Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Kỷ Yếu HT67. Đường Cong - Đường Thẳng

-

-

Bài “Đường cong đường thẳng” - mà tôi viết cho tập Kỷ Yếu HT67 được nhiều anh em tâm đắc - chỉ là phần đầu của một câu chuyện dài. Hôm nay, có chút giờ rỗi, tôi viết thêm phần hai để hầu chuyện anh em.
 
Bài “Đường cong đường thẳng” - mà tôi viết cho tập Kỷ Yếu HT67 được nhiều anh em tâm đắc - chỉ là phần đầu của một câu chuyện dài. Hôm nay, có chút giờ rỗi, tôi viết thêm phần hai để hầu chuyện anh em. Tất nhiên, khi ví von Chúa vẽ đường thẳng bằng những đường cong, ý tôi muốn nói là lắm khi, từ những biến cố xem ra bình thường, giản đơn, thậm chí không mấy vui trong cuộc đời, Chúa lại làm nên những điều bất ngờ - bất ngờ đến thú vị mà chỉ về sau ta mới hiểu. Xin cùng với anh em khám phá cách làm lạ lùng của Chúa:
 
Niềm vui nhỏ biến thành niềm vui lớn
 
Trong dịp họp mặt đầu xuân Canh Dần, nhóm anh em Ban mê thuột chúng tôi quyết định đứng ra đăng cai cuộc Hội Ngộ hè năm 2010. Lý do: chúng tôi muốn có cơ hội giới thiệu với anh em những nét riêng của vùng đất và con người Tây nguyên – nơi mình đang sống; hơn nữa, kể từ khi có những chuyến hội ngộ của lớp cho đến nay, anh em chúng tôi chưa lần nào đăng cai cả. “Có qua có lại mới toại lòng nhau” chứ!

 

Tuy nhiên, sau khi bàn bạc, anh em chúng tôi thấy chưa thuận lợi lắm để tổ chức tại Ban mê thuột: phần vì không có cơ sở để cả đoàn ăn nghỉ, phần vì địa thế Ban mê thuột không mấy thuận lợi cho các tuyến đường đến và đi. Vì thế, chúng tôi quyết định vẫn đứng ra đăng cai nhưng dời địa điểm tổ chức xuống Nha Trang – nơi có nhiều lợi thế hơn. Là thành phố du lịch nên Nha Trang không những có nhiều thắng cảnh để tham quan, mà còn rất thuận tiện cho việc đi lại. ”Huế muốn vào không thấy quá xa, Sài gòn ưa ra cũng không thấy ngại”. Và điều quan trọng hơn, ở đây có Đại Chủng Viện - nơi tôi đang làm việc – với khả năng đón tiếp số đông gia đình HT67. Thú thực, tôi đã đắn đo rất nhiều (cả mấy năm) trước khi nhận lời tổ chức cuộc Hội ngộ. Một đàng, tôi không rõ Ban Giám Đốc có thuận lòng đón tiếp các gia đình anh em không; đàng khác, tôi e là cuộc Hội ngộ sẽ không mấy vui vì anh em sẽ phải giữ gìn lời ăn tiếng nói, phải ý tứ hơn trong sinh hoạt, giữa bốn bức tường của chốn tu trì. Tuy nhiên, sau khi biết được ý của Ban Giám Đốc, nhất là được nhiều anh em động viên [1], tôi đã cùng với các anh em khác của nhóm Ban mê thuột đi đến quyết định chính thức.
Vượt quá sự mong đợi, số người tham gia cuộc họp mặt lần này lên đến tám mươi tư. Nhờ sự cộng tác tích cực của nhóm Ban mê thuột cùng với sự giúp đỡ tận tình của các nữ tu, các em giúp việc đang phục vụ tại Chủng Viện, cũng như sự hỗ trợ thân tình của các chủng sinh trực hè dịp đó mà cuộc Hội ngộ đã diễn ra khá tốt đẹp. Diễn tiến của những ngày vui đó thế nào thì anh em đã rõ, đã viết đến nhiều, thiết tưởng không cần phải nói thêm. Điều mà hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh em là, thật bất ngờ, Chúa đã biến niềm vui hội ngộ nhỏ bé của chúng ta thành một niềm vui khác to lớn hơn nhiều.
 
Số là vào sáng hôm chia tay, sau khi đoàn xe Sài Gòn và Huế chuyển bánh, tôi thấy anh bạn Vũ Quang Hà vẫn còn đứng ở hành lang tầng trệt, nên tìm đến chuyện trò. Hà cho biết vì phải giải quyết công việc gấp rút nên sẽ đi máy bay về Sài Gòn vào trưa đó, chứ không theo xe của anh em. Sau một hồi liên miên chuyện phiếm, trong tình huynh đệ, Hà góp ý với tôi về cơ sở của Đại Chủng Viện. Hà nhận xét rằng nơi ăn chốn ở dành cho nhóm HT67 lần này nói chung là được, trừ... hệ thống vệ sinh! Trong cả đời làm nghề, Hà cho biết, chưa từng thấy một hệ thống vệ sinh nào “tệ” như ở đây cả. ”Không thể hình dung được tại Đại Chủng Viện – nơi đào tạo các linh mục tương lai – mà hệ thống vệ sinh lại dở đến thế”, tôi còn nhớ rõ câu nói của Hà. Những lời của Hà không làm tôi phật lòng, vì anh bạn tôi nói đúng sự thật.
 
Lời nhận xét của Hà bất ngờ khơi dậy nỗi ưu tư của tôi không lâu trước đó. Tôi nói rằng Hà nhận xét không sai, đồng thời cho anh bạn tôi biết thêm là không phải các cha trong Ban Giám Đốc không biết tình trạng tệ hại của hệ thống vệ sinh tại đây. Các phòng vệ sinh trong các dãy lầu, đặc biệt là những dãy lầu nhóm HT67 vừa ở phần lớn đều không dùng được, do hệ thống thoát nước bẩn có vấn đề. Có một số dãy phòng phải đóng cửa vì nước bẩn đã thấm qua tường. Sau này, có dịp gặp lại Ngọc Lan – bà xã của Trường Sơn, tôi mới biết là tình trạng các phòng vệ sinh này còn tệ hơn là chúng tôi hình dung nữa: mười thì chỉ sử dụng được hai!

 
 
Ban Giám Đốc đã từng đề xuất việc sửa chữa trong các buổi họp, vì Chủng viện là nơi đào tạo cũng như là nơi qua lại của rất nhiều người, nhưng việc đáp ứng yêu cầu xem ra bế tắc. Bởi lẽ, cha Quản lý cho biết đã mấy lần mời chuyên viên kỹ thuật ở Nha Trang đến xem, nhưng họ đều bảo là phải đào tất cả các đường dẫn của cống vệ sinh ở các tầng lầu lên hết để tìm ra nguyên do mà chữa trị. Thiết kế hệ thống vệ sinh của ngôi nhà - vẽ cách đây gần 20 năm - nay không tìm thấy. Nếu phải làm như các chuyên viên này đề xuất thì Chủng viện buộc phải ngưng hoạt động cả mấy tháng. Phương án này xem ra “bất khả thi”, vì làm sao cơ sở này  lại có thể đóng cửa một thời gian dài như thế. Ngay cả vào dịp hè, đây cũng là nơi huấn luyện cho các đoàn thể, ban ngành của giáo phận. Tóm lại, tôi nói với Hà là Ban Giám Đốc biết hệ thống vệ sinh đang có vấn đề nghiêm trọng, nhưng lúng túng chưa biết phải giải quyết làm sao. Mối lo của các cha lại còn lớn hơn, vì trong năm học tới, con số chủng sinh sẽ tăng gấp đôi: hơn 170 thầy!

 
 
Hà trấn an tôi và cho biết Hà có khá nhiều kinh nghiệm trong việc lãnh vực xây dựng và thiết kế các hệ thống nhà cửa; vì thế, theo Hà, vấn đề sửa chữa không nhiêu khê như các chuyên viên kỹ thuật nói đâu. Chỉ cần một tay thợ giỏi khảo sát và sau khi đã “chẩn đoán đúng bệnh”, sẽ đào đường cống và chỉnh sửa ở một số nơi quan trọng thì có thể làm cho hệ thống vệ sinh hoạt động bình thường trở lại. Người thầy thuốc giỏi không đụng đâu chữa đó mà can thiệp vào ngay yếu huyệt: căn bệnh tất sẽ khỏi và dĩ nhiên, không phải mất nhiều công sức, thời giờ và tiền bạc. Như người sắp chết đuối vớ được tấm phao, tôi mạnh miệng xin Hà giúp cho việc này. Tôi bảo với Hà điều này có ý nghĩa lắm,vì nếu Hà giúp cho hệ thống vệ sinh hoạt động được trong giai đoạn này thì chẳng khác gì Hà đang cứu Chủng viện thoát “một bàn thua trông thấy”.

 
 
Hà OK không chút lưỡng lự. Tôi dẫn ngay Hà vào gặp cha Quản Lý. Sau khi nghe Hà diễn giải, với cung cách của kẻ rất am tường trong chuyên môn của mình, mắt ngài sáng lên và ngỏ lời xin Hà “ra tay”. Hà để lại danh thiếp và hứa sau khi về lại Sài Gòn sẽ sắp xếp công việc để sớm gửi chuyên viên ra giúp Chủng viện. Sau khi nghe ngài kể chuyện, tôi mới thấy tội nghiệp cho cha Quản lý. Vậy là bấy lâu nay, mỗi khi các thầy “dội bom” vào giờ cao điểm ở các tầng trên, thì bồn cầu ở phòng ngài không thể sử dụng được, vì nước bẩn văng lên cả sàn nhà. Bồn cầu của một vài cha giáo trong nhà cũng ở trong tình trạng đó. Hóa ra con người ta – xem ra bên ngoài vô sự - lại lắm khi có những nỗi đau mà ta nào có hay!
 
Sau khi Hà lên xe ra phi trường, tôi thấy hơi lo lo và tự hỏi không biết anh bạn tôi có tật “hứa lèo” như bao người khác trong xã hội hôm nay. Nếu quả là thế thì không biết tôi sẽ phải ăn nói thế nào... Mừng thay! Chỉ hai hôm sau, Hà gọi điện thoại cho tôi biết vừa họp giao ban xong và công ty sẽ gửi hai người thợ giỏi nhất ra giúp Chủng viện. Họ sẽ lên đường vào ngày cuối tuần đó. Anh bạn tốt của tôi quả là “quân tử nhất ngôn”. Tôi vội vàng báo tin cho cha Quản lý. Ngài có chương trình đi xa đã định trước, nhưng vội xếp qua một bên để ở nhà chờ đón “vị cứu tinh”. Sáng sớm ngày đầu tuần, hai tay thợ chuyên môn của Công ty Nhà Việt [2] từ nhà ga đến thẳng Chủng Viện. Sau khi đi khảo sát một vòng các dãy lầu, họ bắt tay vào việc ngay. Hóa ra kỹ sư thiết kế hệ thống vệ sinh của ngôi nhà này đã tính toán không đúng cách nên mới xảy ra sự cố như hôm nay. Sẽ phải chỉnh sửa nhiều nơi; tuy nhiên theo họ, chỉ cần đào và làm lại một số nơi quan trọng thì cả hệ thống sẽ vận hành tốt. Sau khi đánh giá tình hình, một anh thợ lên đường trở về Sài Gòn để lo việc của công ty, anh còn lại, với sự hỗ trợ của một vài chủng sinh, đã tiến hành sửa chữa - bắt đầu từ những nơi bị hư hại nặng nhất. Anh đúng là tay thợ giỏi vì can thiệp đến đâu thì hệ thống vệ sinh vận hành tốt đến đó. Một số phòng bị hư nặng phải chốt lại trước đây nay cũng có thể sử dụng trở lại. Các cha trong Ban Giám Đốc và cả Đức Cha hưu đều lấy làm vui và quý trọng anh lắm. Ban đầu Hà dự tính chỉ để anh giúp khoảng một tuần lễ hầu giải quyết những nơi có vấn đề nhất, phần còn lại sẽ để dịp khác; thế nhưng, vì thấy nhu cầu cấp bách của Chủng viện, Hà quyết định để anh ở lại thêm một tuần nữa để giải quyết toàn bộ những ắc tách. Sau hai tuần lễ, hệ thống vệ sinh của tất cả các dãy lầu, lẫn hai dãy nhà khách phía ngoài đều vận hành xuôi xắn. Cái thú vị còn ở chỗ, khi làm việc, anh thợ này còn hướng dẫn cho mấy chủng sinh đi theo phụ giúp phương cách xử lý trước mỗi tình huống.

 
 
Vào ngày hai anh thợ đến Chủng viện, tôi lại có việc phải về Ban mê thuột. Quá biết tôi lo lắng, nên Hà đã gọi điện mỗi ngày cho tôi biết diễn tiến công việc. Tôi mừng lắm khi thấy tình hình ngày một tốt hơn. Ai trong Chủng viện cũng vui. Trước khi anh thợ về lại Sài Gòn, Hà còn căn dặn cha Quản lý báo ngay cho Hà nếu sau này hệ thống có trục trặc. Hà sẽ gửi thợ ra ngay. Theo Hà, tuy trước mắt, mọi sự xem ra ổn thỏa, nhưng một khi các thầy tựu trường đầu năm học và sử dụng nhiều thì có thể sẽ phát sinh một số vấn đề.

 
 
Cuối tháng 8, tôi tạm rời Chủng viện sang Pháp tu nghiệp, tính đến nay đã gần được hai tháng. Các chủng sinh đã tựu trường dịp đầu tháng chín. Vẫn luôn thắc mắc không biết là hệ thống vệ sinh của tòa nhà như thế nào một khi được sử dụng với số đông người, nên cách đây mấy tuần lễ, tôi đã gửi mail về Chủng viện để hỏi thăm tình hình. Cha Quản lý vui vẻ hồi âm: ”Hệ thống vệ sinh cho đến giờ vẫn rất xuôi chảy... Tạ ơn Chúa và cám ơn Cha Anh đã giới thiệu cho Chủng viện một ân nhân quá tốt, tốt cả về tấm lòng, cả về chuyên môn”. Cũng cần nói thêm để anh em biết: Công ty Nhà Việt đã tài trợ cho Chủng Viện mọi chi phí, từ phí tổn đi lại, ăn uống, vật liệu, thù lao công thợ, v.v... trong “thương vụ béo bở” vừa qua.

 
 
Thuật lại cho anh chị em câu chuyện trên, tôi không nhằm mục đích tôn vinh anh bạn Hà tốt bụng của chúng ta (điều này anh chị em đã quá rõ), nhưng muốn tất cả anh chị em cảm nghiệm được cách làm việc lạ lùng của Chúa. Nếu chúng tôi không mạnh dạn đăng cai chuyến Hội ngộ này, nếu gia đình HT67 không cất công đến và ở lại trong ngôi nhà này, và nếu... thì hẳn là hệ thống vệ sinh của Chủng viện giờ đây vẫn đang còn trong cảnh bế tắc. Thật diệu kỳ, đâu ai ngờ lớp chúng ta đến đây chỉ nhằm hưởng niềm vui gặp gỡ của riêng gia đình Hoan Thiện, nhưng Chúa lại dùng biến cố đó để làm những việc hữu ích hơn, có ý nghĩa hơn và mang tính Giáo hội hơn. Quả là Người đã nâng niềm vui nhỏ bé của chúng ta lên thành niềm vui thật lớn. Chắc hẳn hình ảnh của lớp HT67 chúng ta sẽ mãi thật đẹp trong ký ức của các cha, các thầy, các xơ,.. đang sống trong gia đình Chủng viện này.
 
Lm Phêrô Trần Ngọc Anh

--------------------------------------------- 
Chú thích:

*[1] Có không ít anh em trấn an: “Cha đừng có lo, điều quan trọng là các anh em, các phu nhân có nơi để gặp nhau, hàn huyên tâm sự, còn việc được thoải mái, ồn ào như ở nhà xứ chỉ là chuyện phụ. Anh em tụi mình quá biết phải sống, phải xử sự sao cho phù hợp trong từng hoàn cảnh mà!”

*[2] Vũ Quang Hà là giám đốc.

Tác giả: Lm Phêrô Trần Ngọc Anh HT67

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây