Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Cha Bề trên PX. Nguyễn Văn Thuận. Từ Tiểu Chủng viện Hoan Thiện đến nhà thờ Santa Maria della Scala [3]

Ngoài thái độ vui vẻ, thân thiện, nhóm thanh niên còn cảm nhận ngài thực tình yêu thương, quí mến họ. Sức mạnh mềm từ cách “sống giây phút hiện tại, lấp đầy yêu thương”, từ nhân cách cao quí của ngài đã chinh phục họ.
duc cha thuan 6
 
CHA BỀ TRÊN PX. NGUYỄN VĂN THUẬN – TỪ NHÀ HOAN THIỆN HUẾ ĐẾN NHÀ THỜ SANTA MARIA DELLA SCALA RÔMA

PHẦN 2

2.1 Cha Bề trên đã chọn châm ngôn giám mục ‘Vui mừng và Hy vọng’ làm kim chỉ nam cho sứ vụ giám mục, và trong sự quan phòng của Chúa, 13 năm lao tù lại trở thành cơ hội để ngài sống trọn chiều kích của câu châm ngôn qua việc thể hiện vững vàng, mạnh mẽ nhân đức cậy trông. 13 năm lao tù trở thành thời gian thanh luyện để ngài thánh thiện hơn, như cảm nghiệm của triết gia, thần học gia Kierkegaard: “trong gian khổ chúng ta lớn mạnh, trong cô đơn chúng ta suy sụp”. Ngài đã trung kiên trong gian khổ, vì thế ngài được gọi là chứng nhân hy vọng, là bậc thầy của niềm hy vọng Kitô giáo. Tạ ơn Chúa đã cho tôi cơ duyên dự phần chứng nhân, dù rất nhỏ bé, về giai đoạn khốn khó nầy trong cuộc đời ngài.

2.2 Chiều tối ngày 23/6/1967, trước ngày thánh lễ truyền chức giám mục của cha Bề trên, Lê Thanh Minh PX61 và tôi đến thăm ngài tại nhà gia đình ngài ở Phủ Cam. Đến trước sân, chúng tôi ngần ngại chưa dám vào thì có người báo và ngài ra đón. Chúng tôi nói lời chúc mừng vừa đùa vừa thật: “Chúng con vui mừng được thấy Cha Bề trên lên chức giám mục, chúng con buồn vì mất cha Bề trên nhưng hy vọng cha Bề trên có ngày sẽ có mũ khác. Rất thân tình vỗ vai hai đứa, ngài nói: “Cha đi thì có cha bề trên mới, lo mà giữ luật lệ, vâng lời”. Đó là điều ngài thường dạy dỗ trong những giờ huấn đức. Ngài bảo chúng tôi ở lại cùng phòng với mấy chú ngủ cạnh phòng ngài. Sáng dậy, ngài qua phòng đưa cho chúng tôi chai súc miệng của Mỹ. Ăn sáng tại nhà ngài và chiều lại dự lễ truyền chức Giám mục tại Tiểu chủng viện.
 

2.3 Thời gian ngài vào Nha Trang, thỉnh thoảng có dịp tôi ghé lại Tòa giám mục thăm ngài. Thường vào ban tối, ngài gọi đến phòng làm việc. Tôi được nghe ngài nói về Giáo hội, tu hội đời, phong trào Focolare...(chúng tôi hay đùa với nhau là phao câu la-de) ngài có ý định sau nầy gởi tôi đến học tập tại Loppiano, Italia, cái nôi của phong trào Focolare. Ngài truyền cảm hứng cho tôi về lòng yêu mến Hội Thánh, và trong các buổi nói chuyện thường hay xen những chuyện vui cười. Tôi còn nhớ một vài chuyện như Cha trại 4 đi kẻ liệt (trại tạm cư cho dân Quảng Trị tại Đà Nẳng sau mùa hè đỏ lửa năm 1972). Ấy là vào lúc khoảng 12 giờ đêm, không gian thanh vắng người ta thấy hai đứa trẻ cầm đèn đi với một người dáng đậm người, giáo dân bảo nhau có ai đau nặng mà Cha phải đi xức dầu đêm khuya.Tội nghiệp chưa! Ba bóng người lặng lẽ tiến về bãi cát chỉ để đi vệ sinh. Số là thầy Trọng ăn chè đậu xanh đêm nằm ngoài sương gió đêm khuya đau bụng phải đi ra bãi. May có hai thằng cháu tiền hô hậu ủng. Sau đó, ngài chọc quê thầy Trọng; thầy tìm ra tác giả, đấm tôi một cái “mi bịa chuyện”. Đúng vậy, chuyện cười thì có thật và có hư cấu.

Chuyện Duy Sinh bị trêu vì danh cha bị kêu suốt cả buổi, chúng nó vô phép vô tắc đem tên cha thầy mà hô vang nhiều lần trước mặt thiên hạ. Hôm đó Duy Sinh đi coi duyệt binh mừng chiến thắng của quân đội trước Phú Văn Lâu. Nhiều lần nghe hô Nghiêm- chào, mỗi khi có các đoàn diễn hành qua khán đài danh dự. Hi hi! Anh em trêu Duy Sinh để cười chơi. Duy Sinh vui tính cười hề hề.

Tôi nghe ngài kể vài chuyện Nhạc gia: Thầy Giải nhà miềng được truyền chức linh mục xong, lập tức về nhạc gia mở tiệc linh đình. Tôi ngạc nhiên không hiểu. Nhạc gia là nhà bố vợ chớ chi nữa. Kỳ quá! Ngài nói Nhạc gia viết hoa, là nhà ông Nhạc, cha Cha Giải.

Chuyện có thằng bé mới đi học Vỡ lòng để chuẩn bị rước lễ lần đầu miệng mồm nhanh nhẹ, dạn dĩ. Hôm đó, cha chủ tế xướng: - Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta.

Hắn đáp thật to: - Thật là QU...Á đáng!

Cả nhà thờ không nhịn được, cười òa lên. Ba phút sau cha chủ tế mới đọc tiếp được.

Chỉ là những chuyện dí dỏm nhưng không hề nghe có mùi dung tục trong các chuyện vui của ngài. Vì “Nói những chuyện dâm ô, dù để giải buồn cũng không có lợi; đừng nói bao giờ, kinh nghiệm cho thấy những người hay nói sẽ làm” (ĐHV 446).

Đối với ngài vui tươi để lôi kéo người khác đến với Chúa.

Vui tươi là một nét trong linh đạo hy vọng:

“Con phải vui tươi luôn. Đường hy vọng không thể chấp nhận lữ hành buồn phiền được, đường hy vọng đem lai vui tươi” (ĐHV 535).

Tính ngài lạc quan, thích khôi hài nên nhìn đâu cũng thấy cái để vui cười.

Những mẫu chuyện tiếu lâm loại nầy thường đăng trên tờ Liên Lạc hàng tháng của nhóm đại chủng sinh Huế tại Đại chủng viện Huế, Đà Lạt, Hòa Bình. Rất tiếc sau năm 1975 không còn ai giữ những tờ Liên Lạc nầy, nó bị lạc luôn.
 

2.4 Ngài có tầm nhìn về Giáo hội

Mùa hè năm 1973, Giáo phận Nha trang mở khóa Cursillo, đặc biệt dành cho Huế số lượng lớn người tham dự. Tôi cùng với một số đại chủng sinh và sinh viên, giáo dân được vào Nha Trang học khóa nầy. Năm sau, ngài ra Huế mở khóa Cursillo đầu tiên cho giáo phận Huế, tôi được cha Tổng đại diện Simon Nguyễn Văn Lập sai chạy việc. Trong những ngày Cursillo, ngài xắn tay cùng với các anh chị em trợ tá thu dọn bát đĩa sau những bữa ăn.

Ngài coi trong vai trò giáo dân trong Giáo hội. Để huấn luyện giáo dân thành những chiến sĩ đạo đức, tích cực và đủ năng lực phục vụ Giáo hội địa phương, ngài tổ chức những khóa Cursillo, Focolare, Công Lý Hòa Bình, gởi người đi học về Phát triển tại Phi-luật-tân trong chương trình COREV.

2.5 Sau biến cố 30/4/ 1975, vào khoảng tháng 6 tôi đang ca bài ‘cây cuốc cong làm thành cây cuốc gãy’ tại Quảng Thuận, Nguyễn Ngọc HT63 từ Sàigòn ra, đến nhà đưa cho tôi lá thư từ ngài. Ngài đưa tay cứu giúp tôi dù tôi chẳng có công trạng chi, gọi tôi vào Sàigòn, đây là một bước ngoặt lớn trong đời tôi. Nơi cộng đoàn nầy tôi gặp lại các bạn Lê Đăng Ảnh, Nguyễn Văn Lũy, và các bậc đàn anh cha Kym Thanh, và cha Đỗ Quang Châu. Nơi đây là lò truyền bá tu hội đời Spes.

Cha Châu tổ chức sản xuất xà-phòng, nuôi gà, nuôi heo để làm kế sinh sống. Để có nguồn thức ăn, Cha Châu và ba anh em Ảnh-Lũy-Cần đi lên Bàu Cá mua những cây chuối, chất lên xe lửa, tàu chạy đến ngã 6 Hiền Vương- Sàigòn, đạp những cây chuối xuống ào ào, rồi nhảy xuống tàu, lấy xe ba gác chở về.

Mỗi buổi sáng, ba anh em gọi nhau là les trois Dalton (những nhân vật vui trong truyện hài), xử lý ba khúc chuối với ba cây dao, cúi đầu cong đít xắt rẹt rẹt. Có lần thi nhau ai xắt nhanh nhất. Ảnh giải nhất, nhưng trưa lại thì cha Châu báo: “Mấy em ơi, đàn heo hôm nay biểu tình la hét phản đối vang cả khu phố vì chuối xắt to, heo không ăn được, đói bụng”.

Nuôi heo nái đẻ nhiều lứa trên 10 con. Nuôi gà công nghiệp mấy chuồng, thành công được vài lứa đầu, đến sau thì mỗi sáng số gà nhắm mắt, ngay đơ, lắc chuông mấy không dậy, đếm không xuể. Cha Châu bèn trao cho tôi quyền tiền trảm hậu tấu, thường xuyên trong ngày kiểm tra thấy con nào dáng ủ rủ là trảm ngay để khỏi phải ăn gà chết. Cha Châu là người tháo vát, có sức khỏe, chịu khó lao động.

Cha Thanh tổ chức sinh hoạt giới trẻ theo đường hướng tu hội đời trong nhiều năm. Tham gia nhóm có mấy anh em nhà Hoan Thiện như Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Quang Hà. Phong cách trẻ trung, năng được cha Thành Tâm CSsR mời làm lễ thiếu nhi tại Nhà thờ DCCT. Nói tiếng Tây như tây nên ngài thường được mời làm lễ cho Tòa Lãnh sự Pháp.

Nhưng rồi bởi thế sự thăng trầm, trải qua cuộc một bể dâu điên đảo, mỗi người đi mỗi phương. Tôi vẫn luôn tri ân hai vị, các vị hằng ở trong lời cầu nguyện của tôi, cũng như các Les Dalton xắt chuối và các bạn thời ấy như các anh Quỳnh PX61 Đồng PX58, Hiếu HT62. Nghĩa HT62…

Ở nơi đất Sàigòn nầy, tôi gặp lại bạn Quỳnh đi ‘tù cải tạo’ về và chuẩn bị đến miền đất hứa. “Lâu lâu lâu ta đi nhậu một chầu”, do Quỳnh nhận được món quà từ bên bờ đại dương, rũ anh em chén vui vẻ với một thứ ngon, bổ, rẻ: thịt cầy 7 món. Và có anh Lê Công Đồng PX58, thỉnh thoảng sau kỳ lương xách một can bia hơi 3 lít, được mua theo tiêu chuẩn công nhân viên, nhấm nháp với anh em. Tôi thuộc dạng vô sản, lâu lâu mới đãi anh em một chầu cà phê vỉa hè.Những kỷ niệm tình cảm thời khó khăn khó phai mờ cho dù thời gian hơn 40 năm.
 

2.6 Ngài được bổ nhiệm Tổng Giám mục phó Sàigòn, nhưng không được ở tại Tòa Tổng mà phải đi ‘tị nạn’ ở giáo xứ Xóm Chiếu, nơi công giáo toàn tòng di cư, vì một nhóm chống đối, yêu nước yêu cầu ngài về lại Nha Trang, không chấp nhận sự bổ nhiệm của Tòa Thánh. Có bàn tay Chúa sắp đặt, Lm G.B. Võ Văn Ánh, tuy mới sơ giao với ngài, không ngần ngại đem ngài về nhà xứ Xóm Chiếu. Cám ơn Cha Châu đã chở tôi đến thăm ngài lần đầu tiên nơi đây.

Một thời gian sau, do thấy không ổn, cha Ánh phải để ngài về trú tại Đại chủng viện thánh Giuse, 6 Cường Để, cho đến ngày bị bắt di lý về Nha Trang 15/8/1975. Ngài rất nặng tình nghĩa với người đã cưu mang ngài trong lúc khốn khó. Trong 13 năm ngài ở trong tù, cha Ánh nhận được 9 lá thư mừng lễ bổn mạng, ngoại trừ 4 năm biệt giam.

Những ngày này thật sôi động, nhóm chống đối ra những thư cáo buộc phi lý việc bổ nhiệm. Ngài có thư mục vụ gởi cho giáo dân. Trong những lần giao thư đến các giáo xứ, có một lần bạn Lũy cùng tôi đem thư đến nhà xứ Bình An, xe máy Yamaha chạy gần đến trước cổng thì thấy mấy anh bộ đội chận mọi xe đi qua và kiểm soát, Lũy nhanh trí tắt máy, xuống xe, ngồi xuống giả bộ sửa, rồi quay đầu xe, đạp máy nổ lại, phóng chạy ngược lại qua khỏi trạm gác. Giả mù sa mưa thoát nạn. Có Chúa che chở. Hú hồn!

Hằng tuần tôi đến thăm ngài. Trưa ngày 14/8, tôi đến gặp ngài tại Đại chủng viện thánh Giuse và được biết có giấy UB Quân Quản TP mời ngài ngày mai lên họp cùng đi với Đức Tổng Bình. Tôi thấy vẻ mặt ngài vẫn bình thản, trò chuyện vui vẻ. Ngài không lạc quan tếu và sáng suốt đoán trước diễn biến không tốt trong những ngày tới.

Cám cảnh một Tổng Giám mục mà phải lao đao, không biết vô tù ngày nào, giờ nhớ lại trong phút bốc đồng tôi đã dại miệng mà thưa với ngài như Phêrô can thầy đừng lên Giêrusalem chịu khổ nạn: “Con nghe người ta nói chính quyền cách mạng trong khí thế bừng bừng là kẻ chiến thắng họ không nhượng bộ Giáo hội, họ sẽ thẳng tay với ai chống đối. Qua dư luận, họ cho thấy việc bổ nhiệm sát ngày 30 tháng 4 mang ý đồ chính trị, âm mưu lâu dài chống chính quyền cách mạng. Giá như Tòa Thánh bổ nhiệm 1 năm hoặc 6 tháng trước thì có thể xem như chuyện bình thường trong Giáo hội. Theo họ, Đức Cha chỉ có con đường về lại Nha Trang và không ai trách cứ gì Đức cha hết”. May mà ngài không quở tôi là Satan như Phêrô bị thầy Giêsu la vì dám can thầy, ngài nói cha vâng lời Đức Thánh Cha, sẵn sàng chấp nhận thánh giá. Nếu ngài trở lại Nha Trang thì Chúa sẽ hỏi Quo vadis như Chúa đã hỏi Phêrô trong cuốn truyện cùng tên, và trong lịch sử Giáo hội không có Hồng y FX. Nguyễn văn Thuận, không có Đấng Đáng Kính của Giáo hội công giáo như hiện nay.
 

Tâm tình của ngài là vâng phục, yêu mến Hội Thánh, sẵn sàng chịu gian khổ, “tránh gian khổ con đừng mong làm thánh” (ĐHV 702) và danh dự của một giám mục không thể yếu đuối khuất phục cường quyền. Ngài không hoảng sợ vì luôn trông cậy vào Chúa. Thật vậy, ngài đã ngài đã viết:

+ Hy vọng:

“Chỉ có một sự thất bại là không hy vọng vào Chúa. ‘Con đã hy vọng vào Chúa và con sẽ không hổ thẹn đến muôn đời’ (ĐHV 43).

+ Vâng phục:

“Thế gian nói với con vâng phục như vậy là điên khùng, Chúa nói với con vâng phục vì Chúa là anh hùng” (ĐHV 393)

“Yêu mến Hội Thánh, vâng lời Hội Thánh, trung thành với Hội Thánh, cầu nguyện cho Hội Thánh” (ĐHV 253).

2.7 Ngày hôm sau 15/8/1975, ngài bị di lý ra Nha Trang, tù quản thúc tại nhà xứ Cây Vông, ở với cha già Khương. Ngày mồng 4 tết Bính Tỵ năm 1976, tôi ra thăm ngài, ở lại một ngày một đêm, được nghe ngài truyền đạt thêm những khái niệm về tu hội đời. Một cách sống đời thánh hiến phù hợp với tình hình mới. Tu hội có 3 bậc: bậc 1 gồm linh mục và tu sĩ, bậc 2 dành cho người độc thân, bậc 3 là người có gia đình. Hội viện không tu phục, không cộng đoàn, làm việc trong mọi môi trường, dấn thân vào các hoạt động trần thế đạo đời như là những chứng tá Tin Mừng. Tôi mừng vì thấy ngài luôn vui tươi, dí dỏm trong bữa ăn vừa nghe cha già Khương thuyết về lý số, tử vi.

Kỷ niệm để đời là sau giờ cơm tối, khoảng 8 giờ, không gian tối mù chỉ có ngọn đèn nhỏ trên bàn, ngài gọi tôi ra hành lang ở đó có sẳn trên cái bàn nhỏ có hương vị ngày tết: chai rượu Pernod, một ít đồ ăn tết. Ngài không rượu trà, bia bọt, thuốc lá. Khắt khe với bản thân nhưng phóng khoáng với người khác. Tôi choáng vì cảm thấy mình bé mọn trước cách cư xử trọng thị và ân cần của ngài, nhưng đối với ngài không ai bị xem thường; điều nầy cũng được biểu lộ trong việc ngài trả lời thư gởi đến cũng như sẵn sàng tiếp chuyện với ai đến với ngài. Trên bàn cũng có một gói thuốc nhưng tôi không dám phì phà trước mặt ngài vì sợ ngài khó chịu khói thuốc. Tôi được hầu chuyện với ngài cả tiếng đồng hồ. Đêm đó tôi ở trong phòng ngài, nhưng khó ngủ vì nhiều cảm xúc. Đến 4 giờ sáng, tôi thấy ngài chong đèn ngồi viết trên những tờ lịch nhỏ. Sáng ngày, tôi mới biết ngài đang viết ‘Đường hy vọng’ , ngài nói phải làm việc cấp cập vì không biết có ngày mai không; 1001 câu tác phẩm Đường Hy Vọng được hình thành trong tình cảnh như thế. In ấn thành cuốn sách cỡ bỏ túi gọn gàng, bìa simili màu xanh, trang nhã, và phát hành rộng rãi, âm thầm kín đáo trước ngày ngài bị đưa đi khỏi Cây Vông, chuyển ra miền bắc.

Cho đến bây giờ, ‘Đường Hy Vọng’ được tái bản nhiều lần ở nhiều nơi tại Việt Nam và nước ngoài trong những điều kiện thuận lợi nhưng về hình thức không mỹ thuật bằng lần đầu tiên ra đời vào năm 1976.

Nhìn lại bối cảnh ngài biên soạn các tác phẩm mới thấy ‘giam cầm là phần thưởng và gấp trăm’ Chúa dành cho người môn đệ kiên trung như trong Mac 10,30: bị mất tự do đi lại, nhưng biến nơi tù thành cơ hội cho một Giám mục thi hành sứ vụ giảng dạy đoàn chiên bằng sách vở. ‘Đường hy vọng’ được viết lúc tù quản thúc tại Cây Vông, ‘Những người lữ hành trên đường hy vọng’ và ‘Đường hy vọng dưới ánh sáng Lời Chúa và Công đồng Vatican II’ lúc ở Giang Xá.

Khi tôi chào từ biệt, ngài nắm tay và đưa cho hai cuốn Dictionnaire des histoires drôles (tự điển chuyện hài) nói đi đường mà đọc (sau nầy được biết hai cuốn nầy do anh bạn Văn Đức Triêu PX61 đi học Pháp về làm quà biếu linh mục Hồ Văn Quí rồi Cha chuyển đến ngài).

Có lần vào một nhà sách công giáo ở Sàigòn, nhìn thấy rất nhiều đầu sách trên các kệ giá, mua một cuốn rồi tôi hỏi cô viết hóa đơn sách nào vào loại best seller và câu trả lời là sách ĐHY Thuận. Đây là một dấu chỉ về sức hút của Chứng nhân Hy vọng.

Năm 2018, khi đi hành hương ở Lourdes, nước Pháp vào một hiệu sách mua đồ kỷ niệm, tôi thấy trưng bày 2 đầu sách: Le témoin de l’esperance, Le chemin de l’esperance.

Tết năm đó, 3 anh em chúng tôi Ảnh, Cần, Lũy, những đứa vô danh tiểu tốt, không có số má, mới dám ra thăm ngài.

2.8 Trong những tháng năm ngài bị đi tù từ trại nầy đến trại khác, chúng tôi có nhận được nhiều thư của ‘bác Phan’. Đặc biệt, chúng tôi đã tiếp một vị khách từng chung xà lim với ngài, ông là người làng Long Hưng, Quảng Trị, cán bộ bị tù được bố trí ở cùng xà-lim với ngài nhằm báo cáo lập công. Ông nầy được ngài ‘cải tạo’ và với tâm tình cảm mến ông hứa với ngài và đã thực hiện là sau khi về hưu quê Long Hưng (cách La vang 5 cây số), hằng tuần vào ngày Chúa nhật khi nghe tiếng chuông nhà thờ La Vang ông sẽ đến cầu nguyện Mẹ La Vang cho ông Thuận theo ý ông Thuận. Việc Chúa làm kỳ diệu là hai đứa con của ông sau nầy đi lao động bên nước Đức đã tin Chúa và chịu phép Rửa tội.

Có một năm, tôi tiếp một vị khách đặc biệt, anh Bình từ miền Bắc vào, mang thư bác Phan và một cuốn vở ghi “Văn phạm tiếng Nga” ngoài bìa. Ngài đã học tiếng Nga và ghi lại, đúng là nét chữ của bác Phan. Nhìn tập vở mà thấy mủi lòng, bìa bao bằng tờ báo Nhân Dân, những trang giấy được đóng kết bằng sợi chỉ trắng. Anh cho biết bác Phan khỏe mạnh, có chế độ giam riêng, không được liên lạc, tiếp xúc với bên ngoài. Anh nầy là một người trong toán canh giữ được bác ‘cải tạo’ và tin tưởng. Nói chung, những thanh niên canh giữ đều mến phục người tù lạ lùng nầy. Dần dần trở nên thân thiện, họ xin ngài dạy tiếng Anh, tiếng Pháp và ngài đã học tiếng Nga với một anh du học từ bên Nga về. Anh nầy là một người ngay chính, về sau nhập đạo Công giáo, được mời qua Rôma làm chứng trong vụ án tuyên thánh ngài, nhưng không được ‘bề trên’ cấp thông hành.

Ngoài thái độ vui vẻ, thân thiện, nhóm thanh niên còn cảm nhận ngài thực tình yêu thương, quí mến họ. Sức mạnh mềm từ cách “sống giây phút hiện tại, lấp đầy yêu thương”, từ nhân cách cao quí của ngài đã chinh phục họ. Ý tưởng được nhồi vào đầu về tên ‘đại phản động’ dần dần biến mất trong đầu họ, không còn là sự thinh lặng đầy nghi kị nhưng là tiếng chào bác thân thiết. Vào ngày sinh nhật mỗi người, anh nào cũng được tặng quà, tuy nhỏ về vật chất nhưng chân tình. Tiền đâu mà mua quà khi không có thăm nuôi tiếp tế? Người tù nầy được cấp tiền mua lương thực, nhưng nhịn bớt phần ăn, giảm chi tiền đi chợ, tất nhiên việc hãm mình thường xuyên cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của ngài. Anh Bình kể anh em làm nhiệm vụ mong chóng đến phiên trực để gần gũi bác, học tiếng Anh tiếng Pháp và nhiều điều hay để sống đẹp trong gia đình và xã hội. Chuyện nầy được thuật trong một bữa ăn hôm đó có cha Ngô Phục tại Sàigòn.

Ngài đã được những người giám sát khâm phục và quí mến. Ngạn ngữ Pháp có câu “Không ai là người vĩ đại dưới con mắt của người hầu phòng” (Pas de grand homme pour son valet de chambre). Cũng có thể hiểu cách khác, chỉ những người thân cận mới đánh giá ai đó là người vĩ đại đáng khâm phục.

Lê Cần PX61
(Còn tiếp)

Tác giả: ccshue, Lê Cần PX61

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây