Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Sau Bốn Thập Niên – Hương Vĩnh. Phần 4

-

-

Động Phong Nha Kẻ Bàng là khu bảo tồn rừng nguyên sinh và quần thể di tích lịch sử văn hóa. Tháng 7/2003, Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng (thuộc địa phận xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) được UNESCO công nhận là Di Sản thiên nhiên của thế giới.
Sau Bốn Thập Niên – Hương Vĩnh. Phần 4
 
VI.- THĂM VIẾNG QUẢNG BÌNH - QUẢNG TRỊ - ĐÀNẴNG
 
Thăm viếng Quảng Bình
 
Sáng hôm sau, đoàn chúng tôi đi Quảng Bình bằng xe bus. Trên xe có một ông cụ tám mươi tuổi (tám bó), lớn tuổi nhất, vui tính và là tín hữu Công Giáo.
 
Khi đến “Nghĩa Trang Liệt Sĩ Trường Sơn”, xe dừng lại để đoàn du khách vào thăm viếng. Anh hướng dẫn viên đi mua một bó hoa và đề nghị ông cụ tám bó dâng hoa và niệm hương. Lời đề nghị của anh hướng dẫn viên được cả đoàn vỗ tay tán đồng.
 
Tới nơi, ông cụ vẫn thản nhiên, bước lên đài của nghĩa trang, đặt bó hoa và niệm hương. Xong ông cụ làm dấu thánh giá, đọc thầm một kinh Lạy Cha, mười kinh Kính Mầng, một kinh Sáng Danh và Kinh cầu cho các Đẳng Linh Hồn, rồi làm dấu thánh giá và chậm rãi bước xuống. Bấy giờ anh hướng dẫn viên bước tới dẫn ông cụ xuống. Ông cụ vui vẻ nói với anh hướng dẫn viên: “Tôi đã cầu nguyện cho các vong linh ở đây sớm siêu thoát!”
 
Sau đó đoàn đi thăm viếng “Động Phong Nha” và “Hang Động Thiên Đường”. Đi vào hai động nầy, hầu hết là du khách Việt Nam do những xe bus chuyên chở, đi và về. Thỉnh thoảng có vài thanh niên nam nữ người ngoại quốc cỡi xe gắn máy chạy ra chạy vào các động.
 
Động Phong Nha
 
Động Phong Nha Kẻ Bàng là khu bảo tồn rừng nguyên sinh và quần thể di tích lịch sử văn hóa. Tháng 7/2003, Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng (thuộc địa phận xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) được UNESCO công nhận là Di Sản thiên nhiên của thế giới.
 
Tại Trung Tâm đón tiếp khách du lịch của di tích Phong Nha Kẻ Bàng, đoàn chúng tôi xuống thuyền máy đi theo sông Son vào động Phong Nha. Sông Son rộng chừng 35-40 mét, nước xanh ngắt, trong thấu đáy. Khi thuyền phải tắt máy để vào động Phong Nha, người chèo thuyền dùng sào đưa thuyền lặng lẽ tiến vào trong lòng động. Cửa động hình thang, cao chừng 10 mét, rộng 20-25 mét.
 

Sông Son chảy vào Động Phong Nha
 
Theo các nhà khoa học, quá trình phong hóa tạo thành hang động Phong Nha là quá trình tự nhiên đã diễn ra cách đây 250 triệu năm. Dạng địa hình chính của Phong Nha Kẻ Bàng là núi đá vôi và núi đất, độ cao trung bình 600 mét, thành hẹp, vách đứng.
 
Hang Động Thiên Đường
 
Hang Động Thiên Đường là một hang động tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách Đồng Hới 60 km về phía Tây Bắc. Hang động này nằm trong phân khu rừng phục hồi sinh thái, thuộc vùng lõi núi đá vôi của vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng.
 
Hang Động Thiên Đường được phát hiện năm 2005, do Hiệp Hội Hang Động Hoàng Gia Anh khám phá từ năm 2005-2010 và năm 2010 họ công bố hang động này có tổng chiều dài là 31,4 km, hang động dài nhất châu Á.
 
Do vẻ đẹp của nhũ đá và măng đá trong hang động, họ đã đặt tên là Hang Động Thiên Đường. Theo đánh giá của Hiệp Hội Nghiên Cứu Hang Động Anh Quốc, Hang Động Thiên Đường còn to lớn và đẹp hơn cả động Phong Nha. Hang Động Thiên Đường là một động khô, không có sông ngầm chảy qua như Động Phong Nha.
 

Hang Động Thiên Đường
 
Trong Hang Động Thiên Đường có nhiều khối thạch nhũ và măng đá kỳ ảo. Phần lớn nền đất trong động này là đất dẻo, khá bằng phẳng nên thuận tiện cho việc tham quan và thám hiểm. Nhiệt độ bên trong Hang Động Thiên Đường luôn chênh lệch so với bên ngoài khoảng 16 °C.
 
Đường bộ đến Hang Động Thiên Đường từ đường Hồ Chí Minh (nhánh tây) đoạn km 16, đi đến cửa Động Thiên Ðường dài khoảng 7 km. Trước khi các cơ sở phục vụ du lịch được xây dựng, muốn đến động phải băng rừng và leo lên ngọn đồi nơi có cửa động.
 
Hang Động Thiên Đường đã được Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư đường nối vào cửa động, bậc thang và đường bên trong động với chiều dài 1,1 km và đã đón khách tham quan từ ngày 3 tháng 9 năm 2010. Sau khi đường đến cửa động được xây dựng và đưa vào khai thác du lịch từ ngày 3 tháng 9 năm 2010, cần phải xuống xe đi bộ hoặc đi xe golf thêm 1,6 km đường bề mặt bê tông dưới tán rừng thì đến chân đồi để leo 522 bậc thang đá lên cửa động. Như vậy để leo lên cửa động và bước xuống, du khách phải đi hơn một ngàn bậc thang!
 
Sau khi đi xem hai động nầy, đoàn chúng tôi đi vào thành phố Quảng Bình để nghỉ đêm. Xe bus đã chạy qua di tích Nhà Thờ Tam Toà Đồng Hới bị bom của Mỹ. Chúng tôi về nghỉ đêm ở khách sạn bên bờ biển Nhật Lệ.
 

Di tích của Nhà thờ Tam Toà tại Đồng Hới, Quảng Bình
 
Thăm viếng Quảng Trị
 
Sáng hôm sau, chúng tôi đi Quảng Trị. Trên xe bus, tôi ngồi bên cạnh đôi vợ chồng trên 60 tuổi, ở Thủ Đức, nhưng sắp sang Mỹ định cư ỏ Houston Texas. Người con trai hiện là du học sinh ở Washington DC.
 
Ông chồng hỏi tôi có phải Công Giáo không. Tôi đáp phải. Ông cho biết hôm nay sẽ ghé Thánh Địa Lavang. Tôi cứ tưởng hai anh chị đó là tín hữu Công giáo, nhưng về sau, tôi mới biết họ là người bên lương. Ông chồng cho biết họ hay đi viếng Đức Mẹ La Vang, một hay hai năm một lần.
 
Cầu Hiền Lương – Sông Bến Hải
 
Đầu tiên, xe bus chạy qua Cầu Hiền Lương – Sông Bến Hải (Vĩ Tuyến 17), nơi chia đôi đất nước Việt Nam từ 20/7/1954 đến 30/4/1975.
 

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải
 
Đến đây, khi dẫn giải về địa danh nầy, trong lúc mạn đàm, anh hướng dẫn viên cho biết tướng Kỳ trước 1975 đã lái máy bay vượt qua vĩ tuyến 17 để ném bom miền Bắc, nhưng chẳng may ông bị thương do trúng đạn dưới đất bắn lên nên từ đó ông ngưng việc ném bom Bắc Việt.
 
Khi xe ngừng lại ở bên bờ sông Bến Hải để du khách chụp hình kỷ niệm, ông cụ tám bó lân la nói chuyện với anh hướng dẫn viên. Ông cụ cho biết ông sống trong thời gian đó, nhưng không biết tin tức tướng Kỳ bị thương khi ném bom Bắc Việt. Anh hướng dẫn viên liền cho biết là máy bay tướng Kỳ lái bị thương, chứ không phải tướng Kỳ. Ông cụ gật gù và nói là điều đó có thể xảy ra!
 
Thánh Địa La Vang
 
Sau đó xe bus trực chỉ Thánh Địa La Vang. Đến nơi, khi xuống xe, hai vợ chồng ở Thủ Đức cũng xuống xe đi viếng Đức Mẹ La Vang. Nhưng trước khi xuống xe, người vợ cẩn thận lấy hai chai nước lạnh mang theo để đặt nơi tượng đài Đức Mẹ La Vang và sau đó mang theo về.
 

Tượng đài Đức Mẹ La Vang
 
Cũng như những du khách khác, tôi cũng đến viếng tượng đài Đức Mẹ La Vang. Đức Mẹ La Vang là tên gọi mà giáo dân Công Giáo Việt Nam nhắc đến sự kiện Đức Mẹ Maria hiện ra trong một thời kỳ mà đạo Công giáo bị bắt bớ tại Việt Nam.
 
La Vang ngày nay là một thánh địa và là nơi hành hương quan trọng của người Công giáo Việt Nam, nằm ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, thuộc Tổng Giáo Phận Huế. Các tín hữu tin rằng, Đức Mẹ Maria hiện ra ở khu vực này vào năm 1798. Một nhà thờ đã được xây dựng gần ba cây đa – nơi họ tin là Đức Mẹ đã hiện ra – để tôn kính Mẹ Maria.
 
Theo Đức Giám Mục Hồ Ngọc Cẩn kể lại lời truyền khẩu là năm 1885 nhà thờ bị đốt, và một nhóm giáo dân La Vang dựng lại nhà thờ Đức Mẹ trên nền cũ. Linh mục quản hạt Quảng Trị Patinier (cố Kinh) trong báo cáo năm 1894 có viết: “Năm 1885 ngôi nhà thờ ở đây cũng như những nhà thờ khác trong hạt, không thoát khỏi thảm họa... Khi hòa bình vừa vãn hồi, con đã cấp tốc dựng lại ngôi nhà thờ nhỏ bé, tạm bợ để chờ nguồn kinh phí cũng như để chờ cho tình hình bớt nhiễu nhương”.
 
Năm 1886 (có bản ghi là năm 1894), Đức Giám mục Caspar (Đức Cha Lộc) cho xây lại nơi đây đền thờ bằng ngói, vì xây trên một vùng núi vận chuyển vật liệu khó khăn nên 15 năm mới hoàn thành. Năm 1901, đại hội La Vang đầu tiên được tổ chức vào ngày 08 tháng 08 để mừng khánh thành nhà thờ.
 
Năm 1924, nhận thấy ngôi nhà thờ ngói quá chật hẹp, lại đã xuống cấp cho nên một đền thánh La Vang theo đồ án của kiến trúc sư Carpentier được dựng lên thay thế và được khánh thành vào ngày 20 tháng 08 năm 1928, nhân dịp Đại hội La Vang 9. Thánh đường này được trùng tu năm 1959.
 
Trong phiên họp ngày 13 tháng 04 năm 1961, Hội Đồng Giám mục Việt Nam (Miền Nam) đã đồng thanh quyết định La Vang là “Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc” và được Tòa Thánh tôn phong là “Tiểu vương cung thánh đường La Vang” từ năm 1961.
 
Trong chiến cuộc Mùa Hè 1972, bom đạn đã làm sập đổ hoàn toàn Vương Cung Thánh Đường, chỉ còn lại di tích tháp chuông loang lỗ.
 

Tháp chuông nhà thờ Đức Mẹ La Vang
 
Từ năm 1995, tháp chuông và những công trình liên hệ như Nhà Nguyện Đức Mẹ (một mái nhà tôn sau tháp cổ), Nhà Nguyện Thánh Thể (xây từ năm 2002), Công trường Mân Côi, Lễ Đài, Nhà Hành Hương (xây từ năm 2004), 3 cây đa (nơi Đức Mẹ hiện ra)... được tu sửa hay dựng mới.
 
Năm 2008, Thánh Địa được chính quyền tỉnh Quảng Trị cấp thêm 21 ha đất để phục vụ hoạt động tín ngưỡng của giáo dân. Theo linh mục Giacôbê Lê Sĩ Hiền (quản nhiệm Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang), đây là đất xưa từng thuộc về nhà thờ (trước 1975 là 23 ha) nay được giao trả lại.
 
Ngày 15 tháng 8 năm 2012 đã diễn ra lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh đường mới. Ngôi thánh đường đang trong quá trình xây dựng, được thiết kế theo phong cách kiến trúc Á Đông truyền thống Việt Nam, có sức chứa 5.000 người.
 
Thăm viếng Đà Nẵng
 
Ngày cuối cùng đoàn chúng tôi thăm viếng Đà Nẵng và Hội An. Mùa hè 2004, tôi đã thăm viếng hai nơi nầy nên tôi lợi dụng dịp nầy đi thăm một người bà con, đó là người anh rễ của tôi, nay đã 85 tuổi.
 
Tình già
 
Trước khi đi thăm anh rễ của tôi, tôi đã đi thăm viếng ngôi mộ của chị tôi được chôn cất trong nghĩa địa của Giáo Phận Đà Nẵng nằm ở lưng chừng đồi, bên cạnh một nghĩa trang dành cho các thai nhi bị phá! Qua đó mới thấy nạn phá thai ở Việt Nam trầm trọng như thế nào! Hầu như những nghĩa trang dành cho các thai nhi bị phá ở rất nhiều nơi.
 
Khi tôi xô cửa bước vào nhà để thăm anh rễ của tôi thì anh ta đang ngồi yên lặng lần hạt trước bức ảnh của chị tôi, đặt trên một chiếc bàn nhỏ, bên cạnh bàn thờ lớn để ảnh Chúa và Đức Mẹ, vài nén hương đang cháy dở dang. Khi tôi lên tiếng thì anh đứng dậy gạt nước mắt mà tiếp tôi.
 
Chị tôi đã qua đời ba năm về trước, khi được 82 tuổi, sau khi bị bệnh, nằm liệt giường ba năm mà anh và người con trai thay phiên nhau săn sóc mọi chuyện vì chị tôi không chấp nhận cho người lạ săn sóc.
 
Nhìn cảnh tượng nầy, tôi nhớ lại mấy câu đầu của bài thơ “Tình Già” của Phan Khôi:
 
Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa.
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,
Hai cái đầu xanh kề nhau than thở.”
 
Nhưng mối “tình già” ở đây là giữa người sống và kẻ chết! Thật thâm thúy biết bao!

Tác giả: Đỗ Tân Hưng AN49

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây