Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Tường thuật và hình ảnh về ngày quyên góp giúp ĐCV Huế tại nhà thờ Vĩnh Hòa, Sàigòn

-

-

Ngôi thánh đường uy nghi tọa lạc trong các hẻm sâu ngoằn ngoèo của các con đường Lạc Long Quân, Ông Ích Khiêm và Bình Thới. Điều thú vị nhất là ngôi nhà thờ này có lối kiến trúc rất độc đáo là được xây dựng hoàn toàn bằng đá thiên nhiên. Những phiến đá vuông vức được đem từ miền Bắc xa xôi...
Tường thuật và hình ảnh về ngày quyên góp giúp ĐCV Huế tại nhà thờ Vĩnh Hòa, Sàigòn.
 
Đợt quyên góp này khá đặc biệt, vì đây là một ngôi nhà thờ ở tuốt quận 11, thuộc hạt Phú Thọ, nơi hoàn toàn lạ lẫm với chúng tôi. Dù đã sinh sống tại Sàigòn hàng chục năm nay, đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi được tiếp cận một phong cách mục vụ có nhiều điều đáng ghi nhận ở một môi trường truyền giáo của một khu thị tứ đông đúc, đầy ngõ hẻm chằng chịt của quận 11 Sàigòn, sát bên cạnh trung tâm Chợ Lớn sầm uất…
 
     Xem toàn bộ hình ảnh:   BẤM VÀO ĐÂY
 
Ngôi thánh đường uy nghi tọa lạc trong các hẻm sâu ngoằn ngoèo của các con đường Lạc Long Quân, Ông Ích Khiêm và Bình Thới. Điều thú vị nhất là ngôi nhà thờ này có lối kiến trúc rất độc đáo là được xây dựng hoàn toàn bằng đá thiên nhiên. Những phiến đá vuông vức được đem từ miền Bắc xa xôi vào tận đây với trọng lượng trên 100 kg, cá biệt có những viên nặng tới năm, sáu tạ…và công phu nhất là việc vận chuyển từ đường lộ vào con hẻm nhỏ mà xe ôtô không vào được. Các tín hữu tranh thủ vào đêm khuya, vần từng viên đá lên chiếc xe đẩy hàng bằng hai bánh tập kết ở sân nhà thờ. Sau ba năm nỗ lực thi công, ngôi thánh đường toàn bằng đá thứ hai tại Việt Nam mới được hoàn thành vào năm 2007 (nhà thờ bằng đá số một là nhà thờ Phát Diệm ngoài Bắc).
 
Ngôi thánh đường bằng đá là chỗ quy tụ bền vững cho các tín hữu di cư người Hưng Yên. Ban đầu, các tín hữu này vào trại định cư ở Hố Nai, sau đó vào năm 1957, họ kéo nhau về đây lập nghiệp và lập nên một nhà nguyện nhỏ để sớm hôm làm nơi cầu nguyện thờ phượng. Và mãi đến năm 2002, cha GB. Vũ Mạnh Hùng về kế nghiệp quản xứ, ngài mới xây dựng nên ngôi thánh đường hoành tráng như vậy. Cha quản xứ tiếp chúng tôi niềm nở. Chúng tôi đến gặp lúc ngài đang chơi bóng bàn. Ngài có phong thái của một lực sĩ khỏe mạnh dù đã trạc lục tuần. Ngài hỏi han từng anh em chúng tôi, và khoe với chúng tôi về cha cố Lộc (cha giáo Giuse Trần Văn Lộc AN47, cha giáo TCV Hoan Thiện) đã về đây giúp giáo xứ này được 11 năm và cũng chính cha Giuse Trần Văn Lộc đã xin cha quản xứ giúp quyên tiền cho ĐCV Huế.

 

Cha giáo Giuse Trần Văn Lộc  (giữa).
 
Tôi cảm nghiệm được lối quản trị linh động của Giáo Xứ này khi nhìn vào cách sinh hoạt cụ thể rất năng động của các hội đoàn, đoàn thể…trong giáo xứ. Cha quản xứ khéo đặt trách nhiệm quản trị linh hoạt và đầy trách nhiệm cho người giáo dân, và người giáo dân đã ý thức được vai trò của mình với giáo xứ khiến ai nấy đều làm tròn bổn phận của mình. Đặc biệt giáo xứ Vĩnh Hòa có nhóm “xung kích” khoảng 30 người; nhóm này được thành lập khi xây dựng nhà thờ, tình nguyện vận chuyển hàng ngàn khối đá xây dựng nhà thờ, sau đó họ còn đảm trách mọi công việc khó nhọc như bảo trì, sửa chữa và nhất là làm công việc từ thiện: chăm nom các người già neo đơn, các bệnh nhân nghèo khó…bất kể lương giáo và cả ngoài địa bàn của giáo xứ  mình. Chính công việc thầm lặng này đem lại kết quả truyền giáo hiệu quả nhất vì không chỉ giới thiệu chân lý Phúc Âm cho người khác, nhưng còn thực hành cụ thể chân lý đó bằng hành động bác ái, yêu thương của mình.
 
Ngày quyên góp ở đây được hơn 90 triệu. Sau đó chúng tôi nhận được tin vui: Một ân nhân giúp thêm cho ĐCV Huế 10.000 USD. Được biết, dù thuộc TGP Sàigòn, nhưng trái tim của vị ân nhân này luôn hướng về TGP Huế.

Tác giả: Mic Nguyễn Hùng Dũng HT71

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây