Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Phụng vụ Đêm Canh thức Vượt qua (Vọng Phục sinh)

Việc lắng nghe Lời Chúa kéo dài tạo thành yếu tố nguồn gốc, đặc trưng và đáng lưu ý đối với việc Canh Thức vì Chúa. Lưu ý rằng phụng vụ Lời Chúa đã có những sự thay đổi đáng kể.
canh thuc vuot qua
Nguồn hình ảnh: ĐCV thánh Giuse Xuân Lộc
 
 
PHỤNG VỤ ĐÊM CANH THỨC VƯỢT QUA (VỌNG PHỤC SINH)
SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

1. Giai Đoạn Bốn Thế Kỷ Đầu

Các tài liệu cổ xưa nhất của thế kỷ II-III cung cấp rất ít thông tin về cấu trúc lễ Phục sinh, ngoại trừ Lễ Vọng Phục Sinh: phần lớn thông tin chúng ta nhận được là từ truyền thống của vùng Tiểu Á (thế kỷ II) và từ Syria (thế kỷ III). Lễ Phục sinh về cơ bản được giới thiệu như một sự ăn chay nhiệm nhặt, đã từng diễn ra nơi các Giáo hội khác nhau (một, hai hoặc nhiều ngày), tiếp theo là một cộng đoàn cầu nguyện và đọc các bài đọc ban đêm, rồi kết thúc bằng việc cử hành Thánh Thể[1]. Chúng ta cũng tìm được các tài liệu liên quan đến lễ Rửa Tội được cử hành trong đêm Phục Sinh vào đầu thế kỷ thứ ba, ở phương Tây. Để có được một bức tranh chi tiết hơn về các cử hành lễ Phục sinh, không chỉ là Đêm Vọng Phục Sinh, chúng ta cần để ý đến bộ tài liệu Didascalia Siriaca ở Syria, từ nửa đầu thế kỷ thứ ba và bộ tài liệu Itinerarium Egeriae  Giêrusalem, cuối thế kỷ thứ tư.

Liên quan tới việc ăn chay lễ Phục Sinh, chúng ta nên lưu ý rằng trong sách Mishnah[2] đã hướng dẫn việc ăn chay theo từng loại thức ăn kể từ thời điểm dâng của lễ ban chiều, xảy ra trước khi hiến tế những con chiên cho lễ Phục sinh. Việc ăn chay như thế này, tuy khiêm tốn trong phần mở rộng của nó, nhưng là nguồn gốc ăn chay Phục sinh Kitô giáo. Tuy nhiên, đối với các Kitô hữu, việc ăn chay này dần dần được kéo dài hơn. Người ta thường cho rằng, thực hành giữ chay thông thường được kéo dài thêm trọn ngày 14 tháng Nisan cho đến khi gà gáy ngày 15 tháng Nisan. Sách Didascalia Siriaca (5,18) đã xác nhận việc nới rộng thêm thời gian giữ chay suốt tuần đến trước đêm Vọng Phục Sinh. Ở Roma, vào thế kỷ III, việc giữ chay Phục sinh có lẽ chỉ là hai ngày trước lễ Phục sinh, nhưng Truyền thống Tông đồ cho thấy rằng, đối với bệnh nhân chỉ cần giữ một ngày thôi, vào thứ bảy. Đến cuối thế kỷ thứ IV, ngay cả ở Giêrusalem, theo tài liệu Itinerarium Egeriae, ngày tuyệt vời để ăn chay là thứ 7 tuần thánh, đây là thứ 7 duy nhất trong năm phải giữ chay.

Vào cuối thế kỷ thứ II, Phục sinh là một lễ được kéo dài đến năm mươi ngày. Thật vậy, đối các Kitô hữu cổ đại, Lễ Ngũ Tuần là giai đoạn năm mươi ngày trọn, với việc nhấn mạnh rõ ràng ngày thứ năm mươi nhờ đặc tính kết thúc thời gian trọn vẹn của nó. Tertulliano nói về ngày đó như là "một lễ hội"[3], "người ta vui mừng vì sự trang nghiêm và hoan hỉ của ngày lễ", tạo nên nét đặc trưng cho ngày Phục sinh[4].

Như chúng tôi đã nói ở trên, những bằng chứng cổ xưa nhất của việc cử hành hành lễ Phục Sinh hàng năm chủ yếu đến từ vùng Tiểu Á: Thư các tông đồ [Epistola degli Apostoli], tác phẩm ngụy thư nguyên bản bằng tiếng Hy lạp vào khoảng năm 150, nhưng được lưu giữ toàn bộ chỉ trong bản dịch Copta; một bài giảng Lễ Phục Sinh của Melitone di Sardi, bản văn thi ca và học thuật vào khoảng năm 165; bài giảng về Lễ Phục Sinh của tác giả vô danh thứ 14 vào cuối thế kỷ thứ II; cộng với nhiều bản văn khác của thế kỷ thứ III và IV.

Tài liệu Epistola degli Apostoli, có liên quan đến Tông Đồ Công Vụ chương 12, viết dưới dạng tiên đoán, những điều nói về Chúa Kitô:

“… ‘Sau khi Ta trở về cùng với Cha, anh em hãy tưởng nhớ đến cái chết của Ta. Khi cử hành lễ Vượt qua, lúc đó, vì danh Ta, mà một trong anh em sẽ bị bỏ tù và sẽ sống trong buồn rầu và lo lắng. Bởi vì anh em ăn mừng lễ Vượt qua, trong khi người anh em đang ở trong tù và xa cách anh em, anh ấy sẽ khóc vì không được cử hành lễ Vượt qua cùng với anh em. Bấy giờ, Ta sẽ gửi sức mạnh của mình qua hình ảnh thiên thần Gabriel và các cửa nhà tù sẽ được mở ra. Anh ta sẽ thoát ra ngoài, đến với anh em và cùng với anh em cử hành đêm canh thức, ở lại với anh em cho tới khi gà gáy. Tuy nhiên, khi anh em hoàn thành việc cử hành tưởng nhớ đến Ta và tình huynh đệ, anh ấy sẽ bị bỏ tù lần nữa để làm chứng, cho tới khi anh ta ra khỏi đó và sẽ giảng dạy những điều Ta đã truyền cho anh em’. Chúng ta cùng nói: ‘Lạy Chúa, chúng con có cần cầm lấy chén và uống nó không?’ Ngài đáp ‘Vâng, điều đó là cần thiết, cho đến ngày Ta sẽ đến với những người đã bị giết vì Ta’ ”[5].

Ở đây, lễ Phục sinh là tưởng nhớ cái chết của Chúa Giêsu trong đêm canh thức (cho đến khi gà gáy), đạt đến chóp đỉnh trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể.

Bài giảng của Melitone di Sardi đảm bảo với chúng ta rằng trong khuôn khổ của đêm Vọng này, trình thuật lễ Phục Sinh, được lấy trong sách Xuất Hành, đóng một vai trò quan trọng. Tuy nhiên, ngoài tài liệu liên quan đến bài đọc sách Xuất Hành chương 12 (thuật lại việc tổ chức Lễ Vượt qua và sát tế con chiên), thì bài giảng về Phục Sinh của Melitone hoàn toàn không nói gì thêm về việc cử hành canh thức. Và trong bài giảng của tác giả vô danh thứ 14 cũng vậy, chỉ xoay quanh các chú giải dự hình luận của chương 12 sách Xuất Hành. Tuy nhiên, bản văn cuối cùng này đã mở ra bước đầu tốt đẹp cho chủ đề ánh sáng, lấy cảm hứng từ khoảnh khắc của việc canh thức để cử hành, và rõ ràng thêm Bí tích Thánh Thể vào giữa tiến trình cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua.

Ở Syria, nửa đầu thế kỷ thứ III, tài liệu Didascalia Siriaca mô tả chi tiết hơn một chút về Đêm Vọng Phục Sinh. Sau khi đã hướng dẫn xong việc ăn chay vào thứ Sáu và thứ Bảy như một dấu chỉ tang chế vì cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa, bản văn tiếp tục như sau:

Trong suốt đêm, anh em hãy ở cùng nhau, thức tỉnh và canh thức bằng cách khẩn xin và cầu nguyện, đọc các sách Tiên tri, Tin mừng và Thánh vịnh, với lòng kính sợ, run rẩy và liên lỉ khẩn cầu cho đến canh 3 [tức là cho tới khi gà gáy] sang ngày thứ bảy và lúc đó chấm dứt việc ăn chay của anh em [...] Thế rồi, anh em hãy dâng lên những hy lễ của mình và bấy giờ hãy ăn uống và vui mừng, anh em hãy mừng vui và hoan hỉ, vì Chúa Kitô đã sống lại làm bảo chứng cho sự phục sinh của chúng ta ...”[6].

Thời gian đầu thế kỷ thứ III, trong một văn bản không rõ ràng mấy về cử hành bí tích Rửa Tội của Tertulliano [7], và  của Hippolito trong tập chú giải về sách Daniel[8], trình bày lễ Phục sinh như một ngày thích hợp cho bí tích Rửa Tội, và do đó, việc giải thích cho nghi thức Rửa Tội trong đêm canh thức được diễn tả từ Truyền thống Tông đồ[9]. Những bằng chứng của các thực hành này được nhân rộng vào đầu thế kỷ thứ IV, và trở nên phổ biến hơn. Ở Đông Phương, những bằng chứng liên quan đến vấn đề này xuất hiện muộn hơn. Nó bị phản đối bởi cạnh tranh với ngày lễ Hiển Linh vào ngày 6 tháng 1, ngày mà đối với người Hy Lạp sẽ thích hợp hơn hẳn cho bí tích Rửa Tội, trong ý nghĩa kỷ niệm về việc Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giordan.

Tóm lại, chúng ta hiểu biết riêng lẽ một vài yếu tố cấu trúc của việc cử hành lễ Phục sinh như: Ăn chay Phục sinh với thời gian khác nhau (Tertullian coi đó là dấu chỉ của nỗi buồn vì chú rể bị đem đi [cf Lc 5,35]; điều này còn được tìm thấy trong tài liệu Didascalia Siriaca và các nguồn cổ xưa khác); đêm canh thức với các bài đọc (Cựu Ước và Tân Ước) và những lời nguyện; bài giảng; rửa tội; bí tích Thánh Thể; tiếp nữa là  Lễ 50 ngày (Lễ Ngũ tuần). Chúng ta nên lưu ý rằng bài giảng trong các nguồn ở Syria không được đề cập đến, trong khi nó lại có tầm quan trọng lớn ở vùng Tiểu Á.

2. Giai Đoạn Từ Thế Kỷ Thứ IV Đến Thế Kỷ XVI

Đêm Vọng Phục Sinh là đỉnh cao của Tam Nhật Thánh và của toàn bộ Tuần Thánh. Đêm vọng này được cử hành, như các bài giảng của thánh Leo Cả nhắc nhớ chúng ta, đó là “totum paschale sacramentum”. Năm 385, Giáo hoàng Siricio xác nhận rằng đêm Vọng Phục Sinh là đêm tuyệt vời dành cho việc Rửa Tội[10], và thánh Lêô Cả xác nhận rằng có đông đảo các ứng viên đã được chuẩn bị trong suốt mùa Chay[11]. Vào thế kỷ thứ VII, chúng ta tìm thấy một cấu trúc phong phú về các nghi thức đêm vọng Phục Sinh dựa trên ba yếu tố chính: Cử hành phụng vụ Lời Chúa; cử hành phụng vụ Phép Rửa; cử hành phụng vụ Thánh Thể (dành cho phụng vụ của giáo hoàng: GrH, số. 362-382; phụng vụ của các giáo sĩ khác GeV, số. 425-462).

Trong các nhà thờ mang Tước hiệu ở Roma, đêm vọng Phục Sinh bắt đầu bằng nghi thức ánh sáng long trọng, có lẽ bắt nguồn từ việc thắp nến vào lúc trời tối, điều cần thiết cho việc cử hành. Trong sách GeV, số. 425, chúng tôi tìm thấy phần sau đây về vấn đề này:

“... Sau đó, tổng phó tế đến trước bàn thờ, lấy đèn sáng được cất giữ hôm thứ 6, ghi dấu thánh giá trên ngọn nến và thắp nó, và chính vị tổng phó tế sẽ hoàn tất với việc làm phép nến”.

Trong sách GrH, mô tả phụng vụ giáo hoàng, hoàn toàn không nói gì về điều này. Dù sao, từ giữa thế kỷ thứ V và thứ VI, nghi thức thắp nến và hát bài chúc tụng [benedictus] hoặc ca ngợi nến sáng [laus cerei] là những thực hành gần như vững chắc trong tất cả các Giáo hội phương Tây. Vào thời Girolamo và Augustino ở Châu Phi và ở miền Bắc nước Ý, việc dâng lên Thiên Chúa ánh sáng được thực hiện bởi phó tế trong hành động tạ ơn ánh sáng đã chiếu sáng Đêm Vọng Phục Sinh. Vào thế kỷ X người ta đính các hạt hương:  “Sau đó, họ ghi dấu thánh giá bằng các hạt hương lên cây nến”[12] (Deinde faciant crucem de incenso in cereo). Trong sách PRG không biết gì đến nghi thức này, nhưng kể từ thế kỷ thứ XI nó mở rộng khắp cả Châu Âu.

Trước cách dùng cổ xưa nhất của người Roma về việc thắp sáng nến Phục Sinh (các cây nến Phục Sinh) bằng ngọn đèn được cất giữ hôm thứ 6 tuần thánh (xem sách GeV ở trên), ngoài Roma, từ cuối thế kỷ thứ VIII, ánh sáng được lấy từ một ngọn lửa khác. Việc làm phép lửa mới, không tìm thấy hình thức chính thức nào trước sách PR ở thế kỷ thứ XII. Vào thế kỷ XII, XIII, các sách của Giáo triều Roma đã đưa vào nghi thức làm phép lửa mới và nến phục sinh, cũng như việc sử dụng năm hạt hương, cuộc rước với lời công bố Ánh sáng Chúa Kitô (Lumen Christi) và bản văn Exsultet, chúng được tìm thấy trong Sách Lễ triều đại Giáo hoàng Innocenzo III, và sau đó là trong sách lễ Roma 1570.

Về các bài đọc Thánh Kinh, chúng tôi lưu ý rằng Phụng Vụ Roma cổ xưa có hai lược đồ bài đọc, trong môi trường phụng vụ hỗn hợp Roma-Pháp (Romano-Franca), chúng trở nên phong phú hơn nhờ lược đồ thứ ba, sau này chuyển sang sách lễ Roma 1570. Chúng tôi chỉ ra đây cách ngắn gọn nhất đặc điểm của ba lược đồ đó[13]:

- Lược đồ Gregoriano: 4 bài đọc Cựu Ước và 2 Tân Ước.

- Lược đồ Gelasiano cổ đại: 10 bài đọc Cựu Ước và 2 bài Tân Ước.

- Lược đồ Galicano: 12 bài đọc Cựu Ước và 2 Tân Ước. Lược đồ này tương ứng với hệ lược đồ Gelasiano cổ đại với việc bổ sung hai bài đọc.

 
Truyền thống Gregoriano. Truyền thống Gelasiano ant. Truyền thống GallicanaMR 1570
Sáng thế 1
Xuất hành 14
Isaia 4
Isaia 54 ( Dt 31)









Côlôsê 3,1-4
Matthêu 28,1-7
Sáng thế 1
Sáng thế 5
Sáng thế 22
Xuất hành 14
Isaia 54
Ê-dê-ki-en 37

Isaia 4
Isaia 12
Đệ Nhị Luật 31
Đa-ni-en 3



Côlôsê 3,1-4
Mathêu 28,1-7
Sáng thế 1
Sáng thế 5
Sáng thế 22
Xuất hành 14
Isaia 54
Ba-rúc 3
Ê-dê-ki-en 37
Isaia 4
Xuất hành 12
Giô-na 3
Đệ Nhị Luật 31

Đa-ni-en 3

Côlôsê 3,1-4
Matthêu 28,1-7
 

Cho đến cuối thế kỷ thứ V, Canh Thức Phục sinh chủ yếu là ban đêm. Ở Roma, vào mùa xuân, bình minh bắt đầu vào lúc 4 giờ sáng, và những ngôi sao đầu tiên xuất hiện là vào lúc 19 giờ. Vào thế kỷ thứ VI, phụng vụ Đêm Canh Thức được cử hành vào ngày thứ bảy trước khi trời tối. Xu hướng này trở nên rõ ràng hơn trong các thế kỷ sau. Vào năm 500 trong lá thư của Giovanni Diacono gửi cho Senario cho thấy rõ rằng phần lớn những người chịu phép rửa đều là trẻ em[14], điều này có thể dẫn đến việc cử hành trước thời gian cử hành Canh Thức. Theo sách OR XI (thế kỷ thứ VII), chỉ có thánh lễ vào thời điểm buổi tối, phần còn lại được cử hành trước khi bắt đầu vào giờ chiều. Một nguyên nhân khác dẫn đến việc cử hành trước Canh Thức là do kỷ luật của luật ăn chay phục sinh chỉ được kết thúc khi cử hành Canh Thức. Carlomagno trong Capitolare số 280 đã nhắc nhớ và xác định rằng, ngoại trừ các trẻ em, người già, những bệnh nhân, còn lại tất cả đều bắt buộc ăn chay. Vào thế kỷ thứ XIV trong thực hành của phụng vụ giáo hoàng ở Avignone chúng ta tìm thấy phong tục kết thúc Canh Thức (cũng là việc kết thúc giữ chay) vào lúc 12 giờ trưa ngày thứ 7 để ngồi vào bàn ăn vào lúc 3 giờ chiều. Cuối cùng, Đức Giáo hoàng Pio V với sắc lệnh Sanctissimus (29.3.1956), nghiêm cấm cử hành thánh lễ sau giữa trưa, và do đó thánh lễ vọng chuyển sang sáng thứ bảy[15].        

3. Giai Đoạn Sau Công Đồng Vaticanô II

Trong sách lễ Roma 1970 Canh Thức Vượt Qua được đặt trong mối tương quan với Chúa Nhật Phục Sinh, dưới cùng một tên gọi chung “Chúa Nhật Phục Sinh Chúa Sống Lại”. Trong đêm này “Hội Thánh mong đợi, canh thức sự sống lại của Chúa Kitô và cử hành nó trong các bí tích”[16]. Đêm vọng Phục sinh là “Mẹ của các đêm vọng”, như thánh Augustinô đã gọi.

Cử hành đầu tiên của Chúa Nhật Phục Sinh là đêm Canh Thức Vượt Qua. Biểu tượng cơ bản của đêm Canh Thức này là “đêm được chiếu sáng” hay là “đêm chiến thắng ban ngày”, được biểu lộ nhờ các dấu chỉ nghi thức qua đó cho thấy đời sống ân sủng được bắt nguồn từ cái chết của Chúa Kitô. Vì đêm Vọng này, với tư cách là Lễ Vượt Qua, là đêm do bản chất của nó. Lý do thực sự của đặc tính ban đêm đối với việc cử hành này cơ bản nằm trong thực tại Lễ Vượt Qua, nhờ đó nó trở nên có ý nghĩa, đó là “sự đi qua”. Sự chờ đợi, đặc trưng của đêm Canh Thức, được nối kết với sự trở lại cuối cùng của Chúa giống như đoạn chú thích rất rõ trong sách lễ Roma lúc bắt đầu cử hành:

“Do truyền thống cổ xưa, đây là đêm canh thức tôn vinh Chúa. Các tín hữu cầm trong tay - theo lời khuyên của Tin Mừng (Lc 22,35tt) - ngọn đèn thắp sáng, giống như những người đang chờ đợi Chúa trở lại, để lúc Người đến, người thấy họ tỉnh thức và mời họ vào bàn tiệc”[17].

Cấu trúc của đêm Canh Thức giống hệt trong sách lễ Roma 1951. Tuy nhiên có một điểm mới quan trọng: đó là việc cử hành Phép rửa không làm gián đoạn phụng vụ Lời Chúa nữa, mà cử hành ở cuối phần phụng vụ Lời Chúa. Ngoài ra, Phụng vụ Lời Chúa cũng có một vài thay đổi quan trọng.

Cử hành Canh Thức dẫn dắt người tham dự vào chiêm ngắm mầu nhiệm Phục sinh trong tất cả các chiều kích của nó: Phụng vụ ánh sáng hay “chiếu sáng” (làm phép lửa mới, thắp nến Phục Sinh, và hát Exsultet hay công bố Tin Mừng Phục Sinh) cử hành cuộc Vượt Qua Hoàn Vũ, đánh dấu sự đi qua bóng tối đến ánh sáng; Phụng vụ Lời Chúa (với 7 bài đọc Cựu ước và 2 bài đọc Tân ước) cử hành cuộc Vượt Qua Lịch Sử, nhắc lại những thời điểm chính của lịch sử cứu độ; Phụng vụ Phép Rửa cử hành cuộc Vượt Qua của Giáo Hội, một dân tộc mới được sinh ra từ nguồn Phép Rửa; Phụng vụ Thánh Thể cử hành cuộc Vượt Qua bất diệt và cánh chung, với sự tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể, hình ảnh của cuộc sống mới và một vương quốc mới được hứa ban. Một số người đã chỉ trích cấu trúc này: sẽ tốt hơn nếu làm theo hình thức “Beneventano”, là đặt nghi thức thắp nến và làm phép nến sau các bài đọc Kinh Thánh[18].

Những cử hành khác nhau của đêm Canh Thức như một sợi chỉ xuyên suốt: sự hiệp nhất của kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được hoàn thành trong Lễ Phục Sinh của Chúa Kitô dành cho chúng ta (điều này được công bố trong Tin Mừng Phục Sinh, và trong các bài đọc Thánh Kinh). Bản văn cổ về lời công bố Phục Sinh và đường đi của nó, từ ý thức thần học sâu sắc đối với sự thông hiểu và chiêm niệm, nuôi dưỡng sự ngạc nhiên và tôn kính, nuôi dưỡng việc ca ngợi và tạ ơn và theo cách diễn tả này cho thấy: nó khởi đi từ việc chiêm niệm lịch sử công trình cứu độ được hoàn tất bởi Thiên Chúa, hành động đầu tiên là tạo dựng vũ trụ và con người, để đạt đến sự sáng tạo mới của con người trong Chúa Kitô đã chết và sống lại.

“Mầu nhiệm thánh của đêm này là đánh bại cái ác, rửa sạch lỗi lầm, khôi phục lại sự trong sạch cho những kẻ tội lỗi, là niềm vui đến cho những ai đang sầu khổ”.

Chúng ta thấy ở đây thiếu vắng mọi liên hệ đến Chúa Thánh Thần. Những gì mà tin mừng Phục Sinh công bố bằng những âm giọng trữ tình, được lấy lại từ các bài đọc Kinh Thánh, cách tiệm tiến dẫn đưa những người tham dự vào chiêm ngắm những sự kiện chính yếu của lịch sử cứu độ: trình thuật tạo dựng (St 1,1- 2;2); hy lễ của Áp-ra-ham (St 22,1-18); Vượt Biển Đỏ (Xh 14,15-15,1) (bài đọc không bao giờ được bỏ qua)[19]; lòng tín trung của Thiên Chúa Tạo Hóa và là Đấng Cứu Chuộc (Is 54,5-14); lời mời gọi đến giao ước vĩnh cửu (Is 55.1- 11); sự chỉ dẫn sáng ngời của ánh sáng Thiên Chúa (Br 3,9-15,32,4-4); lời hứa về một trái tim mới (Ed 36,16-28); bí tích rửa tội, mầu nhiệm Vượt qua (Rm 6: 3-11); công bố về sự Phục sinh (Mt 28.1-10 [A] - bài đọc Tin Mừng duy nhất trong sách nghi thức của Đức Giáo Hoàng Piô XII -; Mc 16.1-8 [B]; Lc 24.1-12 [C]).  

Những lời nguyện được đọc sau các bài đọc Cựu Ước riêng lẻ làm sáng tỏ những chủ đề then chốt nơi các đoạn vừa đọc như: Kitô học, Giáo Hội học, Bí Tích Học. Đây là những lời nguyện hầu hết có nguồn gốc từ sách GeV và có lẽ được soạn thảo bởi Đức Giáo hoàng Lêô Cả. Sau các bài đọc là phụng vụ Phép Rửa, trong đó chúng ta được nhấn chìm trong cái chết của Chúa Giêsu để có một cuộc sống mới trong Chúa Thánh Thần. Lời nguyện làm phép nước đã có sự thay đổi đáng kể so với bản văn trước đây và bị loại bỏ toàn bộ các cử chỉ được thực hiện trên nước (ngoại trừ việc nhúng cây nến Phục Sinh vào nước, nhưng cũng được tùy chọn). Cuối cùng là cử hành bí tích Thánh Thể, đỉnh cao của đêm Canh Thức, là Bí Tích tròn đầy của đêm Phục Sinh, đó là tưởng niệm lại hy lễ thập giá và sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh, hoàn tất việc gia nhập Kitô giáo, nếm trước ơn Phục Sinh vĩnh cửu.

Việc lắng nghe Lời Chúa kéo dài tạo thành yếu tố nguồn gốc, đặc trưng và đáng lưu ý đối với việc Canh Thức vì Chúa. Lưu ý rằng phụng vụ Lời Chúa đã có những sự thay đổi đáng kể. Cùng với những bản văn đã được công bố mời gọi chúng ta trải qua tất cả các giai đoạn của lịch sử cứu độ xoay quanh sự Phục Sinh của Chúa. Sự Phục Sinh của Chúa trở thành Phục Sinh của Giáo Hội, như lời công bố trong thư Phaolô gửi giáo đoàn Roma 6, 3-11  (qua bí tích rửa tội, chúng ta tham dự vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô). Do đó, lễ Phục Sinh cũng là một lời mời gọi để sống thực sự bí tích Rửa Tội mà chúng ta đã lựa chọn.

 

Chuyển ngữ: Phêrô Bùi Huy Ngọc
Nguồn: Matias Augé, “L’anno liturgico; È Cristo stesso presente nella sua Chiesa”, Liberia Editrice Vaticana, Città del Vaticano 2009, 113-116; 128-131; 149-152.

[1] Lễ Vượt Qua của người Do Thái cũng là một cử hành về đêm, nhưng nó phải kết thúc vào nửa đêm, trong khi lễ Vượt Qua của Kitô giáo tiếp tục cho đến khi gà gáy vào sáng sớm.
[2] Mishnah : sách chép đạo lý do các luật sĩ kinh sư Do Thái khẩu truyền, nhất là giải thích pháp luật tôn giáo. Nỗ lực muốn tuân theo luật pháp của Thiên Chúa ngay cả trong những chi tiết nhỏ nhặt và tôn trọng truyền thống đã dẫn đến việc thu thập các quy tắc. Midrash (= chú giải) xuất phát từ Thánh Kinh, trong khi mishnah xuất phát từ truyền thống truyền khẩu.
[3] Tertuliano, Sul battesimo 19,2.
[4] Tertuliano, Sul preghiera 23,2.
[5] Epistola degli Apostoli 15.
[6] Didascalia Siriaca 5,19
[7] “Ngày lễ Phục sinh là ngày thuận tiện nhất cho bí tích Rửa Tội. Bởi vì cuộc khổ nạn của Chúa đã được hoàn thành, trong đó chúng ta được chịu Phép Rửa” (Tertuliano, Sul battesimo 19,1)
[8] Cf. Ippolito, Commento a Daniel 1,16.
[9] Cf. Tradizione Apostolica 21.
[10] Siricio, Epist. 1,2: PL 13,1134-1135. Giáo Hoàng nói về lễ Phục Sinh và ngày lễ Ngũ Tuần là những ngày truyền thống để cử hành bí tích Rửa Tội.
[11] Leone Magno, Tractatus 40 (De ieiunio Quadragesimae), 2:CCL 138, 225.
[12] Cf. E. BargelliniL’Exultet, solenne benedizione a Dio sul cero pasquale, in Aa.Vv., Celebrare I’unita del Triduo Pasquale. vol. 3. Una Veglia illuminata dall’Assente, Elle Di Ci. Leumann (Torino) 1998, 65-88.
[13] Cf. H. Auf Der MaurLe celebrazioni nel ritmo del tempocit., 146-148.
 

[14] Cf.  Joannis Diaconi,  Epistola ad Senarium virumPL 59,399-408.
[15] Cf R. AMIET, La Veillee, cit., 74-75. Theo quyết định của  Giáo Hoàng Pio V, đối với những người cử hành thánh lễ vào buổi tối thậm chí còn có thể bị đình chỉ chức vụ.
[16] Những Qui Luật Tổng Quát Về Năm Phụng Vụ Và Niên Lịch. số 21
[17] Trong các văn bản của Do Thái Giáo (I Targum), thần học của Lễ Phục Sinh cũng nhấn mạnh khía cạnh cánh chung. Trong bài thơ bốn đêm, mô tả về  "đêm thứ tư" phê chuẩn truyền thống, đã phát triển rất nhiều trong Đạo Do Thái sau lưu đày và rất sống động trong thời Tân Ước, theo đó sự xuất hiện của Messiah và bắt đầu thế giới mới sẽ xảy ra trong suốt một đêm Phục sinh. Từ việc tưởng nhớ một Thiên Chúa diệu kỳ của sách Xuất hành, sau đó đã tiến hành tìm kiếm sự cứu độ trong tương lai sẽ được thực hiện với sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế (cf R. Le Déaut, La nuit paschale, Institut Biblique Pontifical, Rome 1963, 237-251 ).
[18] “Không phải tất cả cử hành hiện thời Đêm Canh Thức của nghi lễ Roma là đạt kết quả: sự lập của nghi thức ánh sáng, với việc thổi tắt nến (hai lần, sau công bố Tin Mừng Phục Sinh và sau nghi thức Rửa Tội); sự trùng lập công bố Tin Mừng Phục Sinh, trong bài Exsultet và trong bài Tin Mừng, nhấn mạnh các cử hành nối tiếp  (tiến - lùi, lên và xuống) rất khó nắm bắt sự kế tiếp và tiến triển” (S. Rosso, 11 segno del tempo nella Liturgia. Anno liturgico e Liturgia delle Ore, Elledici, Leumann [Torino] 2002, 259).
[19] Liên quan đến việc phê bình vì thiếu đoạn Xuất Hành 12: rơi vào bài đọc này trong Đêm Vọng Phục Sinh hiện tại “chắc chắn là sự thật đáng tiếc và bất thường nhất đã thực hiện trong các cải cách lễ Phục Sinh gần đây. Nếu chúng ta không nhanh chóng khắc phục sự bất tiện này, những cải cách này sẽ giảm đi, thay vì tăng lên, chúng ta có quyền cho chúng ta biết những kế thừa về Lễ Phục sinh của Giáo hội nguyên thủy, ít nhất là điểm này trong các bài đọc Kinh Thánh” (R. CANTALAMESSA, La Pasqua della nostra salvezza., 155; cf. 145-155).

Tác giả: Phêrô Bùi Huy Ngọc chuyển ngữ

Nguồn tin: Giáo phận Qui Nhơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây