Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Mẹ hiền của con

Nhờ Chúa ban ơn, nay mẹ tôi đã trên 60 tuổi nhưng mẹ vẫn khỏe khoắn và trẻ đẹp lắm. Dù anh em tôi đều đã trưởng thành, lập gia đình và sinh con đẻ cái nhưng mẹ vẫn luôn lo toan, săn sóc cho chúng tôi vẹn toàn.
Mẹ. Hình của tác giả cung cấp
Tuyển tập Tình Mẹ. Bài 6
 
Sinh anh cả, mẹ vừa phải chăm sóc anh mới sinh vừa đi làm và vừa chăm sóc ba bị sốt rét ở bệnh viện.

Sinh anh hai, ba rất hay đau. Mẹ vẫn chăm hai anh, đi làm và chăm ba.

Sinh tôi, cũng là lúc ba bệnh nặng hơn, bị liệt nửa người. Mẹ vừa đi làm kiếm tiền nuôi con nhỏ dại vừa chăm ba tôi khi mà lúc đó mọi hoạt động của ba đều tại chỗ.

Sinh em Út, ba có khỏe hơn, đã tự đi lại hoạt động được. Nhưng bốn anh em chúng tôi đang tuổi ăn tuổi lớn, gánh nặng kinh tế lại đè lên vai mẹ".

Đó là những câu chuyện mà lúc nhỏ anh em chúng tôi thường được nghe ba mẹ kể. Nhưng thật sự, càng lớn lên tôi mới càng thấm thía sự vất vả và hi sinh của mẹ tôi.

Mẹ tôi hiền lành, dịu dàng lắm. Hiền là tên của mẹ, cũng là tính cách của mẹ. Chưa bao giờ về nhà mà mẹ có vẻ mặt không vui. Chưa bao giờ mẹ la mắng hay trách móc chúng tôi chỉ vì mẹ quá mệt cả một ngày. Mẹ vẫn cầm tay tập viết chữ cho từng đứa con, mẹ vẫn kiên nhẫn hướng dẫn anh em chúng tôi đánh vần từng con chữ. Hay dù về đã khuya nhưng mẹ vẫn dành thời gian cùng chơi với anh em chúng tôi. Bất kể trò chơi dân gian nào mẹ cũng bày và cùng chơi với chúng tôi. Tuổi thơ của anh em tôi, có thể thiếu những món quà vặt đắt tiền nhưng chưa bao giờ bị đói, có thể thiếu những chiếc áo ấm dày cộm trong mùa đông lạnh giá nhưng chúng tôi luôn cảm thấy ấm áp bởi mẹ luôn yêu thương chăm sóc, bao bọc chúng tôi, bởi những đói khổ hay giá rét mẹ đã che chắn cho chúng tôi.

Nhờ Chúa ban ơn, nay mẹ tôi đã trên 60 tuổi nhưng mẹ vẫn khỏe khoắn và trẻ đẹp lắm. Dù anh em tôi đều đã trưởng thành, lập gia đình và sinh con đẻ cái nhưng mẹ vẫn luôn lo toan, săn sóc cho chúng tôi vẹn toàn. Dân gian có câu ca dao:

"Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con"
 
Hình của tác giả cung cấp

Mẹ tôi là như vậy đó, đến bây giờ vẫn quây quần lo lắng cho con cho cháu. Có những lúc nhìn mẹ ôm ấp, chăm sóc các cháu, tôi vẫn nhớ về chuyện xưa. Lúc còn nhỏ, mỗi khi tôi thắc mắc về nghề nghiệp của mẹ, mẹ chỉ nói mẹ đi buôn bán. Đến khi lớn hơn, tôi mới thật sự thấu hiểu về công việc của mẹ. Khi mà đất nước Việt Nam chúng ta mới mở cửa thông quan thì việc xuất nhập khẩu với các nước khác vẫn còn hạn chế. Mẹ tôi sẽ lên vùng gần biên giới Việt Lào để mua những mặt hàng ở nước bạn rồi về bán lại ở thành phố. Hồi nhỏ thì cứ nghĩ mẹ đi mua bán, trao đổi hàng hóa bình thường thôi. Nhưng không ngờ, vào những năm 90 ấy, mặt hàng ở nước ngoài đem về rất hiếm và việc mua về bán lại của mẹ tôi khi đó được coi là "buôn lậu" vì không đóng thuế.

Cứ mỗi sáng sớm rất sớm, khi thấy mẹ nhẹ nhàng thức dậy tôi chỉ mong được mẹ ôm ấp thêm chút nữa hoặc là mong hôm nay mẹ bị trễ xe nên phải ở nhà với anh em tôi. Mong là mong vậy đó, chứ tôi không hề mè nheo hay khóc lóc đòi mẹ, bởi tôi biết đôi vai gầy của mẹ đang gánh vác cả gia đình. Một thân một mình mẹ tôi bắt xe khách đi đến vùng gần biên giới ở Lao Bảo, Quảng Trị, chọn lựa từng món hàng và mua. Nếu là bánh kẹo, bột ngọt thì mẹ đóng thùng lại. Nhưng nếu là thuốc lá thì mẹ phải cột ở trên người, vì thuốc lá phải bỏ vốn nhiều nhất và là mặt hàng có lãi nhiều nhất. Người phụ nữ vóc dáng mảnh mai là mẹ tôi ấy, mang trên mình 30, 40 cây thuốc lá để di chuyển từ Quảng Trị về Huế mỗi ngày thì hỏi những gian lao, vất vả đó có ai thấu? Chưa kể có những ngày khi biết có đội công an, quản lý thị trường kiểm tra thì mẹ tôi phải ôm hàng hóa chạy vào rừng để tránh. Hồi nhỏ mỗi khi nghe mẹ kể hôm nay phải chạy vào rừng, tôi cứ nghĩ chắc mẹ vui lắm, kiểu vui giống như lúc tôi được đi cắm trại vậy. Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy sợ và may mắn.

Sợ là bởi khi vào rừng biết bao hiểm nguy đang rình rập, rồi biết bao nhiêu người vì lạc đường mà tận mấy ngày mới về được, rồi có người ngã gãy tay gãy chân, thậm chí có người vì quá mệt mỏi kiệt sức mà mãi không về với gia đình được nữa. Và may mắn thay, trải qua bao vất vả, gian nan mẹ vẫn bên cạnh chúng tôi, cùng chúng tôi trưởng thành. Nếu những anh hùng chiến sĩ ra chiến trường với tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt, thì mẹ tôi ra thương trường với tình mẫu tử bao la ngất trời.

Cảm ơn mẹ, dù khó khăn thiếu thốn đến đâu chăng nữa mẹ vẫn luôn cho chúng tôi được ăn học đến nơi đến chốn. Để hôm nay, khi tôi đã là một giáo viên thì vẫn lấy mẹ làm ngọn đèn soi sáng, dẫn dắt tôi trên con đường trồng người. Tôi còn nhớ rất rõ, hồi anh cả học lớp 9 do ham chơi điện tử, anh đã nhiều lần trốn học thậm chí đòi bỏ học. Mẹ tôi khi biết chuyện đã tạm dừng việc buôn bán một thời gian để ở nhà dạy dỗ và bên cạnh anh tôi nhiều hơn. Mẹ đã tâm sự và động viên anh bằng tất cả tình yêu thương của mẹ. Mẹ không hề trách mắng hay đập đánh, luôn luôn nhẹ nhàng bảo ban và đồng hành cùng anh tôi vậy mà anh tôi đã thay đổi, đã cố gắng học hành để ngày hôm nay trở thành một luật sư luôn đứng về lẽ phải và công lý. Nếu năm xưa mẹ không dẫn dắt anh em chúng tôi thì chắc chắn không có chúng tôi của hiện tại.

Mẹ tôi, chưa bao giờ nghĩ đến bản thân mình, luôn yêu thương con cái một cách vô điều kiện. Kể cả khi cầu nguyện mẹ vẫn là: "Xin Chúa ban cho gia đình con ơn bình an, xin cho con cái con học hành giỏi giang, nên người" chứ mẹ không nguyện cầu gì cho mẹ.

Mẹ tôi, công lao của mẹ như núi sông, tình yêu thương mẹ dành cho chúng tôi "bao la như biển Thái Bình" không có gì đong đếm được như ca dao, tục ngữ có câu:

"Ai rằng công mẹ như non
Thật ra công mẹ lại còn lớn hơn"

Không chỉ mẹ tôi mà bất cứ người mẹ nào trên cuộc đời này đều là những người mẹ anh hùng, kiên cường đáng để con cái nâng niu, yêu thương và chăm sóc. Nên tôi mong rằng, tôi và các bạn:

"Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không"

Mẹ ơi, con yêu mẹ.

Maria Lê Thị Khánh Hà F1
Con Giuse Lê Xuân Nhàn HT69 & Têrêsa Đặng Thị Hiền

Tác giả: Lê Thị Khánh Hà

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây