Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Ngày Bác Ái Xã Hội Giáo Phận Huế 2018

-

-

“Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7). Đó là đề tài đã được Caritas Huế lấy làm chủ lực để tổ chức “Ngày Bác ái Xã hội Giáo phận Huế 2018” vào ngày 19.5.2018 tại Trung Tâm Mục Vụ TGP Huế, với mục đích nhằm “Thăng tiến để phục vụ”.
Ngày Bác Ái Xã Hội Giáo Phận Huế 2018
 
Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7)
 
Đó là đề tài đã được Caritas Huế lấy làm chủ lực để tổ chức “Ngày Bác ái Xã hội Giáo phận Huế 2018” vào ngày 19.5.2018 tại Trung Tâm Mục Vụ TGP Huế, với mục đích nhằm “Thăng tiến để phục vụ”.
 
Đến với ngày gặp gỡ hôm nay, có sự hiện diện của Cha Antôn Dương Quỳnh, Tổng Đại diện, Cha Đaminh Phan Hưng, Tổng Thư ký Ủy ban Mục vụ TGP Huế, Cha Marcello Đoàn Minh, Giám đốc Caritas Đà Nẵng, Cha Antôn Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Caritas Huế, cùng quý Cha Đặc trách Giáo Hạt, quý Sơ và quý anh chị em đến từ các giáo xứ, các Nhóm Bác ái Vinh Sơn, Têrêxa, Lên Đường, Hiệp hội Dòng Phú Xuân, Nhân viên và Tình Nguyện Viên HIV – Bảo Vệ Sự Sống – Văn phòng Caritas Huế.

 
 
Mặc dù đang trong thời gian thu hoạch hoa màu, nhưng các anh chị em đang làm công tác xã hội tại các giáo xứ đã hy sinh sắp xếp công việc của gia đình, cất bước ra đi để tham dự ngày gặp mặt này.
 
Mở đầu cho ngày gặp gỡ, Cha Tổng Đại diện Antôn, Đại diện Bản quyền, đã gửi lời chào của Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh đến tất cả các tham dự viên. Với tất cả lòng quý mến, Cha Tổng Đại diện Antôn đã giúp mỗi tham dự viên nhận ra giá trị cao quý của bản thân khi chính mình là người ra đi để xoa dịu nỗi đau của anh chị em mình: nỗi đau của chiến tranh, nỗi đau của nghèo đói, của thiên tai bão lũ… Chúng ta là hiện thân của Chúa Giêsu khi chúng ta biết yêu thương người khác, cách riêng những anh chị em nghèo khổ, bất hạnh.  Những việc chúng ta làm dù có nhỏ hay âm thầm đi nữa thì cũng có một ý nghĩa rất lớn trước mặt Chúa, nếu được thực hiện trong tình yêu. Công việc từ thiện bác ái của anh chị em ở trần gian này được Chúa ghi nhận trên Nước Trời…

 
 
Và trong tinh thần của ngày gặp gỡ hôm nay, chúng ta cùng nhau chia sẻ, học hỏi, bồi dưỡng để tiếp tục đến với những cảnh đời đau khổ, những con người mà có khi, dưới con mắt của người đời, không được coi là quan trọng, không ai lưu tâm. Chính trong môi trường ấy, anh chị em đang tiếp tục công việc Chúa trao phó, làm lan tỏa hơi ấm của tình Chúa, tình người.
 
Tiếp tục chương trình, Cha Antôn Nguyễn Ngọc Hà đã chia sẻ đề tài “Caritas, Tổ chức Bác ái của Giáo hội Công giáo“. Cha Antôn đặt vấn đề: Tại sao “Yêu thương” là căn tính của Giáo Hội? Thưa, bởi vì Cội nguồn của Yêu thương là Thiên Chúa; Đức Giêsu, đã nhập thể và hiến mạng sống mình để cứu chuộc nhân loại, Người mạc khải cho chúng ta biết Tình yêu của Thiên Chúa Cha; và rồi, Giáo Hội, tiếp tục sứ mạng của Con Thiên Chúa: Trao ban Tình yêu cho mọi người. Thế thì, mục đích của hoạt động Bác ái trong Giáo hội có phải chỉ là một sự trợ giúp mang tính nhân đạo hay còn mang một ý nghĩa nào khác? Cha ân cần trả lời: ngoài ý nghĩa nhân đạo, hoạt động Bác ái của Giáo hội còn mời gọi hướng tới chiều kích thiêng thánh và tôn giáo nơi con người: con người là con Thiên Chúa –  sự gặp gỡ của con người với Thiên Chúa.

 
 
Với mục đích đó, người làm bác ái cần khiêm tốn học hỏi, cần được đào tạo về chuyên môn với kỹ năng để hoạt động hiệu quả hơn. Người làm bác ái phải biết đào tạo con tim bằng việc: quan tâm đến người khác; hy sinh bản thân; giúp người khác nhận ra giá trị của họ; rèn luyện để con tim của mình “biết chạnh lòng thương xót” trước anh chị em đang cần giúp đỡ (x.TĐ.TCLTY, số 31a).
 
Đặc biệt, Cha Antôn lưu ý những ai thực hành bác ái nhân danh Hội Thánh, sẽ không tìm cách áp đặt Đức tin của Hội Thánh lên kẻ khác. Người ấy biết rằng, Thiên Chúa là tình yêu, và sự hiện diện của Thiên Chúa được cảm nghiệm, chính khi chúng ta sống yêu thương (x.TĐ.TCLTY, số 31b).
 
Sau những chia sẻ của Cha Giám đốc Caritas, chị Nguyễn Thị Quỳnh Vân đã trình bày Tổng quát về những hoạt động Bác ái của Giáo phận Huế trong năm 2017, các hình ảnh được ghi lại như: hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, chăm sóc trẻ OVC. Hỗ trợ người khuyết tật; giúp đỡ người nghèo già – neo đơn; hỗ trợ các mẹ sinh con ngoài ý muốn, tư vấn cho các mẹ đơn thân… Qua những hình ảnh ghi lại những việc làm cụ thể, Caritas Huế đã giúp các tham dự viên thấy được việc làm thiết thực của những người làm công tác bác ái, nhằm nâng đỡ và xoa dịu nỗi đau trong cuộc sống hiện nay.

 
 
Để giúp cho việc Bác ái xã hội trở nên hiệu quả hơn, Cha Marcello Đoàn Minh, đã chia sẻ về mục đích và phương thức lập mạng lưới Caritas giáo phận, qua đề tài “Vườn hoa yêu thương“.
 
Theo Cha Marcello, trước tiên, mạng lưới Caritas tại các giáo xứ phải thể hiện tình “tương thân tương ái” theo truyền thống dân tộc. Caritas giáo xứ giúp phòng tránh – ứng cứu nhanh chóng và hữu hiệu sẽ là những nhân tố hòa cùng đồng bào làm sống dậy đạo lý cao đẹp đó tại địa phương của mình.
 
Trước đây, khi nói đến Caritas, người ta nghĩ ngay đến việc phát đồ cứu trợ. Nay với mạng lưới Caritas hoạt động sâu rộng tại các giáo xứ, giáo dân dần dần thay đổi thái độ và hành vi: từ thờ ơ đến liên đới trách nhiệm, biết quan tâm và chia sẻ cho người khác. Phần linh đạo trong các đợt tập huấn giúp hội viên ý thức: họ không phải là nhân viên công tác xã hội nhưng là người tiếp nhận và chia sẻ tình yêu Chúa Kitô. Hội viên cũng như cộng đoàn luôn được động viên, khích lệ cùng tham gia vào sứ vụ bác ái, giúp cộng đồng ý thức nghĩa vụ bác ái, tránh thái độ thờ ơ đùn đẩy.

 
 
Mạng lưới tại các giáo xứ giúp nắm bắt thông tin chính xác, nhanh chóng về người nghèo, về những hoàn cảnh cần giúp đỡ, về thiệt hại trong các thiên tai. Công việc bác ái trong giáo xứ cần được tổ chức nghiêm túc, tránh tiêu cực, kém hiệu quả.
 
Lập mạng lưới Caritas khác với lập nhóm làm từ thiện hay công tác xã hội. Nó liên quan tới sứ vụ, sự thánh thiện, bản chất, cơ chế của Giáo Hội. Đây không phải là “ban bệ lập ra cho có”, cũng không phải “khúc ruột thừa” gắn vào cộng đoàn. Nhưng đây là đứa con sinh ra trong lòng Giáo Hội. Giáo Hội là mẹ sinh ra và nuôi dưỡng trong nguồn sức sống của mình. Chính vì thế, nền tảng của mạng lưới phải là một linh đạo đúng đắn dựa trên Lời Chúa và các giáo huấn của các chủ chăn hay các vị thánh. Không có linh đạo, ban Caritas thành một hội, nhóm đời, hội viên đồng hóa với nhân viên dịch vụ từ thiện.
 
Vì vậy, việc xây dựng mạng lưới Caritas là việc chung của mọi thành phần Dân Chúa. Trước tiên phải có ý kiến minh nhiên của Đức Giám mục: ngài muốn lập mạng lưới Caritas trong giáo phận. Kế đến cần có sự đồng thuận và giúp đỡ của các cha quản xứ, các ngài cần được thông tin đầy đủ về kế hoạch và các chương trình, các hoạt động của Caritas theo chương trình mục vụ của giáo xứ và giáo phận. Không nhiều thì ít, Caritas phải chứng tỏ hiệu quả việc phục vụ của mình trong giáo xứ: phải làm công tác, phải hội họp. Cần có một nhóm dẫn đường, một mô hình Caritas trong những xứ có điều kiện hơn.
 
Mặc dù trời đã dần trưa, nhưng các tham dự viên đã lắng nghe một cách chăm chú và lần lượt đặt ra những câu hỏi thảo luận, những vấn đề thắc mắc để cùng nhau tìm hướng giải quyết và khắc phục những trường hợp, những hoàn cảnh gặp phải trong việc tổ chức mạng lưới Caritas ở mỗi giáo xứ.

 
 
Khi tiếng chuông báo giờ cất lên, mọi người cùng nhau tạ ơn Chúa đã qua một buổi sáng học hỏi thật tốt đẹp.
 
Rời khỏi hội trường, các tham dự viên lại quây quần bên nhau trong bữa cơm trưa đã được chuẩn bị sẵn sàng và chu đáo.
 
Đúng 13g30, chương trình Ngày Bác ái xã hội được tiếp tục qua đề tài “Kỹ năng giao tiếp trong tình Bác ái” do thầy Giuse Lê Thanh Liêm, một người con gốc Huế, thuộc Giáo xứ An Vân, chuyên gia huấn luyện kỹ năng mềm và là thành viên của Caritas TGP Sài Gòn hướng dẫn.

 
 
Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy Giuse đã giúp các tham dự viên hình thành kỹ năng thể hiện lòng bác ái qua các phong cách giao tiếp thành thật, tự tin, thân thiện, niềm nở nhằm gây được sự tin tưởng và cởi mở nơi tha nhân, giúp họ dễ cảm nhận được lòng vị tha và nhận thức được tình yêu thương của Thiên Chúa trong sứ vụ mà ta mang đến. Kỹ năng giao tiếp trong tình bác ái là một trong những yếu tố cần thiết cho người làm công việc bác ái để người nhận không bị cảm thấy tổn thương, xúc phạm, bởi “của cho không bằng cách cho“. Đồng thời, người làm bác ái cần xây dựng phong cách ứng xử để xây dựng cộng đồng yêu thương và tôn trọng nhau để cùng chung sống, làm việc trong tinh thần bác ái nhằm hoàn thành mục tiêu chung.
 
Với thời gian vắn vỏi, nhưng các tham dự viên đã được tiếp thu và thực hành cùng nhau những kỹ năng cơ bản để rèn luyện sự tự tin, kỹ năng giao tiếp của tình yêu  thương để chúng ta sống với nhau mỗi ngày, nhất là trong việc phục vụ. Sống được những kỹ năng đó là tìm được những nét đẹp trong mỗi tâm hồn chúng ta.

 
 
Kết thúc ngày gặp gỡ, Cha Giám đốc Antôn đã cám ơn sự hiện diện của tất cả mọi người, cầu chúc mọi người luôn mang trong mình tinh thần yêu thương: yêu thương những người xung quanh, những người nghèo khổ, những người bị bỏ quên. Và hẹn gặp lại mọi người để cùng nhau chia sẻ, học tập.
 
Tạ ơn Chúa đã cho chúng con trải qua một ngày chan chứa yêu thương!
 
Văn phòng Caritas Huế

Xin xem thêm một số hình ảnh:
 


Tác giả: Văn phòng Caritas Huế

Nguồn tin: Trang tin TGP Huế.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây