Cựu Chủng Sinh Huế

http://cuucshuehn.net


Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (8)

-

-

“Ước mong những suy tư giản dị, trong sáng như cuộc đời của Đức Cố Hồng Y, trong tập bài giảng này, cũng giúp tất cả chúng ta hiểu biết Chúa nhiều hơn, yêu mến Chúa nhiều hơn, và yêu mến Giáo Hội của Chúa nhiều hơn.” [Tài liệu Đức Ông Phan Văn Hiền HT63, gửi riêng cho trang CCSHue]. Phần 8.
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - Bài Giảng và Huấn Từ (8)

 
Bài 71: Cách chia sẻ Phúc Âm
Chúa nhật 22-09-91. Chúa Nhật XXV Quanh Năm B
 
Mc 9, 30-37; Kn 2, 12. 17-20; Gc 3, 16-4, 3
 
Trước hết, chúng ta cần phân biệt “Tìm hiểu Phúc Âm” khác với “Chia sẻ Phúc Âm.” Tất nhiên, để có thể sống và chia sẻ Phúc Âm, chúng ta phải thấu hiểu Phúc Âm trước.
 
Phần một: Chia sẻ Phúc âm
 
Cha lấy ví dụ sau đây.
 
Năm ngoái, ông Thomas, một người Đông Đức đã chia sẻ trên báo như sau:
 
Thưa các bạn, chúng tôi là người dân Đông Đức, đã từng sống dưới chế độ Cộng Sản. Dầu vậy, chúng tôi luôn hạnh phúc vì biết sống chia sẻ Lời Chúa hằng ngày. Sau đây là một thí dụ điển hình.
 
Sau khi nghe bài Phúc Âm với Lời Chúa dạy rằng: “Ai yêu mến các trẻ nhỏ này vì Danh Ta là yêu mến chính Ta”, tôi tự hỏi mình phải sống Lời Chúa như thế nào trong hoàn cảnh của tôi bây giờ, nhất là trong dịp Mùa Giáng Sinh gần đến. Tôi chợt nhớ đến quân đội Xô Viết đang đóng trong thành phố chúng tôi. Những người lính Xô Viết ấy là những thanh niên trai trẻ. Họ đến đây cũng chỉ vì bổn phận. Tôi phải đối xử thế nào và có thể làm gì được để giúp họ. Thật ra, tất cả mọi người Đông Đức chúng tôi đều ghét cay ghét đắng những người lính Xô Viết này, nếu chưa nói là căm thù, vì họ đã chèn ép, gò bó chúng tôi trong nhiều năm trời. Bây giờ, họ không còn quyền gì trên chúng tôi, nhưng họ vẫn chưa về nước. Ngay những người lính ấy cũng nhìn chúng tôi với con mắt hăm dọa. Chính họ không được phép tiếp xúc với chúng tôi, và không ai trong chúng tôi muốn giao thiệp với họ.
 
Nhưng Lời Chúa dạy tôi phải đón nhận họ và ai đón nhận họ, Chúa kể như là đón nhận chính Chúa. Thật là khó! Tôi bàn với mấy người nữa và quyết định làm đơn gởi Bộ Tư Lệnh xin phép cho những người lính này được ra ngoài trại để dự lễ Noel với chúng tôi. Đây là một việc hết sức khó khăn vì đã có lệnh cấm. Thế nhưng, chúng tôi được Bộ Tư Lệnh trả lời đồng ý. Chúng tôi bàn tính kế hoạch để có thể tiếp đón 457 người lính trẻ ấy. Sau khi bàn hỏi ý kiến với một số người thân, tôi đăng báo mời gọi tất cả mọi người, mọi gia đình Kitô Hữu cùng hiệp lực góp sức thực hiện chương trình này. Gia đình nào có thể đón nhận bao nhiêu người lính trẻ đến dự Noel thì gởi thơ hay gọi điện thoại cho chúng tôi biết. Có ngày tôi nhận được 60 cú điện thoại của các gia đình Kitô Hữu, xin cho lính trẻ Liên Xô đến dự Lễ Noel với mình. Và cuối cùng, số người Đức xin nhận đón tiếp nhiều hơn số lính trẻ Liên Xô.
 
Tất cả mọi gia đình Kitô Hữu chúng tôi ở thành phố này đã dự một lễ Noel vui vẻ, xúc động chưa từng có. Chúng tôi dẫn mấy anh lính trẻ đến nhà thờ Công giáo hoặc Tin Lành dự lễ Noel. Sau thánh lễ, chúng tôi đưa họ về gia đình dự tiệc. Họ ngồi cùng chúng tôi bên cạnh cây Noel. Trước đây, chúng tôi nhìn họ bằng con mắt hằn học, nhưng bây giờ chúng tôi cảm thấy họ dễ thương quá. Chúng tôi xem họ như con cái trong nhà. Họ cũng rất vui vẻ, đơn sơ và cảm động. Trước khi họ ra về, chúng tôi còn tặng quà Noel cho họ; có gia đình còn mang quần áo ra cho họ tùy ý chọn bộ nào thì chọn. Được ít ngày, Bộ Tư Lệnh gởi thư và đăng báo cám ơn các gia đình Công Giáo và Tin Lành đã đón tiếp những người lính của họ trong dịp Lễ Noel. Sau đó, chúng tôi lại xin phép vào thăm họ ở trong trại và xin cho họ được về nhà chúng tôi. Gia đình của các người lính này ở Liên Xô viết thư cảm ơn chúng tôi và tất nhiên chúng tôi cũng viết thư đáp lại. Thật chúng tôi đã sống Phúc Âm và cảm thấy rất hạnh phúc.
 
Đó là một cách chia sẻ Phúc Âm. Chia sẻ Phúc Âm là nói cho anh em về cách mình đã sống, những kinh nghiệm mình đã thực hành lời Phúc Âm ấy thế nào, chứ không phải là giải thích đoạn Phúc Âm, vì giải thích Phúc Âm là việc làm của các nhà chuyên môn.
 
Nếu chúng con cũng biết sống Phúc Âm như thế thì cộng đoàn của chúng con sẽ vững chắc, thánh thiện.
 
Phần hai: Tìm hiểu ý nghĩa và bài học của Phúc Âm.
 
Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy có hai vấn đề: Chúa báo trước về cuộc tử nạn, nhưng các môn đệ không hiểu, và khi Chúa dạy: “Ai đón nhận trẻ em này vì danh Ta là đón nhận chính Ta”, thì dân chúng càng không hiểu gì cả. Đây là một vấn đề của khoa Giáo Hội Học. Giáo Hội là một cộng đoàn như các tổ chức xã hội khác vì cũng có cấp bậc, phẩm trật, nhưng lại khác ở chỗ cấp bậc trong Giáo Hội không phải để cai trị, nhưng để phục vụ. Ai làm lớn, phải phục vụ kẻ bề dưới. Điều này thường làm cho những người không cùng tín ngưỡng lấy làm ngạc nhiên. Vì thế, nếu một Giám Mục hay linh mục dùng quyền hành của mình để đàn áp, chèn ép, đè đầu, cưỡi cổ giáo dân, người đó chắc chắn đã đi sai đường lối rồi. Phục vụ trong Giáo Hội mang tính cách triệt để, hoàn toàn, và không không bao giờ mong được lợi lộc, đền đáp. Lời Chúa dạy hôm nay còn mang một ý nghĩa sâu sắc hơn khi Ngài dạy hãy phục vụ như phục vụ trẻ thơ. Phục vụ những người có quyền thế thì còn mong được trả công hay xin xỏ quyền lợi nào đó, nhưng phục vụ trẻ nhỏ thì chẳng được lợi lộc gì, ngay cả lời cám ơn, vì trẻ thơ chưa biết gì, và thông thường chúng luôn đòi hỏi nhiều thứ tùy ý thích.
 
Chúa đòi hỏi chúng ta phải phục vụ tha nhân như phục vụ trẻ em, nghĩa là phải phục vụ hoàn toàn không lo tính thua thiệt, không cân đo đong đếm. Và phần thưởng của sự phục vụ này là chính Chúa như Chúa đã nói: “Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ vì Ta là đón nhận chính Ta”.
 
Xin Chúa cho chúng con biết phục vụ anh em mình. Cũng xin Mẹ Maria là con người phục vụ như khi Mẹ đi viếng Bà Thánh Isave, sinh hạ Chúa Giêsu, làm việc hằng ngày và sau này lại giúp đỡ Thánh Gioan và các Tông Đồ, cho chúng con biết noi gương Mẹ sống tinh thần phục vụ. Amen.
 
 
Bài 72: Gương sáng
Thứ hai 23-09-1991 - Tuần 25 Thường Niên
 
Lc 8, 16-18; Er 1, 1-6
 
Bài Phúc Âm này vắn gọn nhưng ý nghĩa thật súc tích. Chúng ta có thể chia thành ba phần:
 
Phần một, Lời Chúa phán “Thắp đèn phải đặt lên giá đèn” phải hiểu như thế nào? Người ta thường cắt nghĩa hành động này có ý ám chỉ đến mỗi người chúng ta phải nên như ngọn đèn sáng soi cho thiên hạ. Đây là ý nghĩa siêu nhiên, còn ý nghĩa tự nhiên của nó là: Chúa Giêsu là ánh sáng đã đến thế gian. Ánh sáng ấy phải chiếu sáng khắp nơi, cũng như hạt lúa mì phải chịu chôn vùi dưới lòng đất, rồi mới phát triển và trổ sinh hoa trái. Điều này nói lên vinh quang sau cùng Chúa tỏ hiện. Giáo Hội tin tưởng và tín thác vào vinh quang cuối cùng ấy của Chúa, và trông chờ ngày khải hoàn của Chúa Kitô quang lâm. Trong ngày ấy, sự sáng sẽ tỏ hiện, như ngày lúa mì trổ sinh hoa trái. Và đó là hy vọng của dân Chúa.
 
Tiếp đến, Lời Chúa dạy: “Không có gì dấu kín mà không bị lộ ra.” Thông thường, người ta nghĩ đó là ngày tận thế, ngày mà mọi việc lành, điều dữ của mỗi người đều bị đem ra ánh sáng một cách rõ ràng. Nhưng thực ra ý nghĩa của đoạn Phúc Âm này bao gồm hai yếu tố, hai sự liên hệ khác hẳn nhau: liên hệ mật thiết giữa linh hồn của người tốt với Chúa, và sự liên hệ của linh hồn xấu. Quan hệ giữa linh hồn tốt lành với Chúa dù âm thầm, lặng lẽ, không có gì tỏ lộ ra bên ngoài, nhưng sẽ có lúc được tỏ hiện minh bạc làm cho mọi người đều nhận thấy. Người ta thường nói: “Hữu xạ tự nhiên hương”. Một bông hoa để trong phòng tự nhiên cả phòng ngát hương thơm của nó. Tâm hồn tốt lành cũng vậy.
 
Cũng vậy, liên hệ của linh hồn tội lỗi dù thầm kín, che dấu được trong một thời gian dài đến 5, 10, 20, 40 hay 60... năm, rồi cũng có lúc bị phanh phui ra.
 
Sau cùng là câu nói của Chúa: “Ai có sẽ được cho thêm, ai không có sẽ bị mất phần đã có.” Thoạt nghe, chúng ta thấy có vẻ ngược đời. Chúa cho chứ Chúa đâu có lấy lại. Quả thực đây là mầu nhiệm của ân sủng. Ân sủng Chúa ban, nếu ta trung thành thì Chúa sẽ ban thêm, còn nếu ta không trung thành, Chúa sẽ không tiếp tục ban ơn nữa và vì thế phần đã có cũng trở nên vô ích. Chẳng khác gì một gian phòng sang trọng, lộng lẫy trang bị nhiều bóng đèn điện quý giá, nhưng nếu không có điện thì bao nhiêu cái đẹp, cái lộng lẫy của căn phòng cũng trở thành vô nghĩa bởi vì bị bóng tối bao phủ. Ngược lại, các đồ vật trong căn phòng sẽ tăng thêm vẻ đẹp nhờ có ánh sáng của đèn điện soi tỏ.
 
Ơn thánh Chúa cũng có thể ví như những dụng cụ dùng bằng năng lượng mặt trời. Dụng cụ ấy dù có được trang bị tối tân đến dâu đi nữa cũng trở thành vô dụng nếu không có mặt trời.
 
Nói tóm lại, Bài Phúc Âm hôm nay giúp chúng con nhìn lại mình và tự hỏi mình đã sống thế nào với ánh sáng Chúa chiếu soi. Mình đã làm gì để làm chứng nhân cho ánh sáng của Chúa? Mình đã có liên hệ như thế nào với Chúa? Đã đón nhận ân sủng Chúa ra sao? Có tăng triển hay tàn lụi? Tất cả các câu hỏi đó có thể giúp chúng con xét mình để thăng tiến đời sống thiêng liêng của mình. Amen.
 
Cắt nghĩa Phúc Âm
 
Trước khi con người sinh ra ở trần gian này, con người đã sống trong một thời gian đen tối trong lòng mẹ. Điều đó nói lên bản chất của con người ưa bóng tối, vì từ đầu con người đã sống trong môi trường bóng tối. Người ta thường nói: bóng tối là bạn của tội lỗi, vì trong bóng tối người ta dễ dàng phạm các tội, giết người, trộm cắp... mà không sợ ai phát hiện. Ngay bản tính của con người cũng có cái gì đó ghê sợ bóng tối. Bóng tối được hiểu như là thời giờ hoạt động của ma quỉ. Người ta thường nói đi tối sợ ma. Cũng đúng thôi. Có ai lại sợ ma ban ngày. Nhưng hễ bóng tối buông xuống là tinh thần bắt đầu e ngại.
 
Đàng khác, ngay từ thời sơ khai, con người đã không thể sống trong bóng tối. Vì thế, người ta đã dùng lửa để xua tan bóng đêm. Và ngày nay, con người đã dùng đèn điện, và cố gắng tận dụng triệt để ánh sáng của nó bằng mọi cách như treo cao bóng đèn, kiểu chụp đèn...
  
Lời Chúa Giêsu hôm nay cho thấy ánh sáng là chính Ngài, Ngài đã đến thế gian và được treo lên để cho mọi người được sáng. Không một người lương thiện nào lại có thể chối bỏ ánh sáng ấy. Chối bỏ ánh sáng là chấp nhận tội ác. Vì thế Lời Chúa nói tiếp: “Không có gì dấu kín mà không bị đưa ra ánh sáng”. Trong Phúc Âm Chúa đã có lần dạy rằng: “Khi cầu nguyện, chúng con hãy vào phòng đóng cửa lại và cầu nguyện. Cha trên trời sẽ biết và thưởng công”.
 
Thiên Chúa thông biết mọi sự, không có sự gì có thể che dấu được Ngài. Ví thế, mỗi người cần phải sống và hành động trong ánh sáng ban ngày, với tinh thần hiệp thông, nhất là liên kết mật thiết với Chúa, để những gì chúng ta đã nhận từ Ngài sẽ được tiếp tục ban thêm dư đầy.
 
Lạy Chúa, xin cho con sống đơn sơ, chân thành và thanh bạch, để con được gần Chúa và anh em. Amen.
 
 
Bài 73: Huấn dụ về cách nguyện ngắm (1)
 
Chiều nay, Cha chỉ nói một vài điều vắn tắt thôi.
 
Năm nay, chúng con có giờ nguyện ngắm. Khi nguyện ngắm thì tự do ngồi, quì hay đứng. Nhưng thông thường, người ta có thói quen quỳ vào đầu giờ nguyện ngắm, giữa giờ có thể ngồi hay đứng và lại quỳ ở cuối giờ gẫm. Các cử chỉ này dù không bắt buộc cũng rất cần cho việc nguyện ngắm. Trong nghi thức phụng vụ vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh hoặc trong lễ phong chức linh mục chúng con thấy chủ tế và các tiến chức nằm sấp mình để cầu nguyện nữa.  Sách cách ngôn người Pháp có câu: “Prend les choses telles qu’elles sont et les gens tels qu’ils sont”, nghĩa là “Chấp nhận các sự việc như chúng đang hiện hữu, và chấp nhận con người như họ đang là như vậy”. Có nghĩa là người ta thế nào mình chấp nhận thế ấy.
 
Chúng con hãy cố đọc Kinh Thánh hằng ngày. Và tại sao đọc hoài mà không thấy thấm? Có một lần, các chủng sinh trong một chủng viện học Kinh Thánh than thở với Cha giáo sư: “Chúng con học Kinh Thánh mấy năm trời mà không thấy yêu mến, say mê Kinh Thánh. Tại sao vậy?” Cha giáo sư trả lời: “Cần phải trau dồi học hỏi Kinh Thánh luôn. Mỗi tháng, tôi phải cố gắng đọc 500 bài báo về Kinh Thánh ở các nước trên thế giới gởi về, để có thể hiểu thêm về kho tàng dồi dào bất tận của Kinh Thánh. Vì thế, các bài vở Kinh Thánh tôi dạy học luôn đổi mới, không bao giờ nhàm chán. Cũng vậy, các Thầy phải đọc và tìm hiểu Kinh Thánh luôn trong tinh thần khiêm tốn và cầu nguyện, rồi từ từ sẽ cảm thấy say mê Kinh Thánh”.
 
Chúa Giêsu, Lời Thiên Chúa đã đổi mới và thánh hóa con người trở nên thánh. Nếu không có Chúa, con người chẳng hơn gì con vật và có khi còn kém loài vật, vì con người ghen ghét nhau, chém giết nhau để dành sự sống. Học Kinh Thánh là để thay đổi đời mình, nếu không thay đổi thì thật là nguy hiểm.
 
Nói tóm lại, nguyện ngắm Lời Chúa trong tinh thần khiêm tốn sẽ giúp chúng con thay đổi cuộc sống mình cho phù hợp với lời Chúa dạy và ngày càng trở nên tốt lành thánh thiện hơn.
 
 
Bài 74: Người thân của Chúa Giêsu
Thứ ba ngày 24-09-1991 - Tuần 25 Thường Niên
 
Lc 8, 19-21; Er 6,7-8.12.14-20
 
Đoạn Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy có hai hạng người tìm đến với Chúa: dân chúng và gia đình của Chúa. Về phía gia đình Chúa, có hai yếu tố để người thân đến gặp Chúa. Một là vì gia đình đã nghe nhiều lời đồn đại không tốt về Chúa: Ngài bị điên, bị quỉ ám... Vì thế, gia đình đến thăm Chúa Giêsu để an ủi nhưng đồng thời cũng lo sợ cho tính mạng của Chúa vì Ngài đang bị nhóm Biệt Phái căm phẫn, tìm cách hãm hại. Thứ hai là gia đình thấy Chúa được dân chúng theo đông, được nhiều người mộ mến, cũng muốn đưa Chúa về nhà giữ độc quyền, với hy vọng một khi Chúa được tôn vinh, gia đình cũng được hưởng vinh quang. Chỉ có yếu tố thứ nhất được Phúc Âm nhắc đến trong đoạn Phúc Âm hôm nay, còn yếu tố thứ hai Thánh Luca vì tế nhị nên Ngài không đề cập đến.
 
Đặt bài Phúc Âm trong khung cảnh Việt Nam, chúng ta thấy việc Bà Cố, quan bác... đến gặp Chúa Giêsu là một việc thật bất ngờ. Khi nghe biết có Bà Cố và anh em Chúa đến thăm, đám đông tự động rẽ ra hai bên nhường lối đi và nghĩ rằng Chúa sẽ vui mừng ra đón tiếp. Thế nhưng, phản ứng của Chúa thật khác lạ. Nhưng cũng nhờ sự khác lạ này, chúng ta được một bài học về mầu nhiệm gia đình Chúa. Lời Chúa rất ngắn gọn, nhưng nhiều ý nghĩa: “Mẹ và anh em Ta là những ai biết nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.
 
Như vậy, yếu tố để trở nên thành viên trong gia đình của Chúa là nghe lời Chúa và đem ra thực hành. Nghe Lời Chúa, không phải chỉ nghe bằng tai, vì giả như một người bị điếc thì người đó chẳng bao giờ được nghe Lời Chúa hay sao? Thật ra, nghe lời Chúa là mở lòng mình đón nhận hồng ân. Nghe bằng con tim để chấp nhận ánh sáng của Chúa như Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu hay như các trẻ nhỏ ở Fatima...
 
Nghe Lời Chúa thôi không đủ nếu không thực hành. Thực hành Lời Chúa mới là lắng nghe hoàn toàn trọn vẹn. Lắng nghe mà không thực hành cũng chẳng khác gì với chống lại. Do đó, để trở nên thành viên thực thụ trong gia đình của Chúa, người nghe Lời Chúa phải thực hành, phải sống Lời Chúa.
 
Nhiều giáo dân phàn nàn: giữ đạo, theo đạo chẳng ích gì vì có khi còn nghèo khổ hơn người không có đạo hoặc đạo cũng chẳng ảnh hưởng gì cho xã hội. Thật ra, nếu mọi người đều biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa, thế giới, xã hội và chính con người sẽ tốt đẹp hơn nhiều. Họ sẽ biết yêu thương nhau, chia sẻ của cải tinh thần và vật chất cho nhau... Nhìn vào thực tế, chúng ta có thể nhận ra được rằng chính vì xã hội, địa phận, giáo xứ, gia đình chúng ta chưa biết lắng nghe và đem Lời Chúa ra thực hành, nên mới có những sự không tốt len lỏi vào trong cộng đồng của chúng ta.
 
Lạy Chúa, bấy lâu chúng con đã không lắng nghe Lời Chúa và thực hành Lời Chúa. Xin hãy mở lòng chúng con đón nhận hồng ân bao la của Ngài và áp dụng vào cuộc sống. Amen.
 
 
Bài 75: Sứ mệnh của Giáo Hội
Thứ tư ngày 25-09-1991 - Tuần 25 Thường Niên
 
Lc 9, 16; Er 9, 5-9
 
Bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy Chúa trao ban sứ mệnh của Ngài không những chỉ cho những người mục tử mà cho hết mọi người nghĩa là toàn thể Giáo Hội. Có hai điều Chúa ban cho là chữa lành bệnh tật và trừ quỷ.
 
Trừ quỷ theo nghĩa thiêng liêng là giúp người ta thoát khỏi đời sống nô lệ cho tội lỗi, và giúp họ sống đạo đức, thánh thiện và cởi mở tâm hồn để đón nhận ơn Chúa. Như thế, trừ quỷ cốt yếu là làm cho con người sống mật thiết với Chúa. Còn về phần xác, trừ quỷ giúp chữa trị khỏi bệnh tật, đau yếu, tức là đem lại hạnh phúc cho con người. Đó cũng chính là sứ mệnh của Giáo Hội: đem tình thương của Thiên Chúa đến cho con người.
 
Hôm qua, chúng con hân hạnh được gặp Mẹ Têrêsa, và điều Mẹ nhấn mạnh là đời sống cầu nguyện. Dòng hoạt động của Mẹ đòi hỏi các tu sĩ mỗi ngày phải chầu Mình Thánh Chúa một giờ và tu sĩ dòng chiêm niệm của Mẹ chầu Mình Thánh Chúa 4 giờ một ngày. Mẹ nói: “Nhờ vào đời sống cầu nguyện ấy mà chúng tôi đã thành công vì có Chúa trợ giúp.”
 
Mẹ là gốc người Albani, nhưng lại sinh ra ở Batư vì một số người Albani sống ở Batư khi Albani bị loạn. Sau đó, gia đình Mẹ di cư sang Anh, và vào tu tại một dòng ở Anh. Sau một thờ gian làm giáo sư ở Anh, Mẹ được Bề Trên thuyên chuyển sang truyền giáo ở Cuba. Chính nơi đây, Mẹ được ơn Chúa soi dẫn để thành lập một dòng mới. Hiện nay, dòng của Mẹ lan rộng trên 96 nước. Chưa có mấy dòng lớn như vậy. Mẹ còn là Bề Trên của 5 dòng khác nhau, và nay đã 81 tuổi.
 
Bài Phúc Âm hôm nay càng làm cho chúng ta hiểu tại sao danh tiếng Mẹ lại vang dội thế. Mẹ thật sự là con người được Thiên Chúa dùng. Và khi Thiên Chúa dùng ai, Ngài sẽ làm chấn động khắp nơi, cho dù người đó tầm thường đến đâu đi nữa. Mang tên các tu sĩ bác ái, dòng của Mẹ đi đến mọi nơi và phục vụ những người nghèo khổ nhất. Có Chúa cùng hoạt động, mọi việc đều trôi chảy. Mẹ đã lập một cộng đoàn nhà dòng của Mẹ ở Campuchia, và hôm qua đáp lời Mẹ yêu cầu, Nhà Nước đã sẵn sàng cho Mẹ một khu nhà ở Hà Đông để lập dòng. Sáng nay, khi vừa tham dự thánh lễ xong, Mẹ phải đi xem đất ngay và 10 giờ sáng lại quay về Cuba. Khi Chúa dùng thì dễ dàng như vậy đấy.

Xin Chúa mở lòng chúng con đón nhận ơn của Ngài. Amen.

Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây