Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Sự thật về chiếc “cầu thang ảo giác” đi hoài không có điểm kết thúc?

-

-

Bạn đã bao giờ nghe nói đến cầu thang ảo giác, nơi tất cả các bậc thang đều đưa bạn quay trở về vị trí xuất phát? Đó chính là chiếc cầu thang nổi tiếng “Escherian Stairwell” nằm trong tòa nhà số 7 của Viện Công nghệ Rochester (RIT) ở New York.
Sự thật về chiếc “cầu thang ảo giác” đi hoài không có điểm kết thúc?
 
Bạn đã bao giờ nghe nói đến cầu thang ảo giác, nơi tất cả các bậc thang đều đưa bạn quay trở về vị trí xuất phát?
 
Đó chính là chiếc cầu thang nổi tiếng “Escherian Stairwell” nằm trong tòa nhà số 7 của Viện Công nghệ Rochester (RIT) ở New York. Điều đặc biệt của Escherian Stairwell là, cho dù đi lên hay xuống, bạn sẽ không bao giờ tìm được điểm kết thúc. Các tài liệu cho thấy kiến trúc độc đáo và có khả năng đánh lừa thị giác này là thiết kế của kiến trúc sư người Philippines, ông Rafael Nelson Aboganda, lấy cảm hứng từ bản vẽ của nghệ sỹ đồ họa M. C. Escher năm 1968. Kiến trúc sư Aboganda xây dựng chiếc cầu thang đặc biệt nói trên nhằm tạo một “trải nghiệm đáng nhớ và gợi cảm hứng” cho các thế hệ sinh viên tại RIT, tuy nhiên, công trình của ông sớm rơi vào quên lãng.
 
Năm 2013, một sinh viên của RIT đã đăng tải lên Youtube đoạn phim giúp người xem khám phá chiếc cầu thang bị lãng quên này. Đoạn video bắt đầu bằng câu hỏi về Escherian Stairwell dành cho các sinh viên tại RIT – nhưng không một ai biết đến sự tồn tại của nó. Tiếp đó, người dẫn chương trình gặp gỡ nữ sinh viên Rosy, và để Rosy tự mình trải nghiệm những bậc thang đầy ma thuật. Kết quả khiến cô sinh viên của RIT không dám tin vào mắt mình, còn những sinh viên khác trong trường cũng không khỏi ngạc nhiên thích thú trước sự thật ấy.

 
 
Bạn có thể tự hỏi: đâu là bí mật đằng sau chiếc cầu thang “phi logic” này? Đoạn phim đã đưa ra lời giải đáp thông qua một hình vẽ minh họa. Các bậc thang là một vòng lặp, nhưng chính sự tài tình và khéo léo trong cách thiết kế khiến người sử dụng lầm tưởng rằng họ đang tiến lên trên hoặc đi xuống dưới trong một chiếc cầu thang bình thường.
 

(Ảnh: Michael Lacanilao, Kickstarter)
 
Chiếc cầu thang thách thức mọi quy tắc vật lý thông thường, hoàn toàn không thực tế và phi logic đến khó tin… nhưng lại thuyết phục chúng ta bằng những bằng những minh chứng thật hùng hồn.
 
Hàng ngàn người đã trầm trồ thán phục trước tài năng của kiến trúc sư Aboganda tại RIT, còn bạn thì sao?
 
Tuy nhiên, toàn bộ video nói trên đều là… dàn dựng. Đoạn phim được thực hiện bởi một sinh viên của RIT là Michael Lacanilao để hưởng ứng lễ hội sáng tạo thường niên “Imagine RIT” (Tưởng tượng RIT) của trường.
 
Mục đích của Lacanilao là tạo nên một câu chuyện “thần thoại” hay giả tưởng về viện công nghệ RIT. Lacanilao viết:
 
Khía cạnh mạnh mẽ nhất của các câu chuyện thần thoại là khả năng tạo nên sự kinh ngạc và phấn khích. Chúng tôi đang sáng tạo một câu chuyện giả tưởng để thực hiện những điều này, trong khi vẫn thách thức khán giả phải suy nghĩ”.
 

Một “tài liệu giả” đăng tải trên website nhằm hỗ trợ cho bằng chứng về cầu thang Escherian Stairwell
(Ảnh chụp màn hình Youtube)
 
Để thuyết phục người xem, Lacanilao phải tạo nhiều tài liệu giả trên các website theo nhiều chủ đề khác nhau và trong nhiều giai đoạn thời gian khác nhau. Thậm chí, Lacanilao còn xây dựng cả chương trình “Can You Imagine” thảo luận về  “ Stairwell” của RIT. Ngay cả đoạn phim trên Youtube cũng được đặt tên là “Ep3” (tập 3) để tạo cảm giác có cả sê-ri về chủ đề này – mặc dù thực tế chương trình ấy chỉ có duy nhất 1 clip. Nếu người xem vẫn còn hoài nghi và tự mình tìm hiểu thực hư, họ sẽ gặp các “tài liệu” đề cập đến chiếc cầu thang nổi tiếng và dễ dàng bị thuyết phục.
 

Chương trình “Can You Imagine” hoàn toàn là… giả (Ảnh chụp màn hình Youtube)
 
4 năm đại học có thể nhanh chóng trôi qua khiến rất nhiều người trong chúng ta không có thời gian để tìm hiểu tất cả mọi điều mà RIT có”, Lacanilao nói. “Khi dành thời gian khám phá bên ngoài các thói quen hàng ngày của mình, chúng ta sẽ thấy rằng đó thực sự là nơi mà não trái xung đột với não phải. Tôi tự hào là một phần của điều đó”.
 
Chương trình “Can You Imagine” trên Youtube:

 
 
 
Nhờ kỹ xảo cắt ghép, kỹ thuật điều chỉnh ánh sáng, và lợi dụng góc quay của camera, cùng với một số hiệu ứng kỹ thuật số khác, đoạn phim dễ dàng cuốn hút người xem vào “bằng chứng xác đáng” mà Lacanilao muốn thể hiện.
 
Michael Lacanilao kể về quá trình xây dựng các “bằng chứng” cho sự tồn tại của Escherian Stairwell:

 
 
 
Sự thật về cầu thang giả tưởng Escherian đã được tiết lộ, nhưng cho đến nay, nó vẫn truyền cảm hứng cho nhiều người dùng internet. Hãy chia sẻ đoạn phim của Lacanilao cho bạn bè và cùng đoán xem phản ứng của họ khi được chứng kiến chiếc cầu thang có một không hai này!

Tác giả: Hồng Liên tổng hợp

Nguồn tin: daikynguyenvn.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây