Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Một chứng nhân nổi bật của niềm hy vọng

Lễ Giỗ lần thứ 19 của Đấng Đáng kính Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận, sẽ được Đức HY Peter Turkson, Bộ trưởng Thánh Bộ Dịch vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện, chủ tế vào lúc 12g ngày mai 16/9/2021 tại Nhà thờ Santa Maria della Scala. Xin nhờ lời chuyển cầu của Đấng Đáng kính cho Đất Nước sớm thoát cơn đại dịch hiện nay.
Một chứng nhân nổi bật của niềm hy vọng
Xin gửi đến quý độc giả đọc lại toàn văn Bài giảng của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II trong Thánh lễ an táng Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận, thứ Sáu ngày 20 tháng 9 năm 2002.

1.Họ chứa chan hy vọng được trường sinh bất tử” (Kn 3, 4).

Trong ánh sáng của niềm hy vọng, lời an ủi của sách Khôn ngoan kêu mời chúng ta hãy dâng lên Chúa lời cầu xin tha thiết cho linh hồn ưu tuyển của Đức Cố HY PX Nguyễn Văn Thuận, người đã đặt trọn đời mình hoàn toàn dưới dấu chỉ của niềm hy vọng.

Thật vậy, việc Đức HY ra đi bao trùm nỗi đau thương trên những ai từng biết và yêu mến ngài: gia đình của ngài, cách riêng Bà Cố thân mẫu của ngài, người mà tôi muốn một lần nữa biểu lộ sự gần gũi quý mến. Tôi cũng nghĩ đến Giáo hội Việt Nam yêu dấu đã sinh ra Đức Cố HY trong đức tin; và tôi cũng nghĩ đến toàn thể dân tộc Việt Nam mà Đức Cố HY khẳng định luôn yêu mến, đã được ngài nhắc đến cách xúc động trong di chúc thiêng liêng. Tòa Thánh thương tiếc Đức HY Văn Thuận, người đã cống hiến những năm tháng cuối đời phục vụ trong cương vị là Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về “Công lý và Hòa Bình”.

Trong giây phút này, dường như Đức Cố HY với tình yêu thiết tha đang mời gọi tất cả mọi người chúng ta hãy tiến bước trong niềm hy vọng. Vào Năm Thánh 2000, khi tôi mời ngài hướng dẫn tuần Linh thao cho Giáo triều Rôma, Đức HY đã chọn chủ đề: “Chứng nhân Hy vọng”. Giờ đây, sau khi Chúa đã thanh luyện ngài “như vàng trong lò lửa” và đón nhận ngài “như của lễ toàn thiêu”, chúng ta có thể khẳng định rằng “ngài chứa chan hy vọng được trường sinh bất tử” (x. Kn 3,4; Kn 3,6). Điều đó có nghĩa rằng niềm hy vọng của ngài chan chứa Đức Kitô, Đấng là sự sống và là sự phục sinh cho những ai luôn tin cậy nơi Người.

2. Hãy hy vọng nơi Thiên Chúa!

Hãy đặt niềm cậy trông nơi Chúa là lời mời gọi của Đức Cố HY kính yêu khi khởi sự tuần Linh thao. Những lời khuyên của ngài, xuất phát từ suy tư sâu sắc, được phong phú thêm bằng những ký ức mà bản thân ngài đã trải qua, đa phần liên quan đến 13 năm tù đày, đã để lại ấn tượng sâu đậm trong trí nhớ của tôi. Ngài đã thuật lại rằng chính trong lao tù ngài hiểu được rằng nền tảng đời sống Kitô hữu là “chỉ chọn Thiên Chúa mà thôi”, bằng cách phó thác hoàn toàn vào bàn tay hiền phụ của Người.

Dưới ánh sáng của sự trải nghiệm cá nhân, Đức HY nói thêm rằng, chúng ta được mời gọi loan báo cho mọi người “Tin Mừng của niềm hy vọng”; và ngài xác định, chỉ bằng tinh thần hy sinh triệt để mà thôi chúng ta mới có thể hoàn thành ơn gọi này, dù đứng trước những thử thách cay nghiệt nhất. Đức HY đã nói, “hãy xem từng nỗi đau như một khuôn mặt trong vô vàn khuôn mặt của Chúa Kitô chịu đóng đinh thập giá, và liên kết với nỗi đau của Người, đó là đi vào chính thứ năng động đau khổ-tình yêu của Chúa; đó là tham dự vào ánh sáng của Chúa, sức mạnh của Chúa, bình an của Chúa; đó là nhận ra Chúa đang hiện diện trong ta thật mới mẻ và thật đầy tràn” (x. Chứng nhân Hy vọng, Rôma 2001, trang 124).

3. Chúng ta có thể tự hỏi lòng nhẫn nại và can đảm xuất chúng nơi Đức Cố HY từ đâu mà có? Trước tiên ngài luôn xác tín rằng ơn gọi linh mục của ngài gắn kết cách mầu nhiệm nhưng thực sự với giòng máu các vị tử đạo đã đổ ra khi các ngài rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam vào những thế kỷ trước. Đức Cố HY nhìn nhận “các vị tử đạo đã dạy chúng ta biết thưa xin vâng: tiếng xin vâng vô điều kiện và vô giới hạn cho tình yêu Chúa; đó cũng là lời từ chối trước những xua nịnh, những thỏa hiệp, những bất công, cả khi chỉ để mong giữ được được tính mạng” (Chứng nhân Hy vọng, Rôma 2001, trang 139-140). Ngài còn thêm rằng đây không phải là chuyện chủ nghĩa anh hùng, nhưng là lòng trung thành lớn lên dần nhờ chăm chú nhìn lên Đức Giêsu là gương mẫu cho các chứng nhân và các vị tử đạo. Đó là di sản cần được đón nhận mỗi ngày trong cuộc sống đầy tình yêu thương và lòng nhân hậu.

4. Xin vĩnh biệt người sứ giả anh hùng của Tin Mừng Chúa Kitô. Chúng ta tạ ơn Chúa đã cho chúng ta một tấm gương sáng ngời về sự gắn bó với niềm tin Kitô giáo đến độ tử đạo. Chính Đức Cố HY đã từng khẳng định một cách đơn sơ sâu sắc rằng: “Trong vực thẳm của những khổ đau… tôi không bao giờ ngừng yêu thương mỗi người, không một ai bị loại trừ khỏi trái tim tôi” (x. Chứng nhân Hy vọng, Rôma 2001, trang 124).

Bí quyết sống của ngài là một niềm cậy trông không hề lay chuyển nơi Thiên Chúa, hằng được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện và đón nhận mọi đau khổ vì tình yêu. Trong lao tù, mỗi ngày ngài đã dâng thánh lễ với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay. Đó là bàn thờ của ngài, là nhà thờ chánh tòa của ngài. Mình Thánh Chúa Kitô là “thuốc” của ngài. Ngài đã xúc động kể lại: “Mỗi lần tôi có cơ hội giang đôi tay và cùng chịu đóng đinh trên thánh giá với Chúa Giêsu, được cùng Người uống chén đắng. Mỗi ngày, khi đọc lời truyền phép với hết lòng và hết linh hồn, tôi cam kết một giao ước mới, một giao ước vĩnh cửu giữa Chúa Giêsu với tôi, nhờ Máu Chúa hòa trong máu của tôi (x. Chứng nhân Hy vọng, Rôma 2001, trang 168).

5.Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Phi 1,21). Trung thành cho đến chết, Đức HY Nguyễn Văn Thuận đã áp dụng vào bản thân mình lời của thánh Phaolô Tông đồ mà chúng ta vừa nghe. Ngài đã luôn giữ thái độ thanh thản và cả tươi vui nữa, cả trong những ngày dài điều trị đau đớn trong bệnh viện. Trong những ngày cuối cùng khi không còn nói được nữa, ngài đã luôn dán mắt nhìn tượng Chúa chịu nạn đặt trước mặt ngài. Ngài cầu nguyện trong thinh lặng, thực hiện cuộc hiến tế cuối cùng để hoàn tất một cuộc đời được khắc họa bằng sự biến đổi cách anh dũng nên giống Đức Kitô trên Thập giá. Thật thích hợp với ngài lời Chúa Giêsu từng công bố trước khi đi vào biến cố Vượt Qua: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; nhưng nếu chết đi nó mới sinh nhiều hạt” (Gio 12, 24).

Chỉ bằng sự hy sinh chính mình, người Kitô hữu mới góp phần vào công cuộc cứu rỗi nhân loại. Đó là điều Đức HY anh em đáng kính của chúng ta đã thực hiện. Ngài đã xa lìa chúng ta nhưng gương sáng ngài vẫn còn đây. Đức tin đoan chắc với chúng ta rằng ngài không chết nhưng đi vào ngày vĩnh cửu, ngày không có hoàng hôn.

6. “Thánh Maria,… cầu cho chúng con… trong giờ lâm tử”. Trong tù đày, khi không còn cầu nguyện được nữa thì Đức Cố HY chạy đến với Mẹ Maria: “Mẹ ơi, Mẹ thấy con đã kiệt sức rồi, không còn cầu nguyện gì được nữa. Giờ đây, … con chỉ biết đặt mình trong tay mẹ mà thân thưa: Kính mừng Maria!” (x. Chứng nhân Hy vọng, Rôma 2001, trang 253).

Trong di chúc thiêng liêng, sau khi cầu xin được tha thứ, Đức Cố HY hứa sẽ tiếp tục yêu thương tất cả mọi người. Ngài khẳng định, “tôi an bình ra đi và không thù ghét một ai, tôi xin dâng mọi đau khổ mà tôi đã trải qua cho Mẹ Maria Vô nhiễm và thánh Cả Giuse”.

Lời di chúc đã kết thúc với 3 điều nhắn nhủ: “Hãy yêu mến Đức Trinh nữ Maria và cậy trông thánh Cả Giuse; hãy trung thành với Giáo hội; hãy hiệp nhất và thể hiện bác ái với mọi người”. Đó cũng là bản tổng hợp cả chính cuộc đời Đức Cố HY vậy.

Và giờ đây có lẽ Đức Cố HY đã được đón nhận vào thiên đàng, cùng với thánh Cả Giuse và Mẹ Maria, để tận hưởng niềm vui được chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô rạng ngời vinh quang, Đấng mà ngài hằng miệt mài tìm kiếm trên dương thế như là niềm hy vọng duy nhất.
Amen!
---------------------------------------------------
Lê Văn Hùng HT69 chuyển ngữ
Nguồn: https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/fr/homilies/2002/documents/hf_jp-ii_hom_20020920_esequie-card-van-thuan.html

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây