Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Huế - Màu Quan San

-

-

Tôi nghĩ miên man cho đến khi chiều Huế xuống ngập tràn màu tím. Huế có “sáng xanh, trưa vàng, chiều tím, và xế... quan san!”. Màu “tím Huế” là màu tím ngát, mịn màng và long lanh do những ráng mây chiều mùa Thu…
Huế - Màu Quan San

 
Trong một dịp gặp mặt thân hữu tại Sacramento với Eugene Trịnh, phi hành gia Việt Nam đầu tiên trên đất Mỹ, tôi hỏi riêng anh:
 
- Khi bay trong vũ trụ, có khi nào anh nghĩ về nước Việt Nam mình bên dưới quả đất không?
Eugine trả lời với một chút nồng nàn trong giọng nói:
 
- Có chứ anh. Từ trên không gian nhìn xuống, quả đất là một hành tinh xanh. Riêng phía đất nước mình có một màu xanh thăm thẳm, có lẽ đó là màu xanh của biển, núi và đồng bằng hòa lại.
 
Nhắc đến màu xanh thăm thẳm của quê hương, tôi không đứng từ phía không gian như Eugene mà đứng từ phía bên nầy biển để nhớ màu “xanh như lục” của vườn ai bên kia; và màu “sương khói mờ nhân ảnh” trong ánh mắt xa xôi của Hàn Mặc Tử khi nhìn Huế.
 
Bay từ mùa Thu Cali, sang mùa Thu Đài Bắc, đến mùa Thu của Huế mới thấy vẻ sương khói mờ nhân ảnh nơi đây. Màu Thu Cali đẹp nhất nước Mỹ với những màu sắc tương phản sắc nét đến rợn người. Màu Thu Đài Bắc lãng đãng và trầm mặc. Màu Thu của Huế sương khói và mơ phai.
 
Màu sắc thiên nhiên phản quang một phần bản sắc của con người nơi xứ đó. Với màu sắc mạnh và tương phản, người Mỹ Cali rất xông xáo, nồng nàn nhưng cũng dễ đổi thay. Với màu sắc thiên nhiên nhẹ và mờ nhạt như muốn quyện vào nhau, người Huế chan hòa và chung thủy, nhưng thường rất tiết kiệm sự biểu lộ nhiệt tình nguồn tình cảm nội tâm với người khác. Cùng một cảm giác thương yêu tiềm tàng trong lòng, nhưng người phương Tây sẽ biểu hiện gấp đôi, trong khi người xứ Huế sẽ rất "khéo léo một cách vụng về" loay hoay chỉ thấy còn một nửa! Họ không dám sống trọn vẹn ngay cả khi mơ ước đến trong tầm tay vì quá e dè và nhạy cảm trước sự khen chê của người khác.
 
Về trong hương Thu tím vàng của Huế, buổi chiều đi qua cầu Trường Tiền mới được sửa lại, tự nhiên tôi có một cảm giác hơi nằng nặng mà không biết vì đâu. Bao nhiêu năm tôi đã đi qua chiếc cầu nầy có khi ngày hơn hai buổi. Chiếc cầu trắng vươn mình thướt tha qua giòng sông mềm mại, dù mưa nắng tôi cũng có cảm giác rất êm ả và nhẹ nhàng như vẻ phất phơ của tà áo trắng bay bay đằng trước mặt.
 
Hôm sau và hôm sau nữa qua cầu, tôi mới khám phá ra rằng, chính hai thanh sắt vạm vỡ, chạy song song kèm giữ cho chắc bên mỗi thành cầu, trông thiếu cân xứng với dáng thanh thanh của nhịp cầu và giòng sông là nguyên nhân của cảm giác nặng nề không rõ nét trong tôi. Một ý nghĩ so sánh ngộ nghĩnh hiện ra trong trí tôi lúc đó là hai thanh sắt bắt dính vào thành cầu, cũng từa tựa như cái quần Tây dày dặn màu đen dưới vạt áo dài lụa trắng.
 
Cái duyên dáng của “điểm hẹn” trên mỗi vài cầu cũng không còn nữa. Ngày trước, trên lối đi của khách bộ hành và xe đạp sát mé cầu mỗi bên và mỗi vài, có một khoảng nhô ra như hình dấu mũ, được gọi là “chỗ trở vai” để cho những người gánh nặng chạy bộ qua cầu có chỗ dừng chân mà đổi đòn gánh từ vai nầy sang vai kia. Đây cũng là điểm mà du khách tạm dừng lại thoáng chốc trên cầu để ngắm cảnh. Và đối với tuổi hẹn hò đó cũng là điểm chờ, điểm hẹn rất bâng quơ cho khỏi “em qua không kịp tội lắm anh ơi!”. Cầu Trường Tiền bây giờ trông có vẻ lực lưỡng và chạy thẳng đuột, thiếu một chút đường nét thanh tú, điểm dáng mong manh mà diễm ảo của lụa và thơ.

 

Huế mà không thơ là thờ ơ với Huế.
 
Mỗi người nhìn nét nên thơ của Huế một cách khác nhau. Có thể nét thơ đó là phong cảnh thiên nhiên, thành quách lăng tẩm, đền đài cổ kính hay có khi chỉ là cái lúm đồng tiền trên má người qua bến đò Thừa Phủ không quen. Riêng tôi, vẫn thường nghe nói đến dáng thơ của Huế, nhưng không biết chân dung nàng thơ như thế nào, nhưng tôi tin là không thể “khuôn tròn vành vạnh như cạnh tía tô” mà Huế quen gọi là mặt bánh đúc được. Có bị lưu đày biệt xứ (hay đã bị lưu đày rồi chăng?), tôi cũng phải cãi cho được là mặt bánh đúc không bao giờ có thể là khuôn mặt của nàng thơ. Tôi mường tượng ra nét thơ của Huế là dáng yêu kiều nhỏ nhắn, ẩn sau màu sắc sương phai.
 
Ngay cả hoàng thành cung điện, lăng tẩm của vua chúa cũng không có dáng sừng sững, nguy nga, tráng lệ mà chỉ rất kín đáo, trầm mặc và khiêm cung. Kiến trúc của Huế không có nét phô trương đầy vẻ ngự trị thầm kín của Trung Hoa, hay dáng cao ngất nghểu, ngang tàng lộ liễu của phương Tây. Lăng miếu, đền đài, di tích, nhà cửa, xóm làng và cả khung cảnh thiên nhiên của Huế đều như muốn hoà nhập, xích gần lại, nép mình và núp dưới bóng nhau. Bước chân về lại Huế xưa, cảm giác tức thời của tôi là không ngờ núi Ngự Bình lại quá gần với giòng sông Hương như thế. Sông và núi ngỡ như chỉ cách nhau có một chiếc cầu lơ lửng trong tầm nhìn. Sông núi có thể soi bóng nhau như mình soi mình trong đôi mắt người hàng xóm.
 
Xa Huế, tôi nhiễm thói quen của những thành phố không ngủ, nên có cảm giác là Huế ngủ sớm như gà. Đêm chưa khuya mà đường đã vắng hoe chỉ còn đèn vàng và cây lá. Đạp xe đạp một vòng chưa mỏi chân đã giáp vòng bên nớ, bên ni. Thực ra, Huế không quen thức khuya trên đường phố mà thức trong mái ấm gia đình.
 
Huế dậy sớm như tiếng chuông. Ngày của Huế dài hơn ánh nắng vì chỉ một nắng mà có tới hai sương. Dù giữa nắng đứng bóng chóng ngọ, Huế vẫn mang nét mơ màng. Nhìn xa trong không gian của Huế vẫn như có nhuộm một lớp tơ mềm phảng phất mông lung mà khi về lại, tôi mới nghe Trịnh Công Sơn gọi là màu “áo lụa thinh không”.
 
Trên suốt đường bay về (hay đi) Mỹ sau đó, tôi dật dờ tự hỏi, thử có chữ nào của tiếng người trên đất khách có thể dịch ra màu áo liêu trai đó hay không?!
 
 o0o
 
Ai cũng muốn mình được biết và được nhớ, nhưng cũng có những lúc muốn bị quên để tìm cho chính mình một sự cô liêu, êm đềm trong tĩnh lặng. Mới thoáng qua, cứ ngỡ Huế là một thành phố trầm lặng, vô tư như nắng sớm trên đồng; nơi lý tưởng cho những tâm hồn đang dậy sóng, muốn đến đây tìm quên đời hay muốn bị đời quên. Nhưng thật ra, Huế là một vùng đất mà mỗi người rất khó bị lãng quên. Cứ gặp những người chưa quen trên bến đò, bên bờ sông, trong quán nước, giữa đường đi, người ta sẽ bắt gặp một lối nhìn ngờ ngợ nửa như như muốn chào, nửa như muốn hỏi. Cho đến khi cái nhìn lướt nhanh qua rồi, người đối diện mới thấy một cảm giác xôn xao khó yên ngủ trong lòng. Những người đã quen với Huế, khi về lại Huế, dù đi một mình lặng lẽ trên đồi Thiên An, Ngự Bình, Từ Hiếu hay ngồi trầm mặc trên bến sông Thương Bạc, Long Thọ, Nguyệt Biều vẫn nghe vọng âm của nắng, của gió, của sông, của nước, của núi, của đồi... dấy lên từ tâm thức tĩnh lặng. Trong sự yên ắng còn chỗ cho âm thanh của những chiếc lá rơi, người ta không biết những tiếng nói trong thinh lặng là của ai; là sự độc thoại của chính mình hay từ cái hồn thiên cổ của đất trời cây cỏ.
 
Huế rất dễ biết nhưng lại rất khó cảm nhận. Tôi biết Huế từ thuở nằm nôi qua tiếng hò ru em của mẹ, nhưng chỉ mới “cảm nhận” ra chất Huế trong mình từ khi tưởng đã mất vùng quê hương nầy trong suốt nửa đời sau. Tôi đi trong nắng mùa Thu của Huế. Lâu lắm tôi mới được đi một mình. Đi một mình không phải là đi “mình ên” của miền Nam hay đi “một chắc” của Huế, mà đi với tâm tư trống không, không vướng bận. Buổi chiều, ngồi ở cồn Giả Viên dưới chân cầu bạch Hổ nhìn bâng quơ và bâng quơ... tôi bỗng lặng người khi hướng về phía Tây. Nắng xế chiều vàng trong như áo lụa mong manh dệt bằng sương khói. Màu mà không có sắc. Tôi hoang mang. Biết gọi tên màu gì cho cái màu xa vắng trải dài mênh mang của giòng sông xanh đã sang màu tơ mềm của khói nước, hòa nhập chập chờn với dãy Trường Sơn xa thăm thẳm có chỗ mờ sương, chỗ tím, chỗ vàng mơ. Từ những cây bắp khô còn sót lại và đám lau sậy lay lắt bên bờ, đến biển cây vàng khô xa ngút mắt hai bên bờ sông Hương, xào xạc trong tiếng kêu chia lìa của gió, tất cả đã vào Thu. Mùa Thu ở Huế mang lớp áo rất “mơ phai”, mong manh tưởng chừng như không có thật, phảng phất vẻ “trong tương phùng đã có dấu chia ly”. Như cái cồn nhỏ bé trơ vơ nầy, chỉ cần một trận mưa đêm nay, sớm mai đã chìm sâu trong nước bạc. Và tôi nữa, chỉ còn thêm mấy buổi chiều ngắn ngủi sẽ bay về bên kia biển Thái Bình. Và giọng ông già giữ Cồn: “Ngày xưa, lính ngự phòng chuyển quân cũng vào dịp mùa Thu nầy trước khi mùa Đông tuyết lạnh trở về!”. Trong khoảnh khắc đó, hình như tôi cảm thông với với nỗi lòng biệt ly của người lính thú và tiếng vọng như hịch truyền: “Màu quan san! Rừng phong Thu đã nhuốm màu quan san”.

 
 
Rừng phong và mùa Thu có thể thấy bàng bạc trong cổ thi hay trong Tây Sương Ký: “Thu lai thùy nhiễm phong lâm thúy - Ai mang Thu tới nhuộm vàng rừng phong”. Nhưng “màu quan san” là màu mà không sắc, vì cái sắc đã thành không, và đã là không rồi mà sao vẫn man man màu tiễn biệt, nên chỉ vẽ lại được qua ngọn bút của thiên tài trong cảnh sắc Huế vào buổi chiều bóng xế giữa mùa Thu.

Nhị bách niên tiền… - Hai trăm năm trước, thi hào Nguyễn Du thai nghén và sáng tác chuyện Kiều với những câu thơ trác tuyệt khi còn làm Cần Chánh Điện đại học sĩ dưới triều vua Gia Long. Nơi đây, cồn Giả Viên là nơi trồng bắp ngon nhất cho triều đình và các quan ăn mua vui, mà phải ăn tại chỗ mới thưởng thức hết hương vị thơm ngọt tuyệt vời của bắp. Gần 15 năm ở Huế, dài bằng quãng đời “Từ Lâm Truy em lạc tới Giang hà” của Thúy Kiều, Nguyễn Du đã “cảm nhận” ra Huế. Nhà thơ đã từng ôm gối mà nghe mưa đêm của Huế với tâm sự cô đơn lành lạnh trong bài thơ “Ngẫu thư công quán bích”. Bất tri tam bách dư niên hậu... Biết đâu hai ba trăm năm sau... rồi sẽ có người say sưa mà lẩn thẩn để suy nghĩ như những người đang sống hôm nay rằng, có một buổi chiều mùa Thu non hai trăm năm trước như hôm nay, Nguyễn Du cũng ngồi nơi cồn Giả Viên này để vẽ màu quan san buồn man mác cho truyện Kiều:
 
Người lên ngựa, kẻ chia bào,
Rừng phong Thu đã nhuốm màu quan san.
 
Xưa nay, “văn chương tự cổ vô bằng cớ”. Tôi chỉ đọc với một niềm vui tinh thần nhẹ nhàng, nhưng không có đôi cánh dài thi ca Lý, Đổ để đủ sức bay xa hơn về ngọn nguồn văn chương và văn học theo lối “tâm cảm” của một nhà văn viết ký nổi tiếng ở Việt Nam, Hoàng Phủ Ngọc Tường, khi ông cảm nhận được “âm hưởng sâu thẳm của Huế trên mỗi trang truyện Kiều: dòng sông đáy nước in trời và những nội cỏ thơm, nắng vàng khói biếc, nỗi u hoài của dương liễu và sắc đẹp nồng nàn của hoa trà mi, những mùa thu quan san, những vầng trăng thắm thiết...”. Thiên nhiên xưa và phong cách của Huế đã in đậm nét trong truyện Kiều của Nguyễn Du. Như tiếng đàn của Kiều trong đêm hẹn hò với Kim Trọng mang nặng âm hưởng của Tứ Đại Cảnh. Tiếng chuông chùa của Huế và giòng nước trong xanh của sông Hương đã không nhận chìm vĩnh viễn đời Kiều xuống sông Tiền Đường như Thanh Tâm Tài Nhân.
 
Nghĩ đến sư Giác Duyên trong truyện Kiều, tôi thường liên tưởng đến vị sư già quét lá sân chùa và thỉnh chuông công phu mỗi buổi sớm khuya ở chùa Thiên Mụ.
 
Tôi nghĩ miên man cho đến khi chiều Huế xuống ngập tràn màu tím. Huế có “sáng xanh, trưa vàng, chiều tím, và xế... quan san!”. Màu “tím Huế” là màu tím ngát, mịn màng và long lanh do những ráng mây chiều mùa Thu phía Tây Nam bắt ánh sáng mặt trời đã chếch theo mùa, chiếu xuống núi đồi, cây cỏ, giòng sông và sương chiều, khói sóng quyện lại mà thành. Có lẽ màu tím Huế là màu của thiên nhiên nơi đây. Khung trời chiều chắc đã tím mênh mang cả nghìn năm trưóc khi con người có mặt. Phụ nữ Chiêm Thành, những người đẹp thuở sơ khai của châu Ô, châu Rí ưa mặc màu tím. Cho đến ngày nay vẫn còn thông dụng trong đời sống và sinh hoạt văn hoá truyền thống của họ.
 
Màu sắc căn bản trong bộ màu truyền thống của “ngũ sắc Đông Phương” gồm có: Trắng, xanh, đen, đỏ, vàng; tượng trưng cho ngũ hành: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Bộ màu căn bản đó khi đến Huế đã bị thay đổi thành “ngũ sắc Huế” với năm màu: Lục, xanh, tím, đỏ, vàng. Trắng được thay thành lục và đen được thay thành tím.

 
 
Khi nói về màu tím, họa sĩ Phạm Đăng Trí đã cho rằng: “Phụ nữ Huế quan niệm đó là màu sắc trang nhã, trông không buồn, có khi vui cũng chỉ vui nơi khóe môi, không nồng nàn như hoa lài, mà thoang thoảng như hương lan thanh đạm”.
 
Có một thời, khoảng năm 1935-1938, màu tím trở thành màu thời trang của Huế khi đồng phục của nữ sinh trường Đồng Khánh là áo dài màu tím. Dư vang của “trường áo tím” và “tà áo tím...” vẫn còn là một giai điệu gợi cảm cho cả mấy thế hệ học trò đàn em về sau. Dải nón, khăn tay, băng tóc, chéo áo, thư tình... ngan ngát màu tím; và, thoạt nhìn, hiền khô như mực tím.

Màu tím trong đôi mắt Huế thành màu gợi nhớ êm đềm, màu của tình yêu và lãng mạn, nhất là khi nguồn thi ca lãng mạn Pháp truyền vào Việt Nam theo phong trào Tiểu thuyết và Thơ mới. Những loài hoa tím, thơ tím và nhạc tím từ bên trời Tây đến Huế trổ đầy hương sắc bỗng thành quen thuộc như tím dậu Mồng Tơi, tím Sim, tím Móc. Violette - Hoa bâng khuâng. Penseé - Hoa tương tư... tím ngát. Và những sáng tác ca nhạc đầy tình yêu màu tím như: L'Amour c'est un bouquet de violette - Tình yêu là một chùm hoa tím. La Chanson de Violette - Bài Ca Màu Tím. La Violetta - Nàng Áo Tím... và giai điệu trầm trầm, tim tím của Mozart: “A Violet on the meadow grew - Hoa Tím nở trên đồng”.

 
o0o
 
Tôi vẫn cố nán lại nơi cồn Giả Viên cho đến khi đêm đến. Màu quan san và màu tím chỉ còn để lại chút mường tượng qua ngọn gió chiều hôm đã mang tiết lạnh của heo may. Hình như mỗi người nhìn màu thu quan san và màu tím của Huế một cách riêng. Khi nhìn nhau thì đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, nhưng nhìn về quê hương thì tâm hồn là cửa sổ của đôi mắt. Tôi mãi mê nhìn Huế bằng đôi mắt sâu trong đáy lòng mình và bắt gặp màu quan san trong dư âm giọng nói bùi ngùi của Túy Linh hay của Huế đang nói với mình:
 
- Mi xa Huế vào lứa tuổi ba mươi, về thăm Huế lần thứ nhất vào lứa tuổi bốn mươi, và nay về lại Huế vào lứa tuổi năm mươi. Gắng mà về thăm "dày" chút nữa đi! Chớ cứ về "sưa" như rứa, khi tính lại sổ đời, thì còn được bao nhiêu lần nữa mi sẽ về thăm Huế?!

 

Tác giả: Trần Kiêm Đoàn

Nguồn tin: www.trankiemdoan.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây