Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Chúa nhật 10 TN. Giải thích Lời Chúa

-

-

Chúa Giê-su xuất hiện ở đây như vị Thiên Chúa làm người giàu lòng xót thương, rất nhạy bén trước nỗi đau thương mất mát của tha nhân: “Trông thấy bà, Chúa Giê-su chạnh lòng thương”. Thánh Lu-ca đã sử dụng động từ Hy-lạp: “chạnh lòng thương” để diễn tả mối cảm xúc ...
CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN

 
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật X Thường Niên Năm C này có thể được gọi là “Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài”. Ngài đã sai các ngôn sứ, các tông đồ và Con yêu dấu của mình đến với chúng ta để cho chúng ta biết rằng Ngài là Thiên Chúa cứu độ, ban sự sống và có quyền năng trên sự chết.
 
1V 17: 17-24
 
Bài Đọc I thuật lại chuyện tích ngôn sứ Ê-li-a, người của Thiên Chúa, cho người con trai duy nhất của một bà góa ngoại giáo sống lại.
 
Gl 1: 11-19
 
Thánh Phao-lô nhắc lại nguồn gốc ơn gọi của thánh nhân. Đấng Phục Sinh đã can thiệp trực tiếp vào cuộc đời nhiệt thành của thánh nhân trong việc phục vụ đạo Do thái để thánh nhân hiểu ra rằng ơn cứu độ đến từ Chúa Ki-tô.
 
Lc 7: 11-17
 
Tin Mừng thuật lại cho chúng ta chuyện Chúa Giê-su giàu lòng xót thương đã cho con trai một của bà góa thành Na-im sống lại.
 
BÀI ĐỌC I (1V 17: 17-24)
 
1. Ngôn sứ Ê-li-a trong sách Các Vua:
 
Cựu Ước chỉ kể hai câu chuyện phục sinh kẻ chết, câu chuyện thứ nhất được ngôn sứ Ê-li-a thực hiện và câu chuyện thứ hai được người môn đệ truyền chân của ngôn sứ Ê-li-a thực hiện là ngôn sứ Ê-li-sa. Hai câu chuyện này được thuật lại trong hai sách Các Vua. Hai sách Các Vua này tường thuật lịch sử của mười chín các vua thuộc vương quốc Ít-ra-en (vương quốc miền Bắc) và hai mươi các vua thuộc vương quốc Giu-đa (vương quốc miền Nam) trong đó vai trò của các ngôn sứ chiếm một chỗ lớn lao.
 
Ngôn sứ Ê-li-a là một nhà bảo vệ bất khuất niềm tin vào Thiên Chúa chân thật ở vương quốc Ít-ra-en trong thời kỳ khủng hoảng tôn giáo tồi tệ vào thế kỷ X tCN. Tác giả sách Các Vua định vị “tập truyện về ngôn sứ Ê-li-a” vào trong bối cảnh tôn giáo thật buồn thảm vì tội bội giáo của vương quốc miền Bắc, dân chúng từ bỏ Đức Chúa của mình mà thờ lạy thần Ba-an của dân Ca-na-an.
 
Ngôn sứ Ê-li-a xuất hiện bất ngờ trong lịch sử cứu độ và biến mất còn mầu nhiệm hơn, ông được đưa lên trời trên một xa mã như lửa trong cơn gió lốc (2V 2: 11). Ông là một con người tràn đầy niềm tin và một nhà phép thuật thần thông. Nhiều giai thoại được lưu truyền về vị ngôn sứ này. Trong chuyện tích hôm nay, ngay cả một bà góa ngoại giáo Xa-rép-ta cũng nhận ra và làm chứng về tính chính danh của ngôn sứ Ê-li-a.
 
2. Ngôn sứ Ê-li-a phục sinh con trai bà góa Xa-rép-ta:
 
Câu chuyện hôm nay được đặt vào trong bối cảnh của một cơn hạn hán giáng xuống trên toàn cõi xứ Pa-lét-tin. Ngôn sứ Ê-li-a được lệnh của Đức Chúa đi đến thành Xa-rép-ta thuộc Xi-đôn ngoại giáo. Tại cổng thành Xa-rép-ta, vị ngôn sứ đã được một bà góa ngoại giáo nghèo hiếu khách đón tiếp. Bà đã quảng đại chia sẻ lương thực nghèo nàn của mình với ông, một người khách lạ mà bà nhận ra một người Ít-ra-en, người của Thiên Chúa. Để đáp lại tấm lòng của bà, vị ngôn sứ cho hũ bột của bà đã không vơi và vò dầu của bà đã chẳng cạn trong suốt thời kỳ hạn hán đói kém.
 
Đứa con trai một của bà góa này lâm trọng bệnh và qua đời. Trong nỗi đau tận cùng, bà khẩn cầu cùng người của Thiên Chúa hiện đang cư ngụ trong nhà bà. Vào thời đó cho đến thời Chúa Giê-su, người ta tin rằng các bệnh tật và cái chết là án phạt do tội lỗi của con người mà chỉ một mình Thiên Chúa mới biết. Bà nghĩ rằng sự hiện diện của ngôn sứ Ê-li-a chắc chắn đã nhắc Đức Chúa nhớ đến những tội lỗi của bà, mà trước đây đã gây nên cái chết của chồng bà và bây giờ cái chết của con trai bà. Ngôn sứ động lòng trắc ẩn. Bà góa và trẻ mồ côi là những người phận nghèo hèn khốn khổ nhất trong xã hội. Trong tôn giáo Ít-ra-en, Đức Chúa đã đòi hỏi phải chiếu cố đến những hạng người này.
 
Trước tiên, ngôn sứ Ê-li-a cầu nguyện cùng Đức Chúa: “Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của con. Chúa nỡ hại cả bà góa đã cho con ở nhờ, mà làm cho con bà ấy phải chết sao?” (1V 17: 20). Tiếp đó, ngôn sứ ba lần nằm duỗi dài trên thi thể của cậu bé, như để truyền hơi ấm cho cậu và khẩn cầu cùng Đức Chúa: “Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của con, xin cho hồn vía đứa trẻ này lại trở về với nó!” (1V 17: 21). Con số ba đánh dấu lời cầu nguyện khẩn thiết. Đức Giê-su đã cầu nguyện ba lần trong vườn Ô-liu; thánh Phao-lô đã ba lần cầu xin Chúa cất cái dầm khỏi thân xác của mình. Lời khẩn nguyện của vị ngôn sứ được Thiên Chúa chấp nhận khi cho đứa bé sống lại. Phép lạ dẫn đến hành vi đức tin: bà tuyên xưng chân tính của ông Ê-li-a là người của Thiên Chúa và là phát ngôn nhân của Đức Chúa.
 
BÀI ĐỌC II (Gl 1: 11-19)
 
Trong đoạn trích thư gởi tín hữu Ga-lát này, thánh Phao-lô cho thấy những khó khăn mà Giáo Hội tiên khởi gặp phải để đạt được sự độc lập của mình đối với Do thái giáo. Đồng thời, thánh Phao-lô cũng cấp cấp cho chúng ta những chỉ dẫn quý báu về một giai đoạn trong cuộc đời của thánh Phao-lô mà sách Công Vụ đã nói đến đôi điều. Sau cùng, đoạn trích thư này loan báo những đề tài mà thánh Phao-lô sẽ đề cập đến trong thư gởi tín hữu Rô-ma, cả hai thư này đóng một vai trò không thể bỏ qua trong việc khai sinh Hội Thánh Tin Lành. Về nội dung đạo lý của thư, thánh Phao-lô nhiệt thành bảo vệ đức tin chống lại Lề Luật, vì thế ông Lu-ther gọi thư gởi tín hữu Ga-lát là “vị hôn thê của linh hồn ông”.
 
1. Giáo Hội bị quấy nhiễu:
 
Thánh Phao-lô ngỏ lời với các tín hữu Gá-lát, họ là những Ki-tô hữu gốc lương dân thuộc miền Tiểu Á mà thánh nhân đã rao giảng Tin Mừng hoặc trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất (Ga-lát miền Nam) hay trong cuộc hành trình truyền lần thứ hai và lần thứ ba (Ga-lát miền Bắc), người ta không biết chính xác. Những tín hữu Ga-lát đã luôn luôn tiếp đón nồng hậu thánh Phao-lô (Gl 4: 14-15). Nhưng những người rao giảng gốc Do thái đã đến, từ đó làm hoang mang các tín hữu Ga-lát khi tuyên bố rằng để đạt được ơn cứu độ, tin vào Đức Ki-tô thì chưa đủ, nhưng trước tiên phải tuân giữ Luật Mô-sê, chịu phép cắt bì để thuộc vào dân Chúa chọn. Họ cho rằng thánh Phao-lô đã tránh né vấn đề này để chinh phục thêm nhiều lương dân; vả lại, thánh nhân không phải là một tông đồ chân truyền bởi vì thánh nhân không thuộc nhóm Mười Hai, vân vân.
 
Trước những lời nói bóng gió về đạo lý cũng như những lời công kích cá nhân, thánh Phao-lô mạnh mẽ trả lời: “Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi đã quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Ki-tô được hình thành nơi anh em” (Gl 4: 19).
 
2. Nguồn gốc thần linh của Tin Mừng:
 
Thánh Phao-lô công bố nguồn gốc thần linh của Tin Mừng. Thánh nhân có thể khẳng định như vậy, vì Tin Mừng mà thánh nhân loan báo thánh nhân đã lãnh nhận trực tiếp từ Mặc Khải của Đức Ki-tô chứ không do bất kỳ ai trong loài người truyền lại (Gl 1: 11-12). Để diễn tả Mặc Khải này, thánh nhân dùng từ ngữ khải huyền, nghĩa là “vén mở những điều ẩn kín của Thiên Chúa”. Thánh nhân không mô tả biến cố trên đường Đa-mát, nhưng đối với các tín hữu Ga-lát, những người có nguy cơ trở lại những thực hành Do thái giáo, thánh nhân muốn giải thích như thế nào và những lý do nào thánh nhân tự mình đã từ bỏ những thực hành đó. Thánh nhân nhắc lại lòng nhiệt thành của thánh nhân đối với Lề Luật: “Trong việc giữ đạo Do thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông” (Gl 1: 14). Vì đó, thánh nhân đã ra tay bắt bớ những Ki-tô hữu. Nhưng thánh nhân đã hoàn toàn trở lại khi thánh nhân đã hiểu rằng chỉ một mình Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, mới là Đấng đem lại ơn cứu độ cho chúng ta.  
 
3. Nguồn gốc thần linh về Ơn Gọi của thánh Phao-lô:
 
Thánh Tông Đồ thường diễn tả cả những tâm tình khiêm tốn lẫn niềm tự hào của mình về ơn gọi đặc biệt của mình. Kiểu nói:  “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ” đã được ngôn sứ Giê-rê-mi-a sử dụng lần đầu tiên  (Gr 1: 5). Ngôn sứ I-sai-a đệ nhị đã lập lại kiểu nói này khi áp dụng vào ơn gọi của Người Tôi Trung. Chắc chắn thánh Phao-lô đã được gọi hứng từ bản văn I-sai-a này: “Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi… Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49: 1, 6).
 
4. Sự độc lập và sự liên đới:
 
Được Chúa Ki-tô đích thân tuyển chọn, thánh Phao-lô tự cho mình là Tông Đồ hoàn toàn tách biệt. Ngay khi được kêu gọi, thánh nhân hành động ngay lập tức quyền thủ lãnh của chính mình: “Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên, cũng chẳng lên Giê-ru-sa-lem để gặp các vị đã là Tông Đồ trước tôi…”, thánh nhân tức khắc loan báo Tin Mừng khi sang xứ Ả-rập, rồi trở về Đa-mát.
 
Thánh Phao-lô đòi hỏi sự độc lập của mình; thánh nhân khởi sự công cuộc truyền giáo một cách vô tư lợi mà thánh nhân sẽ xem đó như khuôn mẫu của mình, nhưng luôn trong tâm thế của một nhà tiền phong. Ba năm sau, thánh nhân mới quyết định lên Giê-ru-sa-lem gặp gỡ thánh Phê-rô, thủ lãnh của Giáo Hội, và thánh Gia-cô-bê, thủ lãnh của cộng đoàn Giê-ru-sa-lem. Thánh Phao-lô luôn luôn bày tỏ một lòng trung thành gắn bó với Giáo Hội-mẹ.
 
Khi nhắc lại những sự kiện này, thánh Phao-lô bảo đảm với các tín hữu Ga-lát sứ mạng chính truyền của mình và sự liên đới của thánh nhân với nhóm Mười Hai, trong sự duy nhất của cùng một Tin Mừng.
 
TIN MỪNG (Lc 7: 11-17)
 
Các tác giả Tin Mừng thuật lại cho chúng ta Chúa Giê-su thực hiện ba cuộc phục sinh: cuộc phục sinh con gái ông Gia-ia thuộc nguồn chung của Tin Mừng Nhất Lãm, cuộc phục sinh con trai bà góa Na-im thuộc nguồn riêng của thánh Lu-ca và cuộc phục sinh anh La-da-rô thuộc nguồn riêng của thánh Gioan. Trong cuộc đời thi hành sứ mạng, cuộc phục sinh con trai bà góa thành Na-im là cuộc phục sinh đầu tiên.
 
1. Chúa Giê-su động lòng trước tình cảnh thương tâm của một bà góa (7: 11-13)
 
Na-im là một thị trấn cách Na-da-rét khoảng tám cây số về phía đông nam. Biến cố được đặt vào thời kỳ Chúa Giê-su thi hành sứ vụ tại Ga-li-lê: “Có các môn đệ và một đám đông cùng đi với Người”. Như vậy có hai đám đông gặp nhau: một đám đông theo Chúa Giê-su vào thành Na-im và một đám đông theo bà góa ra ngoài thành Na-im để chôn cất đứa con trai một của bà.
 
Chúa Giê-su xuất hiện ở đây như vị Thiên Chúa làm người giàu lòng xót thương, rất nhạy bén trước nỗi đau thương mất mát của tha nhân: “Trông thấy bà, Chúa Giê-su chạnh lòng thương”. Thánh Lu-ca đã sử dụng động từ Hy-lạp: “chạnh lòng thương” để diễn tả mối cảm xúc quặn đau từ tận tâm can của Chúa Giê-su. Không phải vì người chết mà Chúa Giê-su động lòng xót thương, mà vì cảnh ngộ của bà góa này thật thương tâm. Bà này đã mất chồng; bây giờ còn một người con trai duy nhất, bà cũng mất luôn. Vì thế, bà rất đau khổ, không có chỗ nương tựa trong cuộc sống tinh thần lẫn vật chất. Khi tường thuật câu chuyện này, thánh Lu-ca dư biết đó cũng là hoàn cảnh của Đức Ma-ri-a và Chúa Giê-su, người con trai duy nhất. “Trái tim con người vốn giàu tình thương. Nhưng vì nhiều lý do, trái tim có thể bị chai lì đi, không còn xúc động gì trước cảnh khổ của người khác…Lạy Chúa, xin đổi trái tim bằng đá của con bằng trái tim bằng thịt” (“Hạt Giống Nẩy Mầm”).
 
Trong nỗi đau tận cùng, bà không biết người đàn ông đứng ở cổng thành hôm ấy là Chúa Giê-su, Đấng có quyền năng ban sự sống. Bà không ngỏ lời cầu xin Chúa. Nhưng Chúa động lòng thương, Ngài đích thân lại gần và kéo bà ra khỏi cơn đau khổ khi an ủi bà: “Bà đừng khóc nữa!”. Qua lời an ủi này, Chúa Giê-su như muốn nói với bà: “Tôi không muốn thấy bà khóc; tôi đã đến trần gian để đem niềm vui và sự bình an”.  
 
2. Chúa Giê-su phục sinh con trai bà góa Na-im (7: 14-15)
 
Với tấm lòng thương cảm trước một cảnh ngộ bi thương như thế, Chúa Giê-su không ngại vượt qua những tập tục nghi thức về thanh sạch và ô uế khi “Người lại gần, sờ vào quan tài”, đụng chạm đến tử thi, một hành vi được xem là ô uế (Ds 19: 11, 16). Yêu thương giúp đỡ đòi hỏi phải can đảm dám vượt qua những dị nghị của người khác. Thời xưa, người Do thái thường đặt thi hài trên cái cáng. Nếu thi hài được đặt trong quan tài, thì làm sao liền ngồi dậy được? Ở đây, rõ ràng thánh Lu-ca đã dùng từ “quan tài” cho dể hiểu hơn đối với dân ngoại.
 
Chúa Giê-su truyền lệnh cho chàng thanh niên: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy chỗi dậy!”. Chúa Giê-su cũng truyền lệnh như thế cho con gái ông Gia-ia: “Này cô bé, chỗi dậy đi!” (Lc 8: 54) cũng như cho anh La-da-rô: “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ” (Ga 11: 43). Trong Tân Ước, động từ “chỗi dậy” được dùng để diễn tả cuộc Phục Sinh của Chúa Giê-su. Lời Ngài: “Tôi bảo anh: hãy chỗi dậy” có tác dụng ngay tức khắc: “Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói”, nghĩa là người thanh niên tái lập mối liên hệ với đám đông chung quanh, trước đây đã bị cắt đứt do cái chết.
 
“Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ”: Chi tiết này gợi nhớ đến câu chuyện ngôn sứ Ê-li-a phục sinh đức con trai duy nhất của bà góa thành Xa-rép-ta. Lòng xót thương của Thiên Chúa trong Đức Giê-su lại một lần nữa được nhấn mạnh. Tuy nhiên, có một sự khác biệt cần phải ghi nhận. Trong khi ngôn sứ Ê-li-a đã phải “nằm dài trên đứa bé” (1V 17: 21), còn Chúa Giê-su thì chỉ cần một lời đứa bé tức khắc sống lại. Chính với tư cách là Chúa có quyền năng trên sự sống và sự chết mà Chúa Giê-su hành động.
 
Thánh Âu-gút-ti-nô giải thích niềm vui khôn xiết của người mẹ này khi được hoàn lại đứa con trai của mình với niềm vui của Giáo Hội, Mẹ chúng ta khi những đứa con tội lỗi của Giáo Hội trở về với cuộc sống ân sủng: “Bà mẹ góa vui mừng vì đứa con của bà đã được sống lại, Giáo Hội, Mẹ chúng ta, vui mừng mỗi ngày khi dân chúng được tái sinh trong Thánh Thần. Cậu bé đã chết về phương diện thể lý; dân chúng đã chết về phương diện tinh thần. Cái chết của cậu bé đã được khóc than về phương diện hữu hình; cái chết của dân chúng là vô hình, vì thế không có tiếng khóc than. Ngài tìm kiếm họ, vì đã biết họ phải chết; chỉ mình Ngài mới có thể đem họ trở lại cuộc sống” (Sermon, 98, 2).
 
3. Mọi người đều kinh sợ (7: 16-17).
 
Như thường thấy trong các trình thuật phép lạ, đoạn kết ghi lại phản ứng của những người chứng kiến. Tác cả đám đông nhận thấy nơi Đức Giê-su “một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta”. Việc hiểu biết này dĩ nhiên chưa trọn vẹn, tuy nhiên không phải là không có giá trị, bằng chứng là mọi người nhận ra phép lạ này là dấu chỉ cho thấy “cuộc viếng thăm của Thiên Chúa”, Đấng đến giải thoát Ít-ra-en, đó là sự can thiệp đầy lòng xót thương mà ngôn sứ Da-ca-ri-a đã ca tụng (Dcr 1: 68-78). Và tin này đã được lan truyền ra “khắp cả miền Ga-li-lê và vùng phụ cận”.
 

Tác giả: Lm Hồ Thông HT68

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây