Đức từ chối cấp visa: Vì sao nơi sinh trên hộ chiếu mới của VN lại quan trọng?

Thứ năm - 28/07/2022 11:28
Hôm 27/07, Đại sứ quán CHLB Đức ở Hà Nội thông báo họ không thể cấp thị thực cho hộ chiếu phổ thông có số serial bắt đầu bằng 'P' của Việt Nam. Điều này gây hoang mang cho nhiều người dân đang sở hữu hộ chiếu mẫu mới và có dự định đi Đức.
 
passport 1
Mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam được cấp từ ngày 1/7/2022. Ảnh: cand.com.vn

Lý do phía Đức nêu ra là một số thông tin kỹ thuật trong loại hộ chiếu này của Việt Nam "chưa tương thích" với yêu cầu của các cơ quan chức năng nội địa Đức. Cụ thể là thiếu thông tin về nơi sinh.

Theo đó, công dân Việt Nam dùng loại hộ chiếu này mà đã nhận được thị thực loại C hoặc D cũng được phía Đức khuyến cáo không tìm cách nhập cảnh Đức.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 28/7, Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thành Tô hiện đang làm việc tại Tạ Quang Huy và cộng sự tại Úc nói:

"Tôi khá bất ngờ khi hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam không có nơi sinh vì đa số các hộ chiếu chuẩn trên thế giới đều có thông tin này.

"Khi Đức không chấp nhận mẫu hộ chiếu mới thì nó có hiệu lực trên cả thế giới, chứ không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam, tức cả những người sở hữu hộ chiếu mới của Việt Nam mà đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng.

"Theo tôi sẽ có hiệu ứng domino trong vấn đề này, những nước khác khi thấy Đức có động thái như vậy có thể sẽ làm theo hoặc dò xét lại kỹ càng. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào cách Việt Nam chia sẻ dữ liệu với các quốc gia khác," ông Tô nhận định.

Trang Thông tin Chính phủ mới đưa ra thông báo họ đã gửi công hàm đề nghị phía Đức hỗ trợ tháo gỡ vấn đề liên quan đến hộ chiếu mới. Đồng thời, trong sáng nay, Bộ Ngoại giao có buổi làm việc với Đại sứ quán Đức để sớm giải quyết vấn đề này và sẽ thông tin đầy đủ với công dân khi có kết quả sau buổi làm việc.

Vì sao hộ chiếu mới thiếu thông tin nơi sinh?

Hộ chiếu mà Đức tạm thời không chấp nhận là loại hộ chiếu có bìa màu tím than - thay cho bìa màu xanh lá cây - do phía Việt Nam cấp từ ngày 01/07/2022, có số serial bắt đầu bằng 'P' và quan trọng là không có gắn chip như thông báo ban đầu.

BBC News Tiếng Việt ghi nhận phản ánh của mạng xã hội Việt Nam, thì hộ chiếu này bỏ mục "Nơi sinh", thay vào đó là hàng số gồm có mã ghi nơi sinh.

Hộ chiếu Hàn Quốc không có mục Nơi sinh nhưng có chip điện tử (e-pass) lưu giữ các thông tin cần thiết, bao gồm nơi sinh. Còn mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam thì chưa gắn chip và cũng thiếu cả nơi sinh.

Hồi tháng 7/2021, Trang thông tin chính phủ đăng Thông tư 73/2011, mô tả mẫu hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam như sau:

"Mặt ngoài của trang bìa in quốc hiệu, quốc huy, tên hộ chiếu; hộ chiếu có gắn chip điện tử có biểu tượng chip điện tử."

"Chip điện tử được đặt trong bìa sau của hộ chiếu. Bìa hộ chiếu là loại vật liệu nhựa tổng hợp, có độ bền cao. Chữ, số hộ chiếu được đục lỗ bằng công nghệ laser thông suốt từ trang một tới bìa sau cuốn hộ chiếu và trùng với chữ, số ở trang 1."
 
Trang data page trong hộ chiếu Việt Nam theo mẫu mới cấp từ ngày 1/7/2022. Ảnh: UGC

Thông tin rầm rộ làm nhiều người dân lầm tưởng hộ chiếu mẫu mới sẽ có chip. Tuy vậy, đến ngày 1/7, Bộ Công an lại khuyến cáo không bắt buộc đổi sang mẫu mới vì mẫu mới này chưa gắn chip. Dự kiến cuối năm 2022, Bộ này mới triển khai cấp hộ chiếu gắn chip.

Trả lời Zing.news, Đại tá Nguyễn Bá Tuấn giải thích việc phát hành mẫu hộ chiếu mới nhưng không có chip từ 1/7 là để "quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới, đồng thời giúp cho tấm hộ chiếu của Việt Nam có hiệu lực mạnh hơn". Ông không đề cập lý do vì sao không triển khai hộ chiếu gắn chip từ đầu tháng 7.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Tô đánh giá, việc bỏ mục "Nơi sinh" thì có lợi cho Việt Nam trong việc quản lý:

"Việt Nam có thể quản lý thông qua các con số, họ chỉ cần nhìn số là biết nơi sinh và nó sẽ liên kết với căn cước công dân gắn chip mà mọi người đang đi làm lại. Đó là lý do vì sao hộ chiếu mới không có nơi sinh."

"Nhưng nó lại dở về phương thức ngoại giao giữa các nước vì chính phủ Đức phải dùng danh sách mà Việt Nam gửi để đối chiếu mã số thì mới biết được người đó sinh ra ở đâu. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho các cán bộ xuất nhập cảnh hoặc cán bộ duyệt thị thực vào Đức," ông Tô nêu ý kiến.

Một vài tỉnh, thành của VN bị liệt vào danh sách đen?

Mới đây, 20/7, Mỹ vừa thêm Việt Nam vào danh sách đen buôn người, cùng với một số nước khác, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Dư luận xã hội cho rằng, một vài tỉnh thành ở Việt Nam thường bị các nước phát triển đưa vào danh sách đen. Điều này khiến việc xét duyệt thị thực có phần gắt gao hơn đối với một số người có nơi sinh ở các vùng này.

Tiến sĩ Tô với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn về luật di trú cho người Việt nói với BBC:

"Không riêng gì Đức mà nhiều quốc gia phát triển khác như Mỹ, Úc, Canada - những nước mà người Việt Nam thích định cư hay đi du học đều có danh sách những tỉnh mà người dân sinh ra từ những vùng này có tỷ lệ ở lậu cao, trốn ở lại hay vi phạm quy định về thị thực. Mỗi loại visa đều có những quy định được làm gì, không được làm gì thì người dân mình qua các nước đó dễ vi phạm và bị hủy visa."

"Do đó, một số nước sẽ liệt một số tỉnh vô danh sách. Danh sách này không có nghĩa họ không bao giờ cấp visa cho những người ở các tỉnh đó, mà họ sẽ xem xét điều kiện kĩ càng và khó khăn hơn. Vì trong tiền sử, họ đã gặp nhiều trường hợp vi phạm như vậy. Đó là lý do một số nước cần rất rõ thông tin nơi sinh trên hộ chiếu."
 
Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thành Tô hiện đang làm việc tại Tạ Quang Huy
và cộng sự tại Melbourne, Úc

Tuy nhiên, luật sư cũng khẳng định, vấn đề trên chỉ là một phần nhỏ của ý nghĩa thông tin về nơi sinh trên hộ chiếu. Quan trọng hơn là vấn đề an ninh quốc gia. Nơi sinh bị thiếu hoặc trống thường được coi là mối đe dọa an ninh ở biên giới vì các cá nhân có thể dễ dàng che giấu danh tính của họ, chưa kể việc hiện có nhiều người đa quốc tịch nên thông tin nơi sinh vẫn là cần thiết.

Theo luật sư Tô, người khổ nhất vẫn là công dân Việt Nam trên toàn cầu. Nhiều người Việt Nam có dự định làm việc, đi học hay du lịch ở Đức phản ánh với BBC họ rơi vào "bế tắc" trước quyết định này và mong chờ hai bên chính phủ sớm giải quyết.

Một sinh viên Việt Nam đang du học tại Đức nói với BBC:

"Theo lịch thì ba mẹ mình sẽ bay sang Đức thăm mình vào cuối tháng này nhưng ba mẹ mình vừa được Đại sứ quán Đức ở Việt Nam gọi điện thông báo là không nên bay. Phía Đại sứ quán Đức khẳng định luôn là mẫu hộ chiếu mới không được nhập cảnh vào Đức, dù ba mẹ mình đã có visa từ thứ sáu tuần trước. Gia đình mình hỏi thêm thông tin thì bên ĐSQ nói họ không thể làm gì được vì đây là vấn đề bên Việt Nam phải giải quyết với Đức trước."

Tầm quan trọng của nơi sinh trên hộ chiếu

Theo luật sư Tô: "Nơi sinh trong hộ chiếu là điều cực kỳ quan trọng vì nó giúp định danh cá nhân, để biết chính xác người sở hữu hộ chiếu là ai. Vì họ tên, năm sinh vẫn chưa đủ để phân biệt người này người kia do có hiện tượng trùng các thông tin này thế nên nơi sinh cũng là đặc điểm quan trọng để định danh một người."

BBC ghi nhận, với hộ chiếu mẫu mới này, chỉ có thể xác định được nơi sinh thông qua số định danh cá nhân có 12 chữ số và phải đối chiếu với một danh sách dài 7 trang một cách thủ công.

Công hàm 178/2022 của phía Đức gửi cho Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng đối với cơ quan chính quyền ở Đức, việc tìm nơi sinh thông qua số định danh trong hộ chiếu là không thể thực hiện được. Trong khi kiểm tra ở Đức (khi nhập cảnh, xuất cảnh, khi kiểm tra trong nước) sẽ phải luôn đối chiếu bằng thủ công với danh sách. Không thể cho rằng mỗi một người làm nhiệm vụ kiểm tra đều có danh sách này.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Tô nêu quan điểm:

"Nếu Việt Nam muốn Đức chấp nhận những con số trên hộ chiếu thay cho nơi sinh thì Việt Nam phải có hệ thống giao lưu trao đổi thông tin với Đức để họ có thể dùng hệ thống tra cho thuận tiện. Mình không thể nào gửi một danh sách dài 7 trang cho họ rồi để họ tra thủ công được, nó gây khó khăn, mất thời gian khi làm thủ tục xuất nhập cảnh hoặc duyệt hồ sơ. Và với khó khăn vậy, chắc chắn họ phải dừng lại vì nó liên quan an ninh quốc gia. Các nước đều có nhu cầu biết chính xác người nhập cảnh vào quốc gia mình là ai, người như thế nào. Vì thế, mọi thông tin phải thật rõ ràng, dễ dàng kiểm tra, kiểm chứng,"

"Vì vậy việc chính phủ Đức tạm ngưng, chứ không cắt hẳn việc cấp thị thực cho hộ chiếu mẫu mới là hợp lý do họ chưa có giải pháp cho việc này. Tôi nghĩ chính phủ hai bên sẽ sớm ngồi lại với nhau để kiếm giải pháp tốt nhất cho việc này. Một là Việt Nam thay đổi, nhưng thực sự rất khó vì cả hệ thống đâu phải muốn là có thể chuyển thành quyển mới, có nơi sinh được vì hiện tại biết bao nhiêu người đã đổi sang hộ chiếu mẫu mới," Luật sư Tô đánh giá.
 
Nhiều nước phát triển đã sử dụng hộ chiếu gắn chip từ lâu. Ảnh: Getty Images

Thống kê của Công an thành phố cho thấy, riêng ngày 1/7, đã có hơn 1.800 người nộp hồ sơ đăng ký làm hộ chiếu. Những ngày sau, số lượng người đã giảm hơn nhưng cũng dao động ở mức 1.500 lượt người mỗi ngày, tăng gần gấp đôi so với bình thường.

Báo Dân trí trích lời đại diện Cục Quản lý Xuất nhập cảnh nói: "Chúng tôi mới nắm được thông tin này qua nhân dân chứ chưa nhận được thông báo qua đường ngoại giao."

Đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh khẳng định hộ chiếu phổ thông mẫu mới của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở đúng luật, đúng quy định và đúng quy chuẩn quốc tế, đảm bảo tiêu chuẩn bảo mật của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế ICAO.

Chiếu theo tiêu chuẩn của ICAO, hộ chiếu có thông tin nơi sinh là tùy chọn (optional). Tuy nhiên, ICAO cũng khuyến cáo, khi lựa chọn bao gồm việc có bỏ qua thông tin nơi sinh hay không, thì quốc gia hoặc tổ chức cấp hộ chiếu phải xem xét mọi hoạt động chính trị hiện tại liên quan, và liệu hộ chiếu đó có được công nhận tại các quốc gia khác hay không.
 
Ảnh: Win McNamee/Getty Images

Một số quốc gia cho rằng hiển thị nơi sinh trên hộ chiếu liên quan đến quyền riêng tư và có khi bị phân biệt.

Một nghiên cứu về việc xóa thông tin nơi sinh được trình lên Quốc hội Mỹ đã chỉ ra mối lo ngại rằng một số công dân Mỹ nhưng sinh ra ở nước ngoài có thể bị quấy rối chính trị hoặc bạo lực thể chất do thông tin nơi sinh hiển thị trên hộ chiếu Mỹ, theo Best Citizenship.

Theo ghi nhận của BBC, các quy định hộ chiếu của Vương quốc Anh, các nước EU và Hoa Kỳ ghi rõ họ không thể nào cấp hộ chiếu cho công dân thiếu nơi sinh.
Bùi Thư (BBC News Tiếng Việt)
Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/world-62329386

Tác giả: Bùi Thư (BBC News Tiếng Việt)

Nguồn tin: BBCVietnamese

 Tags: hộ chiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập630
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm629
  • Hôm nay129,785
  • Tháng hiện tại988,682
  • Tổng lượt truy cập58,274,551
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây