Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (Phần cuối)

-

-

Phần cuối tập sách “Những Bài giảng và Huấn từ” của Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận tại Đại Chủng viện Hà Nội. Tài liệu Đức Ông Phan Văn Hiền HT63 thực hiện và gửi cho Ban Biên tập trang tin Cựu Chủng sinh Huế.
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (Phần cuối)

 
Bài 126: Minh oan
Thứ bảy 16-11-1991 - Tuần 32 Thường Niên
 
Lc 18, 1-8; Kn 18, 14-16.; 19,6-9
 
Để giúp hiểu bài Phúc Âm hôm nay về cách cư xử của một vị thẩm phán, chúng ta nên quay lại bài Phúc Âm trước nói về việc tỉnh thức khi Chúa đến. Tỉnh thức là luôn chuẩn bị sẵn sàng. Và điều làm cản trở cho việc tỉnh thức chính là tội: tội tổ tông và tội riêng. Ngày nay, người ta thường nói đến thêm một loại tội nữa. Đó là tội xã hội. Nghĩa là một hành động xấu xa do cả một tập thể hay quốc gia gây nên như phân chia giai cấp, dùng thế lực đè nén, áp bức người dân, bất công khi đối xử...
 
Đứng trước những bất công đó, chúng ta phải làm gì?
 
Bài Phúc Âm của Thánh Luca hôm nay cho chúng ta câu trả lời của vấn đề này. Chúa Giêsu không dạy chúng ta hãy dùng vũ lực, sức mạnh để chống lại vì Ngài đã nói: “Kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm.” Trái lại, Ngài dạy phải cầu nguyện để Chúa minh oan. Tiếng La-tinh có nghĩa là “làm rõ ràng chân lý”. Nhưng một cách đúng nghĩa nhất, “minh oan”có nghĩa là “để Chúa trả thù.”
 
Từ ngữ “trả thù” này được dùng trong lời ca nhập lễ của Lễ Các Thánh Tử Đạo: “Xin Chúa hãy trả thù vì máu các ...” Nhưng “trả thù” ở đây có nghĩa là làm cho hạt giống Phúc Âm mà các Ngài đã gieo được nảy mầm và làm phát sinh những Kitô Hữu mới. Một cách mạnh mẽ hơn, “trả thù” là làm cho kẻ địch thù trở nên con Chúa.
 
Trở lại câu chuyện vị thẩm phán bất công trong bài Phúc Âm hôm nay. Bình thường, ông thẩm phán này thừa sức sai lính tống cổ bà ta ra ngoài công đường, hoặc nếu bà ta cứ phiền hà mãi, ông có thể ra lệnh đem nhốt lại một thời gian và chắc chắn sau đó bà chẳng bao giờ dám trở lại nữa. Nhưng khi đưa ra chuyện vị thẩm phán bất công này, Chúa Giêsu muốn nói ngay cả một người không kính sợ Thiên Chúa mà còn biết đối xử như vậy, phương chi Thiên Chúa là Cha rất nhân từ. Ngài sẽ xét xử, bênh vực, nghe lời chúng ta cầu xin bất cứ lúc nào và sẵn sàng minh oan cho chúng ta.
 
Như vậy, Giáo Hội không bao giờ chủ trương dùng võ lực, sức mạnh để chinh phục, nhưng luôn khuyên bảo hãy cầu nguyện với Thiên Chúa vì như lời Ngài nói: “Ai xin thì sẽ được, ai tìm sẽ thấy...” Chắc chắn Ngài có nhiều cách thế tốt hơn để minh oan cho chúng ta. Chỉ có câu cuối bài Phúc Âm làm cho chúng ta phải suy nghĩ: “Nhưng khi Con Người trở về, liệu có còn thấy đức tin trên mặt đất không?”
 
Chúa không nói liệu có còn thấy bác ái hay bình đẳng trên mặt đất này không, nhưng là đức tin. Chính đức tin mới là điều quan trọng. Nhờ đức tin người ta mới có thể nhìn thấy thân phận của mình, mới dễ dàng tha thứ, mới không còn nhìn nhau là địch thù nhưng là anh em bạn hữu, và mới thực thi bác ái cách vị tha. Nói cách khác, chỉ có đức tin, người ta mới sẵn sàng phục vụ anh em đồng loại, bởi vì không ai dại gì lại tha thứ, bác ái hay cúi mình phục vụ người khác, yêu thương người khác.
 
Thực tế cũng cho thấy biết bao cuộc chiến tranh nóng-lạnh xảy ra giữa quốc gia này với quốc gia kia, giữa chủng tộc này với chủng tộc khác, kết thúc được nhờ sự giải hòa, bắt tay chứ không phải bằng vũ khí. Ngay trong những nước có quan hệ tốt với nhau, chúng ta cũng thấy tiềm ẩn trong đó sự giả tạo của vẻ thân thiện này. Một nhà tư tưởng đã nói về quan hệ ngoại giao như sau: một nhà ngoại giao là người ăn mặc lịch sự, nói năng vui vẻ nhưng trong tay lại cầm hòn đá. Họ như một người cầm hòn đá trong tay tiến gần con chó, có vẻ rất thân thiện, nhưng vào lúc bất ngờ nhất, người ấy ném hòn đá và giết chết con chó liền tại chỗ. Còn lời Chúa dạy chúng ta hãy yêu thương, tha thứ và thông cảm nhau một cách chân thành, giúp chúng ta xác tín chỉ có tình yêu mới xóa tan được hận thù, chỉ có tình yêu mới tiêu diệt được chia rẽ, bất hòa, đau khổ...
 
Chúng ta hãy sống theo di chúc của Chúa Giêsu: “Thầy ban cho chúng con một điều răn mới, là chúng con hãy yêu thương nhau.” Có đức tin, chúng ta mới sống yêu thương thực sự vì nhờ đó chúng ta nhận ra được mọi người đều là hình ảnh của Chúa Giêsu.
 
Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống đức tin chân thật để chúng con có thể xây dựng hòa bình, tình thương, công bằng và bác ái. Và như bà góa nghèo trong Phúc Âm, đại diện cho những con người bất hạnh, nghèo khó, cô đơn, xin cho chúng con biết chạy đến với Chúa với niềm tin tưởng tuyệt đối để cầu khẩn xin Ngài minh oan. Amen.
 
 
Bài 127: Ngày cánh chung
Chủ nhật 17-11-1991. CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN B
 
Mc 13, 24-32; Dn 12, 1-3; Dt 10, 11-14. 18
 
Bài Phúc Âm hôm nay cũng như Bài Đọc 1 được bắt đầu bằng câu: “Trong những ngày ấy”. Câu nói này gợi đến tư tưởng về ngày cánh chung, ngày tận thế. Suy ngắm và phân tích bài Phúc Âm cánh chung này, các học giả và chú giải Kinh Thánh từ xưa đến nay vẫn chưa thể làm rõ nghĩa của nó vì thông thường các nhà chú giải chỉ dừng lại ở khía cạnh đạo đức.
 
Để giúp hiểu thêm được phần nào ý nghĩa của đoạn Phúc Âm này, trước hết chúng ta cần chú ý đến kiểu nói “trong những ngày ấy”. Kiểu nói này thường có ý nhắc đến những sự việc trong quá khứ như “khi ấy”, “lúc đó”… nhưng đoạn Kinh Thánh này lại ám chỉ về tương lai. Thật ra, ý tưởng về ngày cánh chung đã có từ xa xưa trong Cựu Ước (Bài Đọc 1) nên khi Chúa nhắc đến các sự kiện mặt trời mất sáng, núi đồi rung chuyển, người nghe hiểu ngay được Chúa muốn nói về ngày tận thế.
 
Từ trước đến giờ, người ta thường hiểu và phân tích bài Phúc Âm này theo nghĩa tiêu cực. Ngày tận thế sắp đến làm cho người ta lo sợ, không còn muốn làm gì cả. Điều này ảnh hưởng đến cả việc truyền giáo của Giáo Hội. Nhưng thật ra, nó còn ý nghĩa tích cực là mong đợi ngày Chúa đến trong hân hoan. Người Tin Lành, nhất là giáo phái “Adventiste” và “Témoin de Yehova”, thường nhấn mạnh đến khía cạnh tiêu cực của ngày tận thế. Những người thuộc hai giáo phài này thường sai người đến từng nhà và cố gắng thuyết phục người nghe về tai họa ngày tận thế.
 
Bài Phúc Âm này còn được nhìn theo góc cạnh rộng hơn bao trùm cả dân tộc Do Thái và toàn thế giới. Trước hết là đối với dân tộc Do Thái. Họ dựa vào lời Chúa nói “Thế hệ này sẽ không qua đi trước khi mọi sự đó xảy ra” để giải thích sự kiện thành Giêrusalem bị phá hủy và dân Do Thái bị phân tán vào năm 70. Đối với toàn thế giới. Bài Phúc Âm này muốn ám chỉ đến ngày cánh chung, ngày tận thế. Trong ngày đó,  tất cả mọi người phải qui tụ dưới sự phán xét của Chúa.
 
Đối với chúng ta, bài Phúc Âm không nên cắt nghĩa tiêu cực để rồi lo sợ, hoang mang, vì đạo Chúa không phải là đạo sợ hãi nhưng là đạo tình thương, vui vẻ. Thế nhưng, cũng không vì thế mà chúng ta phi bác ngày ấy. Chúng ta vẫn tin rằng sẽ có một ngày mọi người đều phải chịu phán xét, nhưng không hoảng sợ khi đón chờ ngày đó xảy đến nếu chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để đón chờ Chúa đến. Về ngày đó, chính Chúa đã cho hay là không ai biết được đích xác ngày giờ nào cả, cho dù các thiên thần và cả Con Người cũng không biết.
 
Điều quan trọng là chúng ta luôn tỉnh thức sẵn sàng và sống như là muối đất, như men trong bột và ánh sáng cho thế gian như Chúa đã chỉ dạy. Sống trong một xã hội đen tối và thối nát, một tia sáng tuy nhỏ nhưng cũng đủ để phá tan bóng tối, một nhúm muối tuy nhỏ cũng đủ để làm đồ ăn khỏi hư đi, và một ít men cũng đủ làm cho khối bột dậy lên. Và nếu đã sống như vậy, ngày Chúa đến sẽ không còn là một ngày lo sợ, nhưng là ngày hân hoan vui mừng vì ngày ấy Chúa sẽ trao phần thưởng cho con cái trung tín của mình.
 
Nói tóm lại, khi nhắc đến ngày cánh chung, Chúa không có ý để đe dọa, nhưng cốt để loan báo lời hứa ơn cứu độ. Mong chờ Chúa đến là tâm tình của những người Kitô Hữu tiên khởi trong cơn cùng quẫn vì bị bắt bớ, đau khổ. Họ đã ước mong chờ Chúa đến để giải thoát họ. Điều này được tìm thấy trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan khi Ngài viết: “Maranatha, lạy Chúa, xin hãy đến.”
 
Từ xưa tới nay, sự nguy hại của việc chú giải sai Kinh Thánh là quá chú trọng đến sự phán xét của Chúa. Đây là mối nguy hại lớn cho công cuộc truyền giáo vì nó khiến cho mọi hoạt động truyền giáo bị dừng chân tại chỗ, bởi vì không lo phát triển và sống cách tiêu cực thụ động, khiến cho tinh thần sống đạo trở nên nơm nớp lo âu và buồn sầu ảm đạm. Chính xã hội cũng không muốn nhắc đến hai chữ: “Tận thế”, vì nó làm cho người ta không còn muốn hoạt động gì nữa hoặc làm việc kém tích cực và sống buông trôi. Hơn nữa, ý tưởng “tận thế” làm cho người ta phải suy nghĩ, phải trở về với lòng mình, phải cải thiện tâm hồn, phải sống thánh thiện, xa lánh sự ác. Và đó là điều con người ngày này khó chấp nhận. Vì thế, người ta muốn tẩy xóa ý tưởng “tận thế” ra khỏi tâm trí hoặc không muốn nhớ đến để cuộc sống được thoải mái tự do hơn.
 
Theo tinh thần và truyền thống của Giáo Hội, chúng ta cũng mong chờ Chúa đến. Và Giáo Hội nhắc nhở chúng ta hãy chuẩn bị sẵn sàng cho ngày đó bằng đời sống cầu nguyện đi đôi với công việc bác ái, phuc vụ. Và ngày “tận thế” cụ thể nhất là cái chết của mỗi người chúng ta. Chúng ta không sợ hãi vì như Augustino đã nói: “Nếu đã được chuẩn bị sẵn sàng thì sự chết là mối lợi chứ đâu phải là mối đe dọa” vì chúng ta được gặp Thiên Chúa là Cha nhân từ và hay thương xót. Trái lại, nếu chúng ta đang sống trong tình trạng mất ơn thánh, cái chết sẽ trở thành một tai họa cho chúng ta.
 
Đối với những người không tin có Thiên Chúa nhưng lại tin tưởng vào sự tiến hóa, họ sẽ không bao giờ trả lời được những gì sẽ xảy ra sau cái chết. Và như vậy, thuyết tiến hóa dẫn đến sự bế tắc, không có thể làm thỏa mãn khát vọng thâm sâu của con người. Trái lại, với đức tin vào Thiên Chúa hằng sống, chúng ta biết chúng ta sẽ đi về đâu sau cái chết ở trần thế này. Và tất cả chúng ta đều hy vọng sau ngày “tận thế” của cuộc đời mình, chúng ta sẽ được bước vào một cuộc sống mới vĩnh cửu đầy tràn hạnh phúc với Thiên Chúa. Amen.
 
 
Bài 128: Sẵn sàng theo Chúa
Thứ hai 18-11-1991.
 
Lc 18, 35-43; 1Mcb 1, 10-15. 41-43. 54-57. 62-64
 
Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại câu chuyện Chúa chữa một người mù tại Giêricô, trên đường Chúa tiến về thành Giêrusalem. Theo các nhà chú giải Thánh Kinh, đoạn Phúc Âm này có hai điểm quan trọng: lời tuyên xưng Đức Giêsu là con vua Đa-vít của anh mù và việc anh ta theo Chúa.
 
Ba cuốn Phúc Âm Nhất Lãm đều tường thuật việc anh mù ở Giêricô được chữa lành, nhưng chỉ có Luca là tác giả duy nhất ghi lại việc anh mù tuyên xưng Chúa Giêsu là con Vua Đa-vít. Theo quan niệm của dân Do Thái thời bấy giờ, “con vua Đa-vít” là người được Thiên Chúa sai đến để đánh đuổi quân ngoại bang, thống nhất quốc gia, đem lại hòa bình trật tự cho dân. Vì vậy, họ chờ đợi và ước mong Chúa Giêsu sẽ lãnh đạo toàn dân đứng lên dành độc lập từ tay Đế Quốc Roma. Thật ra, Chúa Giêsu đến trần gian không phải để giải phóng dân Do Thái khỏi ách nô lệ như họ mong đợi. Sứ mạng của Ngài có chiều kích rộng lớn hơn nhiều. Không phải chỉ cho dân tộc Do Thái, nhưng cho toàn thể nhân loại. Vì thế, “con vua Đa-vít” đến trần gian để phá tan ách thống trị của ma quỷ và giải phóng con người toàn diện.
 
Việc anh mù theo Chúa. Các nhà chú giải Thánh Kinh xem đây là điểm quan trọng nhất của đoạn Phúc Âm này vì nói lên  “Sự mới mẻ của Chúa Kitô”. Bởi vì để bước đi theo Chúa, anh mù phải quyết định dấn thân phục vụ và chấp nhận đồng chịu số phận của Ngài, số phận bị bách hại, đau khổ và kể cả cái chết nhục nhã.
 
Bài Phúc Âm còn làm nổi bật ba yếu tố quan trọng mỗi khi Chúa làm phép lạ. Đó là sự tha thứ, hồng ân và biến đổi. Đến với người mù cũng như những người đáng thương khác, Chúa đều tha thứ và cùng lúc đó Chúa ban hồng ân chữa lành. Anh mù lãnh nhận hồng ân và biến đổi cuộc đời. Từ một người thụ động chỉ biết dựa vào lòng hảo tâm của người khác, anh mù giờ đây tích cực dấn thân theo Chúa. Đây chính là sứ mạng của Chúa. Ngài đến với những người bị xã hội bỏ rơi, với những người nghèo khổ, bất hạnh để an ủi và nâng đỡ họ.
 
Đối với chúng ta, mặc dù chúng ta sáng mắt, nhưng có thể sự mù tối tâm hồn đang che phủ chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy lớn tiếng kêu xin Chúa nâng đỡ, chữa trị cho mắt tâm hồn chúng ta được sáng để nhận ra ý Chúa trong cuộc đời mình và quyết tâm thực hiện. Chúa luôn lắng nghe lời chúng ta khẩn cầu và Ngài cũng sẽ hỏi chúng ta một cách trìu mến như đã hỏi anh mù: “Con muốn Ta làm gì cho con.” Điều này càng giúp chúng thêm tin tưởng vào Chúa và sẵn sàng dấn thân theo Ngài. Amen.
 
 
Bài 129: Chúa nhân từ
Thứ ba 19-11-1991
.
 
Lc 19, 1-10; 2 Mcb 6, 18-31
 
Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy lòng nhân từ bao la của Chúa. Tình thương yêu của Ngài vượt qua ranh giới của phép lịch sự bình thường. Nghĩa là “ăn có mời, làm có khiến”. Nhưng Chúa Giêsu chẳng cần chờ đến khi được mời để đến với Giakêu và Ngài đã đem lại cho ông một niềm vui rộn ràng hơn những gì ông có thể ước mong. Thật vậy, chính Giakêu không dám mời và cũng chẳng dám trực tiếp xem diện mạo Chúa. Ông nhìn trộm Ngài bằng cách trèo lên một cây cao và ẩn nấp trên đó. Nhưng thật bất ngờ, Chúa lại ngước nhìn lên, gọi tên ông, và ngỏ lời dùng bữa tại nhà ông dù chưa được mời và cũng chưa quen biết. Tình yêu này của Chúa dành cho ông vượt trên lẽ thông thường, vượt trên những lời chê trách, soi mói của người chung quanh. Họ bàn tán với nhau về Chúa: một người như thế mà lại đến dự tiệc với bọn thu thuế và tội lỗi.
 
Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy phân tích ba điểm của bài Phúc Âm này: ơn cứu độ và sự đáp trả, ơn cứu độ không chỉ cho một người nhưng cho mọi người, và sau cùng, ơn cứu độ đòi hỏi sự hy sinh, từ bỏ giúp cải thiện đời sống xã hội.
 
Ơn cứu độ và sự đáp trả. Chúng ta thường tạ ơn Chúa vì ơn cứu độ Ngài ban cho, nhưng quên mất bổn phận của mình khi lãnh nhận ơn cứu độ là hành động đáp trả. Đây là một sự lầm lẫn nguy hại vì nếu chỉ nhận mà không đáp trả, ơn cứu độ cũng chẳng sinh ích lợi gì. Trở lại trường hợp của Giakêu. Cho dù Chúa có yêu thương, khoan hậu với ông Giakêu đến mức nào đi nữa, đổ bao nhiêu hồng ân đi nữa, nhưng nếu Giakêu không đáp trả lại tình thương này, các thiện chí của Chúa cũng không sinh được kết quả gì. Điều này càng đúng đối với chúng ta. Nếu chúng ta không biết đáp trả ân huệ Chúa ban, cuộc đời chúng ta cũng chẳng có gì biến đổi. Và như vậy, chúng ta cũng không thể nào được ơn cứu độ của Chúa.
 
Ơn cứu độ không chỉ cho một người nhưng là cho nhiều người. Khi Giakêu đón nhận ơn Chúa, ông lập tức thay đổi cuộc sống, sẵn sàng chịu mất mát tiền của để thực hiện sự công bằng và làm việc bác ái. Thật ra, khi làm như vậy, ông ta không những chỉ lãnh nhận ơn cứu độ cho chính ông, nhưng còn cho cả mọi người trong gia đình ông như Chúa đã tuyên bố: “Hôm nay, nhà này được ơn cứu độ.” Nói cách khác, khi đáp trả ơn Chúa, ông làm cho cả gia đình được ơn cứu độ. Điều này cũng áp dụng đối với chúng ta. Một khi chúng ta đáp trả ơn Chúa cách tích cực, những người chung quanh cũng được ảnh hưởng nhờ gương sáng của chúng ta và cũng được ơn ích.
 
Sau cùng, ơn cứu độ đòi hỏi một sự từ bỏ, hy sinh. Thật vậy, ông Giakêu đã vui lòng chịu thiệt thòi mất mát khi đáp trả ơn Chúa. Ông chấp nhận phân phát nửa phần gia tài để giúp người nghèo và chấp nhận đền bù gấp bốn những ai bị thiệt thòi vì ông. Nói cách khác, ông sẵn sàng hy sinh phần của cải vật chất của mình để sống công bằng và bác ái như Chúa dạy. Và như vậy, ông Giakêu đã tạo được tình liên đới tốt đẹp với mọi người chung quanh và làm cho xã hội tốt hơn.
Cũng thế, xã hội chúng ta đang sống cũng sẽ biến đổi tốt hơn nếu chúng ta biết đáp trả ơn Chúa. Nói cách khác, ơn cứu độ của Chúa nếu được chúng ta đáp trả sẽ tác động mạnh mẽ và trực tiếp tới xã hội, vì nó tạo cho xã hội có một mối quan hệ bình đẳng, công bằng, bác ái và huynh đệ. Và một xã hội được xây dựng trên tình người, trên lòng yêu mến của Thiên Chúa chắc hẳn không còn gì tốt hơn.
 
Bài Phúc Âm hôm nay giúp chúng ta tự vấn lương tâm mình: liệu tôi có sẵn sàng đáp trả lại tình yêu của Chúa hay không? Tôi có loan báo sứ điệp tình thương Chúa cho những người chung quanh để họ cũng được ơn cứu độ không? Tôi có sẵn sàng làm theo sự đòi hỏi của ơn cứu độ và cộng tác vào việc biến đổi, canh tân thế giới không?
 
Qua đó, chúng ta hiểu thế nào là tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Tình yêu ấy thúc đẩy chúng ta nỗ lực xây dựng công bằng, bác ái ở trong cộng đoàn chúng ta đang sống, trong xã hội chúng ta đang hoạt động.
 
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con có một tâm hồn đơn sơ, hăng hái để đón nhận ơn cứu độ Chúa ban và đáp trả với lòng quyết tâm và yêu mến trọn vẹn. Amen.
 
 
Bài 130: Trung tín phục vụ
Thứ tư 20-11-1991
.
 
Lc 19, 11-18; 2 Mcb 7, 1. 20-31
 
Bài Phúc Âm hôm nay đề cập tới sự trung tín trong việc phục vụ. Chúng ta sẽ lần lượt suy ngắm những điểm đáng chú ý sau đây: Của cải ông chủ để lại cho các tôi tớ, những tôi tớ trung tín sử dụng của cải đó, sử dụng của cải để phục vụ và phục vụ trong yêu thương.
 
Ông chủ ra đi để lại của cải cho đầy tớ. Ở đây, ông chủ chính là Chúa. Ngài tiên báo chính Ngài như ông chủ đi xa và chắc chắn sẽ trở về. Và trước khi ra đi, Ngài giao của cải của Ngài cho chúng ta để sinh lợi. Của cải nói ở đây chính là những tài năng cũng như vật chất Chúa ban cho mỗi người. Tất cả đều là hồng ân nhưng không của Chúa và Ngài muốn chúng ta phải biết trau dồi, phát triển và làm lợi thêm chứ không để hao đi.
 
Đây là điểm chúng con cần phải suy nghĩ. Đang khi còn ngồi trên ghế đại chủng viện và cả sau này nữa khi làm linh mục, chúng con cần phải trau dồi đời sống đạo đức cũng như kiến thức và tài năng luôn để có thể giúp ích cho người khác một cách có hiệu quả hơn. Có lần Cha đã nói với chúng con câu châm ngôn La-tinh sau đây: “Sẽ không có mục vụ tốt nếu không có mục tử tốt.” Chúa không đòi hỏi chúng con phải làm những gì quá khả năng của mình. Nhưng mỗi người phải biết sử dụng một cách đứng đắn những ơn Chúa ban cho để sinh lợi cho mình và cho người khác nữa. Người có xe đạp thì đi xe đạp, có xe máy thì đi xe máy, có máy bay thì đi máy bay. Tất cả đều nhằm phục vụ Chúa và Giáo Hội.
 
Tất nhiên việc xây dựng nhà thờ, nhà xứ, tổ chức các hội đoàn là tốt, nhưng phải chú trọng hơn đến việc xây dựng con người. Và muốn xây dựng con người, trước hết thì mình phải có trái tim yêu thương, nhờ đó mình mới có thể làm mọi việc trong tình yêu và phục vụ trong yêu thương như Chúa Giêsu. Nếu một linh mục không sống phục vụ, chỉ biết ích kỷ lo cho bản thân, người linh mục đó kể như lạc hướng.
 
Sau cùng lời Chúa nói: “Ai đã có lại được thêm; ai không có, sẽ mất cả cái người ấy đang có nữa” phải được hiểu như thế nào? Đối với những người yêu mến Thiên Chúa, khi họ thực thi bác ái và phục vụ người khác hết sức mình, cho đi tất cả một cách quảng đại, Thiên Chúa lại tuôn đổ hồng ân của Ngài vào lòng họ. Và như vậy, họ càng được thêm hồng ân Chúa. Còn những người không biết yêu thương, không sống bác ái, chỉ biết ích kỷ giữ chặt những gì mình có, chắc chắn họ chẳng nhận được thêm những hồng ân khác của Chúa vì cửa lòng họ đã khóa kín. Và ngay  những gì họ đang có, Chúa cũng cất khỏi để giao cho người khác như dụ ngôn người thuê vườn nho không biết sinh lợi cho chủ.
 
Những điểm trên đây giúp chúng ta hiểu rằng mỗi người phải biết sử dụng và phát huy tài năng và ơn thánh của Chúa, cũng như dùng những tài năng đó để phục vụ người khác. Đó cũng chính là phương thế để trở nên thánh.
 
Cuộc đời linh mục thành công hay không tùy thuộc vào sự kết hợp với Chúa nhiều hay ít, mạnh mẽ hay nhạt nhẽo. Ơn Chúa không bao giờ thiếu và cũng không bao giờ thừa, nếu chúng ta biết sống với Chúa để yêu mến Chúa và phục vụ anh em. Amen.
 
 
Bài 131: Theo gương Mẹ
Thứ năm 21-11-1991. LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH
 
Mc 3, 31-35; Dcr 2, 14-17
 
Lễ hôm nay không phải là lễ trọng, nhưng lại rất co ý nghĩa đối với các tu sĩ vì giống như Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh, các tu sĩ cũng muốn dâng cuộc đời mình cho Chúa. Hội Dòng Xuân Bích, một hội dòng chuyên đào tạo chủng sinh, đã nhận lễ này làm lễ Bổn Mạng. Và theo truyền thống, cứ vào dịp lễ này, các cha và các tu sĩ có chức phó tế, long trọng cử hành nghi thức tuyên hứa lại lời khấn trong ngày chịu chức. Một nghi thức rất ý nghĩa.
 
Cuộc đời Đức Mẹ như một vì sao sáng mãi không bao giờ tắt. Theo thánh truyền, Thánh Gioan Kim và Thánh Anna là Cha Mẹ của Đức Maria, nhờ ơn Chúa soi sáng, đã dâng Đức Mẹ vào đền thờ từ năm lên ba tuổi. Đức Mẹ không bao giờ nghĩ tưởng mình sẽ được Thiên Chúa chọn để sinh hạ Chúa Cứu thế, vì Mẹ nguyện ước sống đồng trinh, dâng trọn đời cho Chúa. Nhưng khi lớn lên, theo lề luật, Mẹ kết bạn với Thánh Giuse, một người công chính. Suốt từ khi cúi đầu cất tiếng xin vâng “Fiat” cho đến khi lìa đời, cuộc đời Mẹ đã phải chịu nhiều đắng cay, khổ cực. Thế nhưng, Mẹ luôn xin vâng để thực hiện toàn vẹn thánh ý của Thiên Chúa. Chắc chắn, những năm tháng ở trong đền thánh cũng đã ảnh hưởng đến đời sống thiêng liêng của Mẹ và giúp Mẹ sống lời xin vâng cách tuyệt hảo. Nói tóm lại, Mẹ thật xứng đáng là tòa cho Chúa ngự vì nơi Mẹ toát lên vẻ tuyệt mỹ, trọn vẹn, trinh trong.
 
Phải tôn kính Mẹ như thế nào? Đối với người giáo dân, việc tôn kính Đức Mẹ nhiều khi mang hình thức vụ lợi, thói quen, môi miệng... Còn với chúng ta, việc sùng kính này cần phải có nền tảng vững chắc dựa trên thần học và kinh nghiệm của Giáo Hội. Muốn được Mẹ yêu mến, trước hết chúng ta phải trở nên giống Chúa Giêsu. Như Cha đã nói là chúng ta phải nên giống Chúa trong lời nói, suy tư, hành động, cư xử; và càng giống Chúa, Đức Mẹ càng yêu mến chúng ta hơn. Sau này khi làm linh mục, chúng con lại càng được Đức Mẹ yêu mến, bởi vì linh mục càng giống Chúa Giêsu.
 
Kinh nghiệm cho thấy cuộc đời của Mẹ luôn gắn bó chặt chẽ với Chúa. Mẹ đã có những bước hiến dâng, khi bước chân vào đền thánh. Có những bước hồng ân khi cúi đầu thưa Fiat. Có những bước bình thường khi sống ẩn dật miền quê. Có những bước lo âu khi bị Thánh Giuse nghi ngờ hay khi bồng Hài Nhi trốn sang Ai cập. Có những bước vất vả trong cuộc sống gia đình. Có những bước lang thang khi theo Chúa lúc Ngài đi rao giảng. Từ tiệc cưới Cana cho đến khi Chúa chết trên Thánh Giá, Mẹ luôn có mặt ở bên con yêu dấu, công khai có, âm thầm có. Mẹ cũng có những bước đau khổ ê chề khi bước lên đồi Calvê tử nạn. Có những bước như thất bại khi an táng Chúa vào mồ. Nhưng Mẹ cũng có những bước chân khải hoàn khi Chúa sống lại đến viếng Mẹ. Có những bước truyền giáo khi cùng các Tông Đồ cầu nguyện đợi Chúa Thánh Thần xuống. Khi cùng Thánh Gioan đi giảng đạo hay thuật lại cho Thánh Luca và Thánh Gioan về đời Chúa Giêsu. Và Mẹ có những bước cầu nguyện phục vụ Giáo Hội khi nghe tin các Tông Đồ bị giết hoặc Giáo Hội bị bách hại...
 
Tất cả những bước đi của Mẹ, bằng chân và bằng quả tim đã nói lên sự gắn bó mật thiết của Mẹ với Chúa Giêsu. Chúa đau khổ, Mẹ cũng đau khổ. Chúa buồn sầu lo lắng, Mẹ cũng lo lắng. Khi Chúa cảm thấy cô đơn, thất vọng, Mẹ an ủi chia sẻ... Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa nhìn thành Giêrusalem và khóc, chắc Mẹ cũng chẳng vui gì khi nhìn ngắm Giêrusalem.
 
Qua những bước chân của Mẹ, chúng ta thêm tin tưởng vào tình thương của Chúa, vì tuy có đau khổ, thất vọng, nhưng cuối cùng vẫn là chiến thắng khải hoàn.
 
Trong cuộc sống linh mục của chúng con sau này, chắc chắn cũng có những bước bi quan, chán nản, thất vọng, cô đơn, đau khổ, cực nhọc, buồn bã. Nhưng nếu chúng con biết kết hợp những đau khổ này với những bước chân của Mẹ, chắc chắn chúng con cũng sẽ được hưởng những bước chân khải hoàn vinh phúc như Mẹ.
 
Là những người tận hiến cho Chúa, ngày lễ Dâng Mình của Đức Mẹ đánh dấu một sự đổi mới trong lòng mỗi người chúng ta. Như Mẹ đã dâng mình và sống trọn vẹn cho Chúa, chúng ta cũng muốn dâng cả cuộc đời mình để phục vụ Chúa và Giáo Hội, bất chấp mọi khó khăn sẽ xảy đến trong cuộc đời của chúng ta như Mẹ đã can đảm hiên ngang đến bên con trong giờ phút đau khổ và nhục nhã nhất.
 
Xin Mẹ cho chúng ta biết sống tinh thần dâng hiến và phó thác của Mẹ, để chúng ta hoàn toàn dấn thân phục vụ Chúa. Amen.
 
 
Bài 132: Nơi cầu nguyện
Thứ sáu 22-11-1991.
 
Lc 19, 45-48; 1 Mcb 4, 36-37. 52-59
 
Đọc Phúc Âm, chúng ta thấy cuộc đời của Chúa Giêsu luôn gắn liền với đền thờ. Ngay từ lúc mới sinh ra, Đức Mẹ và Thánh Giuse đã đưa Chúa vào đền thánh để thanh tẩy và dâng hiến theo Luật Mô-sê. Chính ở nơi này, ông già Simeon và bà Anna đã ca tụng và nói tiên tri về Chúa. Rồi cũng trong đền thánh Giêrusalem, vào năm 12 tuổi Chúa đã theo Cha Mẹ đi dự lễ và đã làm cho các tiến sĩ luật phải sửng sốt về sự khôn ngoan và tài trí của Ngài. Và trong 3 năm rao giảng, Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần giảng dạy trong đền thờ. Hôm nay, bài Phúc Âm tường thuật Chúa đã khóc khi nhìn ngắm đền thờ và xót xa cho số phận hoang tàn của đền thờ trong tương lai; và sau đó khi vào trong đền thờ, Ngài đã nổi giận xua đuổi tất cả những kẻ buôn bán, kinh doanh ra khỏi đền thờ.
 
Đối với người Do Thái thời đó, việc buôn bán trong đền thờ là điều hợp luật và hợp lý vì giúp người dân chu toàn bổn phận theo luật Mô-sê. Nhờ có nơi đổi tiền, người ta mới có thể có tiền dâng cúng, hoặc mua chiên cừu, chim câu làm hy tế theo luật. Tục lệ này đã có từ lâu và càng ngày càng được khuyến khích mở rộng. Vậy tại sao Chúa lại xua đuổi?
 
Bài Phúc Âm cho thấy lý do của hành động này. Chúa nói: “Nhà của Ta là nhà cầu nguyện, mà các ngươi lại biến nó thành hang trộm cướp”. Chúa muốn mọi người hãy trở về mục đích nguyên thủy khi xây dựng đền thờ là để thờ phượng Thiên Chúa và cầu nguyện. Làm sao có thể cầu nguyện và thờ phượng Chúa khi chung quanh ồn ào, cải vã, giành giựt với chuyện đổi tiền, mua sắm. Thật ra, qua hành động xua đuổi những người buôn bán, kinh doanh trong đền thờ, Chúa muốn hướng đến một chiều kích mới mẻ và thâm sâu hơn. Đó là đã đến thời điểm chấm dứt kiểu thờ phượng Thiên Chúa bằng lễ vật dâng tế và cũng đã qua đi thời kỳ thờ phượng Chúa trong đền này đền nọ, nhưng thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và sự thật. Nghĩa là thờ phượng Ngài bằng chính tâm hồn của mình, với những vui buồn của cuộc sống. Hơn nữa, đền thờ xứng đáng hơn cả, cao trọng hơn cả chính là Chúa Giêsu khi Ngài tuyên bố với đám đông: “Hãy phá đền thờ này đi và Ta sẽ xây lại trong ba ngày”. Ngài ám chỉ tới cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Ngài.
 
Hôm nay, lễ kính Thánh Cecilia, một thánh nữ đạo đức, khôn ngoan, trẻ tuổi. Cecilia sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có. Khi đến tuổi trưởng thành, Cecilia được gả cho một gia đình sang trọng. Ngày cưới, Cecilia nói với chồng: “Nếu cùng chấp nhận sống đồng trinh, anh sẽ được xem thấy thiên thần bản mệnh của mình.” Cuối cùng, Cecilia đã chinh phục được chồng. Anh ta chịu Phép Rửa và còn kéo theo cả em trai mình trở lại đạo nữa. Cả ba cùng được phúc tử đạo, sẵn sàng chịu đau khổ vì danh Chúa. Cecilia chịu chém ba nhát nhưng vẫn còn thoi thóp thở. Ngài xin cho được gặp Đức Giáo Hoàng. Lúc đó, Đức Giáo Hoàng đang ẩn dạng làm một người ăn xin trong đám đông, liền tiến đến gần Cecilia. Lúc ấy Thánh Nữ Cecilia không thể nói gì được nữa vì yếu sức. Ngài chỉ giơ hai tay ra cho Đức Giáo Hoàng xem. Một tay giơ ba ngón và tay kia giơ một ngón. Cecilia có ý cho Đức Giáo Hoàng hiểu Ngài tuyên xưng chỉ có một Chúa Ba Ngôi mà thôi. Như vậy, ngay thế kỷ thứ ba, Cecilia đã là một chứng nhân cho lòng tôn thờ Chúa đích thực. Tôn thờ với quả tim, với hy sinh trọn vẹn, ngay chính mạng sống của mình.
 
Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cầu xin Thánh Nữ Cecilia ban cho tất cả mọi người chúng ta được ơn sống đời cầu nguyện hy sinh, để biến tâm hồn mình thành đền thờ sống động cho Chúa, hầu sau này được hưởng phúc thiên đàng với Ngài. Amen.

 

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây