Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Hành hương về Rôma. Phần 1

-

-

Đối với anh em CCS Huế, cuộc hành hương về Roma lần này mang nhiều ý nghĩa hơn khi nối kết anh em trong nước và hải ngoại, chung quanh sự hiệp thông với Giáo hội Chúa Kitô trên hoàn vũ, và cùng tôn vinh người Thầy, người Cha, Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận, sẽ được giáo hội nâng lên bậc Đấng Đáng Kính và trở nên mẫu gương cho đời sống kitô hữu.
Hành hương về Rôma.
Phần 1
 
Là người công giáo, ai cũng ao ước một một lần trong đời được hành hương đến Roma, thủ phủ của Giáo hội Công giáo, kính viếng Đền thánh Phêrô và các đại giáo đường nổi tiếng, gặp được Đức Giáo Hoàng, người Kế vị Thánh Phêrô, mặt đối mặt, nghe được những lời ngài nói…
 
Với những tiến bộ khoa học kỹ thuật như ngày nay, đường đến Roma không phải là chuyện xa vời như ngày xưa, nhưng cũng không phải là điều dễ dàng, đặc biệt trong điều kiện khó khăn về kinh tế, điều kiện xã hội của những người đang sống tại Việt Nam. Có không ít người theo các tours du lịch đến Roma, nhưng đó chỉ là những tours du lịch, tham quan, không phải là hành hương đúng nghĩa, bởi lẽ hành hương mang ý nghĩa cầu nguyện, gặp gỡ, là hành vi của con tim.
 
Đối với anh em CCS Huế, cuộc hành hương về Roma lần này mang nhiều ý nghĩa hơn khi nối kết anh em trong nước và hải ngoại, chung quanh sự hiệp thông với Giáo hội Chúa Kitô trên hoàn vũ, và cùng tôn vinh người Thầy, người Cha, Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận, sẽ được giáo hội nâng lên bậc Đấng Đáng Kính và trở nên mẫu gương cho đời sống kitô hữu.
 

Anh em CCS Huế cầu nguyện trong một ngôi nhà nguyện tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành.
 
Tôi là một trong số người may mắn có cơ hội thực hiện ước mơ của mình, nhân cơ hội Lễ Kết thúc Hồ sơ Án phong Chân phước cho Đức Cố HY PX Nguyễn Văn Thuận, diễn ra vào đầu tháng 7 năm 2013. Được chiêm ngưỡng những công trình nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới, vừa có những giây phút tĩnh lặng cầu nguyện, tham dự thánh lễ, gặp gỡ và giao lưu với bà con người Việt từ khắp nơi quy tụ về; đặc biệt có buổi triều yết hết sức thân mật và gần gũi với Đức Thánh Cha Phanxicô…, có thể nói đây là cơ hội có một không hai trong cuộc đời.
 
Điểm hẹn tại Roma
 
Từ ngày nộp hồ sơ xin visa tại Trung tâm Ủy nhiệm của Tòa Đại sứ Ý tại Sàigòn đến lúc lên máy bay chỉ vỏn vẹn đúng 2 tuần lễ. Nhóm từ Việt Nam chúng tôi gồm 2 anh em, anh Vũ Quang Hà HT67 và tôi khởi hành từ Tân Sơn Nhất – Thái Lan – Italia của hãng hàng không Thái. Máy bay cất cánh lúc 20g50 ngày 02/7/2013 sang Thái Lan, lưu lại tại phi trường của Thái Lan khoảng 2 tiếng đồng hồ, sau đó lên chuyến bay thứ hai và đến phi trường Fiumicino (còn gọi là phi trường Leonardo da Vinci) của Italia lúc 6h50 ngày 03-7 (giờ Roma), tổng cộng gần 15 giờ bay.
 



Tại sân bay Fiumicino, Italia.
 
Nhóm CCS Huế từ Mỹ khởi hành trước chúng tôi 1 ngày, theo lộ trình từ Denver đến Chicago, sang Zurich, Thụy Sĩ, rồi đến Italia.
 
Cha Nguyễn Huệ HT69 và 2 soeurs bà con, thuộc Dòng Mến Thánh Giá Huế, đang có mặt tại Pháp, dự định đến Roma vào ngày 02-7. Cha Võ Quý HT62 tham dự Lễ Truyền chức linh mục nghĩa tử của ngài tại Beaumont, Pháp, cũng đến Roma ngày 01-7.
 
Một sự cố đầu tiên xảy ra cho nhóm CCS Huế từ Mỹ. Theo dự tính, nhóm này gồm có anh Nguyễn Cả và cháu Nguyễn Trí Nghị, Đức Ông Nguyễn Quang… sẽ đến Italia sớm hơn hai anh em chúng tôi gần 1 ngày; tuy nhiên, sau khi từ Denver đến Chicago, nhóm này bị trễ chuyến bay từ Chicago sang Zurich, được hãng bố trí một chuyến bay khác vào hôm sau, do đó sẽ đến phi trường Fiumicino sau chúng tôi 1 giờ.
 
Thầy Vũ Đức Vượng (giáo phận Phát Diệm, đang tu học và làm việc tại Roma) đưa xe đến đón anh em chúng tôi tại phi trường Fiumicino. Do được biết nhóm anh Nguyễn Cả sẽ đến sau 1 giờ nên chúng tôi đồng ý chờ tại phi trường để cùng về khách sạn chung một chuyến. Tuy nhiên sau hơn 2 tiếng đồng hồ tìm kiếm, lùng sục khắp nơi vẫn không thấy tăm hơi các anh đâu cả. Thầy Vượng cho biết lúc 12g sẽ còn phải đón Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể bay chuyến từ Pháp sang nên hai anh em chúng tôi quyết định về khách sạn trước. Từ phi trường về khách sạn, khoảng 30 Km, mất gần 40 phút lái xe.
 
Khách sạn Casa Bonus Pastor, nơi chúng tôi và nhóm anh em từ Mỹ và cha Nguyễn Huệ sẽ lưu lại trong thời gian ở Roma, nằm trên đường Aurelia, cách quảng trường thánh Phêrô chỉ 10 phút đi bộ. Khách sạn này thực ra trước đây là Tiểu chủng viện của giáo phận Roma. Với tình trạng ơn gọi ngày càng ít, giáo phận Roma quyết định chia thành 2 khu vực, một nửa dành cho việc đào tạo ơn gọi linh mục, một nửa còn lại kinh doanh khách sạn. Địa điểm này thuận tiện cho du khách muốn tham quan khu vực Vatican.
 
Nhóm của cha Nguyễn Huệ HT69, đã đến khách sạn trước chúng tôi 1 ngày.
 
Chưa đầy 1 tiếng sau, nhóm anh Nguyễn Cả cuối cùng cũng về đến khách sạn với vẻ lo lắng lộ trên mặt. Thì ra 3 vali hành lý của hai cha con anh Nguyễn Cả và Đức Ông Nguyễn Quang gửi máy bay bị thất lạc. Toàn bộ áo quần và nguyên 1 vali chất đầy gần 200 CD Vui Mừng và Hy Vọng dự định biếu quan khách trong Lễ Kết thúc Hồ sơ phong Chân phước cho Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận đều đã thất lạc không biết ở đâu. Đây là sự cố đang tiếc thứ hai chỉ trong 2 ngày.
 
Dù sự cố chồng chất mang theo nhiều lo lắng, nhưng vừa gặp nhau, người từ Mỹ, kẻ từ Việt Nam ai nấy đều vui vẻ ôm nhau thắm thiết, quên đi tất cả. Anh em hỏi thăm nhau, bàn bạc chương trình cho những ngày tới.
 

Vừa đến khách sạn Casa Bonus Pastor:
(Từ trái sang phải) Vũ Quang Hà HT67, Đức Ông Nguyễn Quang HT72, Lê Văn Hùng HT69, Nguyễn Cả PX61


... và cháu Nguyễn Trí Nghị (phía trái), con trai anh Nguyễn Cả.
 
Ngay chiều hôm đó, chúng tôi cùng nhau tham quan Quảng trường Thánh Phêrô. Bầu trời Roma vào mùa hè đến 8g tối vẫn còn ánh mặt trời sáng rạng, mặt trời chỉ bắt đầu lặn sau 9g30. Sau khi tham quan khu vực Quảng trường, vào lúc 8g30 tối, chúng tôi ăn tối với nhau tại một nhà hàng Tàu gần khu vực Quảng trường, không nhớ tên nhà hàng là gì, chỉ nghe giới thiệu “Nhà hàng 2 cô gái”. Thực ra lúc chúng tôi đến đây chỉ còn 1 cô, cô em đã mở một nhà hàng ăn ở nơi khác. Tại đây có các món ăn hoàn toàn thích hợp với khẩu vị người Việt: Cơm, cá chiên, thịt xào, mực xào, vịt quay… đặc biệt món mì spaghetti cũng được chế biến rất ngon miệng.
 



Bên cạnh Quảng Trường Thánh Phêrô.




Lưu niệm với các vệ binh Thụy Sĩ.








Bên trong Quảng trường


Cùng với cha JB Phạm Mạnh Cương, thuộc giáo phận Brooklyn, New York, đang làm việc tại Thánh Bộ.


Ăn tối tại một nhà hàng Tàu.


Gặp Đức Ông Cao Minh Dung, cha Nguyễn Văn Dụ và cha Võ Quý, cùng với một tân linh mục người Việt Nam.


Nhà hàng có cơm và các món ăn rất ngon cho người Việt Nam.
 
(Còn tiếp)

Tác giả: Lê Văn Hùng HT69

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây