Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Bảy kiến trúc bí ẩn trên thế giới

-

-

Được xây dựng vào năm 1907, Đại giáo đường Djenne là công trình bằng bùn lớn nhất trên thế giới được xây dựng hoàn toàn bằng gạch đất được phơi nắng, cát, vữa hồ trộn từ bùn và xi măng. Nó được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới hồi năm 1988.
Bảy kiến trúc bí ẩn trên thế giới
 
Điện Quốc hội, Romania.
 
 
Là công trình hành chính dân sự lớn nhất và đắt nhất trên thế giới, với 12 tầng (cộng với 8 tầng ngầm) và khoảng 3.100 căn phòng với tổng diện tích 330.000 mét vuông. Dự án này tiêu tốn 3,3 tỷ euro và nó cũng lấy đi của người dân Bucharest phần lớn thành phố của họ. “Được xây dựng bởi nhà độc tài cộng sản Nicolae Ceausescu, công trình này lớn đến nỗi khó mà chụp được một tấm ảnh cho thấy hết quy mô của nó,” ông Jann Hoke, một luật sư đã làm việc trong cung điện này vào những năm 1990, nói.
 
Đại giáo đường Djenne, Mali.

 
 
Được xây dựng vào năm 1907, Đại giáo đường Djenne là công trình bằng bùn lớn nhất trên thế giới được xây dựng hoàn toàn bằng gạch đất được phơi nắng, cát, vữa hồ trộn từ bùn và xi măng. Nó được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới hồi năm 1988.

 
 
“Mùa hè khắc nghiệt ở Bắc Phi gây ra những vết nứt trong bùn và khiến nó [Đại giáo đường Djenne] suy yếu theo thời gian,” một người có tên là Abishek Lamba cho biết trên Quora. “Trước khi mùa mưa đến, người dân tập hợp lại và dùng đất sét từ một cái hồ đã khô cạn để đắp lên đền.”
 
Pháo đài Derawar, Pakistan.

 
 
40 pháo đài sừng sững vươn lên giữa sa mạc xếp thành một hình vuông đáng kinh ngạc. Tính gộp lại thì tường thành có chu vi khoảng 1.500 mét và cao khoảng 30 mét. “Đây là một công trình hoành tráng nằm giữa lòng sa mạc Cholistan,” Faisal Khan viết trên Quora, “Nhiều người không biết về pháo đài Derawar. Thậm chí nhiều người Pakistan cũng không biết nó.”

 
 
Điều này cũng có lý do của nó: để đến được pháo đài Derawar, du khách phải thuê hướng dẫn cùng một chiếc ô tô đi cả ngày từ Bahawalpur đi xuyên qua sa mạc Cholistan và cần phải xin phép vị thủ lĩnh địa phương, tức emir, mới được phép vào trong.
 
Giếng thang Chand Baori, Ấn Độ.

 
 
Một trong những kỳ quan được ít người biết đến nhất ở Ấn Độ, giếng thang Chand Baori ở Rajasthan là một cái hồ hình vuông có các bậc thang đi xuống sâu 13 tầng xuống đến độ sâu 30 mét dưới đáy giếng nơi có một cái ao nước xanh biếc. Những bậc thang đồng dạng như một mê cung ‘dường như tạo thành một con đường đi bất tận sâu vào lòng đất,” Vipul Yadav viết trên Quora. Với 3.500 bậc thang, Chand Baori là ‘một trong những giếng thang sâu nhất và lớn nhất trên thế giới.”

 
 
Được Vua Chanda của Triều Nikumbha xây dựng trong khoảng từ năm 800 đến 900 sau Công nguyên, giếng thang Chand Baori được xây cho mục đích sử dụng cũng như thẩm mỹ. Do cấu trúc của nó mà dưới đáy giếng lúc vẫn mát hơn ở trên cao nhất là trong thời tiết nóng bức ở Rajasthan.
 
Cầu Stari Most, Bosnia-Herzegovina.

 
 
“Cầu Cũ, hay còn gọi là Cầu Stari Most theo cách gọi của dân địa phương, được xây nên từ 456 phiến đá vào năm 1566 bởi kiến trúc sư Mimar Hajrudin của Đế chế Ottoman,” Haris Custo viết trên Quora, “Đây là trái tim của thành phố chúng tôi trong suốt 427 năm.” Cây cầu với chiếc lưng gù này nằm ở thành phố Mostar và bắc qua sông Neretva. Với chiều rộng 4 mét, chiều dài 30 mét và chiều cao 24 mét, đây là một trong những công trình dễ nhận thấy nhất và là một trong những kiến trúc Hồi giáo đẹp nhất ở vùng Balkans.

 
 
Được xây dựng vào những năm 1990, cây cầu này đã bị các lực lượng người Serbia và Croatia phá hủy trong cuộc chiến Bosnia. Sau chiến tranh, thành phố và cây cầu bắt đầu quá trình tái thiết. “Phải mất 10 năm và đến tháng 7 năm 2014 một chiếc ‘cầu cũ’ mới đã được mở cửa trở lại,” Custo cho biết. Mặc dù chiếc cầu đã thay đổi kể từ khi nó được dựng lại, một truyền thống có từ lâu đời vẫn được duy trì: nhảy từ cầu xuống dòng nước sông lạnh giá để chứng tỏ lòng can đảm.
 
Đại tường thành, Ấn Độ.

 
 
“Tất cả chúng ta đều biết Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc, nhưng ít người biết rằng Ấn Độ cũng có Đại tường thành của họ mà lâu nay đã bị Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc làm cho lu mờ,” Ayush Manu viết trên Quora. Đại tường thành Ấn Độ, vốn còn được gọi là Kumbahlgarth, là bức tường dài thứ hai trên thế giới sau Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc. Nằm ở Rajasthan, bức tường có chỗ dày đến 4,5 mét, kéo dài 36 cây số và có một số cổng thành.

 
 
“Truyền thuyết kể rằng dù nhiều lần cố xây dựng, bức tường vẫn không được hoàn thành,” Manu nói, “Cuối cùng nhà vua đã tham vấn một trong những vị cố vấn tâm linh của ông và được khuyên rằng phải hiến tế. Do đó, một người đã tình nguyện hy sinh. Ngày nay, chiếc cổng chính được dựng lên ở chỗ người này ngã xuống và một ngôi đền dựng lên ở nơi chôn cất thủ cấp của người này.” Đại tường thành được mở rộng vào thế kỷ thứ 19 và giờ đây bao quanh hơn 360 đền thờ ở bên trong.
 
Thánh đường Sheikh Lotfollah, Iran.

 
 
Nằm ở Quảng trường Naghsh-i Jahan ở thành phố Isfahan, giáo đường tráng lệ này được xây dựng vào khoảng những năm 1603 cho đến 1619 dưới thời trị vì của Quốc vương Shah Abbas I. Nó được đặt tên theo nhạc phụ của nhà vua, Giáo sỹ Lotfollah, một học giả Hồi giáo được tôn kính ở Lebanon. Ngôi thánh đường này kỳ lạ ở chỗ nó không có tháp nhọn hay sân. “Đó là bởi thánh đường không phải xây dựng cho người dân mà là nơi cầu nguyện dành cho các thê thiếp của nhà vua,” Mona Khatam viết trên Quora.

 
 
Để đi đến phòng cầu nguyện phải đi qua một hành lang dài và ngoằn ngoèo dưới lòng đất và thánh đường được trang trí tuyệt đẹp. “Mái vòm sử dụng rất nhiều những miếng ngói đổi màu trong ngày từ màu kem sang màu hồng,” Khatam nói, “Bên trong thánh đường bạn sẽ kinh ngạc trước những bức tranh khảm tường và trần tuyệt đẹp. Ánh sáng mặt trời chiếu qua một vài cửa sổ mắt cáo nằm trên cao tạo ra sự thay đổi ánh sáng và bóng tối liên tục.

Tác giả: BBC Tiếng Việt

Nguồn tin: BBCVietnamese

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây