Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài trên văn hóa Việt Nam [3]

-

-

Từ xưa, người nước ta vẫn sinh hoạt bằng nghề cày cấy và nghề chài lưới, cho nên đồ ăn chủ yếu của ta là gạo và cá. Gạo là hoa màu chính của đồng ruộng Việt Nam cũng như cá là sản phẩm chính của sông ngòi và biển cả đất nước.
Ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài trên văn hóa Việt Nam [3]

 
PHẦN V: SỰ ẢNH HƯỞNG VỀ THỂ THAO VÀ GIẢI TRÍ
 
I. ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG HOA
 
Thời xưa, nước ta chỉ có mấy lối cờ bình dân như cờ chiếu tướng, cờ ngũ hành, cờ chân chó,… Và sau này có thêm cờ tướng là một trò chơi giải trí thanh cao tao nhã, dễ chơi được nhiều người yêu thích, nhất là các cụ ông khi về già thường tụ tập nhau lại để cùng vui chơi. Mỗi ván cờ là một cuộc đấu trí vừa gay go và vừa thú vị mà người chơi phải suy nghĩ chăm chú vào đó rất nhiều. Chuyện kể rằng: Bấy giờ dưới đời vua Trần Dụ Tôn (1341 – 1369), nước ta đang ở trong thời kỳ bị nước Tàu “dòm ngó”, muốn xâm lăng. Vua Tàu sai sứ giả sang nước ta để thách đố đánh cờ với vua Dụ Tôn. Vua Dụ Tôn không dám từ chối, nhưng thật tình rất lo ngại. Nhà vua sai đi tìm người tài giỏi để đấu cờ với sứ Tàu. Khi ấy ở làng Mộ Trạch, huyện Đường An có ông Vũ Huyền là một hảo thủ tượng kỳ. Ông Vũ Huyền vào yết kiến nhà vua, cam đoan giúp nhà vua thắng sứ Tàu, nhưng cuộc cờ phải bắt đầu vào đúng giờ ngọ, và xin nhà vua cho Vũ Huyền được đứng hầu cận trong lúc đánh cờ.
 
Cờ chơi ở ngoài trời, kẻ hầu cận phải che lọng cho vua và sứ giả Trung Hoa. Lọng Vũ Huyền che cho nhà vua đã dùi lủng một lỗ để ánh sáng mặt trời lọt qua. Vua cứ theo tia nắng ở lỗ lọng chiếu xuống mà đi cờ, nên đã thắng sứ giả Trung Hoa. Nhờ sự thắng cờ này, Trung Hoa cho nhà vua là người tài giỏi và không dám gây cuộc binh đao. Qua mẩu chuyện nhỏ này chúng ta có thể nói rằng cờ tướng đã có ở nước ta cũng khá lâu rồi.
 
Cờ tướng là một trò giải trí phát xuất từ nước Trung Hoa, nhưng đây là một trò tiêu khiển lành mạnh mà ai cũng có thể chơi được, chỉ cần biết đường đi của từng con cờ. Ngày nay trò giải trí này cũng được đưa vào chương trình thi đấu quốc tế.
 
II. ẢNH HƯỞNG CỦA TÂY PHƯƠNG
 
1. Cờ - bài
 
Nói đến cờ bạc là nói đến mất nhà, mất cửa, mất ruộng, mất trâu, và mất cả quần lẫn áo:
 
“Cờ bạc nó đã quấy anh
Áo quần bán hết một manh chẳng còn
Buổi gió sương chui vào đống rạ
Hở mông ra cho quạ nó moi
Anh còn cờ bạc nữa thôi”.
 
Mặc dù cờ - bài nguyên bản chất không xấu nhưng qua mấy câu ca dao trên, ta đủ thấy thế nào là tác hại của cờ - bài khi nó mất đi tính văn hóa. Chơi cờ - bài, có khi là để giải buồn, có khi để ăn tiền, nhưng thực ra, ai biết đâu mà giới hạn giải buồn tiêu khiển với những cuộc “đỏ đen” bóc lột. Cờ bạc cũng có lối chơi cần suy xét, cũng có lối chơi trông cậy ở cả đỏ đen may rủi.
 
Không rõ cơ – bài đã du nhập vào Việt Nam khi nào nhưng có thể thấy một số loại cờ bài phổ biến ở Việt Nam hiện nay như: Tú-lơ-khơ, cờ vua, Đô-mi-nô,… còn việc chơi và thưởng thức loại hình giải trí này tuỳ thuộc vào tầng lớp và trình độ.
 
2. Bóng đá
 
Theo một số tài liệu xưa, bóng đá du nhập vào Việt Nam năm 1896, tức là năm đánh dấu Olympic hiện đại lần đầu tiên tổ chức tại Athen, Hy Lạp. Lúc đó một nhóm người mang quốc tịch Châu Âu mỗi tuần tụ họp nhau lại tại Jardin de la ville (Tao Đàn, Thành phố Hồ Chí Minh)để giải trí. Họ cùng đùa giỡn tranh nhau một đấu giày trên cỏ.
 
Từ năm 1896 – 1905 các đội bóng có người Việt Nam tham gia được thành lập do giới thống trị của Pháp lập nên, mỗi đội chỉ có một vài người Việt Nam. Năm 1906, một nhóm người Việt Nam bàn nhau lập riêng cho mình một đội bóng và lấy tên đội là Gia Định Sport.
 
Sau Đại Chiến Thế Giới Thứ II tốc độ phát triển bóng đá thế giới rất nhanh, mạnh và đều khắp thế giới. Bóng đá không còn là lãnh vực dành riêng cho Trung Mỹ và Châu Âu nữa mà phát triển mạnh sang Châu Á – Phi, Bắc Nam mới trở thành hội viên chính thức của FIFA, do Tiệp Khắc và Bungarie giới thiệu theo điều lệ của FIFA. Từ đó trở đi đội bóng của Nước ta phát triển và có cơ hội giao đấu với một số các nước bạn.
 
Đến 1966, đội tuyển nước ta đã làm cho khán giả trên sân Merdeka, thủ đô Kualalumpur, Malaysia ngây ngất bởi tài nghệ của mình và đã đem về cho đất nước chiếc cúp Merdeka. Ngày nay bóng đá trở thành một môn thể thao của toàn thế giới được mọi người yêu thích và bất cứ tầng lớp nào cũng có thể chơi được.
Ngoài những môn thể thao giải trí nói trên còn có một số môn quen thuộc khác như bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, quần vợt,…
 
***
PHẦN VI: SỰ ẢNH HƯỞNG VỀ ẨM THỰC
 
I. ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG HOA
 
1. Các món ăn
 
Từ xưa, người nước ta vẫn sinh hoạt bằng nghề cày cấy và nghề chài lưới, cho nên đồ ăn chủ yếu của ta là gạo và cá. Gạo là hoa màu chính của đồng ruộng Việt Nam cũng như cá là sản phẩm chính của sông ngòi và biển cả đất nước. Ngoài hai thứ đồ ăn chủ yếu trên, ta còn ăn nhiều thứ rau đậu trồng ở vườn hay mọc tự nhiên ở đồng (rau cải, rau dền, ray đay, rau mồng tơi, rau muống, rau ngổ, đậu, cà, khoai, sắn,…), thịt các thứ gia súc gà, vịt, lợn,… và thỉnh thoảng có thêm một ít thịt trâu bò và một gia cầm, dã thú đánh hoặc săn được như: cò, chim mỏ thác, le le, cun cút, đa đa, hươu, nai, chồn, cáo thỏ, lợn rừng. Trước kia người vùng quê dùng các thứ thức ăn này trong các dịp lễ hội, Tết, ngày giỗ. Nhưng nay thời thế đã đổi khác cũng là do ảnh hưởng của Tàu nên các món ăn của ta cũng thay đổi, buổi sáng có thêm một số món ăn như bánh bao, xíu mại, phở, miến canh, cháo gà, còn trong những dịp lễ lạc hay đãi khách với người dân vùng quê thì nấu các món ăn bình dân, người khá giả hơn thì nấu các món ăn đặc biệt và ngon hơn. Những nhà sang trọng thì dùng sơn hào hải vị nấu toàn các món ăn của Tàu như: Da tê, gân hươu, yến sào, bào ngư, hải sâm, bong bóng, vây cá,…
 
2. Trà
 
- Nghệ thuật uống trà
 
Người Việt Nam thường uống nước hay uống trà sau bữa ăn cốt để súc miệng, hoặc uống để giải khát khi trời nóng. Nhưng không nghĩ rằng uống trà là cả một nghệ thuật. Là nghệ thuật vì uống trà có một sự cầu kỳ khác, uống trà Tàu không giống như uống trà sen. Muốn thưởng thức hương vị của trà, không phải uống bất kỳ lúc nào cũng thấy ngon và càng không phải uống với bất cứ ai cũng thưởng thức được hương vị thơm ngon của trà. Ta cứ tưởng tượng buổi sáng trời lạnh với một ấm trà và buổi tối trời lạnh với một ấm trà sen thì sẽ thấy hương vị uống trà khác nhau.
 
- Cách thức uống trà và hai loại trà tiêu biểu: trà Tàu và trà Sen
 
Cũng như bất cứ dân tộc nào trên thế giới, đồ uống trước tiên là nước, rồi nước đó được đem pha chế thành các đồ uống khác. Nước, ta thường dùng là nước làm sạch. Người Việt Nam thường uống nước đã đun sôi hay với lá chè xanh, trà, lá vối, gạo rang,… làm nước uống hằng ngày.
 
Nói đến đồ uống, không thể bỏ qua được trà Tàu. Đây cũng là búp những cây trà được người Tàu hái rồi phơi ủ chế cho thành một thứ trà ngon, khi pha ra thì có một mùi vị tuyệt vời.
 
Qua nếp sống của ta, trong công việc giao tiếp chén nước trà dự phần rất nhiều. Về việc uống trà đã được người Trung Hoa nghiên cứu rất kỹ lưỡng từ xưa, và tạo ra những đồ ấm chén, lò siêu dành riêng để pha trà. Những đồ ấm chén này có từ thời nhà Tống đến nhà Minh và sang nhà Thanh. Chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, ta có lối uống trà của người Tàu rất hợp với mình, nhất là ở miền Bắc về mùa lạnh.
 
Người sành uống trà biết phân biệt hương vị các thứ trà lại hiểu khí chất mỗi loại, loại nào phải pha chế thế nào uống mới đậm nước nồng hương, loại nào cần uống thật đặc, loại nào uống đặc vừa cho hợp. Ấm pha thế nào thì tốt, chén uống thế nào thì ngon, cho đến lò than và siêu nước cũng phải nấu thế nào cho mau. Đấy là những điều khó khăn của nghệ thuật pha trà. Người không nghiện và sành uống trà thì không sao hiểu được. Cần phải có nghiên cứu và biết tinh tường.
 
Ở nước ta uống trà Tàu sành là một biểu tượng phong lưu. Nhiều người nghiện trà Tàu, hễ sáng không có một chén trà đậm thì không làm được gì cả. Có người nhịn ăn thì được nhưng không thể nào nhịn được trà.

Trong các loài trà ướp hoa, chỉ có trà ướp hoa sen là chuộng hơn cả. Uống trà Tàu cầu kỳ ở chỗ pha trà, trái lại uống trà sen thì cầu kỳ lại chính là ở chỗ ướp trà với hoa sen. Trà sen ướp thì công phu cầu kỳ như vậy, nhưng đến lúc uống thì rất giản dị, không phức tạp như uống trà Tàu. Trà sen pha vào ấm nào cũng được và có thể uống bất kỳ chỗ nào, thời gian nào cũng đều có thể thưởng thức được ấm trà sen.
 
II. ẢNH HƯỞNG CỦA TÂY PHƯƠNG
 
1. Thức ăn – Uống
 
Xưa nay bất cứ ở đâu dinh dưỡng vẫn là nguồn lương thực cần thiết để duy trì sự sống. Người ta không ai nhịn ăn, nhịn uống mà sống mãi được. Ta có câu “Dân dĩ thực vi tiên”, người dân lấy ăn làm đầu, và Tây Phương cũng nói ăn để mà sống. Người xưa thường nói: “ăn lấy no, uống lấy khỏi khát”. Ăn uống là điều cần thiết của con người.
 
Dân Việt Nam ăn mỗi ngày ba bữa: bữa sáng hay còn gọi là bữa ăn điểm tâm, bữa trưa và bữa chiều. Người ở vùng quê, họ cho cả ba đều là bữa ăn chính; còn người dân sống ở thành thị, người thương gia, buôn bán chỉ ăn hai bữa chính, họ coi bữa sáng chỉ là bữa ăn phụ, bữa ăn lót dạ mà thôi. Vì không phải làm việc đồng áng, việc nặng nhọc vất vả do ảnh hưởng lối sống Tây Phương, người ta ăn bánh mì, sữa là những món ăn có thời Pháp thuộc cũng được người Việt dùng để ăn điểm tâm.
 
Trong cách ăn, mâm cơm của người Việt Nam dọn ra bao giờ cũng có đồng thời nhiều món: cơm, canh, rau, dưa,… Với người nông dân ở vùng quê, bữa sáng người ta cũng ăn nhiều như hai bữa kia. Và người ta theo đúng câu tục ngữ “Ăn lấy chắc mặc lấy bền”, người ta phải ăn no, ăn những thức ăn no lâu để có thể chịu đựng được với công việc làm. Những người nhà nông thường họ rất ít ăn cháo, ăn xôi hay bánh trái gì mà người ta ăn cơm hoặc một thứ ngũ cốc hay hoa màu khác để thay cơm: ngô khoai, củ mì, củ sắn,…
 
Bữa trưa: trong bữa này, gia đình quây quần bên mâm cơm, tạo nên cảnh gia đình đoàn tụ cùng với cơm nóng, canh nóng làm cho bữa ăn của cả nhà vui vẻ và ngon miệng. Bữa ăn thường là thịt, cá, dưa, xáo, rán hoặc nấu canh tuỳ theo từng gia đình. Một số gia đình dùng theo lối Tây, dùng cơm Tây, ăn bánh mì thay cơm, món này ta thường gặp trong các nhóm đi chơi, đi du lịch, tham quan,…
 
Cũng giống bữa trưa, buổi chiều là bữa ăn chính của người Việt Nam. Từ thức ăn đến đồ ăn đều giống như bữa trưa, nghĩa là cơm, cá, thịt, rau,… Trong bữa ăn, người thành thị sống kiểu Tây Phương họ thường dọn, cá, thịt,…
 
Người Việt Nam không những chịu ảnh hưởng về các món ăn của Tây mà ngay cả đồ uống cũng bị Tây hoá. Về đồ uống ngoài các loại mà người dân Việt Nam thường dùng thì ngày nay trong những bữa tiệc như tiệc cưới hỏi, sinh nhật, tiếp đãi khách,… thì có bia, nước ngọt,… nếu tiệc sang trọng hơn thì có các loại rượu Tây như Champapne, whisky, cognac,…
 
2. Cách thức tổ chức tiệc
 
Người dân Việt Nam thường tổ chức tiệc mừng, tiệc đãi khách tại nhà để tiện cho việc bếp núc, nhưng với những gia đình khá giả thì họ lại thích tổ chức tiệc tại nhà hàng vừa lịch sử vừa đỡ phải bận rộn với việc nấu nướng. Ngày nay ở các nơi thành thị các món ăn đã chịu ảnh hưởng ít nhiều của Tây Phương, họ ăn các món Tây và sắp xếp tổ chức bữa tiệc theo kiểu Tây. Vì thế mà các món ăn được dọn lên cho khách mời theo thực đơn từng món một để tiện việc ăn uống. Bên cạnh đó, một số nơi còn tổ chức tiệc đứng, thường họ dọn các món ăn và đồ uống ra cùng lúc để khách tự chọn và tự phục vụ các món ăn đồ uống theo sở thích.

Tác giả: Hoàng Thiên, OP.

Nguồn tin: catechesis.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây