Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (4)

-

-

“Ước mong những suy tư giản dị, trong sáng như cuộc đời của Đức Cố Hồng Y, trong tập bài giảng này, cũng giúp tất cả chúng ta hiểu biết Chúa nhiều hơn, yêu mến Chúa nhiều hơn, và yêu mến Giáo Hội của Chúa nhiều hơn.” [Đức Ông Phan Văn Hiền HT63]. Phần 4.
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (4)
 
 

 

Bài 32: Chúa gìn giữ
Chúa nhật Lễ Thăng Thiên - Ngày 12-05-1991
 
Trước khi về trời, Chúa Giêsu căn dặn các Tông Đồ: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng tin mừng cho mọi tạo vật”. Chúa còn hứa sẽ ở cùng các môn đệ cho tới tận thế. Và trước đó, Chúa cũng đã cầu nguyện cùng Chúa Cha cho các môn đệ: “Lạy Cha, con không cầu xin Cha đưa chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin Cha hãy gìn giữ chúng”. Vấn đề được đặt ra: Tại sao Chúa lại xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ ở thế gian. Vậy thế gian là gì mà phải lo gìn giữ?

Thế gian có hai mặt. Trước hết, thế gian được diễn tả trong sách Sáng Thế khi Thiên Chúa dựng nên trời đất muôn vật, là một thế gian tốt đẹp. Lời Kinh Thánh ghi lại: “Thiên Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp”. Thế gian chỉ xấu khi tội lỗi đột nhập vào. Nhưng với máu cứu chuộc của Ngôi Hai xuống thế làm người, thế gian trở thành tạo vật mới và càng tốt đẹp hơn. Điều đáng buồn là cũng vì tội lỗi, con người lại làm cho thế gian trở nên xấu. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã cầu xin cho các môn đệ ở giữa thế gian nhưng lại không thuộc về thế gian. Và Chúa giao trách nhiệm cho các ông ở lại thế gian để làm chứng nhân cho Ngài và thánh hóa thế gian.

Cách đây vừa tròn mười năm, ngày 13 tháng 5 năm 1981, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã bị ám sát suýt chết tại Quảng Trường Thánh Phêrô trong buổi gặp gỡ giáo dân hàng tuần. Trời nắng nhẹ, Ngài đứng trên một chiếc xe loại Jeep màu trắng không có mui che, chạy quanh quảng trường để mọi người có thể trông thấy Ngài. Đi được một lúc, Ngài biểu xe dừng lại bên cạnh một bà mẹ với em bé. Ngài bế em bé và đưa cao lên. Mọi người hoan hô vui mừng. Ngài trao em bé lại cho bà mẹ. Xe tiếp tục chạy thêm một đoạn ngắn. Bỗng có tiếng súng nổ. Đức Thánh Cha gục xuống. Ngài đã bị trúng đạn của kẻ sát nhân. Xe vội dừng lại. Những người hộ tống đi bộ chung quanh nhảy lên xe đỡ lấy Ngài và xe đi thẳng vào Vatican. Ngài được đưa vào bệnh viện Gemelli. Máu mất quá nhiều và ruột bị thủng 6 lỗ lớn. Các bác sĩ đã tận dụng hết mọi khả năng để phẫu thuật ca mổ vá ruột. Trong khi ấy, Tổng Thống Ý luôn ngồi trực ở ngoài, theo dõi từng phút về tin tức ca mổ của Đức Thánh Cha.
 
Sau 6 tiếng liền, ca mổ đã thành công, và lời đầu tiên Đức Thánh Cha sau khi tỉnh dậy được phát lên đài là: “Xin tha cho người anh em của tôi”. Ít lâu sau, khi khá hồi phục, Ngài đã xin chính quyền Ý gặp hung thủ ám sát Ngài. Anh đang bị giam trong một nhà tù ở Roma. Ngài đã vào tận phòng giam của anh ta và một mình nói chuyện với anh một cách thân tình. Anh là người Thổ Nhĩ Kỳ. Trong buổi nói chuyện, anh ta thú nhận đã ba lần đến quảng trường Thánh Phêrô để theo dõi và nghiên cứu hiện trường. Và hôm thực hiện kế hoạch ám sát, anh cũng cho biết nếu mọi sự êm xuôi, anh sẽ tẩu thoát bằng một chiếc xe mang biển số ngoại giao đang chờ sẵn gần quảng trường.

Hai con người với hai chiếc xe, nhưng tư tưởng lại khác xa nhau. Chiếc xe nào cũng có máy, có dầu, nhưng mục đích được dùng thì lại khác. Đức Thánh Cha trên xe Jeep trắng, là người  mang bình an cho mọi người, là chứng nhân của Chúa Kitô hiền lành và khiêm nhượng, trong khi chiếc xe mang biển số ngoại giao kia lại được dùng để làm điều tội lỗi... Thật ra, người hung thủ Thổ Nhĩ Kỳ này chỉ là một tay sai được thuê mướn để thực hiện âm mưu tiêu diệt Đức Thánh Cha của các thế lực quốc tế. Trong hơn hai năm cai quản Giáo Hội, Đức Thánh Cha đã nhiều lần nói thẳng, nói thật về những chủ nghĩa phi nhân đang chà đạp nhân phẩm con người. Nên những thế lực này quyết tìm cách triệt hạ Ngài. Có thể nói, vì Ngài là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, nên bị thế gian ghét bỏ. Đức Thánh Cha cũng biết rằng mình có thể bị ám sát. Nhưng Ngài không sợ. Ngài tin tưởng hoàn toàn vào Chúa và tiếp tục nói lên sự thật.

Thủ phạm vụ ám sát Đức Thánh Cha còn kể tiếp: Lẽ ra tôi bắn Ngài vào lúc dừng xe, nhưng lại vướng đứa trẻ Ngài bế trên tay. Đến khi xe chuyển bánh, tôi được cơ hội nhắm thẳng súng vào đầu của Ngài và bóp cò. Nhưng đúng lúc ấy, một bà Sơ bên cạnh thấy vậy mới kéo tay tôi lại. Thế là viên đạn lệch xuống bụng thay vì trúng vào đầu.

Bắn xong, anh vùng chạy để tẩu thoát như dự tính. Nhưng bà Sơ bên cạnh ôm chặt anh ta và hô hoán lên. Thế là hung thủ bị bắt ngay tại hiện trường, không thể chối cãi. Tin tức lan đi khắp thế giới. Mọi người bàng hoàng về hành động bất nhân này. Hàng ngàn người tự động tập trung về Quảng Trường Thánh Phêrô để cầu nguyện cho Ngài suốt ngày đêm. Và Chúa đã cứu Ngài.

Chuyện đã xảy ra 10 năm nay. Ngài vẫn tiếp tục phục vụ Giáo Hội, tiếp tục nói sự thật, tiếp tục sứ mạng Chúa giao phó. Ngài tin rằng chính Đức Mẹ đã cứu Ngài thoát chết. Và lần này đi Fatima, Ngài muốn dâng viên đạn đã bắn vào Ngài cho Đức Mẹ với tất cả tâm tình tạ ơn và yêu mến. Hơn ai hết, Đức Thánh Cha là người đã kinh nghiệm được lời của Chúa trong bài Phúc Âm hôm nay: “Con không xin Cha đưa chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin hãy gìn giữ chúng”. Và Ngài vẫn tiếp tục sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa không chút sợ hãi.

Noi gương Đức Thánh Cha, mỗi người chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa, và can đảm làm chứng nhân của Tin Mừng. Chúa Giêsu đã cầu xin Chúa Cha gìn giữ chúng ta khỏi những âm mưu hãm hại của thế gian, và gìn giữ chúng ta được sống mãi trong ân nghĩa với Chúa: “Tất cả những kẻ Cha đã giao cho con, con không để mất một ai”. Vì thế, chúng ta hy vọng sẽ được hạnh phúc Nước Trời như lời Chúa hứa: “Ta ở đâu thì kẻ phụng sự Ta cũng ở đó”. Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cùng hiệp ý cầu cùng Chúa qua lời bầu cử của Mẹ Fatima, ban cho Đức Thánh Cha và các Giám Mục Bồ Đào được luôn là chứng nhân trung thành của Chúa ở thế gian. Amen.

 
Bài 33: Hãy tin tưởng
Thứ hai 13- 05-1991 - Tuần 7 Phục Sinh

Cv 19, 1-8;  Ga 16, 19-23
 
Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ: “Bây giờ đã đến lúc chúng con tan tác mỗi người một nơi và để Thầy một mình... Nhưng hãy tin tưởng vì Thầy đã thắng thế gian”. Những lời này đã được Chúa căn dặn các Tông Đồ trước khi Ngài chịu nạn để củng cố niềm tin của các ông.

Thật vậy, các Tông Đồ cũng như Giáo Hội của Đức Kitô đã phải đau khổ vì bị thế gian ghét bỏ, bách hại, và tìm mọi cách để tiêu diệt. Nhưng Giáo Hội vẫn luôn đứng vững và phát triển không ngừng. Nhìn lại lịch sử thế giới, mọi người đều công nhận rằng không có tổ chức nào lại bị bắt bớ, đe dọa nhiều và nặng nề như Giáo Hội Công Giáo. Cùng chung số phận với Thầy Chí Thánh, Giáo Hội cũng bị dèm pha, vu khống, bách hại... Nhưng như “Thầy đã chiến thắng thế gian”, Giáo Hội cũng đã lướt thắng mọi thử thách căm go và sẽ tiếp tục đứng vững trước mọi âm mưu hãm hại của thế gian ngày nay. Vừa qua, Cha có dịp tĩnh tâm với các Giám Mục trên thế giới. Trong cuộc tĩnh tâm này, các Đức Cha vùng Đông Âu đã chia sẻ một kinh nghiệm thật cảm động sau đây: “Khi đọc Kinh Tin Kính, đến đoạn nói về đặc tính của Giáo Hội: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, chúng tôi luôn nghĩ đến một đặc tính khác nữa của Giáo Hội là bị đe dọa, bắt bớ. Và thật vậy, ở bất kỳ thời đại nào, ngay cả lúc xem ra thật bằng yên, Giáo Hội vẫn tiếp tục bị bắt bớ, đe dọa, vì rất nhiều con cái của mình ở khắp nơi trên mặt đất này, không ngừng bị kỳ thị, đe dọa, khủng bố dưới nhiều hình thức.

Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cùng hiệp ý với Đức Thánh Cha đang ở Fatima để dâng cả nhân loại cho Đức Mẹ. Xin Đức Mẹ tiếp tục gìn giữ Giáo Hội và thế giới. Ngài sẽ dâng thánh lễ và cử hành nghi thức phó dâng này tại Quảng Trường Fatima, rộng gấp hai lần Quảng Trường Thánh Phêrô, với sức chứa khoảng một triệu người.

Lời Đức Mẹ Fatima năm 1917 đã nhắc nhở: Giáo Hội sẽ phải chịu nhiều đau khổ... Nhưng có một điều chắc chắn làm yên lòng con cái là: Trái tim Mẹ sẽ thắng. Theo lời đề nghị của Đức Mẹ, Đức Thánh Cha Piô XII đã đến Fatima dâng loài người cho trái tim Mẹ. Và Chị Lucia, người được Đức Mẹ hiện ra và còn sống, cho biết cần phải dâng cả nước Nga cho Mẹ nữa. Vì thế, năm 1967, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã dâng nước Nga cho Đức Mẹ. Tuy nhiên, Mẹ còn muốn Đức Thánh Cha phải hợp với tất cả các Giám Mục trên thế giới để dâng nước Nga cho trái tim Mẹ. Nên lần này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết thư yêu cầu các Giám Mục trên toàn thế giới cùng hiệp ý với Ngài hiến dâng Nước Nga cho Mẹ trong cùng một ngày.

Đây là lần thứ hai Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến Fatima. Ngài sẽ tiếp xúc với Chị Lucia để biết thêm ý muốn của Mẹ Fatima. Chắc Đức Mẹ đã bằng lòng, vì chúng ta thấy rõ Đức Mẹ đã thương Giáo Hội một cách đặc biệt trong những năm vừa qua. Tình hình tôn giáo ở các nước Đông Âu nay đã dễ dàng hơn trước nhiều. Mascôva, thủ đô của Nga đã lập Tòa Tổng Giám Mục và Tòa Thánh đã thiết lập ngoại giao với nước này. Một cách nào đó, lời Mẹ phán: “Trái tim Mẹ sẽ thắng” nay đã bắt đầu thành sự thật.

Cũng với ý hướng này, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã thông báo mời gọi toàn thể dân Chúa hết lòng tôn kính Đức Mẹ, nhất là trong tháng năm này. Hội Đồng cũng quyết định lấy ngày cuối tháng năm để dâng toàn thể Giáo Hội Việt Nam cho Đức Mẹ. Xin Đức Mẹ gìn giữ và thương ban cho Giáo Hội được cởi mở và phát triển hơn. Hội Đồng cũng khuyến khích mọi người hãy tích cực làm việc lành dâng kính Mẹ trong tình con thảo. Yêu mến Mẹ, không phải chỉ chăm chú đọc kinh, lần hạt, nhưng quan trọng là biết sống các mầu nhiệm của chuỗi Mân Côi. Vì thế, cùng với toàn thể Giáo Hội và cách riêng Giáo Hội Việt Nam, chúng ta quyết tâm dâng lên Mẹ một bó hoa thiêng liêng thật xinh đẹp. Để nhờ Mẹ, chúng ta đến được với Chúa Giêsu, Đấng đã chiến thắng thế gian và là nguồn hạnh phúc của chúng ta. Amen.

 
Bài 34: Tình hình Giáo Hội
Bài huấn đức tối 13-05-1991
 
Trước đây, chúng ta đã cùng nhau nói chuyện về tình hình thế giới với những khía cạnh tích cực và tiêu cực của nó, cũng như những điều kiện chúng ta cần phải có để có thể đứng vững và tiếp tục sứ mạng thánh hóa thế gian mà Chúa Kitô đã ủy thác cho Giáo Hội. Hôm nay chúng ta suy nghĩ về tình hình của Giáo Hội trong thế giới chúng ta đang sống. Nói cách khác, đâu là những điều đáng vui mừng và đâu là những điểm đáng lo âu trong Giáo Hội ngày nay?

Trước hết, chúng ta đang sống vào một thời đại mà uy tín Giáo Hội hơn bao giờ hết được cả thế giới nể phục. Ngày xưa, cũng đã có một thời các Đức Giáo Hoàng được các nước có nền văn minh Thiên Chúa Giáo ở Âu Châu kính phục. Nhưng vào thời điểm đó, người ta chưa phân biệt được thần quyền và thế quyền. Các Vua của các quốc gia này phải tùng phục Đức Giáo Hoàng để được dân chúng ủng hộ. Hơn nữa, chính Đức Giáo Hoàng cũng là Vua của một quốc gia, có đất đai, binh lính như các quốc gia khác. Nhưng dần dần người ta phân biệt thế quyền ra khỏi thần quyền. Rồi nước Đức Giáo Hoàng cũng bị Tướng Garibaldi xâm chiếm để thống nhất nước Ý. Uy thế của Giáo Hội từ đó bị mất dần và chỉ còn giới hạn trong phạm vi tôn giáo, nội bộ của mình...

Tuy nhiên, uy tín của Giáo Hội dần dần được khôi phục, bắt đầu với Đức Giáo Hoàng Lêo XIII với Thông Điệp Rerum Novarum năm 1878, mời gọi giáo dân dấn thân vào các lãnh vực trần thế để bênh vực tự do và phẩm giá của con người. Uy tín này càng lên cao với Công Đồng Vatican II qua Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng Gaudium et Spes, nói lên đường hướng phục vụ con người của Giáo Hội. Đến thời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, quyết tâm phục vụ này được đi vào cụ thể, qua những cải tổ trong Giáo Triều, và những chuyến công du của Ngài khắp thế giới, đặc biệt qua bài phát biểu của Ngài tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc. Ngày trước, người ta thường gọi Đức Giáo Hoàng là “Người tù ở Vatican” vì suốt đời Ngài chỉ ở trong đó. Nhưng bây giờ Đức Giáo Hoàng là con người thời đại, vì ở đâu cũng thấy bóng dáng Ngài, và nghe được tiếng nói trung thực của Ngài.

Giáo Hội ngày nay đã đoạn tuyệt với quyền lực. Ngay cả hình ảnh tượng trưng quyền lực ngày trước là chiếc mũ ba tầng của vị lãnh đạo Giáo Hội, cũng được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cất vào viện bảo tàng. Ngài muốn mọi người chú trọng vào phẩm chất phục vụ khiêm tốn của Giáo Hội, chứ không phải quyền hành. Vì thế, Giáo Hội được uy tín với thế giới không phải vì quyền lực, vì sức mạnh, nhưng vì người ta tìm thấy nơi Giáo Hội tiếng nói của sự thật, tiếng nói bênh vực quyền lợi của con người. Và uy tín này đã vượt ra khỏi giới hạn quốc gia Vatican nhỏ bé với 40 hét-ta đất, một diện tích không đủ chỗ cho tất cả nhân viên làm việc trong Giáo Triều.

Thật vậy, là tiếng nói của sự thật, Đức Giáo Hoàng chẳng thiên vị người nào, quốc gia nào, hoặc chính kiến nào cả. Ngài là người của mọi người. Vì thế, mọi người đều lắng nghe Ngài để tìm ra hướng đi cho mình. Ngay cả khi gặp tranh chấp, nhiều quốc gia, trực tiếp hay gián tiếp, cũng xin Ngài can thiệp, giúp ý kiến để giải quyết vấn đề. Nhiều nước đã xin lập bang giao với Tòa Thánh. Nhiều vị lãnh đạo trên thế giới muốn đến Vatican để gặp gỡ Ngài và xem đó như là một vinh dự. Ngay cả Tổng Thống Gorbachev của Nga cũng đã hai lần đến gặp Đức Thánh Cha. Và chính ông đã mở đường cho những cởi mở tôn giáo tại đây. Hơn 8000 nhà thờ bị trưng thu dưới thời Cộng Sản được trao lại cho Giáo Hội; và mới đây, nhà thờ kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại Điện Cẩm Linh sau 70 năm, được phép cử hành thánh lễ trọng thể, có đông đảo giáo dân tham dự.

Tính đến nay, trên thế giới đã có hơn 121 nước thiết lập ngoại giao với Tòa Thánh, và càng ngày càng có thêm nhiều quốc gia muốn đặt quan hệ ngoại giao với nước Vatican nhỏ bé này.

Một chuyện lạ lùng là trong cuộc chiến vùng vịnh Ba Tư vừa rồi, các đại sứ quán ở thủ đô Irak đều bỏ đi trước khi đồng minh khai chiến, ngoại trừ nước Nga và Tòa Thánh. Hằng ngày Sứ Thần ở đây điện về Tòa Thánh báo cáo những diễn tiến mới nhất. Nhưng có nhiều lần vì lý do kỹ thuật, Sứ Thần không gởi điện được, thì chính Đại Sứ Nga nhận điện rồi gởi về Tòa Đại Sứ Nga tại Ý, và ông Đại Sứ ở Roma mang điện của Sứ Thần ở Irak vào cho Đức Thánh Cha. Nga và Tòa Thành làm việc chung với nhau. Và cũng chưa bao giờ nước Nga mời Đức Thánh Cha đến viếng thăm, nhưng bây giờ thì chính chính phủ Nga đã mời Ngài sang thăm. Chỉ còn một trở ngại là vị Thượng Phụ Chính Thống Giáo tại đây chưa đồng ý.

Đức Giáo Hoàng càng đi nhiều nước thì người ta càng biết Giáo Hội nhiều. Trong 12 năm làm Giáo Hoàng, Ngài đã đi thăm 50 nước. Và ảnh hưởng của mỗi chuyến đi này thật sâu rộng. Các Giám Mục Nhật Bản nhận xét: “Đức Giáo Hoàng đi thăm nước Nhật một lần bằng chúng tôi giảng đạo một năm”. Từ khi Đức Giáo Hoàng đến thăm Nhật, dân Nhật tỏ ra quý mến Giáo Hội hơn. Và người Nhật du lịch sang Roma đều muốn được gặp mặt Đức Giáo Hoàng.

Khi Cha qua Thái Lan, xuống sân bay vào nơi lấy hành lý, Cha thấy người kiểm tra hành lý kiểm soát mọi người rất kỹ. Đến lượt Cha, ông ta hỏi: “Ông là người nào, làm gì?” Cha trả lời tôi là Giám Mục Việt Nam. Ông nói: “Giám mục thì khỏi cần phải xét”. Cha không hiểu tại sao, nhưng mừng quá, vội lấy hành lý đi luôn. Trên đường về Tòa Sứ Thần, anh tài xế riêng của Đức Khâm Sứ mới nói với Cha: “Trước đây, không dễ như thế đâu. Nhưng từ ngày Đức Giáo Hoàng sang thăm Thái Lan, người ta mới dễ dàng với các Giám Mục như vậy đó. Người Thái Lan cũng nhờ chuyến viếng thăm này mà biết hơn về Đạo Công Giáo. Người bình dân gọi là Đạo của Gioan Phaolô II”. Thái Lan chỉ có 300.000 người Công Giáo giữa một dân số gần bằng Việt Nam. Vậy mà Giáo Hội Thái Lan vẫn đứng vững, ngày càng phát triển và có uy tín với toàn dân.

Tại Đan Mạch, cả nước chỉ có 20.000 người Công Giáo. Còn lại là Tin Lành. Linh mục được coi như công chức của nhà nước, và có lương bổng từ nhà nước. Người Công Giáo Đan Mạch thất vọng, vì thấy mình lẻ loi giữa một xã hội xem ra đối nghịch với đạo của mình. Nhưng khi Đức Giáo Hoàng qua thăm Đan Mạch, người Công Giáo ở đây sung sướng quá sức, vì thấy cả Thủ Tướng, Bộ Trưởng theo đạo Tin Lành đều ra sân bay đón Đức Giáo Hoàng.

Nói tóm lại, thế giới ngày nay kính trọng Đức Giáo Hoàng, không phải vì Ngài có quyền lực hay tiền bạc, nhưng vì uy tín của Ngài được xây dựng trên sự thật và sư phục vụ vô vị lợi. Chính Ngài cũng là người nối kết được các tôn giáo lại với nhau, để cùng bênh vực quyền lợi của con người, nhất là vấn đề hòa bình và công bằng trên thế giới.

Điểm nổi bật thứ hai của Giáo Hội trong thế giới ngày nay là tinh thần của Công Đồng Vatican II. Công Đồng này mở ra một hướng đi mới mẻ cho toàn thể Giáo Hội rất phù hợp với con người thời nay. Một hướng đi dấn thân phục vụ để canh tân thế giới. Giáo Hội không còn xa lạ với con người, nhưng nhập cuộc vào cuộc sống xã hội để phục vụ, bênh vực và hướng dẫn con người đến một xã hội tốt đẹp hơn. Vì thế, hơn bao giờ hết, Giáo Hội được mọi người trên thế giới kính trọng một cách đặc biệt và tiếng nói của Giáo Hội luôn được mọi người quan tâm lắng nghe.

Điều này càng làm cho chúng ta cố tâm học hỏi tinh thần của Công Đồng Vatican II, để có thể thích hợp với thời đại. Nếu chỉ trả lời sự khác biệt của Công Đồng là trước đây linh mục làm lễ quay lên, bây giờ quay xuống, thì chúng ta thật sự chẳng hiểu chút gì về Công Đồng Vatican II cả. Một điều thật đáng tiếc. Hôm nay Cha dừng ở đây. Lần khác Cha sẽ nói tiếp về những ưu tư của Giáo Hội trong thế giới ngày nay.

 
Bài 35: Được chọn để ra đi 
Ngày 14-05-1991 - Lễ Thánh Matthia Tông Đồ

Cv 1, 15-17. 21-26;  Ga 15, 9-17

Trong bài sách Tông Đồ Công Vụ hôm nay, chúng ta thấy ba người được Chúa kêu gọi và đã đáp trả tiếng Chúa gọi cách khác nhau. Đó là Giuđa, Giuse và Matthia.

Giuđa được Chúa kêu gọi làm Tông Đồ ngay từ đầu. Ông đã theo Chúa, được Chúa dạy dỗ và hơn nữa được Chúa tin cẩn giao cho chức vụ quản lý. Nhưng ông đã làm hư mất ơn gọi ấy bằng việc phản bội Chúa. Vì thế, Phêrô đã xin mọi người cầu nguyện trước khi chọn người xứng đáng điền vào chỗ trống của Giu-đa. Cộng đoàn đưa ra hai người xứng đáng nhất là Giuse và Matthia, và cùng cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, Chúa thấu suốt lòng mọi người, xin Chúa tỏ cho chúng tôi biết Chúa chọn ai trong hai người này”. Nghĩa là ý Chúa đã có từ trước, nay xin Chúa tỏ ra mà thôi.

Trong Phúc Âm hôm nay, Chúa đã đề cập đến vấn đề kêu gọi: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con”. Chúng ta thường nghĩ mình chọn Chúa, vì chẳng bao giờ thấy dấu hiệu gì Chúa chọn chúng ta cả. Nhưng thật ra, chính Chúa đã ban ơn để chúng ta có thể chọn Chúa. Và nếu chúng ta không quyết tâm gìn giữ ơn Chúa, chúng ta sẽ cùng chung số phận với Giu-đa và Chúa sẽ lấy ơn này giao lại cho người khác.

Giuse được biệt danh là Công Chính, nghĩa là nhân đức. Vì thế, người ta đoán chắc Giuse sẽ thay vào chỗ của Giu-đa. Nhưng kết cuộc lại khác hẳn. Đường lối Chúa khác với cách suy nghĩ của con người. Trong khi đó Matthia chẳng có biệt danh gì. Ông chỉ là một môn đệ bình thường, nhưng lại được chọn làm Tông Đồ thay chỗ Giuđa, kẻ hư mất. Câu chuyện này làm chúng ta liên tưởng đến cuộc đời của mỗi người chúng ta. Mặc dầu chẳng có tài nă ng gì trổi vượt, Chúa đã chọn chúng ta giữa bao nhiêu anh em tài giỏi khác. Đó là mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa. Chúng ta không thể nào hiểu được. Chỉ biết tạ ơn Chúa và cố gắng làm hết sức mình để đáp lại tình thương bao la ấy. Sách Tông Đồ Công Vụ hôm nay kể lại cuộc chọn lựa hi hữu này. Có 120 người đến tham dự cuộc bỏ phiếu. Ai cũng tưởng Giuse, người Công Chính sẽ được chọn làm Tông Đồ thay cho Giu-đa,  nhưng Chúa lại chọn Matthia.

Bài hát Alleluia hôm nay nói lên ý nghĩa mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con”. Chính Chúa đã chọn con. Chỉ cần ý tưởng đó thôi cũng đủ làm cho chúng con hạnh phúc. Và ý tưởng đó phải hướng dẫn mọi hành động, mọi sinh hoạt của chúng con hằng ngày. Ngôi nhà chủng viện, bàn viết ngồi học, giường nằm, bữa cơm… tất cả đều có thể giúp chúng con ý thức chính Chúa đã chọn chúng con. Không cần gì những sách, bài viết vở cao siêu, chỉ cần nhìn những cái trước mắt, chúng con cũng có thể nhận ra ơn Chúa đã thương kêu gọi mình.

Cũng vậy, chẳng cần phải đợi đến lúc bỏ chủng viện ra về chúng con mới thật sự bỏ ơn gọi của Chúa. Mỗi lần không chăm chỉ học hành, không cố gắng rèn luyện nhân đức, không chu toàn bổn phận… chúng con đã không nghe theo tiếng gọi của Chúa rồi.

Lời Chúa: “Và cắt đặt để các con ra đi” cũng phải làm cho chúng ta suy nghĩ. Chúa không nói chọn chúng ta để ngồi chơi, hay để đọc sách hoặc viết lách, nhưng để ra đi. Chúng ta chưa biết sẽ đi đâu, nhưng có một điều chắc chắn là phải ra đi. Có thể chúng ta sẽ phải vác Thánh Giá, chịu nhiều hy sinh và ngay cả tử đạo như thánh Tông Đồ Matthia đã ra đi và làm chứng cho Tin Mừng. Nhưng bổn phận trước mắt cho các môn đệ thời nay là đi đến với chiên lạc, đến với đoàn chiên của mình để chăm sóc và bảo vệ chúng.

Lời kế tiếp của Chúa: “Mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại” cho chúng ta thấy đây không phải là một cuộc ra đi vu vơ, không định hướng, nhưng có mục đích hẳn hoi. Đi làm chứng cho Chúa và đem được nhiều người về với Chúa một cách tín trung. Đó chính là mục đích của người môn đệ được Chúa sai đi.

Bài Phúc Âm hôm nay kêu gọi chúng ta hãy sống kiên trì với ơn kêu gọi, và làm cho ơn gọi của mình có kết quả tốt. Đặc biệt với chúng con, những người được Chúa thương gọi các riêng để tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng, Lời Chúa hôm nay càng thôi thúc chúng con đáp trả lại ơn Chúa một cách tích cực hơn. Không phải đợi đến khi làm linh mục rồi mới đáp trả. Nhưng chúng con phải đáp trả ngay từ bây giờ, trong cuộc sống của chủng viện, để luôn sẵn sàng ra đi với tinh thần hy sinh và phục vụ. Cần phải luôn tự hỏi mình: “Tại sao tôi  được vào đây? Tôi có tài cán gì mà Chúa lại thương yêu tôi như thế này?” Và tìm cách đáp trả lại cho xứng với ơn kêu gọi của Chúa.

Xin Chúa Thánh Thần soi sáng và đốt lửa mến yêu trong lòng chúng con, để chúng con can đảm bước theo con đường của Thánh Matthia hôm nay khi được Chúa chọn làm Tông Đồ thay thế Giu-đa phản bội. Amen.

 
Bài 36: Hiệp nhất
Thứ tư 15-05-1991 - Tuần 7 Phục Sinh

Cv 20, 28-38;  Ga 17, 11-19
 
Trong suốt mấy tuần nay, Thánh Gioan luôn đề cập đến lời căn dặn và cầu nguyện của Chúa Giêsu cho các Tông Đồ. Trước hết, Ngài xin Chúa Cha gìn giữ các ông khỏi sự dữ chứ không xin đem các ông ra khỏi thế gian. Rồi Ngài cũng xin gìn giữ các ông trong sự thật và xin thánh hóa các ông. Và hôm nay, Ngài cầu xin cho các ông được nên một.

Muốn xây một ngôi nhà vững chắc, người ta cần có những vật liệu xây dựng tốt. Và nhà càng lớn càng cần có vật liệu tốt hơn. Phải chuẩn bị loại cát tinh sạch, không dính đất bùn. Sỏi trộn xi măng cũng phải được rửa sạch. Và sắt để đúc bê-tông cần phải cọ mài cho sạch các chất ten sét bên ngoài. Càng sạch thì các vật liệu đó càng dính chặt vào nhau và ngôi nhà được xây lên càng vững. Cũng thế, muốn cho tòa nhà Giáo Hội vững chắc, mỗi người tín hữu cần phải thanh lọc chính mình một cách kỹ càng, khỏi những đố kỵ, ghen tương, kiêu ngạo và các tật xấu khác để có thể hiệp nhất với nhau. Nói cách khác, môi người phải từ bỏ con đường thế gian để mặc lấy tinh thần của Phúc Âm. Các Tông Đồ ngày xưa cũng đã được Chúa Giêsu khuyên bảo điều này như là điều kiện để theo Chúa và đứng vững trước mọi thử thách. Phúc Âm kể lại Gioan đã nổi nóng muôn xin lửa từ trời xuống tiêu diệt dân làng Samaria vì họ đã ném đá xua đuổi Chúa khi đi ngang qua làng họ. Phêrô đã cản ngăn Chúa đi Giêrusalen hoàn tất kế hoạch cứu chuộc vì không muốn Thầy mình bị bắt và giết chết. Chúa đã quở trách các ông: “Không biết con đang mang tinh thần của ai?“ và “Satan, anh lui lại đàng sau Thầy... anh mang tinh thần của loài người“. Nhưng với sự hướng dẫn, soi sáng của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ đã biến đổi. Các ông đã bỏ được tinh thần thế tục để mặc lấy tinh thần của Chúa.

Các nhà chú giải thường xem lời cầu “xin cho chúng nên một“ này là một “chúc thư“ Chúa để lại cho Giáo Hội. Chúa thấy rõ sự tai hại của chia rẽ, nên muốn tất cả những ai tin theo Ngài phải hiệp nhất với nhau. Nhưng muốn hiệp nhất, trước hết mỗi người cần phải bỏ đi tính ích kỷ, kiêu căng của mình, để có thể chấp nhận người khác. Và một khi những người Kitô hữu hiệp nhất với nhau, Giáo Hội như một ngôi nhà được xây kỹ lưỡng, chắc chắn sẽ đứng vững trước mọi thử thách, bắt bớ.

Trong tuần cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, chúng con hãy xin Chúa biến đổi mỗi người chúng con như đã biến đổi các Tông Đồ ngày xưa, để chúng con được mặc lấy tinh thần của Phúc Âm và sống hiệp nhất với nhau.

Một nhà thần học về già hỏi người môn đệ đến thăm vào một buổi sáng của ngày cuối đời mình: “Con đã làm lễ chưa?“ Người môn đệ trả lời: “Thưa Cha, con đã làm rồi“. Ngài bảo : “Con hãy đến gần ta và thở hơi thành hình Thánh Gi trên mặt ta“. Dù không hiểu nhưng người môn đệ vẫn làm. Xong rồi nhà thần học mới bảo: “Chắc con không hiểu chuyện con vừa mới làm. Nhưng bây giờ thì ta yên tâm ra đi, vì con đã hà hơi Chúa Thánh Thần trên ta. Chúa Thánh Thần sẽ yên ủi ta, nâng đỡ và thêm sức mạnh để ta chống lại cám dỗ của xác thịt, chống lại các nết xấu, cùng đốt nóng trong ta ngọn lửa yêu mến Chúa“. Thật ý nghĩa!

Xin Chúa Thánh Thần luôn ngự trị trong tâm hồn mỗi người chúng con, để chúng con có thể trao cho nhau hoa trái của Chúa Thánh Thần là yêu thương và làm cho cuộc sống chủng viện được trở thành một cộng đoàn hiệp nhất như Chúa Giêsu mong muốn và cầu chúc: “Như Cha ở trong con và Con ở trong Cha“. Amen.

 
Bài 37: Vai trò giáo dân  
Bài huấn đức tối 15-05-1991

Trong bài nói chuyện lần trước, Cha đã có dịp nói đến về uy tín của Giáo Hội trong thế giới ngày nay, và đã đưa ra một vài sự kiện cụ thể để chúng con hiểu được tại sao Giáo Hội nhỏ bé, không có sức mạnh quyền lực gì cả mà lại được thế giới kính nể. Hôm nay, Cha khai triển thêm về những nỗ lực đóng góp của Giáo Hội trên bình diện quốc tế, và đặc biệt tại Âu Châu, cũng như những hướng đi của người giáo dân tại đây.

Như Cha đã trình bày, Vatican là một nước nhỏ bé nằm trong Roma của Ý. Diện tích chỉ khoảng  40 hét-ta đất, không đủ chỗ cho nhân viên làm việc. Vì thế, Đức Giáo Hoàng, người đứng đầu nước Vatican, là một nguyên thủ quốc gia rất đặc biệt, không giống như một quốc gia nào khác, vì Ngài không có quân đội và không có chính sách thuế má. Nghĩa là Ngài không có những sức mạnh như một quốc gia đòi hỏi. Sức mạnh quân sự cũng không và kinh tế cũng không. Về “quân sự“, Đức Giáo Hoàng chỉ có Đoàn Vệ Binh Thụy Sĩ, gồm 110 người, để đứng canh gác ở những cổng ra vào Vatican, và làm dàn chào trong các buổi lễ quan trọng. Tất cả đều có tính cách tượng trưng, vì Vệ Binh Thụy Sĩ không mang súng.
 
Về tài chánh, nước Vatican chỉ thu được số tiền ít ỏi nhờ bán vé vào các bảo tàng viện và các nơi tham quan, không đủ để trả tiền lương cho nhân viên ở đó nữa. Ngân sách Tòa Thánh hàng năm phải dựa vào sự đóng góp của các Giáo Hội khắp nơi trên thế giới, và thỉnh thoảng ngân sách này bị thiếu hụt vì nhu cầu hoạt động ngày càng nhiều trong khi đóng góp lại không cân xứng. Vì thế, Tòa Thánh rất giới hạn số nhân viên làm việc trong Giáo Triều.

Như vậy, chúng ta hiểu được sự kính nể của thế giới dành cho Giáo Hội không phải vì sức mạnh quân sự hay kinh tế, nhưng hoàn toàn vì uy tín của Giáo Hội và của Đức Giáo Hoàng. Và điều này, không phải tự nhiên mà có được. Phải mất một thời gian dài để mọi người nhận ra sự dấn thân vô vị lợi của Giáo Hội trong việc bênh vực con người, và tiếng nói chân thật của Giáo Hội trước những vấn đề của thời đại. Con số đông đảo của nhiều quốc gia thiết lập bang giao của Tòa Thánh nói lên được uy tín của Giáo Hội trong cộng đồng thế giới.

Ngoài những chuyến công du đến nhiều quốc gia, Đức Giáo Hoàng còn được nhiều tổ chức quốc tế mời đến viếng thăm và phát biểu như tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (ONU), Tổ Chức Văn Hóa và Giáo Dục Quốc Tế  (UNESCO) và trụ sở của Thượng Viện Âu Châu. Về phía Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng cũng đặt thêm nhiều cơ quan chuyên môn đặc trách những vấn đề chung của thế giới, để trực tiếp theo dõi và góp ý lên tiếng. Chẳng hạn như Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách về Công Lý và Hòa Bình, về Văn Hóa, về Gia Đình, về Di Dân và Tỵ Nạn, về Cứu Trợ... Nói cách khác, tất cả những vấn đề đụng chạm đến con người ngày nay đều được Giáo Hội quan tâm và cổ võ bênh vực.

Đặc biệt tại Âu Châu, Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần lên tiếng để mọi quốc gia ở Đại Lục này ý thức và gìn giữ gia sản văn hóa đã làm nên căn tính của họ. Đó là nền văn hóa Kitô Giáo. Và chính nền văn hóa đó sẽ làm cho Âu Châu hiệp nhất với nhau. Ngài đã nói một câu bất hủ: “Âu Châu có hai là phổi, một ở Đông và một ở Tây. Phải thở bằng cả hai lá phổi thì Âu Châu mới sống mạnh được. Nếu chỉ thở bằng một lá phổi, Âu Châu sẽ trở thành bệnh hoạn“. Những lời kêu gọi này của Ngài đã làm cho người Âu Châu biết quý trọng hơn nên văn hóa của mình. Một nền văn hóa mà nhiều nước tân tiến ở Á Châu như Nhật Bản và Nam Triều Tiên đều cảm thấy thật gần gũi vì cũng đề cao tôn giáo và quý trọng con người.

Một điểm nổi bật khác làm Giáo Hội có thêm uy tín là sự dấn thân của người giáo dân trong nhiều lãnh vực xã hội để phục vụ con người. Trong khi ơn gọi linh mục, giáo sĩ ngày càng hiếm, thì nhiều phong trào giáo dân, tu hội đời lại được lập nên và đã gây ảnh hưởng sâu đậm ngay cả trên bình diện quốc tế. Ngoài việc đứng ra đảm trách việc điều hành giáo xứ và việc phụng vụ trong giới hạn được phép, như trao Mình Thánh Chúa cho người già, người bệnh hoặc điều hành phần Phụng Vụ Lời Chúa ở những nơi không có linh mục... giáo dân ngày nay còn hăng say dấn thân vào những công tác văn hóa, xã hội, từ thiện... để phục vụ những người yếu kém và giúp lành mạnh hóa xã hội nữa. Những phong trào giáo dân này do chính người giáo dân lập ra và tự điều hành. Giáo Hội không phải tốn công, tốn sức huấn luyện gì cả.

Chúng con đã có dịp gặp một số những người giáo dân trưởng thành này trong dịp họ đến thăm chủng viện mình. Đa số họ là những người trí thức và thuộc thành phần trẻ. Trong số đó có ông Riccardi làm giáo sư dạy học ở Đại Học Paris và Roma. Cách đây 23 năm, ông Ricardi đã lập ra một phong trào giáo dân lấy tên là Hội San Egidio. Hội này bao gồm cả người độc thân lẫn người có gia đình và có chúng lý tưởng là làm việc tông đồ. Cha đã có dịp đi tham dự một vài sinh hoạt của hội này và biết được một số công tác tông đồ của họ. Mỗi ngày sau khi làm việc xong, mỗi thành viên của hội lại đi làm việc tông đồ đã được phân công cho mình. Người thì lo chăm sóc những người lớn tuổi, an ủi, viết thư hay đơn từ cho họ; người thì đi dạy học miễn phí cho những người di dân mới đến Ý... Họ nhiệt tình giúp đỡ mọi người, không phân biệt tôn giáo, màu da. Sau công tác tông đồ, tất cả tập trung về nhà thờ dành riêng cho họ để cầu nguyện và hát Kinh Chiều chung với nhau, trước khi về lại gia đình riêng của mình. Có một lần Cha đưa các Đức Cha Việt Nam đến dự một buổi Kinh Chiều của họ. Các Ngài ngạc nhiên quá sức vì thấy họ sống đạo đức giữa một xã hội vật chất như vậy. Hội San Egidio có hai nhà thờ riêng, một dành cho những người khá lớn tuổi, và một dành cho thanh niên nam nữ. Có hôm, Cha đến chia sẻ với họ và gặp một cặp vợ chồng cùng tham gia nhóm này. Cha hỏi: Các bạn đi cả thì ai ở nhà chăm sóc con cái. Họ trả lời: Bố Mẹ con, vì Bố Mẹ thấy chúng con làm việc ấy tốt nên vui vẻ giúp đỡ. Chúng con thu xếp một tuần ở nhà hai tối với gia đình và 5 tối đi giúp. Có những giáo sư phụ trách 50, 60 sinh viên, chiều nào cũng đến với họ và cùng với họ đi cầu nguyện. Thật đáng phục! Họ sống đạo một cách trưởng thành. Và cuộc sống chứng nhân của họ lôi cuốn được rất nhiều người theo Chúa.

Giáo hội cũng nhờ những nhóm đó mà làm nên những việc tông đồ lớn. Chẳng hạn hội này có một nhóm phụ trách nấu cơm cho người nghèo. Thử tưởng tượng mỗi ngày, họ nấu cho 1050 người nghèo ăn, để thấy công việc nặng nế và tốn kém như thế nào. Vậy mà họ làm được. Người có khả năng thì viết báo để lấy tiền. Người khác đi xin những thức ăn không dùng nữa của các tiệm thực phẩm... và cũng không thiếu những ân nhân ủng hộ tiền bạc. Đến bữa ăn, họ phục vụ bàn ăn một cách chu đáo, đầy kính trọng và yêu thương. Ngay cả nhhững giáo sư trong nhóm cũng đến phục vụ bàn ăn như mọi người khác. Tất cả phục vụ một cách nhưng không, và nhiều khi còn bỏ tiền túi ra nữa. Tinh thần cầu nguyện và hoạt động tông đồ này làm nảy sinh nhiều ơn gọi trong nhóm của họ. Lúc đầu, nhiều người cũng phản đối vì chủng viện họ lập ra cho những ơn gọi này không được những dòng chuyên lo chủng viện đảm trách. Nhưng dần dần, Giáo Hội thấy được những linh mục được họ huấn luyện ra có phẩm chất cao nên cũng chấp nhận luôn. Nhiều linh mục giáo phận cũng xin tham gia vào hội này để được nâng đỡ và sống đời linh mục tốt hơn. Ở gần Roma, họ có một chủng viện với 150 chủng sinh. Tất cả đều được người giáo dân đảm trách. Huấn luyện linh mục mà lại do người giáo dân. Chuyện lạ lùng!

Ở Việt Nam, không biết đến bao giờ mình mới có thể chấp nhận chuyện đó. Ngay cả việc mời các nữ tu dạy cho các thầy trong chủng viện cũng đã khó rồi, huống hồ là giáo dân. Ngày trước, trong thời kỳ chiến tranh, Cha gặp một việc sau đây làm Cha suy nghĩ. Đức Hồng Y ở New York đến Việt Nam thăm và báo cho vị Trung Tướng phụ trách quân đội Mỹ ở Miền Trung biết là Ngài muốn đi thăm và dâng lễ ở các trại lính. Lập tức vị Trung Tướng này xin đi theo và làm chú giúp lễ cho Đức Hồng Y một cách thành thạo. Ai cũng ngạc nhiên. Và các tướng Việt Nam thấy ông tướng Mỹ giúp lễ thì lại càng quá lạ, vì tướng này là cấp cao nhất trong vùng. Cha nhớ có một lần vị tướng này đang ngồi tiếp các tướng người Việt. Ông ta tiếp từng người một. Ai chưa đến phiên thì ngồi chờ ở ngoài... Khi nghe tin có Giám Mục Việt Nam đến thăm, ông bảo thuộc cấp mời Cha vào ngay... Và khi Cha ra về đến cửa, trước mặt các tướng ngồi đợi, ông quì xuống xin với Cha: “Tôi là người Công Giáo, xin Đức Cha ban phép lành cho tôi“. Một đức tin trưởng thành đáng khâm phục thật.

Cha dừng lại ở dây. Lần sau Cha sẽ nói tiếp về những đóng góp tích cực khác của người giáo dân trong thời đại ngày nay.

 
Bài 38: Giống như Chúa 
Thứ năm 16-05-1991 - Tuần 7 Phục Sinh

Cv 22, 30; 23, 6-11;  Ga 17, 20-26 
        
Chúa Giêsu đã nhiều lần dạy dỗ các Tông Đồ phải biết sống yêu thương, đoàn kết, và phải từ bỏ tất cả những gì ngăn cản đời sống huynh đệ. Hôm nay, Chúa lại cầu nguyện tiếp cho các ông với một lời cầu mà các nhà thần học xem là lời cầu nguyện táo bạo và độc đáo, vì Ngài “Xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha“. Như thế thì chẳng khác gì Chúa Giêsu xin Chúa Cha cho chúng ta nên bằng Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa.

Không có vị sáng lập tôn giáo nào lại có được một lời cầu xin cao siêu như thế. Nhưng Chúa Giêsu còn tiếp: “Để cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con và Con sai chúng“. Đây vừa là lời cầu vừa là lời thức tỉnh chúng ta. Đời sống chúng ta phải là một đời sống chứng nhân cho Chúa. Nghĩa là cuộc sống của chúng ta phải làm sao cho người khác thấy được chúng ta đã được Chúa Giêsu sai đến, và chính Chúa Giêsu là người được Thiên Chúa Cha sai đi. Dù chúng ta có tài hùng biện, giảng những bài rất hay về Chúa Kitô, xây những ngôi thánh đường nguy nga lộng lẫy, viết những sách rất thâm thúy... nhưng tất cả những điều này sẽ vô ích nếu chúng ta không thật sự là chứng nhân của Chúa Kitô. Chúa đã không cầu xin: Xin Cha cho chúng nó khỏe mạnh, cho chúng nó giảng đạo thành công và diễn thuyết hùng hồn, như lời cầu chúng ta thường xin. Nhưng Chúa đã xin: Cho chúng nên một.... để thế gian tin rằng Cha đã sai Con...

Trở nên một, sống yêu thương, bác ái, từ bỏ những đam mê trần tục để sẵn sàng làm chứng nhân cho Chúa, đó là điều Chúa cầu xin cho mỗi người chúng ta. Chính cuộc sống hiệp nhất là bằng chứng chúng ta được Chúa sai đi như Chúa Cha đã sai Chúa Giêsu.

Cha đã nói với chúng con về ông Gandhi, một nhà chính trị nổi tiếng của Ấn Độ mà mọi người trên thế giới đều biết. Ông đã nói một câu bất hủ đáng cho chúng ta suy nghĩ: “Tôi yêu mến Chúa Kitô, nhưng tôi không yêu người Kitô hữu“. “Tại sao ông Gandhi yêu Chúa mà lại không yêu những người thuộc về Chúa?“ Ông trả lời: “Tôi không yêu người Kitô Hữu vì họ không giống Chúa Kitô“. Thật là một câu triết lý. Chúng ta, những Giám Mục, linh mục, giáo dân, liệu có giống Chúa Kitô hay không ? Và đặt giả thuyết nếu bây giờ một người giáo dân hay lương dân nói rằng: Tôi yêu mến Đức Giêsu nhưng tôi không yêu Cha này vì Cha ấy không giống Đức Kitô. Chúng ta sẽ nghĩ sao về câu nói đó?

Một người nóng tính, làm gì cũng nóng tính. Người dại dột, làm gì cũng dại dột. Người can đảm, làm gì cũng can đảm... Và Chúa Giêsu, vì Ngài là Thiên Chúa nên chỉ làm những gì thuộc về Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu, nên cả cuộc sống của Chúa Giêsu đều là yêu thương. Vì thế, là môn đệ của Chúa Giêsu, và muốn được xứng với tên gọi ấy, chúng ta cũng phải biết sống yêu thương người khác như Ngài, yêu một cách trọn vẹn, vô điều kiện.

Khi suy ngắm về bài Phúc Âm hôm nay, một nhà chú giải Thánh Kinh đã mời gọi mọi người hãy chú ý đến chữ “như“. Chữ “như“ xem có vẻ bình thường. Nhưng nếu suy nghĩ thật kỹ, chúng ta sẽ khám phá ra ý nghĩa thật thâm sâu của nó. “Nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha“. “Yêu như Thầy đã yêu thương các con“. Chữ như ở đây đòi hỏi chúng ta phải giống Chúa.
Ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống sắp đến, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta được biết sống chữ “như“ của bài Phúc Âm hôm nay, để những ai yêu mến Chúa Giêsu, họ sẽ không phải thất vọng nói lại lời của Gandhi, nhưng cũng hết lòng yêu mến chúng ta vì chúng ta thật sự đang sống giống như Chúa Giêsu. Amen.

 
Bài 39: Yêu mến Thầy
Thứ sáu 17-05-1991 - Tuần 7 Phục Sinh

Cv 25, 13-21;  Ga 21, 15-19
 
Trong cuộc sống thường ngày, người giáo dân hay tu sĩ gọi linh mục, Giám Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng là Đấng chăn chiên, là mục tử. Còn giáo dân được gọi là con chiên. Bởi đâu và tại sao lại có cách xưng hô như thế?

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã nhiều lần hiện đến dạy dỗ các Tông Đồ để an ủi và cầu nguyện cho họ. Một ngày kia, bên bờ hồ Galilê, Ngài đã hiện đến với các ông và hỏi các ông có gì ăn không ? Các môn đệ lấy cá cho Ngài, cá mà Ngài đã làm phép lạ cho các ông bắt được một mẻ thật lớn, 153 con, khiến cho lưới gần rách. Thế rồi, trước mặt đông đủ các môn đệ, Ngài đã hỏi Phêrô về tình thương dành cho Ngài như bài tường thuật Phúc Âm mà chúng ta vừa nghe.

Nhiều vị Thánh gọi đoạn Phúc Âm này là cuộc đối thoại tình yêu. Chúa hỏi Phêrô: “Con có yêu mến Thầy không?“ Chúa lập lại câu hỏi đến ba lần làm Phêrô xúc động khó nói: “Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy“. Ba lần hỏi của Chúa làm Phêrô nhớ lại ba lần mình đã chối Thấy. Ông hổ thẹn, lo âu, rồi tin tưởng và cuối cùng cương quyết. Tình cảm của ông dành cho Thầy được nâng lên dần dần, từ lo âu đến chỗ tin tưởng cương quyết. Thật vậy, những lời tha thiết của Chúa đã làm Phêrô xúc động. Chắc ông không ngờ sau khi mình phản bội chối Thầy, mà vẫn còn được Ngài yêu thương, quan tâm đến như thế. Ông lúng túng trả lời, nhưng là những lời rất thật tận đáy lòng vì tự thâm tâm, ông luôn yêu mến Thầy mình: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy“. Tất nhiên Chúa biết rõ tình thương và lòng nhiệt thành của Phêrô. Vì thế, Chúa vẫn giữ Phêrô làm đầu nhóm Tông Đồ và tin tưởng Phêrô có thể hướng dẫn được Giáo Hội của Ngài trong những bước đường đầu tiên đầy chông gai. Ngài chỉ muốn nhắc Phêrô phải yêu Ngài hơn tất cả mọi người: “Phêrô, con có yêu Thầy hơn những người này không?“. Và khi Phêrô xác quyết tình yêu tuyệt đối dành cho Thầy, Ngài giao tất cả trách nhiệm cho ông: “Hãy chăn dắt chiên con. Hãy chăn dắt chiên mẹ của Thầy“. Nghĩa là chăm sóc toàn thể Giáo Hội. Và Phêrô đã suốt đời thi hành lời ủy thác này của Thầy mình một cách trung tín cho đến chết.

Lời Chúa nói với Phêrô trong bài Phúc Âm hôm nay cũng được nói với tất cả mọi người tin theo Ngài: “Con có yêu mến Thầy không?“ Và lời này đặc biệt được nói với chúng ta, những người được Chúa chọn cách riêng để làm mục tử chăn dắt đoàn chiên Chúa. Muốn trở thành môt mục tử nhân lành, mỗi người chúng ta trước hết phải là những người yêu mến Chúa thiết tha, và dành trọn yêu thương cho Ngài. Và điều này, chúng con phải tập luyện ngay từ trên ghế nhà trường. Vì chức linh mục không tự động làm cho chúng ta thành những mục tử tốt. Bắt đầu từ bây giờ, phải tập sống yêu thương và hy sinh mỗi ngày. Bằng không, khi làm linh mục rồi, chúng con càng muốn sống dễ dãi, chỉ muốn “chăm sóc“ những con chiên béo tốt, tức những người giàu sang, có địa vị, quyền thế, và bỏ quên hay lơ là những con chiên “ốm đau“, tức những người nghèo đói, thấp kém, hoặc nguội lạnh, tội lỗi.

Chúa Giêsu là tấm gương của người mục tử nhân lành. Người mục tử dám thí mạng mình vì đàn chiên. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết sống yêu thương và hy sinh để có thể trở thành người mục tử nhân lành cho những người Chúa sẽ giao phó cho chúng ta. Amen.

 
Bài 40: Tông đồ giáo dân
Bài huấn đức tối 17- 05-1991
 
Trong những bài nói chuyện trước đây, Cha đã đề cập đến tình hình Giáo Hội hiện nay với uy tín ngày càng cao và được thế giới kính nể nhờ sự dấn thân hoạt động bênh vực quyền lợi của con người và tiếng nói ngay thật của Đức Giáo Hoàng trước mọi vấn đề đụng chạm đến con người. Và với uy tín này, Giáo Hội đã âm thầm hoạt động với nhiều vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới để giải quyết những xung đột cũng như tìm cách mang lại công lý và hòa bình cho nhiều dân tộc. Những hoạt động này luôn được giữ kín trong thư viện mật của Tòa Thánh và chỉ được công khai hóa sau 50 năm. Chúng ta cũng đã bàn đến cuộc khủng hoảng ơn gọi trong Giáo Hội và sự dấn thân của người giáo dân trưởng thành ngày nay. Hôm nay, Cha nói tiếp về các phong trào giáo dân này.

Người giáo dân ngày nay không chỉ dấn thân vào các lãnh vực xã hội, văn hóa, chính trị hoặc tiếp tay với hàng linh mục trong việc điều hành giáo xứ, nhưng còn tham gia tích cực vào việc truyền giáo. Ngoài những sứ mạng truyền giáo “chính thức“ được Giáo Hội sai đi, người giáo dân còn đi truyền giáo “chui“ nữa. Sau khi các nước ở Đông Âu được tự do, báo chí mới dám đăng những hoạt động tông đồ của các đòan thể Công Giáo tại các nước đó. Nhiều gia đình ở Tây Âu đã sang các nước này để công tác và hoạt động tông đồ cách bí mật. Họ đem cả gia đình đi theo, hy sinh mọi tiện nghi của cuộc sống, làm việc mệt nhọc, lương ít, tự do giới hạn, để truyền rao Tin Mừng. Cha đã kể cho chúng con nghe chuyện hai ông bà người Ý qua Nga để truyền giáo. Năm vừa rồi, hai ông bà có ý định trở về quê hương. Ông bà bàn với con cái: “Bây giờ ở Mascơva lương bổng ít, và Bố Mẹ cũng đã ở đây phục vụ được mấy chục năm rồi. Có lẽ mình nên về lại Ý để các con có thể kiếm việc được dễ dàng hơn“. Và những người con trả lời: “Chúng con biết ở Ý thì tự do hơn, sung sướng hơn, còn ở đây thì lương ít và cuộc sống khó khăn. Nhưng Bố Mẹ đã bỏ tất cả những tiện nghi đó để sang đây truyền giáo và đã giúp biết bao nhiêu người trở về với Chúa. Chính Bố Mẹ đã tập cho chúng con sống như vậy. Nếu bây giờ chúng con bỏ đi, thì nhóm trẻ sống Phúc Âm với chúng con sẽ điêu đứng, vì không có ai làm đầu nữa. Bố Mẹ nghĩ sao?“ Sau mấy ngày suy nghĩ, hai ông bà quyết định ở định ở lại cho đến khi các con chuẩn bị được người thay thế để phụ trách nhóm cầu nguyện trẻ. Tinh thần truyền giáo của gia đình này thật đáng phục.

Thật ra, trên thế giới có rất nhiều những nhóm giáo dân hoạt động tích cực như thế. Họ là bác sĩ, khoa học gia, giáo sư, chuyên viên kỹ thuật... Họ tự nguyện đến các nước Đông Âu, hoặc những nơi mà tự do tôn giáo bị giới hạn, ngăn cấm, để làm việc như một người bình thường, nhưng mục đích chính là đem Chúa đến cho những người ở đó. Vai trò của người giáo dân thật quan trọng trong xã hội ngày nay. Chính vì thế mà Đức Thánh Cha đã ra một Thông Điệp riêng về giáo dân, để cổ võ và khuyến khích họ hăng say làm việc tông đồ. Thật vậy, người giáo dân ngày nay có thể dấn thân vào những môi trường nghề nghiệp hoặc những nơi mà linh mục không thể hiện diện. Với khả năng nghề nghiệp và vốn liếng giáo lý, thần học đầy đủ, cùng với cuộc sống chứng nhân, họ có thể đem Tin Mừng của Chúa cho những người chung quanh. Nhiều giáo dân, nữ tu, phụ nữ ở ngoại quốc cũng có bằng tiến sĩ thần học, giáo lý, giáo luật... Và nhiều sách vở do họ viết ra rất có giá trị và được nhiều người tìm đọc. Nói chung, trình độ người giáo dân ngày nay đã trưởng thành hơn nhiều. Vì thế, Giáo Hội khuyến khích họ tham gia vào công việc truyền giáo và các hoạt động xã hội khác, để qua họ việc tông đồ ngày càng được phát triển.

Hôm Đức Hồng Y Etchegaray sửa soạn sang Việt Nam để dự lễ an táng Đức Cố Hồng Y, lại trùng vào ngày phong thánh cho một thanh niên người Ý ở thế kỷ này. Anh qua đời khi vừa được 30 tuổi. Bố anh ta là một vị Đại Sứ của Ý. Gia đình có đạo, nhưng sống trưởng giả theo thói đời nên không muốn cho anh tham gia các sinh hoạt xã hội giúp người nghèo và hoạt động trong các hội đoàn Công Giáo. Cha mẹ anh hứa sẽ để lại gia tài cho anh với điều kiện anh phải đi theo lối sống của gia đình. Nhưng anh không vẫn tiếp tục những sinh hoạt của mình, không màng tới lời hứa được gia tài. Cuối cùng, anh chết đi để lại thương tiếc cho biết bao nhiều người. Hôm lễ an táng, khi quan tài anh được đưa ra khỏi nhà thờ, tất cả giáo dân đông đúc không ai bảo ai, tự động quì gối xuống hết. Họ nghĩ anh là một vị thánh vì anh đã yêu thương và tranh đấu cho người nghèo, dù bị cha mẹ rầy rà, và sẵn sàng từ bỏ quyền lợi vật chất của mình. Anh ta tên là Pier Giorgio Frassati.

Người thứ hai là ông Giorgio La Pira, trong những năm chiến tranh ông đã đến thăm Hà Nội. Ông ủng hộ hòa bình. Là một nhà triết học và luật sư, ông được bầu làm thị trưởng thành phố Firenze (Ý), được mệnh danh là thành phố đỏ, vì là trung tâm của Đảng Cộng Sản Ý. Ông đã vận động cho một Châu Âu thống nhất, để có thể đứng vững trước những trào lưu và cạnh tranh từ mọi phía. Và ước muốn đó nay đã thành sự thật. Cha nhớ có một lần vào năm 1958, tại nhà trụ sở công giáo tiến hành nữ ở Ý, ông La Pira đã thuyết giảng cho một cử tọa chọn lọc trong đó có nhiều vị Hồng Y, Giám Mục tham dự. Ông nói về đời sống chiêm niệm và được tất cả mọi người khen ngợi. Ông đã qua đời và hiện giờ hồ sơ đang được cứu xét để phong thánh. Giáo dân giảng cho cả Đức Hồng Y. Chuyện lạ chưa từng thấy ở Việt Nam.

Thời nay giáo dân rất trưởng thành. Và đời sống của họ thật gương mẫu theo tinh thần của Tin Mừng. Nhiều giáo dân đã được phong thánh để làm gương cho mọi người, trong khi suốt 300 năm nay mới có một vị Giáo Hoàng được phong thánh, Đức Giáo Hoàng Piô X. Điều này không có nghĩa là các Đức Giáo Hoàng không sống đạo đức, nhưng vì khi nghiên cứu phong thánh cho một vị Giáo Hoàng, người ta phải điều tra tất cả các tài liệu Ngài đã viết để xem có điều gì sai lạc không... Vì thế, vị nào càng viết nhiều càng “chết“. Bao nhiêu Giáo Hoàng ưu tú như Piô XI, XII, Gioan XXIII... mà hồ sơ vẫn còn kẹt.

Giáo dân làm ích cho Giáo Hội rất nhiều. Khi Đức Giáo Hoàng bị ám sát, Ngài được đưa vào bệnh viện Gemelli để giải phẫu. Ông giám đốc bệnh viện này là Tổng Thư Ký của Tu Hội Thánh Tâm Chúa. Cha có dịp gặp ông và hỏi: “Ông làm sao mà có thể sống độc thân và khó nghèo ở ngoài đời được?” Ông trả lời: “Tôi sống được thế là nhờ cầu nguyện. Về khó nghèo, tôi luôn ý thức chỉ tiêu xài cái gì đáng phải tiêu xài, và luôn bàn hỏi với tu hội mỗi khi xử dụng tiền bạc. Về cầu nguyện, mỗi sáng tôi cầu nguyện một giờ, và chiều một giờ”.

Cuộc sống của người giáo dân trưởng thành như vậy đấy. Hôm đang ngồi ăn với ông giám đốc bệnh viện, thấy ông ta đứng dậy chào một người lớn tuổi hơn, Cha cũng lịch sự đứng dậy chào. Sau đó, hỏi ra mới biết ông lớn tuổi kia là Bề Trên Cả của tu hội, cũng là một người giáo dân. Ông ta là giáo sư tiến sĩ, Viện Trưởng Đại Học Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Ý.

Cha kể một vài câu chuyện cụ thể như vậy để chúng con thấy được vai trò và đóng góp tích cực của người giáo dân ngày nay cho Giáo Hội. Và điều này cũng thôi thúc chúng con biết cố gắng hơn trong việc trau dồi sự học hành của mình. Phải học suốt đời, chứ không phải xong các chương trình ở chủng viện là nghỉ hè luôn. Và như vậy chúng con mới có thể thích ứng với thời đại, mới đủ uy tín để hướng dẫn giáo dân ngày nay, và đồng thời có thể động viên được những người giáo dân trưởng thành tham gia vào các hoạt động đạo cũng như đời để giúp Giáo Hội chu toàn sứ mạng truyền giáo mà Chúa đã giao phó.


 
Bài 41: Lễ Giỗ Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn
Thứ bảy 18-05-1991 (Lễ cho Chủng viện)
 
Cách đây đúng một năm, tất cả chúng con và giáo hữu Việt Nam thương tiếc đưa tiễn Đức Hồng Y khả kính của chúng ta đến nơi an nghỉ cuối cùng. Chúng con được vinh dự là những chủng sinh cuối cùng của Ngài, được gần gũi, nghe lời dạy bảo của Ngài, và thấy được nhiều đức tính tốt nơi Ngài. Chắc chúng con sẽ được nghe Đức Giám Quản (Phaolô Phạm Đình Tụng) nói về Đức Hồng Y, bây giờ Cha chỉ nhắc lại một vài đức tính của Ngài để chúng con noi theo.

Đức Hồng Y là môt mục tử nhân lành, vì Ngài rất yêu thương kẻ nghèo khó. Ngài yêu thương một cách kín đáo. Ai đến xin giúp đỡ, Ngài đều không từ chối. Ai bị mắc ngăn trở gì, Ngài cố gắng tìm cách tháo gỡ. Ai buồn phiền thất vọng, Ngài an ủi và khuyên bảo. Ai đau khổ, Ngài như cùng đau khổ với họ.

Thứ hai là Ngài yêu mến Lời Chúa. Ngài tìm mọi cách để có đủ sách hát, sách dâng hoa, sách kinh cho giáo dân. Chính Ngài cũng đặt thêm nhiều kinh để giáo dân dễ cầu nguyện, và nhất là Ngài cố công hợp tác với một vài người dịch cuốn Kinh Thánh rồi phổ biến rộng rãi để mọi người có thể đọc và tìm hiểu cũng như sống Lời Chúa.

Thứ ba là Ngài có lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt. Ngài luôn cổ võ giáo dân yêu mến và phó thác trong tay Mẹ.

Có một lần Cha hỏi các linh mục ở Địa Phận Hà Nội: “Đố các cha biết được trong phòng Đức Hồng Y có bao nhiêu ảnh tượng Đức Mẹ?“ Các cha trả lời: “Chỉ biết là nhiều chứ không biết bao nhiêu“. Cha mới nói: “Trong phòng Đức Hồng Y, tôi đếm được tất cả 13 tượng Đức Mẹ, vừa bằng đất, vừa bằng giấy“. Điều này chứng tỏ Đức Hồng Y rất có lòng kính mến Đức Mẹ đặc biệt. Giáo dân dâng cho Ngài ảnh Đức Mẹ, Ngài đều vui lòng nhận và để giáo dân khỏi buồn, Ngài treo tất cả ở trong phòng. Hình như đối với Ngài, Đức Mẹ bao nhiêu cũng không đủ. Những lúc gặp khó khăn, Ngài đều đến kêu cầu và phó thác mọi sự trong tay Đức Mẹ. Các người đến thăm Ngài, trước khi ra về, đều được Ngài mời cùng đọc chung một Kinh Kính Mừng. Còn các cô hội hát trước khi về được Ngài mời quỳ xuống đọc một Kinh Kính Mừng dâng cho Mẹ. Và những ngày lễ Đức Mẹ, Ngài có thói quen đến cầu nguyện với Đức Mẹ tại hang đá.

Cha nhắc lại một vài điểm như vậy để cho chúng con thấy Đức Hồng Y thật là một mục tử nhân lành với con chiên của mình. Và trong những thời kỳ khó khăn, Ngài đã làm hết khả năng và hy sinh hết mình để phục vụ Chúa. Một lát nữa, khi đứng bên mộ của Ngài, chúng con hãy hứa thực hiện lời dạy của Ngài trong đời sống hằng ngày để tỏ lòng biết ơn những công lao và yêu thương Ngài đã dành cho chúng con. Amen.

 
Bài 42: Giỗ Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn
Thánh lễ trưa cùng ngày.
 
Đức Giám Quản đồng tế với Đức Phó Tổng, 7 Đức Cha và 53 linh mục trong các giáo phận.
 
Kính thưa quý Đức Cha, quý cha, quý nam nữ tu sĩ và toàn thể tín hữu.

Đúng ngày này năm trước, chúng ta về đây để đưa tiễn Đức Hồng Y kính mến đến nơi an nghỉ cuối cùng. Ngày ấy, theo tiếng Chúa gọi, Đức Hồng Y đã ra đi một cách đột ngột, làm cho mọi người chúng ta không khỏi ngậm ngùi đau xót. Nỗi đau đớn ấy chỉ có Thiên Chúa mới có thể xoa dịu được. Đức Hồng Y mất đi, Giáo Triều Roma thiếu mất một cộng sự viên; Giáo Tỉnh nói chung, và Giáo Phận Hà Nội nói riêng, mất người lãnh đạo hiền lành và mẫu mực. Đứng trước sự ra đi của Đức Hồng Y, chúng ta nghĩ gì ?

Tất cả mọi hành động, sáng kiến của con người đều chung một mục đích là để duy trì và bảo vệ sự sống. Tăng gia sản xuất là để phục vụ cho sự sống con người. Uống thuốc, chích thuốc là để kéo dài tuổi thọ, kéo dài thời gian của cuộc sống. Nhưng mặc dầu khoa học đã đi được những bước dài, y học đã thành công nhiều mặt, nhưng không ai có thể sống trường sinh. Sự chết vẫn tồn tại như một luật định. Đứng trước việc người thân yêu ra đi, người ta khóc than để nói lên nỗi tiếc thương của mình, nhưng sự thương khóc đó cũng cho thấy sự bất lực của mình trước cái chết. Nhưng chết không phải là hết. Công Đồng Vatican trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng có viết: “Đứng trước cái chết, con người tỏ rõ sự bất lực của thân phận làm người, nhưng con người cũng tin vào một cuộc sống vĩnh cửu mai sau”.

Giáo Hội chấp nhận cái chết là một thực tại không thể chối cãi, nhưng đồng thời Giáo Hội cũng mở ra hy vọng về sự sống lại mai sau. Chúng ta tin rằng chết chỉ là một giấc ngủ ngàn năm. Giấc ngủ dù chỉ mấy tiếng hay dài ngàn năm cũng chỉ là một giấc ngủ. Và chúng ta tất cả sẽ được sống lại để chịu xét xử theo công tội ở trần thế một cách công minh.

Chúng ta tin tưởng rằng, các việc bác ái chúng ta thi hành, việc giữ đạo, đọc kinh, dâng lễ mà chúng ta lập được, các hy sinh chúng ta cam chịu vì danh Đức Kitô sẽ không mai một, và không bị quên lãng. Đúng vậy, ngày sống lại chúng ta sẽ thấy rõ về mình, và sẽ thấy những công khó của chúng ta ta không uổng công vô ích. Vì thế, cuộc sống ở trần gian chính là thời gian chúng ta gieo trồng để mai sau chúng ta gặt hái, thu hoạch. Thánh Phaolô nói: “Ai gieo nhiều thì gặt nhiều. Ai gieo ít thì gặt ít“. Chúa phán: “Ai tin Ta sẽ không bao giờ chết và kẻ nào chết mà tin Ta sẽ sống lại và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày tận thế“. Đó là lý do nền tảng để chúng ta tin tưởng vào Chúa, và sống điều Chúa dạy, vì một khi đã sống yêu thương, chu toàn bổn phận của mình, chúng ta hy vọng chắc chắn sẽ được Chúa cho sống lại ngày tận thế và chung hưởng vinh phúc với Ngài cùng với tất cả những tôi trung của Chúa. Lúc đó, chúng ta sẽ hân hoan nhìn thẳng vào sự chết và nói một cách hùng hồn: “Hỡi sự chết, chiến thắng của ngươi ở đâu ? Hỡi tử thần, nọc độc của ngươi ở đâu?”

Trong một nghĩa địa, người ta đọc thấy dòng chữ sau đây: “Tôi nằm xuống cùng với mặt trời lặn”. Một câu nói thật thâm thúy, vì không ai lại ngồi khóc mặt trời lặn vào lúc hoàng hôn. Mặt trời phải lặn đi để một ngày mới được bắt đầu. Cũng thế, đức tin không cho phép chúng ta quá đau khổ thất vọng trước cái chết. Mỗi người chúng ta với thân xác của mình sẽ có ngày nằm xuống, sẽ vùi trong lòng đất, nhưng nếu chúng ta tin vào Chúa và sống trọn vẹn niềm tin này, chúng ta chắc chắn sẽ sống lại vinh quang.

Như thế, trong khi con người lo âu và thất vọng trước sự chết, Giáo Hội đã mở cho con cái mình một lối thoát nhờ niềm tin tưởng và hy vọng vào sự phục sinh vinh hiển của Đức Kitô.

Hôm nay, tôi hết lòng tạ ơn quý Đức Cha, quý cha, quý nam nữ tu sĩ và anh chị em giáo dân trong ba miền đất nước, đã không quản đường xá xa xôi, vất vả khó nhọc, và công việc bề bộn, để về đây dâng lễ cầu cho Đức Cố Hồng Y của chúng ta. Sự có mặt của quý Đức Cha, quý cha, quý nam nữ tu sĩ và anh chị em, đã nói lên tấm lòng biết ơn người Cha hiền của mình và đồng thời diễn đạt được tính cách duy nhất của Giáo Hội Công Giáo. Hơn nữa, sự hiện diện này cũng nói lên được niềm tin và sự bác ái yêu thương dành những người đã khuất. Thánh lễ mà tất cả chúng ta dâng lên Chúa hôm nay sẽ là niềm an ủi không nhỏ cho Đức Hồng Y của chúng ta. Tưởng nhớ đến Ngài, chúng ta quyết hứa sống theo lời Người khuyên bảo, dặn dò là luôn tin tưởng, quan tâm, yêu thương, và hy sinh cho người khác như lời Chúa dạy bảo, để mai này tất cả chúng ta cùng được chung hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa.

Lạy Chúa, xin cho linh hồn Đức Hồng Y Giuse Maria của chúng con được toại nguyện trong niềm tin của mình. Xin Chúa rất nhân từ đón nhận Đức Hồng Y vào vương quốc vĩnh cửu mà Chúa đã hứa ban cho các tôi trung của Chúa.

Xin cho chúng con biết sống theo lời dạy bảo của Đức Hồng Y, dấn thân hy sinh và phục vụ để sau này chúng con cũng được đoàn tụ trong đại gia đình Chúa trên Nước Trời. Sau cùng, chúng con cùng hợp ý dâng lời tạ ơn Chúa, vì Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây