Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Texas, tinh thần hào sảng không suy suyển

-

-

Tính hào sảng của người Texas dường như đã lưu truyền trong văn hóa tiểu bang này, và truyền cảm hứng cho cả người gốc Việt sinh sống tại đây. Bão Harvey, cũng như nhiều cơn thiên tai trước, là dịp minh chứng cho đặc tính này.
Texas, tinh thần hào sảng không suy suyển
 

Ông Sơn Đăng, làm việc tại hãng Energy Transfer, trả lời phỏng vấn VOA tại một
parking lot ở Conroe. (Hình: Vũ Nguyễn)
 
Tính hào sảng của người Texas dường như đã lưu truyền trong văn hóa tiểu bang này, và truyền cảm hứng cho cả người gốc Việt sinh sống tại đây. Bão Harvey, cũng như nhiều cơn thiên tai trước, là dịp minh chứng cho đặc tính này.
 
“Tôi được phân vào nhóm 1 – Tier 1 – đứng đầu sóng ngọn gió, vào trực tại bộ phận thông tin mạng, và được chỉ định lưu lại cho đến khi cơn bão đi qua.” V.L.H.C., kỹ sư làm việc cho Sở Công Nghệ Thông Tin thành phố Houston, nói với VOA. Công việc của V.L.H.C. là trực tại một trong ba trung tâm dữ liệu của Houston, “bảo đảm duy trì mạng và thông tin liên lạc giữa các ban, ngành trong thành phố.”
 
“Lúc đầu, tưởng cơn bão nhỏ, tôi chỉ mang theo hai bộ quần áo, kem đánh răng, một ít đồ ăn khô, vào chỗ làm.” Kỹ sư này trình diện nhận việc lúc 3 giờ chiều, thứ Sáu, 25 tháng Tám. Harvey đánh vào Houston tối cùng ngày.
 

Cứu người trong khu dân cư nơi kỹ sư Bảo Trương cư ngụ. (Hình: Bảo Trương)
 
“Mặc dầu ‘kẹt’ ở trong này, mặc dầu không có quần áo để thay, tôi biết mình vẫn may mắn hơn nhiều người ngoài kia, chỉ có một bộ, mà là bộ quần áo bị ướt.” V.L.H.C. dí dỏm, và lòng tự nhủ, “sẽ sang trại tạm cư bên kia đường giúp người chạy bão gốc Việt đang tạm trú sau khi xong công việc tại sở.”
 
Cùng thời điểm này, ở thành phố Cypress phía Tây Bắc quận Harris, bao gồm cả thành phố Houston, kỹ sư Bảo Trương cũng bị “kẹt” trong nhà, vì nước lụt dâng lên khắp nơi.
 
Thật vậy, kể từ thứ Sáu, 25 tháng Tám, Houston trở thành nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập,” theo mọi ý nghĩa của cụm từ này. Người ta không vào hay ra được khỏi thành phố. Người ta không vào hay ra được khỏi ngay cả căn nhà của mình.
 
Bão Harvey đổ hơn 30 tỷ mét khối nước vào Houston, trong trận hồng thủy chưa từng có trong lịch sử thành phố. Ba ngày mưa như cầm chĩnh đổ, Houston hứng chịu 300 mm, rồi 500 mm, rồi 1000 mm nước mưa, cao hơn cả một năm vũ lượng của Việt Nam, một xứ mưa nhiều.
 
“Bà con ngạc nhiên, không ngờ mưa lớn như vậy.” Bảo Trương nói với VOA. “Thế rồi bão lớn dần, bắt đầu thấy lo.”
 
Gia đình đi mua nước, mì gói, trứng… những vẫn chưa nghĩ đến chuyện “di tản.” Điều bất ngờ nhất lại đến, tạo nên thiên tai chưa từng có trong lịch sử tiểu bang: “Bão Harvey cứ xà quần một chỗ trên đầu Houston, tạo mưa lớn, đổ xuống thành phố.” Bảo Trương kể lại.
 
Thế là cả gia đình kẹt trong nhà, Bảo Trương, vợ - Hà Lê Mai Trinh, và cô con gái 11 tuổi. Từ thứ Sáu trở đi, kỹ sư Bảo “đợi hãng email gọi đi làm khi an toàn.”
 
Sang đến Thứ Hai, 28 tháng Tám, Bảo bắt đầu ra khỏi nhà, lội đến gần các kênh nước, “phụ người ta cứu người.”
 
Trong khu xóm, nhiều người mang theo tàu, kayak – một loại xuồng - để cứu người bị kẹt trong nhà bị bao vây bởi lũ. “Cá nhân tôi không có tàu thì mình phụ đẩy tàu xuống nước, hay mang người từ tàu lên chỗ khô.” Bảo kể lại.
 
Ai cũng góp một tay, không phân biệt nhiều, ít, không phân biệt điều kiện. “Tai ương không phân biệt người giàu, người nghèo. Tôi ngạc nhiên trước sự đoàn kết của mọi người.”
 
Bảo bày tỏ, rồi thêm: “Và hãnh diện làm người Texas.”
 
Không chỉ Bảo mang niềm hãnh diện ấy.
 
Ở phía Bắc Houston, nơi thành phố Conroe, ông Sơn Đặng, làm việc tại hãng dầu Energy Transfer, nói với VOA: “Đúng là có rất nhiều người tham gia cứu nạn. Tinh thần Texas trong những ngày này, là bị nạn xong, được giúp xong, thì đi cứu người khác.”
 
Ông Sơn sang Mỹ năm 1978, định cư tại Conroe từ năm 1981, và đã “trải qua nhiều cơn bão.”
 

Trần Trí Hoàng, kỹ sư hãng Cisco, làm việc trong xe trong lúc đưa phóng viên VOA đi tác nghiệp.
 
“Harvey là trường hợp đặc biệt.” Ông Sơn giải thích. “Các cơn bão trước cường độ rất mạnh, đi qua rất nhanh, Harvey thì ‘đứng lại.’” Chính vì “đứng lại,” “xà quần” trên đầu thành phố mà Harvey trở nên đáng sợ, tạo thành thiên tai lịch sử.
 
Bão đến, thành phố ngập lụt. Bão qua, mưa tạnh, nước chưa kịp rút đi, thì nước lại dâng lên: Lũ xả từ các đập trữ nước. Một phần thành phố “lụt đến hai lần.”
 
Trong khi nhiều người kẹt ở nhà vì không thể ra đường đi làm, thì kỹ sư network Trần Trí Hoàng, làm việc cho Cisco, lại vẫn có thể làm việc hàng ngày.
 
Trí Hoàng làm việc nhàn nhã, vì được … làm việc tại nhà. Vừa làm việc, Hoàng vừa liên lạc với các thành viên trong nhóm Hoa Lư, kêu gọi đóng góp làm thiện nguyện.
 
Kỹ sư Hoàng sống tại Houston 37 năm nay, biết thành phố “như lòng bàn tay,” đã nhận đưa phóng viên VOA đi tác nghiệp trong ngày đầu nhóm này có mặt tại Houston.
 
Trần Trí Hoàng đồng ý với mọi người, rằng “Harvey thật đáng sợ. Mưa lớn gấp 5, 10 lần các cơn bão trước.”
 
Vừa làm việc ngay trên xe, vừa đưa phóng viên đến các trại tạm cư Việt Nam, Trần Trí Hoàng vừa liên lạc với đại diện cộng đồng Việt Nam tại Atlanta, Georgia.
 
“Các anh chị bên ấy lúc đầu định mang hai xe hàng cứu trợ sang Houston, nay với thông tin mới, sẽ mang thẳng sang Port Arthur.”
 
Harvey, vừa rút khỏi Houston là lâng dần vào Port Arthur, khuya thứ Ba, 29 tháng Tám!
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây