Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Đồng hương Dinh Cát họp mặt tại nhà thờ Fatima Bình Triệu, Sàigòn

-

-

Bước vào tuổi 29, Ngày Truyền thống Đồng hương Dinh Cát (Quảng Trị) đã diễn ra tại thờ Fatima Bình Triệu vào sáng Chúa nhật, ngày 05 tháng 02 năm 2017, tức 9 tết Đinh Dậu. Ngày gặp gỡ đầu năm mới qui tụ đông đảo bà con...
ĐỒNG HƯƠNG DINH CÁT HỌP MẶT
TẠI NHÀ THỜ FATIMA  BÌNH TRIỆU, SÀIGÒN

 
Bước vào tuổi 29, Ngày Truyền thống Đồng hương Dinh Cát (Quảng Trị) đã diễn ra tại thờ Fatima Bình Triệu vào sáng Chúa nhật, ngày 05 tháng 02 năm 2017, tức 9 tết  Đinh Dậu. Ngày gặp gỡ đầu năm mới qui tụ đông đảo bà con đang sinh sống tại thành phố Sàigòn và các vùng phụ cận. Truyền thống tốt đẹp nầy khởi đầu từ mùa xuân năm 1988, lúc ấy bà con qui tụ về nhà thờ Xuân Hiệp, Thủ Đức  theo lời mời gọi của cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, chánh xứ, nay là giám mục Thái Bình. Sau đó, cha cố Simon Nguyễn văn Lập (+) mở rộng vòng tay đón bà con về nhà thờ Fatima Bình Triệu. Công trình nhà thờ mới đang ở giai đọan cuối, chờ cung hiến vào cuối năm 2017.
 
- Xem toàn bộ hình ảnh:   BẤM VÀO ĐÂY (lưu ý: 2 trang)
 
Ngày truyền thống khởi đầu lúc 9g30 với nghi thức kính nhớ tổ tiên. Ba hồi chiêng trống vang lên. Đức cha Phêrô và các cha đồng tế tiến đến trước bàn thờ tổ tiên cạnh cung thánh, trang trọng cúc-cung-bái và cung kính niệm hương. Trong bầu khí linh thiêng hương trầm nghi ngút, cộng đoàn lắng nghe lời Chúa trích sách Huấn Ca nói về công đức tổ tiên và phúc lành Chúa ban cho dòng dõi những kẻ trung tín với Người. Tiếp đến, đại diện bà con dâng lên tiên tổ những lễ vật tượng trưng biểu lộ lòng thành kính tri ân  tổ tiên ông bà. Lòng thành lễ vật dâng lên mở đầu cho những lời thân thưa với tiền nhân trong bài văn tế ca tụng công ơn tổ tiên và các đấng tử đạo miền Dinh Cát :
 
Nhớ tổ tiên hàng trăm năm về trước
   Từ núi Tản, sông Đà, Hồng Lĩnh,   
   Nơi châu thổ sông Hồng văn hiến ngàn năm
   Tiến về phương Nam mở cõi khai hoang,
   Đến Dinh Cát, châu Ô, dừng chân lập nghiệp. “ …
 
Hậu sinh nhìn gương anh dũng hy sinh của các thánh tử vì đạo và bao người công chính bị thảm sát thời Văn Thân với lòng cảm phục vô biên :
 
Phục bái ! phục bái !
Thánh Giuse Lê Đăng Thị, cai đội, người Kẻ văn;
Thánh Phanxicô Nguyễn văn Trung, cai đội, người Phan Xá;
Thánh linh mục Vinhsơn Nguyễn Thế Điểm, quê làng Ân Đô;
Thánh Simon Phan Đắc Hòa, cựu chủng sinh, trùm họ, con dân làng Nhu Lý.
Nhớ một thời vận nước suy vong, 
Lũ Văn Thân cuồng nộ thảm sát hung tàn.
Nầy Cổ Vưu, An Đôn cùng Thạch Hãn,
Qua An Lộng, Bố Liêu, Dương Lộc về Cây Da,
Đến Dương Lệ giặc tràn qua Nhu Lý,
Thuận Nhơn, Kẻ Văn, Kẻ Vịnh chúng chẳng tha,
Không sót Nam Tây, Bái Thiên, Vạn Thiện.
Lớp lớp người ngã xuống vì Danh Thánh,
Ngày nay những lăng tẩm mộ phần là chứng tích
 
  Dám xin:
 
Tổ tiên linh thiêng, phù hộ độ trì con cháu
Năm mới bình an, phúc lộc đầy tràn,
Hạnh phúc an khang, vui sống Tin Mừng“…
 
Một hồi chiêng trống kết thúc nghi thúc. Trước khi bước vào phần thánh lễ, cộng đoàn vỗ tay hân hoan chào mừng Đức cha, quý cha, quý tu sĩ và thân tình chào nhau.
 
Thánh lễ được cử  hành long trọng trong tâm tình tạ ơn Chúa, cầu cho ông bà tổ tiên và những ý lễ bà con xin dâng. Cùng đồng tế với Đức cha Phêrô có cha cố Giuse Trần văn Lộc, Anrê Lê Văn Hải, Phêrô Nguyễn Huệ, Giuse Nguyễn văn Giáo dòng SOLT, Raphael Hoàng Thái Sơn dòng Claret, Mathêu Hoàng Thái Bảo, Lê Thanh Phục dòng CSsR và cha cố Đaminh Nguyễn Đình Cẩm (ngồi xe lăn).
 
Trong phần giảng lễ, cha Anrê chia sẻ ấn tượng sâu sắc mà cha cảm nhận về tấm lòng yêu thương lớn lao, sự hy sinh cao cả của ông ngoại và bà mẹ đối với đứa con bệnh hoạn, một hoàn cảnh bi thương mà cha đã chứng kiến trên một chuyến tàu từ Huế vào Phan Rang. Cho nên sự báo đáp của con cái đối với cha mẹ ông bà là đòi hỏi tất nhiên của đạo làm người và đạo làm con Chúa vậy. 
 
Cuối Thánh lễ, ông Lê Viết Tòa, đại diện cộng đoàn, dâng lời cám ơn Đức cha Phêrô, người sáng lập và đồng hành gia đình đồng hương suốt 29 năm qua; cám ơn quý cha đã dành thời giờ quý báu đến tham dự dù ngày Chúa nhật rất bận công việc muc vụ; cám ơn quý tu sĩ và quý bà con đã không quản bao  khó khăn đến với ngày hội hôm nay; sư hiện diện của mỗi người góp phần xây dựng gia đình đồng hương bền vững. Đặc biệt chân thành cám ơn cha tân chánh xứ Gioakim Trần Văn Hương đã dành mọi sụ ưu ái cho phép tổ chức như mọi năm.
 
Sau Thánh lễ, bà con cùng với Đức cha, quý cha tham dự liên hoan mừng xuân họp mặt. Khởi đầu là mục mừng thọ. Trọng lão kính già là nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Tất cả gồm 14 vị từ 75 tuổi trở lên, có cha  Trần văn Lộc, cha Nguyễn Đình Cẩm, người cao niên nhất là một cụ bà 91 tuổi, người Nhu Lý. Mỗi vị nhận được một món quà tặng.
 
Buổi liên hoan tiếp tục với tiết mục xổ số và giao lưu. Cha Lê văn Hải đăng đàn quảng bá giáo điểm Cà Ná, thành tích gần nhất là dựng bức tượng điêu khắc Mẹ La Vang cao 4 thước nặng 7,5 tấn, chất liệu đá Thanh. To gan! Thơ, nhạc về Cà Ná tuôn chảy ào ào, vui nhộn, lắm người cười toét miệng. Cha nhạc sĩ Nguyễn Huệ làm nồng ấm bầu khí với hai sáng tác thánh ca, bà con khen đáo khen để. Hai anh em linh mục trẻ Hoàng Thái Sơn và Hoàng Thái Bảo lần đầu tiên ra mắt bà con, tự giới thiệu quê An Đôn, nhà có ba anh chị em, đều đi tu. Có người khẽ nói: Thôi rồi! Tiệt nòi, rồi còn ai mà tu nữa!
 
Có thể từ ý bài văn tế và qua việc nhìn ngắm những đền đài các thánh tử đạo hoành tráng ngoài Bắc,  Đức cha Phêrô nêu ý tưởng giáo xứ Dương Lộc nơi đã xảy ra vụ thảm sát hai ngàn giáo dân, có cả linh mục, thời Văn Thân, nên dâng kính một đền thánh hay lăng mộ xứng tầm. Không nghi ngờ gì Đức cha sẽ là người ủng hộ đầu tiên. Triển khai ý tưởng đó, có người đề nghị nên có người của Duơng Lộc, Dương Lệ chủ trì, lập kế hoạch thực hiên. Ông Bùi văn Tôn, thuở thiếu thời sống tại vùng đất thiêng nhuộm máu các vị tử đạo kể lại một hiện tượng kỳ lạ, có đêm đèn nến không ai thắp mà sáng cả vùng. Đức cha còn đề nghị vào dịp đại hội La Vang sắp tới bà con đồng hương tổ chức đi chung, nhân tiện về thăm  quê làng, Đức cha lo chỗ ăn ở. Bà con hoan hô cả hai tay. Kỳ nầy đi theo Đức cha không phải ngủ bờ nằm bụi.
 
Ngày đồng hương kết thúc lúc 13 giờ. “Thời gian quan trọng hơn không gian“ (ĐGH Phanxicô). Thời gian 29 năm trôi qua lúc nào không hay, dù có những lúc khó khăn, dù chỗ gặp gỡ tàm tạm qua ngày, nhưng bà con vẫn thể hiện tinh thần đồng hương, lạt lạt như nước (đạm đạm như thủy) mà không phai tàn, đến với nhau hằng năm với niềm vui của ngày tết. Ra về hẹn năm sau gắng đến. Lớp tiên khởi dần dần vắng bóng, hoặc đã qui tiên hoặc đang lụm khụm ở nhà chờ “nay mai về với ông bà, nấp sau nải chuối ngắm gà khỏa thân”. Đám con nít ngày trước bám đuôi cha mẹ nay có đứa đã có đôi có cặp có con. Có người nối dõi, gia đình đồng hương không lo tắt bóng.
 
Hẹn gặp nhau vào mùa xuân mới, lần thứ 30, nơi nhà thờ mới Fatima Bình Triệu. 

Tác giả: Gioan Lê Cần

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây