Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Thầy và trò ngày xưa

Hồi xưa học sinh sợ thầy và kính trọng thầy lắm. Trong những ngày nghỉ ở nhà mà rủi làm cho ai không hài lòng mà họ nói: “Mầy học thầy nào vậy mậy? Mầy muốn tao lên thưa với thầy mầy không?”, thì kể như học sinh đó sợ “mặt tái mét không còn hột máu”!
Thầy và trò ngày xưa
Thuở tuổi cha chú tôi còn nhỏ (1911) thì quê tôi chưa có trường học. Người “thầy” thường chỉ là người biết đọc biết viết chữ quốc ngữ với trình độ sơ cấp, tức học hết lớp hai bây giờ. Dạy được một thời gian thì thầy cũng “hết chữ” và những học trò (thường năm ba người) lại có dịp làm thầy! Và cứ thế người nọ dạy cho người kia, anh dạy cho em, bạn bè dạy nhau; nhưng đâu phải lúc nào cũng được học đâu, vì còn phải… “chạy giặc” (Pháp) nên người mù chữ dẫy đầy, (có hơn 90%).

Trước năm 1952, học sinh học chương trình Pháp, chào cờ Pháp, hát quốc ca Pháp, mọi nghi thức trước buổi học đều theo nghi thức Pháp; trước cửa mỗi lớp cũng có tấm bản ghi tên lớp cũng bằng tiếng Pháp: Cours Supérier (Lớp nhứt); Cours Moyen (lớp nhì)… đến nỗi học cửu chương cũng bằng tiếng Pháp, và đau nhất là học sử Pháp với “Tổ tiên chúng ta là người Gô Loa!”

Từ năm 53 về sau, những nghi thức trên được bãi bỏ trong chương trình học, tiếng Pháp chỉ còn là môn sinh ngữ; và nghi thức trước khi vào học thì cả lớp đứng lên đọc những câu: “Học sinh phải tuân kỉ luật nhà trường/ Có học mới có khôn/ Có học mới tự tiến tự cường/ Mai sau dẫn dắt đồng bào tiến kịp người/ Học tập tức là bổn phận yêu nước…”

Từ năm 54, tức sau khi nước nhà được giải phóng khỏi ách thực dân Pháp thì việc học được tổ chức có quy củ hơn; mỗi làng xã đều có trường sơ cấp. Trường sơ cấp có hai lớp, lớp năm lớp tư (lớp 1 và lớp 2 bây giờ). Mỗi huyện đều có trường tiểu học.

Cấp tiểu học thời đó gồm các lớp từ thấp tới cao là: Lớp Năm (còn gọi là Đồng Ấu). Lớp Tư (còn gọi là Dự Bị). Lớp Ba, Lớp Nhì, Lớp Nhứt (tương đương với các lớp 1,2,3,4, và 5 bây giờ). Đặc biệt, có lớp Tiếp Liên là lớp chuyển tiếp từ tiểu học lện trung học. Lớp nầy có trường có, có trường không.

Học sinh học xong lớp nhứt, sau khi qua hai kì thi “Đệ Nhất Lục Cá Nguyệt” và “Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt” mà đạt được số điểm trung bình qui định sẽ được cấp Văn Bằng Tiểu Học.

Vào thời điểm 1955 trở về trước, giáo viên dạy lớp năm, lớp tư thường chỉ tốt nghiệp tiểu học; cho nên năm 60, bằng tiểu học cũng còn một giá trị mức độ. Ở những làng xã, ai tốt nghiệp tiểu học cũng là niềm hãnh diện cho mình và cho cả gia đình: Bằng tiểu học được cha mẹ treo tại chỗ dễ thấy nhất, và khi có khách tới chơi, chủ nhà thường chỉ văn bằng mà khoe: “Thằng nhỏ tôi nó mới “lấy” bằng tiểu học!”. Cũng lúc đó, điều kiện trong các lá đơn xin việc làm đều đòi hỏi phải có văn bằng nầy. Ở các thành phố, mỗi năm nhà nước đều có tổ chức kì thi lấy bằng tiểu học cho các “thí sinh tự do”, tức là những thí sinh không có điều kiện ngồi ghế nhà trường.

Vì ở xã chỉ có trường sơ cấp. Học xong hai năm nầy muốn lên học lớp ba theo nốt bậc tiểu học thì thì phải lên quận. Có nhiều xã cách xa quận hàng chục cây số, nên có nhiều học sinh dù có đủ điều kiện, muốn học tiếp cũng phải “bó tay”. Còn những học sinh cách quận khoảng 5, 7 cây số thì phải mang theo cơm ăn trưa để đợi buổi học chiều!

Từ trước cho đến năm 60, Thầy dạy trò bằng… roi được coi là việc thường. Trên bua-rô (bàn viết) của thầy luôn có cây “thước bản”, và sau ghế thầy ngồi cũng luôn có mấy cây roi mây! Học sinh mỗi sáng trả bài phải đứng khoanh tay nhìn về các bạn và phải đọc “rót rót” mới được yên thân, bằng cứ ấm a ấm ớ thì tùy mức độ mà thầy dùng “thước bản” khẻ vào tay 5 “pê” hay… 10 “pê”, hoặc nằm cúi dài xuống đất để thầy quất cho mấy phát roi mây vào đít nổi lằn ngang lằn dọc! Có bạn biết mình không thuộc bài nên độn mo cau vào mông! Nhưng chước nầy liền bị phát hiên sau roi đầu tiện (vì tiếng “bốp” của mo cau tố cáo)! Thế là roi đó bỏ và phạt thêm tội “gian xảo, qua mặt thầy”! (Có lẽ vì thế mà có thành ngữ “lấy mo cau độn đít” chăng?). Đến năm 61 thì việc thầy đánh trò được bỏ hẳn (nghe nói vi phạm nhân quyền gì đó)

Xung quanh phòng học có nhiều câu được treo lên như “Trọng thầy mới được làm thầy”, “Tiên học lễ, hậu học văn”; “Im lặng trật tự”, “Học tập là yêu nước”, “Chị ngã em nâng”…

Về môn học, bậc tiểu học ngày xưa có các môn rất bổ ích và thực tế như Công Dân Giáo Dục, Đức Dục dạy cho học sinh về luật đi đường, phải tôn trọng quốc kì, phải tôn trọng người già yếu, phải thương người nghèo khó, phải lễ phép, khiêm nhường với mọi người, đi ngang đám ma phải giở nón cúi đầu chào, đừng ham mê cờ bạc, không nên uống rượu… Môn Quan Sát thì nói về đời sống và tập tính của những động vật, sâu bọ thông thường. Còn môn vệ sinh thì khuyên ăn uống có điều độ, giữ gìn thân thể sạch sẽ; môn nầy cũng dạy triệu chứng, nguyên nhân, cách phòng, cách trị của những bệnh thường gặp như cảm sốt, bệnh tiêu chảy, bệnh lao, bệnh đậu mùa, bệnh kiết kị, bệnh đau mắt…; môn Vệ Sinh thì dạy phải vệ sinh thân thể, vệ sinh về da, vệ sinh về răng, mắt…. Vì thế, sau khi tốt nghiệp tiểu học, thì người học sinh cũng có chút kiến thức căn bản nho nhỏ, có thể “nói dóc” với thiên hạ ở chỗ đông người, tiệc tùng, hội họp!

Vì học sinh thời đó còn ít, nên bậc tiểu học ngày học hai buổi; mỗi buổi 4 giờ. Thời gian học ngày tám tiếng như vậy mà chương trình lại rất “cao”, nội dung khai phóng và thực tế. Lớp Nhì, Lớp Nhứt (lớp 4, lớp 5 giờ) đã làm toán phân số, tính đường dài, vận tốc; tính thời gian hai xe gặp nhau khi chay cùng chiều hay nghịch chiều; tính thời gian khi nào vòi nước đầy bồn trong khi có một hay nhiều vòi chảy vào và một hay nhiều vòi nước chảy ra; nói chung là những bài “toán đố” khá hóc búa.

Chính tả, chữ viết, cách cầm viết, và cả tư thế ngồi cũng được quý thầy dạy dỗ, uốn nắn chu đáo; cho nên sau khi “lấy” bằng tiểu học, các học sinh dù không có “hoa tay”, chữ viết cũng tương đối dễ nhìn, chính tả thì cũng không đến nỗi làm người đọc phải nhăn mặt, và hiện tượng “cận thị học đường” dường như không có (trường tôi từ bao lớp đàn anh, không thấy có ai cận thị).

Hồi xưa học sinh sợ thầy và kính trọng thầy lắm. Trong những ngày nghỉ ở nhà mà rủi làm cho ai không hài lòng mà họ nói: “Mầy học thầy nào vậy mậy? Mầy muốn tao lên thưa với thầy mầy không?”, thì kể như học sinh đó sợ “mặt tái mét không còn hột máu”! Gặp thầy mình hay các thầy dạy cùng trường ở bất cứ nơi nào, đều khoanh tay “thưa thầy” một cách kính cẩn.

Thời đó việc “học thêm”, “phụ đạo” không hề có. Có chăng là vào thời điểm sắp thi tuyển vào Đệ Thất (lớp 6 bây giờ), thì thầy dạy thêm những ngày nghỉ hè trước kì thi mà không hề lấy thù lao; các thầy chỉ được niềm vui là thấy học trò mình nhiều người đỗ đạt.

Chuyên thầy giáo nhấm rượu cũng chưa từng thấy bao giờ, chứ đừng nói chi đến nhậu nhẹt say sưa!

Hồi đó cũng chưa có Ngày Nhà Giáo 20/11 để có dịp học trò báo đáp ơn thầy bằng những bó hoa hay những gói quà; nhưng có lẽ nhờ sự giáo dục tận tụy, cần mẫn, cũng như nhân cách tuyệt vời của người thầy đã làm cho đám học sinh chẳng thể chẳng nhớ ơn, dù những học sinh ấy đã nghỉ học từ nhiều năm, và không chừng cũng đã từng bị thầy mình đánh mấy chục roi mây, hay những cái tát tay nhá lửa!

Một chuyện cảm động về tình thầy trò lúc trước, xin gởi hầu quí bạn đọc: Thầy Sáu Hoài là vị thầy kì cựu trong làng tôi, những bậc cha chú trong làng đều là học trò thầy. Khi già nua, thỉnh thoảng thầy chống gậy dạo ra xóm Ngã Tư, thì cha mẹ tôi (hoặc các chú khác) vội rước thầy vào nhà uống trà, mời chén rượu suông. Khi thầy dùng rượu thì cha mẹ tôi khoanh tay đứng hầu ở bên. Thầy bảo: “Hai con ngồi xuống nói chuyện với thầy” - “Dạ con không dám” - “Các con lớn rồi, có vợ có chồng rồi mà” - “Dạ, dù lớn khôn, nhưng con vẫn là học trò của thầy”…

Ôi! Cái đạo thầy trò ngày xưa sao cao quí vậy!

Kha Tiệm Ly (HƯƠNG XƯA CÒN ĐÓ)

Tác giả: Kha Tiệm Ly

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây