Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Lễ Chúa Ba Ngôi A. Giải thích Lời Chúa

-

-

tác giả Tin Mừng tô thật đậm tình yêu của Chúa Cha và tình yêu của Chúa Con, tình yêu tuôn tràn trên nhân loại, chính ở nơi tình yêu tròn đầy giữa Cha và Con mà Giáo Hội nhận ra cách thức diễn tả Chúa Thánh Thần, “Đấng nhiệm xuất từ Cha và Con”.
LỄ BA NGÔI

 
Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Ngũ Tuần được liên kết khá sớm với việc cử hành lễ Ba Ngôi. Lễ tôn vinh Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được cử hành vào thế kỷ thứ bảy. Chiếm một chỗ xác định trong lịch phụng vụ, cuộc cử hành nầy dần dần được xem như một ngày lễ đặc biệt. Kể từ thế kỷ thứ mười, có khá nhiều nhà thờ cử hành thánh lễ nầy một cách long trọng. Vào năm 1334, Đức Giáo Hoàng Gioan XXII chuẩn nhận việc cử hành nầy ở Rô-ma và mở rộng đến Giáo hội hoàn vũ.
 
Xh 34: 4-6, 8-9
 
Bài Đọc I là đoạn trích dẫn nổi tiếng từ sách Xuất Hành, trong đó Thiên Chúa mặc khải cho ông Mô-sê Danh của Ngài: “Đức Chúa”  và định nghĩa chính mình: “Thiên Chúa từ bi nhân hậu, nhẫn nại, giàu ân nghĩa và thành tín”.
 
2Cr 13: 11-13
 
Đây là Phần Kết thư thứ hai của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô. Phần Kết này chứa đựng một trong những công thức Ba Ngôi chính xác nhất của toàn bộ Tân Ước.
 
Ga 3: 16-18
 
Đoạn trích Tin Mừng Gioan hôm nay gợi lên tình yêu của Chúa Cha, Đấng trao ban Con của Ngài cho nhân loại để họ được sống đời đời. Ở nơi sự hiệp thông tình yêu mật thiết giữa Cha và Con và sự tuôn tràn của tình yêu nầy về thụ tạo, Giáo Hội nhận ra cách thức diễn tả Chúa Thánh Thần.
 
BÀI ĐỌC I (Xh 34: 4-6, 8-9).
 
Sách Xuất Hành thuật lại cuộc ra khỏi đất Ai-cập và thời kỳ đầu tiên dân Do thái hành trình trong hoang địa. Biến cố nầy được định vị có lẽ vào thế kỷ 13 tCn. Nhưng bài trình thuật cũng ghi lại kinh nghiệm tôn giáo của một dân tộc, kinh nghiệm duy nhất mà vị lãnh đạo của dân, ông Mô-sê, người mà Thiên Chúa đã mặc khải Danh Ngài, được thụ hưởng trước tiên.
 
Sách Xuất Hành tường thuật đến ba lần mặc khải nầy, và mỗi một lần, từ những nguồn khác nhau. Người ta biết rằng ba chứng liệu cốt yếu làm nên nền tảng của sách Xuất Hành cũng như Ngũ Thư: chứng liệu Gia-vít (Thiên Chúa được gọi Gia-vê), chứng liệu Ê-lô-hít (Thiên Chúa được gọi Ê-lô-him) và chứng liệu Tư Tế (được các tư tế biên soạn, và Thiên Chúa cũng được gọi Ê-lô-him).
 
 Thiên Chúa mặc khải Danh Ngài cho ông Mô-sê lần thứ nhất vào lúc Ngài trao phó cho ông sứ mạng giải phóng dân Do thái khỏi ách Ai-cập, theo trình thuật Ê-lô-hít (Xh 3: 14-15); lần thứ hai sau cuộc thất bại của ông Mô-sê khi hội kiến với Pha-ra-on, theo trình thuật Tư Tế (Xh 6: 2-5); lần thứ ba ở nơi bản văn mà chúng ta đọc vào Lễ Ba Ngôi hôm nay, theo trình thuật Gia-vít. Tác giả chỉ long trọng nhắc lại Danh Thiên Chúa là “Gia-vê”, bởi vì ông đã luôn luôn gọi Thiên Chúa dưới danh xưng nầy trước đây rồi, nhưng ông mang đến cho mặc khải cảm động này những phẩm tính của chính Hữu Thể thần linh, Ngài là một vị Chúa rất mực yêu thương, hay tha thứ và giàu lòng nhân hậu.
 
1. Thần Hiển trên núi:
 
“Khi ấy, ông Mô-sê dậy sớm và lên núi Xi-nai theo lệnh Chúa đã truyền cho ông; ông mang hai bia đá trong tay”. Trước đây, ông Mô-sê đã lên núi Xi-nai và đã lãnh nhận ở đó hai tấm bia đá ghi khắc Lề Luật rồi. Nhưng trong lúc xuống núi, ông đã đau đớn khi sửng sốt nhìn thấy cảnh tượng dân Do thái múa hát chung quanh “con bê bằng vàng” và xưng tụng nó như vị thần linh đã giải thoát mình khỏi ách nô lệ bên Ai-cập. Tức giận, ông đã ném vỡ hai tấm bia Lề Luật (Xh 32: 19).
 
Chương 34, mà bài trình thuật hôm nay được trích dẫn, mô tả việc tái lập Giao Ước. Thật ra, bài trình thuật nầy là một bài trình thuật nhị trùng với bài trình thuật Giao Ước thứ nhất. Nhà biên soạn sau cùng của sách Xuất Hành đã toan tính hòa hợp các bài trình thuật thuộc nhiều chứng liệu khác nhau vào đây. Khi định vị bài trình thuật thuộc chứng liệu Gia-vít về việc tái lập Giao Ước sau tội bội giáo của dân vào đây, ông đã cho bài trình thuật nầy một nét riêng: “Đức Chúa là Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, giàu ân nghĩa và thành tín”.
 
Những chi tiết của bài trình thuật này mang dấu ấn của tác giả Gia-vít. Cũng chính tác giả này trong sách Sáng Thế trình bày Đức Chúa “đi dạo với hai ông bà nguyên tổ trong vườn lúc gió chiều hiu hiu thổi” (St 3: 8); cũng chính ông trong bài trình thuật hôm nay mô tả “Chúa ngự xuống trong đám mây”, đám mây chiếu sáng nầy vừa báo hiệu những đồng thời vừa che phủ sự hiện diện của Thiên Chúa, qua hình ảnh này, tác giả diễn tả sự gần gũi thân tình của Thiên Chúa, nhưng đồng thời sự siêu việt khôn tả của Ngài; và cũng chính ông trong bài trình thuật hôm nay mô tả Thiên Chúa “đứng đó với ông Mô-sê” theo cùng cung cách thân mật như Ngài đã đứng gần bên A-đam và nói chuyện với ông. Hoạt cảnh vừa giản dị vừa uy nghi hùng vĩ.
 
Người ta đã đặt nhan đề cho sách Xuất Hành là “Tin Mừng Cựu Ước”. Sách xứng đáng với tên gọi nầy: Thiên Chúa ngự xuống và đứng bên cạnh con người để mặc khải tình yêu của Ngài và loan báo sự tha thứ của Ngài.
 
2. Danh Thiên Chúa:
 
“Người xưng danh Người là Gia-vê”. Danh Thiên Chúa là “Gia-vê” được diễn tả bởi bốn phụ âm thánh: YHWH do hình thức cổ xưa của động từ “là”. Danh nầy khá bí ẩn đến nổi người ta có thể kết luận rằngThiên Chúa không thực sự trao ban Danh Ngài. Lại càng không nữa, vì theo não trạng Sê-mít, tên là chính người mang tên ấy, biết tên của một vị thần linh, chính là có quyền điều khiển vị thần linh mang tên đó theo ý muốn của mình. Thiên Chúa không phải trao phó mình vào trong tay con người. Như thế, điều này muốn nói rằng Danh Thiên Chúa thì khôn tả, một mầu nhiệm khôn dò của Ngài. Dù thế nào, Thiên Chúa định vị mình như Hữu Thể siêu việt, độc lập tuyệt đối, không hư vô như các ngẫu tượng, Ngài tự hữu.
 
Vào thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, dân Do thái có thói quen không xướng danh Gia-vê để tôn kính Thiên Chúa. Danh nầy được thay thế bằng một tước hiệu cao quý khác theo tiếng Do thái “Adonai” hay theo tiếng Hy lạp “Kurios”. Bản dịch của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, vì muốn gìn giữ sự tôn kính danh Thiên Chúa theo văn hóa dân Do thái, đã thay thế danh Thiên Chúa này bằng danh xưng “Đức Chúa”.
 
3. Thiên Chúa từ bi nhân hậu, nhẫn nại, giàu ân nghĩa và thành tín.
 
Dù danh Thiên Chúa được hiểu như thế nào, thì Thiên Chúa cũng tự giới thiệu mình cho ông Mô-sê ngay liền sau đó: “Đức Chúa! Đức Chúa!  Thiên Chúa từ bi nhân hậu, nhẫn nại, giàu ân nghĩa và thành tín”. Trong ngữ cảnh trực tiếp, qua lời giới thiệu này, Thiên Chúa muốn nói với ông Môsê là Ngài tha thứ cho dân Ngài tội bội giáo mà việc thờ lạy con bê vàng là chứng cớ hiển nhiên. Trong ngữ cảnh chung của Kinh Thánh, mặc khải nầy được ghi khắc như cải chính hình ảnh của một Thiên Chúa đáng sợ và thù hằn. Mặc khải này loan báo những sứ điệp của các đại ngôn sứ và giáo huấn của sách Đệ Nhị Luật về lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Mặc khải này đánh dấu một trong những đỉnh cao của Cựu Ước.
 
4. Lời cầu bầu của ông Mô-sê: 
 
Ông Mô-sê là người trung gian giữa Thiên Chúa chí thánh và một dân tội lỗi. Trước nỗi xao xuyến của ông Mô-sê về tội lỗi của dân mình, Thiên Chúa đáp trả bằng cách nêu ra lòng từ bi nhân hậu của Ngài. Như được yên tâm, ông Mô-sê tin tưởng nhưng khiêm hạ nói lên lời cầu bầu của mình.
 
Lời cầu bầu này thật có ý nghĩa trong bối cảnh vừa mới xảy ra trước đây: dân Do thái, khốn khổ vì khát, đã than trách và ngờ vực: “Có Đức Chúa ở giữa chúng tôi không?” (Xh 17: 7) và những kẻ dựng tượng bò vàng là muốn “có một vị thần minh mà họ thấy được dẫn đầu họ” (Xh 32: 23). Vì thế, phải chăng Thiên Chúa của dân Ít-ra-en quá siêu việt đến nổi phải thay thế Ngài bằng một ngẫu tượng vật chất để mà dân có thể cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa? Thế nên, ông Mô-sê bạo gan khẩn nguyện cùng Chúa: “Lạy Chúa, nếu quả tôi được nghĩa với Chúa, thì dám xin Chúa cùng đi đường với chúng tôi. Dân nầy là một dân cứng cổ, nhưng xin tha thứ tội tình lầm lỗi chúng tôi, và nhận chúng tôi làm dân riêng của Ngài”. Đó là tất cả ý nghĩa của Giao Ước Xi-nai. Đó cũng sẽ là Giao Ước Mới.
 
BÀI ĐỌC II (2Cr 13: 11-13).
 
Thư thứ hai của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô có lẽ được viết vào cuối năm 56 hay 57. Đoạn trích dẫn hôm nay là Phần Kết thúc của thư nầy.
 
1. Những lời khích lệ:
 
Thánh Phao-lô thông thường kết thúc các thư của mình với những lời khích lệ. Cũng vậy, trong lời kết của bức thư này, thánh nhân mời gọi họ hãy vui mừng và nổ lực nên hoàn thiện, tiếp đó hãy đồng tâm nhất trí với nhau và ăn ở hòa thuận. Lời khuyên bảo này ám chỉ cách kín đáo đến những chia rẽ trước đây của cộng đoàn Cô-rin-tô, bây giờ mọi việc đã qua rồi.
 
“Anh em hãy hôn chào nhau một cách thánh thiện”. Đó là dấu chỉ của tình bạn. Thánh nhân thường khuyên đem lại cho nụ hôn huynh đệ nầy tất cả ý nghĩa của nó (x. 1Th 5: 26; 1Cr 16: 20; Rm 16: 16). Tiếp đó, “Tất cả tín hữu ở đây gi lời chào anh em”. Các tín hữu nầy là cộng đồng Ki-tô hữu mà thánh Phao-lô viết bức thư này gởi cho họ khi thánh nhân ở Trô-a hay đúng hơn, ở Ma-xê-đô-ni-a.
 
2. Lời chúc kết thư:
 
Lời chúc kết thư được diễn tả bởi biểu thức Ba Ngôi, một trong những biểu thức Ba Ngôi rõ nét nhất trong toàn bộ Tân Ước: “Xin chúc toàn thể anh em được đầy ân sủng của Đức Giê-su Kitô, đầy tình thương của Chúa Cha, và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần.” Lời cầu chúc nầy có thể bắt nguồn phụng vụ, điều nầy làm chứng cho tính cổ xưa của nó.
 
Kể từ cuộc canh tân phụng vụ, chính với lời chào nầy mà linh mục tiếp đón các tín hữu ở đầu Thánh Lễ: “Nguyện xin ân sủng của Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh em”. Biểu thức cổ xưa đơn giản là biểu thức mà vị linh mục công bố khi làm dấu Thánh Giá: “Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”. Biểu thức nầy cũng là Ba Ngôi nhưng không nhất thiết đón tiếp Cộng Đoàn.
 
TIN MỪNG (Ga 3: 16-18).
 
Đoạn trích Tin Mừng Gioan vào Lễ Ba Ngôi hôm nay là phần cuối cuộc đối thoại của Đức Giê-su với ông Ni-cô-đê-mô, một nhân vật Biệt Phái có thế giá đến gặp gỡ Đức Giê-su vào ban đêm.
 
1. Tiến trình của đức tin:
 
Thiết tưởng chúng ta nên nhắc lại phần đầu. Ông Ni-cô đê-mô là một nhân vật Biệt Phái thế giá có thiện cảm với Đức Giê-su. Ông đến gặp gỡ Đức Giê-su để được hiểu thêm nữa về Ngài, nhưng lại đến vào ban đêm vì ông sợ giai cấp lãnh Do thái dị nghị về mình. Trong cuộc gặp gỡ đó, Đức Giê-su không úp mở nói thẳng với ông về những khó khăn để tin. Chúng ta lưu ý rằng thánh Gioan không bao giờ dùng danh từ “niềm tin” theo cách trừu tượng và ở trạng thái tỉnh, nhưng luôn luôn dùng động từ “tin”, hàm chứa một chuyển động đầy tính năng động của việc gắn bó keo sơn bền chặc. Phải tái sinh “từ trên cao” và đặt mình dưới hơi thở của Thần Khí (3: 7). Phải nhận ra nguồn gốc thần linh của “Con Người” và chấp nhận “sự siêu thăng của Ngài” trên thập giá (3: 13-14). Một tiến trình như thế được Thần Khí dẫn đưa vào trong mầu nhiệm tình yêu.
 
2. Tình yêu của Chúa Cha:
 
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người”. Việc khai triển ở đây phải chăng vẫn còn thuộc vào bài diễn từ của Đức Giê-su hay trình bày những suy tư cá nhân của tác giả Tin Mừng? Giả thuyết thứ hai xem ra đúng hơn. Chủ đề và từ ngữ gần với Tựa Ngôn của sách Tin Mừng cũng như thư thứ nhất của thánh Gioan.
 
Từ ngữ “thế gian” trong Tin Mừng Gioan thường có ý nghĩa tiêu cực để chỉ những con cái của bóng tối tìm cách chống lại chương trình cứu độ của Thiên Chúa; nhưng rõ ràng đó không là trường hợp của đoạn Tin Mừng hôm nay. Ở đây, thế gian chỉ toàn thể nhân loại mà Thiên Chúa yêu thương đến mức đã sai Con của Ngài đến“để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Chúng ta nhận ra ở nơi lời phát biểu này kiểu nói sê-mít, theo đó để tăng cường sự khẳng định bằng cách đi kèm theo khía cạnh phủ định của nó. Đây là lời khẳng định về tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với nhân loại và chiều kích phổ quát của ơn cứu độ.
 
Tình yêu bao la của Chúa Cha đối với nhân loại được nhấn mạnh qua cách diễn tả: “Ngài đã ban Con Một của Ngài. Thánh Gioan là tác giả Tin Mừng duy nhất dùng danh xưng “Con Một” (hai lần trong Tựa Ngôn Tin Mừng 1: 16 và 18, hai lần trong đọan văn nầy và được lặp lại trong thư thứ nhất: 1Ga 4: 6.). Danh xưng nầy gợi ra tức khắc I-xa-ác, người con một rất mực thiết thân của ông Áp-ra-ham. Trong câu chuyện của sách Sáng Thế (22: 1-14), chính người cha đã đích thân dẫn đứa con duy nhất của mình đến cái chết (St 22: 1-14), trong đó, nỗi đau thầm lặng tận đáy lòng của người cha chỉ gợi ý. Cũng như trong bài trình thuật Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan chỉ nói bóng gió nỗi đau tận đáy lòng của Chúa Cha, Đấng trao nộp Con Một của Ngài vào tay con người cho đến tận cái chết, như lời khẳng định của thánh Phao-lô: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8: 32), và sau này lời nhận định của Giáo Phụ Ô-ri-giê-nê: “Cuộc Tử Nạn nầy của Chúa Cha là cuộc tử nạn của tình yêu”.
 
3. Đấng cứu độ chứ không là vị Thẩm Phán:
 
“Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ”. Truyền thống Do thái dự kiến rằng Đấng Thiên Sai đến là Đấng Thiên Sai-Thẩm Phán, tức là kỷ nguyên thiên sai khai mở ngày Chung Thẩm. Thánh Gioan Tẩy Giả đã mạnh mẽ nhắc lại điều nầy: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa… Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẩm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 3: 10 và 12).
 
Thần học Gioan thì hoàn toàn khác. Một mặt, thánh ký đặt ưu tiên hành động cứu độ của Đức Giê-su, mặt khác, nội tâm hóa việc xét xử. Đức Kitô đã đến với tư cách là Đấng Cứu Độ chứ không là Thẫm Phán: Ngài dẫn đưa con người đến “sự sống đời đời”. Sự sống đời đời, theo Tin Mừng Gioan, không chỉ là cuộc sống tương lai trong một thế giới sắp đến, nhưng còn dự phần vào sự sống Thiên Chúa ngay từ thế giới hiện nay.
 
4. Chiều kích nội tâm của việc xét xử:
 
Ý định Thiên Chúa cứu độ con người không thể nào được thực hiện nếu không có sự đồng thuận của con người, họ phải chọn lựa: “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi.”
 
Lời cảnh báo được gởi đến với hết mọi người, nhưng mạch văn của chương 3 nầy, như mạch văn của chương 2, hướng tư tưởng về tấm thảm kịch của sự chọn lựa được đặt ra cho nhóm Biệt Phái cũng như cho mọi người Do thái khi đối mặt với sự hiện diện của Đức Giê-su, giáo huấn của Người và những dấu chỉ mà Người ban làm chứng Ngài được Chúa Cha sai đến. Nếu cương quyết không chịu tin, khăng khăng nhất mực từ chối ánh sáng, thái độ nầy sẽ kết án những ai chọn lựa như vậy. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt Tin Mừng thứ tư được dệt nên bằng sự căng thẳng nầy.
 
5. Khía cạnh Ba Ngôi:
 
Chúng ta có thể ngạc nhiên về việc chọn lựa bản văn nầy vào Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngôi thứ nhất và Ngôi thứ hai được nêu tên ở đây, nhưng Ngôi thứ ba xem ra không thấy nói đến. Quả thật, tác giả Tin Mừng tô thật đậm tình yêu của Chúa Cha và tình yêu của Chúa Con, tình yêu tuôn tràn trên nhân loại, chính ở nơi tình yêu tròn đầy giữa Cha và Con mà Giáo Hội nhận ra cách thức diễn tả Chúa Thánh Thần, “Đấng nhiệm xuất từ Cha và Con”. Thánh Thần là Đấng thông truyền và khuếch trương cuộc sống Thiên Chúa.

Tác giả: Lm Hồ Thông HT68

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây