Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Tâm tình sau Hội Ngộ (4): Cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải, vị ân sư khả kính của tôi.

-

-

Những hình ảnh Ban Truyền thông ghi lại những khuôn mặt các vị ân sư là những hình ảnh quý giá nhất, đẹp nhất, ý nghĩa nhất của ngày trở về, ngày đoàn tụ của tình thầy trò, nghĩa cha con. Điều may mắn cho chúng tôi là còn khá nhiều vị ân sư còn sống.
Tâm tình sau Hội Ngộ (4)
Cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải, vị ân sư khả kính của tôi.
 
Những hình ảnh Ban Truyền thông ghi lại những khuôn mặt các vị ân sư là những hình ảnh quý giá nhất, đẹp nhất, ý nghĩa nhất của ngày trở về, ngày đoàn tụ của tình thầy trò, nghĩa cha con. Điều may mắn cho chúng tôi là còn khá nhiều vị ân sư còn sống. Riêng cá nhân tôi vì được sống gần 10 năm bên vị ân sư Phêrô Nguyễn Hữu Giải nên có ít nhiều tâm tình dành cho ngài.
 
Khi viết về người cha với bao yêu thương, trìu mến, những cảm xúc trân trọng chợt vỡ òa và ước mong được như lời con trẻ đơn sơ thỏ thẻ tình cảm với mẹ cha mình. Tôi đã được may mắn ở bên ngài suốt quãng thời gian mùa hè 1974, lúc đó tôi có dịp tham gia cùng các chủng sinh khác đến vùng đất Ban Mê Thuộc để sinh hoạt cùng với anh em bụi đời thuộc ‘Tổ ấm huynh đệ’ do cha Hồ Hán Thanh (rip) thành lập, có cả bốn anh lớn lớp 68, trong đó có anh Nguyễn Xuân Sơn ra đi vĩnh biệt sau một cơn sốt rét rừng ác tính.
 
Các anh em chúng tôi cùng sống chung với những con người một thời vang bóng, họ là dân ken thứ thiệt, họ đã từng là những tay anh chị du đãng khét tiếng giang hồ, nay họ đã gác kiếm, để làm lại cuộc đời. Cha Hồ Hán Thanh đã xây dựng một tổ ấm huynh đệ để họ ‘cải tà quy chánh’ nhưng dường như nơi chốn đó không hội đủ các yếu tố cần thiết để khả dĩ thay đổi một nếp người, nên chi ngài đã xây dựng một nông trường (như kiểu kibbutz do thái) gần cầu 14, ngoại vi thành phố Ban Mê Thuộc. Có lẽ ngài muốn qua lao động, bằng giọt mồ hôi thực sự, bằng gian nan và biệt lập nơi hoang sơ, thiên nhiên mới có thể giúp đỡ các anh em bụi đời hoàn lương. Và người linh mục phụ tá cho ngài (cùng thuộc GHHV Đà lạt), đó là cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải.
 
Cứ mỗi ngày sau thánh lễ là nguyện gẫm, sau đó được phân công làm việc hòa chung với mọi người với tinh thần hòa đồng nhưng không đồng hóa. Công việc khá nặng nhọc: nào là lượm xương chó (đào bới các rễ cây) đem chất hàng đống; khi thì tỉa bắp, tỉa lúa, trồng đậu, làm cỏ…các công việc thuần nông dưới ánh nắng gay gắt của cao nguyên trung phần, khí hậu thay đổi trong ngày rất khó chịu. Sau mỗi chiều, chúng tôi ngồi lại cùng nhau, cầu nguyện, có cha Giải hiện diện, cùng chia sẻ cho nhau những việc như hoa thiêng liêng, các mẫu gương tốt và những tật xấu để tìm cách khắc phục…ngài luôn im lặng lắng nghe và ôn tồn, nhẹ nhàng khuyên nhủ, động viên chúng tôi, có khi tâm sự với từng người một và luôn giải tội hàng tuần. Tôi đã được diễm phúc hơn nhiều người khi được sống bên ngài suốt cả mùa hè 1974.
 
Sau biến cố 1975, vào trung tuần tháng tư, anh em chủng sinh TCV Hoan Thiện rục rịch về tựu lại tại 11 Đống Đa khoảng chừng 100 chú. Cha Giải là người có mặt ngay đầu tiên tại nhiệm sở vì ngài là cha giáo TCV. Sau này có thêm cha Anré Nguyễn Văn Phúc, cha Gioan Nguyễn Lợi (đảm nhận chức vụ bề trên trong một thời gian ngắn), cha Bart. Nguyễn Phùng Tuệ (rip).
 
Sự có mặt của linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải trong những ngày tựu trường đầu tiên sau biến cố có tác dụng xốc lại tinh thần của các chú đã ít nhiều bị lung lay, suy sụp khi thay đổi đột ngột hoàn cảnh, mọi sự đều xáo trộn và phải được làm lại từ đầu với nhiều thử thách chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu. Ban lãnh đạo mới với bao gánh nặng, lo âu chồng chất nhất là về mặt tài chánh (không còn sự trợ giúp nào nữa) nhưng TCV Hoan Thiện vẫn tồn tại đứng vững nhờ các linh mục giáo sư trẻ trung, can đảm mà theo tôi nổi bật nhất là cha Giải. Ngài đã thay thế nhiệm vụ khó khăn của cha bề trên Nguyễn Lợi (lãnh nhiệm vụ khác).
 
Cha Giải là người đủ tài, đủ đức để lèo lái nhà trường Hoan Thiện tiếp tục công việc đào tạo ơn gọi linh mục cho Hội Thánh với tiêu chí  mới: Nhu cầu mới, linh mục mới; với đường hướng hoàn toàn mới mẻ đó mà việc trước tiên là tập cho các ứng sinh thích nghi vô điều kiện với hoàn cảnh mới là tự lực cánh sinh bằng cách biến các sân cỏ nhà trường thành các vườn rau, nương khoai, rẫy sắn…Ngoài ra còn khai khẩn thêm ở Thiên Hữu, Thiên An làm thành nông trường Hoan Thiện. Ngài còn lo cho chúng tôi tiếp tục học chương trình phổ thông dang dở ở Bình Linh, Thiên Hữu, Quốc Học…
 
Bao lo toan, suy tính suốt năm năm trời, mà chúng tôi được trực tiếp thừa hưởng ở cạnh bên ngài, tuyệt nhiên chưa khi nào thấy ngài tỏ vẻ mệt mỏi, buồn chán, than thở điều chi cả; ngay cả những lúc TCV không còn một hột gạo, ngài vẫn điềm tĩnh, tìm biện pháp khắc phục. Tôi vẫn nhớ như in khi TCV gặp nguy nan, ngài vẫn bình tĩnh, đầy bản lĩnh đứng ra bảo vệ với tư cách chủ hộ, đứng mũi chịu sào, để các chủng sinh khỏi bị lung lạc bởi hệ lụy tư tưởng mới…khi đi học ở trường ngoài. Ngài đã tổ chức buổi kiểm điểm đời sống mỗi tối để mọi người có thể vững vàng, chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo, cũng như rút ra nhiều bài học bổ ích và tập tành sửa mình khi phải lỗi lầm,vấp phạm. Nhờ vậy, những phiền toái, rắc rối trong giai đoạn giao thời, quản lý con người bằng hộ khẩu bất di bất dịch (các chủng sinh muốn về cũng không được), vậy mà không một ai phản bội …
 
Nơi ngài, chúng tôi luôn cảm nghiệm đức tính hiền lành, vị tha cũng như không bao giờ tỏ vẻ ghét bỏ, ruồng rẩy một ai cả, nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc khi ai đó phạm lỗi.
 
Ngài sống thanh bần, giản dị, gia tài chỉ có hai bộ đồ bạc màu, một đôi dép lốp và một túi xách bằng vải để chuẩn bị sẵn sàng khi xảy ra tình huống đột xuất. Vậy đó, bề trên của chúng tôi là vậy đó! Có rất nhiều lần ngài được chính quyền mời làm việc căng thẳng suốt ngày, nhưng khi về nhà, ngài vẫn tươi cười, vui vẻ thoải mái, không để lộ một chút lo âu cho con cái.
 
Về mặt đạo đức, ngài là tấm gương tuyệt vời cho chúng tôi. Lúc nào cũng thấy ngài trong nhà nguyện, mùa hè nóng bức cũng như mùa đông lạnh lẽo, ngày cũng như đêm. Khi dâng lễ, bao giờ ngài cũng muốn chúng tôi soạn cho ngài áo lễ đẹp nhất, mới nhất, chắc chắn ngài muốn Thiên Chúa tỏ mình qua vị tư tế với phẩm phục trang trọng, chỉnh tề hầu nói lên sự trân trọng, tôn trọng của vị chủ tế khi dâng lễ vật cho Thiên Chúa. Việc gì khó khăn nhất là có ngài, không nệ hà chi cả, và dù bận rộn, nhưng sáng hoặc chiều, ngài đều tranh thủ lên Thiên An để dâng lễ với chúng tôi. Những khó khăn bên ngoài dù có lớn mấy cũng dễ vượt qua, nhưng khó khăn do nội bộ, mới đáng kể, ấy vậy mà ngài khôn ngoan, khéo léo lèo lái con thuyền TCV vượt qua tất cả.
 
Sau này,tôi mới được biết vị ân sư hiền từ của chúng tôi đã âm thầm nỗ lực hết mình cho công việc Bảo Vệ Sự Sống. Chính ngài đã đi tiên phong với việc thành lập Nghĩa trang Thiên thần với khoảng 40.000 sinh linh bé bỏng an nghỉ nghìn thu; ngoài ra còn nuôi nấng hàng ngàn trẻ em nên người, và biết bao bà mẹ trẻ lầm lỡ đã gượng dậy nhờ vào lòng từ bi, bác ái của ngài.
 
Những ngày Hội Ngộ vừa qua, lòng tự hào của bao thế hệ học trò dâng trào khi cha bề trên Phêrô được tôn vinh nhiều lần và được nhiều lớp lặn lội về An Bằng thăm viếng.
 
Khi chia tay ngài, tôi có hỏi ngài về chương trình Bảo Vệ Sự Sống của địa phận, ngài cho biết như sau: Năm 2004, giáo phận giao việc này cho cha Trương Văn Tập (HT.68). Sau khi cha Tập mất, giáo phận lại giao cho cha Dương Đức Toại. Được ít lâu, cha Toại qua đời, giáo phận giao cho cha Trần Văn Qúi. Tôi hỏi ngài có nhận xét gì về công việc BVSS mà cha Qúi đang đảm trách, ngài trả lời chắc nịch qua bốn chữ: Hoàn toàn tốt đẹp. Lòng tôi đã yên tâm, bình an trở lại sau bao điều nghi ngại, trăn trở…nhờ câu nói quả quyết của vị bề trên nhân lành.
 
Tóm lại một điều về cha Giải, đó là hai chữ bình an. Ai muốn biết điều đó, hãy gặp ngài tất hiểu, chúng tôi vừa gặp ngài dịp hội ngộ lớp 71 vào năm 2008 và hết sức vui mầng trong dịp hội ngộ 2011 này khi thấy vị tôn sư của mình vẫn còn trẻ, khỏe mạnh, dù đã tới tuổi 70 mà tóc chưa một sợi bạc, da mặt chưa một chấm đồi mồi. Ở bên cạnh ngài ai cũng thấy lòng mình thanh thản, yên tâm đó là do sự bình an mà Mẹ Lavang đã ban cho mỗi người qua ngài.
 
Mic. Nguyễn Hùng Dũng HT71
       

Tác giả: Mic. Nguyễn Hùng Dũng HT71

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây