Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Lãnh đạo Singapore sử dụng mạng xã hội ra sao?

Cứ năm người dân Singapore thì bốn người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, gồm Facebook, Instagram hay Twitter. Đảo quốc hơn 5 triệu dân có tới 4.5 triệu người dùng Facebook một cách tích cực, theo thông báo của Meta vào cuối năm 2021.
Singapore 1
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long gặp gỡ một người dân vào tháng 7/2020. Ảnh: GETTY IMAGES

Những người hoạt động tích cực nhất trên Facebook hóa ra lại là các chính trị gia, gồm cả tổng thống, thủ tướng và các bộ trưởng, các nghị sỹ quốc hội Singapore.

Chandreyee Ray, sinh viên ngành truyền thông của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) có một thống kê khá thú vị về số người theo dõi, yêu thích các chính trị gia Singapore. Đứng đầu là Thủ tướng Lý Hiển Long, người mới lập tài khoản Facebook vào tháng 4 năm 2012 nhưng nay đã có 1,7 triệu người theo dõi thường xuyên, tiếp theo là các bộ trưởng trẻ trong nội các với vài trăm ngàn người theo dõi và tương tác.

Có hẳn chỉ là cuộc vui?

"Nhiều đồng nghiệp tôi dùng mạng xã hội, trong đó có Facebook. Họ khuyến khích tôi lập trang cá nhân. Sau khi quan sát họ, thì tôi cũng quyết định tham gia cuộc vui này", theo nội dung dòng trạng thái đầu tiên của Thủ tướng Lý Hiển Long khi mới tạo tài khoản cá nhân trên Facebook, ngay lập tức nhận được hàng ngàn yêu thích và bình luận của dân Singapore và bên ngoài Singapore.

Từ những thông điệp nghiêm túc của các thành viên nội các, tới những dòng trạng thái vui vẻ, lãnh đạo Singapore được cho là thực sự "chơi" mạng xã hội theo đúng nghĩa của một cuộc vui.

Trên thực tế mạng xã hội không chỉ đơn thuần là một cuộc vui và lãnh đạo Singapore đã sử dụng mạng xã hội như là một phương tiện, một thứ "vũ khí" hiệu quả để quản trị quốc gia, nhất là trong cuộc chiến chống Covid-19, bảo vệ sức khỏe của người dân và phục hồi, phát triển nền kinh tế trong hai năm vừa qua.

Dùng Facebook để chống dịch và quản trị quốc gia
 
-
Bộ trưởng Tư pháp Singapore K.Shanmugam thăm người dân. Ảnh: NGUYEN NGOC MINH

Trong khi chính phủ các quốc gia khác đang "gồng mình" sử dụng hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các cơ sở hạ tầng, hậu cần…để chống dịch, và bỏ quên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để vừa chống các luồng tin giả gây hoảng loạn cho người dân, vừa trấn an cho họ, thì các nhà lãnh đạo Singapore đã sử dụng khá tốt thứ "vũ khí" này.

Rất thú vị khi nhận thấy trong thời gian chống dịch Covid-19 vừa qua, những lãnh đạo Singapore còn khéo léo sử dụng Facebook như một phương tiện hữu hiệu để truyền tải các chính sách của nội các, chuẩn bị tinh thần cho người dân Singapore trong cuộc chiến chưa từng có tiền lệ này.
 
-
Thủ tướng Lý Hiển Long từng bày tỏ lòng biết ơn những phụ nữ khéo tay
tự làm khẩu trang. Ảnh: LEE HSIEN LOONG

Pha "bẻ lái" ngoạn mục nhất là quyết định thay đổi chính sách khẩu trang của Singapore. Hồi đầu năm 2020, Thủ tướng Lý Hiển Long từng khuyên người dân không cần đeo khẩu trang nếu thấy khỏe, sau đó ông thay đổi quyết định này, đăng ảnh mình đeo khẩu trang trên Facebook, và kêu gọi người dân ở nhà.

Thông qua việc bày tỏ lòng biết ơn những phụ nữ khéo tay tự làm khẩu trang (trong lúc kho dự trữ khẩu trang của chính quyền đang hạn chế về số lượng, cần ưu tiên lực lượng tuyến đầu), cú cua gấp, hay bẻ lái của Thủ tướng được cho là khá mềm mại, nhận được sự thông cảm của đa số dân chúng.

Trong vòng vài ngày, người dân Singapore ra đường đồng loạt đeo khẩu trang. Thông điệp về đeo khẩu trang của Thủ tướng Lý có tới 2 triệu tương tác, gần một nửa dân số Singapore.

Phản ứng bình thường của mỗi người dân khi chính quyền tuyên bố có sự bùng phát dịch Covid các biện pháp giãn cách xã hội, là lo lắng, thậm chí hoảng loạn. Tôi từng chứng kiến khi chính quyền Singapore nâng cấp độ dịch (DORSCON) từ vàng lên da cam, dân chúng bắt đầu đổ vào siêu thị đi tích trữ đồ ăn, thậm chí giấy vệ sinh.

Nhân viên sứ quán một nước ASEAN công tác tại Singapore thậm chí huy động cả nhà đem xe đẩy tới vét sạch trứng gà và thịt đông trong siêu thị trước con mắt ngạc nhiên của người dân bản địa.
 
-
Người dân mua sắm tại Quận Kreta Ayer ở Singapore vào tháng 2/2022. Ảnh: GETTY IMAGES

Lúc này các lãnh đạo chính quyền hành động khá nhanh để yên lòng người dân. Bộ trưởng Nội vụ kiêm Bộ trưởng Tư pháp tới siêu thị lớn tại vùng ngoại ô, đăng cả ảnh lẫn video các kệ hàng hóa đầy ắp lên tài khoản Facebook và Instagram của mình.

Những bài post của Bộ trưởng lập tức được chia sẻ hơn hai trăm ngàn lần trong ngày. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng tạo một video ngắn trên Facebook, đảm bảo việc kho dự trữ chiến lược quốc gia vẫn đầy đủ.

Bộ trưởng Công thương đăng ảnh đón chuyến hàng rau xanh đầu tiên từ New Zealand ngay tại cảng trên Facebook cá nhân. Chỉ hai ngày sau, không còn thấy cảnh người dân rồng rắn xếp hàng mua tích trữ lương thực phẩm ở siêu thị nữa. Mạng xã hội đã phát huy tác dụng tích cực theo cách "chơi" của các nhà lãnh đạo Singapore.

Hình ảnh trước công chúng
 
-
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long gặp gỡ một người dân vào tháng 7/2020. Ảnh: GETTY IMAGES

Thủ tướng Singapore có một đội ngũ chuyên nghiệp giúp ông quản lý tài khoản Facebook cá nhân, đăng tin tức chính thống các hoạt động của nội các. Nhưng bản thân ông thường xuyên tự viết bài và đăng ảnh do tự ông chụp, ký tên Lý Hiển Long ở dưới.

Ông Lý được cho là một nhiếp ảnh gia tài năng. Những người theo dõi Facebook của ông không khó để nhận ra những góc đời thường, rất "con người" trong các bức ảnh ông đăng trên mạng xã hội. Tôi cho rằng một chính trị gia xuất sắc là người không cần "diễn", không cần người ngoài hay bộ máy truyền thông tô vẽ hình ảnh cho bản thân mình.

Mạng xã hội cho phép các chính trị gia tiếp cận công chúng ngay lập tức, nhưng ngược lại, công chúng có thể phản ứng tích cực hay tiêu cực ngay lập tức tới thông tin mà chính trị gia đưa ra.

Những người hay theo dõi trang Facebook của Thủ tướng Lý Hiển Long cách đây vài năm chắc đã hết sức ngỡ ngàng trước số lượng và mức độ phản ứng đột biến của công dân một số quốc gia ASEAN, cả ủng hộ lẫn phản đối, đối với một bài viết của ông Lý trên Facebook.

Điều khiến họ có thể ngạc nhiên hơn, là ông Lý hay đội ngũ quản lý, không hạn chế tương tác, không xóa bình luận tiêu cực thái quá.

Rõ ràng điều này thể hiện trước hết là sự tôn trọng người đối thoại, thái độ mở, sẵn sàng giải thích để đạt được hiểu biết, nhận thức chung của người lãnh đạo Singapore, cũng là bản lĩnh của người lãnh đạo nói chung.

Thủ tướng Lý cũng chăm "báo cáo" các cuộc gặp của ông với nguyên thủ hay lãnh đạo nước ngoài, trình bày cẩn thận nội dung và kết quả cuộc gặp đó trên Facebook cá nhân. Những bài viết này thường nhận được nhiều bình luận nhất (hơn yêu thích) từ dân chúng Singapore. Khi lãnh đạo cởi mở thực lòng thì dân chúng cũng cởi mở, chia sẻ lại kỳ vọng của họ.

Nhưng lãnh đạo của Singapore cũng được cho là rất khiêm tốn thừa nhận rằng ông là người mới bắt đầu dùng mạng xã hội, và xin mọi người chơi khác chỉ dẫn:

"Là người mới chân ướt chân ráo vào chơi Facebook, xin được trân trọng những lời khuyên và góp ý của mọi người, và hơn hết, xin mọi người kiên nhẫn với tôi".

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Michael Nguyễn hiện sống và làm việc tại Singapore hơn 20 năm.
Michael Nguyễn
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-60332255

Tác giả: Michael Nguyễn

Nguồn tin: BBCVietnamese

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây