Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Lời Cuối Cho Anh

-

-

Cuộc đời anh có quá nhiều người mộ mến, không chỉ vì kiến thức, nhưng vì cả cuộc đời anh như ôm trọn những nét Chân-Thiện-Mỹ, là ân ban của Thiên Chúa cho thế hệ hôm nay. Anh đã ý thức được điều này nên đã chọn khẩu hiệu: “Cho thì có phúc hơn là nhận”, bởi vì anh đã nhận quá nhiều và tất cả những gì anh có đều là bởi từ Thiên Chúa.
Lời Cuối Cho Anh
 
Nếu nói về sự gần gũi với anh Bênêđictô Nguyễn Hưng HT65 trong thời gian lưu lạc, ‘cù bất cù bơ’ trên đất Sàigòn sau biến cố 1975, thì phải kể đến Nguyễn Hùng Dũng HT71, anh Phêrô Nguyễn Huệ HT69… và một số anh em khác tại Sàigòn.
 
Năm 1985, tôi mới vào Sàigòn để học về điện tử. Biết tôi có mặt tại Sàigòn, anh em kéo tôi về Lô K Cư xá Thanh Đa trong ngày họp mặt mừng kính Tôma Thiện, tại đây tôi lần đầu tiên gặp anh Nguyễn Hưng và khoảng chục anh em khác sau nhiều năm xa cách.
 
Ấn tượng đầu tiên đối với anh Hưng trong lần gặp mặt này, đó là một con người lạc quan, thích kể chuyện tiếu lâm. Anh say sưa kể nhiều chuyện tiếu lâm để anh em cười, thế là quên hết những nhọc nhằn, tất tưởi của cuộc sống lang bạt. Hùng Dũng thì đạp xích lô (nói cho oai là làm ‘dân biểu’, người dân biểu đi đâu thì đi đó!), anh Huệ (hiện là Lm Nguyễn Huệ) chuyên đi bỏ mối ‘bu-loong’, hàng ngày chiếc xe đạp cọc cạch chạy từ chợ này sang chợ khác… Anh Huệ còn kéo tôi về giới thiệu một căn gác xép người ta cho ở ‘ké’, khoảng 9m vuông, trong đó 4-5 anh em (trong đó có anh Hưng) làm chỗ ngả lưng qua đêm, tôi cũng ngủ lại đó một đêm, đến sáng ra thì mỗi người một nẻo đi tìm kế mưu sinh…Hùng Dũng đã diễn tả cuộc sống và tình cảm anh em lúc này một cách rất tượng hình: chia nhau một điếu thuốc chỉ đủ cho mỗi người rít được 2 hơi.
 
Tôi chỉ gần gũi hơn với anh Hưng từ năm 1995, khi cha quản xứ tôi bắt đầu tiếp cận với máy vi tính. Cha Giuse Võ Quý PX61 là một trong những người đầu tiên tại Ninh Thuận tiếp cận được với những tiến bộ khoa học trong việc điều hành giáo xứ. Thế là ngài cử tôi vào Sàigòn học cấp tốc 1 tháng để biết sử dụng vi tính trong công việc văn phòng. Cái máy tính đầu tiên của giáo xứ là cái Intel 386 với cái máy in kim có ‘ru-lô’ dài gần nửa thước. Mỗi lần đặt giấy vào bấm lệnh ‘print’ thì đi làm việc gì đó một hồi mới in xong trang giấy.
 
Có dùng thì có hư hỏng. Hồi đó tại Ninh Thuận làm gì có chỗ sửa máy tính! Thế là cha Võ Quý sai tôi ôm máy vào anh Hưng. Lúc này anh Hưng đã là ‘chuyên gia’ sử dụng và sửa chữa máy tính cho cả địa phận Xuân Lộc. Muốn gặp anh phải điện thoại hẹn trước, vì anh liên tục đi hướng dẫn và sửa máy tính cho các cha và cả giáo dân. Từ Ninh Thuận chỗ tôi vào đến Xuân Lộc khoảng 300 km.
 
Ngày nay, công nghệ máy tính tiến quá nhanh nên ít ai có thể hiểu được sự vất vả khi sửa chữa cài đặt máy tính Intel 386, vì tất cả đều phải sử dụng các dòng lệnh. Thế nhưng anh Hưng làm việc đó với tất cả say mê, tìm tòi, học hỏi… Tôi khoái cái phong cách của anh Hưng. Mỗi khi gõ xong một dòng lệnh, bàn tay phải anh đưa lên cao, các ngón tay uốn cong lại như đang múa, bỗng hạ nhanh xuống, ngón giữa đập vào nút Enter nghe cái cạch hết sức nhẹ nhàng, miệng cười, hai bên khóe miệng kéo dãn ra, để lộ một tiếng ‘hít’ dài bày tỏ sự hài lòng. Thế nhưng mỗi khi bị ‘bad command’, tôi thấy hai tay anh đưa lên, miệng anh há ra, buột lên tiếng ‘ái chà’.
 
Cái phong cách đó đã truyền qua tôi, làm tôi cũng chìm vào đam mê như anh. Tôi bắt đầu hỏi anh Hưng về phần cứng, phần mềm, về những khó khăn…anh vừa làm vừa trả lời. Đột nhiên anh quay sang hỏi: “Hay là cậu vào đây ở lại vài tuần, tớ chỉ cho, về mà giúp cho các Đấng”.
 
Tôi rất quan tâm nhưng hơi băn khăn. Liệu tôi có thể bỏ công việc nhà, công việc làm ăn, gia đình… để bước vào một công việc hoàn toàn xa lạ (tôi đang làm nghề sửa chữa điện tử)! Tuy không thể gần gũi học hỏi ở anh tất cả, nhưng qua nhiều lần cha quản xứ sai mang máy vào nhờ anh sửa, hỏi han trao đổi với anh, trực tiếp cũng như qua điện thoại, tôi cũng học được rất nhiều.
 
Sau này tôi nghiệm ra, tôi bước vào lãnh vực công nghệ thông tin, máy tính với niềm đam mê, chính khởi đầu từ sự đam mê của anh truyền qua tôi. Anh Hưng chính là người thầy đầu tiên của tôi trong lãnh vực vi tính, một người thầy không chỉ về kiến thức, về kinh nghiệm, nhưng hơn hết, là người đã truyền cho tôi cái cảm nhận sung sướng khi khám phá những điều chưa biết, nơi chân trời rộng mở. Truyền đạt về kỹ thuật thì rất nhiều người làm được, nhưng truyền cái đam mê thì chỉ có anh Hưng là người thầy tôi tâm đắc nhất.
 
Không biết với công việc bề bộn như thế, anh Hưng lấy đâu ra giờ để đọc sách? Vậy mà nghe đâu có một người bạn cũng là một chuyên gia ở Mỹ, nghe tiếng anh Hưng, nên mang tặng anh mấy cuốn sách. Anh lướt xem một lượt rồi trả lời: “Mình có mấy cuốn mới hơn và hay hơn!” Anh lại kệ sách rút mấy cuốn sách đưa cho người bạn coi. Anh bạn này phải thốt lên một câu: Bái phục!

Cái kệ sách của anh thật lớn, gồm đủ mọi loại sách. Một lần thấy tôi say mê nhìn tựa đề những cuốn sách, anh nói: “Cậu coi cuốn nào cần thì cứ lấy mang về mà dùng”. Thế là tôi can đảm lựa một chồng, chủ yếu là sách Tin học. Có cảm giác như tôi hơi ‘ham hố’, nhưng hình như anh Hưng lại thích điều này, anh luôn cảm thấy hạnh phúc chia sẻ những gì mình có.
 
Một kỷ niệm lại đến với tôi. Trong một lần ở lại với anh tại giáo xứ Hà Nội. Chiều tối anh chở tôi về Biên Hòa trên chiếc Cub90, một cuộc hẹn chiêu đãi cuối tuần cho số thợ chạm được thuê từ Huế vào (thợ chạm cung đình nổi tiếng ở Huế), đang thực hiện chiếc bàn thờ cho giáo xứ nhân kỷ niệm 40 năm. Biết tôi không uống rượu được, nên khi ly rượu được chuyền đến tôi, tôi chỉ nhắp một chút, anh ‘rước’ giùm, và uống luôn cả ly của anh. Khi tiệc tan, có lẽ khoảng 9g tối, anh chạy như bay trên chiếc Cub90 chở tôi từ Biên Hòa về lại, vượt qua cả xe hộp, trong lúc trời mưa nhẹ. Tôi hoảng hồn, ngồi phía sau vừa lo vừa ăn năn tội. Rồi hai anh em cũng về đến nhà bình yên. Anh dắt tôi lên lầu để chỉ phòng cho tôi. Mũi giày của anh đập vào các bậc cầu thang nghe bộp liên tục, tôi biết anh đã say. Anh đi từ phòng này qua phòng khác để kiểm tra, cuối cùng đưa tôi vào một căn phòng rất tiện nghi, có máy điều hòa, giường nệm dày phủ drap mới coóng sạch sẽ, y như khách sạn vậy. Tôi ngủ một đêm ở đó. Sáng dậy, tôi nói với anh: “Phòng khách nhà xứ này sang trọng tiện nghi ghê!”. Anh trả lời: “Cậu biết phòng đó là phòng gì không? Đó là phòng dành riêng cho Đức Cha đó!”. Tôi hoảng hồn, căn phòng này nằm ngay trên đầu phòng của cha Sở, may là tôi không làm gì gây tiếng động lộp độp, nếu không cha Sở phát hiện thì gay to!
 
Hôm nay, anh Hưng đã ra đi mãi mãi. Đọc những dòng thông tin và tâm sự của nhiều người gửi đến, tôi đã nhiều lần cay xè đôi mắt, phải bỏ nửa chừng, vươn vai đứng lên, hít thở mạnh để chặn giòng cảm xúc luôn chực trào ra. Cuộc đời anh có quá nhiều người mộ mến, không chỉ vì kiến thức, nhưng vì cả cuộc đời anh như ôm trọn những nét Chân-Thiện-Mỹ, là ân ban của Thiên Chúa cho thế hệ hôm nay. Anh đã ý thức được điều này nên đã chọn khẩu hiệu: “Cho thì có phúc hơn là nhận”, bởi vì anh đã nhận quá nhiều và tất cả những gì anh có đều là bởi từ Thiên Chúa.
 
Nhớ anh và cầu nguyện nhiều cho anh.

Viết vội sáng 16-5-2012
 
Lê Văn Hùng HT69

Tác giả: Lê Văn Hùng HT69

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây