Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Tìm hiểu về đời sống linh đạo của Đức Cố HY FX Nguyễn Văn Thuận (2).

-

-

Mọi Kitô hữu dù ở địa vị nào, bậc sống nào đều được Chúa kêu gọi đạt đến sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người. Các thánh nên thánh không phải vì nói tiên tri hay làm phép lạ. Các Ngài đâu làm gì lạ! Họ chỉ chu toàn bổn phận... (Bài viết của Đ.Ô. Phêrô Nguyễn Quang, V.F.)
HỌC HỎI VÀ TÌM HIỂU
VỀ ĐỜI SỐNG LINH ĐẠO – CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH

CỦA ĐỨC CỐ HỒNG Y PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN THUẬN
 
Đ.Ô. Phêrô Nguyễn Quang, V.F.
 
(Tiếp theo kỳ trước)
 
B. Chiếc Bánh Thứ Hai: Phân Biệt Giữa Chọn Chúa và Việc Của Chúa
 
Mọi Kitô hữu dù ở địa vị nào, bậc sống nào đều được Chúa kêu gọi đạt đến sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người. Các thánh nên thánh không phải vì nói tiên tri hay làm phép lạ. Các Ngài đâu làm gì lạ! Họ chỉ chu toàn bổn phận. Sống bổn phận hiện tại không phải là sống một cách thụ động, nhưng: “là liên lỉ canh tân, là quyết định chọn Chúa, là tìm Nước Chúa, là tin ở tình yêu vô bờ của Chúa, là hành động với tất cả hăng say, là thể hiện mến Chúa yêu người, ngay trong giây phút này (Đường Hy Vọng, số 26). Con đường linh đạo sẽ được tỏ hiện khi nhờ ánh sáng đức tin và nhờ suy niệm Lời Chúa, mỗi người mới có thể nhận ra Chúa trong mọi sự và mọi lúc, vì trong Ngài “ta sống, ta hoạt động, ta hiện hữu” (TĐCV 17: 28). Tìm ý Chúa trong mọi biến cố, thấy Chúa Kitô trong mọi người, dù là người thân hay kẻ lạ, phê phán đúng đắn về ý nghĩa đích thực và giá trị của sự vật trần thế, xét nơi chính nó và xét theo tương quan với cứu cánh của con người. Đức Hồng Y Thuận đã không ngừng chia sẻ kinh nghiệm bản thân để nhắc nhở chúng ta về sự nhận thức giữa Chúa và công việc của Chúa để mỗi người chúng ta tiếp tục chọn Chúa. Ngài rất đơn sơ và rất chân thành khi xác định điều này qua lời cầu nguyện sau đây: “Chúa muốn mưa, con cũng muốn, Chúa muốn nắng, con cũng muốn, Chúa muốn sướng, con cũng muốn, Chúa muốn cực, con cũng muốn, Chúa muốn vui, con cũng muốn, Chúa muốn khổ, con cũng muốn, Chúa và con chỉ có một ý” (Đường Hy Vọng, số 37).
 
Sau khi tìm gặp được ý Chúa để rồi trong đời sống thường ngày chúng ta tiếp tục chọn Chúa chứ không chọn công việc của Chúa. ĐHY Thuận nhắc nhở mọi người (Đường Hy Vọng, số 76-78) như sau:
 
Chương trình đang thực hiện tốt đẹp phải bỏ dở, hoạt động đang hăng say phải bó tay, nhiệm vụ đang quan trọng phải hạ tầng công tác! Uất ức và chán nản! Chúa gọi con “Hãy theo Thầy” hay “Hãy theo việc nọ, người kia”? Ðể đó, Chúa sẽ liệu … Con không tin ai, không trao công việc cho ai, không chịu nhường chỗ cho ai. Con toàn năng hơn Chúa nữa sao? Tại sao con khư khư ôm lấy công việc nọ, công việc kia, không chịu buông ra khi thượng cấp thuyên chuyển? Việc đó của Chúa hơn là việc của con! Có Chúa lo … Chúa trao cho con công việc của Chúa, cao trọng có, khiêm tốn có, tầm cỡ có, bình dân có. Con làm mục vụ giáo xứ, mục vụ giới trẻ, mục vụ học đường, mục vụ nghệ thuật, mục vụ gia đình, mục vụ thanh niên, mục vụ lao động, mục vụ truyền thông. Con đổ vào đó tất cả nhiệt tình, tất cả những gì có thể được. Con không tiếc một điều gì, kể cả mạng sống con. Giữa lúc con tận tụy, hăng say như thế, con gặp thất bại ê chề. Vì người ta vô ơn, vì không ai chịu cộng tác, vì bạn bè hiểu lầm, vì bề trên không nâng đỡ, vì bịnh tật ốm đau, vì thiếu phương tiện ... Có lúc con đang trên đà thành công rực rỡ, mọi người hân hoan ca ngợi con, quyến luyến con.Thì đùng một cái, con phải thuyên chuyển, nhận nhiệm vụ mới. Con choáng váng như rơi vào đêm tối. Sao Chúa bỏ con? Con không muốn bỏ dở việc Chúa, con phải làm cho hoàn thành việc Chúa. Phải xây xong thánh đường, tổ chức xong hội đoàn ... Ngài tiếp tục tâm sự: “Bên Mình Thánh Chúa, con nghe Chúa Giêsu bảo con: “Con hãy theo Chúa, chứ không phải theo việc của Chúa! Nếu Chúa muốn, con hãy trao việc Chúa lại trong tay Chúa, Chúa sử dụng ai tiếp tục, mặc ý Chúa. Có Chúa lo, mà Chúa lo thì muôn vạn lần hơn con lo.Con hãy chọn một mình Chúa” (Five Loaves and Two Fish, Morley Books, 2000, pp. 24-26).
 
C. Chiếc Bánh Thứ Ba: Sống Cầu Nguyện – Kết Hợp Mật Thiết Với Lời Chúa
 
CẦU NGUYỆN
 
Các bạn hãy biết lắng nghe, trong thinh lặng cầu nguyện, câu trả lời của Chúa Giêsu: “Hãy đến và sẽ thấy” (Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ XII, số 2).

Trước khi bắt đầu công cuộc rao giảng Tin Mừng một cách công khai, trước khi chọn các Tông Đồ, sau một ngày dài chữa lành các bệnh tật, rao giảng Nước Trời, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Thiên Chúa Cha (Gioan 6: 15), trước khi nộp mình chịu khổ hình, Chúa Giêsu đã cầu nguyện thật nhiều và dạy các tông đồ cầu nguyện liên lỉ (Luca 12: 35-37 và Luca 21: 34-36).
 
Ký gỉa Hà Minh Thảo, trong một bài viết về Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã nhận định Ngài như là một người “Cha” nhân đức, một tấm gương sáng ngời cho quý anh em linh mục, đã viết lại lời của “Cha” như sau: “Giáo hội, mà chúng ta là chi thể, chưa bao giờ vang hiển và uy thế như hiện nay, nhưng cũng chưa bao giờ phải đương đầu với một cuộc chiến thiêng liêng kinh khủng như hiện nay. Chúa cần sự cộng tác của chúng ta; chúng ta cần Ơn Chúa, vì ‘không có Người, chúng ta không làm gì được’. Muốn được Ơn Chúa, chúng ta phải cầu nguyện. Chúa muốn cho ta thấy lời cầu nguyện quan trọng chừng nào và lịch sử Hội Thánh cũng chứng minh điều ấy: Hội Thánh sinh ra bởi lời cầu nguyện; Hội Thánh thắng thù địch bằng lời cầu nguyện; và Hội Thánh sống nhờ lời cầu nguyện” (Đường Hy Vọng, Chương 7).
 
Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã khẳng định một cách mạnh mẽ về sự quan trọng của đời sống cầu nguyện, trích theo lời Thánh Têrêxa Avila: “Ai không cầu nguyện, không cần ma quỷ lôi kéo, sẽ tự mình sa xuống hỏa ngục”. Đi xa hơn một bước, đời sống cầu nguyện được Ngài đúc kết như sau trong tác phẩm “Cầu Nguyện”: “Con nắm một bí quyết: Cầu nguyện. Không ai mạnh bằng người cầu nguyện, vì Chúa đã hứa ban tất cả”. Hoạt động mà không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa. Máy móc tự động có thể làm hơn con.Vì thế, thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới hoạt động.” Từ niềm xác tín nêu trên, Đức Hồng Y Thuận đã nhắn nhủ: “Trước khi làm bất cứ việc gì, dù là việc mục vụ, xã hội, bác ái, chúng ta phải cầu nguyện. Như Chúa Giêsu, trước khi làm phép lạ nuôi dân chúng, đã ngước mắt lên trời, cầu nguyện cùng Ðức Chúa Cha. Ngài đã chọn Chúa trước rồi mới làm việc Chúa sau”(Five Loaves and Two Fish, Morley Books, 2000, p. 35).
 
Cầu nguyện là thể hiện cuộc sống Thiên Chúa Ba Ngôi ban cho chúng ta trong phép rửa tội; cầu nguyện là nuôi dưỡng lòng yêu thương người bên cạnh mình. Cầu nguyện đạt đến mức cao độ khi tham dự Thánh Thể; tất cả chúng ta cùng Mẹ Maria dâng Chúa Giêsu lên Thiên Chúa để được gặp gỡ Chúa Cha, gặp gỡ cộng đoàn con người trong sự sống Chúa Thánh Thần (Sứ Điệp Đức mẹ La Vang, điểm số 9).
 
Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI cũng cùng một niềm xác tín với Đức Hồng Y Thuận về đời sống cầu nguyện khi Ngài đã đề cao đời sống cầu nguyện cho toàn thể mọi người, là đoàn dân tư tế, đặc biệt các chủng sinh vì việc học thần học phải luôn gắn liền mật thiết với đời sống cầu nguyện, làm sao để trong đời sống hoạt động như linh mục sau này, “luôn có sự hội nhập hòa hợp giữa sứ vụ với bao nhiêu hoạt động đa diện và đời sống thiêng liêng... Đối với linh mục là người sẽ phải tháp tùng người khác suốt trong dòng đời và cho đến cánh cửa sự chết, điều quan trọng là chính linh mục phải thiết lập sự quân bình giữa con tim và trí tuệ, lý trí và tình cảm, thân xác và linh hồn, và thực sự là 'liêm chính' xét về mặt con người” (Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI, 26/1/2012, Thư gửi các chủng sinh, số 6). Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Ai muốn trở thành linh mục, thì trước tiên phải là một người của Thiên Chúa, như thánh Phaolô đã mô tả (1 Tm 6:11). Vì thế điều quan trọng nhất trong hành trình tiến đến chức linh mục và trong suốt cuộc đời linh mục là quan hệ bản thân với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.”
 
Chúa Giêsu cũng đã nhắn gởi các Thánh Tông Đồ và cho mỗi người chúng ta hôm nay và cho toàn thể nhân loại: “Khi các con hiệp nhau cầu nguyện thì Ta sẽ ở giữa các con” (Mt. 18: 20). Một trong những nét nổi bật về đời sống linh đạo của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là CẦU NGUYỆN, vì khi sống lời và đời cầu nguyện, ngài đã sống như Chúa Giêsu đã sống: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt. 6: 10).
 
KẾT HỢP MẬT THIẾT VỚI LỜI CHÚA
 
Qua những giai đọan học tập nhân đức, trau dồi kiến thức từ ngay chính trong gia đình, chủng viện, khi thi hành các sứ vụ và các trách nhiệm, khi sống trong lao tù, bị quản thúc mọi mặt, ngay cả khi phục vụ Giáo Hội với tư cách là Bộ Trưởng Bộ Công Lý và Hòa Bình, và trong những lúc chịu đau đớn vì bịnh lý, Đức Hồng Y vẫn an vui tự tại vì cuộc sống kết hợp tài tình với Lời Chúa: Lời Hằng Sống. Tôi còn nhớ, qua những tài liệu ghi lại từ những bài viết hoặc những bài giảng thuyết, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã từng nói: “Có nhiều vĩ nhân với những tư tưởng sâu sắc, lạc quan, khác người. Họ để lại cho hậu thế những tư tưởng về những triết lý sống trong những liên hệ của nhân sinh quan. Nhưng, lời nói và tư tưởng của họ không ban phát sự sống. Chỉ có Lời Chúa mới có khả năng ban phát Sự Sống đích thực”.

Đúng như thế, Con Thiên Chúa, trong chương đầu tiên của Phúc Âm theo Thánh Gioan đã xác định rất rõ ràng là Chúa Giêsu, Lời của Thiên Chúa Cha, đến trong thế gian để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho nhân loại. Quả thật, Chúa Giêsu không những đến trong trần gian để rao giảng Lời Chúa nhưng chính Ngài là Lời Chúa.
 
Khi nói về đời sống linh đạo của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chúng ta không thể nào bỏ qua một chi tiết rất quan trọng trong đời sống đức tin và trong đời sống nhân chứng hy vọng của ngài là: đời sống kết hợp mật thiết với Lời Chúa, với Chúa Giêsu Kitô, là Lời Hằng Sống. Khi suy ngẫm về Lời Chúa có nghĩa là chúng ta lắng nghe Lời Chúa Giêsu kết hợp với Thiên Chúa Cha: “Song không phải như ý Con, mà là như ý Cha” (Mt. 26: 39). Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê, qua những chuỗi ngày khi còn sống ở dương thế, đã chứng minh được đời sống của ngài là những chuỗi kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu như thế nào. Vì thế, tôi cũng không ngần ngại để nói như sau: Sống Lời Chúa và kết hợp với Lời Chúa là một trong những phương châm đời sống linh đạo của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
 
D. Chiếc Bánh Thứ Tư: Gắn Bó và Nuôi Dưỡng Bằng Bí Tích Thánh Thể
 
Chúng ta được nghe bằng chính lời của Đức Hồng Y Thuận chia sẻ qua nhiều dịp mà Ngài dạy dỗ và chia sẻ trong những buổi tĩnh tâm và trong các đại hội về kinh nghiệm của ngài “Sống Bí Tích Thánh Thể”. Một trong những kinh nghiệm rất sáng tạo và tràn đầy yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể khi cử hành Thánh Lễ với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay của Ngài. Toàn thể Giáo Hội trên hoàn cầu, nhà thờ Chính Tòa, toàn thể Dân Chúa và Cộng Đồng Nhân Loại đang sống trong Ngài và được nuôi dưỡng bởi Bí Tích Thánh Thể. Bí Tích này đã nuôi dưỡng chính ngài và Giáo Hội khi Ngài cử hành Thánh Lễ của Chúa Giêsu, hiến tế trên bàn thờ làm giá cứu chuộc muôn người.
 
Riêng cá nhân tôi, mình thực sự đã để cho việc cử hành Thánh Lễ mà Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê đã cử hành cuốn hút tôi trong đời sống Linh Mục của mình. Tất cả phát xuất từ lòng mến và để cho chính Mình và Máu Thánh Chúa trở nên lương thực cho muôn người trên con đường lữ thứ trần gian đang tiến về quê hương Thiên Đàng.
 
Sách Tông Đồ Công Vụ, chương 2, câu 41 đến câu 47, tường thuật rất ngắn gọn, nhưng rất mãnh liệt và siêu bạo về sức mạnh biến đổi của những người Kitô hữu tiên khởi khi cử hành sự hiệp thông trong việc “bẻ bánh” và “kinh nguyện”. Kết quả của việc cử hành Thánh Lễ của thời sơ khai của Giáo Hội là nhóm người Kitô hữu được sự “mến phục của toàn dân và nhiều người được cứu rỗi mà nên một cùng nhau” (TĐCV 2: 46-47). Nhiệm mầu và hoa trái của việc cử hành Bí Tích Thánh Thể là ở điểm này.
 
Chúng ta tự hỏi linh hồn mình để trả lời cho việc tham dự Thánh Lễ của chính mình trong đời sống của người Kitô hữu được kết quả như thế nào và chúng ta nuôi dưỡng nhau ở mức độ nào? Mình có trở nên giống Chúa Kitô chưa hay chúng mình vẫn không sống yêu thương – công bình và bác ái – như Thánh lễ đã nuôi dưỡng mỗi người? Nếu chưa cảm nghiệm được “hoa trái” của Thánh lễ thì chỉ có một câu trả lời chung cho vấn đề này là: chúng ta thiếu lòng mến Bí Tích Thánh Thể và chưa dám sống đời sống Thánh Thể trong từng chuỗi ngày và trong từng hoàn cảnh!
 
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã cảm hóa được nhiều người sống chung quanh ngài vì “hoa trái nhân đức” của Thánh lễ mà Ngài đã cử hành. Ngài đã sống Bí Tích Thánh Thể rất thật và rất tuyệt vời khi những người sống chung quanh Ngài, lương dân hay kẻ thù, đều có một mẫu số chung khi trả lời về đời sống kết hợp với Thánh Thể của Ngài: Ngài được toàn dân thương mến! Nhiều người đã trở về và được nhận lãnh ơn cứu độ! Và “họ” mỗi ngày được tăng trưởng trong tin yêu và nên một trong Bí Tích Thánh Thể giữa lòng đời!
 
Thánh Lễ có kết thúc tại Giáo Đường hay trong trại tù tăm tối nhưng hoa trái của Thánh Lễ (Mình và Máu Chúa Giêsu) vẫn được tiếp tục trải dài trên mọi nẻo đường của mỗi người Kitô Hữu. Mình và Máu Thánh Chúa nuôi dưỡng và biến đổi con người trở nên “giống như Chúa” mỗi ngày mỗi rõ nét hơn trong từng hoàn cảnh của từng cá nhân. Chúng ta cần phải xét mình thận trọng và đứng đắn hơn khi mình vẫn chưa biến đổi giống như Chúa Giêsu. Tại sao? Gương nhân đức và lòng mến của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê khi Ngài kết hợp và cử hành Thánh Lễ đã là một câu trả lời rất trong sáng về đời sống linh đạo của Ngài.
 
E. Chiếc Bánh Thứ Năm: Sống Yêu Thương Đến Hiệp Nhất
 
Hội Thánh là một mầu nhiệm (Vatican II, Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, số 1) vì Hội Thánh là một đoàn thể thiêng liêng đâm rễ sâu trong trần gian. Hội Thánh sinh sôi nảy nở và phát triển khắp nơi trên thế giới nhưng sự bền vững của Hội Thánh là do sự liên kết một cách mầu nhiệm giữa Chúa Giêsu Kitô với mỗi tâm hồn, qui tụ tất cả những người con Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Vì thế, chúng ta gọi và tin rằng Hội Thánh là Nhiệm Thể Chúa Kitô. Mặc dù các phần tử trong Hội Thánh có nhiều khuyết điểm, nhưng Hội Thánh sẽ hiện diện cho đến tận thế. Công đồng Vatican II khẳng định rằng: “Hội Thánh là một cộng đoàn hữu hình và cộng đoàn thiêng liêng, cùng đi với nhịp bước của toàn thể nhân loại, và được kêu gọi để hợp thành gia đình các con cái Thiên Chúa ngay trong lịch sử nhân loại, ngõ hầu tăng trưởng luôn mãi cho tới khi Chúa đến” (Vatican II, Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 40, p. 782).

Qua nhiều thế kỷ, trong các chi thể của Hội Thánh, giáo sĩ hay giáo dân, có nhiều người đã bất trung với Thánh Thần của Thiên Chúa, có những lầm lạc, yếu đuối, sa ngã, tạo nhiều gương xấu, chia rẽ. Nhưng, giữa những sụp đổ của các chủ nghĩa, các phong trào, các chính phủ, Hội Thánh vẫn vững mạnh, con thuyền của Phêrô vẫn vững vàng lướt sóng, quyền bính nhiệm mầu của Chúa càng được tỏ rạng, uy nghi hơn, vì Chúa Giêsu đã hứa: “Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt. 18: 20). Vì thế chúng ta có thể nói: “Ubi Petrus ibi Ecclesia – Ubi Ecclesia ibi Christus - Đâu có Phêrô, đấy có Hội Thánh  - Đâu có Hội Thánh, đấy có Chúa Kitô.”
 
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã mượn lời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong diễn văn ngày 18 tháng 9 năm 1968, để mời gọi tất cả con cái Thiên Chúa hãy yêu mến Hội Thánh với một tâm hồn can đảm và mới mẻ để sống theo linh đạo sống yêu thương đến hiệp nhất. Ngài trích lời diễn văn như sau:
 
“Yêu mến Hội Thánh là không báo hại Hội Thánh bằng những lời chỉ trích, những thái đọ vơ đũa cả nắm.
 
Yêu mến Hội Thánh là không làm tổn thương cho Hội Thánh bằng những lời lẽ bất khôn, những thái độ mập mờ không xứng một người công giáo chân chính.
 
Yêu mến Hội Thánh là không để Hội Thánh lệ thuộc một thực tại trần gian nào, dù đảng phái, dù là văn minh, dù là giai cấp.
 
Yêu mến Hội Thánh là biết khôn ngoan đề phòng những lối tuyên truyền của báo chí, có tính cách chiêu khách, đấu thầu, vô trách nhiệm, do những hội kín mua chuộc, nó tạo cho óc chỉ trích phá hoại thành một lối thời trang trong nhiều lãnh vực của đời sống công giáo.
 
Yêu mến Hội Thánh là tôn trọng, là cảm thấy hạnh phúc được thuộc về Hội Thánh, nghĩa là can đảm, trung thành với Hội Thánh, vâng lời và phục vụ Hội Thánh trong hi sinh và vui vẻ; nâng đỡ Hội Thánh, sốt sắng và liên lỉ cầu nguyện cho Hội Thánh” (P.X. Nguyễn Văn Thuận, Nhìn Việt Nam, Á Châu, Thế Giới Trong 33 Năm Làm Giám Mục, Tin Vui Media 2000, trang 69-71).
 
F. Con Cá Thứ Nhất: Yêu Mến Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội
 
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã yêu mến Mẹ Maria một cách sốt mến chân thành. Chúng ta hãy cùng nhau suy niệm lời cầu nguyện mà Ngài đã thưa với Mẹ Maria để hiểu rõ hơn về “chuyện tình thứ nhất” của con đường linh đạo – con đường nên thánh của Ngài:
 
“Lạy Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ chúng con, con muốn gọi Mẹ là Mẹ chúng con, để cảm thấy mình hợp nhất với Chúa Giêsu và mọi người anh em của con.
 
Xin Mẹ hãy đến và sống trong con. Cùng Chúa Giêsu, con rất yêu dấu của Mẹ.
 
Trong sự thinh lặng, tỉnh thức, cầu nguyện, hiến tế.
 
Trong sự thông hiệp với Hội thánh và Chúa Ba Ngôi.
 
Trong kinh Magnificat, sứ điệp đổi mới toàn diện của Mẹ,
 
Trong sự kết hợp với thánh Giuse, bạn chí thánh của Mẹ, trong lao động đầy khiêm tốn, yêu thương, để thực hiện di chúc của Chúa Giêsu.
 
Trong tình yêu của Mẹ đối với Chúa Giêsu, thánh Giuse, Hội thánh và tất cả nhân loại.
 
Trong đức tin sắt đá của Mẹ, giữa muôn vàn thử thách vì nước trời.
 
Trong niềm hy vọng của Mẹ, luôn hành động để xây dựng một thế giới mới, đầy công lý, hòa bình, hạnh phúc và yêu thương thực sự.
 
Trong sự vẹn toàn các nhân đức của Mẹ trong Chúa Thánh Thần, để nên nhân chứng của Phúc âm, nên Tông đồ truyền giáo.
 
Trong con, xin Mẹ tiếp tục làm việc, cầu nguyện, yêu thương, hy sinh.
 
Xin Mẹ tiếp tục thi hành thánh ý Chúa Cha, tiếp tục làm Mẹ loài người.
 
Xin Mẹ tiếp tục sống sự Thương khó và Phục sinh của Chúa Giêsu.
 
Con xin dâng mình cho Mẹ.
 
Tất cả cho Mẹ.
 
Hôm nay và mãi mãi đến muôn đời.
 
Con sống tinh thần của Chúa Giêsu, khi sống tinh thần Maria và Giuse.
 
Với Chúa Giêsu, thánh Giuse, các thiên thần, các thánh và tất cả các linh hồn.
 
Con yêu mến Mẹ, Mẹ chúng con, và con xin chia sẻ,
 
Công việc của Mẹ,
 
Nỗi thao thức của Mẹ,
 
Cuộc chiến đấu của Mẹ vì nước Chúa Giêsu. Amen.”
 
(Five Loaves and Two Fish, Morley Books, 2000, pp. 77-79).
 
G. Con Cá Thứ Hai: Tôi Chọn Chúa
 
Quyết tâm chọn Chúa với tất cả tâm tình yêu thương, phó thác, trong vui mừng và hy vọng, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận khao khát đi theo từng bước chân của Chúa Giêsu trên con đường loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Chúng ta hãy cùng nâng đỡ nhau đi trên con đường linh đạo – con đường nên thánh với Đức Hồng Y Thuận trong đời sống Kitô Hữu của mỗi người chúng ta bằng lời kinh của chính Ngài:
 
“Lạy Chúa Giêsu,
 
Trên đường hy vọng suốt 2,000 năm nay, tình thương Chúa như một lượn sóng đã lôi cuốn bao người lữ hành. Họ đã yêu Chúa với một mối tình sống động, thể hiện qua tư tưởng, lời nói, việc làm, với một tâm hồn mạnh mẽ hơn mọi cám dỗ, mạnh hơn mọi đau khổ, hơn cả sự chết. Họ đã là lời Chúa ở trần gian, đời họ là một cuộc cách mạng, đổi mới cục diện của Hội thánh.
 
Nhìn những tấm gương sáng ngời ấy, từ tấm bé con đã mang một ước vọng: bước toàn hiến đời con, cuộc đời duy nhất con đang chiếm hữu, cho một ý tưởng bền vững không bao giờ sụp đổ. Và con cương quyết.
 
Nếu chúng con làm theo ý Chúa, thì Chúa sẽ hoàn tất ý định đó, và con lăn xả vào cuộc mạo hiểm mầu nhiệm này. Con đã chọn Chúa, và con không bao giờ hối hận. Con nghe Chúa bảo con: “Hãy ở trong Thầy, trong tình yêu Thầy.” Làm sao ở trong người khác được? Chỉ có tình yêu Chúa mới làm được sự lạ này. Con hiểu Chúa muốn trọn cuộc đời con: “Tất cả vì yêu mến Chúa.”
 
Con theo từng bước của Chúa trên đường hy vọng:  bước lang thang ra chuồng bò ở Bêlem, bước hồi hộp trên đường trốn sang Ai cập, bước bồn chồn trở về trú ngụ Nagiarét, bước phấn khởi lên Ðền thánh với Mẹ Cha, bước vất vả suốt 30 năm trời lao động, bước yêu thương ba năm rao giảng Tin mừng, bước thao thức kiếm tìm chiên lạc, bước xót xa vào Giêrusalem đầm đìa nước mắt, bước cô đơn ra trước tòa không một người thân, bước ê chề vác thánh giá lên đồi tử nạn, bước thất bại chết chôn mồ kẻ khác, không tiền không bạc, không manh áo, không bạn hữu. Chúa Cha cũng xem chừng bỏ rơi Chúa, nhưng Chúa phó thác tất cả vào tay Cha.
 
Lạy Chúa, quỳ trước Nhà Chầu, một mình con với Chúa, con hiểu rồi: con không thể chọn con đường khác. Ðường khác sung sướng hơn, bên ngoài vinh quang hơn, nhưng không có Chúa, người Bạn muôn năm, người Bạn duy nhất của con trên đời. Nơi Chúa là tất cả thiên đàng với Chúa Ba Ngôi, tất cả trần gian với toàn nhân loại. Khổ đau của Chúa là của con. Của con, nỗi khốn khổ của những tâm hồn sát cạnh. Của con, tất cả những gì không phải an hòa, tươi vui, đẹp đẽ, sung sướng, dễ thương ... Của con, tất cả sầu muộn, thất vọng, chia ly, bỏ rơi, khốn nạn ... Những gì là chính Chúa, vì Chúa đã gánh hết; những gì nơi người anh em, vì có Chúa trong họ.

Con tin vững vàng, vì Chúa đã cất bước khải hoàn sống lại: “Hãy vững lòng, Thầy đã thắng thế gian.”
 
Vì Chúa dạy con: hãy bước những bước khổng lồ: “Ði khắp thế gian rao giảng Tin mừng.” Con lau sạch nước mắt ưu phiền và những con tim chán nản; con sẽ đưa về xum họp những tâm hồn xa cách; con sẽ đốt cháy trần gian bằng lửa tình yêu, thiêu sạch những gì cần phải hủy bỏ. Ðể chỉ còn lại chân lý, công bình và yêu thương.
 
Nhưng lạy Chúa! Con biết con yếu đuối lắm! Xin giúp con bỏ tính ích kỷ, yêu an nhàn; cho con đừng sợ kham khổ dày vò, không xứng tông đồ của Chúa; cho con sẵn sàng mạo hiểm, mặc cho thiên hạ khôn ngoan; con xin làm “đứa con điên” của Chúa, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse.
 
Con muốn lăn xả vào thử thách, chấp nhận mọi hậu quả, vì Chúa đã dạy con liều mạng. Nếu Chúa dạy con bước lên thánh giá nằm mãi đó, vào trong Nhà Chầu thinh lặng cho đến ngày tận thế, con cũng xin liều mạng bước theo. Con sẽ mất tất cả, nhưng Chúa vẫn còn! Tình thương Chúa vẫn còn! Tràn ngập quả tim con, để yêu thương tất cả. Và chừng ấy đủ hạnh phúc cho con.
Vì thế con xin lập lại: “Con chọn Chúa! Con chỉ muốn Chúa! Con chỉ muốn vinh danh Chúa.” (Five Loaves and Two Fish, Morley Books, 2000, pp. 93-98).
 
LỜI KẾT
 
Đây là Con Mẹ. Này là Mẹ Con” (Gioan 19: 25-27). Sống yêu thương và kết hợp với Giáo Hội là sống trọn vẹn lời ủy thác của Chúa Giêsu cho từng “chi thể nhiệm mầu”  của Chúa Kitô trong Giáo Hội. Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận rất yêu mến Đức Mẹ Maria và các con cái của Đức Mẹ là Giáo Hội. Qua Giáo Hội, Mẹ Rất Thánh của Ngài, Mẹ luôn luôn yêu thương và chăm sóc con cái nhân loại. Cụ thể hóa hơn, nét đặc thù của đời sống linh đạo của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là sống yêu thương và luôn kết hợp với Giáo Hội để “loan báo, giảng dạy và thánh hóa” nhân loại được nhận biết Thiên Chúa và sống theo đường lối của Thiên Chúa, Đấng mời gọi con người bước vào và lên đường. Giáo Hội luôn được kêu mời để loan truyền và dạy dỗ về Chúa Giêsu Kitô, “ Đường, là Sự Thật và Sự Sống” cho nhân lọai. Từ trọng tâm này, con người tìm về nguồn Chân Lý, nguồn Yêu Thương và là cội nguồn của Sự Sống là chính Thiên Chúa.
 
Nói cách khác, nếu mỗi người trong đời sống linh đạo (sống đức tin) mà đặt nền tảng vào tình yêu và sự sống là chính Chúa thì nhân loại sẽ được thăng hoa, đơm bông và kết trái trong mọi khía cạnh của cuộc sống con người, bao gồm trong mọi lãnh vực kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, tôn giáo. Giáo hội có lúc trải qua những chiều dài của yếu đuối, vấp phạm của con cái mình, nhưng vẫn trung thành với Chân Lý và cố gắng sống đời sống và trung thành với căn tính của mình là “Loan Báo Tin Mừng Ơn Cứu Độ” cho muôn dân. Vì thế, sống yêu thương và kết hợp với Giáo Hội là điều căn bản cho từng chi thể nhiệm mầu của Chúa Kitô trong trần gian.
 
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã yêu mến Giáo Hội và sống trọn vẹn với căn tính của mình trong đời sống yêu thương và thánh thiện của Mẹ Rất Thánh. Vì thế, sống đời sống đức tin hay sống đời sống linh đạo – con đường nên thánh của Đức Hồng Y là luôn luôn yêu mến và kết hợp trọn vẹn với Giáo Hội là Mẹ Rất Thánh của mỗi người Kitô Hữu chúng ta vậy.
 
Tất cả là lòng mến, là đức ái, là yêu thương, phục vụ, kính trọng, chăm sóc và nuôi dưỡng nhiệm thể Chúa Kitô bằng tất cả chân tình đơn sơ, phó thác và sống trong vui mừng và hy vọng như Tôi Tớ Chúa, Đấng Đáng Kính, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, đã sống và đã là chứng nhân của Chúa Giêsu Phục sinh trong đời sống của chính ngài để Danh Chúa được cả sáng và Nước Chúa được trị đến.
 
Cúi xin Thiên Chúa chúc lành và thánh hóa chúng con và dám xin cho Tôi Tớ Chúa, Đấng Đáng Kính, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sớm được tôn kính trên Bàn Thánh của Giáo Hội, Mẹ Rất Thánh của ngài và của chúng con. Amen.
 
Thay cho lời kết của một vài nét học hỏi và tìm hiểu về “linh đạo của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận”, tôi xin tóm tắt trong lời kinh ngàn đời của Giáo Hội và của mỗi người chúng ta: “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen. ”
 
Đức Ông Phêrô Nguyễn Quang, V.F.
Our Lady of Lourdes Church & School
2200 South Logan Street
Denver, CO 80210

Tác giả: Đức Ông Phêrô Nguyễn Quang, V.F.

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây