Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (11)

-

-

“Ước mong những suy tư giản dị, trong sáng như cuộc đời của Đức Cố Hồng Y, trong tập bài giảng này, cũng giúp tất cả chúng ta hiểu biết Chúa nhiều hơn, yêu mến Chúa nhiều hơn, và yêu mến Giáo Hội của Chúa nhiều hơn.” [Tài liệu Đức Ông Phan Văn Hiền HT63, gửi riêng cho trang CCSHue]. Phần 11.
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (11)

 
Bài 86: Ghi nhớ và suy niệm trong lòng
Thứ bảy 05-10-1991 - Tuần 26 Thường Niên
 
Lc 10, 17-24 ; Br 4, 5-12. 27-29
 
Chúng ta vừa nghe bài Phúc Âm thuật lại việc Đức Mẹ tiếp đón các mục tử đến kính viếng Chúa Giêsu trong hang đá. Chắc chắn những mục tử này đã không ngớt bàn tán với nhau về trẻ Giêsu. Họ đặt ra nhiều câu hỏi về Mẹ và gốc gác của Mẹ cũng như về Chúa Giêsu, và Mẹ đã ghi nhớ tất cả vào lòng. Về phần Mẹ, những sự kiện này đã giúp Mẹ nhớ lại lời Kinh Thánh sau đây: “Chúa Cứu thế sinh ở thành Vua Đavít, muôn dân đến thờ lạy Người.”
 
Thái độ của Mẹ Maria trong biến cố này cho thấy Mẹ thật sự là một tấm gương nguyện ngắm cho chúng ta. Mẹ đã xem thấy, nghe thấy, ghi nhớ tất cả và suy ngắm trong lòng. Chắc tâm hồn Mẹ cũng đã rạo rực khi thấy tất cả những việc trên xảy ra cùng với những lời các mục đồng thì thầm bàn tán.
 
Nhìn lại mình, chúng ta tự hỏi không biết giờ nguyện ngắm của mình như thế nào. Có sốt sắng không hay chỉ trống rỗng không có tâm tình nào cả. Cuộc đời sau này của chúng con cũng vậy. Nếu thiếu tinh thần nguyện ngắm, chúng con sẽ thất bại, vì chỉ làm mọi việc theo ý của mình chứ không phải ý Chúa.
 
Bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy hai điểm đáng chú ý và cần thiết cho cuộc đời linh mục sau này. Không phải tổ chức hội đoàn này hội đoàn kia, mở trường học, dạy giáo lý, xây nhà thờ... là đã thành công theo ý của Chúa. Bài Phúc Âm cho thấy linh mục cần phải chiến đấu với Satan, với sức mạnh hỏa ngục một cách can đảm để chiến thắng và cuối cùng trục xuất được Satan ra khỏi xứ đạo của mình. Và như vậy, tên của linh mục sẽ được ghi vào danh sách sổ hằng sống.
 
Chúng con nên ghi nhớ, cuộc đời của chúng con luôn là một cuộc chiến với Satan, với sức mạnh hỏa ngục để xua đuổi Satan ra khỏi trái đất. Muốn được vậy, chúng con phải tỉnh thức và canh tân cuộc sống luôn như lời Mẹ phán dạy ở Fatima.
 
Sống ở trong chủng viện, chúng con nhớ mình đang ở trong nhà Chúa. Và sau này khi ra làm việc ở giáo xứ cũng vậy, chúng con cũng luôn nhớ là cuộc đời linh mục được được kêu gọi để phục vụ Nước Chúa.
 
Hôm nay, ngày thứ bảy đầu tháng, chúng ta xin Đức Mẹ giúp chúng ta biết nguyện ngắm và tôn kính Mẹ, đồng thời dâng lên Mẹ những việc lành của chúng ta để đền thay tội lỗi loài người phạm đến Mẹ.
 
Cha nhớ trước đây có một ông già trước học chủng viện, được bốn chức thì xuất, nói với Cha lúc đó còn tu học trong chủng viện: “Thầy phải cố gắng lên, thứ bảy đầu tháng nào tôi cũng xin Đức Mẹ cho cậu. Tôi tin tưởng và hợp ý cùng Mẹ lần hạt 100 cầu nguyện cho cậu đó.” Đức Mẹ không bao giờ từ bỏ lời con cái cầu xin. Chúng con phải yêu mến và tin tưởng vào Mẹ. Amen.
 
 
Bài 87: Huấn dụ về sách thiêng liêng
 
Hôm trước Cha nói về một trong những cách nguyện ngắm. Hôm nay, Cha nói thêm về một cách nguyện ngắm khác được nói đến nhiều trong sách thiêng liêng. Càng biết nhiều cách càng tốt vì như vậy chúng con có thể chọn cách nào phù hợp với mình nhất cho việc nguyện ngắm. Cách nguyện ngắm này như sau:
 
1. Regarder: nhìn
 
Trước hết phải biết nhìn. Tai sao vậy? Vì khi mình nhìn một hình ảnh, một phong cảnh, một người khổ, một người đẹp… phản ứng tình cảm sẽ khác nhau. Ví dụ, Phật Thích Ca nhờ nhìn thấy đời người khổ lụy mà thay đổi cuộc sống mình. Thánh Phanxicô Borgio khi được Vua Tây Ban Nha sai đưa xác người vợ của vua về quê hương Hòa Lan, đã thay đổi cuộc đời nhờ chứng kiến thân xác rửa thối của Hoàng Hậu. Khi còn sống, Hoàng Hậu đẹp đẽ, sang trọng khiến ai nhìn cũng phải khen ngợi. Nhưng khi đến Hòa Lan, quan tài được mở nắp để người thân nhìn mặt Hoàng Hậu lần cuối, Phanxicô thấy khuôn mặt đẹp của Hoàng Hậu mấy ngày trước, nay trở thành xấu xí, giòi bọ rúc rỉa… Cảnh tượng đó làm cho Phanxicô Borgio suy nghĩ về cuộc đời chóng tàn và Ngài đã bỏ tất cả quyền cao chức trọng, để vào tu viện sống trọn vẹn cho Chúa. Cuối cùng, Ngài đã nên Thánh.
 
Cha Maximiliano Kolbe, người tình nguyện chết thay cho bạn tù trong trại tập trung Đức Quốc Xã thời Đệ Nhị Thế Chiến. Ngài cùng 9 người khác bị giam vào phòng kín và bị bỏ đói cho đến khi chết. Ngày cuối cùng, khi lính cai ngục vào phòng kiểm soát, chỉ thấy Ngài còn sống và đang mở mắt nhìn, anh ta liền nói: “Ông nhìn chỗ khác đi. Đừng nhìn tôi.” Ngài hỏi: “Sao vậy?”  Anh ta trả lời: “Vì tôi không chịu nổi cái nhìn của ông.”
 
Các Thánh khác người thường ở chỗ nào? Câu trả lời là các Ngài nhìn thấy cái mà người thường không thấy.
 
2. Écouter: lắng nghe.
 
Cần biết lắng nghe Chúa nói với mình; lắng nghe Mẹ Maria, các Thánh, thiên thần bản mệnh nói với mình và cả người chết nói với mình để sống tốt hơn. Cuộc đời chóng qua và mỗi việc đều có thưởng phạt. Vì thế, cần biết xử dụng ơn Chúa cho đúng, ngay cả việc xử dụng thời giờ, vì đó cũng là một ơn quý báu Chúa ban cho mỗi người. Chúa nói với chúng ta trong Kinh Thánh, nhất là trong Phúc Âm; lời Mẹ Maria nhắn nhủ với chúng ta trong những lần Mẹ hiện ra ở Fatima, Lộ Đức… Chúng ta cần biết lắng nghe để sống cho phù hợp với ý Chúa.
 
3. Parler: nói.
 
Sau khi lắng nghe, chúng ta cũng cần đáp trả lại lời của Chúa, của Mẹ Maria, các Thánh và cả thiên thần bản mệnh…. để biết được điều Chúa muốn chỉ dạy, hiểu được lời Mẹ, các Thánh và thiên thần bản mệnh muốn khuyên bảo chúng ta.
 
4. Repentir: sám hối, ăn năn
 
Nghe và hiểu được điều Chúa, Mẹ các Thánh khuyên dạy, chúng ta cảm thấy ân hận xót xa vì những sai trái mình đã phạm, cũng như qua bỏ qua biết bao nhiêu ơn lành Chúa thương ban.
 
5. Aimer: yêu mến.
 
Chúng ta quyết tâm từ đây sẽ nghe và giữ lời Chúa, yêu mến Chúa nhiều hơn. Có thể lập đi lập lại nhiều lần câu nói đơn sơ sau đây: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa”.
 
6. Renouveler:  đổi mới.
 
Quyết tâm đổi mới tốt hơn. Cương quyết bỏ những tính xấu và tập những nhân đức tốt.
 
Những bước thứ tự trên đây là cần thiết, và như vậy việc nguyện ngắm mỗi ngày sẽ giúp chúng con tiến lên trong đời sống thiêng liêng.
 
 
Bài 88: Chuỗi Mân Côi
Thứ hai 07-10-1991 - Tuần 27 Thường Niên
  
Lc 10, 25-37 ; Gn 1, 1-2, 1.11 
 
Chắc chúng con đã nghe giải thích nhiều về phép lần hạt Mân Côi. Hôm nay Cha muốn giúp chúng con tìm hiểu ý nghĩa cao sâu của phép lần hạt này.
 
Lần chuỗi Mân Côi xem ra có vẻ đơn sơ nhưng lại có ý nghĩa thần học sâu sắc vì nó bao gồm đầy đủ các biến cố quan trọng của ơn cứu độ, nhờ đó chúng ta dễ dàng tìm gặp được Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, cũng như Đức Mẹ và các thiên thần. Vì thế, khi lần hạt, chúng ta cầu nguyện và liên kết mật thiết với Chúa Ba Ngôi, Đức Mẹ và các thiên thần.
 
Gặp thấy Chúa Cha: Qua việc sai thiên thần đến truyền tin cho Đức Mẹ thụ thai, chúng ta thầy được tình yêu cao vời Chúa Cha dành cho loài người. Ngài đã hy sinh chính Con Một mình là Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân lọai.
 
Gặp thấy Chúa Con: Phép lần hạt ghi lại rõ ràng cuộc đời dương thế của Chúa Con, từ khi sinh ra cho đến khi chết, sống lại và lên trời.
 
Gặp Chúa Thánh Thần: Ngay từ đầu của chuỗi Mân Côi, chúng ta đã nhận ra vai trò quan trọng của Cháu Thánh Thần trong chương trình cứu độ. Chính Chúa Thánh Thần can thiệp để Đức Mẹ thụ thai mà vẫn còn đồng trinh. Mẹ đã sinh hạ Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Cũng chính Chúa Thánh Thần thúc giục Chúa Giêsu bắt đầu sứ mệnh và nâng đỡ tới lúc hoàn tất. Và cuối cùng, Chúa Thánh Thần sau khi Chúa Giêsu về trời đã hiện xuống trên các Tông Đồ để thiết lập Giáo Hội và tiếp tục nâng đỡ các Ngài loan báo Tin Mừng.
 
Gặp Đức Mẹ: Mẹ là biểu tượng và là hình ảnh đại diện cho nhân loại, đã tham gia vào công cuộc cứu chuộc của Đấng Cứu Thế. Mẹ hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa và cộng tác tích cực  vào chương trình của Ngài, vì thế Mẹ trở nên gương mẫu cho tất cả chúng ta.
 
Gặp các thiên thần: Trong các biến cố truyền tin, giáng sinh, an ủi Chúa trong vườn cây dầu, báo tin Chúa sống lại, các thiên thần đã thực thi và hoàn thành các mệnh lệnh của Chúa một cách nghiêm chỉnh.
 
Chúng con học biết thần học là để áp dụng vào cuộc sống, nhất là để làm các việc đạo đức có chiều sâu hơn. Vì thế, khi lần hạt và suy ngắm chuỗi Mân Côi, chúng con suy ngắm các mầu nhiệm cứu độ với tâm tình chúc tụng, tạ ơn vì Chúa đã thương con người bằng một tình thương cao vời và quyết tâm đáp trả tình thương của Ngài bằng cách sống tốt hơn.
 
Khi ngắm nhìn một bức tranh, người không biết thì chỉ đánh giá theo vẻ đẹp bên ngoài, còn người hiểu biết nhận ra được giá trị nghệ thuật và ý nghĩa bên trong của bức tranh. Đó cũng phải là cách lần chuỗi Mân Côi của các con.
 
Hồi Cha còn đi học, một bữa kia cả trường được xem một bộ phim chiếu về cuộc chiến giữa Nhật và Mỹ, một Thầy người Nhật bật khóc làm cho ai cũng xót xa. Hỏi ra mới biết lý do tại sao Thầy Nhật đó khóc. Vì chính Thầy đã tham gia cuộc chiến khốc liệt đó mà vẫn sống sót nên cảm động tạ ơn Chúa đến nỗi không cầm được nước mắt. Cũng vậy, khi lần chuỗi Mân Côi, chúng con cũng hãy mang tâm tình tạ ơn vì Chúa đã cho chúng con cơ hội học tập và hiểu biết được mầu nhiệm cứu độ của Ngài.
 
Lạy Mẹ, xin Mẹ dạy chúng con biết cầu nguyện sốt sắng mỗi khi chúng con lần chuỗi Mân Côi. Amen.
 
 
Bài 89: Chiêm niệm và hoạt động
Thứ ba 08-10-1991 - Tuần 27 Thường Niên
 
Lc 10, 38-42; Gn 3, 1-10
 
Đọc bài Phúc Âm hôm nay, các nhà đạo đức thường phân biệt bà Maria tượng trưng cho trường phái chiêm niệm, còn bà Matta tượng trưng cho trường phái hoạt động. Chúng ta xem thử cách phân biệt này có thật sự chính xác không?
 
Thật ra, nếu đem hình ảnh Matta và Maria để giảng tĩnh tâm hay khuyên bảo đạo đức, kiểu phân định này có thể chấp nhận được, nhưng nếu xét theo nghĩa Kinh Thánh, Maria thật ra không phải hoàn toàn chỉ là người chiêm niệm.
 
Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy Matta lo lắng dọn bữa cho Chúa. Đó là điều tốt. Làm cơm phục vụ Chúa và các môn đệ không phải là điều tốt hay sao. Nhưng điều đáng chú ý là Matta quên tầm quan trọng của Lời Chúa. Bà quá chú ý đến việc nội trợ đến nỗi quên lắng nghe lời Chúa để hiểu biết thêm, hầu có thể phục vụ tốt hơn. Trái lại, Maria ngồi nghe Lời Chúa cách chăm chú. Bà ngồi nghe Chúa không phải để tránh làm việc giúp chị Matta, nhưng thật ra để hiểu rõ thêm lời Chúa truyền dạy và áp dụng vào cuộc sống phục vụ. Đó chính là mục đích Lời Chúa. Nghe Lời Chúa là điều tốt, nhưng quan trọng hơn là áp dụng Lời Chúa vào thực tế.
 
Qua đoạn này chúng ta thấy có mấy điểm cần chú ý:
 
Đây là lần đầu tiên Chúa công khai đề cao một người phụ nữ để làm gương. Trong khi dân Do Thái thời bấy giờ coi rẻ người phụ nữ, không cho họ quyền gì trong xã hội, Chúa lại đề cao người phụ nữ. Biến cố này nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ có thái độ coi thường hay khinh dễ, xua đuổi người phụ nữ. Maria không phải ngồi đọc kinh suốt ngày, nhưng đã nghe Lời Chúa để hiểu và sống Lời Chúa tốt hơn. Vì thế, Chúa đã khen Maria chọn phần tốt nhất. Như vậy, không phải đọc kinh nhiều là điều tốt. Chính Chúa Giêsu đã trách mắng những người Biệt Phái vì họ đọc kinh nhiều, nhưng lại bất công lấy hết tiền của các bà góa nghèo; họ đọc kinh lâu giờ nhưng không dám động ngón tay để làm nhẹ bớt gánh nặng của người khác...
 
Nói tóm lại, Chúa khen Maria vì bà ta đã chăm chú nghe Lời Chúa để có thể phục vụ người khác tốt hơn. Và Maria được Chúa nêu lên làm gương ở đây, không chỉ cho người chị Matta đang lo cơm nước mà còn làm gương cho cả các Tông Đồ nữa. Nếu chúng ta liên kết đoạn Phúc Âm này với đoạn trước về dụ ngôn người Samaritano nhân hậu, chúng ta hiểu được Chúa muốn nhấn mạnh đến cách thế yêu thương. Yêu thương cần phải được cụ thể hóa qua việc phục vụ mọi người.
 
Lạy Chúa, xin dạy con biết sống Phúc Âm qua việc phục vụ anh em. Amen.
 
 
Bài 90: Tình thương phục vụ
Thứ năm 10-10-1991 - Tuần 27 Thường Niên
 
Lc 11, 5-13 ; Ml 3, 13-20
 
Mấy ngày qua, Phúc Âm Thánh Luca nhấn mạnh đến việc cần thiết phải sống bài học Lời Chúa về tình thương qua việc phục vụ. Ngay từ chương 10, với dụ ngôn người Samaritano nhân lành, chúng ta thấy tầm quan trọng của việc phục vụ. Đó là dấu chỉ cụ thể của tình yêu thương. Người Samaritanô này mặc dù là người ngoại giáo, nhưng ông đã sống tình yêu thương đích thực. Ông ta không chỉ dừng lại, xuống ngựa, xoa dầu băng bó cho người bị nạn, nhưng còn đưa người Do Thái bị nạn đó về quán trọ, ân cần chăm sóc và thanh toán mọi phí tổn để chữa lành.
 
Mặc dù Phúc Âm không nói đến, nhưng chúng ta có thể suy diễn ra ông ta phải là người rất tốt lành, vì người chủ quán tin tưởng ông hoàn toàn, để cho ông có thể trả tiền sau khi đi công chuyện trở về lại. Nếu ông ta không có uy tín, chủ quán chẳng bao giờ dại dột cho ông trả tiền sau. Điều này có nghĩa là người chủ quán chắc chắn sẽ săn sóc tận tình người bị nạn do chính ông ta đưa đến. Tiếp đến là câu chuyện Chúa đến thăm và dùng bữa tại nhà hai chị em Matta và Maria và hôm qua là kinh cầu nguyện Chúa dạy các Tông Đồ: Kinh Lạy Cha. Ở đây, Cha chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh yêu thương trong kinh Lạy Cha.
 
“Nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới dất cũng như trên Trời.”

Chắc chắn ở trên trời danh Chúa luôn luôn cả sáng. Điều cần thiết và quan trọng là chúng ta quyết tâm làm cho danh của Chúa và nước của Ngài đến trong thế gian và ở giữa chúng ta cho đến tận thế. Nghĩa là làm cho yêu thương tràn ngập trong xã hội và thế giới.
 
“Xin cho chúng con lương thực hằng ngày”. Ngoài cơm bánh hằng ngày, lương thực còn có nghĩa là sự sống của Chúa, ân sủng của Chúa và chính mình Chúa. Không phải chỉ xin cho cá nhân mình, nhưng cho tất cả mọi người, cho chúng con.
 
“Xin tha nợ chúng con như...” Xin Chúa tha thứ những lỗi lầm thiếu sót của mình và sẵn sàng tha thứ cho nhau. Tha thứ là dấu chỉ của yêu thương. Và như vậy, Nước Chúa mới hiển trị trong thế gian được.
 
Thiên Chúa là người Cha giàu tình thương. Nếu người Samaritanô còn biết thương kẻ nghịch cùng mình, Thiên Chúa là Cha lại càng yêu thương con cái của mình hơn. Và Ngài chính là mẫu gương để chúng ta biết sống yêu thương tất cả mọi người.
 
Lạy Chúa, xin giúp chúng con hiểu rõ tình thương của Chúa và đem ra thực hành. Amen.

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây