Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Gia đình là cục cơm nguội!

Tôi có một giấc mơ, giấc mơ cho mọi gia đình biết cậy dựa vào ơn Chúa và Giáo Hội để biết trèo lên trên những viên đá khủng hoảng. Khi đó, gia đình không còn là “cục cơm nguội”, nhưng là “Niềm Vui của Tình Yêu” tràn ngập hơi ấm hạnh phúc...
Bài thu hoạch cuối kỳ: Đưa ra một hoàn cảnh về hôn nhân gia đình mà thầy đã gặp. Với giáo huấn về Hôn Nhân Gia Đình cùng với đường lối mục vụ đã được thụ huấn qua môn học, thầy hãy đưa ra một “lối đi” mục vụ trong tương lai.

GIA ĐÌNH LÀ CỤC CƠM NGUỘI
 
cuc com nguoi

“Gia đình là cục cơm nguội”, câu nói của một học sinh giáo lý có gia cảnh đáng thương làm tôi nhớ mãi. Nó ghim vào tim tôi, đọng lại trong trí tôi như một dấu ấn khó phai mờ, để từ ngày đó, tôi suy nghĩ nhiều hơn về gia đình, nhất là các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sống “trái quy tắc”. Khi tiếp xúc với môn học Mục Vụ Gia Đình, tôi được tiếp xúc gần gũi với các giáo huấn về gia đình qua các tài liệu quý giá của Giáo Hội, đặc biệt là các tài liệu gần đây của các đức giáo hoàng như những “lối đi”, những hướng mục vụ mới về gia đình. Qua vị đại diện Chúa Kitô hiện tại là đức giáo hoàng Phanxicô, tôi càng cảm thấy được thúc đẩy mạnh mẽ phải làm một điều gì đó cho họ để nâng đỡ hoàn cảnh như thế dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội.

Cách đây ba năm, tôi có dịp được sai về một giáo xứ theo chương trình đào tạo của chủng viện. Tôi được cha xứ giao cho hướng dẫn một lớp giáo lý với hơn hai chục học sinh chuẩn bị thi Hạt, phần đa ai cũng học hành khá, họ là “tinh hoa” từ các lớp giáo lý trong xứ. Đây là một giáo xứ tọa lạc ở miền núi cao. Các em ở đây rất đơn sơ giản dị. Kết quả sau đó các em thật vui mừng vì giáo xứ đứng thứ hai trong toàn giáo hạt, kết quả tốt nhất trong những năm gần đây. Không phải vì tôi giúp được nhiều gì, nhưng vì các em rất say mê học về Chúa. Trên mỗi lớp học đều có gắn câu nói thời danh của thánh Bênađô: “KHÔNG BIẾT KINH THÁNH LÀ KHÔNG BIẾT ĐỨC KITÔ.” Mùa học kết thúc, tôi có dịp trò chuyện với tất cả các em trong buổi tổng kết. Lúc ra về, tôi chào tất cả từng em một và gửi lời hỏi thăm sức khỏe về gia đình. Hương, một học sinh Kinh Thánh III, người mà tôi chào sau cùng khi ra khỏi phòng học, cũng là cô bé đạt điểm cao nhất (49.5/50) trong kỳ thi giáo lý Hạt vừa qua.

Cũng như các bạn khác, tôi vẫn nhờ em chuyển lời hỏi thăm sức khỏe tới bố mẹ và gia đình, thì nét mặt em đổi khác. Vẻ không vui, Hương buông lời: “Gia đình là cục cơm nguội, thầy đừng nhắc tới lần nào nữa, nếu không, em sẽ chẳng bao giờ nói chuyện với thầy nữa”. Nói rồi, cô bé lủi thủi nhanh chân hòa mình kịp bước theo đám bạn trong im lặng rồi xuôi về nhà. Tôi như đớ người ra trong im lặng vì không hiểu sao lại vậy...

Tôi không hiểu mình đã nói gì xúc phạm tới gia đình Hương, hay có chuyện gì đã xảy ra cho gia đình cô bé. Ít hôm sau, khi hỏi han vài người trong Giáo Xứ, tôi mới biết rõ hoàn cảnh. Số là em phải sống trong một gia đình “trái quy tắc”. Bố bỏ vợ sớm, lấy mẹ em về sống chung, không cưới, không hỏi. Mẹ em lại là người ngoại giáo. Cũng từ đó, giáo xứ, giáo họ, mọi người đều nhìn gia đình em với ánh mắt xoi mói, phân biệt và khác thường. Ít người qua lại với gia đình em. Em sinh ra từ đó, may là em được bố mẹ đồng ý cho Rửa Tội. Lạ lùng là dù gia đình như thế, bố mẹ em sống “trái quy tắc” như vậy, không ai đoái hoài chuyện Đạo nghĩa, nhưng em lại khác. Em là người dễ thương, học khá giỏi về giáo lý lẫn văn hóa, nhiệt tình với công việc chung… Tôi sốt ruột và thắc mắc mãi, sao cả cha xứ và giáo xứ dường như hiếm khi thăm hỏi, đồng hành với hoàn cảnh khó khăn của gia đình Hương như vậy?
 

Hoàn cảnh mà theo Hương cho gia đình là “cục cơm nguội” khó nuốt, cứng cỏi, nhạt nhẽo, có khi giá lạnh mỗi khi nghĩ về gia đình. Thế rồi, sau này khi tiếp xúc với Giáo Luật về Hôn Nhân, với Mục Vụ Hôn Nhân Gia Đình, tôi mới thấy đồng hành trong mục vụ hôn nhân là cần thiết đến chừng nào.

Qua tìm hiểu, tôi biết bố Hương năm nay đã 67 tuổi. Con cái với người vợ đúng nghĩa đầu tiên đã lớn và đã lập gia đình hết thảy. Người vợ ấy vẫn đang sống và không có ý định tái hợp. Dây hôn phối vì thế vẫn nguyên vẹn. Bố Hương vì thế vẫn sống trong một tình trạng “ngoại tình triền miên” với mẹ Hương. Hôn nhân của ông đã gãy đổ và chưa có dấu hiệu cho thấy vô hiệu. Tòa Án Hôn Phối Giáo Phận cũng chưa điều tra vì bố Hương vẫn để mọi sự “đóng băng”. Việc gắn lại hôn nhân vì thế gần như là chuyện không thể. Vì con cái của ông với bà vợ đúng nghĩa đã lập gia đình hết, nên trách nhiệm của người bố có thể coi đã hoàn thành.

Tuy tình trạng hiện tại xem ra khá ổn định, nhưng những vết xước của trái tim vẫn nguyên hình và qua nét mặt của bố Hương, tôi đoán ra ông đang mang trong mình một nỗi đau khủng khiếp tận sâu thẳm trái tim. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến Hương và người chị gái Hương (hiện tại “gia đình” có hai con: Hương và chị gái Hương). Tôi thấy mình đồng cảm và muốn làm điều gì đó cho hoàn cảnh của một gia đình đã gãy đổ...May thay, hiện tình họ vẫn vui sống khá ổn định.

Tuy vậy, mỗi khi gợi nhớ về một định nghĩa gia đình theo lối “chiết tự” của một ai đó, mà trong gia đình đó, chỉ người đã cảm nhận sâu đậm về hạnh phúc gia đình mới có thể “phát minh” ra. Định nghĩa đó là: FAMILY = Father And Mother, I Love You! (Gia đình = Ba và mẹ, con yêu ba mẹ), và đặc biệt khi tiếp xúc với các chân trời giáo huấn của Giáo Hội về gia đình, tôi thấy “mất mát” điều gì đó, bởi biết rằng mọi đường hướng mục vụ của Giáo Hội phải khởi đi từ gia đình, ngang qua mọi gia đình.

Ngày hôm nay, đời sống gia đình đang phải đối diện với muôn vàn thách đố đang bủa vây. Những “bóng tối và khó khăn che lấp đi phần nào sự cao đẹp của những giá trị hôn nhân và gia đình” (Thư Mục Vụ của HĐGMVN năm 2002, số 3), có thể làm phương hại đến sự toàn vẹn của hôn nhân gia đình Công Giáo. Số gia đình mà hôn nhân thất bại, gãy đổ tạo nên những chấn động và đau lòng như gia đình Hướng hẳn không phải là hiếm nơi các giáo xứ ngày nay. Giáo Hội biết hôn nhân một khi đã thành sự và hoàn hợp thì không một quyền lực thế gian nào có thể cắt đứt.

Thiên luật là bất di bất dịch. Trong chương trình yêu thương của “Tác Giả chủ biên” của hôn nhân thì: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Tuy nhiên, Giáo Hội luôn “hoán cải mục vụ” với mục đích tìm những phương thế, những lối đi mới trong mục vụ cho những hoàn cảnh cụ thể. Việc đồng hành với họ phải được chú trọng trong mục vụ. Đức Phanxicô với điểm nhấn trong triều giáo hoàng là giới thiệu, loan báo và thực thi Lòng Thương Xót đã đề cập điều này rất nhiều lần. Đặc biệt, trong Tông Huấn Niềm Vui của Tình Yêu ở các số 241-246. Từ Tông Huấn này và các tài liệu huấn quyền khác về hôn nhân của Giáo Hội, ta đưa ra một vài điểm cần thiết để đồng hành cho gia đình Hương và một số gia đình có hoàn cảnh tương tự.

Thứ nhất: Xác định rõ họ vẫn là thành phần của Giáo Hội. Điều này vô cùng quan trọng, là ánh nhìn cần có đầu tiên về các gia đình “trái quy tắc” như gia đình của Hiền. Đức Phanxicô nói trong Amoris Laetitia, số 243 rằng: Điều quan trọng là “làm cho họ cảm thấy rằng, họ vẫn là thành phần của Giáo Hội. Họ “không bị dứt phép thông công”. Họ luôn là thành phần trong sự hiệp thông của Giáo Hội. Những hoàn cảnh này đòi hỏi phải có sự phân định cẩn thận và đồng hành hết sức tôn trọng. Tránh mọi kiểu nói và thái độ làm cho họ cảm thấy bị kỳ thị, khuyến khích họ tham gia vào đời sống cộng đoàn. Chính trong sự chăm sóc này mà cộng đoàn thể hiện đức ái của mình. Đây thực sự là điều cần thiết để thực hiện với gia đình Hương, nhất là với người bố. Việc xác định này đưa tới một hoa trái tốt đẹp, đó là sự thông cảm chân thành, một sự thấu cảm sâu đậm với nỗi thống khổ của hoàn cảnh gia đình khủng hoảng. Những thời khắc mà dường như không còn một điểm tựa nào đối với họ.

Thông cảm đầu tiên là nhìn về sự thiếu sót trong công tác chuẩn bị hôn nhân (trách nhiệm này đặt nặng lên vai của các mục tử, là những người nhờ ân sủng bí tích Truyền Chức Thánh trở thành người “chăm sóc các linh hồn” ). Đức hồng y Fx. Nguyễn Văn Thuận viết: “Chuẩn bị làm linh mục có chủng viện, chuẩn bị làm tu sỹ có Đệ Tử Viện, chuẩn bị làm giáo sư có trường sư phạm, chuẩn bị làm cha mẹ có gì? Chẳng có gì cả! Thật là một thiếu sót lớn lao trên thế giới. Lúc này tạm có lớp dự bị hôn nhân nhưng chưa đi đến đâu. Bao nhiêu người sẽ là nạn nhân do cuộc phiêu lưu của các con?” (ĐHV, số 463). Thông cảm thực sự là điều quan trọng để có thể liên đới trong sự sẻ chia của một trái tim nồng hậu, để có thể “khóc với người khóc” (Rm 12,15). Phải chăng đã có những cách hành xử với các hoàn cảnh như gia đình Hương khiến những đứa con phải cay đắng nhìn gia đình họ như “cục cơm nguội”, khi mà những đứa con chẳng có tội tình gì?

Thứ đến: Thực thi lòng thương xót đối với họ. Sau khi xác định rõ rằng, họ vẫn là thành phần của Giáo Hội, ta cần thực thi lòng thương xót. Đó là cách thức, là đường lối của Tin Mừng, của Đạo Chúa. Kitô giáo là Đạo của niềm vui, của tình yêu, của Lòng Thương Xót. Giáo Hội thi hành sứ vụ trong vai của “người Samaritano nhân hậu” ra đi để băng bó những vết thương của người bị nạn, chăm sóc họ, đem họ đến với Tin Mừng, chứ không phải là “một quan tòa” nghiêm khắc chỉ tay phán xét. Do vậy, cần tiếp đón và trân trọng nỗi đau họ đang phải gánh lấy. Nếu họ đau khổ và khát khao Thánh Thể, có thể kín đáo, hoặc trong ân cần, hướng dẫn họ tới một xứ đạo gần đó, nơi mà mọi người không biết gia đình họ, để họ có thể xưng tội, rước lễ một vài lần trong mùa Phục Sinh hay dịp thuận tiện.

Nếu họ lâm cảnh túng thiếu, cha xứ và cộng đoàn có thể nâng đỡ tình trạng hiện tại của họ. Đức Phanxicô đề nghị đường lối mục vụ này ở số 242, Tông huấn Amoris Laetitia. Hơn nữa, soi mình vào dụ ngôn “người đàn bà ngoại tình” ta thấy, ai trong ta cũng là tội nhân cần được xót thương. Lên án người khác chính là lên án chính mình. Thực thi lòng thương xót chính là thực thi đường lối của Tin Mừng, của Mục Tử nhân lành Đức Giêsu, Đấng chúc lành cho các gia đình như Ngài đã thi ân giáng phúc tại tiệc cưới Cana (x.Ga 2,1-12), Đấng đã tỏ lòng thương xót vô hạn với từng tội nhân, luôn mở rộng cánh cửa hy vọng cho các hối nhân để họ trở thành thánh nhân: “Cuối cùng chỉ còn lại Lòng Thương Xót và người được xót thương” (thánh Augustinô). Thiên Chúa không bao giờ rút lại các ân huệ của Ngài (Rm 11,29), một khi Ngài đã ban ân sủng cho các gia đình qua bí tích Hôn Phối, Ngài cũng ban cho họ những ơn cần thiết để hoàn thành ơn gọi đó cách tốt đẹp. Chính Thiên Chúa đã khắc ghi họ trong lòng bàn tay Ngài (Is 49,16). Các gia đình luôn ở trong cung lòng thương xót của Thiên Chúa, các mục tử lẽ nào không theo “lối mòn” thương xót của Thiên Chúa?
 

Thứ ba: Đồng hành dài hạn trong sự kiên nhẫn. Dấn thân mục vụ cần các đức tính của người mục tử: Quảng đại, ân cần, trung tín và dĩ nhiên phải kiên nhẫn. Đồng hành bao giờ cũng là một tiến trình lâu dài trong sự kiên nhẫn. Không kiên nhẫn không thể đồng hành hiệu quả. Không kiên nhẫn thì dễ mà sớm bỏ cuộc. Biết rằng, thời gian quan trọng hơn không gian (Amoris Laetitia, 3. Kiên nhẫn với từng hoàn cảnh cụ thể, đó chính là “nghệ thuật dưỡng nuôi niềm hy vọng” (Luc de Vauvenargues), bởi vì “các gia đình không phải là một vấn đề, mà trước tiên là một cơ hội” (Amoris Laetitia, 7), và “có một sự sáng suốt đáng buồn: Xét mọi người theo quá khứ của họ; có một sự sáng suốt đầy yêu thương: Đoán trước người ta có thể biến đổi tốt đẹp đến chứng nào” (ĐHV, 427).

Đồng hành trong kiên nhẫn, ta mới có thể nên người bạn thông cảm, đồng cảm, thấu cảm, cùng họ nói lên một lời vang vọng tiếng “Xin Vâng” của Đức Kitô trên thập giá. Điều này làm vơi đi nỗi đau thê thảm do sự gãy đỗ trong hôn nhân mà họ đã phải hứng chịu, dù nguyên nhân là gì đi nữa. Đây là lý do vì sao mà thỉnh thoảng, lâu lâu tôi vẫn liên lạc hỏi thăm, động viên gia đình Hương. Tôi mong muốn Tòa Án Hôn Phối Giáo Phận sớm bắt tay vào điều tra để minh định rõ ràng về hoàn cảnh dẫn đến việc gãy đổ hôn nhân của bố Hương, đồng thời có một chương trình dài hạn đồng hành với các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.

Tạm kết

Gia đình là “con đường” mà Giáo Hội phải đi qua. Đó là con đường trước tiên và quan trọng nhất. Một con đường mà bất cứ ai làm người cũng phải đi ngang qua. Thánh “giáo hoàng của các gia đình” Gioan Phaolô II đã mạnh mẽ khẳng định như thế trong Tông huấn Familiaris Consortio và trong thư gửi các gia đình (02/02/1994). Con người và gia đình đều là con đường của Giáo Hội. Điều căn cốt này cũng được ngài khẳng định ở Thông điệp đầu tiên Redemptor Hominis (số 14).

Thực vậy, gia đình là tổ ấm đầu tiên có thể ban tặng cho con người sự sống, là trường học đầu tiên, là tế bào, nền móng của xã hội, và là một “Hội Thánh tại gia”. Nơi đó chất chứa bao niềm vui, chia sẻ bao nỗi buồn, để có thể vượt qua những cơn phong ba bão táp không may ập đến. “Vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng” của các gia đình cũng chính là “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng” của Giáo Hội, của các mục tử coi sóc. Niềm vui của tình yêu trong đời sống của các gia đình cũng là niềm vui của Giáo Hội (Amoris Laetitia, 1).

Trong chiều hướng này có thể nói, sự đổ vỡ của các gia đình là “vết thương” nơi chính tâm hồn người mục tử. Người mục tử của Đức Kitô là những “chuyên gia về con người” không thể tạo thêm những “tảng băng” lạnh giá trong trái tim các gia đình bằng một lối mục vụ “duy luật”, hay một lối sống xa cách, bàng quang, khoanh tay, thờ ơ, thậm chí ghẻ lạnh với các hoàn cảnh như gia đình Hương. Vì “nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi thiếu vắng tình thương” (Maxim Gorky), nên lối mục vụ cứng ngắc không phù hợp, thậm chí phản với “bảng chỉ đường” của Tin Mừng, với đường hướng mục vụ của Giáo Hội trong bối cảnh hôm nay.

Trái lại, mục vụ gia đình bằng việc ân cần đồng hành, hướng dẫn trong kiên nhẫn và yêu thương, thấu cảm sẽ tạo nên một tổ ấm đầy hương thơm của Tin Mừng. Trong mỗi gia đình ấy, người con không phải mặc cảm tự ti khi nhắc tới gia đình để thốt ra trong sự đau lòng: “Gia đình là cục cơm nguội” như Hương nói. Các mục tử tựa như những “kỹ sư tâm hồn” là nhân tố quan trọng quyết định đến hạnh phúc của các gia đình đang khủng hoảng. Dưới ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa thì “mỗi gia đình là một lịch sử cứu độ” như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận định. Điều này thực sự thắp lên ngọn nến hy vọng cho công việc mục vụ các gia đình đang khủng hoảng và gãy đổ, vốn là một công việc mục vụ đầy gian nan và hết sức khẩn thiết trong bối cảnh hôm nay.

Vì “tương lai nhân loại phải đi qua gia đình” (Tông Huấn Familiaris Consortio, 86), nên gia đình Công Giáo không thể không đóng góp cho gia đình nhân loại thiên niên kỷ thứ ba nên nhân bản hơn, nhân linh hơn, đẹp đẽ hơn. Đóng góp như vậy, các gia đình Công Giáo đang trở thành Tin Mừng, thành muối và ánh sáng, thành “bí tích”, thành “đèn báo” cho nhân loại khám phá về vẻ đẹp, giá trị lớn lao và thánh thiêng của hôn nhân Công Giáo.

Tôi có một giấc mơ, giấc mơ cho mọi gia đình biết cậy dựa vào ơn Chúa và Giáo Hội để biết trèo lên trên những viên đá khủng hoảng. Khi đó, gia đình không còn là “cục cơm nguội”, nhưng là “Niềm Vui của Tình Yêu” tràn ngập hơi ấm hạnh phúc, là “Hội Thánh tại gia” chiêm ngắm về “gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi” hạnh phúc tròn đầy.

Nguồn: FB Lm Agostino Nguyễn Văn Dụ

Nguồn tin: www.facebook.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây