Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Một Thoáng Quê Hương. Phần 7: Gởi lại cho người Quảng Thuận

-

-

“Người Quảng Trị vào vùng Ninh Thuận, miệt mài xây dựng một địa danh, tên là Quảng Thuận bao thân thương đang luôn vươn lên như muôn hoa thơm trên quê hương…” Tâm tình đó là đoạn nhạc mở đầu trong ca khúc “Gởi lại cho người Quảng Thuận” mà tôi viết trước khi đặt chân lên mảnh đất thân thương và tràn đầy sức sống này.
MỘT THOÁNG QUÊ HƯƠNG
Phần 7: Gởi lại cho người Quảng Thuận
 
Địa danh Quảng Thuận
 
Người Quảng Trị vào vùng Ninh Thuận,
miệt mài xây dựng một địa danh,
tên là Quảng Thuận bao thân thương
đang luôn vươn lên như muôn hoa thơm trên quê hương…
 
Tâm tình đó là đoạn nhạc mở đầu trong ca khúc “Gởi lại cho người Quảng Thuận” mà tôi viết trước khi đặt chân lên mảnh đất thân thương và tràn đầy sức sống này. Cách Quốc Lộ 1 chừng 30 cây số về hướng Tây, trải dài khoảng 2 cây số trên Quốc lộ 27, Quảng Thuận đang phát triển về nhiều mặt: Văn hóa, kinh tế và Ơn Gọi...
 
Trước mùa hè năm 1972 chưa có tên Quảng Thuận. Lịch sử hình thành của nó gắn liền với những kẻ di dân tìm tự do. Lịch sử khai sinh miền đất hứa này với mức độ hào hùng mà chỉ những kẻ trong cuộc mới đánh giá đúng mức.
 
Chúng ta cùng cố gắng trải nghiệm phần nào niềm tự hào với bao nhiêu là giọt mồ hôi và nước mắt hy sinh của bà con mình đã đổ xuống. Vì vĩnh viễn giã từ quê Cha đất Tổ, mãi mãi là vết thương lòng sâu sắc, không phải bao giờ cũng là chuyện dễ dàng chấp nhận.
 
Khoảng hơn 10 ngàn người Quảng Trị vào đây lập nghiệp là con số vĩ đại của một tỉnh bé nhỏ địa đầu miền Trung. Cách riêng số lượng người công giáo ban đầu ở Quảng Thuận chiếm 98% đã tạo thành một giáo xứ hùng mạnh, đặc thù, của giáo phận Nha Trang và đức tin sống động ở tỉnh Ninh Thuận.
 
Phát xuất từ giáo xứ mẹ Quảng Thuận có chiều dài lịch sử 40 năm, cách đây trên dưới 10 năm, 3 giáo xứ con vững vàng đã được mọc lên như hương hoa thơm cho giáo phận Nha Trang. Đó là Hạnh Trí, Thạch Hà, Triệu Phong sát cánh với giáo xứ Quảng Thuận. Nguồn gốc, lịch sử và truyền thống gắn bó đã khiến ngày nay cái tên Quảng Thuận, dù đã chia thành 4 giáo xứ, vẫn cứ tồn tại và trở thành tên của một địa danh, nơi có hơn 15 ngàn giáo dân sinh sống.
 
Vinh dự cho Quảng Thuận là cha chánh xứ, một người con của Quảng Thuận, làm Hạt Trưởng và nhà thờ Quảng Thuận được Giáo phận Nha Trang chỉ định là một địa điểm hành hương trong Năm Thánh Đức Tin này.
 
Điểu tôi ngạc nhiên là hầu như mọi CCS Huế ở Quảng Thuận đều tài giỏi, trí thức và có bằng cấp, bên cạnh sự trung tín và ngoan hiền. Thật nhiều thầy CCS, giáo viên và hiệu trưởng. Có lẽ giòng máu tử đạo của tổ tiên Dinh Cát đã phù hộ cho con cháu hiếu học. Nhiều con cái của giáo xứ Quảng Thuận nay là linh mục, tu sĩ nam nữ, đông nhất so với các giáo xứ thuộc giáo phận Nha Trang. Lần đầu tiên trong lịch sử, có một người con của Quảng Thuận lấy được bằng tiến sĩ từ nước ngoài. Mang danh là vùng đất nông nghiệp, nhưng phố xá mọc đầy Quốc Lộ 27, dọc đường lên Tây Nguyên.
 





GX Quảng Thuận
 
Một chút lịch sử về Quảng Thuận
 
Trích sách Tôi Tớ Chúa ĐHY F.X. Nguyễn Văn Thuận do niên trưởng Lê Thiện Sĩ biên soạn và GĐ CCS Huế phát hành năm 2013, trang 58:

“Ngài là một đại ân nhân của các người di cư tỵ nạn chiến tranh trước năm 1975, đặc biệt những đồng bào lương giáo tỉnh Quảng Trị.
 
Bấy giờ, dưới sự chăm lo và chỉ đạo của Đức cha Thuận, Giám mục Nha Trang, mọi người gốc Trí Bưu, Hạnh Hoa, Thạch Hãn, An Lộng, Đại Lộc, Dương Lộc, Dương Lệ, Ngô Xá, Đông Hà…đã chung sức chung lòng, đồng tâm nhất trí xây dựng nên Quảng Thuận ổn định về mọi mặt.”
 
Theo sách trên ở trang 60, Đức Ông Phan Văn Hiền, nghĩa tử của ĐHY đã ghi lại trong tập sách Cha Tôi: “… Ủy Ban Phát Triển của HĐGMVN thành lập một cơ quan chuyên biệt để đẩy mạnh vấn đề định cư và phát triển được gọi là COREV (Co-Operation of Reconstruction of South Vietnam). Cơ quan này được giao cho Đức cha F.X. Nguyễn Văn Thuận chịu trách nhiệm điều hành và phối kết, có trụ sở tại 123 Bà Huyện Thanh Quan, Quận 3, Sàigòn.”
 
Lm Giuse Đỗ Bá Ái đã có công lớn trong việc tìm địa điểm và dẫn dắt bà con vào đây, với sự cọng tác hết sức nhiệt tình của quý cha Bùi Chung, cha Đoàn Quang Hàm…

 



Cha Giuse Đỗ Bá Ái mừng Ngọc Khánh Linh mục, và
Cha Giacôbê Bùi Chung mừng Kim Khánh Linh Mục (29-30/5/2011) tại giáo xứ Quảng Thuận.
 
Một vị niên trưởng lão thành là thầy Nguyễn Văn Nghiêm AN37, thân phụ của các anh Duy Sinh, Vinh Sơn, Bảo Lộc, An Phong, Gioan Ninh, từng làm Trưởng Ty CSQG Kontum, đã sát cánh với cha Đỗ Bá Ái trong mọi lãnh vực quản trị, tổ chức, chăm nom bà con từ tinh thần đến vật chất. Từ đó, Quảng Thuận đã dần dần phát triển.
 
Nhờ lời cầu bàu của Hiền mẫu La Vang, xin Chúa thưởng công cho những vị đã hy sinh lao nhọc, quảng đại phục vụ và dựng xây Quảng Thuận, như quý cha Đoàn Quang Hàm, thầy Nguyễn Văn Nghiêm… được hưởng Thánh Nhan Chúa muôn đời.
 
Thánh lễ cầu nguyện cho anh em lớp PX61
 
Tôi đến Quảng Thuận vào nửa đêm thứ Sáu 01-3-2013. Chuyến tàu SE từ Huế vào Tháp Chàm dừng chân ở nhiều trạm, lý do đường sắt chưa được phát triển, phải dừng lại để tránh tuyến tàu ngược chiều. Điều này rèn luyện tôi đức tính nhẫn nhục.
 
Theo vần ABC từ chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ học trong chủng viện mà lớp tôi bắt đầu bằng Ảnh, Bường, Cả, Cần, Công…nên tôi rất gần gũi và nhớ nhiều kỷ niệm về chú Công Cheminée đen và cao này. Đúng là anh Công vừa đen vừa có em ruột là Lm Lê Minh Cao đang là chánh xứ Quảng Thuận. Anh Lê Minh Công cùng lớp PX61 và anh Lê Văn Hùng, Trưởng BĐD vùng Nha Trang-Ninh Thuận đã về tận sân ga Tháp Chàm (cách Quảng Thuận hơn 30Km) đón chúng tôi về tạm trú tư gia anh Hùng nửa đêm đầu tiên.
 
Dù quá khuya, anh em chúng tôi vẫn dành cho nhau thì giờ tâm sự, nói nhiều về sinh hoạt CCS, cách riêng website của chúng ta. Nhìn vào các biểu đồ, thống kê, tôi giựt mình khi thấy web CCS Huế là đơn vị  được lọt vào top 50, được xếp thứ 3 trên thế giới với từ khóa “ĐHY F.X. Nguyễn Văn Thuận”, vị ân sư và là cha Bề Trên TCV Phú Xuân và Hoan Thiện, chỉ đứng sau Google và Facebook.
 
Trước khi về thăm quê hương, anh Nguyễn Hoàng PX61 ở Oklahoma gọi điện hỏi:
 
- Cả, sao lớp mình không xin lễ cầu hồn cho cha Lê Đăng Ảnh?
 
- Có chứ, ít bữa nữa mình về Quảng Thuận sẽ xin lễ cho ngài và anh em lớp mình.
 
Rồi anh Nguyễn Văn Lũy PX61 ở Texas cũng lại gọi tôi với câu hỏi tương tự. Sau khi về lại Denver, anh Hoàng Đức Tuấn PX61 ở Kansas gọi điện thoại trách móc:
 
- Sao cậu về Quảng Thuận mà không báo cho mình biết?
 
…Cứ thế, anh em chúng ta thường nhớ nhau và sẳn sàng giúp đỡ lẫn nhau dưới nhiều hình thức.
 
Sáng hôm sau lúc 9 giờ, cha chánh xứ Lê Minh Cao HT67 dâng thánh lễ cầu nguyện cho anh em lớp PX61 đã qua đời nơi Nhà Nguyện nhỏ. Hiện diện trong thánh lễ gồm có các anh PX61 Lê Minh Công, Lê Quyền, Võ Minh Trung, Nguyễn Hồng Lạc, Nguyễn Cả, quý phu nhân và các anh Lương Luân, Lê Văn Hùng trong BĐD vùng Nha Trang - Quảng Thuận.
 
Bài phúc âm tôi ghi nhận được là dụ ngôn về câu chuyện Đứa con hoang đàng mà tôi thích nhất. Vị trí nào cũng phù hợp với tôi, từ đứa con hoang đàng tội lỗi bao lâu nay muốn quay bước trở về. Người anh trai ganh tỵ như tôi biết bao lần chủ quan, thiếu đức khiêm nhượng. Và Chúa dạy chúng ta hãy nên người cha nhân hậu, khoan dung và giàu lòng thương xót. Xét mình, có bao giờ tôi chu toàn bổn phận?
 
Những hình ảnh của anh em bạn bè đã nằm xuống: Lm Giacôbê Đỗ Bá Đăng, Lm Mario Lê Đăng Ảnh, Phạm Quang Vinh, F.X. Nguyễn Thanh Châu tự Kennedy…đang cần lời cầu nguyện của chúng ta. Nguyện xin Thiên Chúa mở lượng hải hà ban cho các bạn bè sớm vể chốn phúc vinh Quê Trời.
 







 
 
Sinh hoạt với anh em vùng Quảng Thuận
 
Đây là cơ hội thuận tiện cho chúng tôi gặp gỡ anh em Quảng Thuận. Anh thủ quỹ Nguyễn Ngọc Hiến HT66, một vị hiệu trưởng lâu năm cũng như anh Trần Công Trường HT71…, làm MC và mở đầu chương trình với một lời ca của tôi:
 
Ai tha phương xin nhớ quay về,
Thăm thôn xưa bạn cũ hương quê…
 
Đúng là bậc thầy, anh Hiến ăn nói vô cùng khéo léo và nhã nhặn, thu hút anh chị em ngồi lắng nghe.
 
Không những tôi đã về, đã đến mà còn mời gọi anh em cùng về, cùng đến nơi đây để san sẻ tâm tình cùng bạn bè xưa cũ. Vì trong mọi thứ tình thì tình huynh đệ vừa bình đẳng, vừa có chiều sâu, trải rộng và vô vị lợi. Đồng thời thể hiện lời Chúa dạy là hãy yêu thương nhau như Thầy đã thương yêu các con.
 
Đó là định hướng của sinh hoạt CCS mà chúng ta cần người dẫn đường. Không ai xứng đáng hơn vị ân sư, cha Bề Trên F.X. Nguyễn Văn Thuận. Nhưng đáng tiếc, chúng ta thường có thói quen vọng ngoại nên vô tình ít học hỏi và chưa hiểu nhiều linh đạo tuyệt vời của ngài.
 
Tôi muốn chia sẻ với các bạn tại Quảng Thuận về 3 điểm chiến lược của CCS là giúp đỡ nhau mặt tâm linh, tinh thần và vật chất. Linh đạo của TTC ĐHY cũng có 3 điểm then chốt là Thánh hóa bổn phận, kết hợp với Chúa, Mẹ Maria và sống đời cầu nguyện. Bấy nhiêu thôi, thiết tưởng cũng đủ giúp chúng ta an vui hạnh phúc sống tốt giữa đời.
 
Chúng con xin chân thành cám ơn cha Võ Quý, quản xứ Phan Rang-Tháp Chàm và là Trưởng Miền Ninh Thuận, cha Hạt trưởng Lê Minh Cao chánh xứ Quảng Thuận, và cha Lê Văn Hải quản xứ Sông Pha đã đến tham dự buổi mạn đàm với chúng con. Thật quý hóa khi các cha luôn luôn hiện diện, hỗ trợ anh em CCS chúng con mọi mặt.
 

Cha Võ Quý, cha Lê Minh Cao, cha Lê Văn Hải tham dự


Anh Nguyễn Ngọc Hiến HT66 giới thiệu


Anh Nguyễn Cả chia sẻ


Anh Lê Văn Thường PX53 phát biểu


Hình 430: Trần Công Dương HT67 phát biểu




 
Bữa ăn thân mật
 
Dù bây giờ đã vào kỷ niệm, nhưng tôi muốn nhắc lại những món ăn đặc sản quê hương trên vùng đất này: Lươn um, ếch lăn bột, chim se sẻ chiên, heo rừng quay tái, lẫu cá bốp, cầy tơ hon… Chắc chắn đây không phải là thực đơn hằng ngày của anh chị em.
 
Đã không nâng thì thôi
Nâng một lần thì hết một ly…
 
Từng tiếng hát nhịp nhàng và thân tình vui nhộn của anh em nơi bàn này bàn nọ. Dù tôi không có tài ăn nói và ca hát, nhưng tôi có tâm hồn mở rộng và sẳn sàng đón nhận. Nơi bàn ăn, bàn nhậu cũng là nơi bàn thảo, bàn luận thuận tiện cho chúng ta bộc lộ tâm tư hầu cảm thông nhau, yêu thương nhau, khắng khít bên nhau nhiều hơn.
 
Có ít nhất mười mấy phu nhân hiện diện, sát cánh với phu quân trong mọi cuộc tổ chức. Quý hóa hơn là có mấy cây viết nữ như Lê Thị Bạch Vinh (Nhã Tâm), Nguyễn Thị Ánh Hồng,…thỉnh thoảng cọng tác bài vở trên trang website CCS chúng ta.
 
Quảng Thuận là nơi anh em sinh hoạt đều đặn, luôn hiệp nhất bên nhau là một nét đẹp đặc thù, là bằng chứng hiển nhiên của đoàn kết. Bữa ăn là cơ hội tiếp xúc, gần gũi nhau và xóa bỏ lằn ranh mặc cảm. Quan trọng hơn, là nâng đỡ nhau mọi sự trong cuộc sống hằng ngày.
 







Bữa ăn thân mật




Tại nhà anh Lê Minh Công


Tại nhà anh Lê Văn Hùng
 
Giã từ Quảng Thuận
 
Chuông thánh đường đổ ngân vang lúc 4 giờ sáng, báo hiệu giáo hữu đến đọc kinh cho thánh lễ chủ nhật lúc 5 giờ. Nếu đức tin không việc làm là đức tin chết, thì việc thức dậy sớm đã là một biểu lộ mạnh mẽ đức tin.
 
Tôi vào nhà thờ để tạ ơn Chúa, để ngợi khen tôn vinh Thiên Chúa đã thương ban cho tôi được đến đây an bình, thắm tình huynh đệ với anh em. Bài giảng cây vả khô mà Chúa còn chờ đợi mùa đâm bông kết trái vào năm sau, cũng là ân phúc cho tôi có thêm thời gian để kịp thống hối ăn năn quay trở về với Ngài.
 
Chưa trọn hai đêm một ngày đến đây, chưa kịp nói cho xong một câu chuyện ngắn, tôi đã vội chia tay. Hy vọng sự gặp gỡ trong thoáng chốc cũng đã nói lên một điều gì đó tốt đẹp, tùy người cảm nghiệm. Thiết tưởng khi chúng ta chỉ trao cho nhau một nụ cười, một cú bắt tay, là đã trao cho nhau trọn vẹn tình thương.
 
Chuyến xe ca loại giường nằm 2 tầng đã sẳn sàng đưa tôi đi, bịn rịn vì biết ngày nào tái ngộ. Xin cám ơn tất cả, những con người và tấm lòng quý báu. Cám ơn một khung trời quê hương đang tràn đầy sức sống. Cám ơn quý cha, anh chị em, các anh chị Lê Minh Công và Lê Văn Hùng…và trong ký ức các cháu Phương Loan, Lào, Cào, Tụm…
 
Giã từ Quảng Thuận, còn đọng lại trong tôi hình ảnh cuối cùng thật ấn tượng bên tách càfé với các anh Nguyễn Ngọc Hiến, Lê Minh Công, Nguyễn Bảo Lộc…như đại diện cho BĐH, cho bạn bè cùng lớp và anh em nơi đây. Ôi đẹp thay những đôi mắt xa vắng. Hãy luôn cầu nguyện cho nhau.
 
Ta thương nhau xin mấy kinh cầu
Ta bên nhau nguyện ước mai sau
Chốn phúc vinh nhiệm mầu…
 





Nhà thờ Quảng Thuận lúc 4:30 AM


Anh chị Trần Công Trường HT71


Xe ca 2 tầng giường nằm


Các anh Nguyễn Bảo Lộc, Nguyễn Ngọc Hiến, Lê Minh Công

Kính mời xem thêm một số hình ảnh liên quan:   BẤM CHUỘT VÀO ĐÂY.
 
Nguyễn Cả PX61
(còn tiếp)

Tác giả: Nguyễn Cả PX61

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây