Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Sau Bốn Thập Niên – Hương Vĩnh. Phần 1

-

-

Sau loạt bài “Sau Ba Thập Niên” của tác giả Hương Vĩnh đã được đăng tải, nay BBT xin đăng tiếp loạt bài “Sau Bốn Thập Niên” của cùng tác giả. Kính mời xem phần 1: Sàigòn và miền phụ cận.
SAU BỐN THẬP NIÊN
 
HƯƠNG VĨNH
 
Thấm thoát 40 năm, kể từ ngày 30/4/1975 và một thập niên trôi qua, kể từ khi tôi về thăm quê hương lần đầu vào mùa hè 2004 mà những tâm tư được ghi lại trong đoản thiên hồi ký “SAU BA THẬP NIÊN”.
 
Lần nầy, tôi về thăm Việt Nam lần thứ ba – từ thứ Bảy (20/12/2014) đến Chúa nhật (18/01/2015). Chuyến đi cũng như trở về, phi cơ của hãng Eva đều quá cảnh vài giờ đồng hồ ở Đài Loan. Cuộc phi hành giữa Vancouver và Đài Loan mất trên 10 giờ và giữa Đài Loan – Sàigòn, khoảng trên 3 giờ. Tổng cộng phải mất 13 giờ – 14 giờ bay. Cuộc phi hành tuy vất vả nhưng dịch vụ tốt nên không phải nhọc nhằn lắm.
 
Trong chuyến đi nầy, trong hai tuần lễ đầu (20/12/2014 – 03/01/2015), tôi lưu ngụ với gia đình ở một khách sạn, góc đường Lê Duẫn (tức Thống Nhất cũ) và Hai Bà Trưng. Tôi có dịp thăm viếng một vài nơi ở Sàigòn và miền phụ cận, đồng thời đón lễ Giáng Sinh 2014 và Tết Dương Lịch 2015. Ưu điểm của khách sạn nầy là gần Nhà Thờ Chính Toà Tổng Giáo Phận Sàigòn, chỉ cách hai góc đường.
 
Trong thời gian hai tuần lễ tiếp theo (04 – 18/01/2015), khi gia đình về lại Canada, tôi ở lại Sàigòn và lưu ngụ tại Tu Viện Mai Khôi ở quận 3 Sàigòn. Trong dịp nầy, tôi đã thực hiện hai cuộc du hành ngắn hạn:
 
1/- Huế – Quảng Bình – Quảng Trị – Đà Nẵng (5 ngày 4 đêm).
2/- Siêm Riệp và Phnôm Pênh (4 ngày 3 đêm).
 
I.- SÀIGÒN VÀ MIỀN PHỤ CẬN
 
Những ưu tư
 

 

Thánh Luy Gonzaga
Mấy tháng trước khi về thăm Việt Nam, tôi đã mang một số ưu tư canh cánh bên lòng. Những ưu tư đó xuất phát từ những tin tức xảy ra ở quê nhà: nào là cướp giựt, chém giết, nạn xì ke ma túy, ngộ độc thực phẩm, tai nạn lưu thông…đã khiến tôi rất phân vân: có nên về thăm Việt Nam hay không, mặc dù đã mua vé máy bay và đã giữ khách sạn!
 
Sau khi cầu nguyện, một tia sáng loé lên trong đầu óc tôi, qua mẫu chuyện ngắn liên quan đến Thánh Luy Gonzaga là Thánh Bổn Mạng của tôi:
 
Một hôm, ban giáo sư trường muốn trắc nghiệm các học sinh đang chơi ở sân trường, bèn đặt một câu hỏi: “Nếu anh biết được mình sắp chết trong một giờ nữa, thì anh sẽ làm gì?” Có nhiều câu trả lời khác nhau như: Tôi sẽ vào nhà thờ cầu nguyện; tôi sẽ dọn mình xưng tội; tôi sẽ đến gặp cha mẹ và người thân lần cuối cùng. Còn tôi, nếu tôi biết tôi sắp chết, tôi vẫn tiếp tục chơi. Ðây là câu trả lời của Luy Gonzaga. Ban giáo sư ngạc nhiên hỏi thêm: “Tại sao trước giờ phút nghiệm trọng như vậy mà con vẫn tiếp tục chơi?” Vì Chúa dạy phải luôn luôn sẵn sàng và tỉnh thức. Bổn phận con hiện giờ là chơi, nên con cứ tiếp tục chơi. Thánh ý Chúa trong giờ hiện tại này đối với con là chơi, nên con chơi là làm đẹp lòng Thiên Chúa vậy.
 
Câu trả lời của Thánh Luy Gonzaga đã giúp tôi quyết định đi thăm Việt Nam một lần nữa.
 
Những bất trắc
 
Sàigòn hiện nay tương đối ổn định hơn trước kia vì những người xì ke ma tuý cũng như ăn xin đã bị quét sạch nên nạn móc túi có phần thuyên giảm. Tuy nhiên, nếu không đề phòng thì vẫn bị móc túi dễ dàng, như trường hợp xảy ra gần đây: vài Việt kiều vào ăn ở nhà hàng Cơm Niêu – nhà hàng lớn – đã bị móc túi mà không hay biết.
 
Theo lời khuyên của bạn bè, khi di chuyển ở Sàigòn hay ngoại ô, nên dùng xe taxi, an toàn hơn là đi xe ôm, xe bus công cộng. Nhưng nên đi xe taxi của hai hãng lớn là Vinasun hay Mai Linh, đừng đi những hãng nhỏ khác, có thể bị cướp bóc. Ngay khi lấy xe taxi đi từ các khách sạn, lúc bước lên xe, để bảo đảm an ninh cho khách hàng, các người bảo vệ khách sạn ghi số xe taxi vào một mảnh giấy, giao cho khách hành và yêu cầu họ giữ cẩn thận để có thể truy cứu về sau khi có chuyện rắc rối xảy ra.
 
Một buổi trưa, tôi đứng đón taxi ở đường Kỳ Đồng, gần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, một anh trung nhiên, mặc áo quần cụt đứng chận tôi lại và mời mọc tôi đi xe ôm, nhưng tôi không thấy xe gắn máy của anh để ở đâu. Tôi từ chối và cho biết tôi đang đợi xe taxi vì đi xa. Anh hỏi tôi đi đâu? Đi xe ôm rẻ hơn. Anh nói với vẻ mặt “bặm trợn” và nhìn vào cái xách tay tôi đang mang trên vai. Có lẽ anh đoán biết tôi là người Việt ở hải ngoại. Ngay lúc đó, một chiếc taxi dừng lại và tôi mau mắn lên xe và có cảm tưởng như thoát nạn…
 
Chuyện trộm cướp nếu không đề cao cảnh giác cũng xảy ra thường xuyên. Một ngày kia, anh bạn của tôi và người quen đi Hóc Môn, tuy khoá xe gắn máy cẩn thận, nhưng sau đó chiếc xe không cánh đã bay mất!
 
Tết Dương Lịch vừa qua, theo thống kê, tai nạn giao thông xảy ra rất nhiều, khiến cả một hai trăm người tử nạn.
 
Nói chung, Sàigòn tuy tương đối an toàn hơn trước kia, nhưng theo thống kê ngoại quốc, hiện nay Sàigòn vẫn là một trong vài thành phố bất an nhất trên thế giới. Vậy việc đề cao cảnh giác không thể lơ là đuợc.
 
Sàigòn biến dạng
 
Đối với du khách, Sàigòn ngày nay đã biến dạng rất nhiều: những mái nhà cũ kỹ được thay thế bằng những ngôi nhà mới, khang trang hơn, to lớn hơn, với nhiều tầng lầu. Hầu hết những tòa nhà ở rải rác các đường phố Sàigòn đều được xây cao lên, có toà nhà biến thành những cao ốc mà tầng trệt dùng làm nơi kinh doanh, còn các tầng trên làm nhà ở cho giới trung lưu. Ngay trong những ngõ hẻm, những căn nhà lụp xụp trước đây cũng được thay thế bằng những nhà lầu khang trang.
 
Ngoài ra đa số những cây cao bóng mát lâu năm đều bị đốn chặt để mở rộng đường sá và có nơi thay thế bằng những cây con mới được trồng lên.
 
Vì hai sự kiện trên, cộng thêm việc các tên đường cũ được thay thế bằng những tên mới lạ nên khiến nhiều Việt kiều khó khăn trong việc nhận diện đường sá.
 
Ngựa xe như nước
 
Trước 1975, Sàigòn chỉ có độ 2 triệu dân. Ngày nay, theo con số chính thức, Sàigòn có trên 12 triệu dân, không kể số nhập cư lậu không có giấy tờ, cũng vài triệu người nữa. Vì vậy đường sá Sàigòn với xe cộ đông đúc, đúng như cụ Nguyễn Du đã viết trong “Đoạn Trường Tân Thanh”:
 
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm
 
Mỗi ngày, nhìn đoàn người đông đảo cả nam lẫn nữ, đầu đội nón bảo hiễm, cỡi xe gắn máy, vùn vụt tuôn lên, tuôn về phía trước, tôi có cảm tưởng đó là những đoàn quân nối tiếp nhau, ồ ạt xông ra trận chiến – mặt trận xã hội – nhằm tranh giành cái sống!


 
Những khách sạn đắt tiền
 
Ở Sàigòn, cái gì cũng có, miễn là có tiền, kể cả những dịch vụ cao cấp của các khách sạn 4, 5 sao. Ở đây khách hàng được phục dịch chẳng thua kém gì tại các khách sạn sang trọng ở hải ngoại, từ phòng ốc, nhà hàng đến giải trí…
 
Những tiệm ăn
 
Sàigòn có nhiều tiệm ăn mà Việt kiều và người ngoại quốc ưa thích như Cơm Niêu (27 Tú Xương), Cục Gạch Quán (10 Đặng Tất, Tân Định), Nhà Hàng Ngon (160 Pasteur)… Đặc biệt, những nhà hàng nầy, đồ ăn ngon và sạch sẽ, phần nào an toàn về mặt sức khoẻ.


 
Nhà Thờ Chính Tòa Đức Bà Sàigòn
 
Đây là Vương Cung Thánh Đường Chính Tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
 

Mặt trước Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn với tượng Nữ Vương Hòa Bình
 
Trong thời gian hai tuần lễ đầu, tôi ở gần Nhà Thờ Đức Bà nên mỗi sáng sớm, tôi tham dự Thánh Lễ lúc 5 giờ 30 sáng ở đây. Vào thời điểm đó, xe cộ qua lại thưa thớt, không khí còn trong lành, ít bụi bặm. Mặc dù còn sớm, nhưng số người tham dự Thánh Lễ cũng khoảng trên dưới hai trăm người.
 
Tôi đặc biệt lưu ý tới vài chục em thanh thiếu niên nam, tham dự Thánh Lễ rất sốt sắng. Ban đầu tôi tưởng đó là những em dự tu của một hội dòng nào. Sau khi dò hỏi, một nữ tu cho tôi biết đó là các em nghèo ở quê, được các sư huynh nuôi cho ăn học.
 
Chim trời không gieo không vãi.
 
Mỗi sáng, sau khi tham dự Thánh Lễ, tôi hay tản bộ dưới Thánh Tượng Đức Mẹ để cầu nguyện. Thông thường có vài nữ tu hay những bà lớn tuổi đứng hay quỳ và lần hạt.
 
Điểm làm tôi lưu ý là có hai người đàn ông – một lớn tuổi và một trung niên. Mỗi sáng mai, người đàn ông trung niên đi xe gắn máy, còn người lớn tuổi đi xe đạp. Họ mang thức ăn cho đàn chim bồ câu bay quanh quẫn trong quảng trường đó. Khi được hỏi lý do tại sao mỗi sáng mai đều mang thức ăn cho đám chim bồ câu thì người đàn ông trung niên trả lời vì thấy chúng đói khát tội nghiệp.


 
Liên tưởng đến Phúc Âm của Thánh Mátthêu (đoạn 6): “Hãy xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho, thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng”, tôi hỏi anh đó có phải là tín hữu Công Giáo không? Anh trả lời không và nói thêm: “Đạo nào cũng tốt, dạy làm điều phải!” Tôi cười nói: “Như vậy, kiếp trước anh thiếu nợ mấy con chim bồ câu nầy nên kiếp nầy anh phải trả!” Anh không nói gì và chỉ cười.
 
Ngồi xe lăn bán vé số
 
Trên đường về khách sạn, một buổi sáng sớm, mới hơn 6 giờ, tôi thấy một anh ngồi xe lăn bán vé số, trong lúc xe cộ qua lại thưa thớt. Tò mò, tôi ghé lại hỏi thăm thì được biết anh ta ở quận Bình Thạnh (tức tỉnh Gia Định trước đây). Mỗi sáng mai, anh ngồi xe lăn và di chuyển từ đó đến đây để bán vé số và xế trưa thì đi xe lăn về nhà ăn uống, nghỉ ngơi.
 
Đây là chiếc xe lăn được Dòng Chúa Cứu Thế trao tặng cho anh ba tháng qua. Trước đây, anh phải đi xe ôm mất VN$10,000.00. Anh bị thương trước 1975, bị cưa một chân còn chân kia phải mổ, để lại những vết sẹo khá lớn.


 
Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sàigòn
 
Một buổi sáng, tôi đi bách bộ từ khách sạn đến đại lộ Nguyễn Đức Thắng (tức đường Cường Để cũ), ghé thăm Trung Tâm Mục Vụ và Đại Chủng Viện Thánh Giuse, đồng thời kính viếng mộ phần Đức cố Tổng Giám Mục Phaolồ Nguyễn Văn Bình, ở nơi cung thánh, trước bàn thờ.
 

Nhà nguyện Đại chủng viện Thánh Giuse Sàigòn
 
Khi tôi đang viếng mộ phần thì tiếng chuông ngân lên, điểm 12 giờ trưa, tôi vội ra khỏi nhà nguyện. Lúc đó, Đức Hồng Y Mẫn từ một ngôi nhà lớn, chống gậy đi ra, chậm rãi bước vào nhà cơm, một linh mục trẻ đi theo bên cạnh. Thấy ngài, tôi cất tiếng chào: “Thưa Đức Hồng Y”. Có thể ngài không nghe thấy nên cứ chậm rãi, chống gậy bước đi.
 
Lúc bấy giờ các thầy cất tiếng đọc kinh “Truyền Tin”, xong đi xuống lầu, vào nhà cơm, trong thường phục, chứ không mặc áo dòng. Nhìn các thầy, tôi liên tưởng đến hai câu thơ sau đây của Hàn Mặc Tử, trong bài thơ “Mùa Xuân Chín”:
 
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
 Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi.”
 
Bỗng nảy sinh trong đầu óc tôi hai câu thơ sau đây:
 
Biết đâu trong các chủng sinh ấy,
 Có thầy rồi đây Giám Mục, Hồng Y.”
 
“Hậu sinh khả úy” là thế đấy!
 
Đức Mẹ Fatima Bình Triệu
 
Bốn mươi năm về trước, vào một buổi chiều trong tuần lễ dầu sôi lửa bỏng trước ngày 30/4/1975, tôi tản bộ lên Đền Thánh Đức Mẹ Fatima Bình Triệu để cầu xin Đức Mẹ cho tôi đem gia đình ra khỏi VN bằng yên vô sự. Và Đức Mẹ đã nhậm lời!
 
Trong dịp về VN lần nầy, tôi đã được anh bạn chở xe gắn máy lên kính viếng Đức Mẹ Fatima Bình Triệu. Tôi ghé vào một quán bán hoa bên đường và mua một bó huệ trắng, đem vào đặt dưới bàn thờ để tạ ơn Đức Mẹ. Vào giờ đó, tuy đã gần xế chiều, nhưng một số người cũng đem hoa dâng cúng Đức Mẹ như tôi. Thật cảm động!
 

Đền Đức Mẹ Fatima Bình Triệu
 
Khu vực Đền Thánh nầy đã thay đổi rất nhiều so với 40 năm về trước. Những đồng ruộng quanh đó nay đã biến thành khu gia cư, không còn nét hoang sơ như thuở nào.
 
Ngoài đường đi vào, cạnh xa lộ, một tháp chuông vẫn còn đứng sừng sững, mặc dù một phân khoa đại học đã được xây cất lên, nhưng người ta không thể nào phá bỏ tháp chuông đó được nên đành để lại, như một di tích!
 
Đền Thánh Đức Mẹ Fatima Bình Triệu là nơi Đức Ông Simon Nguyễn Văn Lập an ngụ từ trước 1975 cho đến khi ngài qua đời.
 
Viếng mộ Đức Ông Simon Nguyễn Văn Lập (6/6/1911-19/12/2001)
 
Vào thập niên 1950, hồi đó LM Simon Nguyễn Văn Lập là giáo sư Thiên Hựu Học Đường (Institut de la Providence) Huế và tôi là một học sinh nội trú lớp septième ở đây. Mỗi tuần, ngài nhờ tôi chép một đoạn trong cuốn Nhật Ký của chị Têrêxa Quật Hồng, cháu của cố LM J.M. Nguyễn Văn Thích, để đăng vào tạp chí “Vinh Sơn” của ngài.
 

Đ. Ô. Simon Nguyễn Văn Lập
 
Cuốn Nhật Ký đó có những nét tương tự như quyển Nhật Ký “Một Tâm Hồn” của chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Tôi chỉ còn nhớ vài câu với ý nghĩa thật sâu sắc. Sau nầy tôi muốn tìm đọc quyển Nhật Ký đó của chị Têrêxa Quật Hồng, nhưng kiếm không ra. Hình như chị viết cuốn Nhật Ký đó khi nằm trên giường bệnh ở Bệnh Viện Bài Lao (?) Huế, trước khi qua đời.
 
Đức Ông Simon Nguyễn Văn Lập là Viện Trưởng thứ hai của Viện Đại Học Đalat, kế thừa Đức Cha Trần Văn Thiện. Sau Đ. Ô. Lập là Cha Nguyễn Văn Lý. Khởi đầu, Viện chỉ có các phân khoa Sư Phạm, Văn Khoa và Khoa Học. Từ thời Đ. Ô. Lập, Viện mở thêm phân khoa Chính Trị Kinh Doanh.


Đi thăm Nhơn Trạch
 
Vào một buổi chiều mát trời, anh bạn chở tôi đi Nhơn Trạch viếng mộ cha Gérard Phạm Anh Thái ở Giáo Xứ Vĩnh Phước.
 
Cha Phạm Anh Thái vốn bà con với tôi: bà ngoại tôi và thân mẫu của cha Thái là hai chị em ruột. Vì vậy tôi gọi ngài bằng cậu.
 
Cha Thái xuất thân là linh mục dòng Phanxicô, ở Tu Viện Nha Trang. Vào khoảng trước hay sau năm 1965, ngài xuất dòng và làm linh mục triều.
 
Ban đầu, ngài thi hành mục vụ ở Cù Lao Giêng thuộc tỉnh Vĩnh Bình. Về sau, ngài được thuyên chuyển làm quản xứ Giáo Xứ Vĩnh Phước (1975-1996) và kiêm quản nhiệm Xứ  Nghĩa Hiệp (1994-1996) ở Nhơn Trạch.
 
Khoảng thời gian 1970, nhân dịp cha Thái lên Sàigòn vì công việc riêng và tôi được gặp lại ngài: đó là lần cuối!
 
Qua anh bạn, tôi được biết, cha Phạn Anh Thái đã dạy Giáo Lý Dự Tòng và ban Bí Tích Rửa Tội cho bà xã của anh, vốn là một Phật tử thuần thành. Và ngài cũng đã tham dự lễ cưới của anh chị.
 
Sau nầy tôi được tin ngài bị tử nạn khi đang coi sóc thợ thuyền xây nhà thờ Xứ Nghĩa Hiệp. Giáo dân Nghĩa Hiệp muốn lo hậu sự và an táng ngài tại đây. Nhưng giáo dân Giáo Xứ Vĩnh Phước đòi đưa ngài về an táng ở Vĩnh Phước vì ngài là chánh xứ ở đây. Cuối cùng Đức Giám Mục Giáo Phận Xuân Lộc phân xử đưa thi hài ngài về an táng ở Vĩnh Phước.
 
Mộ ngài nằm trước tiền đường nhà thờ Giáo Xứ Vĩnh Phước, như dấu chỉ sự hiện diện trường tồn của ngài đối với Giáo Xứ và giáo dân: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15, 13).
 
 
Sau khi cầu nguyện trước mộ ngài lúc xế chiều, chúng tôi đã ra về trong bùi ngùi xót thương. Trên đường về, chúng tôi đã ghé thăm Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý.
 
Khoảng năm 1960, tôi có dịp đi thăm Đan viện Phước Lý. Lúc bấy giờ Đan Viện đang còn khiêm tốn cả về cơ sở lẫn số tu sĩ. Những mái nhà trệt đơn sơ mà ở bên ngoài nội vi, người ta có thể thấy cảnh sinh hoạt của các tu sĩ trong những căn nhà đó.
 
Ngày nay, nội vị chứa đựng những nhà lầu khang trang với tường cao che kín mà tôi đoán số tu sĩ có phần đông đúc, chứ không ít ỏi như trước đây.
 
Mặc dù cơ sở to lớn, nhưng vào giờ đó – khoảng bốn năm giờ chiều – một sự thinh lặng tuyệt đối: không một tiếng động, không một bóng dáng tu sĩ. Đó là linh đạo đan tu!
 

Đan
Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý
 
Thương yêu và tha thứ
 
Vào một trưa thứ Bảy, tại một thánh đường nổi tiếng ở trung tâm thành phố Sàigòn, diễn ra buổi lễ an vị hài cốt của hai cụ thân sinh của một giới chức cao cấp trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Ngài vốn sinh trưởng ở miền Bắc. Trong thời điểm “cải cách ruộng đất”, ông cụ thân sinh của ngài bị đấu tố, sau đó bị tử hình và chôn ở ngoài Bắc. Còn bà cụ thân sinh của ngài di cư vào Nam năm 1954. Và ngài đi tu làm linh mục.
 
Sau nầy, cụ bà thân sinh của ngài qua đời và được an táng tại một giáo xứ ở Sàigòn. Nay vị linh mục đó là một chức sắc cao cấp của Giáo Hôi Công Giáo VN và ngài muốn di dời phần mộ hai cụ thân sinh về một nơi an khang hơn.
 
Di dời tro cốt của cụ bà ở Sàigòn không gặp khó khăn gì. Nhưng tro cốt của cụ ông không được cho phép di dời. Vì vậy người ta phải đào một lỗ sâu cạnh ngôi mộ rồi khoét đất vào tận quan tài và móc xương cốt ra, đem vào nam. Hiện tại ngôi mộ cũ đó vẫn còn y nguyên ở ngoài Bắc, nhưng trở thành ngôi “mộ gió”. Thật cảm động khi vị giáo sĩ cao cấp đó cho những người thân đến dự lễ qui lăng được biết là cụ ông và cụ bà – kẻ Bắc người Nam – nay được “Châu về Hợp Phố”, sau hơn 60 năm!
 
Điểm đặc biệt ở vị giáo sĩ cao cấp nầy là kể từ 1975 về sau, ngài sinh hoạt một cách hài hòa, từ Bắc chí Nam, cho đến đỗi có người đã tặng cho ngài danh xưng “quốc doanh”, nhưng ngài vẫn vui vẻ hiền hoà với mọi người, theo đúng tinh thần của Thánh Phanxicô thành Assissi, qua “Kinh Hoà Bình”:
 
Lạy Chúa từ nhân,
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa
Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục
Ðem an hòa vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan,
chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
Ðể con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm,
đem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa xin hãy dạy con:
Tìm an ủi người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết.
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con,
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.
 
Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Chí Hòa
 
Vào một buổi chiều trong tuần, tôi được anh bạn chở đi thăm “Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Chí Hòa”.
 

Nhà hưu dưỡng các Linh Mục, Giáo xứ Chí Hòa
 
Đây là Nhà Hưu Dưỡng dành cho các Linh Mục Tổng Giáo Phận Sàigòn, nằm sau khuôn viên nhà thờ Giáo Xứ Chí Hòa. Vì vậy, được gọi là Nhà Hưu Dưỡng Chí Hòa. Đây là nơi cư trú của các linh mục khi đến tuổi về chiều hoặc đau yếu.
 
Hiện nay, có khoảng trên dưới 15 linh mục đang nghỉ dưỡng tại đây. Một soeur phụ trách về mặt hành chánh cùng 2 soeurs quản lý và 6 người phục dịch lo chăm sóc, nấu nướng, giặt giũ đến chăm nom vườn cảnh chung quanh Nhà Hưu Dưỡng. Bên cạnh dãy Nhà Hưu Dưỡng là quảng trường Đức Mẹ La Vang Giáo Xứ Chí Hòa, có hoa viên vườn cảnh, những cây cao lớn phủ đầy bóng mát, những chiếc ghế đá...
 
Trong khu Hưu Dưỡng, có nhà nguyện chứa khoảng hơn 100 người, văn phòng làm việc của các soeurs, nơi tiếp các khách đến thăm. Nếu khách muốn thăm riêng linh mục nào thì được hướng dẫn đến phòng riêng của linh mục đó. Nơi các cha ở là khu nhà lầu một tầng, trên 30 phòng. Cha nào khỏe mạnh, còn đi lại được thì ở trên lầu; cha nào đau yếu, di chuyển khó khăn thì ở các phòng tầng trệt. Mỗi cha một phòng tương đối rộng rãi và tiện nghi.
 
Các soeurs cho biết, tuy tuổi cao, sức khỏe kém lại hay đau yếu, nhưng cứ 5 giờ sáng, các cha tập trung tại Nguyện Đường Nhà Hưu Dưỡng để dâng thánh lễ đồng tế, kể cả các linh mục phải ngồi xe lăn vẫn sốt sắng tham dự, chỉ trừ các cha không thể ngồi dậy được. Thánh lễ thật đơn giản nhưng trang nghiêm, hình ảnh các cha: người còn mạnh khỏe, người tóc đã bạc trắng, người hom hem, lưng còng trong bộ áo lễ đang nhẹ nhàng chậm rãi cử hành các nghi thức Phụng Vụ một cách kính cẩn.
 
Người bạn chở tôi đến đây, quen biết một cha cựu tuyên úy không quân trước 1975. Ngày nay ngài đã suy yếu, đứng lên ngồi xuống khó khăn, ngoài ra mắt nhìn không rõ, tai nghe không được, thật tội nghiệp! Nhưng ngài vẫn cố vui cười với khách đến thăm.

 

Tác giả: Đỗ Tân Hưng AN49

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây