Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Ảnh hưởng của gia đình đối với định hướng giá trị nhân cách của học sinh Trung học phổ thông.

-

-

Với thực trạng hiện nay khi mà rất nhiều em học sinh THPT ở các thành phố lớn, thị xã hoặc một số gia đình giàu có thiếu hụt những kỹ năng sống cơ bản và cần thiết, các em không biết làm bất cứ một công việc nào...
Ảnh hưởng của gia đình
đối với định hướng giá trị nhân cách của học sinh Trung học phổ thông.
 
Những nghiên cứu về nhân cách trong tâm lý học cho thấy: định hướng giá trị nhân cách của học sinh THPT, nằm trong cấu trúc của xu hướng nhân cách. Nó chịu ảnh hưởng của những yếu tố tâm lý cá nhân, tâm lý xã hội và các yếu tố xã hội khác.
 
Kết quả nghiên cứu thực tiễn của chúng tôi cho thấy, tất cả các yếu tố trên đều có ảnh hưởng nhất định đến định hướng giá trị nhân cách của học sinh THPT, song mỗi yếu tố có sự ảnh hưởng ở mức độ mạnh yếu khác nhau. Trong số các yếu tố này thì yếu tố gia đình có mức độ ảnh hưởng và tác động mạnh nhất đến định hướng giá trị nhân cách của học sinh THPT.
 
Gia đình ảnh hưởng đến định hướng giá trị nhân cách của học sinh THPT ở những khía cạnh cơ bản sau:
 
Thứ nhất, gia đình là nơi diễn ra những mối quan hệ xã hội đầu tiên của con người. Những mối quan hệ trực tiếp giữa đứa trẻ và cha mẹ là những tác động qua lại đầu tiên trong đời sống xã hội của đứa trẻ. Trong gia đình, các em nhận được những kinh nghiệm và kỹ năng sống đầu tiên.
 
Trong số học sinh được nghiên cứu, có tới 86% số học sinh cho rằng các em học hỏi và tiếp nhận những kỹ năng sống, cách giao tiếp, cách ứng xử xã hội từ bố mẹ và các thành viên trong gia đình. 55% số học sinh được hỏi thì nói rằng bố mẹ, ông bà hay anh chị mình chính là biểu tượng, hình mẫu cho sự phấn đấu và hoàn thiện nhân cách của các em.
 
Tuy nhiên, dường như bố mẹ và những người lớn trong gia đình ít dành thời gian dạy các em những kỹ năng sống cần thiết, ngay cả những kỹ năng tự chăm sóc và phục vụ bản thân mình. Khi được hỏi các em có thường xuyên làm các công việc gia đình không: 55% học sinh THPT cho rằng các em ít khi làm; chỉ có 30% số học sinh nói rằng mình thường xuyên làm các công việc gia đình. Và với câu hỏi “tại sao các em không làm các công việc gia đình?” cho thấy các em đưa ra 4 lí do cụ thể như: bố mẹ chưa tin tưởng giao phó cho các em tự làm các công việc gia đình, không cần các em giúp đỡ, vẫn lo sợ các em không biết làm và làm không khéo. Môt số gia đình khác lại không muốn các em làm các công việc gia đình là vì lo sợ các em không có thời gian học tập, và còn do thời gian các em đi học ở trên lớp, đi học thêm ở ngoài nhà trường và tự học ở nhà đã chiếm hết thời gian của các em.
 
Với thực trạng hiện nay khi mà rất nhiều em học sinh THPT ở các thành phố lớn, thị xã hoặc một số gia đình giàu có thiếu hụt những kỹ năng sống cơ bản và cần thiết, các em không biết làm bất cứ một công việc nào cho dù là những công việc tự phục vụ nhu cầu của bản thân hay những công việc nhà đơn giản mà đáng lẽ ra ở lứa tuổi này các em bắt buộc phải biết làm để chuẩn bị cho bản thân những kỹ năng sống cần thiết khi các em bước chân ra khỏi cổng trường THPT bước vào một cuộc sống độc lập của những người trưởng thành. Điều này có ảnh hưởng rất nhiều đến sự khẳng định cái Tôi độc lập của các em, hướng dẫn, khuyến khích và tạo điều kiện để các em tham gia tích cực vào các công việc trong gia đình là việc làm cần thiết của các bậc phụ huynh.
 
Thứ hai, các hình thức giáo dục con cái trong gia đình có ảnh hưởng trực tiếp đến định hướng giá trị nhân cách của học sinh THPT.
 
Khi được hỏi, các em mong muốn được bố mẹ giáo dục theo hình thức nào thì có tới 76% số học sinh cho rằng các em luôn mong muốn được bố mẹ động viên, khen thưởng khi làm được việc tốt; nhắc nhở, phê bình đúng mực khi mắc khuyết điểm; cho con tự quyết định và làm một số công việc tự phục vụ nhu cầu của bản thân; tâm sự, chia sẻ với bố mẹ như một người bạn; hướng dẫn con tự phục vụ và chăm sóc bản thân. Và có tới 90% số học sinh được hỏi cho rằng các hình thức giáo dục trên rất quan trọng đối với các em và các em luôn mong muốn trong gia đình mình được giáo dục như vậy.
 
Mặc dù nguyện vọng và mong muốn của các em học sinh THPT là như vậy, song kết quả nghiên cứu thực tiễn của chúng tôi lại cho thấy, chỉ có 49% số học sinh được hỏi cho rằng các em được hưởng những hình thức giáo dục tích cực này mà thôi. Có tới 51% số học sinh được hỏi cho rằng, bố mẹ thường xuyên sử dụng các hình thức giáo dục ít tích cực hơn trong quá trình dạy con ở gia đình như: không bao giờ trách phạt khi mắc lỗi; không bao giờ động viên, khen thưởng các em khi các em đạt được điểm tốt hay làm được công việc có ích; một số em còn được giáo dục theo cách “yêu cho roi, cho vọt...”; ít dành thời gian quan tâm đến con...
 
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy, các hình thức giáo dục tích cực trong gia đình có ảnh hưởng tích cực đến định hướng giá trị nhân cách của học sinh THPT. 76% số học sinh THPT có học lực khá giỏi, có đạo đức tốt là những học sinh được hưởng nền giáo dục tích cực trong gia đình. Và có tới 71% số học sinh có học lực yếu, đạo đức chưa tốt luôn được nhận được các hình thức giáo dục ít tích cực hơn trong gia đình.
 
Như vậy, nếu các em sống trong gia đình mà cha mẹ có những biện pháp giáo dục thiếu khoa học (bạo lực, độc đoán, lạnh lùng, thiếu sâu sát, quan tâm...), gia đình mà cha mẹ có những hành vi lệch chuẩn thì định hướng giá trị nhân cách của các em cũng thiên về sự phát triển lệch lạc.
 
Thực tế cho thấy hành vi phạm tội của một số em học sinh bắt nguồn từ gia đình. Do cha mẹ đánh đập, chửi mắng, thiếu quan tâm, hoặc cha mẹ là những người nghiên ma tuý, cờ bạc, làm ăn phi pháp...
 
Một nghiên cứu gần đây ở Việt Nam cho thấy, có đến 93,3% trẻ em độ tuổi 2-14 đã bị mẹ, người chăm sóc hoặc các thành viên trong gia đình xử phạt về tâm lý (quát mắng, cấm đoán, bắt buộc). Đáng chú ý có tới 9,4% trẻ em bị xử phạt nặng bằng roi vọt, và gần một nửa bà mẹ, người chăm sóc chính tin rằng cần phải dùng roi vọt đối với trẻ em (Unicef, GSO ; 2006 :114).
 
Với những con số này, đòi hỏi các bậc cha mẹ phải xem xét lại các hình thức giáo dục con cái trong gia đình của mình đã phù hợp và đúng với mong muốn của con cái hay chưa? Có giúp con có được sự hình thành định hướng giá trị nhân cách đúng theo chiều hướng mong muốn của gia đình và xã hội hay không?
 
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy, phần lớn học sinh THPT đều mong muốn được khẳng định cái Tôi của mình trong quan hệ với bố mẹ những người thân trong gia đình. Ở lứa tuổi này, tự ý thức và nhu cầu độc lập phát triển mạnh mẽ do đó các em bắt đầu nhận thức được quyền của mình trong việc sử dụng thời gian, cách thức học tập, tự mình chăm sóc cuộc sống của bản thân, trong việc chọn bạn và thể hiện quan điểm riêng của mình về tình yêu… Nghiên cứu này cũng cho thấy, phần lớn các em đều mong muốn được khẳng định quan điểm riêng của mình trong vấn đề học tập, sinh hoạt hàng ngày, việc chọn bạn, và quan điểm về tình yêu. Tuy nhiên, ở học sinh THPT những mong muốn được khẳng định vị thế của các em trong gia đình thường hướng vào những mong muốn sau: “tự mình quyết định cách sử dụng thời gian và cách thức học tập” chiếm 59,6%; có 53,3% học sinh THPT mong muốn “tự mình chăm sóc cuộc sống của bản thân (ăn, mặc, sinh hoạt, chăm sóc sức khoẻ, dọn dẹp phòng của mình…)”; có 55,1% học sinh THPT “muốn khẳng định quan điểm riêng về tình bạn và tình yêu” và có 48,9% học sinh THPT muốn được “tự mình quyết định việc lựa chọn các quan hệ với bạn bè”. Tuy vậy, “mong muốn khẳng định quan điểm riêng của mình về xã hội và cuộc sống” chỉ có một tỷ lệ tương đối ít học sinh lựa chọn (25,6%).
 
Có thể nói tự khẳng định bản thân trong quan hệ gia đình là một nhu cầu tích cực của học sinh THPT, thể hiện mong muốn khẳng định cái Tôi của bản thân theo hướng thay đổi vai trò và mối quan hệ trong gia đình, các em mong muốn được tự khẳng định bản thân mình theo hướng tự quyết định, tự chịu trách nhiệm cho những việc làm của mình. Do đó, cha mẹ và những người lớn trong gia đình nên hiểu được đặc điểm tâm lý đặc trưng của lứa tuổi này. Cảm giác người lớn khiến cho lứa tuổi học sinh THPT muốn được khẳng định bản thân, muốn được độc lập và không bị phụ thuộc ở một mức độ nhất định vào cha mẹ và những người thân trong gia đình. Do đó, cha mẹ và những người lớn trong gia đình cần thay đổi những quy định về sự đỡ đầu vụn vặt, sự kiểm tra quá đáng, sự chăm sóc quá tỷ mỉ, sự hướng dẫn quá mức chi tiết về mọi lĩnh vực trong cuộc sống của các em nhằm tránh những xung đột, mâu thuẫn đáng tiếc xảy ra trong ra đình ảnh hưởng đến mối quan hệ thân thiết của cha mẹ và con trong gia đình.
 
Thứ ba, có mối liên hệ giữa định hướng giá trị nhân cách của học sinh THPT với mức độ quan tâm của cha mẹ đến đời sống tâm lý và tinh thần của các em.
 
Trong số học sinh THPT được nghiên cứu thì có đến 76% nói rằng sự quan tâm của cha mẹ như luôn động viên, khích lệ, khuyến khích con cái, quan tâm đến đời sống tinh thần của con giữ vai trò rất quan trọng đối với các em. Có tới 85% số học sinh được hỏi cho rằng, các em luôn mong muốn được bố mẹ tâm sự, chia sẻ với các em tất cả mọi điều trong cuộc sống, xem các em như một người bạn.
 
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy có tới 59% số học sinh được hỏi nói rằng trong gia đình mình các thành viên ít có sự quan tâm lẫn nhau; mức độ quan tâm của cha mẹ đến đời sống tâm lý và tinh thần của con cái thì 57% số học sinh lực chọn mức độ ít quan tâm, 21% số học sinh được hỏi không quan tâm lắm. Và đặc biệt có tới 67% số học sinh được hỏi cho rằng bố mẹ quan tâm tới các em không đúng cách và thái quá.
 
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy, mô hình gia đình có ảnh hưởng trực tiếp đến định hướng giá trị nhân cách của học sinh THPT. Khi nghiên cứu sâu các trường hợp điển hình về định hướng giá trị nhân cách của học sinh THPT chúng tôi đã thu được kết quả sau:
 
Trong các mô hình gia đình, mô hình gia đình trí thức, bố mẹ có trình độ học vấn, có văn hoá, gia đình hoà thuận, đầm ấm và hạnh phúc và đặc biệt gia đình là nơi để các con cảm thấy thật sự an toàn khi sống ở đó sẽ có ảnh hưởng một cách tích cực đến định hướng giá trị nhân cách của các em. Các em sẽ có định hướng giá trị nhân cách đúng đắn theo sự định hướng của bố mẹ và phát triển nhân cách của mình đúng với mong muốn của xã hội. Tuy nhiên, nghiên cứu sâu các trường hợp điển hình của chúng tôi cũng cho thấy: vẫn có một số học sinh THPT được sống trong gia đình rất thuận lợi cho sự hình thành và phát triển nhân cách của các em, song các em vẫn có định hướng giá trị nhân cách lệch lạc, không đúng theo mong muốn của gia đình và xã hội. Một số ít học sinh phải sống trong môi trường gia đình khó khăn về kinh tế, bố mẹ thiếu trình độ văn hoá, không có hình thức giáo dục con cái tích cực song vẫn trở thành học sinh ngoan, học giỏi, do sự tự học hỏi, sự nỗ lực và ý chí quyết tâm cao của bản thân. Song, mô hình gia đình thứ hai này về cơ bản có ảnh hưởng tiêu cực đến định hướng gia trị nhân cách của học sinh THPT.
 
Như vậy, gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến sự lựa chọn các giá trị của các em, trước hết là nhân cách của bố mẹ, anh chị em, cách thức giáo dục và chăm sóc của bố mẹ, lối sống của gia đình. Do vậy, việc xây dựng một lối sống, sự quan tâm đúng mực của gia đình và sự gương mẫu của bố mẹ là điều kiện cần thiết để hình thành định hướng giá trị nhân cách đúng đắn của các em.
 
Việc các em mong muốn khẳng định mình trong gia đình, trong quan hệ với bạn bè và người khác, cũng như sự phát triển tự ý thức và nhu cầu độc lập của các em là vấn đề cần được chú ý, quan tâm trong hoạt động giáo dục đối với lứa tuổi học sinh THPT hiện nay ở cả phạm vi gia đình. Chúng ta cần tôn trọng những quan điểm, nhu cầu và mong muốn chính đáng của các em, sẽ là sai lầm nếu chúng ta chỉ nhìn các em như là những đứa trẻ còn non nớt.
 
Các hình thức giáo dục con cái trong gia đình cần được bố mẹ và các thành viên trong gia đình chú ý đặc biệt, tránh sử dụng các hình thức giáo dục thiếu tích cực và đặc biệt là các hình thức giáo dục roi vọt, xâm phạm thể chất và tinh thần của con em mình.
 
Gia đình cần kết hợp với nhà trường, xã hội trong việc giáo dục giá trị cho các em, không nên phó mặc trách nhiệm giáo dục giá trị con em mình cho nhà trường và xã hội.

Tác giả: Nguyễn Thị Mai Lan

Nguồn tin: honnhangiadinh.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây