Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Chúa nhật 26 TN C. “Ta muốn lòng nhân từ chứ không muốn của lễ”

Một thế giới không có Thiên Chúa sẽ luôn là một thế giới áp bức người nghèo khổ, một thế giới biến người nghèo thành bàn đạp. Và nếu ai đó, cho dầu họ có đúng đắn gì chăng nữa, hay nhân danh bất cứ ai, chà đạp kẻ khác dưới tay mình, đều là kẻ giả hình...
Chúa nhật 26 TN C. “Ta muốn lòng nhân từ chứ không muốn của lễ”
Suy tư Lời Chúa – Chúa Nhật 26 thường niên

Người chân thật thì có lòng nhân, kẻ không có lòng nhân thì giả dối. Lòng nhân là thước đo sự chân thật của tâm hồn bạn, và Thiên Chúa, Đấng chỉ muốn lòng nhân chứ không muốn của lễ (Matthew 9:13; Hose 6:6), cũng chỉ muốn bạn đáp lời Ngài bằng lòng nhân, và chỉ lòng nhân cho Ngài là đủ.

Vị tôn sư dắt vài học trò xuống phố. Họ gặp một người ăn xin mù lòa ngồi bên vệ đường.

Con lấy ít tiền bố thí cho anh ta đi.” Tôn sư bảo một học trò.

Lúc anh ta bỏ tiền vào bát của anh ăn xin, thầy lắc đầu vào bảo: “Con phải giở nón để tỏ ra tôn trọng anh ta chứ.”

Tại sao con phải làm vậy?” Học trò hỏi.

Vì người nghèo không phải chỉ cần tiền của con, mà còn cần sự tôn trọng của con nữa.” Thầy nói.

Nhưng anh ta mù lòa làm sao thấy con chào anh ta?”

Ai mà biết được đâu con! Lỡ như anh ta giả mù thì sao!”
(Kể theo cha Anthony De Mello)

Cho dầu bạn có ăn nói đúng đắn cỡ nào, thiếu lòng nhân, bạn vẫn chưa chân thật. Kiến thức về chính trị trong xã hội hôm nay phân biệt rất rõ giữa điều thật và điều đúng (truth and political correctness); không những thế, lắm lúc hai điều còn đối nghịch nhau trong thực tế; vì điều đúng chỉ là đúng theo đường lối, chính sách, đúng theo một tư tưởng triết lý của đảng phái, hay đúng theo một nghi thức và một nguyên tắc nào đó. Trong khi đó sự thật là cái thực tại của con người, cuộc sống và phẩm giá của họ, vốn được Thiên Chúa tôn trọng và quan tâm. Do đó lòng nhân là câu trả lời chúng ta phải trả lời trước mặt Đấng Tối Cao, chứ không phải là sự công chính vốn được con cái loài người công nhận lẫn nhau.

Một anh tư bản và một anh cộng sản đứng trước mặt vị Thẩm Phán tối cao, Đấng tạo thành trời đất. Ngài cho họ thấy một đoạn phim quay được. Đoạn phim là một ông phú hộ giàu có, ăn mặc gấm vóc và tiệc tùng linh đình; nằm cạnh cửa nhà ông là một anh chàng tên Lazarô rách nát, ghẻ chốc đầy mình, hấp dẫn lũ chó đến liếm (Luca 16:19)

Đó là kết quả của chủ nghĩa tư bản.” anh cộng sản kết luận ngay, “kẻ giàu bóc lột tài sản của người nghèo; tư sản tước đoạt giới vô sản.”

Không đúng,” anh tư bản phản bác, “cách đây không lâu, cái nhà đó là tài sản của anh Lazarô cơ mà!”

Hai đứa làm thinh ngay!” Đấng Tối Cao phán, “Những gì xảy ra trong đoạn phim này chính là sự tước đoạt chủ quyền của Ta, Đấng tạo thành trời đất, khi các người đuổi Ta ra khỏi hệ thống điều hành của các người.”

Tham vọng sở hữu chủ quyền của Thiên Chúa đã có từ khởi đầu trong vườn địa đàng theo Thánh Kinh trong sách Thế Ký; dòng theo lịch sử nhân loại, cho đến hôm nay với chủ thuyết vô thần, con người có khuynh hướng loại trừ Thiên Chúa ra khỏi hệ thống điều hành các cơ cấu xã hội, để rồi những đoạn phim người giàu người nghèo đã và đang xảy ra khắp mọi nơi và mọi thời, xã hội phân hóa, tranh giành quyền lực, và chà đạp người cô thế. Họ nói hành tinh này là của họ, của giai cấp họ và của đảng phái họ. Họ tuyên truyền rằng sự nghèo đói khốn khổ trong thế giới là do thế lực thù địch của phía bên kia.

Nơi đây, trong tầm nhìn Kitô giáo, nạn nhân chính là Thiên Chúa, kẻ bị tước đoạt khỏi chủ quyền như là Đấng tạo dựng vũ trụ; và kẻ thực sự mất mát và  bị đàn áp chính là người cô thế và nghèo khổ, những kẻ mà Thiên Chúa, với lòng nhân hậu vô biên, đã muốn đồng hóa với họ, để câu trả lời cho định mệnh vĩnh cữu là câu trả lời cho câu hỏi của lòng nhân đạo: Khi Ta đói các ngươi có cho Ta ăn, khi Ta khát các ngươi có cho Ta uống, khi ta rách rưới, các ngươi có cho Ta mặc, khi tù đày, thăm viếng Ta, khi đau yếu, săn sóc Ta? (Xem Matthew 25:35)

Dù nỗ lực cho một vương quốc công lý trên trần gian, niềm hy vọng của Kitô hữu vẫn là Nước Trời, một vương quốc không thuộc về thế gian này (khúc mắc của thần học giải phóng nằm ở chỗ này), nơi mà Đức Kitô, “Đấng vốn rất giàu có, đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, ngỏ hầu chúng ta được nên giàu có” (2 Cor 8:9). Một thế giới không có Thiên Chúa sẽ luôn là một thế giới áp bức người nghèo khổ, một thế giới biến người nghèo thành bàn đạp. Và nếu ai đó, cho dầu họ có đúng đắn gì chăng nữa, hay nhân danh bất cứ ai, chà đạp kẻ khác dưới tay mình, đều là kẻ giả hình; và sẽ không đứng vững được trước chân lý của lòng nhân. Lòng Nhân chính là “Thiên Chúa đứng với người nghèo.”

Tác giả: Lm Peter Trương Văn Thường HT74

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây