Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Thương xá Tax 'di dời' - Sài Gòn có còn thân quen?

-

-

Ngày người ta đập tòa nhà góc Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn, tôi đã không dám đi ngang. Thậm chí không dám đưa máy lên chụp những bức hình cuối cùng. Sợ mỗi lần nhìn hình lại thấy đau. Lần thứ hai, người ta đập tòa nhà 6 tầng, chung cư kiểu Pháp phía đối diện công viên Chi Lăng, thấy như bị ai dùng roi mây quất ngang người.
Thương xá Tax 'di dời' - Sài Gòn có còn thân quen?
 
Thương xá Tax, một công trình kiến trúc độc đáo 134 năm tuổi, chuẩn bị "được" phá bỏ để xây dựng tòa cao ốc, là lời cảnh báo cho một Sài Gòn dần mất hết những điểm nhấn đặc trưng quyến rũ.
 

Thương xá Tax trong những ngày bận rộn sale off trước lúc "được" phá bỏ - Ảnh: Đình Tuyên
 
Những năm 90, văn phòng công ty tôi nằm ở tầng trệt một tòa nhà 4 tầng kiểu Pháp ngay mặt tiền góc Lê Thánh Tôn - Đồng Khởi. Tôi đã thật sự bị cuốn hút bởi hàng lan can san sát, những ô cửa sổ đầy chất hoài cổ với những ô cửa kính và lá sách màu xanh cao dài, những họa tiết tinh xảo trên chiếc cầu thang sắt dẫn lên lầu.
 
Ngày đó tôi hay la cà trong  tiệm sách cũ nhỏ xíu trong con hẻm bề ngang chỉ hơn 1m dưới chân tòa nhà và được ông già bán sách kể nghe bao chuyện hay. Chuyện về văn phòng công ty tôi ở 49 D’Espagne (Lê Thánh Tôn) xưa là Nhà hàng La Pagode; chuyện công viên Chi Lăng từng là vườn P.Pages, niềm tự hào của Rue Catinat được xây dựng năm 1924; chuyện Café Givral nổi tiếng thế nào; chuyện Nhà hát thành phố từng là nhà Hạ viện ra sao...
 
Tôi cũng hay la cà trong Eden Passage, nhiều khi chỉ là thơ thẩn đi tìm những gì còn sót lại của một khu thương mại từng vang tiếng khi xưa. Có nhiều buổi trưa oi ả, ngồi lùa từng hạt cơm “bụi” ở quán bà Tám, bên dòng người xe tấp nập trên đường Đồng Khởi, ngó qua bên kia khách sạn Continental cổ nhất thành phố. Nếu không bận việc, mỗi giờ nghỉ trưa của tôi hầu như đều ở thương xá Tax. Như một thói quen đi dạo, chẳng phải để mua gì. Tòa nhà mang tên Les Grands Magasins Charner (GMC) thu hút tôi ngay từ khi tôi xem những bức hình của nó vào những ngày đầu xây dựng năm 1880. Thương xá sang trọng bậc nhất Nam kỳ này đã nhiều lần biến đổi với thời gian, nhưng vẫn là một trong các công trình cổ xưa danh tiếng nhất của Sài Gòn ngày nay. Thương xá này từng là “chợ Nga” với hai tầng trên chuyên bán đồ xuất khẩu. Phía bên dưới chân cầu thang kiểu Pháp được lát đá mosaic và tay vịn đồng đã lên nước bóng loáng, là những gian hàng bán đồ lưu niệm. Tiệm đồ cổ thân quen của tôi nằm bên góc thang bên trái. Tôi hay mua áo T-Shirt Thành Công tặng những người bạn châu Âu tại lầu hai. Sau này thương xá Tax trở thành trung tâm thương mại, người bán dạt đi tứ tán khắp nơi.
 

Hình ảnh thương xá Tax trên bưu thiếp xưa, khi đó còn mang tên Les Grands Magasins Charner (GMC) - Ảnh: T.L
 
Ngày người ta đập tòa nhà góc Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn, tôi đã không dám đi ngang. Thậm chí không dám đưa máy lên chụp những bức hình cuối cùng. Sợ mỗi lần nhìn hình lại thấy đau. Lần thứ hai, người ta đập tòa nhà 6 tầng, chung cư kiểu Pháp phía đối diện công viên Chi Lăng, thấy như bị ai dùng roi mây quất ngang người.
 
Và mấy hôm nay, có một nỗi đau tưởng đã lên da non, bỗng bùng lên, dữ dội, khi nghe tin thương xá Tax sẽ vĩnh viễn bị xóa sổ. Tôi tin rằng những “vô tri, vô giác” ấy, những “vật cần phải hy sinh cho sự phát triển” trên khu đất vàng ấy, đã đau lắm. Một cao ốc 40 tầng hiện đại, sáng choang sẽ mọc lên, thay thế cho Tax già nua cũ kỹ đã 134 tuổi. Khu trung tâm Sài Gòn sẽ còn gì? Một Union Square hoành tráng, một Rex nửa tây nửa ta, một bùng binh (nếu còn được giữ lại) quê mùa và một nhà hát như lạc điệu. Đường Đồng Khởi đã thành con hẻm. Các con đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ sẽ là gì đây, khi những dãy nhà phố kiểu Pháp đã hầu như hoàn toàn biến mất. Dãy phố cổ tại Chợ Lớn cũng đã cùng chung số phận.
 
Bất giác nhớ tới bài báo đọc được trên tờ Wall Street Journal tháng 11.2013 về việc đầu tư vào những ngôi nhà cổ. Người ta đã chứng minh rằng, từ 2008 - 2011, việc đầu tư vào những bất động sản cổ tại Anh đã mang lại lợi nhuận gấp bội so với việc đầu tư vào thị trường bất động sản thông thường. Ở Berlin, thủ đô của nước Đức, người ta đang rao bán tòa nhà Tachles, trước kia là một trung tâm thương mại và xưa hơn nữa, trong Thế chiến  thứ hai, đã từng là văn phòng của cơ quan an ninh Đức quốc xã, với điều kiện tòa nhà phải được trùng tu. Tôi còn nhớ năm 2008 chính quyền thành phố Hamburg đã quyết định bán toàn bộ khu phố đi bộ Gaengeviertel, nơi có những ngôi nhà kiểu Fachwerkhaus truyền thống từ thế kỷ thứ 18/19 cho một nhà đầu tư Hà Lan. Họ chấm dứt toàn bộ hợp đồng thuê với dân cư trong khu phố và tới hết năm 2009, 80% những gì dính dáng tới lịch sử sẽ biến mất. Trước sự phản ứng quyết liệt của người dân, chuyên gia văn hóa, lịch sử..., chính quyền thành phố đã quyết định mua lại khu phố đi bộ từ nhà đầu tư. Sau đó Hamburg quy hoạch khu vực này thành một khu bảo tồn lịch sử - văn hóa kết hợp phát triển đô thị với kế hoạch tổng thể dựa trên những giá trị lịch sử cốt lõi, và trọng tâm là: ưu tiên cho lãnh vực nghệ thuật và giá thuê ưu đãi.
 
Ngày nay, khu phố này là một trong những điểm tham quan hút khách nổi tiếng của Hamburg, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong một không gian lịch sử; là nơi mà cuộc sống thường ngày và những hoạt động thương mại vẫn diễn ra trong các ngôi nhà Fachwerkhaus, như một dạng bảo tàng sống đang ngày càng phổ biến trên thế giới.
 
Hay như ở Mông Cổ, quốc gia nhỏ bé với chỉ vỏn vẹn vài triệu dân, họ vẫn giữ lại những gì là truyền thống của một nền văn hóa du mục. Đền đài, tu viện, bị tàn phá, được xây dựng lại...

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng không lẽ chúng ta không học được gì từ những sai lầm hay thành công của nước người hay sao?
 
Phải chi có một cuộc thi...
 
Sydney cũng đang xây dựng Barangaroo và qua đó cũng xây dựng tuyến đường metro mới trong lòng Sydney CBD (CBD là viết tắt của Central Business District - là khu vực trung tâm hành chính và thương mại). Nhưng thay vì phá hủy, các kiến trúc sư ở đây đang tìm cách dung hòa nó với các công trình sẵn có. Rồi trong năm 2020 cũng sẽ có một cảnh quan mới của Sydney, đồng hành cùng với Opera House.
 
Thương xá Tax cũng giống như Capitol Square ở Sydney. Cho dù có cải tạo cái tuyến tàu điện cũ rích đó đi nữa thì Sydney cũng không dám đập bỏ. Vì Capitol Square đã được đưa vào danh sách di sản. Mặc dù mình biết nếu nó bị dỡ bỏ và đổi thành không gian công cộng thì bảo đảm 100% Sydney CBD sẽ thay đổi hoàn toàn.
 
Quay lại chuyện thương xá Tax, không biết cái vụ xây mới này có phải là thật không? Nhưng theo một vài thông tin thì cái này chắc chắn sẽ được xây, vì nó nhìn cũng khá ổn. Có thể trở thành cảnh quan mới của Sài Gòn.

Nhưng mình vẫn ủng hộ phương án cải tạo lại cảnh quan mang tính lịch sử cho thương xá Tax thay vì đập bỏ nó đi. Dù sao thì nó cũng đã tồn tại hơn 130 năm, so với tuổi đời mới hơn 300 năm của Sài Gòn thì đã là vô giá rồi.
Nhớ ngày xưa đi bộ với chị, lúc nào cũng đi ngang nơi này. Mình thì thích đi xuyên qua nó cho mát vì trời bên ngoài lúc nào cũng như thiêu đốt. Đang đi bộ mệt mà thấy được thương xá Tax như bắt được vàng.
 
Phải chi có một một cuộc thi về phương án cải tạo thì mình chắc chắn sẽ có vô vàn phương án hay để lựa chọn.
 
Sài Gòn đang biến thành một nơi, mà đối với tôi, không khác gì một địa điểm du lịch. Những giá trị lịch sử, những kỉ niệm ngày xưa cũng đang dần biến mất.
 
William Huy Lam
(Ý kiến thể hiện góc nhìn riêng của một Việt kiều đang sống tại Sydney, Úc)
 
 
Trần Thùy Linh *
-----------------------------------------------
 
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người sống và làm việc tại TP.HCM

Tác giả: Trần Thùy Linh

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây