thiếu thiện chí với những người khác. Chúa Giêsu đã dạy cho các Tông Đồ sống đoàn kết, đừng phân biệt bè phái hay tổ chức. Nhưng trong thực tế, sống đoàn kết, hiệp nhất không bao giờ là chuyện dễ dàng. Các Tông Đồ vẫn muốn tranh dành địa vị. Giáo Hội thời sơ khai vẫn chia thành nhóm của Phaolô, của Phêrô, của Apôlô... Và cho đến ngày nay, cũng vì phân biệt mà thế giới vẫn còn mãi sống trong chiến tranh, hận thù.

Vừa qua trên đài đưa tin những xung đột ở các nước Âu Châu, Mỹ Châu. Tại Mỹ, người da trắng xung đột với người da đen. Ở Liên-xô, xung đột đã dẫn đến đổ máu. Và ở Tiệp Khắc, ở Nam Triều Tiên... xung đột giữa người và người vẫn tiếp diễn. Đây không phải là những tranh chấp giữa nước này với nước kia. Nhưng là những chia rẽ nội bộ, trong cùng một quốc gia, một thành phố, giữa nhóm này với nhóm kia, phe này với phe khác. Ngay trong một địa phận, cũng có nhiều phe nhóm, tông phái chống đối nhau.

Nhìn vào những cộng đồng Việt Nam, chúng ta thấy sự chia rẽ này cũng đang hoành hành khắp nơi. Đặc biệt là sự chia rẽ giữa các đấng có chức thánh. Thật là một gương xấu cho bổn đạo và lương dân. Nhiều nhà thần học khi được hỏi tại sao lại có chuyện chia rẽ trong Giáo Hội, tại sao lại có bè phái chống đối và phá hoại nhau, đã chua xót trả lời: bởi vì các vị đó chưa thông hiểu khoa Kitô Học. Thật vậy, khoa Kitô Học nhằm giúp người Kitô hữu hiểu biết Chúa Kitô cách thâm sâu hơn, để nhờ đó biết thờ kính Chúa Giêsu và yêu thương đồng loại chân thành hơn Vì thế, bao lâu còn chia rẽ, bè phái, tranh chấp, đố kỵ, người Kitô hữu chưa thật sự hiểu Chúa Kitô một cách đúng nghĩa. Và sự sai lầm này đưa đến nhiều khó khăn và tai hại cho Giáo Hội. Nói cách khác, những ai không sống tinh thần của khoa Kitô Học, thì cũng không sống tinh thần của khoa Giáo Hội Học, vì khoa này giúp người Kitô hữu sống đoàn kết trong tình huynh đệ, yêu thương để giúp Giáo Hội tồn tại và phát triển.

Trong thời Thế Chiến Thứ Hai, quân Đức xâm chiếm nhiều nước ở Âu Châu, và cầm tù rất nhiều người, trong đó có nhiều linh mục đủ mọi dòng khác nhau. Những linh mục này được tập trung vào một trại tù riêng. Đến giờ giải lao, tất cả các linh mục được đi bách bộ ngoài sân. Và rất ngạc nhiên, người ta nhận thấy các linh mục mặc áo dòng trắng đi chung với nhau, và các vị mặc áo dòng đen đi với áo dòng đen... Sống trong hoàn cảnh đau thương như thế rồi mà vẫn còn tinh thần chia rẽ. May thay, thời gian tù kéo dài làm cho những chiếc áo dòng “chia rẽ” này bị loại đi từ từ vì rách nát không còn mặc được nữa. Từ đó, những vị linh mục này mới ý thức và sống hiệp nhất với nhau.

Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết mang lấy một bộ đồng phục duy nhất trên mình là bác ái, để qua đó, mọi người chung quanh nhận ra chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Amen.

 
Bài 47: Thách đố cho Giáo Hội
Huấn đức tối 22-05-1991
 
Lần trước, chúng ta đã nói đến những điểm tích cực đáng lạc quan trong Giáo Hội. Bây giờ chúng ta bàn đến những vấn đề đáng lo âu, những điều làm cho chúng ta phải thao thức và cầu nguyện luôn.

Thứ nhất, trong nhiều năm nay, những khó khăn về vấn đề tự do tôn giáo trên thế giới vẫn còn căng thẳng. Nhiều nước Đông Âu, Phi châu, và Á châu... vẫn còn ở trong tình trạng các nước vô thần. Mặc dầu đã có cởi mở, nhưng nhiều nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tự do tôn giáo. Ở Trung Quốc, kinh tế đang trên đà phát triển mạnh. Nhưng tự do tôn giáo vẫn còn bị giới hạn. Công Giáo bị chia thành hai nhóm: nhóm quốc doanh của Nhà Nước và nhóm hầm trú trung thành với Tòa Thánh. Tất nhiên, những người Công Giáo thuộc nhóm trung thành này, bị Nhà Nước gây khó khăn về mọi mặt. Chúng ta thương những người anh em ở đấy đang chịu biết bao thử thách. Phải đợi đến khi nào đất nước này được hoàn toàn tự do, chúng ta mới có thể biết hết được những thử thách căm go mà những người Công Giáo hầm trú Trung Quốc đã trải qua. Tuy nhiên, người giáo dân Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ đạo sốt sắng, trung thành. Hằng năm, họ gởi về Tòa Thánh hàng vạn lá thư chứng tỏ lòng trung thành và cuộc sống đức tin vững mạnh.

Cha không muốn nói dài dòng ở đây, vì chúng ta biết rồi. Đức Thánh Cha cũng đang cầu nguyện cho những nườc ở Châu Phi, Châu Á. Nhiều nước phải khởi sự lại tất cả từ đầu như ở Campuchia. Nước này chỉ có một Đức Cha bản xứ nhưng đã bị giết chết trong thời kỳ Pon Pot. Bây giờ, đa số các linh mục còn hoạt động lại là người Việt Nam. Hiện có 4 linh mục người ngoại quốc, làm lễ bằng tiếng ngoại quốc. Đó là một trong những dấu hiệu đáng cho chúng ta lo lắng và cầu nguyện.

Nhưng trên thế giới hiện nay, chúng ta cũng đã thấy có nhiều biến chuyển ở những nước xã hội chủ nghĩa. Như Cha đã nói: cần phải xây dựng lại Giáo Hội ở những quốc gia này. Chúa đã ban cho nhiều điều mà chính mình không thể tưởng tượng được. Có lần Cha đọc được trong một tờ báo về chuyện một Dòng Kín bị đầy đến Sibêria, một vùng lạnh quanh năm ở Nga. Một đêm mùa đông giá lạnh, bỗng có tiếng gõ cửa. Các chị trong nhà dòng sợ quá. Họ hỏi xem ai rồi mới mở cho vào. Hóa ra là cả một nhóm người đến xin gặp các chị. Họ bảo: chúng tôi muốn nghe các chị nói về Thiên Chúa. Ban ngày chúng tôi sợ không dám đến. Nhưng bây giờ là ban đêm nên chúng tôi yên tâm đến hỏi các chị. Các chị đã nói cho họ về Chúa.
 
Họ là một nhóm người Công Giáo Đức bị lưu đày ở Nga. Bà hướng dẫn cầu nguyện của nhóm này là một người mẹ gia đình. Nhóm được phép có một nhà nguyện nhỏ và hằng tuần cũng được phép đi ra nghĩa địa cầu nguyện một lần. Bà ta kể lại: tôi có nhiệm vụ hàng tháng đi lấy Mình Thánh Chúa để cho giáo dân đến cầu nguyện. Tôi phải đi xa cách đó 4000 km (gấp hai lần từ Hà Nội vào Sài gòn). Và người nào bị ốm liệt thì tôi đem Mình Thánh Chúa cho họ… Và công việc này vẫn được tiếp tục từ đời bà ta cho đến đời của con cháu, và nhờ đó nhóm này vẫn giữ đạo sốt sắng. Nhìn lại hoàn cảnh Việt Nam, chúng ta đã thấy nhiều gia đình đang sống đạo một cách thờ ơ và tình trạng bỏ đạo cũng đã xảy ra nhiều nơi. Đây là một điều đáng quan tâm mà chúng con sẽ phải đương đầu trong tương lai.

Khó khăn thứ hai là Hồi Giáo. Các nước Tây Phương giờ đây không sợ cộng sản cho bằng sợ Hồi Giáo, vì có rất nhiều người Hồi Giáo cuồng tín, muốn biến tất cả thế giới này thành thế giới của Hồi Giáo. Không những họ chống đối Đạo, không bao giờ trở lại Đạo, nhưng còn không chấp nhận chuyện người Hồi Giáo chuyển qua Đạo khác. Ai trở lại Đạo, họ sẵn sàng thủ tiêu ngay. Hiện nay số người Hồi Giáo trên thế giới đang sấp sỉ bằng người Công Giáo. Có thể trong tương lai họ sẽ tăng vượt hơn số người Công Giáo, vì luật pháp của họ cho phép người đàn ông được có nhiều vợ và họ không hạn chế sinh sản. Đi đến đâu, họ giữ Đạo Hồi đến đó. Và đối với họ, tôn giáo với xã hội là một, vì cùng theo một luật chung lấy từ luật Đạo Hồi.

Họ giữ đạo rất nghiêm nhặt, nhất là giữ giờ cầu nguyện 5 lần một ngày. Đến giờ cầu nguyện tất cả mọi người Hồi Giáo, từ Tổng Thống đến thứ dân, đều cùng quỳ xuống cầu nguyện. Vì thế, họ thường mang sẵn trong người tấm khăn để trải xuống đất khi cầu nguyện. Hiện nay, số người Hồi Giáo ở Châu Âu tăng rất nhanh, vì người Tây Phương hạn chế sinh con, thiếu người lao động, nên phải cho người Hồi Giáo nhập cảnh qua ngã Thổ Nhĩ Kỳ, Albani, Maroc, Ai cập... để có người làm việc. Họ nhập tịch và sinh sản đông đúc; đến đâu họ xây đền thờ đến đó. Châu Âu đang lo sợ nếu cứ theo tình trạng này, có ngày cả Âu Châu sẽ biến thành Hồi Giáo.

Do đó, trong cuộc chiến vùng Vịnh vừa qua, ngoài lý do bảo về nguồn dầu lửa cho kỹ nghệ, các nước Âu Châu đã liên hiệp với Mỹ đánh Irak, vì sợ nguy cơ Hồi Giáo có thể chiếm cả Châu Âu như hồi Thập Tự Quân. Ngày xưa, các nước như Albani, Ai cập, Maroc... đầy đẫy người Công Giáo. Nhưng khi người Hồi Giáo đến, họ tiêu diệt Đạo thẳng tay, khiến cho số người Công Giáo còn lại thật ít ỏi. Hiện nay, họ định xây lên 5 đền thờ thật lớn ở Âu Châu. Và ngay tại Roma, thủ đô của Giáo Hội Công Giáo, họ đang quyên góp tiền bạc để xây cất một đền thờ Hồi Giáo (Mosque) lớn hơn cả Đền Thờ Thánh Phêrô nữa. Họ có đủ khả năng để làm chuyện này, vì các nước Hồi Giáo giàu có nhờ dầu hỏa, sẵn sàng cung ứng tiền bạc cho họ.

Sự bành trướng của Hồi Giáo là một mối lo âu của Giáo Hội. Vừa rồi, trong cuộc chiến vùng Vịnh, Đức Thánh Cha luôn kêu gọi hòa bình, một phần cũng vì lo sợ những người Hồi Giáo ở đó tiêu diệt người Công Giáo Irak. Một thí dụ khác là nước Liban. Trước kia, một nửa dân số của nước Liban là người Công Giáo. Nhưng sau khi bị Hội Giáo xâm chiếm, người Công Giáo ở Liban chỉ còn là một thiểu số nhỏ bé. Đến bây giờ, vì lý do tôn giáo, người Công Giáo Liban vẫn tiếp tục bỏ nước ra đi để tìm nơi an toàn khác.

Thứ ba là nạn các giáo phái. Kitô Giáo bây giờ không những chỉ bị chia năm xẻ bảy, nhưng chia thành trăm, thành ngàn giáo phái khác nhau. Nhiều người tự động lập giáo phái riêng cho mình và rao giảng về Chúa Kitô theo cách riêng của mình. Họ không những không tuân phục Đức Thánh Cha, mà còn chống đối Đức Thánh Cha một cách thậm tệ nữa. Mỗi năm, công việc truyền giáo của Giáo Hội đem được một số người trở lại đạo, nhưng lại mất đi hạng vạn người bởi những giáo phái tự do này. Vừa rồi, tại Roma các Hồng Y đã phải họp lại với nhau để bàn bạc về vấn đề đáng quan tâm này.

Sự kiện nhiều người Công Giáo bỏ đi theo những giáo phái khác là một điều đáng cho Giáo Hội phải quan tâm. Tất nhiên, mỗi người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Nhưng Giáo Hội cũng phải nhìn nhận những thiếu sót của mình trong công việc mục vụ. Một trong những thiếu sót đó là tinh thần dấn thân phục vụ của những người lãnh đạo trong Giáo Hội. Trong khi nhưng cha xứ của mình đóng khung trong nhà thờ, giáo xứ, chờ bổn đạo đến, những người thuộc các giáo phái này lăn xả đến thăm viếng từng gia đình, nhất là khi những gia đình này gặp hoàn cảnh khó khăn, và tận tình giúp đỡ về vật chất. Chính tinh thần thông cảm, phục vụ này đã lôi kéo nhiều người Công Giáo theo họ. Nhiều địa phận mất đi 9, 10 xứ… Càng loạn lạc lại càng có bè rối. Và bè rối này cũng từ chính giáo dân của mình phát sinh ra. Một số nước đông dân như Argentina, Philippines... có nhiều xứ 1, 2, 3 năm mới có bóng linh mục một lần. Vì thế mà cuộc sống đạo ngày càng nguội lạnh. Ngay ở thành phố Manila cũng vậy. Cha quen một Đức Cha ở thành phố ấy. Ngài bảo: mỗi Chúa Nhật phải làm 24 lễ liên tục vì người Công Giáo đến dự lễ đông quá. Dù có mười nhà thờ trong thành phố cũng không đủ cho họ. Như vậy, nếu không có linh mục, không có thánh lễ, người giáo dân sẽ từ từ đi theo các giáo phái khác.

Đứng trước những mối lo này, Đức Thánh Cha kêu gọi tất cả chúng ta cầu nguyện xin Chúa giúp sức và soi sáng để đối phó một cách phù hợp. Đàng khác, Tòa Thánh cũng thiết lập nhưng cơ quan chuyên biệt nghiên cứu về Đạo Islam (Hồi Giáo) để thích ứng việc truyền giáo cho người Hồi Giáo một cách kết quả hơn. Ở Việt Nam, con số người Hồi Giáo không đáng kể. Đa số thuộc dân tộc Chàm và là những người nghèo trong xã hội. Nhưng điều làm chúng ta ngạc nhiên là sự sùng đạo của họ. Nhiều người Hồi Việt Nam đã dành dụm tiền bạc để có thể hành hương Thánh Địa Mecca của Hồi Giáo ở Ả Rập Sa-u-Đít.

Cha dừng lại ở đây. Lần sau, Cha sẽ nói đến cuộc sống của chủng sinh trong mùa nghỉ hè để chúng con có thời gian chuẩn bị và sống mùa hè một cách hữu ích và ý nghĩa.

 
Bài 48: Bóp méo Lời Chúa
Thứ sáu 24-05-1991 - Tuần 7 Thường Niên

Mc 10, 1-12; Hc 6, 5-17
  
Qua bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta nhận ra được một điểm đặc biệt nơi Thánh Marcô so với ba vị thánh sử khác là Ngài thường nhắc đến các Ký Lục trong Phúc Âm của mình. Ký Lục là những người trí thức, thông hiểu luật lệ của Môi-sen. Họ thường cắt nghĩa lề luật và phương cách áp dụng cho dân chúng. Nhưng như Chúa đã nhiều lần nhận xét và khiển trách, các Ký Lục này lại thường cắt nghĩa luật theo ý mình, làm méo mó luật Chúa. Có thể chính các Ký Lục cũng chưa hiểu rõ ý nghĩa của các luật, hay đúng hơn, các ông cố chấp không nhận ý nghĩa tốt lành của luật và tìm cách bóp méo luật theo ý mình. Chúng ta thấy rõ điều này khi đọc Phúc Âm của Thánh Marcô:

- Chương 7: Chúa trách các Ký Lục bỏ qua bổn phận thảo kính, giúp đỡ cha mẹ, viện lý do đã dâng lễ vật cho Thiên Chúa qua thuế thập phân.

- Chương 12: Chúa trả lời và có ý hỏi lại các Ký Lục về chuyện các ông khẳng định Đấng Messia phải là con Vua Đa-vít. Ngài hỏi: Làm sao Đức Kitô là con Vua Đa-vít được, khi chính nhà vua lại nói: Thiên Chúa phán cùng Chúa tôi rằng... Nếu Đa-vít gọi Đức Kitô là Chúa thì Ngài là con Vua thế nào được. Đây chỉ là một vài đoạn điển hình để nói lên vai trò của các Ký Lục trong dân Do Thái thời đó.

Vì thế, Chúa Giêsu đã thẳng tay quở trách hạng người kiêu căng, hình thức, xem mình là người có học và tự do giải thích luật lệ này như sau: họ may dài tua áo, nới rộng thẻ kinh; cầu nguyện lâu giờ, nhưng lại sống bất công, ăn mòn tiền của bà góa; chất gánh nặng lên vai người khác trong khi mình lại không dám động ngón tay vào (Mc 10).

Việc Chúa khiển trách các Ký Lục trong bài Phúc Âm hôm nay cũng là một bài học quan trọng cho chúng con sau này. Người linh mục cũng là người nắm giữ, giải thích Lời Chúa cho giáo dân. Và rất nhiều trường hợp, người linh mục hành động như các Ký Lục ngày trước, tự do bóp méo Lời Chúa theo ý mình, cắt nghĩa Lời Chúa một cách sai lạc, làm cho khuôn mặt Chúa Giêsu không còn trung thực nữa. Cha nhớ hồi còn bé, có một linh mục cắt nghĩa và lấy Phúc Âm đọc trong thánh lễ một cách tùy tiện không theo chỉ dẫn của phụng vụ. Giả sử trong xứ có ai đó tỏ ra bất kính ngài, thế là trong thánh lễ ngày Chúa Nhật, ngài tự chọn bài Phúc Âm về lời Chúa Giêsu phán: “Ai khinh dể các ngươi là khinh dể Ta, ai kính trọng các ngươi là kính trọng Ta”, để nhắc khéo người đã tỏ ra bất kính.

Xuyên tạc Phúc Âm là một lỗi rất lớn và ảnh hưởng không tốt cho Giáo Hội. Lời của Thánh Marcô nói về các Ký Lục vẫn còn hợp thời đối với những kẻ hay bóp méo Lời Chúa: họ là những người nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo, cầu nguyện dông dài, hình thức, còn tâm hồn lại xa Chúa. 
Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta biết sống tinh thần Lời Chúa thật sự. Sống Phúc Âm một cách trọn vẹn, 100%. Chứ không phải chỉ một phần, cắt xén theo ý mình thích. Amen. 

 
Bài 49: Nên như trẻ thơ
Thứ bảy 25-05-1991 - Tuần 7 Thường Niên

Mc 10, 13-16; Hc 17, 1-15
 
Ta bảo thật anh em, ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn trẻ thơ, kẻ ấy sẽ không được vào”.

Trong Phúc Âm, Chúa thường nói những lời lẽ rất đơn sơ, giản dị. Bài giảng của Chúa có nhiều hình ảnh, ví dụ làm cho người nghe có thể hiểu được cách dễ dàng. Bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe cũng vậy. Lời lẽ thật đơn sơ, dễ hiểu, nhưng ý nghĩa lại thâm sâu. Chúa đòi hỏi mỗi người chúng ta phải trở nên như trẻ thơ. Nhưng thế nào là trở nên như trẻ thơ? Chúa muốn nói gì với chúng ta về đòi hỏi trở nên trẻ thơ này?

Hôm qua, chúng ta đã cùng nhau suy ngắm điều Chúa dạy: không được bóp méo Phúc Âm, cắt nghĩa Phúc Âm theo ý mình, biến Phúc Âm thành dụng cụ để sử dụng theo sở thích của mình. Còn Phúc Âm hôm nay, Chúa lại mạc khải một ý niệm sâu sắc khác. Đó là hãy trở nên như trẻ thơ để được vào Nước Trời. Điều đặt ra ở đây: Có phải Chúa đòi hỏi phải trở nên như trẻ thơ hoàn toàn, không được lớn lên nữa không? Và nếu như vậy, lấy đâu ra người hướng dẫn, lãnh đạo, dạy dỗ, đóng vai linh mục của Chúa ở trần gian? Chắc chắn qua lời đòi hỏi này, Chúa không muốn chúng ta cứ sống mãi trong tình trạng ấu trĩ, hành động thiếu suy nghĩ, không biết đo lường hậu quả như trẻ thơ muốn chơi dao, chơi lửa.

“Trở nên như trẻ thơ” trước hết chính là tinh thần tin tưởng, phó thác vào tình yêu của Thiên Chúa, như đứa trẻ hoàn toàn tin tưởng cha mẹ của mình. Hơn nữa, như trẻ thơ còn có nghĩa là biết khởi sự lại từ đầu, vì trẻ thơ luôn mang trong mình khả năng để lớn lên, khả năng dễ dàng chấp nhận để biến đổi cho tốt hơn. Nơi trẻ thơ, người ta không tìm thấy những cố tật, thành kiến, kiêu căng… như nơi người lớn. Trái lại, chỉ thấy sự trong sáng, sẵn sàng chấp nhận lỗi lầm, thiếu sót, và cũng dễ sẵn sàng chấp nhận những điều hay, điều tốt, để biến đổi và tiến lên mãi. Trong khi người lớn xem mình là quan trọng, là trung tâm của mọi sự, trẻ thơ thanh thoát đặt tất cả niềm tin vào cha mẹ và người giáo dục. Và như vậy, với tâm hồn trẻ thơ, một người sẽ dễ dàng nghe theo lời Chúa chỉ dạy, vì xem Chúa như Cha Mẹ, như Thầy Cô của mình.

Vì thế, Chúa muốn mỗi người chúng ta hằng ngày, hằng giờ hãy trở nên trẻ nhỏ, nghĩa là biết khởi sự lại từ đầu trong tinh thần tin tưởng, phó thác vào Chúa. Lỗi lầm, thiếu sót, ai cũng mắc phải. Điều quan trọng là hãy sẵn sàng chấp nhận những lỗi lầm, thiếu sót này, để quyết tâm từ bỏ và làm lại từ đầu một cách tốt đẹp hơn. Chúa yêu thương trẻ thơ, và Chúa mặc khải Nước Trời cho những ai có tâm hồn trẻ thơ.

Cuộc đời chúng con, là những linh mục sau này, đòi hỏi phải trở nên như trẻ nhỏ luôn, tức là biến đổi luôn, biến đổi hằng ngày. Biến đổi để tiến lên thành con người trưởng thành. Và tiếp tục biến đổi để mức độ trưởng thành ngày càng phát triển như lời Chúa Phán: Các con hãy nên trọn lành như Cha trên Trời là Đấng Trọn Lành. Hôm nay cũng là ngày thứ bảy, chúng ta đặc biệt cầu xin Mẹ Maria nuôi dưỡng, chỉ dạy chúng ta như Mẹ đã nuôi dưỡng, chỉ dạy Chúa Giêsu, để chúng ta được luôn tiến lên trong ân sủng của Chúa. Amen.  

 
Bài 50: Giáo Hội Việt Nam
Huấn đức tối 25-05-91
 
Những lần trước, chúng ta đã có dịp bàn đến tình hình của Giáo Hội trong thế giới ngày nay và nhận ra nhiều điều tích cực đáng cho chúng ta vui mừng, nhưng cũng không thiếu những điều làm chúng ta phải lo âu. Trong thế giới hiện nay, cuộc sống xã hội và đời sống tôn giáo ảnh hưởng lẫn nhau. Và thực tế cho thấy, xã hội ngày nay đang ảnh hưởng một cách sâu đậm vào Giáo Hội. Ví dụ: phong trào tục hóa, duy vật, vô thần thực tiễn, đang làm cho Giáo Hội khốn khổ. Và nếu Giáo Hội không tìm cách để thoát ra và lôi kéo thế giới về con đường tốt đẹp, chính Giáo Hội cũng có nguy cơ sụp đổ.

Hôm nay, chúng ta nói về Giáo Hội Việt Nam. Cha nói vắn tắt thôi. Giáo Hội Việt Nam là một phần của Giáo Hội toàn cầu, cũng có những nét tích cực đáng lạc quan, nhưng đồng thời cũng đã thấy xuất hiện những dấu hiệu đáng lo nghĩ. Chúng ta cần phải xem xét một cách kỹ càng, để kịp thời đối phó với những tiêu cực đang làm nguy hại cho Giáo Hội Việt Nam. Có thể Giáo Hội Việt Nam bây giờ như một cây bên ngoài trông thật mạnh mẽ, nhưng nếu cứ để những tiêu cực  như những con sâu đục khoét bên trong, có ngày cả thân cây cũng sẽ đổ sụp.

Một cách khách quan, Giáo Hội Việt Nam đang sống đạo một cách sốt sắng hơn các Giáo Hội ở Âu Châu. Người giáo dân ở Âu Châu ít khi đến nhà thờ. Người ta chua chát nhận xét như sau: người Công Giáo phương Tây trong đời đến nhà thờ tất cả được bốn lần: khi chịu Bí Tích Rửa Tội, được rước lễ lần đầu, khi làm phép cưới và lúc qua đời để làm đám tang; và trong những lần ít ỏi đó, một nửa là ngoài ý muốn của mình, vì cha mẹ ẳm đến nhà thờ khi mình chịu Phép Rửa Tội và gia đình, thần nhân đưa mình vào nhà thờ để làm lễ an táng. Nhiều nhà thờ trong thánh lễ ngày Chúa Nhật chỉ có những người già tham dự. Còn ở Việt nam, thánh lễ nào cũng đầy nghẹt người. Nhiều giáo xứ, bổn đạo đi dự lễ lên đến 90% tổng số giáo dân. Do đó, khi đến các giáo xứ, hỏi thăm số người tham dự thánh lễ, chúng con sẽ được trả lời một cách bình dân như sau: cha xứ cho chịu lễ mỏi cả tay.

Nhưng nếu có dịp nghiên cứu vấn đề này thật kỹ, chúng con sẽ khám ra một mặt trái khác. Đó là con số người giáo dân vắng mặt trong nhà thờ cũng không phải ít. Nhà thờ lúc nào cũng đầy người, nhưng có người đi lễ một ngày hai, ba lần. Trong khi những người đã không đi, thì chẳng bao giờ đến nhà thờ cả. Hơn nữa, nhưng nơi không có linh mục, không có thánh lễ, số người giáo dân thờ ơ, bỏ đạo cũng khá nhiều. Họ sống đạo theo truyền thống: đọc kinh, đi lễ, nên một khi không còn cha xứ, không có thánh lễ, lại gặp thêm khó khăn vật chất hay tinh thần, họ liền dễ dàng rơi vào tình trạng sống như người vô thần. Nhiều giáo họ không có linh mục, người giáo dân chiếm luôn nhà thờ hay đất đai của giáo họ làm của riêng cho mình nữa. Nói tóm lại, người giáo dân Việt Nam sống đạo theo kiểu cách ngày trước: đọc kinh, đi lễ, rước kiệu... Họ chưa ý thức và sống đạo một cách trưởng thành. Chưa cảm thấy việc thờ phượng Thiên Chúa là một việc tối cần trong cuộc đời của mình. Đây là điều mà tất cả chúng ta phải quan tâm.

Điểm tích cực thứ hai: Giáo Hội Việt Nam có nhiều ơn thiên triệu. Các dòng nam, dòng nữ không đủ chỗ để nhận các ơn gọi, trong khi ở Âu Châu và Mỹ Châu, nhiều chủng viện, dòng tu phải bỏ trống, hoặc bán đi cho các cơ sở thương mại, hoặc giao lại cho Nhà Nước, vì không còn ơn kêu gọi nữa. Ngay cả nước Phi Luật Tân bên cạnh chúng ta, với con số giáo dân đông hơn Việt Nam, nhưng ơn gọi cũng thiếu, và một nửa con số các linh mục tại Phi là các cha thừa sai ngoại quốc. Tuy nhiên, chúng ta phải tự đặt câu hỏi về ơn gọi ở Việt Nam của chúng ta. Liệu trong 20 hay 30 năm nữa, số ơn gọi còn dồi dào như hiện nay không? Hay cũng sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng như các nước tân tiến Âu Mỹ? Và nếu được tự do hoàn toàn, các thanh thiếu niên nam nữ Việt Nam còn muốn dâng mình cho Chúa nữa không? Kinh nghiệm của các Giáo Hội ở Âu Mỹ làm cho chúng ta phải quan tâm đến vấn đề này.

Cách đây 30 năm, Cha đến Roma du học. Thời đó ở Âu Châu, người giáo dân sống đạo đức. Nhà thờ chật ních người đến dự lễ và các chủng viện, dòng tu cũng không đủ chỗ. Nhưng bây giờ hoàn toàn trái ngược. Chủng viện, dòng tu, nhà thờ, đều vắng hoe. Tại sao thế? Vì lối sống vật chất, hưởng thụ đã làm thay đổi cuộc sống của xã hội và gia đình, khiến cho các ơn gọi cũng mất dần. Trước hết, để cuộc sống gia đình được đầy đủ, thoải mái, người Âu Mỹ hạn chế sinh sản. Mỗi gia đình chỉ còn một hoặc hai con là tối đa, nên ít có cha mẹ nào khuyến khích con cái đi tu. Hơn nữa, chính những người con cũng không muốn dâng mình cho Chúa, vì đời sống tu trì khổ cực hơn cuộc sống ở gia đình và họ cũng đã quen với cuộc sống hưởng thụ ngay từ thời niên thiếu. Trong gia đình, họ ăn uống đầy đủ, mọi tiện nghi giải trí đều có sẵn. Ra ngoài đường, rạp hát, xi-nê, sàn nhảy, quán cà phê... đều thấy nhan nhản ở mọi khu phố. Rồi mỗi cuối tuần đi pinic, hàng năm đi nghỉ mát, du lịch xa, tất cả làm cho mọi người, nhất là giới trẻ không còn thời giờ để nghĩ về Chúa. Vì thế, rất ít người muốn vào chủng viện, dòng tu. Cũng vậy, Việt Nam chúng ta đang phát triển mạnh về kinh tế, đời sống vật chất được nâng cao, con số sinh trong gia đình ở thành phố giảm sút một cách rõ rệt, đó là những dấu hiệu đáng cho chúng ta lo nghĩ về ơn gọi tại Việt Nam trong tương lai.

Một điều khác ảnh hưởng đến việc giảm sút ơn gọi là vai trò của người linh mục trong xã hội. Ngày trước, linh mục hoặc tu sĩ luôn được mọi người kính trọng. Bây giờ, sự kính trọng đó dần dần mất đi. Nhiều người còn xem linh mục như là một nghề để sinh sống. Ngay cả sự khôn ngoan, hiểu biết, ngày trước người giáo dân luôn đến hỏi ý kiến của linh mục về mọi vấn đề. Bây giờ, vai trò đó của linh mục không còn quan trọng và cần thiết nữa, vì người giáo dân có điều kiện để học hành lên cao nên sự hiểu biết được mở rộng hơn. Có nhiều vấn đề chuyên môn, người giáo dân còn thành thạo hơn linh mục nhiều. Về phương diện vật chất, cuộc sống linh mục cũng nghèo hơn giáo dân, từ đồng lương cho đến nhà cửa, xe hơi, và các tiện nghi khác. Xe của linh mục ngang hàng với xe của thợ thuyền.

Trong việc sinh hoạt mục vụ, ngày trước giáo xứ và nhà thờ là trung tâm của mọi sinh hoạt, từ giáo dục, văn hóa đến giải trí. Ngày nay, những sinh hoạt đó được xã hội cung cấp một cách đầy đủ, dư dật. Công việc của linh mục bị giới hạn lại trong lãnh vực tôn giáo một cách âm thầm và thụ động không mấy hứng khởi. Một linh mục ở xứ quê của Đức Hồng Y Etchegaray chỉ coi sóc  khoảng 80 đến 100 giáo dân. Nhiều khi ngài làm lễ một mình, và cả tuần chẳng thấy ai đến thăm hỏi. Chính cuộc sống thiếu năng động này đã làm cho giới trẻ sợ đi tu, và làm cho linh mục cũng cảm thấy buồn chán, nên nhiều đấng đã cố lấp đầy khoảng trống bằng thể thao, xem truyền hình hay tệ hơn bằng ăn nhậu.

Tình trạng linh mục ở Việt Nam hiện giờ vẫn còn khá. Linh mục vẫn còn được người giáo dân kính trọng và nghe theo. Cuộc sống vật chất của linh mục cũng còn cao hơn giáo dân. Nhà của linh mục đầy đủ tiện nghi như một người giàu có. Nhưng với đà phát triển kinh tế hiện nay, Giáo Hội Việt Nam cũng sẽ phải đương đầu với những vấn đề như đã và đang xảy ra tại Âu Mỹ. Lúc đó, chắc chắn ơn gọi linh mục, tu sĩ, sẽ ít lại, nhưng hy vọng người linh mục, tu sĩ lúc đó sẽ ý thức hơn về chính ơn gọi của mình: theo Chúa để phục vụ Giáo Hội trong tinh thần hy sinh, khiêm tốn. Lúc đó, người linh mục, tu sĩ đi tu chỉ vì lý tưởng muốn hoàn toàn theo Chúa để phục vụ, chứ không phải vì một lý do ngoại tại nào hết. Đây là điều mà chính chúng con phải ý thức ngay từ bây giờ, để sống trọn vẹn cho Chúa, để chấp nhận tất cả mọi khó khăn xảy đến trong đời tận hiến, và để giúp giới trẻ tương lai quảng đại dấn thân cho Chúa.

Chúng con sắp được về nghỉ hè với gia đình. Đây không phải chỉ là dịp để chúng con nghỉ ngơi sau 9 tháng học tập ở chủng viện, nhưng còn là thời gian thuận tiện để chúng con quan sát cuộc sống thực tế, xem thử người giáo dân chờ đợi gì ở linh mục, rồi cố gắng rút tỉa những điều hay, điều tốt, làm giàu cho hành trang linh mục của mình sau này. Đời chủng sinh, linh mục cần phải học hỏi luôn. Cố ghi nhớ những điều hay để thăng tiến bản thân và chia sẻ với anh em để cùng tiến. Sẵn đây, Cha kể cho chúng con một chuyện vui về cách thức một cha xứ giảng cho giáo dân.

Chuyện kể rằng: Có một cha xứ giảng lễ ngày Chúa Nhật cho giáo dân. Đền tuần sau, ngài hỏi: anh chị em có nhớ tuần trước cha đã giảng gì không? Giáo dân thưa: dạ quên rồi ạ. Cha bảo: quên thì giảng làm gì nữa. Hôm nay khỏi giảng! Tuần sau ngài lại hỏi: hai tuần trước anh chị em còn nhớ cha giảng gì không? Giáo dân thưa lại: chúng con nhớ. Ngài bảo: đã nhớ rồi thì khỏi cần phải giảng nữa. Tuần thứ ba, ngài lại hỏi: ba tuần trước, anh chị em có nhớ cha đã giảng gì không? Giáo dân bàn tính với nhau: mình nói không, ngài cũng không giảng; nói nhớ, ngài cũng không giảng; thế thì bây giờ một nửa nói nhớ và một nửa nói không để ngài phải giảng. Họ nghĩ chắc lần này cha xứ phải giảng thôi vì hết đường tránh được nữa rồi. Nhưng thật bất ngờ, cha xứ trả lời: vậy thì ai quên cứ hỏi lại người nhớ. Tôi cũng không cần phải giảng. Giáo dân đành chịu thua cha xứ.

Hy vọng tất cả chúng con đều nhớ để thu thập những điều hay khi về hè. Nhưng nếu có ai quên, thì chịu khó hỏi lại người nhớ.

 
Bài 51: Chúa Ba Ngôi   
Chủ nhật 26-05-1991

Mt 28, 16-20; Đnl 4, 32-34.39-40; Rm 8, 14-17
 
Ở Roma, có rất nhiều Hang Toại Đạo (Catacombe). Đó là những nghĩa trang đầu tiên của người tín hữu, nhưng cũng là nơi họ hội họp cầu nguyện trong ba thế kỷ đầu tiên bị Đế Quốc Roma bách hại. Trong số đó có một hang rất nổi tiếng mang tên Đức Giáo Hoàng Calisto. Hầu như khách hành hương nào muốn viếng thăm hang toại đạo cũng đều được dẫn đến đấy tham quan. Hang này nằm sâu trong lòng đất ở ngoài thành Roma. Bên dưới của hang này có một vòm rất rộng, trong đó một bàn thờ đá được dựng lên để dâng lễ và bên cạnh có tượng Bà Thánh Cêcilia. Chuyện kể lại rằng: bà Cêcilia bị giết chết vì đạo khi còn rất trẻ. Lý hình cắt cổ bà để lại một khía lớn ở cổ. Bà chết trong tư thế nằm nghiêng. Nhưng trước khi tắt thở, để bày tỏ đức tin của mình, bà đã giơ hai bàn tay ra: một bàn tay chỉ đưa ra một ngón và tay kia ba ngón. Nghệ sĩ nổi tiếng Maderna đã tạc tượng bà với đầy đủ chi tiết này để diễn tả cho thấy đức tin kiên vững của Thánh Nữ Cêcilia vào Thiên Chúa. Đó là đức tin Một Chúa-Ba Ngôi.

Một Chúa Ba Ngôi nghĩa là gì? Có phải do con người bày đặt ra không? Nếu do một người bày đặt ra thì chúng ta không tin. Nhưng đây lại là điều chính Chúa Giêsu đã mạc khải. Và điều gì đã mạc khải thì con người không thể thấu hiểu một cách tường tận, nhưng phải chấp nhận bằng đức tin. Mặc dầu thế, chúng ta cũng có thể dựa vào mấy điểm sau đây để khám phá mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi:

- Chúa dạy cầu nguyện: Lạy Cha chúng con ở trên trời. Nghĩa là tất cả chúng ta chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Như vậy, chúng ta biết có Ngôi Cha.

- Khi sắp về trời và thấy các Tông Đồ lo lắng, Chúa bảo các ông: Thầy sẽ sai Chúa Thánh Thần xuống để dạy dỗ và an ủi chúng con. Như vậy, chúng ta biết có Ngôi Thánh Thần.

Thiên Chúa là Một nhưng lại là Ba Ngôi. Vậy đâu là những công việc của mỗi Ngôi? Ngôi Cha đã tạo dựng nên chúng ta, yêu thương chúng ta, muốn nhận chúng ta làm con cái và sẵn sàng tha thứ nếu chúng ta thống hối. Chúng ta thấy rằng, không có một tôn giáo nào dám gọi “Thượng Đế” là Cha. Họ luôn sợ hãi trước tượng thần của họ. Còn chúng ta đã được chính Chúa Giêsu dạy cho biết chúng ta có một người Cha ngự ở trên trời. Ngài yêu thương chúng ta và cho phép chúng ta được gọi Ngài là Cha, nên chúng ta dám xưng mình là con cái của Ngài mà không phải sợ sệt vì xúc phạm gì cả.

Ngôi Con đã đến trong thế gian để cứu chuộc thế gian. Đem con người về sống lại trong tình nghĩa cha con với Thiên Chúa, và Ngài tiếp tục ở với con người cho đến tận thế.

Ngôi Ba là Đấng An Ủi, đến thế gian như lời Chúa Giêsu hứa để canh tân mọi sự.

Chúa Ba Ngôi có một ảnh hưởng rất lớn trên đời sống chúng ta. Từ khi chịu phép Rửa Tội, chúng ta được gia nhập vào Hội Thánh, nhân danh Chúa Ba Ngôi, và trở nên đền thờ Chúa ngự. Rồi với các Bí Tích khác, chúng ta cũng lãnh nhận nhân danh Chúa Ba Ngôi. Cuối cùng đến khi lìa trần, chúng ta còn được đọc những lời nguyện này: xin cho linh hồn này được về bên Chúa, vì trước đây người này đã được ghi dấu Thánh Giá nhân danh Chúa Ba Ngôi.

Như thế, chúng ta phải sống mầu nhiệm này thế nào?

Chúa Ba Ngôi phải là cùng đích, lý tưởng của cuộc đời chúng ta. Thử hỏi mỗi lần chúng ta đưa tay làm dấu Thánh Giá, chúng ta có ý thức về Chúa Ba Ngôi, hay chỉ làm một cách máy móc, theo thói quen? Hãy tập cho mình biết làm dấu Thánh Giá một cách ý thức trong tâm tình ngợi khen, chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa Chúa Ba Ngôi, và cầu xin Chúa Ba Ngôi thánh hóa cuộc đời của mình. Ba Ngôi đã đến trong thế gian như lời Chúa Giêsu đã phán: chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy. Điều này có nghĩa Thiên Chúa Ba Ngôi không những đến trong thế gian, nhưng còn ở lại trong tâm hồn của những ai biết yêu kính các Ngài.

Khi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được mời phát biểu tại một đại hội ở Đức (Ngài đứng đầu Bộ Đức Tin và là nhà thần học nổi tiếng), Ngài nói: “Ở đây, tôi nhận thấy một xã hội nói nhiều mà làm ít, còn ở bên kia có một xã hội yên lặng, âm thầm mà làm nhiều. Anh chị em thân mến của tôi, hãy sống yên lặng mà làm nhiều. Hãy ra đi mà rao giảng, giảng về Chúa Ba Ngôi“.

Cũng vậy, chúng con cũng hãy ra đi như lời Chúa dạy trong bài Phúc Âm hôm nay, để làm chứng về một Thiên Chúa Ba Ngôi luôn yêu thương, tha thứ và sẵn sàng ban ơn. Amen.

 
Bài 52: Từ bỏ và sử dụng của cải
Thứ hai 27-05-1991 - Tuần 8 Thường Niên

Mc 10, 17-27; Hc 17, 24-29
 
Bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy được hai cái nhìn của Chúa: một cái nhìn với ánh mắt yêu thương trìu mến, và cái nhìn kia với ánh mắt buồn sầu, đau khổ, vì người được nhìn đã bỏ đi, không đáp lại lời mời gọi của Ngài.

Buồn và vui là hai khía cạnh gắn liền với cuộc sống của con người. Ở đời, ai cũng có lúc vui lúc buồn. Có những vui buồn chóng qua như kiểu nói thông thường của người thanh niên thời đại: buồn 5 phút, vui 5 phút. Thế nhưng, cuộc đời nhiều khi cũng gặp phải những nỗi buồn sâu thẳm, buồn day dứt, buồn triền miên gây đau khổ tái tê. Một nhà văn hào nổi tiếng đã định nghĩa đau khổ như sau: “Nỗi buồn thâm sâu nhất của cuộc đời, nỗi buồn day dứt nhất của con người là chưa trở nên Thánh”. Lời nhận xét của nhà văn hào này thật sâu sắc, đáng khâm phục, và làm cho tất cả những người tận hiến cho Chúa phải suy nghĩ.

Còn về niềm vui, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã định nghĩa như sau: “Niềm vui lớn nhất của con người là được thành công trong cuộc sống. Và thành công lớn nhất là được trở nên Thánh. Có thể nói trở nên Thánh là tác phẩm vĩ đại nhất của một con người”.

Như vậy, chúng ta đã có hai định nghĩa về nỗi buồn và niềm vui.

Trở lại bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy nói đến vấn đề tiền tài, vật chất. Thời còn niên thiếu, Cha thường nghe các cha giảng cấm phòng tại các giáo xứ –thường gọi là Tuần Đại Phúc- nhắc đến câu này: “Được lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?”. Giáo dân nghe vậy cảm thấy lo sợ lắm, nên tìm mọi cách để sống đạo tốt hơn. Thật ra, điều này không có nghĩa Chúa đòi buộc chúng ta phải bán hết của cải cho kẻ nghèo, rồi sống nghèo hết cả với nhau. Nhưng Chúa chỉ muốn nhấn mạnh đến việc đừng dính bén của cải. Nói cách khác, sống đầy đủ, tiện nghi, giàu sang không phải là điều xấu nếu chúng ta biết sử dụng của cải một cách phù hợp.

Từ lời Chúa nói: được thế gian mà mất linh hồn thì chẳng có ích gì, chúng ta có thể suy diễn ra nếu mất thế gian để được linh hồn chắc là chuyện tốt. Rồi suy luận tiếp, nếu được cả thế gian và được rỗi linh hồn chắc càng tốt hơn. Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta nhận thấy anh thanh niên thực sự là một con người đáng khen. Còn trẻ mà anh đã giữ trọn lề luật và bây giờ đang lo lắng tìm đến Chúa để bước lên đường trọn lành. Thái độ của anh thật chân tình cởi mở chứ không giả dối. Nhưng ở đây có một điều đáng cho ta chú ý: chỉ giữ trọn lề luật thôi chưa đủ để nên Thánh. Người thanh niên này được Chúa vạch ra cho con đường nên Thánh là từ bỏ hết mọi của cải. Chúa mời gọi anh hãy bán đi tất cả của cải đang có, không phải để lấy tiền mặt cất vào tủ sắt hay gởi ở ngân hàng để sinh lợi, nhưng để giúp người nghèo khổ, rồi thảnh thơi theo Chúa. Anh đã buồn rầu bỏ đi. Anh đi vì anh không thể bỏ được của cải, bỏ sự giàu sang và cuộc sống thoải mái của mình. Và vì thế, anh chưa làm Thánh được. Cũng vậy, một linh mục chỉ chu toàn những bổn phận của mình như dâng thánh lễ, làm các Bí Tích, giảng dạy, đưa Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt... thì cũng đáng được vào Nước Trời, nhưng chưa làm Thánh được. Và bao lâu chưa làm thánh thì vẫn còn là một điều thiếu sót đáng buồn.

Làm thánh là một sự lựa chọn tuyệt đối: chọn Thiên Chúa hay chọn tiền tài. Cuộc đời mỗi người chúng ta luôn được đặt trước sự chọn lựa quan trọng này: Thiên Chúa hoặc một cái gì khác. Có điều lạ là khi chọn vật chất, người ta có thể chọn tất cả, nhưng khi phải chọn người, người ta lại giới hạn. Ví dụ trong chủng viện, khi chọn bạn, không phải chúng con ôm hết tất cả mọi người, nhưng chọn những ai thích hợp với mình thôi. Còn của cải thì ít cũng tốt, nhiều cũng tốt. Tiền “Mac” (tiền Đức) cũng được và đồng “Dollar” thì tốt hơn. Chúng ta không chê loại tiền nào cả. Chúng con nên nhớ: của cải để phục vụ con người, phục vụ anh em. Chúng ta phải làm chủ của cải, xử dụng của cải theo ý tốt lành của mình. Đừng để của cải làm ông chủ sai khiến mình một cách mù quáng. Của cải có thể là phương tiện giúp nên Thánh, khi chúng ta biết dùng tiền bạc để góp phần vào công việc của Chúa ở trần gian. Nhưng quan trọng là chúng ta phải theo Chúa hoàn toàn, không dính bén của cải. Đó là điều Chúa đòi hỏi nơi những ai Ngài yêu mến.

Khi tham dự cuộc tĩnh tâm linh mục thế giới ở Roma, Cha thấy có hai vợ chồng lớn tuổi cũng rất tích cực tham dự cuộc tĩnh tâm. Hai ông bà đến tham dự tất cả các giờ kinh và giảng tĩnh tâm ấy. Sau đó Cha được biết hai ông bà đó là một gia đình tỷ phú người Hòa lan. Họ là người khởi xướng và thực hiện khóa tĩnh tâm linh mục thế giới. Câu chuyện bắt đầu như sau: trong một cuộc tĩnh tâm dành cho linh mục ở Hòa Lan, họ nghe một linh mục giảng: chúng tôi ước ao có những cuộc tĩnh tâm từng nhóm linh mục như thế này. Nghe vậy, hai ông bà đến xin gặp linh mục đó và góp ý: cha thấy cuộc tĩnh tâm cho linh mục như vậy là rất tốt, sao cha không triệu tập đông hơn. Linh mục đó hỏi: Đông hơn tức là cho tất cả các linh mục Hòa Lan hay sao? Hai ông bà đáp lại: thế vẫn chưa đông. Linh mục đó hỏi dò: hay cho cả Âu Châu? Hai ông bà nói vẫn chưa đông. Cuối cùng, linh mục hỏi lại: thế thì hai ông bà nghĩ phải như thế nào mới gọi là đông? Hai ông bà mới nói: cả thế giới. Linh mục nói: vậy thì tôi lấy đâu ra kinh phí để lo cho một cuộc tĩnh tâm lớn như  vậy? Hai ông bà trả lời: cha cứ cầu nguyện đi, chúng con cũng cầu nguyện và chúng con sẽ giúp.

Sau khi cầu nguyện, họ quyết định tổ chức cuộc tĩnh tâm linh mục thế giới. Lần đầu tiên tổ chức được rất đông các linh mục trên thế giới về dự. Tất cả những ai muốn tham dự, đều được hoan nghênh đón nhận. Linh mục nào không có khả năng, hai ông bà sẵn sàng đứng ra giúp. Trong cuộc tĩnh tâm linh mục thế giới đầu tiền đó, hai ông bà đã giúp tất cả một triệu dollars. Cuộc tĩnh tâm Cha tham dự vừa rồi là lần thứ hai, gồm 5000 linh mục khắp nơi trên thế giới. Được biết trước đó, hai ông bà đã cầu nguyện xin Chúa soi sáng để biết sử dụng của cải. Hai ông bà đã bỏ tiền xây dựng một trại giúp những người mắc bệnh phong và vẫn còn tiếp tục giúp đỡ trại ấy. Mặc dù chỉ là người giáo dân, hai ông bà đã biết luôn cầu nguyện để xin Chúa soi sáng cho biết cách sử dụng của cải mình có. Thật đáng phục! Chắc Chúa cũng vui lòng khi thấy cách sử dụng tiền bạc của hai ông bà người Hòa Lan đó.

Phần chúng con, mỗi khi đến trước Nhà Tạm hay Tượng Chúa, chúng con hãy hỏi xem: Lạy Chúa, hiện trạng con bây giờ thế nào, con đang làm cho Chúa buồn hay vui? Nếu cuộc sống chúng ta chưa trở nên Thánh thì chắc Chúa còn buồn, vì ước mong của Chúa là muốn tất cả chúng ta đều trở nên Thánh.

Nói tóm lại, Lời Chúa nói trong bài Phúc Âm hôm nay không phải để cảnh cáo người giàu có, nhưng để hướng dẫn và thức tỉnh họ, giúp họ biết ý thức sử dụng của cải Chúa ban cho để mở mang nước Chúa. Giáo Hội Công Giáo không phải là một Giáo Hội nghèo nàn và lạc hậu, đóng khung với chủ nghĩa khắc kỷ, nhưng là một Giáo Hội sống tinh thần nghèo của Đức Kitô, một Giáo Hội đang nỗ lực để xóa đói, giảm nghèo, đem lại công bằng, hòa bình và nhân phẩm cho mọi người. Như thế, tất cả mọi người Kitô Hữu, đặc biệt những người theo Chúa, càng phải sống tinh thần của Giáo Hội, để canh tân thế giới và làm cho Nước Chúa được mở rộng trên trần gian này.

Chỉ còn ba ngày nữa là hết tháng kính Đức Mẹ. Theo yêu cầu của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mời gọi mọi người hiệp ý cầu nguyện để dâng Đất Nước và Giáo Hội cho Mẹ, chúng ta dùng ba ngày này như Tuần Tam Nhật để tôn kính và cầu xin Mẹ đặc biệt gìn giữ và ban ơn lành cho Tổ Quốc và Giáo Hội Việt Nam. Và để tỏ lòng yêu kính Mẹ, chúng ta cố gắng biến đổi đời sống mình, sống quảng đại và biết từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa đến cùng. Amen.

 
Bài 53: Từ bỏ mọi sự để theo Chúa
Thứ ba 28-05-1991 - Tuần 8 Thường Niên

Mc 10, 28-31; Hc 35, 1-12
 
Bài Phúc Âm hôm nay tường thuật câu chuyện Phêrô hỏi Chúa về phần thưởng của những người đi theo Chúa. Ông là một người bộc trực, có gì nói đó. Ông muốn biết rõ theo Chúa thì được lợi lộc gì. Một câu hỏi cụ thể, đơn sơ. Nhưng khi các nhà thần học suy ngắm kỹ, lại xem đó là một câu hỏi thật hóc búa khó trả lời. Phúc Âm ghi lại: “Ông Phêrô thưa Chúa: vậy phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, chúng con sẽ được gì?”. Và câu trả lời của của Chúa Giêsu cũng thật khó hiểu: “Ai đã bỏ nhà cửa, cha mẹ... vì Ta, sẽ được gấp trăm về nhà cửa, cha mẹ... cùng sự bắt bớ ngay ở đời này và đời sau được hạnh phúc vĩnh cửu”. Chắc Phêrô và các Tông Đồ khác vẫn còn thắc mắc về câu trả lời này. Có thêm một trăm ngôi nhà nữa thì được, chứ có thêm một trăm Bố, một trăm Mẹ, một trăm vợ... thì rắc rối lắm. Ấy là chưa kể đến phần sau của câu trả lời. Theo Chúa mà bị bắt bớ thật chẳng ham chút nào. Còn chuyện hạnh phúc đời sau là gì? Có giống như đời này không? Thật ra, Chúa muốn nói điều gì?

Trước hết, điều Phêrô nói với Chúa không phải là quá đáng. Ông đã thật sự bỏ hết mọi sự để đi theo Chúa. Ông bỏ vợ con, nhà cửa, và ngay cả chiếc ghe đánh cá làm ăn sinh sống ông cũng bỏ luôn để theo Ngài. Ông thật sự quảng đại trước lời mời gọi của Chúa. Mạo hiểm thật! Chưa biết rõ người mình đi theo như thế nào mà đã bỏ tất cả rồi. Và Chúa đã không thua lòng quảng đại của Phêrô. Tình yêu thương của Chúa luôn vượt đến vô hạn. Bài đọc hôm nay đã đề cập đến vấn đề này: ngươi dâng cho Chúa một, Chúa sẽ ban cho gấp bảy lần. Con số bảy có nghĩa là hoàn hảo, đầy đủ. Vậy mà trong bài Phúc Âm, Chúa Giêsu lại hứa: không những chỉ có bảy lần mà còn gấp 100 lần, nghĩa là vô cùng, vô hạn định không thể so sánh được.

Chúng ta là con người. Chúng ta yêu Chúa có hạn, vì tất cả những gì chúng ta từ bỏ, chúng ta dâng cho Chúa, đều có thể tính được. Còn Thiên Chúa thì vô hạn, nên phần thưởng Ngài ban cho cũng vô hạn. Vì thế, ngoài những phần thưởng ở đời này, Thiên Chúa còn thương ban hạnh phúc vô hạn, vĩnh cửu cho những ai tin theo Ngài. Mặc dầu không thấu hiểu phần thưởng vô hạn đó như thế nào, nhưng chúng ta tin rằng Chúa là Đấng Chân Thật, nên lời hứa của Chúa đáng cho chúng ta tin tưởng và hy vọng. Và điều này càng giúp chúng ta sẵn sàng bỏ mọi sự để theo Chúa một cách không tiếc nuối.

Thánh Phanxicô Assisi là mẫu gương của sự từ bỏ tuyệt đối này. Mặc dầu được sinh trưởng trong một gia đình giàu có, Phanxicô đã từ bỏ gia đình, từ bỏ cuộc sống sung túc, để hoàn toàn theo Chúa bằng một cuộc sống nghèo khó thật sư, vì nhận ra chính Thiên Chúa toàn năng đã trở nên nghèo khó nơi Đức Giêsu xuống thế làm người. Cuộc sống của Phanxicô đã thu hút một số anh em và họ cùng sống theo tinh thần khó nghèo do chính Ngài chủ xướng. Giống như Phanxicô, họ cũng từ bỏ mọi sự, sống cuộc sống hành khất, để tâm hồn hoàn toàn thuộc về Chúa... Thấy Phanxicô sống như vậy, gia đình hết sức tức giận, tìm mọi cách để bắt Phanxicô về lại nhà. Nhưng mọi cố gắng đều vô ích. Thời đó, và thật sự thời nay cũng vậy thôi, nghề ăn xin bị xã hội khinh dễ, nên gia đình của Phanxicô càng tức giận vì bị mất thể diện với xóm làng. Cuối cùng, ông bố của Phanxicô đến xin gặp Đức Giám Mục. Và trước mặt Đức Cha, ông bố xin phép được từ đứa con bất tuân này. Từ đây không còn xem Phanxicô là con nữa. Phanxicô liền cởi ngay áo chiếc choàng đang mặc trao lại cho bố và nói: từ nay con được tự do hơn vì bố không nhận con nữa. Con chỉ còn một Cha trên trời thôi...

Hằng ngày Phanxicô đi ăn xin từng nhà này qua nhà khác. Gia đình có ý muốn làm xấu hổ Ngài nên sai đầy tớ mang đồ ăn thừa đổ lên đầu Phanxicô mỗi khi Ngài đến xin ăn. Lần đầu, vì không để ý, nên Ngài bị bẩn hết. Nhưng hôm sau, Ngài đưa một Thầy đi cùng và khi bị đổ thức ăn dư thừa như trước, Thầy dòng kia liền nói: hỡi Phanxicô, ngươi đã bỏ mọi sự mà theo Chúa thì Chúa sẽ cho ngươi được gấp 100 ở đời này cùng với sự khinh bỉ, ghen ghét và ngày sau được hưởng hạnh phúc trên trời. Phanxicô muốn mình được lời Chúa nhắc nhở về hạnh phúc vĩnh cửu, để có thể chịu đựng được mọi sự sỉ nhục đắng cay. Cứ thế mãi, từ từ người đầy tớ đổ thức ăn cảm thấy thương Phanxicô và cảm phục Ngài. Và cũng từ đó, mọi người trong thành Assisi đều kính trọng Phanxicô, vì đức tính hy sinh, khiêm nhường và nhẫn nại chịu đựng của Ngài.

Đức tính từ bỏ của Phanxicô thật đáng cho chúng ta học tập và bắt chước. Cho đi tất cả vì Chúa, chúng ta sẽ gặp được chính Chúa, là nguồn hạnh phúc bất diệt. Hôm nay, chúng ta cũng cầu xin Mẹ Maria cho chúng ta biết bỏ mình hoàn toàn để theo Chúa một cách kiên trung. Chính Mẹ cũng là tấm gương của sự từ bỏ mình vì Chúa một cách cao cả và anh hùng nhất. Ngày xưa, Mẹ đã bỏ đi mọi sự để được Chúa đời đời. Mẹ đã phải chịu thử thách, đau khổ tột độ dưới chân Thánh Giá để hiến dâng con mình. Nhìn con mình chết dần với một tinh thần vâng phục hoàn toàn. Vì thế, Mẹ được Chúa thưởng vinh quang hạnh phúc muôn đời và đáng được mọi lời khen ngợi, ca tụng tốt đẹp nhất. Xin Mẹ chỉ dạy mỗi người chúng ta biết từ bỏ mọi sự để theo Chúa trọn vẹn như Mẹ đã sống ngày trước. Amen.

 

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây