Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Hương Vĩnh - Sau Ba Thập Niên. Phần 3

-

-

Ngày cuối cùng lên máy bay về lại Canada, sau ba tuần lễ ngắn ngủi thăm viếng Việt-Nam, tôi đã nhìn xuống phi trường Tân Sơn Nhất một lần nữa, cùng với thành phố Sàigòn cho đến khi máy bay mất hút vào không phận quốc tế.
Hương Vĩnh - Sau Ba Thập Niên. Phần 3


Tác giả HƯƠNG VĨNH (Đỗ Tân Hưng AN49)

VIII.- BÃI BIỂN NHA-TRANG
 

Những đồi cát trắng
 
Tuần lễ cuối cùng được dành cho việc nghỉ mát ở bãi biển Nha-Trang. Đó cũng là dịp để tôi trút bỏ phần nào những tâm tư nặng trĩu đang đè nặng lên mình trong hai tuần lễ qua. Khi xe hơi băng qua những cánh đồng ngũ cốc, tôi liên tưởng tới đoạn sách sau đây (TTTVLĐT, trang 247):
 
Tôi được thấy một cánh đồng bắp đã chín, sẵn sàng để được gặt hái.
 
Tôi nghe có tiếng nói: Mọi sự đều có lúc có mùa của nó. Con đừng bao giờ để lại ngày mai những gì con biết phải làm bây giờ, mà hãy cùng tuôn chảy với nhịp độ của mọi cuộc sống và hãy sống trong bình an tuyệt hảo.”
 
Nhìn những bãi cát trắng ngần chạy dài dọc bờ biển Cam Ranh, chưa bao giờ tôi thấy quê hương Việt-Nam tuyệt đẹp như thế, một đất nước được thiên nhiên ưu đãi.
 
Chiêm ngắm thiên nhiên
 

Bãi biển Nha Trang
 
Những ngày tạm trú ở Nha-Trang đã cho tôi cơ hội chiêm ngắm cảnh trí thiên nhiên mỗi sáng sớm khi hừng đông vừa chớm nở. Tôi đã đi dạo một mình trong cảnh thiên nhiên trầm lắng đó, khi đông đảo du khách đang say sưa giấc điệp. Thỉnh thoảng tôi dừng lại chiêm ngắm ánh mặt trời ửng hồng đang từ từ dưới đại dương vươn mình lên cao. Tôi đã để tâm hồn lắng đọng, hướng về Chúa Kitô là mặt trời công chính để nguyện cầu qua bài thơ “Trước Biển Cả” của J.C. (trích sách LKĐ
NTNK, trang 80-81):
 
    “Lạy Chúa,
Xin ban cho chúng con
sự kiên trì như những gợn sóng
ngày đêm nhịp nhàng vỗ trên bờ đá.
 
Xin làm cho mỗi một bước lùi lại của chúng con
trở thành một khởi điểm cho một bước tiến mới.
 
Xin cho chúng con vươn tới xa
như những chân trời biển cả.
 
Xin cho trái tim chúng con luôn được bình an
như mặt biển bao la không bị khuấy đục
bởi những biến động trên bề mặt.
 
Xin cho tâm hồn chúng con
nét tinh sạch trong suốt
và tươi mát như dòng nước biển khơi.
 
Xin cho chúng con nhận lấy 
và phản chiếu ánh vinh quang của Chúa,
như biển cả hấp thụ
và phản chiếu ánh thái dương.
 
Xin Chúa ban cho chúng con
được vẻ tươi đẹp nội tâm là đức ái
cũng như vẻ tươi đẹp trên mặt đại dương.
Amen.”
 
Đôi lúc mưa to gió lớn xảy ra giữa ban ngày, đứng trên khách sạn nhìn xuống mặt biển đang nổi sóng, tôi nhớ tới đoạn sách sau đây (TTTVLĐT, trang 45):
 
Một mặt biển đầy sóng dữ dội, với những ngọn sóng cao như núi. Tôi được thấy một hình ảnh như vậy. Rồi tôi lại thấy, bên dưới cái bề mặt đó, là một sự bình an và tĩnh lặng tuyệt vời đang ngự trị.

Tôi nghe tiếng nói: Hãy tìm ở đáy lòng con và con sẽ thấy sự bình an đó, nó vượt qua mọi hiểu biết; hãy giữ gìn nó, cái gì xảy ra bên ngoài, không quan trọng.”
 
Mặt biển tĩnh lặng
 
Vào mỗi buổi tối, tôi thường đi dạo một mình trên bãi cát, trong khi mọi người kéo nhau đi bách bộ trên đường phố, dọc theo bờ biển. Nhìn mặt nước biển đen ngòm trong bóng đêm bao phủ, với những làn sóng lăn tăn vỗ lên bãi cát chạy dài hay đập vào những ghềnh đá trơ trọi, gây nên những âm thanh đều đều, mơ hồ như tiếng gọi muôn thuở của đại dương mà không bao giờ được đáp trả.
 
Trái lại những khúc nhạc trẻ trong các phòng trà gần đó trổi lên, kích động thanh thiếu niên tìm lãng quên trong men rượu, trong tiếng cười đùa để không bị quấy rầy bởi thực tế phũ phàng. Vô tình tôi đã trở thành chàng thanh niên được nhắc tới trong câu chuyện “Những Quả Chuông Đền Thờ” được thuật lại trong sách “Như Tiếng Chim Ca” của LM Anthony de Mello (bản dịch của Đỗ Tân-Hưng trang 26-27):
 
Ngôi đền thờ được xây cất trên một hải đảo, có cả ngàn quả chuông. Chuông lớn và chuông nhỏ, được nắn đúc do các tay thợ lành nghề nhất thế giới. Khi một cơn gió nổi lên hay khi một trận phong ba bão táp gầm thét, mọi quả chuông đều nhất loạt ngân vang, tạo thành một bản hợp tấu làm say sưa con tim của khách mộ điệu.
 
Nhưng rồi qua bao thế kỷ, hải đảo đó đã chìm sâu xuống dưới đáy biển và cuốn theo với nó những quả chuông của ngôi đền thờ. Tương truyền rằng các quả chuông vẫn tiếp tục ngân vang không ngừng và ai để ý lắng tai nghe đều có thể nghe được. Hấp dẫn bởi huyền thoại đó, một thanh niên đã vượt xa ngàn dặm, cương quyết nghe cho bằng được những tiếng chuông bất hủ đó. Ngày qua ngày, anh ngồi một mình trên bờ biển, mặt hướng về nơi mà hải đảo đã bị chìm xuống và cố lắng nghe với hết tâm hồn. Nhưng điều duy nhất anh nghe được, ấy là tiếng sóng gầm. Anh đã làm hết sức để cố xua đuổi tiếng sóng đó nhưng chỉ hoài công thôi; tiếng sóng biển vẫn vang rền không trung.
 
Anh còn ở lại đó thêm nhiều tuần lễ để nghe. Mỗi khi cảm thấy không còn can đảm nữa, anh liền để ý nghe ngóng những hiền nhân ở trong làng mạc khẽ bàn luận với nhau một cách khoái trá về huyền thoại đầy bí ẩn kia. Và con tim của anh đã nôn nóng trở lại... để rồi lại chán nản, sau nhiều tuần lễ cố gắng nữa mà chẳng đi đến kết quả nào.
 
Cuối cùng, anh đã quyết định bỏ cuộc. Có thể anh không nằm trong số những người mà định mệnh đã an bài để được nghe tiếng chuông. Có thể huyền thoại kia không đúng sự thật. Đó là ngày cuối cùng của anh và anh đã đến nơi bãi cát để giả từ biển cả, bầu trời trong xanh, tiếng gió vi vu và hàng dừa thẳng tắp. Anh nằm dài trên cát, và lần đầu tiên, anh lắng nghe tiếng sóng biển rì rào.
 
Chẳng bao lâu anh đã mất hút trong tiếng động và trở nên gần như vô ý thức, bởi vì tiếng động đã tạo nơi lòng anh một sự thinh lặng sâu lắng làm sao!
 
Giữa lòng thinh lặng sâu lắng đó, anh đã nghe thấy! Tiếng ngân vang của một quả chuông nho nhỏ, tiếp theo một quả chuông khác rồi lại một quả chuông khác nữa...và cứ như thế mỗi một quả chuông trong số ngàn quả chuông của đền thờ đã đua nhau ngân vang một cách nhịp nhàng, và con tim của anh ngất ngây sung sướng.
 
Cha Anthony de Mello đã kết luận:
 
Bạn có muốn nghe những tiếng chuông của đền thờ không? Bạn hãy lắng nghe tiếng gầm của biển cả.
Bạn có muốn nhìn thấy Thượng Đế không? Bạn hãy nhìn tạo vật của Ngài một cách chăm chú.”

 
IX.- NHỮNG NGÀY CÒN LẠI
 
Dinh Độc Lập
 
Tôi lợi dụng mấy ngày còn lại ở thành phố Sàigòn để đi thăm viếng một số di tích lịch sử và tôn giáo. Trước hết là Dinh Độc Lập mà thời Pháp thuộc gọi là Norodom và sau ngày 30-04-1975 đổi thành Dinh Thống Nhất. Thật ra Dinh đó không có gì mới lạ đối với tôi vì trước năm 1975, tôi thường qua lại nơi đó nhiều lần và đã xem xét tận mắt phần ngoại diện của nó. Gần đây trong một cuốn video, tôi được thấy trình chiếu mọi phòng ốc của dinh thự nầy và nay đi xem lại cũng chẳng có gì mới mẻ, hấp dẫn lắm.
 

Dinh Độc Lập
 
Tuy nhiên khi đi tham quan Dinh đó, một chi tiết nhỏ nhặt đã khiến tôi suy nghĩ miên man. Khi mới đặt chân vào Phòng Khánh Tiết của Dinh, tôi nghe cô hướng dẫn viên đang duyên dáng thuật lại biến cố các tướng lãnh tạo phản lật đổ cố tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1963 và, mười hai năm sau, đưa tới việc Dương Văn Minh lên làm tổng thống bù nhìn “43 giờ đồng hồ” vào cuối tháng tư năm 1975. Vào thời điểm đó, trong nội các Dương Văn Minh có Vũ Văn Mẫu là một phản thần giờ thứ hai mươi lăm, vào lúc biến động năm 1963.
 

Phản tướng Dương Văn Minh
 

Phản thần Vũ Văn Mẫu
 
Dương Văn Minh và toàn bộ nội các của y đã đầu hàng vô điều kiện một cách nhục nhã khi đoàn quân tiếp thu Dinh Độc-Lập, nhờ thế đám người đó được tha tội chết. Tôi đứng lặng người trong mấy phút khi nghe cô hướng dẫn viên đã quật mồ Dương Văn Minh lên để mọi người nhận diện bộ mặt hèn nhát của con con người tham sinh úy tử. Cha ông chúng ta đã nói: “Sống đục sao bằng thác trong”.
 
Ca dao Việt-Nam cũng có câu:
 
    “Trăm năm bia đá còn mòn,
Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.”
 
Tôi tự nghĩ, mỗi năm ba trăm sáu mươi lăm ngày và mỗi ngày không biết bao nhiêu lần, Dương Văn Minh được kéo ra khỏi mồ để cho du khách – Việt Nam cũng như ngoại quốc – nhận chân bộ mặt thực của người cầm đầu đám tướng lãnh tạo phản ngày 1/11/1963. Lời cô hướng dẫn viên nhắc đi nhắc lại mỗi ngày như thế đã trở thành điệp khúc “Ru mãi ngàn năm” của Trịnh Công Sơn, ru hồn Dương Văn Minh đi vào cõi u trầm, để tan nát với cỏ cây.
 
Với tâm tình người Công giáo, tôi đã xin Chúa tha thứ cho những tướng lãnh tạo phản đó – những Giu-Đa thuộc hạ bán thế kỷ hai mươi của Việt-Nam – vì họ không lường trước được hậu quả nghiêm trọng của sự tạo phản mà họ đã gây ra.
 
Dinh Gia Long
 
Sau đó tôi sang viếng Dinh Gia Long là nơi mà cố tổng thống Ngô Đình Diệm đã tạm cư trong mấy năm sau cùng trước khị bị đám tướng lãnh làm phản lật đổ và thảm sát. Tiếc thay Dinh nầy không được tu bổ để bảo trì như một di tích lịch sử, trái lại được dùng làm bảo tàng viện mà ít ai đến thăm viếng. Chỉ thỉnh thoảng vài đôi tân hôn đem nhau vào đây chụp hình kỷ niệm.
 

Dinh Gia Long
 
Vài cơ sở Công giáo khác
 
Tiện đường đi, tôi ghé qua viếng Vương Cung Thánh Đường Chính Toà Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (tức Nhà Thờ Chính Toà Đức Bà Sàigòn) là nơi mà trước 1975 tôi thường tham dự Thánh lễ vào những dịp trọng đại, nhất là những ngày Đại Hội Thánh Mẫu, ngày thành lập hàng giáo phẩm VN, cũng như tấn phong các giám mục…
 

Mặt trước Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn với tượng Đức Bà Hòa Bình
 
Tôi cũng đã ghé qua Đại Chủng Viện Thánh Giuse ở đường Cường Để để quì cầu nguyện ít phút trước mộ phần Đức Cha Nguyễn Văn Bình. Tôi cũng đã tạt vào viếng nguyện đường dòng Kín ở bên cạnh là nơi mà trước 1975 tôi thường qua lại rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ đặt chân tới.
 

Cổng vào Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn
 
Giã từ Sàigòn
 
Hôm trước ngày tôi trở về Canada, cha Chung đã đạp xe đạp đến thăm tôi. Khi tiễn đưa cha ra về, nhìn con “ngựa sắt” của cha, tôi buột miệng nói: “Khi thấy chiếc xe đạp của cha, con nhớ lại những lời ông cụ thân sinh của cha đã nói với cha trước kia.” Khi nghe tôi nói như thế, cha Chung đã phá lên cười và tôi cũng cười theo.
 
Sau đó nhìn cha Chung cưỡi con ngựa sắt, mất hút trong dòng chảy đủ loại xe gắn máy chạy ngược xuôi để tranh giành cái sống. Nhìn theo bóng dáng cha mà tâm hồn tôi xúc động vì Hồng Ân bao la của Thiên Chúa đã khiến cho một bác sĩ ngoại đạo trở thành một chiến sĩ rao giảng Tin Mừng.
 

Việt Nam mến yêu
 
Ngày cuối cùng lên máy bay về lại Canada, sau ba tuần lễ ngắn ngủi thăm viếng Việt-Nam, tôi đã nhìn xuống phi trường Tân Sơn Nhất một lần nữa, cùng với thành phố Sàigòn cho đến khi máy bay mất hút vào không phận quốc tế. Những gì mà tôi đã chứng kiến trong thời gian qua khiến tôi đâm ra nghĩ ngợi, nhận chân sự thiếu sót của mình là đã nhận được một nén bạc Chúa trao tặng, nhưng đem chôn đi, trong khi bao nhiêu người khác đã làm sinh lợi rất nhiều với nén bạc của họ. Trở lại thăm quê hương sau gần ba mươi năm, tôi đã gặp được một vài chim Việt, giống Tiên, ở vài nơi trên nhiều miền đất nước.
 
Tôi đã tha thiết cầu xin Chúa chuyển đổi quả tim sắt đá của tôi và của nhiều người khác để trở thành những quả tim thịt, ngõ hầu nên giống “Quả Tim Của Chúa”, (lời nguyện trích Rabouni, trong sách LKĐNTNK, trang 94), để rồi nói được như Thánh Phaolồ: “Vui với người vui, khóc với người khóc”:
 
    “Lạy Chúa,
Xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho con quả tim quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
 
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
 
Xin cho con cứ luôn bình an trong sáng,
không một biến cố nào xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
 
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi găp lời chỉ trích
 
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
 
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
Để có thể ôm cả những người thù ghét con.”
 
Vancouver BC Canada
Tháng 7/2004
 
GHI CHÚ
 
Những tên sách viết tắt:
 
- LKĐNTNK: “Lời Kinh Đẹp Nhất Thiên Niên Kỷ
- TTTVLĐT: “Tiếng Thì Thầm Và Lời Đáp Trả” của Eileen, Nguyễn Thị Chung dịch.

Tác giả: Đỗ Tân Hưng AN49

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây