Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Thay đổi cuộc sống: Môi sinh dưới mắt nhìn của Đức Phanxicô

-

-

Thông điệp Chúc tụng Chúa của Đức Phanxicô là một bản văn nền tảng và có tính cách mạng, thông điệp này đã lay động tâm thức con người. Một bản văn mà từng trang như ngón tay chỉ thẳng vào chúng ta để tố cáo, ...
Thay đổi cuộc sống: Môi sinh dưới mắt nhìn của Đức Phanxicô
 
Năm nay ý thức khẩn cấp về môi sinh được củng cố mạnh nhờ Vatican. Thông điệp Chúc tụng Chúa của Đức Phanxicô là một bản văn nền tảng và có tính cách mạng, thông điệp này đã lay động tâm thức con người. Một bản văn mà từng trang như ngón tay chỉ thẳng vào chúng ta để tố cáo, rằng chúng ta có trách nhiệm cho một văn hóa “thải loại” mà chúng ta đã làm trên trái đất này nhân danh lợi nhuận và để  món mồi lợi ích lên trên hết…
 
 
Ngoài một vài tác nhân bị mua chuộc của các tổ chức đa quốc gia, bây giờ không một ai có thể chối cãi khi họ đứng trước vấn đề khẩn cấp phải lo cho môi sinh. Việc khơi lại ý thức này trong năm 2015 bỗng được gia tốc nhờ ba sự việc: một mùa hè cực kỳ nóng ở toàn Âu Châu, việc chuẩn bị cho Hội nghị toàn cầu về khí hậu nóng lên ở Paris vào tháng 12-2015 và Thông điệp Chúc tụng Chúa của Đức Phanxicô. Chúng ta chưa lượng đúng mức bản văn vừa nền tảng, vừa sâu đậm vừa có tính cách mạng của thông điệp này.
 
Khi vào tháng 1 năm 2014, Tổng thống Pháp Hollande, như thử để xin lỗi vì đã đi Vatican gặp vị đứng đầu Giáo hội Công giáo, ông nhấn mạnh cuộc đi thăm này là “hữu ích” vì các tư tưởng của Đức Giáo hoàng về vấn đề môi sinh và khí hậu, tôi đã không thể ngăn mình cười: có lý do nào khác lý do môi trường để biện minh cho chuyến đi gặp vị lãnh đạo thiêng liêng uy quyền của hành tinh này không? Vậy mà tôi đã sai khi đọc kỹ Thông điệp Chúc tụng Chúa, thông điệp đã thuyết phục được tôi.
 
Sau bao nhiêu người khác, đến lượt mình, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến việc con người từ khi kỷ nguyên kỹ nghệ bắt đầu, đã tác yêu tác quái hành tinh này, với lên án này đã không làm cho ai ngạc nhiên. Để mô tả cái gọi là “nơi đổ rác”, ngài đã dùng những chữ thật mạnh, những chữ đáng để cho chúng ta nhớ lại, nhất là cái mà ngài gọi là “văn hóa thải loại”: đủ loại chất đốt, khói kỹ nghệ, đất bị axít hóa vì thuốc diệt trùng, thuốc trị nấm, tất cả các loại rác kỹ nghệ này đa số không tự tiêu sinh được.
 
Đức Giáo hoàng không phải là “mác-xít” nhưng ngài chống chế độ tư bản, hai chuyện không phải là một.

Nhưng điểm mà Đức Giáo hoàng chứng tỏ cho thấy mình là nhà canh tân, đó là trong cách phân tích các lý do và nội dung về mặt ý thức hệ trong các hiện tượng này. Vì, trong suốt 200 trang, có một tác nhân chính bị lên án: đó là lợi nhuận, đó là miếng mồi của trục lợi. Ngoài việc thờ ngẫu kỹ thuật của thời đại chúng ta, còn có việc hám tiền của chủ nghĩa tư bản, “hệ thống toàn cầu hiện nay đặt hàng đầu việc đầu cơ và tìm lợi nhuận tài chánh mà lờ đi mọi bối cảnh” (58). Và Đức Phanxicô tố cáo mà không sợ gây tranh luận về mưu mẹo này của chủ nghĩa tư bản, muốn dùng trào lưu môi sinh để tự giữ vững và thậm chí là để tiến bộ.

“Để dung hòa cho có sự trung dung giữa việc bảo vệ thiên nhiên và lợi nhuận tài chánh, hoặc gìn giữ môi trường và tiến bộ thì vẫn là chưa đủ. Vượt trên những vấn đề này, chuyện trung dung chỉ làm chậm sự sụp đổ một chút. Đơn giản là phải tái định nghĩa lại tiến bộ.” (153)
 
Và đó là điều thông điệp muốn nói. Trong óc bè phái của họ, những người Mỹ tự do vô chính phủ cho Đức Phanxicô là người “mác-xít”. Rõ ràng là ngớ ngẩn: Đức Giáo hoàng này không phải là người “mác-xít”, nhưng ngài chống chủ nghĩa tư bản, hai chuyện không phải là một. Ngài nói thêm, cũng đừng nhẹ nhàng dùng môi sinh làm một động cơ mới cho sự tăng trưởng. Nếu sự tăng trưởng chỉ là hình thức vĩ mô kinh tế của một xã hội tiêu thụ thì xin lỗi, đừng đi theo loại tăng trưởng này, Đức Phanxicô tố các thói xấu này! Bài diễn văn về sự tăng trưởng bền lâu thường chỉ là một phương tiện để khép vấn đề môi sinh lại “trong cái lôgic của tài chánh và nạn cường quyền của kỹ thuật”.
 
Như vậy chúng ta phải đi đến cùng: tân cơ chế của Đức Giáo hoàng không chỉ đặt chủ nghĩa tài chánh tư bản là lý do chính, ngài cũng không chỉ lên án chủ nghĩa vật chất của thời này, kể cả những người tiêu thụ; ngài không những đánh bật các mưu mẹo của một xã hội-dân chủ của chủ nghĩa trung dung, muốn dùng môi sinh làm thành quách che chắn cho kinh tế thị trường không nguyên tắc, không kim chỉ nam; qua môi sinh, ngài dứt khoát lên án các thỏa hiệp của chính Giáo hội mình: “Nếu chúng ta hiểu không đúng về chính các nguyên tắc của mình thì đôi khi chúng ta biện minh cho việc khai thác thiên nhiên, việc thống trị chuyên chế của con người trên công trình tạo dựng, hoặc biện minh cho chiến tranh, bất công, bạo lực thì tín hữu như chúng ta, chúng ta phải biết, lúc đó mình không còn là tín hữu, mình là người bất trung với gia tài minh triết mà mình có bổn phận phải gìn giữ.”
 
Tôi chỉ thấy hai điểm yếu trong bản buộc tội này. Điểm đầu tiên, đó là bám vào chủ nghĩa đại chúng hóa và phần còn lại của bản văn, nhất là sự phê phán về tiến bộ kỹ thuật cần phải đặt lại vấn đề. Điểm yếu thứ nhì mà Đức Giáo hoàng Dòng Tên nhưng lại có thêm tinh thần Phan Sinh không nói đến là vấn đề động vật. Đức Phanxicô, người nhanh nhẹn lay động giáo điều cổ điển từ Kitô giáo, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa mác-xít đến sự thống trị tuyệt đối của con người trên thiên nhiên lại không bất bình chống sự đối xử tệ mà kỹ thuật chuyên quyền và chủ trương tìm lợi nhuận tối đa đã gây tác hại trên các anh em thấp kém của chúng ta. Vì, một trong các giai cấp mới trong chế độ tân tư bản này, bên cạnh thiên nhiên là động vật. Đức Giáo hoàng nói thêm, và đây là đường đi mới, rằng mỗi tạo vật đều có một chức năng và thiện tính riêng của mình… Khi nào thì có một thông điệp về động vật?
 
Mỗi ngày có gánh nặng của ngày đó. Quay về với Phúc Âm để tinh thần khó nghèo mở cánh cửa giải hòa cho con người và thiên nhiên là một chuyện khổng lồ. Không hơn không kém, qua môi sinh, Đức Phanxicô đòi hỏi chúng ta phải thay đổi đời sống. Đó là bước ngoặc quan trọng: thật bất ngờ, chúng ta đi từ một bài diễn văn vui thú điền viên qua bài siêu hình về thiên nhiên.
 
Jacques Julliard (marianne.net) - Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Tác giả: Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Nguồn tin: phanxico.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây