Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Bốn mươi năm nhìn lại (1979-2019) – Như những áng mây trôi

Như những mảnh đời lung lạc, như những áng mây trôi, như những dòng sông nhỏ mãi cuốn ra đại dương, đi mãi không về, để lại đằng sau một thuở bình yên, hầu như đã xa lắm rồi!
Bốn mươi năm nhìn lại (1979-2019) – Như những áng mây trôi
Mây, sao còn bay mãi không quay về đây?
Sao còn lơ lững che ngang rừng cây?
Sao còn hờ hững với tôi từng giây?
Hay còn mơ nghĩ đến ai nào đây?” (Nhạc ngoại quốc, lời Nam Lộc)

Đời người như những áng mây trôi, hợp đó rồi tan! Điều quan trọng là dư âm của những giây phút hội ngộ, và chúng ta còn lại gì sau những giây phút gặp nhau đó?

Niên khóa 1971-1972, học tại Bãi Dâu, học thì ít mà phá mấy “sơ con” thì nhiều! Thế nhưng, trong thời gian nầy, tôi cũng có cơ duyên để gặp linh mục đỡ đầu cho mình sau nầy. Hồi đó có cha Giacôbê Đỗ Bá Công (AN47, cùng lớp với Đức Tổng Stêphanô và NT Lê Thiện Sĩ) hay tới dâng lễ cho mấy sơ dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng- Bãi Dâu. Tôi thấy ngài sao mà “oai” thế! Các sơ lại chìu ngài hết cỡ những khi ngài đến. Ôi ông cha đẹp trai, thỉnh thoảng lại chơi nguyên bộ đồ tuyên úy dù thấy mê lắm! Hồi đó, tôi và Lê Đăng Tư hay giúp lễ cho ngài. Một buổi sáng thanh bình, sau Thánh Lễ, sơ Claire Trần Thị Khoa cũng là O của tôi, mím lời với cha Công, “Thưa cha, cháu muốn đi tu mà chưa có cha đỡ đầu, cha nhận cháu đi! Cháu ngoan lắm đó!” Không biết O tôi mà mấy sơ khác nói sao mà cha Công, không những nhận tôi mà còn thêm Lê Đăng Tư và Đỗ Hữu Thịnh nữa vào trong gia đình linh tông của ngài! Quả là mấy sơ ăn nói khéo léo hơn cả mấy bà…mai!
 
-
Cha Giacôbê Đỗ Bá Công và Đỗ Bá Thịnh
 
Nhắc tới gia đình linh tông, người anh cả trong đại gia đình, cố linh mục Đỗ Bá Đăng (PX61) đã để lại trong tôi những cảm xúc thật mãnh liệt và rã rời mỗi khi nhớ tới anh. Số là sau 1975, linh mục nghĩa phụ của tôi phải đi vào trại cải tạo, ngài phải nhờ linh mục bà con của ngài là cha quản lý địa phận Giuse Trần Thắng Trung coi sóc luôn cả chúng tôi. Con của cha Trung đã đông, giờ lại thêm nhóm chúng tôi nhập lại, nên đông đúc vô cùng. Con cha Trung thì tiền bạc không có nhiều, nhưng đồ ăn thì nhiều lắm! Mỗi lần họp mặt, mấy chị con của cha từ các dòng nữ thường hay mang theo nhiều bánh bột lọc rất ngon khiến tôi bây giờ nhắc lại vẫn thấy thèm! Ôi, những chiếc bánh cỏn con mà chứa đựng cả bầu trời Huế thơ mộng và đậm đà! Trong nhóm con cái của cha Trung và cha Công hợp lại, có mấy nường cũng nhan sắc “chim sa cá lặn,” nhưng nhớ lời cha linh hướng Nguyễn Phùng Tuệ hồi đó, anh chị em chúng tôi nghiêm túc vô cùng. Cha Tuệ thường nhắc nhở chúng tôi, “Anh em thiêng liêng, coi chừng đừng thành anh em… liễng xiễng hí!” Dạ, chúng con xin vâng lời cha!
 
-
 
Nhắc lại cha Đỗ Bá Đăng, hôm đó ngài xuống gặp tôi tại TCV Hoan Thiện và nói, “Anh sắp vào thăm Bố đây, em muốn gởi gì cho Bố không?” Tôi nói, “Cho em gởi một lá thư và món quà nhỏ cho Bố!” Thế là anh ra đi, sau khi đã ghé sang Nhà Chung để gởi một số hành lý riêng của anh nơi cha Trung. Mấy ngày sau anh ra lại Huế và liên lạc sẽ gặp chúng tôi sau. Buổi sáng hôm ấy, nghe nói vị linh mục trẻ nầy, trong giờ lao động, đã leo hái dừa cho mấy thầy ĐCV Huế uống, sau đó lại làm siêng chùi dọn phòng khách ĐCV thật sạch sẽ, gọn gàng. Không biết ngài có linh tính gì mà sau đó, ngài lại viết câu Latin trên cái bảng trong phòng khách, “Consummatum est!” (Mọi sự đã hoàn tất!) Thế rồi ngài đi về TCV gặp một số anh em con Bố Công chúng tôi, cho biết tình hình về Bố, và sau đó anh lên Nhà Chung để lấy lại hành lý anh gởi tại cha quản lý. Khi trên đường về lại ĐCV, đi ngang cổng Thành Nội, anh đã bị người lái xe ẩu phía trong chạy ra tông vào anh chết tại chỗ. Thi hài anh chiều hôm đó được đưa về quàn tại phòng khách mà buổi sáng hôm đó anh mới chùi dọn sạch sẽ và viết mấy câu Latin trên bảng. Hôm đó ngày 11 tháng 3, 1976. Anh mới có 37 ngày làm linh mục! Mấy hàng chữ trên quan tài của anh, “Con hân hoan đi về Nhà Cha” không xóa hết những giọt nước mắt tiếc thương anh!

Cái chết không hẹn của linh mục Đỗ Bá Đăng như báo hiện trước là cuộc sống của chúng tôi sau năm 1975 cũng sẽ mang nhiều trắc trở. Không ai cảm nghiệm điều đó sâu xa hơn anh Phạm Phúc (HT69)! Anh là người vượt biên sớm hơn ai hết trong nhóm anh em chúng tôi, nhưng lại là một người đi khỏi VN rất muộn màng. Tôi còn nhớ một buổi trưa đi học từ trường Quốc Học về, tôi nghe tiếng gọi đàng sau. Tôi quay lại và phải mất một vài giây mới nhận ra anh Phạm Phúc đang ngồi vẫy tay trên chiếc cyclo. Tôi kêu to, “Trời ơi, sao anh ốm và đen như thế nầy?” Anh Phúc nói nhanh, “Anh mới được thả ra từ Lao Thừa Phủ, em có tiền trả cyclo giùm anh không?” Tôi đáp, “Em đi học không mang tiền theo; nhưng được rồi, để em leo lên xe luôn, nói bác tài chạy về TCV em trả tiền cho.” Lên xe, anh mới kể chuyện vượt biên, bị đuổi bắn, bị bắt và đi tù như thế nào! Lúc đó khoảng năm 1977, 1978 gì đó; nhưng mãi đến năm 1993, 1994 anh mới qua tới Mỹ sau một thời gian tại trại cấm Hong Kong! May mà anh gặp gỡ và lập gia đình với chị Thu, người phụ nữ đáng yêu!

Thời gian ở TCV sau năm 1975 đáng nhớ nhất là những giờ lao động, sáng tinh sương mới mở mắt ra là mang cuốc xẻng ra vườn. Làm sớm để tránh ánh nắng mặt trời! Tôi còn nhớ là phần đầu của mỗi buổi sáng, bề trên tập cho chúng tôi lao động trong im lặng, để tâm hồn hòa hợp với sương mai dâng lên Chúa những lời nguyện đầu ngày. Mãi đến khi có người mang thức ăn sáng ra, chúng tôi sau đó mới có thể nói chuyện. Làm việc thêm ít tiếng nữa, chúng tôi mới dừng tay để tắm rửa chuẩn bị Thánh Lễ. Sau đó là ăn trưa, nghỉ trưa và giờ học riêng. Tiếp theo, chúng tôi lại mang cuốc xẻng ra vườn làm việc cho tới chiều tối. Sau giờ cơm chiều, chúng tôi còn có giờ kinh tối, thêm một giờ học nữa sau đó mới đi ngủ. Chương trình ngày nào cũng sít sao như vậy! Hồi đó một hình ảnh thật cảm động mà tới bây giờ vẫn còn ghi khắc trong tâm trí tôi là hình ảnh cha già cố Giuse Nguyễn Văn Thích, một nhà giáo dục lỗi lạc và một vị linh mục uyên bác, đạo đức. Ngài sợ chữ Hán mai một, nên cứ mỗi buổi chiều ngài lại ưa tới TCV để tìm gặp anh em chúng tôi. Những giờ anh em chúng tôi lao động, ngài cứ đi vòng quanh quan sát. Gặp ngài, ai cũng chào đón niềm nở và dành sự tôn kính đặc biệt cho vị linh mục nầy. Ngài thấy chú nào mà dừng cuốc nghỉ ngơi, ngài lại mon men tới gần để tìm cách dạy cho được một vài chữ… Hán! Tội nghiệp cha cố! Phải chi các nhà giáo dục ngày nay cũng có tâm huyết như ngài thì hay biết mấy!

Lớp 12 đầu tiên sau biến cố tháng Tư năm 1975 là lớp HT69, lớp nầy có Đoàn Mạnh Anh người quê Tân Mỹ của tôi hiền lành, dễ thương và mong manh như người mẫu của hãng “Tăm Tre Việt Nam.” Đoàn Mạnh Anh lại là anh trai của Đoàn Mạnh Hữu (HT74). Đoàn Mạnh Hữu đi đứng khoan thai, nhẹ nhàng, khi nào cũng hay đỏ mặt mắc cỡ, nên mấy O Quốc Học rất thích chọc ghẹo (nhất là cái O hiện giờ đang ở bên Pháp!) Tôi còn nhớ cái dáng đi chậm rãi như “nhặt hoa rơi” của Đoàn Mạnh Hữu đã khiến cho cha bề trên Giải phải bắt chú mỗi bước đi phải đếm cho đủ mấy cái… carreaux trên hành lang ngài mới chịu! Cứ thấy Đoàn Mạnh Hữu đi trên hành lang ai cũng phì cười. Nói chuyện thầy Đoàn Mạnh Anh, sau khi TCV bị giải tán, thầy về lại Tân Mỹ và cùng với thầy Hồ Thứ (HT71) là cha Bề Trên ĐCV Huế sau nầy đã phải làm đủ thứ việc như chằm nón, đạp cyclo… Mấy thầy lại quyết tâm dạy quốc ngữ và tập hát cho mấy đứa choai choai trong giáo xứ đã phải bỏ học vì thời cuộc. Mấy đứa nầy, bây giờ đã là ông nội, bà ngoại nhưng khi nào cũng thương yêu và biết ơn mấy thầy ngày xưa của họ! Mấy đứa thường nói, “Không có thầy Anh, thầy Thứ hồi đó, tụi em đâu có biết chữ!” Ôi, trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng có thể cao rao kỳ công của Chúa qua những công việc chúng ta làm!
 
-
Đoàn Mạnh Anh HT69 & Hồ Khanh HT72
 
Lại nhớ những chuyến đi vớt rong tại Sông Hương để về đắp trên những luống khoai, vồn sắn! Tôi thường thích công việc nầy vì được vùng vẫy giữa sóng nước. Thông thường chúng tôi bơi theo mấy cái phao lớn ra giữa dòng sông, nơi có những bãi cát ngầm. Ở đó chúng tôi dừng lại và bắt đầu vớt rong xung quanh cho tới khi nào chất đầy mấy cái phao thì mới bơi vô lại bờ. Một số anh em đẩy mấy cái phao vô trước, sau đó mọi người cứ từ từ bơi vô sau. Bữa đó, người bơi trước mặt tôi là anh Đặng Tạo (HT69) chẳng may bị “vọt bẻ”, không làm sao bơi tiếp! Người anh sắp chìm và anh bắt đầu kêu cứu. Chỉ còn một mình tôi bơi sau anh! Mấy anh em khác đã đi theo mấy cái phao vô gần tới bờ rồi. Tôi vội bơi tới anh Tạo, từ đàng sau cố gắng nâng anh lên và cũng không cho anh ôm chặt lấy mình; vừa cố gắng vẫy vùng để giữ cả hai người trên mặt nước. Chúng tôi kêu thật to để anh em mang phao ra tiếp cứu. Cuối cùng anh em ra tới nơi, và khi đã đưa được anh Tạo lên trên chiếc phao, tôi mới hoàn hồn và cảm tạ ơn Chúa, bởi vì nhìn lại thì anh ấy to gấp hai mình! Cũng may mà dưới nước, người anh ấy nhẹ hơn! Không biết anh ấy còn nhớ chuyện nầy không? Đã mấy chục năm rồi còn gì?
 
-

Sau nầy, khi về thăm VN mấy lần tôi cũng đã có dịp gặp lại một số linh mục trong lớp nầy như cha Phan Chiếm, cha Võ Văn Thông, và cha Nguyễn Tấn Lục. Gặp cha Lục hôm tình cờ tham dự Thánh Lễ đặt viên đá đầu tiên xây cất trung tâm Thánh Mẫu La Vang mới. Đang xếp hàng đi theo mấy cha tiến ra lễ đài, có người tiến lại gần hỏi, “Về hồi nào vậy?” Người hùng của Cồn Dầu vẫn như xưa, không khác mấy, lại còn thấy mạnh khỏe ra nữa! Ngày xưa mình đã có thời gian mê say nét chữ bay bổng của anh nầy và của anh Chiếm! Cái gì vào tay của hai vị nầy cũng biến thành hoa, thành bướm cả!
 
-
Phan Chiếm HT69 & Hồ Khanh HT72
 
-
Bùi Quang Trung HT71, Hồ Khanh HT72, Võ Văn Thông HT69
 
Tôi cũng có diễm phúc để gặp lại một số anh em sau nầy ở Mỹ, chẳng hạn như cha Nguyễn Huệ (HT69). Không biết cụ ở đâu chui ra đúng dịp tôi tổ chức lễ 25 năm linh mục, anh em gặp nhau thì mừng lắm chỉ tiếc là lúc đó khách khứa nhiều quá nên không nói chuyện được nhiều. Đã có thời gian sinh hoạt chung nhóm với cha Huệ sau năm 1975 nên anh em cũng thắm thiết vô cùng. Rồi tôi lại có dịp gặp lại anh Lê Văn Hùng (HT69) tại Denver nữa, được nghe lại giọng nói Quảng Trị cố hữu của anh. Anh Hùng thì có quá nhiều kỷ niệm vì đã có thời gian làm chung với anh trong ban thư viện, ban học vụ, và sau nầy trong năm cuối của Hoan Thiện tôi còn thay thế anh để làm tổng thư ký cho TCV nữa. Nhớ lại những ngày cuối cùng của mái ấm thân yêu, câu chuyện ngày xưa như vẫn hiện ra mồn một trước mắt. Buổi sáng hôm ấy, vì là thư ký của TCV lúc ấy, bề trên giao cho tôi một số giấy tờ và sổ sách mang lên cho đấng bản quyền. Tôi biết là bọc trong những giấy báo đó là những giấy tờ quan trọng của TCV. Tôi đã lên gặp các đấng bản quyền để giao lại những tài liệu bề trên tín thác. Sau nầy nghe nói những sổ sách về TCV, ngay cả những cuốn nhật ký của TCV cũng đã bị tiêu hủy, tiếc công anh Hùng đã ghi lại mấy năm liền cũng như không còn dịp để đối chiếu với những biến cố quan trọng đã xảy ra cho TCV thời gian sau 1975! Ngày hôm đó, tôi cũng không ngờ là phải chứng kiến những giây phút hấp hối của TCV Hoan Thiện. Khi làm xong nhiệm vụ bề trên giao, khi trở về lại với TCV, đã thấy ngôi nhà thân thương của mình bị niêm phong không cho người từ bên ngoài vào. Ngoài cổng TCV, có những khuôn mặt đằng đằng sát khí, súng ống đầy đủ. Họ không cho tôi vào. Không hiểu sao lúc đó, uất ức và giận dữ ở đâu kéo về khiến tôi quên cả sợ hãi, gạt phăng những mũi súng đồng thời nói to, “đây là nhà của tôi, anh em tôi, đồ đạc tôi còn trong đó sao không cho tôi vào được?” Cứ thế mà tôi đẩy cửa bước vào! Có lẽ những anh chàng công an, trong lúc giao thời, họ không biết giải quyết như thế nào nên cũng để tôi đi qua không làm khó dễ. Chúng tôi đã bị cưỡng bức cơ sở thân yêu của mình trong những ngày chuẩn bị lễ Giáng Sinh năm đó, năm 1979. Chưa có một Giáng Sinh nào mà thấm thía với nỗi cô đơn đi tìm quán trọ cho Chúa Hài Nhi sinh hạ như Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse cho bằng mùa Giáng Sinh năm đó! Một số anh em không chịu về lại với gia đình ngay, nhưng vẫn còn lãng vãng tại các bến xe, bến đò và nhà cửa bạn bè xung quanh TCV. Công an lùng khắp nơi, đối xử với anh em như tội phạm! Dọc đường Đống Đa phía trước TCV bộ đội dày đặc vì sợ giáo dân biểu tình. Lệnh tòa Giám Mục ban ra, các giáo xứ không treo đèn lễ Giáng Sinh năm đó, để tang cho TCV. Ôi, một mùa Giáng Sinh nhớ mãi muôn đời!
 
-
Lê Văn Hùng HT69 & Đoàn Mạnh Hữu HT74

Những anh lớp HT69 tôi còn gặp được anh Đặng Thừa tại vùng trời thủ đô nước Mỹ, khoảng năm 1999-2000 gì đó. Lúc đó gia đình anh mới qua Mỹ, dáng anh còn mảnh khảnh và tóc anh còn nhiều hơn thông Thiên An, chứ không phải như bây giờ dáng dấp thì như đại gia nhưng tóc tai thì đã “buồn ơi, ta xin chào mi” và đã rủ nhau đi đâu hết rồi! Lớp nầy phải nhắc tới linh mục Phùng Văn Phụng, một người trong nhóm sáu anh em mà tôi giúp đưa qua Mỹ từ trại tỵ nạn Hong Kong năm 1993. Nhớ lại mấy ngày đầu tiên tới Mỹ, lúc đưa anh em đi chích ngừa, tới phiên anh Phụng, cô y tá Mỹ hỏi: “Last name?” Anh Phụng trả lời, “Phung”. Cô y tá lại hỏi tiếp, “First name?” Anh Phụng đáp, “Phung.” Cô y tá ngạc nhiên, hỏi lại; “Fung Fung?” Anh Phụng không… nao núng, vẫn đáp, “Yes, Fung Fung!” Làm sao mà đế quốc Mỹ có thể hiểu thấu cái thâm thúy của bốn ngàn năm văn hiến nước Việt được?
 
-
Đặng Thừa HT69
 
-
Phùng Văn Phụng HT69
 
Lớp HT71 thì sau nầy tôi còn gặp lại một số anh em, phần nhiều là linh mục, chẳng hạn như cha Nguyễn Quang Tuấn. Anh chàng nầy ngày xưa thích bắt hát mấy bài thật cao, cao như dáng dấp cao ráo và lêu khêu của anh ta. Bây giờ gặp lại, đã thấy cụ thêm được chiều ngang thật đáng nể, không biết hát cao có còn lên tới không? Lại có cha Đặng Quang Tiến, đáng lý về làm dâu xứ Mỹ, nhưng số anh vẫn còn lận đận với trời Âu, và lưu luyến với gia đình Tôn Thất Cường nên bây giờ không biết đang làm gì bên vùng trời Na Uy ấy? Phần cha Hồ Thứ, trong thời gian còn du học tại Pháp, ngài đã có một lần ghé thăm giáo xứ Mỹ của tôi trong mùa Giáng Sinh. Tôi giới thiệu với giáo dân là cha Thứ và tôi gom lại thành Ho Ho, bây giờ kiếm thêm một người nữa là chúng tôi sẽ thành ông già Noel, Ho… Ho… Ho… Bà con có dịp cười to trong nhà thờ. Tôi lại có dịp gặp lại cha Bùi Quang Trung nhiều lần, ở Mỹ cũng như ở VN. Ở giáo xứ Vườn Ngô hay là giáo xứ sau nầy! Đi đâu ngài cũng biến nhà thờ của ngài như vườn địa đàng, đẹp vô cùng nhờ bàn tay khéo léo của ngài!
 
-
Trần Khôi HT65, Hồ Thứ HT71, Hồ Khanh HT72

Nhắc tới vườn địa đàng, tôi lại chợt nhớ anh Trần Văn Quý, cũng thường được gọi là Quý Ruồi của lớp nầy. Hôm ghé thăm cha Nguyễn Hữu Hiến (HT66) tại Nhật, tôi lại được dịp gặp lại anh Quý sau nhiều năm xa cách. Lâu ngày mới gặp lại, tôi không ngờ Quý Ruồi lại nhiệt thành dễ thương như thế. Suốt mấy ngày, anh ta đem xe chở cha Hiến và tôi đi chơi nhiều chỗ, nào là núi Phú Sĩ và nhiều nơi nổi tiếng khác. Một buổi chiều, sau khi rong chơi cả ngày cho biết nước Nhật, anh ta còn rủ hai ông cha đi tắm suối nước nóng tự nhiên, tốt cho sức khỏe. Lạc vào đây như đi vào xã hội cổ kính của Nước Nhật ngày xưa, ai cũng mặc kimono đi lui đi tới dễ thương vô cùng. Áo quần lụm thụm như vậy, nhưng khi đi tắm nước nóng thì tất cả mọi người đều phải bông nhông như Adong và Eva xưa. Ông cha ở Nhật lâu thì lại mắc cỡ không muốn vào tắm, ông cha ở Mỹ lâu đã từng tắm trong mấy nơi trung tâm thể dục thể thao của Mỹ nên cũng quen, có sao đâu, chơi luôn tới bến! Cũng may là ở đây nam nữ tắm riêng nên cũng không ai mất mát chi! Vào đây mới hiểu được văn hóa của Nhật, đề cao sức khỏe và cuộc sống trong lành. Tôi và Quý Ruồi có thời gian tâm sự lâu bên nhau, và sau khi tắm đã đời lại còn được đãi ăn nữa! Quả là một buổi tối thi vị như ở trong vườn địa đàng!
 
-
Hồ Khanh & Trần Văn Quý HT71
 
Lớp HT71 mà không nhắc tới Dương Quá (linh mục Dương Quang đức) thì thật thiếu sót! Dương Quá khi đã mệt mỏi với kiếp giang hồ thì đã về làm việc chung với tôi trong Địa Phận Beaumont, tiểu bang Texas. Đức Cha Mỹ, tập tành tiếng Việt, gặp cha Đức thì thường hay nói “you, Duc Duong: me, Duc Cha!” Cha Dương Quang Đức vui tính, ai gặp cũng thích; nhưng ngày xưa buôn bán cho TCV nên gặp ai cha cũng đòi nợ, “Anh còn nợ em, em còn nợ tôi, sơ còn nợ cha…” tứng từng tưng!
 
-
Hồ Khanh & Dương Quang Đức HT71

Về lớp của tôi, HT72-73, có mấy nhân vật đặc biệt nhưng ở đây chỉ xin nhắc tới hai người đã thành thiên cổ. Trước hết là Cái Bình, RIP. Tên của hắn dễ thương như con người của hắn. Có lần về VN, tôi ghé thăm cha xứ Sáo Cát Trần Khôi (HT65) là anh họ của tôi. Gặp lúc cha xứ đi đâu chưa về, sẳn mấy ghế bố trước mặt nhà thờ tôi nằm xuống nghỉ ngơi đôi chút, đồng thời để hóng gió biển. Tôi lấy cái mũ nhỏ che trên khuôn mặt và đang còn lim dim đôi chút thì nghe giọng ai đó quát tháo thật lớn, “Thằng nào mà ra nằm nghênh ngang trước mặt nhà thờ như thế nầy?” Một bàn tay thô bạo giựt phăng cái mũ trên mặt tôi. Chưa kịp hoàn hồn thì lại nghe giọng thằng Cái Bình, “Ui chao, cha Khanh! Về khi mô rứa? Cho con xin lỗi!” Bạn bè cùng lớp nhưng làm chi mà tha lỗi dễ dàng rứa! Ngày hôm sau Chúa Nhật cha xứ Sáo Cát nhờ tôi giảng lễ trong nhà thờ. Tôi mời Cái Bình đứng dậy trong nhà thờ và giới thiệu bạn tôi “Cái Bình cũng gọi là Cái Lọ bởi vì quê tôi cái bình và cái lọ giống nhau!” Cả nhà thờ cười ầm ĩ! Tôi lại kể cho giáo dân nghe là, “lâu lâu về thăm quê hương, tưởng gặp lại bạn hiền vui lắm, ai ngờ hắn dữ quá, quát tháo ầm ĩ suýt nữa vỡ hết mấy cái bình, cái lọ!” Cả nhà thờ lại được một phen cười ầm. Ra khỏi nhà thờ, hắn rên, “Chơi chi mà chơi dữ rứa?”

Một nhân vật nổi tiếng nữa trong lớp tôi là Ngô Dinh, người cùng quê Tân Mỹ. Mỗi khi về tới quê nhà, Ngô Dinh là người thường xuất hiện đầu tiên để xin tiền … uống rượu! Ngày xưa, nếu ai biết người anh em nầy, thì đâu có ngờ “chị Dinh” lại có lúc trở nên nông nỗi như thế nầy? Hoàn cảnh chăng? Uất ức gì chăng? Chỉ có người trong cuộc mới hiểu được! Về tới làng quê Tân Mỹ mới nghe thêm nhiều chuyện về Dinh, nhà cửa cậu lột ra đem bán uống rượu hết, chỉ chừa duy nhất một tấm “tole” trên đầu để che nắng che mưa thôi! Có mấy người tới báo, “Cha ơi, hôm qua cha phát gạo cho giáo xứ, hôm nay con thấy ông Dinh đem gạo đi đổi lấy tiền uống rượu rồi!” Biết làm sao đây? Mà đâu phải một lần! Cũng có nhiều lần anh em trong lớp và ngay cả cha xứ Tân Mỹ giúp đỡ, nhưng rồi Dinh vẫn… say, hay là vì thích làm người say, bởi vì “người điên không biết nhớ, và người say không biết buồn?” Thôi thì để cho vong linh người quá cố yên nghỉ, và ước ao rằng Ngô Dinh và Cái Bình giờ chỉ no say tình Chúa mà thôi!

Nhiều khi tôi ước ao anh em biết làm thơ như Trương Hậu (HT74) thì đỡ khổ hơn, bởi vì “nhà thơ” thì không bao giờ chết; hoặc có chết đi thì cũng sống lại nhiều lần như bài thơ của anh chàng nầy:

“Nhà thờ ở cạnh nhà thơ,
Nhà thơ tắt thở, nhà thờ đổ chuông!
Nhà thơ không chịu chết luôn,
Nhà thơ sống lại, rung chuông nhà thờ!”
 
-
Trương Hậu HT74

Anh em CCS Huế nhiều tài lắm, tương lai đã có một thời hứa hẹn vô cùng. Nhưng sau mùa Giáng Sinh năm đó, anh em đã phân tán khắp nơi, người được người mất, nhưng cũng như số phận của toàn dân Việt Nam thôi! Như những mảnh đời lung lạc, như những áng mây trôi, như những dòng sông nhỏ mãi cuốn ra đại dương, đi mãi không về, để lại đằng sau một thuở bình yên, hầu như đã xa lắm rồi! Cầu chúc anh em yên vui trong mọi hoàn cảnh đẩy đưa giữa đời! Mong lắm thay!
 
-
 
-
 
-
 
-
 
-
 
-
 
-
 
-
 
-
 
-
 
-
 
-
 
-
 
-
 
-

Tác giả: Lm Hồ Khanh HT72

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây