Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Đức Phanxicô và Năm Đức Tin

-

-

Tháng 10, 2012, nhân năm Đức Tin, Đức HY Bergoglio đã gửi cho tín hữu Buenos Aires một thư chung về chủ đề đức tin. Đọc thư này, nhất là phần nói về ý nghĩa của việc “bước qua ngưỡng cửa đức tin”, người ta có lý để tin rằng Đức Phanxicô sẽ nối tiếp công trình dở dang của Đức Bênêđíctô XVI.
Đức Phanxicô và Năm Đức Tin
 
Tháng 10, 2012, nhân năm Đức Tin, Đức HY Bergoglio đã gửi cho tín hữu Buenos Aires một thư chung về chủ đề đức tin. Đọc thư này, nhất là phần nói về ý nghĩa của việc “bước qua ngưỡng cửa đức tin”, người ta có lý để tin rằng Đức Phanxicô sẽ nối tiếp công trình dở dang của Đức Bênêđíctô XVI. Thực thế, vị tiền nhiệm của ngài đã khởi sự viết thông điệp về đức tin, nhưng biến cố từ nhiệm khiến ngài không hoàn tất được công trình đó. Phải chăng đây là công trình dở dang vẫn còn nằm trên bàn giấy giáo hoàng theo lời kể của Đức TGM Capovilla, thư ký riêng của Chân Phúc Gioan XXIII. Dù sao, xin mời bạn đọc theo dõi thư của Đức HY Bergoglio gửi tín hữu Buenos Aires về Năm Đức Tin.

Anh chị em thân mến,

Trong số các kinh nghiệm đáng nhớ hơn cả của thập niên qua, ta nhận ra việc được thấy nhiều cửa bị đóng lại. Dần dần, việc càng ngày càng mất an ninh khiến chúng ta phải khóa chặt cửa, dùng nhiều loại phương tiện canh chừng, lắp đặt nhiều máy hình an tòan và không tin tưởng những người lạ tới gõ cửa. 

Dù ở một số nơi, cửa vẫn để mở. Nhưng cửa đóng thực sự đã biểu tượng cho thời hiện đại của ta. Đây không hẳn chỉ là một sự kiện xã hội học đơn giản; nó là một thực tại hiện sinh tự áp đặt thành một lối sống, một lối chống lại thực tại, chống lại người khác và cả tương lai nữa. 

Chiếc cửa khóa kín của nhà tôi, nơi diễn ra cuộc sống thân mật của tôi, các giấc mơ, các hy vọng, các đau buồn và các khoảnh khắc hạnh phúc của tôi, thẩy bị khóa kín phòng chống người khác. Và đây không phải chỉ là căn nhà vật lý; nó còn là trọn lãnh vực sống của tôi, trọn trái tim tôi. Càng ngày càng có ít người hơn vượt qua được ngưỡng cửa. Sự an toàn của chiếc cửa kiên cố bảo vệ sự bất an của một cuộc đời đang mỗi ngày mỗi trở nên mỏng dòn hơn và ít cởi mở hơn đối với những phong phú trong đời sống và tình yêu của người khác. 

Hình ảnh chiếc cửa mở luôn biểu tượng cho ánh sáng, tình bạn, hạnh phúc, tự do và tin tưởng. Ta cần khám ra chúng xiết bao. Cửa đóng chỉ làm hại ta, thu nhỏ và tách biệt ta. 

Nghịch lý thay, ta khởi đầu Năm Đức Tin và hình ảnh được Đức Giáo Hoàng đề ra lại là hình ảnh một chiếc cửa, một chiếc cửa mà ta phải bước qua để có thể tìm được điều ta hết sức cần xưa nay. 

Qua tiếng nói và tâm hồn Vị Mục Tử của mình, là Đức Bênêđíctô XVI, Giáo Hội mời gọi ta bước qua ngưỡng cửa, thực hiện một bước tự do để tiến vào phía trong: tự sinh động hóa mình để bước vào sự sống mới. 

Thuật ngữ “cửa dẫn vào đức tin” đem chúng ta trở về với Sách Tông Đồ Công Vụ: “Tới nơi, các ngài tập họp giáo hội lại và cho họ hay những gì Thiên Chúa đã thực hiện qua họ và cách Người mở cửa đức tin cho Dân Ngoại ra sao” (Cv 14:27). 

Thiên Chúa luôn luôn nêu sáng kiến và Người không muốn ai bị loại. Thiên Chúa gõ cửa trái tim ta: Này, Ta đang ở ngoài cửa, kêu mời: ai nghe tiếng Ta mà mở cửa, Ta sẽ vào nhà nó, dùng bữa tối với nó và nó dùng bữa tối với Ta” (Kh 3:20). 

Đức tin là một ơn thánh, một hồng phúc của Thiên Chúa

“Chỉ nhờ tin, đức tin mới lớn mạnh và được củng cố: liên tục phó thác cho bàn tay yêu thương vốn luôn được cảm nhận là lớn lao vì bắt nguồn từ chính Thiên Chúa”. 

Bước qua ngưỡng cửa trên đòi trước đó phải khởi đầu một con đường hay một hành trình kéo dài suốt đời, trong khi vượt qua không biết bao nhiêu chiếc cửa mở sẵn cho ta, mà nhiều chiếc chỉ là những cửa giả tạo, những chiếc cửa mời mọc ta cách quyến rũ nhưng là cách đầy láo khoét khiến ta lấn sâu trên con đường đó, bằng cách hứa hẹn đem lại cho ta một hạnh phúc trống rỗng tự kỷ, một hạnh phúc lúc nào cũng có kỳ hạn. Những chiếc cửa này sẽ dẫn ta tới những ngã ba đường, nơi mà bất cứ chọn ngả nào, chẳng chóng thì chầy, đều đem lại đau khổ, bối rối. Chúng là những chiếc cửa tự tập chú vào mình nên sẽ tàn tạ và không đảm bảo chi cho tương lai. 

Trong khi cửa các nhà đóng, thì cửa các khu buôn bán vẫn luôn rộng mở. Ta bước qua cửa đức tin, ta bước qua ngưỡng cửa này, khi Lời Thiên Chúa được công bố và trái tim ta để nó được lên khuôn bởi ơn thánh biến đổi. Một ơn thánh có tên cụ thể, và tên đó chính là tên Giêsu. Chúa Giêsu là cửa (Ga 10:9). Người, và chỉ Người mà thôi, là cửa và sẽ luôn luôn là cửa. Không ai đến với Chúa Cha ngoại trừ phải qua Người (Ga 14:6). Nếu không có Chúa Kitô, sẽ không có đường dẫn tới Thiên Chúa. Là cửa, Người mở lối cho ta tới Thiên Chúa. Là Mục Tử Tốt Lành, Người cũng là Đấng Duy Nhất săn sóc ta bằng chính giá sự sống của Người. 

Chúa Giêsu là cửa và Người gõ cửa lòng ta để ta cho phép Người bước qua ngưỡng cửa đời ta. “Các con đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”, Chân Phúc Gioan Phaolô II dạy ta như thế ngay từ đầu triều giáo hoàng của ngài. Mở cửa lòng ta như các môn đệ Emmau từng làm là xin Người ở lại với ta để ta có thể bước qua ngưỡng cửa đức tin và để Chúa đưa ta tới chỗ thấu hiểu các lý do khiến ta tin, sau đó để ta ra đi loan báo đức tin ấy. Đức tin luôn giả thiết điều này: ta nhất quyết ở với Chúa, sống với Người và chia sẻ sự sống ấy với các anh chị em mình.

Ta tạ ơn Chúa đã ban cho ta dịp này để ta hiểu được giá trị đời sống làm con Chúa của mình nhờ hành trình đức tin này, một hành trình đã khởi đầu từ lúc lãnh nhận nước rửa tội, dòng nước bất tận và đầy hiệu quả, biến ta thành con cái Chúa và thành anh chị em của nhau trong Chúa Kitô. 

Mục đích, mục tiêu của năm đức tin này là gặp gỡ Chúa, Đấng mà ta đã bước vào hiệp thông với và là Đấng luôn muốn phục hồi ta, thanh tẩy ta, nâng ta dậy và thánh hóa ta, cùng ban cho ta niềm hạnh phúc mà trái tim ta hằng khát khao. 

Bắt đầu năm đức tin này là lời mời gọi ta thâm hậu hóa trong đời sống ta đức tin mà ta từng nhận lãnh. Tuyên xưng đức tin bằng lời lẽ bao hàm việc phải sống nó trong tâm hồn và biểu lộ nó ra trong tất cả những gì chúng ta hành động: Đây là một lời chứng và một cam kết công khai. Nó là một thách đố quan trọng và mạnh mẽ đối với cuộc sống hằng ngày, với niềm xác tín rằng Đấng khởi đầu việc làm tốt nơi anh chị em cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện hóa việc làm này cho tơí ngày Chúa Giêsu Kitô lại đến (Pl 1:6). Nhìn vào thực tại của ta, như những môn đệ được sai đi, ta hãy tự vấn xem việc bước qua ngưỡng cửa đức tin này đem lại cho ta thách đố nào?

Bước qua ngưỡng cửa Đức Tin

Bước qua ngưỡng cửa đức tin này thách thức ta khám phá ra rằng dù sự chết xem ra đang thống trị dưới nhiều hình thức khác nhau và lịch sử ta đang bị cai trị bởi luật của kẻ mạnh nhất và khôn lanh nhất và ganh ghét cũng như tham vọng đang là những lực lượng dẫn đạo trong rất nhiều cuộc đấu tranh của con người thời nay, ta vẫn tuyệt đối xác tín rằng thực tại đáng buồn này có thể và nhất định sẽ thay đổi, vì ‘Nếu Thiên Chúa ở với ta, ai có thể thắng được ta?’ (Rm 8:31, 37). 

Bước qua ngưỡng cửa đức tin này giả thiết ta không được xấu hổ vì đã có trái tim của trẻ thơ, một trái tim nhờ biết tin vào những điều không thể có, nên vẫn sống trong hy vọng, là điều duy nhất có khả năng đem ý nghĩa và biến đổi lịch sử ta. Nó có nghĩa liên tục cầu xin, cầu xin không mệt mỏi và liên tục thờ lạy để tầm nhìn của ta được biến đổi. 

Bước qua ngưỡng cửa đức tin này khiến chúng ta cầu xin cho mọi người có được “cùng những tâm tình như Chúa Kitô” (Pl 2-5), để ai cũng tìm được đường lối mới để suy nghĩ, để thông đạt với nhau, để nhìn vào nhau, để kính trọng lẫn nhau, để cùng nhau làm một gia đình, để đặt kế hoạch cho tương lai, để sống thực tình yêu và ơn gọi của ta. 

Bước qua ngưỡng cửa đức tin là trở nên tích cực, tin tưởng vào quyền năng của Chúa Thánh Thần hiện diện trong Giáo Hội và trong các dấu chỉ của thời đại. Điều này có nghĩa ta sẽ tham gia vào sự chuyển vần không ngừng của sự sống và lịch sử mà không rơi vào chủ nghĩa chủ bại vốn có tính làm tê liệt vì cho rằng mọi điều trong quá khứ đều hay hơn. Điều này cũng có nghĩa phải khẩn cấp suy nghĩ theo lối mới, đưa ra các gợi ý mới mẻ, tinh thần sáng tạo mới, nhào nặn cuộc đời bằng “men mới của công lý và thánh thiện” (1Cor 5:8). 

Bước qua ngưỡng cửa đức tin hàm nghĩa rằng ta có mắt để ngạc nhiên và một trái tim không quen thuộc lười biếng, nhưng có khả năng nhìn nhận rằng mỗi lần người đàn bà sinh nở đều là một cuộc đánh cá nữa cho sự sống và tương lai; rằng, khi bảo vệ nét ngây thơ vô tội của trẻ em, ta đang bảo đảm sự thật của ngày mai và khi chăm sóc dịu dàng sự sống của một người cao niên, ta đang hành động một cách công chính và đang âu yếm chính cội rễ của mình. 

Bước qua ngưỡng cửa đức tin là làm việc với phẩm giá và ơn gọi phục vụ bằng đức quên mình của một người luôn trở tới trở lui không biết mệt, như thể mọi sự làm xưa nay chỉ là một bước trong cuộc hành trình về Nước Trời, nơi viên mãn của sự sống. Đây là lúc im lặng ngồi chờ sau một ngày gieo vãi: đây là lúc chiêm niệm mùa gặt sắp thu, cảm tạ Chúa vì Người tốt lành, cầu xin Người đừng bỏ rơi công trình của tay Người (Tv 137). 

Bước qua ngưỡng cửa đức tin đòi ta phải tranh đấu cho tự do và sự sống cùng với người khác dù bốn phía đang chần chờ, vì xác tín rằng Chúa đòi ta phải sống công chính, yêu điều thiện và khiêm nhưởng bước đi với Người (Mk 6:8). 

Bước qua ngưỡng cửa đức tin mang sâu trong nó cuộc hồi hướng liên tục các thái độ, các sắc thái và âm sắc sống của ta. Nó đòi một việc lên công thức lại, chứ không vá víu hay đánh bóng. Nó có nghĩa chấp nhận hình thức mới mà Chúa Giêsu Kitô đã in nơi kẻ được bàn tay và Tin Mừng sự sống của Người đụng tới. Nó cũng có nghĩa làm một điều gì hoàn toàn mới cho xã hội và cho Giáo Hội; vì “Ai ở trong Chúa Kitô đều là một tạo vật mới” (2Cor 5:17-21). 

Bước qua ngưỡng cửa đức tin sẽ dẫn ta tới việc tha thứ và biết cách nở một nụ cười. Điều này có nghĩa phải tiếp cận bất cứ ai sống bên lề nhân sinh và gọi họ bằng tên. Là phải chú ý tới tính mỏng dòn của người yếu đuối nhất và nâng đỡ những đầu gối đang run rẩy của họ trong niềm xác tín rằng bất cứ ta làm gì cho một người bé nhỏ nhất trong anh chị em ta là ta đang làm điều đó cho chính Chúa Giêsu (Mt. 25:40).

Bước qua ngưỡng cửa đức tin đòi ta phải cử hành sự sống. Nó đòi ta phải để mình được biến đổi vì ta đã trở nên một với Chúa Giêsu tại bàn tiệc Thánh Thể cử hành trong cộng đoàn và từ đó bàn tay và tâm óc ta luôn bận bịu với dự án vĩ đại của Nước Trời: mọi sự khác sẽ được ban thêm cho ta (Mt. 6.33).

Bước qua ngưỡng cửa đức tin là sống tinh thần của Công Đồng Vatican II và của cuộc họp mới đây của các giám mục Mỹ Châu Latinh và vùng Caribbean tại Aparecida, tức tinh thần của một giáo hội mở cửa, không phải chỉ để nhận vào mà căn bản để đi ra ngoài, làm cho khắp phố phường và con người thời đại tràn đầy Tin Mừng. 

Bước qua ngưỡng cửa đức tin, trong tổng giáo phận ta, đòi trước đó phải xác tín được Sứ Mệnh làm một giáo hội biết sống, cầu nguyện và làm việc với định hướng truyền giáo.

Bước qua ngưỡng cửa đức tin là dứt khoát tiếp nhận tính mới mẻ của sự sống nơi Chúa Kitô Phục Sinh, người đã trỗi dậy trong thân xác yếu hèn của ta để biến nó thành dấu chỉ sự sống mới. 

Suy niệm tất cả các điều trên, ta nhìn lên Mẹ Maria. Xin ngài, là Mẹ Đồng Trinh, đồng hành với chúng ta trong cuộc vượt qua ngưỡng cửa đức tin này và đem Chúa Thánh Thần đến cho Giáo Hội, như xưa Người đã đến Nadarét, để cũng như Đức Mẹ, ta có thể thờ lạy Chúa và lên đường loan báo những kỳ công Người đã thực hiện nơi chúng ta. 

Cardenal Jorge Bergoglio
Buenos Aires
Tháng Mười, 2012

Tác giả: Vũ Văn An

Nguồn tin: vietcatholic.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây