Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Chúa nhật 31 TN C. Giải thích Lời Chúa

-

-

Chính nhờ tấm lòng khoan dung độ lượng của Đức Giê-su với ông Da-kêu, một tội nhân, khi Ngài tự nguyện lưu lại nhà ông mà ông Da-kêu đã hoán cải chân thành.
CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN

 
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay thắp sáng “tấm lòng khoan dung độ lượng của Chúa”.
 
Kn 11: 22-12: 2
 
Tác giả sách Khôn Ngoan khẳng định “Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa”.
 
2Tx 1: 11-2: 1-2
 
Thánh Phao-lô không ngừng cầu nguyện cho các tín hữu để họ nhận biết tấm lòng khoan dung độ lượng của Thiên Chúa khi Ngài ban cho họ biết bao hồng ân trong cuộc đời này.
 
Lc 19: 1-10
 
Chính nhờ tấm lòng khoan dung độ lượng của Đức Giê-su với ông Da-kêu, một tội nhân, khi Ngài tự nguyện lưu lại nhà ông mà ông Da-kêu đã hoán cải chân thành. Chính vào ngày hôm ấy, ông Da-kêu hiểu hơn ai hết câu xưng tụng nầy: “Các bạn hãy nếm thử và nhìn xem cho biết Thiên Chúa chúng ta thiện hảo là dường nào”.
 
BÀI ĐỌC I (Kn 11: 22-12: 2)
 
Đoạn trích sách Khôn Ngoan này, trình bày cách tinh tế sự phổ quát của lòng Chúa xót thương, bắt đầu khi khẳng định sự hoàn toàn vô nghĩa của con người: “Toàn thể vũ trụ ví tựa hạt cát trên bàn cân, tựa giọt sương mai rơi trên mặt đất” (Kn 11: 22). Câu mở đầu này gợi nhớ đến Is 40: 15: “Này các quốc gia như thể giọt nước bám miệng thùng, khác nào hạt cát dính bàn cân”. Tư tưởng về sự siêu việt của Thiên Chúa nêu bật sự hạ cố của lòng Chúa xót thương. Lòng Chúa xót thương tự bày tỏ ở nơi hai loại hành động: sáng tạo-bảo tồn và tha thứ tội lỗi.
 
Câu nói: “Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra” (Kn 11: 24) đánh động tâm can chúng ta. Câu này muốn nói rằng dù con người gây xáo trộn công trình tạo dựng của Thiên Chúa, tuy nhiên nó vẫn là công trình tạo dựng của Ngài. Sinh khí bất diệt của Ngài ở trong muôn loài muôn vật (12: 1), thế nên con người có thể nài xin Thiên Chúa đừng tiêu hủy công trình của Ngài, như nhà họa sĩ hay nhà điêu khắc không cam tâm thấy tác phẩm của mình bị hủy hoại.
 
Phải chăng tác giả là người Do thái chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Hy-lạp khi nói về sinh khí thần linh nội tại trong muôn loài muôn vật, điều này không rõ, nhưng đó cũng là Thần Khí, quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa siêu việt đang hoạt động trong muôn loài thụ tạo theo tư tưởng Kinh Thánh. Có thể tác giả suy nghĩ về hoạt động của sinh khí theo ngôn từ Kinh Thánh, nhưng lướt nhẹ vào ngôn ngữ Hy-lạp để diễn tả cách chính truyền những tư tưởng Kinh Thánh. Dù thế nào, điều này chỉ là phụ so với mối quan tâm chính yếu của tác giả: “Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa”. Trong Tân Ước, Thần Khí được nhận biết chủ yếu là không là sinh khí thần linh nội tại trong vu trụ nhưng là thiên ân ban cho những ai tin vào Đức Giê-su Ki-tô.
 
BÀI ĐỌC II (2Tx 1: 11-2: 2)
 
Vào thời thánh Phao-lô, Thê-xa-lô-ni-ca là một thành phố cảng nằm trên các trục giao thông đường biển quan trọng, vì thế thành phố này hưởng được một nền thương mại rất phồn vinh. Ở đây có một cộng đoàn kiều bào Do thái rất đông với hội đường của họ.
 
Theo sách Công Vụ, trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai, thánh Phao-lô đã thiết lập cộng đoàn Ki-tô hữu Thê-xa-lô-ni-ca này, gồm cả người Do thái lẫn lương dân. Công việc truyền giáo rất thành công của thánh Phao-lô khơi dậy lòng ghen tương của những người Do thái khác. Họ tố cáo các nhà truyền giáo là chống lại các chiếu chỉ của hoàng đế và điệu một số Ki-tô hữu ra trước các thẩm phán (Cv 17: 5-9), Vì thế thánh Phao-lô cùng với hai cộng tác viên của mình là ông Xi-la và ông Ti-mô-thê ban đêm phải vội vã trốn chạy khỏi thành.
 
Khi phải từ giã cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca cách đột ngột ngoài ý muốn, thánh Phao-lô không khỏi bồn chồn lo lắng về cộng đoàn non trẻ đang bị bách hại này. Vì thế, từ Cô-rin-tô, thánh Phao-lô gởi cho cộng đoàn này hai bức thư để củng cố lòng tin của họ. Đoạn trích thư thứ hai gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca này gồm hai phần: Cầu nguyện (1: 11-12) và cảnh báo (2: 1-2).
 
1. Cầu nguyện (1: 11-12):
 
Thánh Phao-lô cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca biết thánh nhân không ngừng cầu nguyện cho họ ngỏ hầu nhờ ân sủng của Thiên Chúa, người tín hữu sống xứng đáng với ơn gọi Ki-tô hữu của mình, cũng như hoàn thành những ý nguyện ngay lành và những việc làm vì lòng tin của họ. Vì thế, chúng ta phải làm cho Danh Đức Giê-su được vinh hiển nơi chúng ta và chúng ta nơi Đức Giê-su.
 
2. Cảnh báo (2: 1-2)
 
Thánh Phao-lô kêu mời tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca phải cảnh giác cách khôn ngoan những tin đồn thất thiệt về ngày Chúa quang lâm đừng để cho “tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ”. Nói cho cùng, điều quan trọng đối với người Ki-tô hữu là nhận ra Chúa Giê-su đang đến với chúng ta mỗi ngày và đón tiếp Ngài.
 
TIN MỪNG (Lc 19: 1-10)
 
Đối với ông Da-kêu, thủ lãnh của những người thu thuế thành Giê-ri-khô, đây là một ngày đáng nhớ, một kỷ niệm không thể nào quên được, bởi vì chính cuộc gặp gỡ với Đức Giê-su vào ngày hôm đó mà ông hiểu thế nào là cái thênh thang rộng mở của lòng Chúa xót thương và thế nào là sức bật tức khắc của một cuộc đổi đời triệt để. Câu chuyện này được dàn dựng theo thể loại song đối xen kẻ:
 
A-Ông Da-kêu mong ước được gặp gỡ Chúa Giê-su (19: 1-4)
       B-Chúa Giê-su mong ước được lưu lại nhà ông Da-kêu (19: 5-7)
 
A’-Ông Da-kêu đáp trả (19: 8)
       B’-Chúa Giê-su đáp trả (19: 9-10)
 
A- Ông Da-kêu mong ước được gặp gỡ Chúa Giê-su (19: 1-4)
 
Tất cả bắt đầu từ cái tình cờ: Chúa Giê-su tình cờ đi qua thành Giê-ri-cô nơi ông đang sinh sống. Đối với Da-kêu, cái tình cờ nầy không thể nào bỏ qua, bởi vì đây là một dịp may hiếm có để “xem cho biết” Đấng mà người ta đồn thổi Người là một vị ngôn sứ.
 
Việc “xem cho biết” một vị ngôn sứ đi ngang qua quê mình đối với dân chúng là một chuyện bình thường, nhưng đối với Da-kêu chẳng bình thường chút nào, bởi vì ông là một viên quan thu thuế được xem như một tội nhân công khai, một kẻ bị nguyền rũa, một kẻ bị khai trừ ra khỏi cộng đoàn cứu độ. Vì thế, ông không thể hoà mình vào đám đông, cùng chung niềm vui với muôn người để đón mừng vị ngôn sứ. Hơn nữa, ông e ngại cái nhìn nghiêm khắc và lo sợ những lời kết án cứng rắn của vị ngôn sứ, vì ông biết ông là một tội nhân.
 
Tuy nhiên, tính tò mò muốn “xem cho biết” thúc bách ông nẩy sinh một sáng kiến, một sáng kiến thật ngộ nghĩnh: ông chạy đến trước, leo lên một cây sung, ẩn mình trong cành lá chỉ để xem cho biết Đức Giê-su đi ngang qua. Cây sung gần giống như một cây sồi, trồng bên đường, rất dễ trèo vì thân đầy khối u, các nhành tỏa ra tứ phía. Một Da-kêu thường ngày uy nghi đường bệ của viên quan thu thuế, nay lại trở thành một trẻ con, thơ ngây, hồn nhiên đong đưa trên cành cây sung để xem cho biết Đức Giê-su. Khi tìm kiếm Thiên Chúa, đừng để cho sự hổ ngươi cũng như sợ bị coi là lố bịch ngăn cản, phải biết tận dụng những nguồn ân sủng sẵn có giúp chúng ta gặp được Chúa Giê-su.
 
B- Chúa Giê-su mong ước được lưu lại nhà ông Da-kêu (19: 5-7)
 
Nhưng ông không ngờ sáng kiến ngộ nghĩnh của ông lại được Đức Giê-su để ý đến và Người cũng không thể bỏ qua đi được: “Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông”. Một sáng kiến ngộ nghĩnh của ông Da-kêu được đáp trả bằng sáng kiến ngộ nghĩnh không kém của Đức Giê-su, bởi vì nó không hợp với cái lô-gích theo nếp gấp suy nghĩ của ông. Đức Giê-su đến nơi cây sung, tận nơi sáng kiến ngộ nghĩnh của ông và nói với ông những lời thân thiết đến mức giản dị rất đổi tự nhiên như hai người bạn thân đã quen biết nhau từ lâu: “Nầy Da-kêu ơi ! Xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !”. Thật lạ lùng, Da-kêu chỉ muốn xem cho biết, ông đâu nghĩ gì xa xôi, ấy vậy Người đã dẫn đưa ông đi xa đến độ như “đã quen biết nhau từ thuở nào rồi”. Cái bất ngờ đến lạ lùng nầy của Chúa Giê-su vào ngày hôm đó đã khai mở cho ông Da-kêu một cái nhìn mới mẻ về Thiên Chúa không như ông nghĩ hay như người ta đã nói với ông trước đây. Hơn ai hết, vào ngày hôm ấy Da-kêu hiểu thế nào tính hiệu quả lời khẳng định của Chúa Giê-su: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ thì sẽ mở ra cho” (Mt 7: 7-8).
 
Cách hành xử của Đức Giê-su cũng lạ thường đối với nếp gấp suy nghĩ của đám đông. Rồi, trước đây, truyền thống Minh Triết đã nêu lên vấn đề về giáo huấn truyền thống “thưởng phạt chí công của Thiên Chúa”. Nếu Thiên Chúa thưởng phạt chí công tại sao Ngài lại “ngoảnh mặt làm ngơ” trước thái độ huyên hoang tự đắc của bọn ác nhân và những đau khổ mà những người công chính phải chịu trong sự bất công? Câu trả lời của Thiên Chúa có thể tìm gặp trong câu chuyện nầy. Đức Giê-su đã ngoảnh mặt làm ngơ trước một Da kêu, viên quan thu thế, miệt mài làm giàu bằng những đồng tiền phi nhân phi nghĩa, nhưng Người không thể nào ngoảnh mặt làm ngơ trước một Da kêu thơ ngây đong đưa trên cành với một ước mơ giản dị “xem cho biết Đức Giê-su là ai”. Trong cõi thâm sâu của một viên quan thu thuế, một kẻ hư hỏng không còn gì để nói, vẫn còn đó một mảnh trời xanh hồn nhiên, trong sáng; đối với Chúa Giê-su, một mảnh trời xanh nhỏ bé nầy hứa hẹn một ngày mới ngập tràn ánh nắng nếu biết nắm lấy cơ hội mà ân tình của Người mở ra.
 
“Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người”: Hóa ra trong khi con người chờ đợi Thiên Chúa đến với “cái rành mạch phân minh đâu ra đó của lý lẽ”, thì Thiên Chúa lại thích đến với “cái thênh thang rộng mở không ngờ của một tấm lòng”.  Chính cái thênh thang rộng mở của tấm lòng đó mà ngày hôm ấy, Da-kêu hiểu hơn ai hết câu nói nầy: “Các bạn hãy nếm thử và nhìn xem cho biết Thiên Chúa chúng ta thiện hảo là dường nào”. Nhưng cũng chính cái thênh thang rộng mở của của tấm lòng này lại gây công phẩn nơi công chúng: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ”.
 
A’- Ông Da-kêu đáp trả (19: 8)
 
Cảm kích trước tấm lòng rộng mở của Chúa, ông Da-kêu đáp trả ngay tức khắc, bằng cách xin được đền gấp bốn cho những ai mà ông đã cưỡng đoạt tài sản của họ, như vậy trong việc đền bù ông còn nhất định làm nhiều hơn điều luật đòi buộc. Nếu chỉ trộm cắp thông thường và nguyên vật không thể hoàn trả thì phải tính giá gấp đôi mà đền (Xh 22: 4, 7). Nếu bị can tự thú và tự nguyện hoàn trả thì chỉ phải trả theo giá nguyên vật, cộng thêm một phần năm (Lv 6: 5; Ds 5: 7). Chỉ khi nào trộm cắp là một hành động bạo lực và dụng tâm gây tàn hại, bấy giờ mới buộc phải đền gấp bốn (Xh 22: 1). Ngoài ra, ông còn quảng đại dâng phân nửa tài sản của ông cho người nghèo. Thánh Am-rô-xi-ô giải thích rằng “Người giàu hãy học rằng điều xấu không cốt có nhiều của cải, nhưng không sử dụng chúng cho điều tốt; vì trong khi sự giàu có là một trở ngại đối với những người xấu, thì nó cũng là một phương tiện nhân đức đối với những người tốt” (Expositio Evangelii sec. Lucam, in loc.).
 
B’- Chúa Giê-su đáp trả (19: 9-10)
 
Vì Đức Giê-su tự nguyện lưu lại nhà ông Da-kêu và vì ông Da-kêu bằng lòng đón tiếp Người, nên ơn Cứu Độ đến trên toàn thể gia đình của ông: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này”. Tác giả của Pilgrim trong “Good News to The Poor” nhận xét rằng “Sự hiện diện của Đức Giê-su làm cho những gì không thể được, đối với con người, trở thành có thể: một người giàu chui qua lổ kim được, nhưng không phải là không đòi hỏi một số thay đổi tận gốc”.
 
Đám đông đã kêu trách Chúa Giê-su vì Người giao du với một người mà họ cho là kẻ tội lỗi (19: 7). Chúa Giê-su biện minh cho cách hành xử của Người khi giải thích rằng lý do Người đến chính là để đi tìm những người tội lỗi: “Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”. Người đang hiện thực vai trò người mục tử trèo non lặn suối tìm cho bằng được một con chiên lạc (x. Lc 15: 4-7) mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã loan báo rồi: “Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật; Ta sẽ làm cho mạnh” (Ed 34: 16). Vì Chúa Giê-su mong ước tìm và cứu những người tội lỗi, chúng ta cũng hy vọng mình có thể đạt được ơn cứu độ đời đời. Thánh Am-rô-xi-ô giải thích “Người chọn một thủ lãnh thu thuế, ai có thể thất vọng được chứ khi một con người như thế đạt được ân sủng?” (Expositio Evangelii sec. Lucam, in loc.).
 
Còn sáng kiến nào thân tình hơn Bàn Tiệc Thánh Thể nhỉ, ở đó Đức Giê-su đã dẫn đưa các môn đệ của Người cho đến tận cùng cái thênh thang rộng mở của tấm lòng Người, như thánh Gioan ghi nhận: “Trước lễ Vượt qua, Chúa Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà đến với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13: 1). Tại sao sống trong ân tình đến như thế chúng ta lại không cảm thấy niềm hưng phấn đổi đời như ông Da-kêu nhỉ? Bởi vì chúng ta thích thấy mình nơi đám đông hơn nơi Da-kêu, một tội nhân, nên chúng ta thiếu cái sức bật ngay tức khắc và triệt để của một tấm lòng rộn rã muốn được đổi đời như ông Da-kêu. “Ngay tức khắc” vì không thể nào trì hoãn được nữa, không thể khất lần thêm được nữa,“Thôi để dịp khác rồi sẽ hay” vì như lời dạy của Đức Gioan Phao-lô II: “future begins today, not tomorrow” (“ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay”), và “triệt để” vì dám chấp nhận những hậu quả khôn lường của cái giá đổi đời nầy: từ một Da-kêu mãi miết chắc chiu từng đồng bạc bất nhân bất nghĩa đến một Da-kêu dám chia tài sản của mình cho những người nghèo túng và đền gấp bốn cho những thiệt hại mà mình đã gây nên. 

Tác giả: Lm Hồ Thông HT68

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây