Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Lễ Chúa Ba Ngôi. Giải thích Lời Chúa

Mặc khải Một Thiên Chúa Ba Ngôi Vị là một sự kiện đặc biệt của Ki-tô giáo, phân biệt với hai tôn giáo độc thần khác: Do thái giáo và Hồi giáo. Vào ngày lễ Chúa Ba Ngôi nầy, ba bài đọc lần lượt nêu bật Ba Ngôi Thiên Chúa.
CHÚA BA NGÔI

 
“Mặc Khải Một Chúa Ba Ngôi” không thuộc phạm vi của Cựu Ước. Cựu Ước bận lòng gìn giữ sự tinh tuyền độc thần giáo không ngừng bị đe dọa bởi môi trường đa thần giáo chung quanh.
 
Tuy nhiên, các bản văn Cựu Ước để lộ ra vài tiên cảm về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: tầm quan trọng được ban cho Thần Khí Thiên Chúa, ngôi vị hóa dần dần của Lời, đoạn của Đức Khôn Ngoan, nhất là trong những tác phẩm muộn thời.
 
Ngôi Lời Nhập Thể mặc khải Chúa Cha và Chúa Thánh Thần và sự hiệp nhất của hai Ngôi Vị nầy với Chúa Con trong một sự hiệp thông tròn đầy tình yêu, một sự tuôn trào liên tục, một sự đổi trao thường hằng. Vì thế, bản tính của Thiên Chúa là sự trao ban không ngừng nghỉ. Chính nhờ tình yêu tự hiến của Chúa Con và sự sai phái của Chúa Thánh Thần mà sự trao ban nầy giúp nhân loại được dự phần  vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.
 
Như vậy, mặc khải Một Thiên Chúa Ba Ngôi Vị là một sự kiện đặc biệt của Ki-tô giáo, phân biệt với hai tôn giáo độc thần khác: Do thái giáo và Hồi giáo. Vào ngày lễ Chúa Ba Ngôi nầy, ba bài đọc lần lượt nêu bật Ba Ngôi Thiên Chúa.
 
Đnl 4: 32-34, 39-40
 
Bài Đọc I, trích từ sách Đệ Nhị Luật, ca ngợi sự cao vời khôn ví của Đức Chúa, Thiên Chúa duy nhất, siêu việt và hoàn vũ. Đây là dung mạo của Chúa Cha.
 
Rm 8: 14-17
 
Trong Bài Đọc II được trích từ thư gởi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô cho thấy tác động biến đổi của Chúa Thánh Thần trên cuộc sống của người Ki-tô hữu.
 
Mt 28: 16-20
 
Bài Đọc III là phần kết thúc Tin Mừng Mát-thêu: Chúa Con Phục Sinh công bố mình là Chúa Tể hoàn vũ, căn nguyên ơn cứu độ cho muôn dân muôn nước và thường hằng phù trợ Giáo Hội của Ngài.
 
BÀI ĐỌC I (Đnl 4: 32-40)
 
Bài Đọc I được trích từ sách cuối cùng của bộ Ngũ Thư, được gọi là sách Đệ Nhị Luật, hay đơn giản là sách “Luật Thứ Hai” hay “Thứ Luật” (bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn). Tuy nhiên, sách không lập lại Luật được diễn tả trong các sách trước đó (sách Xuất Hành, sách Dân Số, sách Lê-vi); sách Đệ Nhị Luật đánh dấu những phát triển mới để thích ứng luật vào hoàn cảnh của một dân đang định cư và thậm chí đã an cư lập nghiệp đến nỗi có nguy cơ quên ơn gọi của mình.
 
“Luật Thứ Hai” này, được hư cấu trên môi miệng của ông Mô-sê, muốn nói lên rằng nó chỉ là khai triển luật của ông Mô-sê. Ông Mô-sê được cho là đang ngỏ lời với dân Ít-ra-en trước khi dân tiến vào Đất Hứa, nhưng thật ra đây là những thế hệ sau nầy được mời gọi trung thành với Đức Chúa của mình.
 
Sách Đệ Nhị Luật có chủ ý nhấn mạnh trên những nền tảng lịch sử và thần học của Luật. Đoạn trích mà chúng ta đọc hôm nay thật là có ý nghĩa về phương diện nầy. 
 
1. Nền tảng lịch sử của Luật (4: 32-34):
 
Bản văn rất nổi tiếng, được soạn thảo theo văn phong đầy cảm xúc, ca ngợi việc Đức Chúa chọn dân Ít-ra-en với cung giọng nồng nàn. Việc tuyển chọn nầy đem lại ý nghĩa cho những đòi hỏi của Luật.
 
Sự kiện vài ngàn người thoát khỏi kiếp sống nô lệ bên đất Ai-cập xem ra chẳng có nghĩa lý gì trong lịch sử chung của thế giới, nhưng thật ra đây là một biến cố độc nhất vô nhị: đây là lần đầu tiên Thiên Chúa minh nhiên can thiệp vào lịch sử thánh kể từ ngày khai thiên lập địa đến nay, vì Thiên Chúa đã chọn cho mình một dân giữa muôn dân: “Anh em cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh em, từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời nầy đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng?” (Đnl 4: 32). Lúc đó, bằng những ám chỉ, tác giả gợi lên những diễn biến của lịch sử đầy kinh ngạc nầy. Trước hết, tác giả nhắc nhớ biến cố chủ chốt: Thiên Chúa đã tỏ mình ra trên núi Xi-nai; mọi người đều được nghe tiếng Ngài mà không phải chết: “Có dân nào được nghe tiếng tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không?” (Đnl 4: 33).
 
Chúng ta lưu ý trong diễn từ nầy, ông Mô-sê không nói lên kinh nghiệm của riêng mình nhưng kinh nghiệm của dân chúng về Thiên Chúa. Quả thật, đó là một viễn cảnh rất hiển nhiên trong sách Đệ Nhị Luật: dân Ít-ra-en được xem như một cá thể, một chủ thể duy nhất, đồng nhất với chính mình qua muôn thế hệ.
 
Tiếp đó, người kể chuyện còn đi ngược dòng thời gian lên đến cuộc ra đi khỏi đất Ai-cập: “Hoặc có vị thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dùng cách tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đỡm, như Đức Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh em không?” (Đnl 4: 34). Chúng ta có thể nói Thiên Chúa đã “bứng” dân Do thái khỏi đất Ai-cập để làm thành dân riêng của Ngài.
 
- “đã dùng bao thử thách” ám chỉ đến những gian truân vất vả trong sa mạc: đói khát, mệt mõi, lang bạc rày đây mai đó, vân vân
 
- “dấu lạ, điềm thiêng”: nào là nước phun vọt ra từ tảng đá, bánh man-na rơi xuống từ trời, chim cút rơi trên mặt đất, vân vân.
 
- “chinh chiến”: tác giả dành một chỗ lớn cho những cuộc chiến; ông vừa mới kể dong dài cuộc chinh phục đầy gian khổ ở bên kia sông Gio-đan; ông bày tỏ lý tưởng quốc gia chinh chiến, mà ông biết làm cho nó đồng hiện diện với lời dạy về một tôn giáo nội tâm.
 
- “đã dùng cánh tay mạnh mẽ uy quyền”: đây là kiểu nói “như nhân”, kiểu nói nầy diễn tả vừa tính chất siêu việt của Thiên Chúa Ít-ra-en: Đấng hoàn toàn khác, vừa tính cách rất mực gần gũi của Ngài: Đấng làm cho mình trở nên gần gũi với nhân loại hơn, trở nên sống động với dân Ngài hơn. Đây cũng là cách thức nhấn mạnh sự bất lực và tính bất tất của các thần linh ngoại giáo.
 
Sau cùng, tác giả ngược dòng thời gian xa hơn nữa khi ám chỉ đến những chiến công gây kinh hoàng mà Thiên Chúa đã làm tại Ai-cập, nghĩa là những tai ương giáng xuống trên dân Ai-cập để buộc Pha-ra-ô phải để cho dân Do thái ra đi.
 
Sau khi Thiên Chúa đã bày tỏ biết bao ân cần của Ngài đối với dân, làm thế nào dân Chúa chọn có thể lại bất trung với Ngài được chứ?
 
2. Nền tảng thần học của Lề Luật (4: 39-40).
 
“Vậy, hôm nay đây, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều nầy”. Những lời nầy hình thành nên lời khuyên đạo lý đầu tiên tiêu biểu trong toàn bộ sách này. Tôn giáo mà sách Đệ Nhị Luật dạy không quy chiếu đến việc tuân giữ Lề Luật chi li, nhưng kêu gọi đến những tư thế sẵn sàng nội tâm và tình yêu đối với Thiên Chúa.
 
Vị Thiên Chúa nầy, hiện diện trong lịch sử, chính là Đấng Sáng Tạo, Ngài ngự trị “trên cõi trời cũng như dưới mặt đất, chính Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất, chứ không có Thiên Chúa nào khác”.
 
Lời nhắc nhở “Độc Thần giáo tuyệt đối” chắc chắn là cần thiết vào lúc nầy. Một phần sách Đệ Nhị Luật xem ra đã được các thầy Lê-vi thuộc vương quốc miền Bắc soạn thảo kể từ thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên, vào thời kỳ bội giáo của vương quốc nầy; nhưng rồi vào thế kỷ tiếp sau đó, vương quốc miền Nam, đến phiên mình, phạm tội thờ ngẫu tượng. Lời khẳng định về Thiên Chúa chân thật, duy nhất và siêu việt, Thiên Chúa của dân Ít-ra-en đòi hỏi phải vâng phục và yêu mến Ngài, chính là lời nhắc nhở thần học căn bản, đối mặt với những việc cúng tế đa thần giáo của dân Ca-na-an.
 
“Vậy, các giới răn và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền đạt cho anh em, anh em phải tuân hành”. Từ “hôm nay” của sách Đệ Nhị Luật nhấn mạnh giá trị thường hằng của những huấn lệnh Thiên Chúa. Tuân hành chúng là nguồn phúc lộc ở dưới thế nầy: “hạnh phúc và trường thọ”. Vào thời nầy, trong Kinh Thánh chưa có những viễn cảnh về những ân thưởng bên kia nấm mồ.
 
BÀI ĐỌC II (Rm 8: 14-17)
 
Thánh Phao-lô viết thư nầy từ Cô-rin-tô, vào mùa xuân 57-58, để chuẩn bị cho cuộc hành trình đến Rô-ma. Tuy nhiên, dự định đã không thành vì thánh nhân bị bắt vào mùa xuân năm sau ở Giê-ru-sa-lem. Chính trong cảnh giam cầm mà thánh nhân bị giải đến thủ đô của Đế Quốc vào đầu năm 61.

Trong những thư của thánh Phao-lô, thư gởi các tín hữu Rô-ma là thư dài nhất và quan trọng nhất về phương diện đạo lý. Sau bức tranh ảm đạm về việc nhân loại bị giam hãm trong tội lỗi, thánh nhân phác họa một bức tranh đầy an ủi về việc nhân loại được tái sinh và sống theo Thần Khí. Đây là chủ đề của chương 8 nầy.
 
1. Ơn nghĩa tử:
 
Thánh nhân ngỏ lời với những người chịu phép rửa, nhờ phép rửa, họ trở thành con cái Thiên Chúa. Thánh nhân khích lệ họ sống cho xứng đáng với phẩm chất nầy và mời gọi họ sống cuộc sống nội tâm, một cuộc sống cho phép họ lắng nghe Thần Khí, vì Thần Khí sở hữu quyền năng biến đổi.

Như vậy, Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử chứ không trở thành nô lệ. Vào thời đại nầy, sự sánh ví nầy rất hùng hồn. Người nô lệ là người không có quyền lợi gì, không sở hữu bất cứ điều gì, sống trong sợ hãi ông chủ của mình. Chỉ có người con mới có thể ngỏ lời với cha mình “Cha ơi!” trọn một tấm lòng yêu thương và tin tưởng.
 
2. Đồng thừa tự với Đức Ki tô.
 
Người con chẳng những chắc chắn hưởng được lòng yêu thương trìu mến của cha mình, mà còn có quyền thừa kế nữa. Người Ki-tô hữu là con cái của Chúa Cha nhờ Đức Ki-tô, Con Một của Thiên Chúa; và với Đức Ki-tô, họ trở nên đồng thừa tự những thiện hảo của Nước Trời. Một viễn cảnh như thế thì trái với pháp lý Do thái, nhưng hợp với luật Hy-lạp và Rô-ma, người con nuôi được hưởng quyền thừa kế như người con ruột. Như vậy, thánh nhân nhấn mạnh ơn ban nghĩa tử trong Chúa Thánh Thần.
 
Nhưng nếu ơn nghĩa tử nầy làm cho người Ki tô hữu nên anh chị em của Đức Ki-tô, thì nó lôi kéo họ vào trong những gian truân và cái chết của Ngài, trước khi cho họ được dự phần vào vinh quang của Ngài. Thánh nhân không làm dịu đi sứ điệp của mình.
 
TIN MỪNG (Mt 28: 16-20)
 
Chính trên hoạt cảnh uy nghi và hùng vĩ nầy mà sách Tin Mừng Mát-thêu kết thúc: trên một ngọn núi thuộc miền Ga-li-lê, Đức Ki-tô Phục Sinh hiện ra cho nhóm Mười Một, họ phủ phục dưới chân Ngài. Ngài mặc khải quyền chủ tể hoàn vũ của Ngài và truyền lệnh cho họ loan báo Tin Mừng cho khắp thiên hạ, bằng cách đảm bảo với họ ơn phù trợ của Ngài.
 
Thánh Mát-thêu không tường thuật bất cứ lần hiện ra nào của Đức Giê-su với nhóm Mười Một nầy sau khi Ngài sống lại ngoại trừ lần hiện ra nầy, bởi vì thánh ký tập trung chứng từ về cuộc sống của Đấng Phục Sinh và những lời căn dặn sau cùng của Ngài vào cuộc gặp gỡ duy nhất nầy. Như vậy, biến cố nầy mang lấy một chiều kích đặc biệt.
 
1. Miền Ga-li-lê.
 
Sự kiện xảy ra ở miền Ga-li-lê. Chính ở đó mà Đức Giê-su đã ba lần hẹn gặp các Tông Đồ của Ngài. Lần thứ nhất, Ngài đã báo trước việc thánh Phê-rô sẽ chối Ngài và các ông sẽ vấp ngã vì Ngài: “Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em” (26: 32). Lần thứ hai vào buổi sáng Phục Sinh, sứ thần đã nói với các người phụ nữ: “Các bà…mau về nói với môn đệ Người như thế nầy: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông” (29: 7). Lần thứ ba, Đức Giê-su đã lập lại cùng một sứ điệp: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (28: 10). Thánh Mát-thêu là thánh ký duy nhất nhắc lại ba lần cuộc hẹn gặp ở Ga-li-lê nầy, trong khi thánh Lu-ca đặt cuộc gặp gỡ sau cùng của Đức Giê-su với các Tông Đồ của Ngài ở Giê-ru-sa-lem. Thánh Mát-thêu không thích thành đô Giê-ru-sa-lem vì nó đã phản bội sứ mạng của mình, vì thế thánh ký dành cho miền Ga-li-lê sứ điệp tối thượng của Đức Giê-su.
 
Cuộc gặp gỡ được định vị trên một ngọn núi, ngọn núi nào xem ra chẳng quan trọng gì: ngọn núi chỉ là biểu tượng. Không phải lời dạy về các mối phúc được vang lên trên một ngọn núi sao?
 
2. Họ phủ phục.
 
“Khi thấy Người, các ông phủ phục, nhưng có mấy ông lại hoài nghi”. Dường như chúng ta có ở đây một hoạt cảnh sóng đôi với những hoạt cảnh mà ở đó thánh Mác-cô và thánh Lu-ca mô tả những hoài nghi như thế: “Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng” (Mc 16: 14). Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em ngờ vực…” (Lc 24: 36).
 
Đức Giê-su tiến lại gần họ để họ nhận ra Ngài rõ hơn. Sau khi đã trấn an họ, Ngài cho họ dự phần vào vinh quang của Ngài và trao phó cho họ sứ mạng tối hậu của Ngài.
 
3. “Thầy đã được trao quyền trên trời dưới đất”.
 
Quyền thống trị hoàn vũ nầy đã được ngôn sứ Đa-ni-en loan báo về một nhân vật mầu nhiệm với tược vị “Con Người” rồi: “Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong” (Đn 7: 14).
 
Tiếp đó, Đức Giê-su trao cho các Tông Đồ sứ mạng loan báo Tin Mừng: “Vậy anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
 
Đây là một trong những ghi chú về Thiên Chúa Ba Ngôi rõ nét nhất trong toàn bộ sách Tin Mừng Mát-thêu. Quả thật, phép rửa mà Đức Giê-su đã lãnh nhận trong dòng sông Gio-đan trước kia đã bày tỏ Ba Ngôi Thiên Chúa rồi: “Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3: 16-17).
 
Chính ở dưới dấu hiệu Ba Ngôi Thiên Chúa nầy mà phép rửa Ki-tô giáo được ban cho. Biểu thức mà thánh Mát-thêu trích dẫn là biểu thức Phép Rửa được Giáo Hội dùng rất sớm. Trong chứng liệu rất cổ xưa thuộc cuối thế kỷ thứ nhất, sách “Didaché” (hay “Đạo lý của Mười Hai Tông Đồ”), sưu tập giáo lý và phụng vụ, chúng ta gặp thấy những hàng nầy: “Khi phép rửa bởi việc dìm mình vào trong nước không thể, phải rửa trong nước thông thường bằng cách đổ nước ba lần trên đầu nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Didaché 7, 3). Biểu thức Ba Ngôi của thánh Mát-thêu càng quý hơn nữa nếu chúng ta so sánh với biểu thức của thánh Phao-lô: “Anh em đã chịu phép rửa trong Đức Giê-su Ki-tô” (Rm 6: 3; Gl 3: 27), hoặc “Chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí” (1Cr 12: 13), và với biểu thức của sách Công Vụ: “Họ đã chịu phép rửa nhân danh Chúa Giê-su” (Cv 8: 16; 19: 5).
 
4. “Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em”
 
Chúng ta nên lưu ý rằng trong diễn từ nầy Đức Giê-su nói theo cùng uy quyền và hầu như với cùng những ngôn từ như Đức Chúa của sách Đệ Nhị Luật mà ông Mô-sê nhắc lại sự cao vời khôn ví của Ngài và truyền đạt sứ điệp của Ngài: “Trên cõi trời cũng như dưới mặt đất, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có Thiên Chúa nào khác. Vậy, các giới răn và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền đạt cho anh em, anh em phải tuân hành…”.
 
5. “Còn Thầy, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
 
Ở đây, Chúa Giê-su không nói như một lời hứa: “Thầy sẽ ở cùng anh em”, nhưng như một lời khẳng định: “Thầy ở cùng anh em”. Đây là một lời khẳng định tuyệt vời nhất về sự hiện diện của Thiên Chúa. Chính nhờ sự hiện diện của Thiên Chúa trong suốt chiều dài lịch sử mà dân Ít-ra-en đã được hình thành và được phù trợ. Đó cũng lời khẳng định hình thành nên dân Thiên Chúa mới, tức Giáo Hội, được đảm bảo bởi sự phù trợ của Đức Ki-tô mọi ngày cho đến tận thế.
 
Cuối cùng chúng ta ghi nhận rằng, thánh ký, rất nhạy bén trước chiều kích phổ quát của ơn cứu độ, hoàn tất tác phẩm của mình trên viễn cảnh rộng lớn về cuộc hoán cải của muôn dân. 

Tác giả: Lm Hồ Thông HT68

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây