Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Tiểu Chủng viện Hoan Thiện 11-Đống Đa, Huế

Hoan Thiện được ghép bằng tên của 2 vị Thánh Tử Đạo Huế là Lm Gioan Đoàn Trinh Hoan và chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện.

TIỂU CHỦNG VIỆN HOAN THIỆN 11 ĐỐNG ĐA HUẾ

(Kỷ niệm 60 năm đặt viên đá đầu tiên xây dựng TCV Hoan Thiện 19/6/1961-2021)
 
tcv hoanthien 3

Mùa tựu trường năm 1961 tôi vào tu học TCV Phú Xuân ở Kim Long, Huế. Bấy giờ, ĐTGM Phêrô Martinô Ngô Đình Thục cho tiến hành xây dựng TCV Hoan Thiện trên khu đất ở cánh đồng An Cựu. Qua niên khóa 1962, TCV được di chuyển về đây, mang tên TCV Hoan Thiện 11 Đống Đa Huế.

Hoan Thiện được ghép bằng tên của 2 vị Thánh Tử Đạo Huế là Lm Gioan Đoàn Trinh Hoan và chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện.

Theo lời anh Phùng Thứ PX60 đang ở Texas trong bài Viết Về Vị Bề Trên Đáng Kính FX. Nguyễn Văn Thuận: "Có một chuyện riêng tư gia đình mà tôi xin phép chia sẻ. Vợ tôi tên là Nguyễn Xuân Lan, con của ông bà Nguyễn Văn Dương và là cháu nội ông bà Nguyễn Văn Ngại. Ông Ngại là em ruột ông Nguyễn Văn Diêu, ông Diêu là ông nội của cha Bề trên Nguyễn Văn Thuận. Vì vậy cha Bề trên Thuận là anh họ của bà xã tôi. Bà xã tôi cho biết khu đất tiểu chủng viện Hoan Thiện ở cánh đồng An Cựu của ông bà nội để lại cho các con. Người con trai trưởng là bác Nguyễn Văn Đông bấy giờ làm Tỉnh Trưởng Quảng Trị đã đại diện gia đình ký giấy hiến tặng khu đất cho ĐTGM Ngô Đình Thục để xây cất TCV Hoan Thiện".

Lớp PX61 chúng tôi theo vần ABC bắt đầu từ Lê Đăng Ảnh, Lê Văn Bường, Nguyễn Cả, Lê Cần, Lê Minh Công, Nguyễn Thanh Châu tự Kennedy...6 đứa ăn chung một bàn, giường ngủ và chỗ học gần nhau, chơi chung nên gắn bó tình thân.

Lm Đaminh Maria Lê Đăng Ảnh nhỏ hơn tôi một tuổi, thông minh, thích đọc sách, sau này tốt nghiệp tiến sĩ thần học ở Roma, dạy Đại Chủng Viện Hà Nội và qua đời 8/10/2012 tại GP Bắc Ninh. Lê Văn Bường hơn tôi 2 tuổi, mạnh hơn nên chơi bóng chuyền giỏi hơn, nay buôn bán ở Bình Thuận, Chủ Tịch HĐGX và làm Trưởng Comitium giáo phận Phan Thiết. Lê Cần đạo đức, học giỏi, lên Đại Chủng Viện, businessman ở Saigon và năm ngoái đã qua định cư Texas. Giuse Lê Minh Công giỏi nhạc, hát hay, lên Đại Chủng Viện, được Chúa gọi về ngày 28/3/2014 tại Quảng Thuận. FX. Nguyễn Thanh Châu có mái tóc xoăn như Kennedy, dạy kèm Anh văn ở Bà Rịa mất 11/10/2011 và phu nhân Phanxica Trần Thị Tin cũng đã về với Chúa ngày 22/12/2013…
 
-

Nhớ lại, tôi là người học dốt. Hằng ngày các chú đi bộ qua học Trường Thiên Hựu, ngồi trong lớp tôi thường nhìn qua khung cửa sổ ngắm mây trời. Giờ kinh tối, các chú lần hạt Latin ngắn gọn hơn tiếng Việt, từng nhóm nhỏ đi bộ vòng quanh các sân cỏ, tôi thường lẽo đẽo theo sau. Trước khi đi ngủ, các chú tập trung trước tượng đài Đức Mẹ bên hồ cá hát Salve Regina, Mater misericordiae: Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành làm cho chúng con đặng sống, đặng vui, đặng cậy...

Ngày nọ phiên giúp lễ, tôi ngạc nhiên và thán phục cha Bề Trên Thuận khi Sách Thánh là tiếng Latin mà ngài đọc tiếng Việt suốt thánh lễ, từ Phúc âm đến các lời nguyện.

Có lần Lê Cần báo cho tôi mật tin:

- Cha Trần Văn Hoài ghi sổ là mi "khó tính mỗi lần bị bệnh".

- Răng mi biết?

- Tau vô phòng ngài và lén mở cuốn sổ nên đọc được.

Các chú học dốt và nhiều khuyết điểm thường bị đuổi về nên tôi lo, vì sự thật tôi thường nhõng nhẽo khi bị bệnh.
 
-

Mùa đông năm ấy, TCV Hoan Thiện kết nghĩa với TCV Làng Sông, Quy Nhơn, biếu các chú trong đó tập sách nhỏ "Con tôi làm linh mục". Trời làm cơn bão, cảm xúc trong tôi chợt đến nên viết câu thơ đầu đời trong giờ étude:

Kìa nuớc lụt dâng lên dâng mãi
Dân miền trung bị ngập tả tơi...

Lê Minh Công ngồi bên cạnh phát hiện, chụp mảnh giấy la lên:

Bây ơi, thằng Cả làm thơ!

Tôi bị chọc quê nên nổi giận, vội giành lại tờ giấy nhưng Công đã ném lên cho Lê Thanh Minh ngồi bàn phía trước. Vậy là tôi và Công đánh nhau trong giờ học bài và tôi ân hận khám phá mình giàu tự ái, thừa tính nóng và nhiều suy nghĩ vu vơ.

Cuối niên học 1964-1965 lớp chúng tôi vào Đà Nẵng thi BEPC, Brevet d'Etudes du Premier Cycle, trung học Pháp. Không ngờ tôi đậu, được bà nội thưởng một sợi dây chuyền.

Có niềm vui nhỏ là tôi được tuyển vào đội bóng đá Hoan Thiện, chân hậu vệ. Chú Nguyễn Trọng hàng tiền đạo và Lê Cần trung vệ. Trong một trận thi đấu với trường Thiên Hựu, do cứu một bàn thua trông thấy, tôi bị đối phương đốn ngã gãy xương quai xanh (clavicule), được đưa vào Bệnh Viện Trung Ương Huế băng bột và nằm lại bệnh viện mấy ngày. Cha Bề Trên Thuận đến thăm, an ủi. Đây là bài học tôi ghi nhớ suốt đời về sự quan tâm thăm viếng người khác mà tôi đã đang thực hiện từ hàng chục năm qua trong sinh hoạt Legio Mariae.

Hè năm đó tôi ra Diên Sanh thăm bạn Nguyễn Trọng. Hai đứa rủ nhau đi bộ về Cây Da thăm ông bà cố của cha giáo Têphanô Nguyễn Như Thể. Con đường đê qua đồng ruộng xa 2-3 cây số có Bụi Tre Một. Đây là lãnh thổ của mấy đứa chăn trâu. Phòng thủ, tôi đã chuẩn bị đem theo một quả khói màu để tìm cách thoát thân và chúng tôi đã về lại nhà an toàn.

Có lẽ thập niên 1960 là buổi giao mùa giữa phong kiến và cuộc sống tây phương. Nhớ lại Lê Văn Bường tựu trường hè 1961 mặc áo dài đen quần trắng và đầu đội nón cối trắng. Nhưng cha Bề Trên Thuận từng bước cải cách. Các chú đội mũ scout và mặc áo quần tây. Phóng khoáng hơn, ngài đưa phong trào Hướng Đạo Việt Nam vào chủng viện đầu năm 1965.

Tôi học không giỏi, cách riêng tiếng Pháp và Latin thật khó khăn. Chỉ giờ Việt văn của Thầy Nhật tôi làm bài dễ dàng. Nhớ câu nói của Thầy Nhật là các chú hãy luôn ghi ơn chủng viện. Một người trung bình ở chủng viện là xuất sắc so với học sinh bên ngoài. Vì chủng viện đào tạo, rèn luyện các chú mọi mặt trí dục, đức dục, thể dục và nhiều lãnh vực khác như âm nhạc, hội họa, lãnh đạo chỉ huy và nhất là nhân bản. Chú Nguyễn Ngọc Thạch HT65 mới vào tu vài tuần được tôi hớt tóc. Vì lần đầu tiên tôi tập hớt, nên đầu tóc chú Thạch lã chã từng mảng, may được Lê Văn Bường cắt lại.

Mấy năm học Thiên Hựu có các bạn lương dân như Trần Việt Hùng và hai anh em sinh đôi con của chủ tiệm Vĩnh Xương ở đường Trần Hưng Đạo, Huế. Có 12 chú thuộc tiểu chủng viện Sao Biển của Giáo phận Nha Trang ra học chung lớp Seconde và Première từ năm 1966, trong đó có Mai Văn Tính tức Linh mục nhạc sĩ Mi Trầm và BS Nguyễn Duy Trinh hiện định cư ở Michigan…

Quý cha giáo người Pháp thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP) đã để lại trong tôi ấn tượng tốt đẹp về cuộc đời phục vụ, truyền giáo. Như cha Georges Lefas có bộ râu thường dính đầy bụi phấn, cha Modeste Duval miệt mài dạy toán dù đôi lúc học sinh không hiểu, cha Henri Petitjean với vầng trán cao thông minh và cha Jean Oxarango nghiêm nghị. Riêng cha Jean Baptiste Etcharren sau này làm Bề Trên Tổng Quyền MEP (Missions Etrangères de Paris) vẫn chọn VN làm quê hương, dù hôm nay hưu trí đang sinh sống trước mặt nhà thờ Gia Hội, Huế.

Niên khóa 1966-1967 tôi được làm Thiếu Phó Thiếu Đoàn Hoan Thiện dưới thời anh Lê Quang Phúc PX60 làm Thiếu Trưởng và Tống Viết Quý HT63 làm Đội Trưởng Nhất. Tôi học được rất nhiều điều nơi anh Phúc về lãnh đạo chỉ huy. Tôi mê lối viết văn hấp dẫn của Quý. Phần tôi cũng không tệ lắm, thường làm thơ, viết văn, vẽ và trang hoàng bích báo.
 
-

Sinh hoạt Hướng Đạo với những trò chơi lớn ở núi Ngự Bình hay Phu Văn Lâu với morse và sémaphore vô cùng hào hùng. Có lần Thiếu Đoàn lên An Vân đốn tre làm bè xuôi giòng sông Hương, rồi đèo xe đạp chở tre về chủng viện. Kỷ niệm lần sinh hoạt Đạo Huế ở Phu Văn Lâu, chiều tối đốt lửa trại cả 4-500 người. Anh Phúc đi vắng, tôi bất đắc dĩ phải ra giữa sân hướng dẫn mọi người một trò chơi. Đứng trước đám đông, đôi chân tôi run lập cập như muốn lún sâu vào lòng đất. Bình tĩnh, tôi thầm nhủ hãy xem chung quanh ta đây là ...những vật vô tri vô giác. Vậy là tôi thi hành xong nhiệm vụ.

Dấu ấn trong tôi về Hướng Đạo là Bonne Action, mỗi ngày một việc thiện. Những việc thiện trong suốt cuộc đời làm nên con người mình, như linh đạo ĐĐK ĐHY FX. Nguyễn Văn Thuận: "Chấm này nối tiếp chấm kia, muôn vạn chấm trở nên một con đường".

Hè năm 1967, tôi thi đậu Tú Tài I. Đầu năm học 1967-1968, tôi lên lớp Première và với Nguyễn Như Quỳnh làm giám thị lớp HT67. Đinh ninh sẽ được làm Thiếu Trưởng, nhưng cha giáo Philipphê Trần Văn Hoài chọn Kha sinh Lê Thanh Minh nên tôi buồn, thất vọng. Đứng trước ngưỡng cửa sắp vào Đại Chủng Viện, nghĩa là lên Thầy mặc áo Dòng, tôi phân vân. Tính tự ái và tham danh vọng của tôi không xứng đáng làm linh mục.

Giờ xưng tội hằng tuần, tôi chia sẻ trăn trở này với cha linh hướng Têphanô Nguyễn Như Thể. Cha khuyên tôi cầu nguyện một tuần, hai tuần. Sau nhiều suy nghĩ, tôi quyết định xin về.

Cha tân Bề Trên Phaolô Lê Văn Đẩu cho tôi về. Nhưng hình ảnh cha cựu Bề Trên FX. Nguyễn Văn Thuận luôn từ tốn yêu thương mãi khắc ghi trong tim can tôi. Từ đó hành trình tôi mang vào đời là mấy chữ quan tâm mọi người.

Lời cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin cảm tạ biết bao hồng ân Chúa đã thương ban cho con sau hơn 6 năm ở chủng viện. Xin cho con luôn mang hình ảnh tốt đẹp này suốt cuộc đời con. Amen.

Nguyễn Cả PX61
(Trích Hành Trình 50 Năm Tìm Lại Mình)

Tác giả: Nguyễn Cả PX61

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây