Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Chủng Viện Kẻ Sen - Một Chủng Viện thời bách hại.

-

-

Chính vào triều đại và cuộc bách hại của vua Thiệu Trị mà chủng viện Miền Bắc Đàng Trong được lập tại Kẻ Sen và tồn tại cho đến năm 1861. Giáo xứ này được chọn hơn các nơi khác vì ở lùi xa khỏi lương dân và dễ tránh được những cuộc kiểm soát của các quan lại.
Chủng Viện Kẻ Sen - Một Chủng Viện thời bách hại
 
Chính vào triều đại và cuộc bách hại của vua Thiệu Trị mà chủng viện Miền Bắc Đàng Trong được lập tại Kẻ Sen và tồn tại cho đến năm 1861. Giáo xứ này được chọn hơn các nơi khác vì ở lùi xa khỏi lương dân và dễ tránh được những cuộc kiểm soát của các quan lại. Đây là trung tâm của cộng đoàn Kitô hữu quan trọng Sen - Bàng (Kẻ Sen và Kẻ Bàng) và ở gần rặng núi cao Ba Bênh. Nơi đó dễ trốn tránh và ẩn nấp khi có hiệu lệnh báo động.
 

Nhà thờ Sen Bàng hiện nay
 
Cha Paul Galy Carles (Lý) là bề trên đầu tiên của chủng viện. Ngay khi đến Kẻ Sen, ngài đã đặc biệt lo chủng viện này, mặc dù cùng lúc ngài phải lo giáo hạt và tu viện, còn cha Gioan Trung (Đoàn Trinh Hoan) vẫn phụ trách giáo xứ. Từ 4 năm nay, ngài ít nhiều ở ẩn trong chủng viện, không quá tỏ mình ra bên ngoài kẻo sợ một vài lương dân thấy. Ngài viết về nếp sống của mình như sau:
 
Các bạn biết số phận của các thừa sai ở Đàng Trong. Trong khi các bạn đồng sự của họ thuộc các Miền Truyền Giáo khác có dịp để cho lòng nhiệt thành cất cánh bay, tự do hăng say khai phá phần đất được chia cho họ không quản nhọc mệt và gợi lại trong nhiều nơi những công việc đầy vinh quang của các tông đồ, còn chính họ lại bị bó chặt trong các túp nhà ẩn giấu và hẻo lánh, thực hiện những công việc âm thầm khiêm tốn của các nhà giáo. Thực sự không phải tất cả những chăm sóc của họ đều bị giới hạn.
 
Ở sâu trong nơi trú ẩn, họ vẫn coi sóc các giáo hạt liên hệ, hướng dẫn các linh mục bản xứ, thúc đẩy lòng tận tụy của các giáo lý viên, sắp đặt công việc và chăm sóc mọi nhu cầu thiêng liêng cho các Kitô hữu; tắt một tiếng, họ là linh hồn của Miền Truyền Giáo.
 
Thật rất sai lầm khi nghĩ rằng các ngày tháng của chúng tôi trôi qua cách khổ cực, buồn bã cũng như vô ích, trong một tình trạng ẩn cư mù mịt. Đối với tôi, dù ở xa hay gần để chuẩn bị cho một học trò làm linh mục mà thôi, chắc hẳn tôi không nghĩ rằng mình đã làm mất thời giờ.
 
Tôi đồng ý rằng dưới con mắt tự nhiên nếp sống của chúng tôi chẳng có dễ chịu chút nào; nhưng chúng ta đi tìm gì khi đến Miền Truyền Giáo? Những điều thoải mái và tiện nghi ư ? Không ai nghĩ như thế...
 
Chủng viện Kẻ Sen nằm trên vùng đất của xóm Dâu, hơi lùi về phía dưới nghĩa địa. Mảnh đất hình chữ nhật không rộng lắm nhưng cũng đủ cho một cộng đoàn sống với các công trình phụ. Có hàng rào tre vây quanh, cùng các cây xương rồng và bụi gai để che giấu và bảo vệ khỏi cọp dữ cũng như kẻ trộm.
 
Theo lời giáo dân Kẻ Sen, cơ sở gồm sáu căn nhà bằng gỗ và ván, lợp tranh như các nhà ở của người Việt, và hiện nay không còn dấu vết gì, ngay cả những đổ nát, trừ cái giếng xưa vẫn còn cung cấp nước tốt cho dân cư ở trong vườn.
 
Mặt trước của chủng viện được các nhà dân che giấu đến nỗi những người lạ đi dọc đường không thể thấy được.
 
Trước tiên chỉ có khoảng 20 chú, sau đó lên tới 35 và còn hơn nữa, nhưng số này không đều đặn như vậy, bởi vì thông thường phải trải qua một thời gian chuẩn bị và thử thách dài hoặc vắn.
 
Sau đó Đức Cha Đại Diện Tông Toà gửi những người nào xét thấy có khả năng thành đạt đến tiếp tục theo học tại Học Viện Chung Pinăng (Collège général de Pinang)

 
Nhiều đại chủng sinh đến giúp cha Galy, trong đó có thầy Hương sau khi chịu chức linh mục đã được trao trách nhiệm lo giáo xứ Kẻ Sen. Các giáo dân thấy rằng luật chủng viện nghiêm khắc, vì ngoài những người giúp việc, không ai có thể vào trong nhà; nhưng các chú thì lại rất thích vì cảnh đồng quê, bầu khí yên tĩnh và được vui vẻ dạo chơi quanh rừng.
 
Cha Galy phụ trách chủng viện và giáo hạt được khoảng 6 năm. Trừ ra một vài lần báo động lầm, còn đây là một thời gian khá yên tĩnh, rủi thay cũng bị rộn ràng một lúc, do nhà của các thừa sai bị cháy. Khoảng năm 1853, cuộc bách hại lan rộng buộc ngài phải trốn tránh và kể từ đó, người ta không còn thấy một dấu vết nào về ngài tại Kẻ Sen. (Người dịch bổ túc: Thực sự vào cuối năm 1853, cha Galy đã vĩnh viễn rời Kẻ Sen để tìm một nơi trú ẩn tại Đàng Ngoài trong những giáo xứ nghèo nhất và ít được biết đến nhất).
 
Sau khi cha Galy đi rồi, chủng viện tiếp tục hoạt động với hai linh mục bản xứ, có các đại chủng sinh giúp đỡ, cho đến ngày 18/9/1855 sắc lệnh bách hại chung được ban bố, bấy giờ chủng viện giải tán và cơ sở hoàn toàn bị san bằng.
 
Sau khi sắc lệnh được công bố, Đức Cha Pellerin viết ngày 16 tháng 12:
 
Trường Kẻ Sen của chúng tôi, cho đến nay khá yên tĩnh, đã phải bị triệt hạ hoàn toàn, bởi vì những người lương biết có chủng viện cũng như mục đích của chủng viện: các chú được cho về gia đình hoặc phân tán theo từng nhóm nhỏ ở trong các nhà riêng biệt”.
 
Khi trở lại yên tĩnh phần nào, người ta tái lập một cách hết sức kín đáo, và các đại chủng sinh đã được Đức Cha Pellerin dạy thần học tại Di Loan trước khi có lệnh bắt đạo chung đã đến cư trú tại Kẻ Sen. Đức Cha Sohier đã thường sống ẩn giấu tại đó với cha Cholex (Trung). Cha Phaolô Ninh hầu như suốt đời lo cho giáo xứ Kẻ Sen đã chịu chức linh mục tại đó và thầy sáu Cang dạy ở đó nhiều năm. Bấy giờ có 4 lớp cho các tiểu chủng sinh, nhưng phải  rất đề phòng để khỏi bị lộ.
 
Đức Cha Sohier thuật lại:
 
Trong đêm 1 rạng ngày 2 tháng 3 năm 1861, chúng tôi được báo cho biết một mệnh lệnh đã được trao cho các quan chức ở Đồng Hới, thực hiện những cuộc kiểm soát các giáo xứ Kẻ Sen và Kẻ Bàng, với mục đích bắt Giám mục Bình (Sohier). Thế nên từ sáng sớm, chúng tôi đi tìm một nơi ẩn nấp trong các cánh rừng lân cận để trốn tránh và  trải qua 7 ngày ở đó, gồm cha Barbier (thừa sai của Miền Nam Đàng Ngoài ẩn trốn tại Kẻ Sen và tôi cùng các tiểu chủng sinh.
 
Tuy nhiên các tên gián điệp luôn rảo quanh vùng đó đến nỗi tất cả những người bị truy lùng phải sống trong sợ hãi liên tục mặc dù dã đến ẩn nấp trong các nhà giáo dân”.
 
Đức Cha Sohier còn thêm:
 
Điều càng đặc biệt làm tăng thêm những lo sợ, đó là sự phản bội của hai giáo dân Kẻ Sen vì tức giận các chức trong giáo xứ, và họ biết rõ các việc làm của chúng tôi. Họ đã  viết một tờ tố cáo trong đó họ khai trình rằng ở Kẻ Sen hoặc Kẻ Bàng, có 3 người Tây, cố Barbier, cố Choulex và tôi, cùng với 3 linh mục bản xứ, khoảng 39 học trò, một nhà của các nữ tu... Một trong hai người đã mang tờ tố cáo  đến cho các quan chức tại Đồng Hới. May thay khi kể tên các giáo dân đi theo chúng tôi, người đó thêm rằng tất cả đã chạy vào trong núi.
 
Các quan chức lấy làm  mệt nhọc để tin vào những lời tố cáo quá nặng nề đó và sợ liên lụy nếu giả như phải bắt một vố lớn như thế trong vùng của mình, nên cho người tố cáo về lấy thêm tin tức và hứa thưởng đậm nếu bắt được giao cho quan quân.
 
Điều làm cho chúng tôi bối rối nhất đó là không biết đem giấu các sách của trường và đồ đạo ở đâu để cho hai tên Giuđa đừng biết. Sợ rằng bụi bờ và rừng rú không thể thoát khỏi mắt chúng một cách chắc chắn, cuối cùng người ta đem giấu trong một cái hầm sâu và ở xa làng, rồi đặt những người canh giữ ngày đêm hầu sẵn sàng đốt hết trong trường hợp bị phát hiện.
 
Cuối cùng chúng tôi ẩn trốn rất kỹ đến nỗi những tên phản bội không thể khám phá được gì và tên chỉ huy được sai đến với cả một đoàn gián điệp phải trở về tay không.
 
Ngày 15/5/1861, các tin tức đầy hăm dọa hơn đã đến với tôi, từ Kẻ Sen tôi ra đi vào đêm hôm sau, đem theo hai thầy sáu đã được chuẩn bị chịu chức linh mục, để đến trú ẩn tại giáo xứ nhỏ Kẻ Hạc.
 
Vì người ta luôn thấy những tên gián điệp rảo quanh nơi này nơi khác, các giáo xứ Kẻ Sen và Kẻ Bàng sống trong sự lo sợ liên tục đối với các lương dân. Ở Kẻ Sen, các người mới trở lại đạo rất hoảng sợ không muốn có linh mục và các chú trong làng nữa: họ đã lật tung mọi sự còn sót lại trong các ngôi nhà của chủng viện. Hai thầy sáu đi theo tôi đã bị sốt thương hàn đang hoành hành trong vùng. cho đến chính giữa kỳ tĩnh tâm chịu chức nên lại một lẫn nữa phải dời lui “.
 
Chủng viện Kẻ Sen không tồn tại nữa, hoàn toàn bị phá huỷ và lần này là cho mãi mãi. Tuy nhiên các sách và đồ dùng cũng gây trở ngại nhiều cho cả giáo xứ. Khi xuất hiện sắc lệnh phân sáp, Đức Cha Sohier cho chôn mọi thứ đó một lần thứ hai để che giấu, nhưng các lương dân khám phá ra bằng cách đào bới hầu như khắp nơi, họ đã đốt các sách và chiếm đoạt các dồ dùng. Đức Cha nói:
 
Với thời gian và tiền bạc dần dần chúng ta sẽ có thể sắm lại các sách cần thiết bằng tiếng latinh và tiếng Pháp, nhưng việc huỷ hoại các cuốn tự điển, các sách tiếng Việt và một số lớn các bản viết tay quả là một mất mát không bù lại được”.
 

Bên trong Nhà Thờ Sen Bàng hiện nay, mộ Đức Cha Sohier được chôn bên phải
cung thánh và mộ cha Phaolô Ninh được chôn phía bên trái
 
(Dịch từ nguyên văn Pháp ngữ: P.A. Chapuis, Un séminaire au temps des persécutions, Annales des Missions Ẻtangères, Année 1926, trong Một số tài liệu của các thừa sai Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris” do Lê Thiên Sĩ sưu tập)

Tác giả: Lm Stanislaô Nguyễn Đức Vệ

Nguồn tin: Trang tin TGP Huế.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây