Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Ba Râu của tui

Cả cuộc đời ba tui đã làm chỗ dựa, là sức mạnh cho tui vững bước, bây giờ tui muốn đổi lại. Tui muốn làm chỗ dựa cho ba tui lúc tuổi già, là sức mạnh cho ba tui lúc ốm đau.
-
 
Tui thường gọi ba là ba Râu vì ba để hàm râu lãng tử từ khi tui còn chưa ra đời. Đó cũng là đặc điểm nổi bật nhất để nhận ra ba. Mọi người thường miêu tả hình ảnh người ba như: khó tính, không biết thể hiện tình cảm, kiệm lời nhưng ba tui thì hoàn toàn ngược lại.

Ba tui rất dễ tính, luôn luôn vui vẻ, lạc quan, câu cửa miệng là: “Kệ, cứ cười đi con. Chuyện chi đến cứ đến mình cứ cười”. Ngoài ra ba tui còn rất “nhây“, thường xuyên bày trò chơi với tui, về khoản cưng chiều con gái ba là số một có kể ngàn lẻ một đêm cũng không hết chuyện.

Từ thuở ấu thơ tui lớn lên luôn có ba bên cạnh như là ngày nào tui cũng được ba chở đi học trên con xe cà tàng được trang bị thêm một cái gối siêu êm trên mặt đồng hồ xe để tui có thể ngủ thêm vào buổi sáng do từ nhà đến trường tui rất xa, sợ con gái không ngủ đủ giấc.

Nhớ có một lần trên đường chở tui đi học vào năm 1996, chiếc xe cà tàng bỗng dưng hết xăng nên ba dừng xe lại bên đường để đổ xăng. Đổ xăng xong ba bế tui yên vị trên xe xong xuôi thì ba phát hiện quên mang bóp nên đành gác chống xe vô năn nỉ chị bán xăng cho thiếu nợ. Chẳng biết luýnh quýnh thế nào mà gác chống xe bị nghiêng, thế là cả tui và xe ngã xuống đường. Tui lúc đó bật khóc nức nở.

Ba nghe tiếng động quay lại hoảng hồn chạy ra xem tui như thế nào. Tui vẫn nhớ như in cái khuôn mặt hoảng hốt đó và câu nói: “Chúa ơi, con gái con, con gái con....!!!” Rồi ba ôm tui vào lòng xin lỗi, hỏi han, kiểm tra tay chân đủ kiểu. Lúc yên tâm tui không trầy xước, không đau chỗ nào rồi mới hỏi tui sao con khóc nhiều vậy, tui mếu máo: “Con không té đau, con làm rớt cục phô mai rồi”. Ba tui ngẩn người ra một lúc rồi phá lên cười nắc nẻ quay qua dỗ dành ba sẽ mua cho tui cục phô mai khác.

Cứ thế bên lề đường, ba thì ngồi cười, con thì ngồi khóc tiếc nuối cục phô mai. Sau này tui lớn, ba tui vẫn nhắc lại câu chuyện này rồi mua cho tui hẳn chục hộp phô mai con bò cười để đền lại cục phô mai ngày xưa.

Năm 1998, vào một buổi trưa hè ba đang quạt cho tui ngủ thì phát hiện chân tay tôi bắt đầu nổi những đốm đỏ như bị sốt xuất huyết. Lập tức ba đưa tui vào bệnh viện và bác sĩ bắt nhập viện ngay. Cả đêm ba không ngủ, cứ thức trông tui. Lúc mệt quá ba nằm trên lan can ngay đối diện cửa phòng bệnh của tui, tui chỉ cần mở mắt nhìn ra cửa là thấy ba nằm đó, mặt lúc nào cũng quay hướng về phía tui. Cái lan can đó so với thân hình của ba tương đối nhỏ nhưng ba nằm co ro ở đó mà không dám trải chiếu nằm dưới đất vì sợ tui mở mắt dậy không thấy ba đâu.

Sáng hôm sau cô bác sĩ trực phòng bệnh của tui đến thăm khám, sau khi khám và coi bệnh án của tui xong mắt cô đỏ hoe. Tui có hỏi cô sao cô khóc, cô trả lời là cô nhớ con gái cô, cũng tầm tuổi con, bạn cũng bị bệnh giống con và đã về chơi với ông bà rồi. Lúc đó tui bị viêm não mô cầu - một căn bệnh hơi lạ và hơi hiếm tại thời điểm đó.

Khi ba đi mua đồ ăn sáng về tui tíu tít kể lại chuyện gặp cô bác sĩ cho ba nghe. Nghe xong câu chuyện tui kể ba buông đồ trên tay đi nhanh ra ngoài phòng bệnh ngước mặt lên nhìn trời. Tui ngơ ngác chạy theo sau, thấy ba ngước nhìn lên trời tui lặng lẽ nắm tay ba rồi cũng ngước nhìn theo rồi hỏi ba đang nhìn cái gì đó. Ba trả lời tui nhẹ nhàng: “ba xem hôm nay trời có đẹp không”, cứ thế hai ba con đứng nhìn trời cho đến khi hai cái bụng réo dữ dội vì cơn đói. Sau này lớn lên tui mới hiểu định nghĩa “về chơi với ông bà” và ngày ngắm trời hôm đó là ngày nước mắt ba đang chảy ngược vào trong.

Năm 1999 rộ lên mốt cặp công chúa màu hồng màu xanh. Tui thích lắm, về nói với ba con muốn có cặp mới, bạn con ai cũng có cặp mới. Vài ngày sau, tui đã có cặp mới bằng chúng bạn. Đó là một cái cặp da màu đen kiểu của các bác giám đốc hay luật sư bỏ tài liệu. Tui nổi bật nhất trường theo phong cách của riêng ba tui. Tui đeo cái cặp đó được chừng một tháng thì ba tui hình như nhận ra được vấn đề, thế là tui được đổi cặp mới, vẫn là màu đen, nhưng không phải cặp giám đốc nữa mà là cặp của mấy anh chị cấp 3, dù lúc đó, tui học lớp 4.

Vào khoảng năm 2001, nhà tui chuyển về quận 7 sinh sống. Căn nhà ngay chợ Tân Mỹ, chỉ vài phút đi bộ là tới khoảng đất trống đầy cát mà ngày nay là bệnh viện Tâm Đức và bệnh viện Việt Pháp. Lúc đó rộ lên phong trào thả diều. Chiều nào cũng có gia đình chở nhau ra đó thả diều, chơi đùa. Tui thích lắm, đòi ba dẫn đi nhưng công việc ba nhiều, ngày nào về nhà cũng tối muộn nên tui cứ đợi mãi.

Rồi một ngày trời nắng đẹp, ba về sớm trong cơn say quắc cần câu rủ tui đi thả diều. Leo lên xe ba chở tui bon bon chạy ra tới nơi rồi ba mua cho tui con diều hình con bươm bướm đầy màu sắc, chỉ tui thả diều. Hai ba con chạy giỡn đến khi quần áo đầy là cát. Tui mê mẩn cầm dây diều, mê mẩn ngắm con diều đang bay cao cao tới khi nhìn lại ba đã nằm trên đụn cát ngủ từ bao giờ, kế bên là cái xe cà tàng cũng nằm lăn quay. Tui kêu ba dậy để về mà ông Râu lúc đó say xỉn lắm rồi, lè nhè lè nhè không chịu dậy. Bối rối vì không biết làm sao tui lấy chân ba đè cọng dây diều, rồi tui đi bộ về nhà tìm viện binh. Cuối cùng, ba và con xe cà tàng được chú hàng xóm đưa về còn con diều may quá, vẫn còn cuộn dây. Ngày mai lại khi ba đã qua cơn say là gặp ngay cơn nhõng nhẽo đòi đền con diều của tui.
 
-

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đã là năm 2004, tui lên lớp 8. Tui xin ba cho chạy xe đạp đi học mặc dù lúc đó nhà tui khá xa trường chạy xe đạp cũng phải 45 phút mới đến nơi, vậy mà ba cũng đồng ý để cho con gái tự lập. Vậy là tui được chạy xe đạp đi học, tui đâu có ngờ một ngày tui phát hiện mình bị theo dõi. Là ba chạy xe máy rà rà phía sau, không để tui phát hiện. Thì ra, khi nào “anh ấy“ rảnh, là anh ấy sẽ đến trường đợi tui tan học rồi anh ấy chạy đằng sau như thế. Sau khi biết tui phụng phịu dỗi hờn, ba hứa sẽ không chạy phía sau nữa mà sẽ để tui tung tăng.

Từ đó, ngày nào đi học về tui cũng thấy ba tui đứng ngóng từ đằng xa nhưng lại làm như không quan tâm tới, chắc sợ tui chọc quê. Cơ mà được dịp chọc quê ảnh dễ gì tui bỏ qua, tui nói: “Ủa, anh đứng ngóng con gái hả anh Râu?”. Tui nhận được câu trả lời: “Ai thèm đợi mi mô con khỉ.” Được một thời gian chiếc xe đạp của tui cứ kêu cọc cạch cọc cạch ba tui phát hiện rồi đem đi sửa rồi về mặt hớn hở khoe tui. Ngày hôm sau đi học, không có tiếng cọc cạch thường nghe tui lại thấy buồn, vì đi học buổi trưa trời nắng, đường thì vắng chẳng có ai qua lại, tui chỉ có tiếng cọc cạch của chiếc xe làm bạn. Về nhà tui nói ba thiếu tiếng cọc cạch tui buồn. Ba lại chẳng nói gì, đem chiếc xe đạp đi sửa cho có tiếng cọc cạch. Giờ lớn lên nghĩ lại lúc đó chú sửa xe chắc nghĩ ba có vấn đề.

Thêm một một câu chuyện về phong cách của ba tui. Lúc đó tui học lớp 9 tui đòi ba mua sandal mới cho tui. Vài ngày sau, ba mua về cho tui 1 đôi Bitis màu trắng có quai ngang với hình họa tiết màu hồng lấp lánh siêu đẹp. Tui thích lắm, mang đi học suốt. Thì ra ba tui vẫn còn nhớ tui thích đôi giày đó mặc dù lúc tui nói tui thích đôi giày là khi tui học lớp 3, mà thời điểm đó, với kinh tế nhà tui thì đôi sandal đó hơi xa xỉ. Vâng, là ba tui đó! Lúc con học tiểu học thì cho đeo cặp cấp 3. Lúc con gần lên cấp 3 thì cho con mang sandal tiểu học. Ôi, tui mê phong cách của ông Râu nhà tui ghê, đảm bảo độc lạ không đụng hàng.

Rồi đến khi tui đi thi đại học. Buổi chiều hôm đó sau khi nhận giấy báo trúng tuyển, tui chạy như bay về nhà. Vừa vào trong nhà thấy ba đang ngồi bên mâm cơm tui oà khóc nức nở đi vô. Cô giúp việc nói nhỏ với ba: “Rồi, nó rớt đại học rồi!” Ba trả lời cô: “Nó khóc kiểu này là đậu rồi đó. Nó cười toe toét mới là rớt“. Đúng là hổng ai hiểu tui bằng ông Râu. Tui đậu thiệt.

Rồi ba bị tai biến. Lúc nghe tin đất trời như sụp đổ trước mắt. Tui cảm giác mình mất tất cả, xung quanh mờ mịt, đầu óc tui trống rỗng. Tui chạy xe vào bệnh viện với ba mà tay chân run cầm cập, nước mắt cứ rơi không ngừng. Tới nơi đứng trước cửa phòng cấp cứu, tui hít một hơi, lau mặt khô ráo đẩy cửa bước vô cười toe toét, thần thái rạng ngời đầy tự tin như đang đi thi hoa hậu, tại tui hiểu ba tui. Tui đến bên giường ba, ba thấy tui ba liền hỏi: “Ba bị sao mà đưa ba vô bệnh viện vậy?” Tui đáp: “Ba đâu có sao đâu, tự dưng ba té nên đưa ba vô bệnh viện kiểm tra thôi, kiểm tra xong cho ba về, chớ ba không bị chi cả”. Ba hỏi tui có thiệt không, đừng có dấu ba. Tui cười toe toét: “Dấu ông chi ông ơi, ông hổng thấy tui cười toe toét hả, chớ ông bị chi là tui “xễu”, tui khóc hu hu rồi, chớ còn ở đây mà đứng cười”.

Vậy là ba tui an tâm, mình chả bị chi, rồi ảnh còn hớn hở ngóc đầu lên nhiều chuyện với xung quanh. Tui lấy cớ đi lấy kết quả xét nghiệm rồi ra ngoài. Cánh cửa vừa khép, tui ngồi sụp xuống nức nở, vậy là ba tui liệt nửa người thiệt rồi. Rồi sao đàn guitar, rồi sao hát, rồi sao đi lại, bao nhiêu câu hỏi cứ dồn dập trong đầu, tui khóc sưng cả mắt, tui khóc muốn trôi cả bệnh viện vì sợ hãi. May là, ba vẫn còn.

Ngày ngày chăm ba trong bệnh viện tui càng đau lòng hơn. Ba ăn không được nhiều, đa phần chỉ uống sữa Ensure, nhưng mà tui phải uống một nửa trước, nửa còn lại ba mới uống, tại ba sợ con gái ba mệt, không có sức. Rồi mấy chú mấy bác vô thăm, người tặng ba hũ yến, người biếu ba lọ thuốc bổ. Tất cả đều là con gái uống thuốc bổ trước đi, con gái ăn yến trước đi rồi ba mới ăn mới uống, tại ba sợ con gái ốm.

Trời ơi, ông Râu ơi là ông Râu, ông mới là người đang bị bịnh đó! Bớt lo cho con gái đi, lo cho mình ăn không được kìa! Ngày ba ra viện, mỗi ngày đều có thầy châm cứu tới, rồi thầy nắn xương khớp tới, rồi bác sĩ tập vật lý trị liệu tới. Ba đau. Tui cũng xót. Rồi ba sợ, ba không chịu nắn xương khớp, tui nguyện thành vật thí nghiệm, tui thử bẻ xương khớp. Trời ơi đau muốn khóc luôn đó, mà tui cười toe toét nói có đau gì đâu còn chọc ghẹo ông Râu nhõng nhẽo quá. Vậy là ba tui bị dụ, lại tin tưởng để nắn xương tiếp.

Rồi thời gian qua đi, một lần nữa ba lại nhập viện. Lần này, nặng hơn lần trước. Nhìn cái bệnh án dài cả trang giấy, tui phát hoảng nhưng rán cười, ba tui biết cứ an ủi tui “Không răng mô con”. Tui đi làm về lại vô ngủ với ba, kiểm tra cơm canh ba ăn lúc chiều, tui hỏi sao ba ăn ít quá vậy ba trả lời: “Chừa cho con, sợ con đói bụng trong này không có chi ăn”. Trời ơi ông Râu, ông mới là người bịnh đó! 

Kể một vài câu chuyện nhỏ từ ấu thơ đến trưởng thành giữa tui và ba tui mới thấy cả cuộc đời ba tui chưa phút giây nào ngừng lo lắng, chăm sóc cho tui. Nghĩ lại từ nhỏ đến lớn tui đều ăn cơm ba nấu, ăn cá ba vẽ xương, quần áo cũng là do ba giặt. Đến khi tui có cơ hội hiếu thuận với ba, ba lại sợ phiền đến tui. Coi có chán ông Râu nhà tui không chớ!!! Ba có muốn ăn gì cũng không nói sợ tui nấu cực, nên tui nấu chi ba ăn đó. Màn hình máy tính ba bị đổ hột rồi bị mờ, ba cũng không dám nói tui hay. Đến khi tui phát hiện tui hỏi ba sao màn hình máy tính hư ba không nói con đổi cái khác cho ba, ba nói ba không biết ba tưởng ba già rồi mắt bị mờ. Tui nói rứa thì càng phải nói cho con nghe chớ. Ba lại nói ba sợ phiền tui, mất công tui phải đưa ba đi khám.

Cả cuộc đời của ba dường như chỉ có một việc để làm đó là nuôi tui. Tui trưởng thành rồi, đến tuổi đi làm mà ba vẫn muốn nuôi tui, chẳng muốn tui ra đường đi làm sợ tui bị người ta ăn hiếp. Tui đi làm về mà thấy tui mệt là xúi thôi nghỉ đi ba nuôi. Khi tui có chỗ đứng trong công việc, được lên chức, được bằng khen đem về khoe ba. Ba làm bộ thờ ơ: “Có cục xịt chi mô mà mừng hè. Có chi mô mà khoe rứa hè”. Tui biết thừa ba nói vậy thôi chớ ba tự hào dữ lắm. Ảnh cười toe toét, mắt lấp lánh nom muốn gọi điện thoại khoe hết làng trên xóm dưới rồi kìa.

Có lẽ trong lần đầu làm ba, ba tui còn đầy bỡ ngỡ và thiếu kinh nghiệm nhưng đối với tui ba là một người ba hoàn hảo vô cùng. Cả cuộc đời ba tui đã làm chỗ dựa, là sức mạnh cho tui vững bước, bây giờ tui muốn đổi lại. Tui muốn làm chỗ dựa cho ba tui lúc tuổi già, là sức mạnh cho ba tui lúc ốm đau. Tui chỉ mong ba tui luôn khoẻ mạnh, sống với tui thêm nhiều nhiều năm nữa để tui có thêm nhiều câu chuyện kể “xấu” về ba, để ba với tui tiếp tục kề vai nhau ngân nga câu “ba con mình là tình thương mến thương”./.

Hồ Trân Châu
Con của Hồ Đắc Hương HT66

Tác giả: Hồ Trân Châu F1/HT66

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây