Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Kỷ Yếu HT67. Số Làm Thầy

-

-

Ngày nay, khi ra đường tiếp xúc với xã hội, mọi người đều thấy chung quanh đâu đâu cũng có số: Số nhà, số điện thoại, số áo, số quần, số giày, số dép… Riêng hắn cũng có một số. Đó là “số làm thầy”
SỐ LÀM THẦY

Ngày nay, khi ra đường tiếp xúc với xã hội, mọi người đều thấy chung quanh đâu đâu cũng có số: số nhà, số điện thoại, số áo, số quần, số giày, số dép… Riêng hắn cũng có một số. Đó là “số làm thầy”.
 

Sau ngày tĩnh tâm ở An Hảo, hắn trằn trọc trăn trở nhiều đêm không ngủ được. Cuối cùng hắn quyết định chia tay nơi mà hắn đã được sống, được đào tạo nhân cách để tung cánh bay vào cõi trời xa lạ. Tối hôm nọ, hắn vào gặp cha bề trên, trình bày thẳng thắn những nghĩ suy trong lòng từ bấy lâu nay, mong được bề trên giúp đỡ. Sau khoảng thời gian đối thoại khá lâu về khá nhiều chuyện, cha bề trên đi tới kết luận: “Thôi, để con có thời gian suy nghĩ kỹ hơn, cha đề nghị con nên đi giúp xứ một năm nhằm quyết định chín chắn hơn”.

Thế rồi, hắn được phân công về giúp xứ ở Truồi cùng với Lê Sáu, một người bạn cùng lớp, dưới sự giúp đỡ của cha Ngô Văn Nhơn.
 
Khi về giáo xứ Truồi, cha Nhơn đã tổ chức được hai lớp tiểu học, cách Truồi vài cây số, tại một họ lẻ và chỉ có lễ chủ nhật mà thôi. Thế là hai đứa chúng tôi được cấp hai chiếc xe đạp, ngày ngày rong ruổi trên con đường làng, đi đến trường để thực hiện nhiệm vụ dạy học. Số làm thầy cũng bắt đầu từ đó.

Sau biến cố 1975, sau khi về nhà được một thời gian, hắn trở lại Đại chủng Viện Xuân Bích. Lúc đó kinh tế vô cùng khó khăn, cha Anh làm quản lý cũng vất vả “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” cho cả chủng viện, gồm vài chục người ăn. Có lẽ vì vậy mà sau nầy Ban Giám đốc đã cho phân tán các thầy đi các vùng khác nhau để giúp các giáo xứ duy trì lòng đạo và cũng bớt được một số nhân khẩu. Trong lớp hắn có một số đi xa làm công tác mục vụ, số còn lại thì được đưa lên Ngọc Hồ lao động, một nơi hoang vắng, mới mẻ. Hằng ngày lao động cuốc đất làm ruộng, ăn uống đạm bạc, ngủ nghỉ trong lán trại bằng tre, như hướng đạo sinh cắm trại trong những lần sinh hoạt tập thể. Có hai cha trẻ sinh hoạt chung là cha Chánh và cha Hiệp, thỉnh thoảng cha giám đốc là cha Quý (Đại) ghé lên thăm, khuyến khích, động viên các Thầy nông dân. Sống được chừng một năm, hắn lại bỏ cuộc vì không thể tiến bước làm linh mục được, nên hắn giã từ nơi tập thể yêu thương, đoàn kết để trở về gia đình ở Cam Ranh tiếp tục công việc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” tạm thời chấm dứt nghiệp làm thầy tu.

Sau một thời gian làm ruộng, cuốc đất trồng khoai, hắn lại tiếp tục con đường học vấn tại trường Cao Đẳng Sư phạm Nha Trang. Vậy là số làm Thầy lại tiếp tục bám theo, vì lý do “nhạy cảm” hắn được đưa vào dạy ở tỉnh Thuận Hải, huyện An Sơn. Cũng nhờ vậy mà hắn thỉnh thoảng lên Quảng Thuận, gặp anh em CCS ngày trước, nhất là các bạn cùng lớp đang tiếp tục “tu tại gia”. Cuộc sống lúc đó thật khó khăn, anh em HT67 phải làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Hắn cũng vậy, cũng có một nghề là nghề “Ăn như sư, ở như phạm”, lương ba cọc ba đồng, tiếp tục kiếp sống mòn như vai anh thầy giáo trong tác phẩm Nam Cao, tức là “Thầy giáo tháo giày mang dép lốp / Nhà trường nhường trà uống nước sông”. Có những lúc hắn muốn bỏ dạy để làm việc gì đó để tăng thêm thu nhập cho đỡ vất vả, nhưng “bỏ thì thương, vương thì nặng”. Hắn lại nhớ câu: “Đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn Trời gần Trời xa”. Thế là số làm thầy vẫn cứ mãi bám theo.

Rồi một thời gian sau, hắn lập gia đình, sinh được hai đứa con, vậy là thêm ba con chiên gia nhập Giáo hội. Cuộc sống càng thêm khó khăn khi có con cái, hắn xoay làm đủ nghề như sản xuất nước ngọt đóng chai theo lối thủ công, sản xuất “bia lên cơn” v.v…

 

Thấy không đủ thời gian nếu tiếp tục dạy học, hắn xin chuyển qua làm “bổ túc văn hóa”, quản lý một vài lớp con nít bỏ học, nay vận động ra lớp học lại. Số huy động ra lớp ban đầu còn đông, nhưng được một thời gian sau lớp chỉ còn vài đứa, thật là chuyện “Đầu voi đuôi chuột”. Lại nữa một hôm có thanh tra đến thăm lớp, cô giáo cắt cử một đứa cầm thước chỉ lên bảng, cho số còn lại trong lớp đọc theo câu “Cây có gốc, nhà có nóc”. Oái ăm thay nó lại đọc “Cây có nóc, nhà có gốc” cứ thế cả lớp rập ràng đọc theo. Thế là hắn bị phê bình một bữa ra trò.

Làm công tác bổ túc văn hóa có nhiều thời gian rãnh rỗi nên hắn vay mượn hùn hạp nuôi tôm sú, đào đìa trên cát sau đó phủ bạt nilon và cho nước lợ vào nuôi. Sau đợt nuôi đầu tiên, tình hình rất khả quan, vì thế bọn hắn thống nhất đầu tư tiếp tục mở rộng qui mô sản xuất. Nhưng chỉ có lần đầu thắng lợi thôi, các lần sau thất bại liên tục. Thật là “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí!” Hắn nợ lung tung, những người quen biết thường hỏi hắn –“Anh làm đìa có lời không anh? Hắn trả lời –“Dạ, lời đìa thì không, nhưng lìa đời thì có”. Và rồi hắn nghĩ rằng: Mình đừng nuôi “tôm sú” mà nên “tu sớm” cho rồi! Sau đó hắn bỏ của chạy lấy người, nợ nần sau một thời gian lâu mới trả hết.

Làm bổ túc lâu ngày cũng đâm ngán, đến năm 1994 hắn lại nộp đơn, làm hồ sơ thi vào lớp chuyên tu tiếng Anh tại Đại học Sư phạm Sài Gòn. Hắn may mắn được trúng tuy ển, học hết ba mùa hè, hắn được chuyển về dạy tiếng Anh tại một trường nội trú, cách nhà hắn chừng vài cây số, dạy gần nhà mà được hưởng phụ cấp miền núi nên lương cũng tạm ổn định. Hắn chẳng còn mộng mơ gì khác nữa. Thế là một lần nữa số làm thầy vẫn tiếp tục đeo bám hắn cho đến ngày về hưu thì thôi. Không biết khi về hưu số làm thầy có còn đeo theo nữa không, lỡ may giáo xứ lại cần thêm một thầy dạy giáo lý hôn nhân nữa thì có lẽ đến khi gần chết hắn vẫn còn mang nặng “Số làm thầy”.
 
Cũng may, thiên hạ khi nổi nóng chửi nhau “Tổ cha mi, tổ mẹ mi, chứ chưa bao giờ nghe “tổ thầy mi” cả! Kể ra thì cũng được an ủi chút nào, phải không các bạn HT67 thân yêu.
 
Thân chào đoàn kết và hạnh phúc.
 
JEANBICH

Tác giả: Nguyễn Viết Bích HT67

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây